*** Trần Củng Sơn ***
Nhất là lời ca của các ca khúc Trịnh Công Sơn có những chữ bí hiểm, cộng thêm ca sĩ hát không rõ lời, cộng thêm cao độ của nốt nhạc làm thay đổi các dấu sắc huyền hỏi ngã nặng của chữ khiến đôi lúc đoán không ra.
Chẳng hạn: “Nhớ mãi trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau,bước chân em xin về mau”. Từ trước đến giờ cứ nghĩ là: “Nhỡ mai trong cơn đau vùi…”. Có nghĩa là lỡ ngày nào đó anh bệnh liệt giường không đến tìm em được thì làm sao thấy được mặt nhau. Phải biết là đời sống ở VN không có điện thoại, muốn gặp phải đạp xe tới nhà. Mà con trai chủ động biết địa chỉ nhà em chứ mấy cô thường không biết chàng ở xóm nào. Chiều nào chàng cũng đạp xe ngang ngõ nhà nàng hay lẽo đẽo theo chân nàng sau những lần tan trường. Chàng đau không đến được thì đúng là “làm sao có nhau”.
Như vậy “nhớ mãi trong cơn đau vùi” là chàng đang bệnh nặng nhớ người yêu da diết, còn “nhỡ mai trong cơ đau vùi” là chưa bệnh hay bệnh sơ sơ. Nếu trí nhớ không lầm thì hơn 20 năm trước đọc bản nhạc in chữ chép tay của tác giả thì là “nhỡ mai.” Bây giờ trong tập nhạc do nhà Nhân Bản in tại Sài Gòn năm 1993 thì là “nhớ mãi.” Chữ nào đúng phải hỏi Trịnh Công Sơn.
Có điều khi hát hai nốt “mí mí” thì “nhớ mãi ” hay “nhỡ mai” đều nghe giống nhau, ai muốn hiểu sao cũng được, ý nào cũng thích hợp.
Có lẽ đó là một trong những nét đặc biệt của lời trong ca khúc người nhạc sĩ này. (Khi đang viết bài này tôi điện thoại hỏi ba người bạn thì họ bảo là “nhớ mãi”. Té ra bao nhiêu lâu nay mình hiểu sai chăng? Có lẽ do chữ chép tay bay bướm nên dấu sắc đọc lộn dấu ngã? Và có lẽ do tưởng tượng về cách đặt lời của TCS khác người nên tôi cho là “nhỡ mai”?
Về sự hiểu lầm, nghe lầm từ ngữ cũng thường xảy ra.Trong bài “Một Cõi Đi Về” có câu: “Con tinh yêu thương vô tình chợt gọi” mà rất nhiều ca sĩ hát là “con tim yêu thương vô tình chợt gọi.” Chữ “con tim” dùng rất thường, chữ “con tinh” mới lạ, độc đáo, mới là Trịnh Công Sơn.
Chợt nghe giọng ca sĩ Tuấn Anh hát “Một Cõi Đi Về” trên đài, hát chậm rõ từng lời, lần đầu tiên thấy bài hát hay và giọng hát Tuấn Anh hay. Hai ba năm trước nghe anh em kể Tuấn Anh gọi xin phép Phạm Duy để thu băng một ca khúc của ông nhưng ông từ chối và không biết ông nói những gì làm chàng ca sĩ có lối ăn mặc “lại cái” đã phản pháo bằng cách đem tên tuổi Trịnh Công Sơn ra để áp đảo Phạm Duy. Cái miếng võ cũng có dăm ba người xử dụng khi người ta muốn làm giảm uy thế của cây cổ thụ tân nhạc Việt Nam. Trong những cuộc bàn luận văn nghệ, đề tài nhạc họ Phạm và họ Trịnh, ai hay hơn ai vẫn thường xảy ra.
Trong cuốn Nhạc Và Đời in trong nước, Trịnh Công Sơn viết về kỷ niệm buổi trình diễn của ông năm 1965 bảo là có một “hạt sạn.” “Đó là việc Phạm Duy cùng một số đệ tử trong nhóm Du Ca của ông đồng ca bài: Sức Mấy Mà Buồn.” Đây là một trong những bài ca đầy tính chất khôi hài và diễu cợt một cách thiếu đứng đắn…) (Nhạc Và Đời trang số 461).
