Wednesday, March 7, 2012

HỒI KÝ LÊ ĐÌNH CAI



Ngày ra khỏi trại tù… và vùng kinh tế mới…


Lê Đình Cai

Tôi được thả ra vào ngày gần tết (đầu năm 1982) từ trại cải tạo Bình Điền (nằm ở vùng núi Trường Sơn Đông thuộc phía Tây Nam thành phố Huế, gần biên giới Lào - Việt), nơi mùa hè thì nắng cháy nghiệt ngã, mùa đông lại lạnh buốt tận xương, quả là miền đất sơn lam chướng khí, như cách nhận xét của những người từng sinh sống lâu năm ở đó:

Cọp Bình Điền, nước khe điên
Vào thôi cũng đủ muộn phiền, khó ra

Ngày rời trại, trời âm u, mưa lất phất… Tôi cùng một số bạn tù đi bộ ra bến đò Bình Điền, xuôi về quận lỵ Nam Hoà rồi đáp xe lam về thành phố Huế. Khi chiếc Honda ôm đưa tôi ngang cầu Tràng Tiền, hướng vào nội thành, tôi nhờ bác tài dừng lại… Tôi đứng trên cầu quay nhìn về hướng khách sạn Morin, nơi mà trước đây là toà nhà của trường Đại học Văn Khoa Huế.

Chính ngôi trường trường này là nơi ghi dấu kỹ niệm cuộc đời sinh viên qua bốn năm dài đèn sách (1962 – 1966). Rồi hơn bốn năm sau (1970), từ Sài Gòn tôi trở lại Huế và cũng ở ngôi trường Văn Khoa này, tôi đã đứng trên bục giảng, truyền thụ những điều mình học hỏi được cho lớp sinh viên đàn em đang háo hức mộng ước vào đời… Thời gian và kỹ niệm dồn về đầy ứ trong tâm tư… Tôi dảo mắt nhìn về hướng biển, kìa bến đò Đập đá đi về thôn Vỹ Dạ với tứ thơ bất hủ của thiên tài Hàn Mạc Tử:

Sao em không về chơi thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc,
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Nhìn xuống dòng sông Hương, từng đám lục bình đang trôi vật vờ theo dòng nước, không biết sẽ về đâu. Tôi chạnh lòng bâng khuâng buồn cho thân phận. Quay về hướng núi, xa xa thấp thoáng ngôi tháp cổ chùa Linh Mụ, chỉ một quảng ngắn là đến khu Văn Thánh, nơi mà tôi đã bị biệt giam hơn 6 tháng trời trong một căn phòng nhỏ bé của khu tạm giam (từ tháng 6 đến tháng 12 năm 1975), hoàn toàn cô độc, ngày ngày chỉ mình đối diện với chính mình, không ai trò chuyện, luôn trong tình trạng căng thẳng, bi quan và vô cùng tuyệt vọng… Và giờ, trước mắt tôi là dãy Truờng Sơn xám xịt, nơi mà chỉ vừa sáng nay thôi tôi đã bước ra từ trại cải tạo. Ở đấy, giờ này những người bạn tù khốn khổ của tôi vẫn còn phải tiếp tục lê những bước chân nặng nề trong nỗi uất nghẹn đớn đau:

Tôi lẩm nhẩm đếm bước chân tù ngục
Phòng biệt giam thân xác đó rã rời
Nơi rừng thẳm lưu đày bao năm tháng
Một dấu chân đi, một nỗi ngậm ngùi
Rừng núi đó chôn chặt đời trai trẻ
Mộng ước xưa xin trả lại đằng sau
Uất nghẹn lắm nhưng mà đành câm nín
Một mối hờn căm tim vẫn nhói đau
(trong "Bước chân tù ngục" của LĐC)

Đang miên man với bao suy tư dồn dập khi chính mình đang đứng trên chiếc cầu màu trắng vắt qua sông trong dáng nằm e ấp của cô thiếu nữ dậy thì, mà đã gần 8 năm xa cách, thì bác xe ôm đã vội thúc tôi tiếp tục cuộc hành trình hướng về thành nội, nơi gia đình vợ con tôi đang trông đợi…

