Dạ dày của… miền Trung
Giáo sư Trần Quốc Vượng nói rằng, chợ là cái dạ dày của làng. Nếu thế thì chợ Ba Đồn là cái dạ dày của… miền Trung.
Miền Trung có nhiều chợ nổi danh, như chợ Vinh (Nghệ An), chợ Đông Ba (Huế), chợ Cồn (Đà Nẵng), chợ Đầm (Nha Trang)… Nhưng chợ có bán đủ trăm nghìn sản vật trên đời chính là chợ Ba Đồn, người dân gọi là chợ Đồn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Từ TP Đồng Hới theo hướng bắc đi ra khoảng chừng 50 km. Người ta bảo chưa đi chợ phiên Ba Đồn coi như chưa biết thế nào là… chợ quê đích thực!
Nhắc đến Ba Đồn người ta nghĩ ngay đến cái khu chợ bò trứ danh với cách mua bán đặc biệt, không giống bất cứ chỗ nào, nhưng khu chợ bán thịt bò mới gây cho người ta một ấn tượng đặc biệt. Từng tảng thịt, từng cái đùi bò được treo từ nóc lán dài xuống tận sàn, những thớ thịt săn chắc, đỏ au, tươi rói, dường như vẫn còn giật giật. Người mua mặc sức chọn lựa. Chỉ vào mảng thịt nào là người bán cắt ngay khoanh thịt đó.
|
Nhưng xương bò mới là thứ đặc sản. Không như các nơi, người ta lóc lấy hết thịt, chỉ còn xương trắng phớ. Xương bò ở chợ Ba Đồn bám đầy thịt. Nếu mua xương sườn về chặt khúc, hầm lên, thịt rút lại, cầm chỗ xương lòi ra, gặm một cái ngập chân răng, lịm hết cả người.
Nhưng nếu chỉ nói đến khu chợ bán thịt bò thì không công bằng cho khu bán cá, tôm, mực nang, mực ống… Cá biển của người từ Hộ Độ, Cửa Nhượng (Hà Tĩnh) chở xe vào, hoặc từ Thanh Khê, Cảnh Dương, Lý Hòa, Roòn gần đó theo thuyền cập bến chợ. Cá từ sông Gianh vừa đánh lên, từ cánh đồng vùng Nam Quảng Trạch chở xuống... Đủ các loại, có con to đến vài chục cân, có con nhỏ phải đong bằng chén. Rau quả thì đủ loại, tất cả đều từ vườn nhà, còn thơm mùi đồng đất đổ tràn ra nong nia, không cần sắp xếp, trưng bày.
Đi chợ để… ăn
Đi chợ để mua đã là thú vị, nhưng đi chợ Ba Đồn thú nhất là để… ăn. Ba Đồn nổi tiếng với món thịt chó, đến mức “thương hiệu” thịt chó Cu Loe đi vào tiểu thuyết. Ai từng đọc Những mảnh đời đen trắng của nhà văn người chính gốc Ba Đồn Nguyễn Quang Lập mà không tìm đến thịt chó Cu Loe thì người đó chưa rành… thịt chó!
Chợ Ba Đồn có một khu ẩm thực, tôi đã đi nhiều lần nhưng không dám chắc là đã đi hết. Ở đó người ta bán bánh đúc, bánh xèo, bánh lọc, bánh nậm, bánh kẹp và hàng chục thứ bánh nhà quê khác. Nếu mỗi thứ ăn một tí cho đến no thì chắc phải đi cả tháng mới thưởng thức hết.
Đến đây không thể không ăn bánh canh. Bánh canh (bánh bột) thì ở Huế, Quảng Trị cũng có nhưng không nơi nào giống Ba Đồn. Ăn bánh canh phải kèm thêm mấy cái ram (người miền Bắc gọi là nem rán). Người bán dùng một cái kéo cắt miếng ram nóng giòn vừa rán lên cho vào bát. Cái mềm của bột, cái giòn của nem tương tác, hòa quyện, cứ như eng với ả (anh với chị) quấn nhau. Đàn ông nên chiêu thêm một ngụm rượu Ba Đồn mới gọi là đúng cách… Ba Đồn!