Tôi ngạc nhiên khi đọc những dòng chữ có vẻ chỉ trích của Trịnh Công Sơn, một điều hiếm thấy trong tác phẩm và lời phát biểu của ông. Có người bạn suy luận rằng đây có thể là do người chủ trương cuốn sách in thêm vào nhằm mượn tay Trịnh Công Sơn để hạ uy tín Phạm Duy. Ở thời đại đầy những xảo tính, không biết đâu thật giả, phải đích thân hỏi Trịnh Công Sơn có viết những dòng chữ đó hay không. Về cái chuyện nhà xuất bản hay tòa soạn tự ý đục bỏ, cắt xén, sửa đổi và nguy hiểm nhất là thêm vào những đoạn văn hay những chữ không phải của tác giả để nhằm mục đích nào đó thì không thể nào tránh khỏi. Cho nên người xưa nói “đọc sách mà tin sách quá thì thà đừng đọc thì hay hơn” thật đáng suy gẫm.
Cho đến nay khi sắp hạng các nhạc sĩ sáng tác ca khúc, người ta vẫn để Phạm Duy và Trịnh Công Sơn ngoại hạng. Cái kiểu đối đãi như Nam Đao Bắc Kiếm trong võ lâm, Lý Bạch Đỗ Phủ trong Đường thi…. Nói về Trịnh Công Sơn biết bao là chuyện, nhất là những tranh luận về văn nghệ với chính trị trong tác phẩm và cuộc đời của ông.
Nhạc sĩ Văn Cao gọi “Trịnh Công Sơn là người thơ ca “chanter,” nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ.”
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bảo nhạc của TCS không đặc biệt nhưng về lời ca thì là thiên tài, ngay đến cả thế kỷ 21 cũng chưa có người thay thế….
Nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn Hồi ký của ông có nhận xét là nhạc tình của Ngô Thụy Miên tươi hơn nhạc tình của Trịnh Công Sơn: “Người thi nhân có nhiều hơn trong người thứ nhất (TCS) nhưng người nhạc sĩ nổi bật hơn trong người thứ hai (NTM).”
Người viết không đồng ý với Phạm Duy về câu này. Đem Ngô Thụy Miên để so sánh với Trịnh Công Sơn không cân sức vì số lượng nhạc phẩm họ Trịnh gấp cả chục lần. Không nói về lời ca, chỉ bàn về nét nhạc (melody), đem con số những bài tình ca hay nhất của TCS nó vẫn nhiều hơn Ngô Thụy Miên.
Đối với người viết,sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn ví như con người có hai chân. Một chân là nhạc tình còn chân kia là nhạc quê hương chiến tranh, còn được gọi là nhạc phản chiến. Nếu thiếu đi một chân sẽ không thể đi xa. Nếu không có nhạc quê hương chiến tranh, TCS chỉ tầm cỡ như Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An… Nhưng nếu không có nhạc tình thì khi chiến tranh chấm dứt, người ta sẽ quên TCS dễ dàng.
Có người bảo tình ca sẽ bất tử, sẽ luôn được hát bởi vì lúc nào con người lúc nào cũng cần tình yêu, dù hạnh phúc hay khổ đau, nét nhạc tình yêu vẫn ngọt ngào. Nhưng những dấu vết chiến tranh của một thời đã qua vẫn còn mãi trong ca khúc quê hương và chiến tranh mà những ai sinh sau đẻ muộn không bao giờ có dịp để sống, để hiểu, để cảm nhận những chết chóc tàn bạo của nó.
Dĩ nhiên có những nhạc sĩ đi bằng hai chân như ông nhưng chỉ là đôi chân tí hon vì thiếu đi cái thiên tài. Đó là nét nhạc (melody) dễ nghe dễ hát, chuyên chở những suy tư cảm xúc của tác giả bằng những từ ngữ vô cùng độc đáo và tuyệt diệu.
Nhạc quê hương chiến tranh là một trong nửa sự nghiệp của TCS và cũng là đề tài gây tranh luận gây cấn giữa tự do văn nghệ và chỉ đạo chính trị, nó cũng làm cho ông nổi tiếng cả nước, lan ra nước ngoài.
Người miền Nam thua trận, có một số không muốn nhắc tới những ca khúc buồn thảm đó nữa. Có người cho là đã góp phần làm suy sụp tinh thần chiến đấu binh sĩ. Người miền Bắc thắng trận cũng chẳng muốn đề cập nếu không nói là muốn xoá bỏ mọi tàn tích văn hoá miền Nam.
Có một bí ẩn lịch sử là sự phổ biến mau lẹ các bài ca phản chiến. Ngoài sự hấp dẫn của nó, phải chăng có sự hổ trợ ngầm, lợi dụng trong kế hoạch địch vận như dùng tiếng sáo Trương Lương làm tan rã tàn quân của Hạng Võ trong Hán Sở tranh hùng.