* * *

Tôi chỉ ở Huế được vài ngày thì phải thu xếp vào ngay vùng kinh tế mới Phú Cường, Đồng Nai vì chính quyền địa phương không cho phép tôi ở lại thành phố này lâu hơn. Phải giã từ thành phố mà đã lưu giữ gần hết quảng đời thanh niên đầy mộng ước của mình, phải giã từ con đường về bánh bèo Tây Thượng, phải lìa xa cảnh sắc Ngự Bình những buổi hoàng hôn mùa hạ, phải lìa xa hoàng thành đế đô một thời vang bóng… Nào ai mà không cảm thấy ngậm ngùi đắng cay…

Em công chúa giữa hoàng cung hoang phế
Đời anh còn năm tháng gót phiêu du
Trở về đây như bọt bèo rong biển
Mong tình em làm bến mộng thiên thu
("Người trong thành nội" – LĐC)

Thôi đành giã biệt Huế đô từ dạo ấy (đầu năm 1982). Và cũng từ bấy đến giờ tôi chưa một lần trở lại thành phố thân thương này. Dễ thường cũng đã một phần tư thế kỹ, tôi chưa đặt chân trở lại con đường Lê Lợi ngập tràn hoa phượng của mùa hè chia xa…

* * *

Tôi cùng gia đình vào vùng kinh tế mới ở miền Đông Nam Bộ (vùng Dầu Giây, Long Khánh). Đúng ra miền đất hoang sơ và khô cằn này là vùng Phú Cường thuộc tỉnh Đồng Nai.

Đối diện với một thực tế quá sức nghiệt ngã: chung quanh là rừng cây bao phủ, ngôi nhà chúng tôi ở (phải gọi là túp lều mới đúng); vách ngăn bằng tre và mái lợp bằng tranh. Tôi đến vùng này vào cuối đông; hương xuân đã lãng đãng đâu đó ngoài khu chợ nhỏ bé với lưa thưa những chòi tranh tạm bợ.

Vùng đất này trong chiến tranh đã từng là nơi xảy ra những trận đánh ác liệt giữa quân đội VNCH và quân Cộng Sản. Nơi đây cũng chính là chiến trường mà sư đoàn 18 anh hùng của quân đội miền Nam quyết tử để bảo vệ cửa ngõ đi vào Sài Gòn.

Khi tôi đến đây thì bà xã tôi đã đem các con vào đây ở cùng gia đình bên nội từ hơn 6 tháng trước. Cơ ngơi là một túp lều xiêu vẹo và 2 chiếc giường tre ọp ẹp. Khi trời mưa đến, nhà dột tứ tung, tôi không biết tìm đâu một chỗ nào khô ráo để các cháu có thể qua đêm yên giấc (Vũ Phan lúc ấy mới mười hai tuổi, Thục Hà mười tuổi, Vũ Phúc tám tuổi và Thể Hà sáu tuổi)

Khi còn ở trong trại cải tạo, tôi không lo nghĩ gì về đời sống vợ con ở bên ngoài vì biết là có lo nghĩ cũng chẳng giải quyết được gì. Bây giờ khi đối diện với một thực tế quá ư bi thảm trong đời sống hằng ngày của vợ con, tôi mới thấy nỗi khổ của cuộc sống thiếu thốn vật chất thật khủng khiếp làm sao!

Vợ tôi, từ ngày vào vùng kinh tế mới này, thỉnh thoảng cũng tháp tùng đi buôn vài chuyến "dầu chai" (một loại dầu thu được từ nhựa cây trong rừng, dùng để tô trét ghe thuyền cho đỡ thấm nước) cùng cô em gái đã vào lập nghiệp ở vùng này từ những ngày đầu di tản. Những chuyến đi buôn khi trót lọt thì có tiền mua thêm gạo cơm mắm muối cho con, còn khi bị cảnh sát kinh tế tịch thâu thì coi như trắng tay.