Tôi cứ nghĩ, nếu một người nào đó dụng công viết về từng món ăn quê kiểng của chợ Ba Đồn cũng dư in được một tập sách dày nổi tiếng về ẩm thực.
|
Đi chợ để chơi
Từ rất lâu rồi, vào mỗi phiên chợ, người dân quanh vùng đi chợ mua bán không quên mang theo chú gà tài để thi đấu với nhau. Lâu ngày trở thành lệ, cứ có chợ phiên là có sới chọi gà. Lúc đầu sới chỉ là một bãi cỏ bên góc chợ bò, rất dân dã. Người đi chợ ôm gà đến đó, có người thách đấu thì thả ra đá và hò hét, uống rượu cho vui. Đó là một cái thú không thể thiếu.
Nhưng bây giờ sới đã được thương mại hóa, người ta làm trường gà hẳn hoi, có mái che, có sân thi đấu đắp bằng đất nện như sân tennis của ông vua Nadal, xung quanh được bao bằng một vòng tường bọc cao su để bảo vệ chân gà, có chỗ ngồi xem cho khán giả, có chuồng trại nuôi nhốt gà, có đầy đủ mọi dịch vụ khác.
Người vào trường gà thường là dạng người tính tình hào sảng, mạnh mẽ, quyết đoán và… dữ dội.
Đi chợ phiên Ba Đồn, muốn mua thứ gì cũng có. Cơ man hàng hóa. Từ vịt giống, lợn giống, tre nứa, lồ ô, củi thước, giỏ bắt cua, chiếc nơm cá, rổ rá đan bằng tre, nong, nia, thúng, mủng... chất cao như núi.
Chợ còn có một khu bán đồ cổ và đồ cũ. Có thể tìm mua ở đó cái đài Orionton, đồng hồ Poljot của Liên Xô; mũ cối, dép cao su, ba lô, bi-đông, thắt lưng… chính cống của bộ đội thời chống Mỹ. Rồi xe đạp Phượng Hoàng, Vĩnh Cửu của Trung Quốc; xe cuốc của Liên Xô; diamand của Đông Đức; xe cub đời cũ của Nhật… Ai thích thì ngắm chơi, ai có máu thì mua đầu này chợ mang đến đầu kia chợ có thể bán để kiếm lời vài chục đến vài trăm nghìn, đó cũng là để… chơi.
Đi chợ ngắm người
Ba Đồn nói riêng và Quảng Trạch nói chung là đất có nhiều con gái đẹp. Thời chưa biết Ba Đồn, qua sách vở, thấy có câu: Bất thương La Hà xá/Bất giao Tiên Lệ xã/Bất đả Phan Long đề/Bất phụ Thụng Họa thê lấy làm lạ vô cùng. Sau này mới biết, làng Thụng Họa tức làng Thổ Ngọa thuộc xã Quảng Thuận bây giờ, làng này nổi tiếng có con gái đẹp: Đàn bà thắt đáy lưng ong/Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con. Gái vừa đẹp vừa ngoan sao lại Bất phụ Thụng Họa thê? Thì ra do làng này gái đẹp, đã có nhiều người được tiến cung, cưới được vợ làng này khó lắm, nhiều lễ, nghe nói từ dạm đến cưới tổng cộng đến 7 lễ. Mà thuở trước, nhiều nhà nghèo, làm sao có đủ tiền để làm 7 lễ. Vì thế cha mẹ nên mới khuyên con trai của mình đại để rằng, con ơi nhà mình nghèo không với tới con gái làng này đâu.
Đến chợ Ba Đồn, ngoài đi chợ, thưởng thức tại chỗ các món đặc sản, còn để… ngắm con gái đẹp. Không chỉ mấy chị mấy cô, mấy em bán ở các quầy hàng mà còn cả người đi chợ. Bây giờ ở đâu con gái đi chợ cũng bịt mặt như Ninja, riêng với Ba Đồn thì không. Có vẻ họ tự tin với sắc đẹp của mình.
Loay hoay thế nào, thời sinh viên, tôi lại yêu một người, hỏi ở đâu, bảo làng Thổ Ngọa (tức Thụng Họa ngày xưa). Thoạt đầu cũng ngại lắm, nhà vừa xa lại vừa làm đến 7 cái lễ, e toi. Nhưng đâu có, cũng như mọi nơi thôi. Thế nên bèn suy ra rằng, con trai làng này dựng chuyện để giữ con gái làng mình.