Tất cả chỉ là suy đoán vì sẽ không bao giờ có ai thẩm quyền nói ra rằng có hay không có chuyện đó. Và tác phẩm tự nó là nó và tùy theo mỗi người sự thưởng thức rất khác nhau. Viết về tác phẩm và con người Trịnh Công Sơn là cả một quyển sách, trong một vài dòng lan man văn nghệ đâu thể trọn lời. Con người có thể thay đổi lúc này lúc nọ, phe này phe kia, nhưng tác phẩm đã hoàn thành là xong, là bất biến là vĩnh cửu.
Có khi tác giả và tác phẩm nhất quán với nhau nhưng cũng có khi tách rời nhau. Có người ghét Trịnh Công Sơn vì thái độ chính trị đã tẩy chay mọi ca khúc của ông thì trong khi đó lại nghiêm trang hát bài “Này công dân ơi…” của Lưu Hữu Phước ,một cán bộ cộng sản thứ thiệt ai cũng biết.
Với thời gian vài chục năm trôi qua làm mờ nhạt đi mọi thứ, một giây phút nào lòng thanh thản mở ra, tìm về kỷ niệm cũ thì những ca khúc quê hương chiến tranh thời trước 1975 của TCS làm tôi rung động. Ngoài cảm xúc của quá khứ riêng mình, có lẽ những bài hát đó không còn ai hát nữa. Nhưng một điều thích thú là sự tìm tòi học hỏi về giá trị nghệ thuật của nó. Làm sao có thể sáng tác một ca khúc thời sự gây được sự hấp dẫn cho người nghe.
Trời bỗng mưa bất ngờ, tháng 10 Cali ít khi mưa. Có lẽ những giọt mưa liên tục nối dài thành dòng nước chảy và tác giả liên tưởng tới cánh tay dài người yêu.
Nếu đọc lời ca thì: “Dài tay em, mấy thuở mắt xanh xao.” Nhưng khi hát lên thì câu nhạc liên tục thành “dài tay em mấy…” chữ “mấy” ở nhịp thứ 3 được nhấn mạnh và nhiều ca sĩ đã hát và khán giả nghe ra thành: “Dài tay em mấy,thuở mắt xanh xao….” Nghe cũng là lạ, cũng bí hiểm, cũng thích hợp về cái không khí của bài hát đầy hình ảnh trừu tượng.
Có những bài hát được ngâm nga nhiều lần vì chỉ thuộc vài câu nhưng đến khi thuộc cả bài thì không còn mấy thích nữa. Có bài hát cần nói rõ thật tâm tư nhưng cũng có bài cứ mơ mơ hồ hồ, tha hồ mà tưởng tượng. Chẳng hạn biết bao lần cứ nghĩ là “Diễm Xưa” là nét đẹp của cái gì xưa chứ không phải cô Diễm, là kỷ niệm của cuộc tình đẹp, là hình ảnh của bức tranh có cô gái mảnh mai tay dài khẳng khiu, bước đi trên con đường của một khu vườn, có tí mưa làm lá đổ đầy bước chân.
Rồi có một lần cô đơn mình qua lối cũ, nơi ngày xưa hò hẹn cùng người tình,nhìn những dấu chân chim trên cát chợt nghĩ tới người yêu đã đi xa và tự hỏi chắc gì em còn nhớ tới những vết chim di này. Rồi vu vơ nhặt dăm ba viên đá nhỏ ném lung tung, có viên rơi trúng mộ bia trong nghĩa trang gần đó. Tiếng va chạm lách tách làm giật mình, biết đâu làm phiền người nằm dưới,đã an nghỉ vĩnh viễn mà vẫn chưa được yên.
Người có thể sẽ cau mặt, như bia đá xót xa vì đau. Làm sao em biết chuyện này nhỉ? Đá có đau không, không ai biết, nhưng đến đá mà còn biết đau thì huống chi là anh, hỡi người yêu đã làm con tim anh tan nát. Về đây cùng anh để vơi đi nỗi cô đơn, đến sỏi đá cũng cần có nhau nữa kia mà. Đại khái diễn giải bức tranh “Diễm Xưa” tạm có lý.
Người yêu nhỏ nghe cũng thấy hay hay, cũng thầm phục người tình hiểu biết. Nhưng tới câu “Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, cho đời biển động, để người phiêu lãng quên mình lãng du” thì chàng hơi lúng túng chưa kịp tìm ý giải đáp. Có thể là mưa chỗ nào cũng vậy làm cho không thể đi đâu được, đành dừng chân, ngồi đây để nói chuyện với em.
Và nàng phì cười, cái gì cũng có lý và vô lý như mối tình vừa nảy sinh. Xin đưa tay cho anh xem có dài không?
No comments:
Post a Comment