Vợ tôi là nhà giáo, vốn quen với phấn trắng, bảng đen, nay vào đây lại phải đốt rừng làm rẫy, trồng sắn, trồng khoai, trồng bắp… như là một nông dân thực thụ. Tôi thấy thương nhà tôi vô cùng, một mình với bốn đứa con nhỏ dại. Các cháu đang tuổi ăn tuổi lớn thế mà cơm toàn độn ngô khoai, có khi phải dùng thêm rau lang trồng quanh nhà vào cho đầy bụng. Nhà tôi chiến đấu với cảnh sống đoạ đầy như vậy cũng đã bảy tám năm nay. Bây giờ tôi đã trở về, nhưng liệu có giúp gì được cho nhà tôi chăng? Với tôi quả là bài toán nan giải… Mình từng bao năm cầm phấn bút nay phải cầm cuốc, cầm cày… Liệu tôi có trụ vững trước những cam go sắp tới?

Cậu em rễ của tôi cũng đi cải tạo về trước tôi hai năm đã hướng dẫn tôi đi đẩy dầu chai cho tổ hợp thu mua đặt tại khu bến xe gần trụ sở xã… Muốn đẩy dầu chai tôi phải sắm cho được chiếc xe thồ. Chiếc xe của tôi yên sau chở được ba can (hai can để trong bao cát cho thòng ở hai bên và một can cột chặt vào "pọc-baga"), dàn xe phía trước thòng thêm hai can nữa. tất cả là năm can dầu chai nặng trịch (lên đến hơn tạ), phải di chuyển ban đêm từ bìa rừng về cho chủ vựa, phải trốn tránh du kích hay kiểm lâm vì nếu bị bắt thì coi như hết vốn.

Có lần tôi chuyển dầu giữa khuya khi trăng lên qua khu rừng cao su bạt ngàn với cậu em, chân dẫm lên những chiếc lá rụng rơi theo lối mòn của các công nhân cạo mũ mà nghe như vọng lại âm thanh của những "con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô" của nhà thơ Lưu Trọng Lư những ngày còn cắp sách đến trường… Ôi đâu rồi những mộng mơ của tuổi trẻ ngày nào?

Những lúc không có dầu chai để thồ, tôi lại vào rừng theo chân chú em trai kế cũng vừa đi cải tạo hơn năm năm mới trở về. Hai anh em tôi, thức dậy từ sớm tinh mơ khi sương trời còn đọng trên lá cây, ngọn cỏ, làm vệ sinh qua loa rồi lầm lũi đạp "con ngựa thồ" vào sâu trong rừng già để chuẩn bị cưa cây, làm củi, đốt than… Khi trời đứng bóng chúng tôi mới đem cơm ra ăn.

Cơm với muối mè nén chặt lại trong lon sữa "guigoz", đó là bửa ăn đạm bạc của chúng tôi trong những ngày tháng nhọc nhằn gian khổ dù đã ra khỏi trại cải tạo. Niềm vui của tôi bấy giờ là những giây phút nghỉ trưa trên một căn chòi hoang vắng, giữa rừng rậm thâm u, ngồi nghe chương trình của đài VOA phát rè rè từ chiếc radio Sony cũ kỹ.

Có lần tôi nghe nam xướng ngôn viên của đài tường thuật lại cuộc hội thảo về chiến tranh Đông Dương và Việt Nam, rồi giọng nói của GS Phạm Cao Dương, giọng nói của GS Nguyễn Văn Canh vang lên thật rõ ràng và đầy xúc động (Anh Dương và anh Canh là hai người mà tôi rất gần gủi và thân tình hồi còn ở Sài Gòn). Nay nghe lại giọng nói của hai anh bên kia bờ Đại Tây Dương vọng về trong khi thân phận của tôi hiện không ra gì trong một căn chòi lá giữa rừng già miền Đông Nam bộ, tôi đã ứa nước mắt…

Trời đã xế chiều, hai anh em thu dọn số củi chẻ được, bó lại, thồ về để bán cho kịp phiên chợ chiều. Số còn lại bỏ xuống hầm đào sẵn, đốt thành than, hôm sau trở lại nhét vào bao tải chuyển cho chủ vựa chở lên Sài Gòn.

Cuộc sống của tôi từ ngày ra khỏi trại tù, về ở vùng kinh tế mới Phú Cường, ngày này sang ngày nọ, không thồ dầu chai với cậu em rễ (giờ đang sống cùng gia đình ở Fortdodge, Iowa) thì lại đi rừng làm than làm cũi với chú em kế (gia đình chú ấy hiện ở Atlanta, Georgia). Cho đến một ngày tôi gặp lại người bạn học chung hồi ở Đại học Huế, đã tạo cơ hội cho tôi về tạm trú ở Sài Gòn. Và sự kiện này đã làm thay đổi cuộc đời tôi từ giờ phút ấy.