Bây giờ, ai hỏi mẹ của các con tôi quê đâu, tôi làm mặt tỉnh bơ, nói, bình thường thôi, Thổ Ngọa!
“Chợ Đồn bán đắt cau khô…”
Anh Nguyễn Hữu Trường từng làm Trưởng phòng VH-TT rồi Phó chủ tịch HĐND huyện Quảng Trạch được anh em gọi là nhà “Ba Đồn học” kể rằng, chợ Ba Đồn bên dòng sông Gianh, trước ở khu vực xưởng cưa hiện nay của thôn Thổ Ngọa, xã Quảng Thuận, nay thì dời lên chừng nửa cây số dọc sông. Chợ có từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, đến nay đã gần 400 năm tuổi. Người xưa kể lại, chợ Ba Đồn sinh ra là để phục vụ binh lính và vợ con họ ở ba cái đồn lớn của quân Trịnh là đồn Trung Thuần, đồn Phan Long và đồn Xuân Kiều. Vì thế từ xa xưa đã có câu ca: Chợ Đồn bán đắt cau khô/Một đoàn vợ lính trẩy vô thăm chồng/Gặp trộ mưa dông/Đường xa gánh nặng/Mặt trời đã lặn/Đèo Ngang chưa trèo/Hòn đá cheo leo/Chân trèo chân trợt/Hỏi o bán nước/Hỏi chú chăn trâu/Ba Đồn lính đóng nơi đâu?
Thời thuộc Pháp, trong khu chợ đã có hai dãy phố buôn bán, gọi là phố Nam và Khách (người Tàu). Phố phường Nam, Khách hai bên/Phiên đông cũng đến mấy nghìn người ta, với nhiều hiệu buôn nổi tiếng một thời của người Hoa, người Việt như Hồng Ích, Hợp Lai, Thái Lợi, Thông Đắc, Vinh Mậu, Tâm Long... Trước 1945, chợ Ba Đồn có 5 đình chợ lớn lợp ngói. Thời kháng chiến, chợ Ba Đồn bị đốt cháy. Đến năm 1991 chợ Ba Đồn mới được xây lại.
Chợ Ba Đồn giờ đây vẫn còn giữ được nét truyền thống từ thời Trịnh - Nguyễn. Bình thường chợ vẫn buôn bán nhưng mỗi tháng có 6 phiên chợ chính vào các ngày mùng 1, 6, 11, 16, 21, 26 (âm lịch). Phiên chợ nào có số 6 gọi là phiên đại (lớn), có nhiều chủng loại hàng hóa và đông người nhất; các phiên có số 1 gọi là phiên thường: hàng hóa và người đi chợ ít hơn phiên đại nhưng vẫn đông hơn những ngày bình thường. Muốn đi chợ bò nổi tiếng của Ba Đồn phải đi vào phiên đại.
***
Nhưng không cần phải chọn ngày phiên, cứ đi, đến chợ Ba Đồn sẽ thấy, hóa ra lâu nay mình chưa… đi chợ!
Nguyễn Thế Thịnh
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20110813/ky-thu-cho-don.aspx
Một đoàn vợ lính trẩy vô thăm chồng
Gặp trộ mưa dông
Đường xa gánh nặng
Mặt trời đã lặn
Đèo Ngang chưa trèo
Hòn đá cheo leo
Chân trèo chân trợt
Hỏi o bán nước
Hỏi chú chăn trâu
Ba Đồn lính đóng nơi đâu?
"Chợ Ba Đồn ở tại địa phận làng Phan Long, gần trên bờ Sông Gianh, cách phủ lị Quảng Trạch chừng 200 thước tây và cách đường thiên lý 3 cây số.
Theo Đại Nam Nhất Thống chí thời thủa xưa chợ Ba Đồn cũng có tên là chợ Cổng, nguyên ở làng Trung Ái tức làng Trung Thuần bây giờ. Sở dĩ đặt tên là Ba đồn là vì về đời Hậu Lê, chúa Trịnh có lập ba cái đồn lính đóng giữ xung quanh đó. Một cái ở làng Trung Ái, một cái ở làng Phan Long và một cái ở làng Xuân Kiều. Lại theo một nhà khảo cứu khác thì tên chợ Ba Đồn là bởi tên đồn Tam Hiệu ở làng Trung Ái mà ra.
Nhà khảo cứu này nói có lẽ đúng, là vì về đời ấy, ngoài chợ Ba Đồn ở Trung Ái ra, thì cũng còn có một cái chợ ở đồn Phan Long và một cái chợ ở làng Xuân Kiều. Nhưng đó là thuộc về lịch sử, không bàn rộng ra đây làm gì. Duy chỉ có một chỗ chưa ai nói đến là chợ Ba Đồn ở Trung Ái dời về Phan Long tự bao giờ?
Ban sơ lập ra chợ này, mục đích là để quân lính ở các đồn đến mua đồ ăn uống cho tiện, nhưng sau vì địa thế chợ ở giữa giới hạn hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài, thành thử lần lần dân hai bên đến tụ họp ở đó mà trao đổi sản vật cho nhau. Ngày nay đường giao thông buôn bán tiện lợi thì mỗi phiên chợ có ngoài 9 - 10 ngàn người gồm đủ người Bắc Kỳ, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thừa thiên cho đến Quảng Nam đến tụ họp buôn bán, nào là lúa, gạo, tơ, lụa, săng gỗ, trâu bò thật là náo nhiệt. (Theo số của quan nguyên Tri phủ Quảng Trạch Tôn Thất Chiêm Thiết đếm một phiên chợ thường, các phiên chợ gần Tết thì số người có trên vài vạn).
Chợ rộng gần hơn một mẫu đất, ở giữa có 4 cái đình gạch, hai bên có phố xá Tàu, Ta buôn bán tấp nập. Mỗi tháng ba phiên vào ngày 6, 16, 26 ÂL. Họp một ngày thì tan. Khách du lịch muốn xem phiên chợ Ba Đồn phải chọn ba ngày ấy mà đi. Hàng ngày có một chuyến xe điện chạy từ Ba Đồn và Đồng Hới, rồi từ Đồng Hới ra Ba Đồn, và một chuyến từ Vinh vào ba Đồn, rồi từ Ba Đồn ra Vinh. Có một sở điện báo bên chợ để tiện đường tin tức".
Chợ Ba Đồn được hình thành ở trên đất Phan Long từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Trong quá trình chiến tranh thôn tính lẫn nhau, cũng như thời ngưng chiến phân chia Nam Bắc, lấy sông Gianh làm ranh giới suốt 50 năm. Chúa Trịnh, chúa Nguyễn đều xây dựng một hệ thống đồn lũy ở hai bên bờ sông Gianh. Vùng phía Nam có ba đồn lớn : Ba Đề, Cao Lao Thượng và Cao Lao Hạ, trong đó Cao Lao Hạ là đồn tiền tiêu chủ yếu.
Vùng phía Bắc sông Gianh, chúa trịnh xây dựng một hệ thống lũy đá từ Đèo Ngang đến tận Xuân Sơn, vết tích nay vẫn còn. Ba cái đồn của quân Trịnh gồm : Đồn Trung Thuần là nơi đóng đại bản doanh và là căn cứ tập kết, huấn luyện quân sỹ, đồn Phan Long và đồn Thuận Bài là đồn tiền tiêu, Thuận Bài đối diện với Cao Lao Hạ, là đồn chính. Về sau chúa Trịnh còn cho xây thêm đồn Xuân Kiều làm hậu thuẩn cho hai đồn tiền tiêu này.
Phan Long là nơi được quân Trịnh chọn làm địa điểm tổ chức hội hè cho binh lính, mỗi tháng ba lần vào các ngày 6, 16, 26 âm lịch, gọi là Ngày hội 3 đồn (sau thành tên riêng Ba Đồn). Mục đích là để quân lính vơi đi nỗi nhớ vợ con, gia đình, cũng là nơi dành cho các cuộc gặp gỡ thỏa nổi ngày nhớ đem mong của các "đoàn con gái trẩy vô thăm chồng". Mặt khác, những ngày hội đó còn là một đòn tâm lý, nhằm tác động đến tâm tư, tình cảm của binh lính Nguyễn ở bờ Nam sông Gianh.
Trong các ngày hội, binh lính Trịnh được thỏa thích vui chơi, rượu chè, cờ bạc. Ban ngày, còn tổ chức nhiều trò chơi như kéo co, vật võ, côn quyền, đấu kiếm, bắn cung. Ban đêm thường biểu diễn các tích tuồng hoặc thi ca hát. Vì vậy mà các làn điệu dân ca như hát chèo hát Kiều, hát quan họ, hát dặm hát ví . . . từ các quê hương lính ở ngoài Bắc, ở Nghệ Tĩnh thâm nhập vào Ba Đồn và cả vùng Quảng Trạch, còn lưu luyến đến tận ngày nay.
Do nhu cầu ăn chơi trong những ngày hội tưng bừng ấy, một lực lượng dịch vụ ra đời, nhiều hàng hóa sản vật từ tứ phương được đưa về đây. Hình thái dịch vụ, thương mại xuất hiện. Chợ hình thành và nhanh chóng phát triển. Về sau khi cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn chấm dứt, ngày hội thường kỳ của ba cái đồn xưa tại Phan Long không còn nữa, nhưng chợ Ba Đồn vẫn tồn tại, dần dần trở thành một trong những cái chợ vào loại lớn nhất của cả nước hồi trước cách mạng.
Bọn đo hộ Pháp cũng ra sức góp phần làm cho chợ Ba Đồn phát triển vì một mối lợi lớn : thu thuế. Vì thế, những năm đầu của thế kỷ 19, chúng đã cho xây 4 cái đình chợ lớn và vững chắc. ban đầu, thuế chợ làng thu, nạp lên cho Phủ, trả công cho người thu thuế, người quét dọn, một số được sung vào quỹ làng.
Từ năm 1929, một tên tay sai thân Pháp được thầu thuế chợ, thu lệ phí rất cao (Kiểm Huệ và bọn đệ tử : Kiểm huệ quá gian ác, thu thuế chợ quá đáng bị nhân dân phản ứng dữ dội phải trốn chạy khỏi Ba Đồn), làng mất nguồn thu, dân bị chèn ép, nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra dữ dội.
Các đầu mối giao thông về Ba Đồn khá đa dạng, là một yếu tố quan trọng để Ba Đồn trở thành một cái chợ thuộc loại lớn. Đường thủy chiếm vị trí số một. Nguồn Nậy, nguồn Trổ, nguồn Son là đường giao lưu thuận tiện cho cả vùng tây bắc Quảng Bình, nam Hà Tĩnh, bắc Bố Trạch. Trong Nam, ngoài Bắc đến với Ba Đồn bằng đường biển, theo cửa Gianh mà vào.
Đường bộ thì từ ngã ba quốc lộ thiên lý mà đi lên. Đường tỉnh lộ rải đá này từ miền tây bắc Quảng Bình nối với đường thiên lý, có đi qua Ba Đồn. Lại còn con kênh nối từ sông Loan (Roòn), chảy dọc theo các xã vùng ven biển Quảng Trạch, qua cầu Vịnh Tét (Bánh Tét) mà nhập vào sông Gianh ở vị trí Ba Đồn. Con kênh này được đào từ thời nhà lê để vận chuyển vũ khí, lương thực trong cuộc chiến Đại Việt - Chăm Pa.
Thời Trịnh Nguyễn phân tranh cũng dùng làm đường vận chuyển chiến lược. Tạo thuận lợi cho hàng hóa đến và đi từ chợ Ba Đồn, tại ga Minh Lệ, đường sắt xuyên Việt có hẳn một nhánh nối về Chợ Mới (Quảng Minh). Hàng đến ga Minh Lệ thì cắt toa rồi dùng goòng kéo về Chợ Mới để chuyển xuống thuyền chở về chợ Ba Đồn và nhận hàng của Ba Đồn chuyển đi. Cũng nhờ mối giao thông này mà Ba Đồn hồi đó đã có xuất bán một số hàng ra Bắc, vào Nam như nón (có tiếng vang là "nón Ba Đồn" là vì thời đó các thương nhân Ba Đồn mua nón nhiều nơi về bán tại chợ, rồi đóng thành kiện chở đi bán khắp nơi), lạc, ngô, cau, lâm sản các loại . . .
Gốc gác của chợ ở đồng Quai Mọ (Nghĩa là đánh mõ - Đồng Quai Mọ là nơi có trạm gác và chuyền tin giữa các đồn thời chú Trịnh bằng cách đánh mõ. Cũng có tài liệu ghi rằng : Chợ Ba Đồn lúc đầu nằm ở dưới lùm cây Đá Lả, chỉ mấy túp lều, nhà nhỏ bán hoa quả, cháo, nước chè. Vợ con lính ngoài Bắc vào thường trú ngụ nơi đây). Quá trình phát triển phải dời ra bờ sông cho thuận tiện trên bến dưới thuyền.
Đất lành chim đậu, người trong Nam, ngoài Bắc và số đông Hoa kiều "đậu" lại đây buôn bán, làm nghề, lập nên cơ nghiệp. Hai dãy phố đối diện nhau là san sát cửa hàng, cửa hiệu khá lớn, có nhà hai, ba tầng (hiệu Hồng Ích làm ngôi nhà 2 tầng đầu tiên vào năm 1917), bày bán đủ loại hàng hóa, một số hiệu thuốc Bắc với một hàng cây ngô đồng tỏa bóng mát. Ở giữa là khu đất rộng gồm bốn ngôi đình ngói, nơi bày bán của hàng trăm sạp hàng đủ loại như tạp phẩm, hàng xén, cơm cháo, bún bánh, hoa quả. Đình chợ do Pháp xây vào năm 1920 - 1922, bề ngang hơn 20 mét, dài hơn 30 mét, cao ráo thoáng đãng, không có tường che, chỉ có các cột đỡ lấy mái. Đình chợ rất kiên cố, hơn 20 năm sau, trãi qua bao lần bảo tố vẫn không hề suy suyển. Khi giặc Pháp tấn công hòng chiếm Ba Đồn (1947), những ngôi đình này bị phá trong phong trào tiêu thổ kháng chiến.
Có thể khẳng định rằng đặc điểm của chợ Ba Đồn xưa là rất to lớn. Cả vùng Bắc Miền Trung không có chợ nào như vậy. Ngay ở tỉnh lị Đồng Hới, chợ thời đó cũng chỉ có 1 đình, thấp nhỏ hơn nhiều. Ngoài ra, phía dưới, về phía trên kênh đào, có những khoảng đất trống rất rộng được xây thành 8 ô nền cho dân các vùng bày bán la liệt các thứ hàng không cần che nắng, che mưa như tre, nứa, gỗ, củi, đồ sành sứ, đồ rèn, bàn ghế, giường, tủ, đồ đan lát, các loại gia cầm, thủy sản . . .
Đây cũng là nơi tập trung các trò chơi cờ bạc như bói cò quay, tôm cua rùa cá, xóc xăm, xóc đĩa, bói toán. Chạy ngang qua giữa chợ, giữa khu 4 đình và 8 ô trống ngoài trời là đường tỉnh lộ nối Quốc lộ 1A với Minh Cầm lên Đồng Lê (Tuyên Hóa). Bao quanh chợ là đường nội thị rộng, hai xe ôtô có thể tránh nhau. Quanh chợ là phố xá lớn nhỏ của người Việt, người Hoa.
Ba Đồn là chợ xưa nay
Tụ nhơn thụ hóa mười ngày một phiên
Phố phường Nam, Khách hai bên
Khi đông cũng đến mấy nghìn người ta
Ngoài huyện Quảng Trạch, còn có Tuyên Hóa, Minh Hóa theo nguồn nậy đi về, nam Hà Tĩnh theo nguồn Trổ vào ra (Hàng từ Hà Tĩnh vào, chủ yếu là gánh bộ qua đèo hoặc đi xe ô tô Vinh - Ba Đồn, sông Rào trổ có thông thương nhưng phải qua 5 cái thác rất khó chở hàng hóa), Bố Trạch theo nguồn sông Son lại.
Ngoài ra ghe thuyền chở hàng hóa từ Thanh Nghệ Tĩnh, Nam Định, Phố Hiến vào; từ Hội An, Đà Nẵng, Huế, Đồng Hới ra. Bán, mua vô cùng tấp nập. Thời kỳ này đã có các loại hàng ngoại của Ấn Độ, Nam Dương, nhiều nhất vẫn là tơ lụa vải sồi, chuyển về bán ở các cửa hiệu lớn qua các hợp đồng thương mại. Ngày phiên, trên bến hàng trăm ghe mành, thuyền noốc to nhỏ đậu la liệt. Các bè tre, nứa, gỗ, các vật liệu chủ yếu để xây dựng nhà cửa ngày xưa, đậu san sát, nhiều khi phải lấn xuống đất Thổ Ngọa mới có bãi để hàng. Đến chợ Ba Đồn, người mua kẻ bán đều thỏa mãn mọi nhu cầu.
. . .
Thời kỳ 1956 -1957, sau Cải cách ruộng đất và sửa sai thắng lợi. Lãnh đạo nhân dân nhanh chóng phục hồi sản xuất và cuộc sống. Chợ Ba Đồn lại đông vui, tấp nập trở lại. Hàng hóa ngày càng nhiều, chủ yếu là hàng địa phương, nhưng vẫn là nơi buôn bán lớn nhất phía Bắc Quảng Bình. Là một cái chợ lớn nhất của vùng giải phóng, lại nằm giáp ranh giữa vùng tự do và vùng tạm chiếm trước đây, nên có thêm nguồn hàng ngoại hóa, làm cho việc buôn bán trở nên sôi động. Những người buôn sỉ, bán lẻ, cất hàng về các chợ xa ngày càng đông, lên Tuyên Hoá, ra Hà Tĩnh, vào Bố Trạch . . .
Đội ngũ làm nghề dịch vụ cũng đông đúc theo, ngành nghề dịch vụ phát triển, tạo ra nhiều công ăn, việc làm. Thu nhập của dân Ba Đồn và các làng phụ cận được cải thiện rõ rệt. Tình hình kinh tế phát triển thuận lợi, tổ Đảng Phan Long liền xin ý kiến cấp trên, "cưới" thêm ba phiên chợ xép vào ngày "một" (1,11,21 ÂL). Từ đó trở đi chợ Ba Đồn một tháng 6 phiên.
http://diendan.qbvn.com/showthread.php?t=34729&page=1
Written by Nguyễn Anh Vũ
“Ba Đồn bán đắt cau khô
Một đoàn con gái chạy vô thăm chồng
Gặp trộ mưa giông
Đường trơn gánh nặng
Mặt trời đã lặn
Đèo Ngang chưa trèo
Gặp hòn đá cheo leo
Chân trèo, chân trượt
Hỏi o gánh nước
Hỏi chú chăn trâu
Ba Đồn quân lính đóng đâu?...”
Ở Quảng Bình có 12 địa danh nổi tiếng, đó là: Núi Chùa Non, đèo Ngang, đèo Mụ Giạ, động Phong Nha, sông Gianh, phá Hạc Hải, bàu Sen, Lũy Thầy, Đồng Hới, Lý Hòa, Cảnh Dương và chợ Ba Đồn.
Nhắc đến chợ Ba Đồn, có một bài vè từ xưa truyền lại rất lạ. Chợ Ba Đồn xưa xuất hiện do ba cái đồn quân Trịnh lập nên. Vợ con của quân lính từ đất Bắc cũng lội suối, trèo đèo tìm đến thăm chồng:
“Chợ Đồn bán đắt cau khô
Gặp trộ mưa giông
Đường trơn gánh nặng
Mặt trời đã lặn
Đèo Ngang chưa trèo
Gặp hòn đá cheo leo
Chân trèo, chân trượt
Hỏi o gánh nước
Hỏi chú chăn trâu
Ba Đồn quân lính đóng đâu?...”
Chợ Ba Đồn giờ đây vẫn còn giữ được các nét truyền thống của mình từ thời Trịnh Nguyễn đến nay :
- Họp phiên chợ mỗi tháng 6 phiên vào các ngày mồng 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch, trong đó phiên chợ nào có số 6 gọi là phiên Đại : phiên chợ to nhiều chủng loại hàng hóa và đông người nhất; các phiên có số 1 gọi là phiên thường : hàng hóa và người đi chợ ít hơn phiên Đại nhưng vẫn đông hơn hẵn những ngày bình thường.
- Vào các phiên chợ đều có tổ chức chợ bò : Chợ bò nằm sau lưng chợ Ba Đồn, đó là một vùng bằng phẳng tương đối rộng rải, cỏ trồng xanh mướt, xung quanh được xây khuôn viên bao quanh. Là chợ trao đổi mua bán trâu bò của nhân dân trong tỉnh và các nơi khác trên toàn quốc về đây mua trâu bò giống và trâu bò thịt. Nét đặc trưng của chợ bò từ xưa đến nay là khi hai bên chấp nhận bán và mua, người bán đưa tay ra và người mua vổ vào tay người bán thật kêu (còn gọi là tục đập tay nhau) thể hiện sự thồng nhất ý kiến tuyệt đối.
- Trường gà (sới chọi gà) : Thú chọi gà vùng này đã xuất phát từ thời xa xưa không ai còn nhớ. Trước đây vào mỗi phiên chợ nguời dân quanh vùng đi chợ mua bán hàng hóa kết hợp mang theo chú gà tài của mình để thi đấu giao lưu với các chiến hữu. Lâu ngày trở thành lệ, cứ có chợ phiên là có sới chọi gà. Lúc đầu sới chỉ là một bãi cỏ bên góc chợ bò. Nhưng bây giờ sới đã được tư nhân hóa, xây dựng thành trường gà hẳn hoi : có mái che, có sân thi đấu đắp bằng đất nện như sân đánh tennic tiêu chuẩn, xung quang được bao bằng một vòng tường bọc cao su để bảo vệ chân gà, có chỗ ngồi xem cho khán giả, có chuồng trại nuôi nhốt gà, có . . . đầy đủ mọi dịch vụ khác.
Con người vùng này tính tình hào sảng, mạnh mẽ, quyết đoán và có phần hơi dữ dội, có mấy câu vè mô tả như sau:
Bất giao Tiên Lệ xã
Bất đả Phan Long đề
Bất phụ Thụng Họa thê"
Làng Phan Long tức là Ba Đồn ngày nay, dân Phan Long với tính cách hào sảng, mạnh mẽ, quyết đoán và có phần hơi dữ dội, có lẽ đó là tính cách di truyền của cha ông để lại bởi vì họ là lớp hậu duệ của các chiến binh thiện chiến thời Trịnh Nguyễn phân tranh thủa nào. Họ dữ dội nhưng cũng rất quảng đại, ai đã từng đến đây sẽ hiểu được tính cách đó.
Làng Thụng Họa tức làng Thổ Ngọa thuộc xã Quảng Thuận bây giờ, làng này nổi tiếng có con gái đẹp và dịa dàng, giống như câu :
Vừa khéo chiều chồng vừa khéo nuôi con"
Quảng Bình có một địa chỉ thứ 13 cần gặp nữa là rượu Ba Đồn. Rượu Ba Đồn là một trong bốn loại rượu làm nên Tứ danh hương mỹ tửu miền Trung: Ba Đồn, Kim Long (Quảng Trị), Làng Truồi (Huế) và Bàu Đá (Bình Định).
Thực ra rượu Ba Đồn là do vùng xung quanh nấu như Quảng Long, Quảng Xuân, Quảng Châu . . . cũng như người ta chỉ biết đến nón Ba Đồn nhưng thực ra là do vùng Quảng Thọ và Quảng Thuận sản xuất. Có lẽ do việc trao đổi mua bán chủ yếu diễn ra tại chợ Ba Đồn nên người ta gọi như vậy.
Bài viết này đến đây xin được tạm dừng, nhưng điều đọng lại trong tôi sau quá trình tìm hiểu để viết xong bài này đó là lòng tự hào về quê hương của mình : về truyền thống văn hóa, về cảnh đẹp của quê hương, về tất cả những gì liên quan đến mảnh đất con người nơi đây, về tất cả . . .
Tôi tin rằng những ai là người con của quê hương Ba Đồn nói riêng và Quảng Bình nói chung, khi chúng ta đã có một nền móng vững chắc về giá trị tinh thần của quê hương rồi thì dù đi đâu, dù ở trong hoàn cảnh nào chúng ta cũng luôn tự tin, cũng luôn nghĩ về quê hương với một lòng mến yêu và một niềm tự hào sâu sắc về nơi chôn rau cắt rốn của mình.
Mong mọi người ai sưu tầm được chuyện gì về quê hương của mình hãy cùng đưa lên đây cho mọi người cùng xem, học tập và trao đổi nhé. Về Ba Đồn thì còn nhiều chuyện để kể lắm như là : Thịt chó Cu Loe, Phở Na Cát Phương, đội bóng đá Ba Đồn thập niên 80 -90 . v .v . xin hẹn các bạn vào dịp khác vậy nhé.
http://caucaquangbinh.com/home/index.php?view=article&id=635%3Atim-hiu-v-ba-n&option=com_content&Itemid=413
No comments:
Post a Comment