Kỹ niệm về cái Tết đầu tiên trên vùng kinh tế mới mà tôi không thể nào quên được xin kể lại đây để kết thúc bài hồi ức này. Tôi từ trại cải tạo Bình Điền về đến vùng kinh tế mới Phú Cường này chỉ chưa đầy một tháng thì sửa soạn đón Tết Nhâm Tuất (1982). Đứa con trai đầu của tôi lúc ấy được tuyển chọn vào đội tuyển chuyên Toán của tỉnh Đồng Nai và được cho lên Biên Hoà học lớp bồi dưỡng Toán trên ấy.

Vị thầy phụ trách đội tuyển sau khi đọc lý lịch trích ngang, biết cháu là con của tôi liền hỏi cháu là con ai, làm gì. Cháu cứ giả lơ, không đáp vì sợ biết ba cháu đang còn cải tạo thì cháu sẽ bị gạt khỏi đội tuyển. Chẳng ngờ khi nhà tôi lên thăm cháu thì vị thầy kia đã chủ động đến gặp nhà tôi và nói: "Thưa cô, em là học trò cũ của thầy Lê Đình Cai hồi ở Đại học Huế…" Nhà tôi hết sức vui mừng và nhờ thầy ấy nâng đỡ cháu. Cháu Vũ Phan mới bằng ấy tuổi mà đã biết lo lắng cho gia đình. Tất cả những thực phẩm bồi dưỡng như sữa, mì gói, xà phòng… cháu đều dành lại để gởi mẹ đem về cho các em…

Năm ấy, cháu Phan được cho phép về nhà đón Tết cùng gia đình. Khi thấy cháu trở về tôi hết sức xúc động, trông thấy cháu ốm o vì thiếu ăn tôi thực khổ tâm, nhất là bộ áo quần cũ mèm với vài đường vá sau lưng (mặc dù đó là bộ đồ khá nhất). Tôi thật không cầm được nước mắt…

Tôi hỏi nhà tôi xem có cách nào để mua áo Tết cho các cháu không? Nhà tôi im lặng, không nói gì, nước mắt như chực trào ra… Tôi ngoảnh đi chổ khác… Sau một hồi bàn định, tôi tập hợp các cháu lại. Cháu út Thể Hà hồi ấy mới sáu tuổi, hồi ra Huế đón tôi cùng với bà ngoại đã được mấy dì sắm cho bộ đầm mới. Còn các cháu khác, Vũ Phan, Thục Hà và Vũ Phúc thì không có áo quần mới.

"Hôm nay Ba muốn hỏi ý kiến các con. Tết đến rồi, chỉ còn ba bốn ngày nữa là Giao thừa mà Ba Má không có cách chi để mua được cho các con đồ mới cả. Ba Má buồn lắm. Má nói nhà mình chỉ có khả năng mua được một cái áo sơ mi cho anh Hai thôi, nhưng Ba muốn hỏi ý kiến Thục Hà và Vũ Phúc có đồng ý không?" Tôi không ngờ cháu Thục Hà nhanh nhẹn trả lời ngay: "Ba Má cứ mua cho anh Hai đi, anh Hai đi học ở Biên Hoà cần bằng chúng bằng bạn, còn tụi con ở vùng quê này ăn mặc sao cũng được". Tôi đã ôm con gái tôi vào lòng, vừa thấy hãnh diện vừa thấy xót xa quá đỗi…

Tết năm Nhâm Tuất ấy, cháu Lê Đình Vũ Phan, con trai đầu lòng của vợ chồng tôi đã đón nhận chiếc áo sơ mi màu xanh da trời mới tinh để chào đón mùa Xuân đoàn tụ với người cha vừa mới trở về sau bảy năm trời lao động khổ sai ở trại cải tạo Bình Điền.

Lê Đình Cai

Trích trong tập hồi ký "Chuyện Kể của Người Tù mang số 490" (sắp xuất bản)

No comments: