Tôi không biết ở Việt Nam chữ “phản biện” xuất hiện từ lúc nào và ai là người đầu tiên dùng chữ ấy. Tôi chỉ đoán là nó có lịch sử không lâu lắm. Và nó được ra đời, trước hết, không phải trong lãnh vực chính trị, bởi, trước khi nó trở thành thịnh hành với những trang báo mạng kiểu bauxite Việt Nam với tiêu đề “Tiếng nói phản biện nhiều mặt của người trí thức” thì nó đã được sử dụng khá nhiều trong lãnh vực giáo dục với những “giáo sư phản biện” và “Hội đồng phản biện”.

Tôi rất thích cái chữ phản biện ấy.

Phản biện là dùng lý lẽ để chống lại một cái gì đó. Ở đây có hai điểm: chống và lý lẽ. Như vậy, sự chống đối ở đây chỉ dừng lại ở phạm vi tư tưởng và học thuật. Nó không có tính bạo động và cũng không nhắm đến bạo động. Những lời cáo buộc mà một số chính quyền độc tài thường sử dụng đối với những người phản biện chỉ là một lối vu khống.

Hơn nữa, “cái gì đó” trong định nghĩa trên không phải bao hàm con người hay sản phẩm (bất kể loại gì) của con người. Phản biện khác với chỉ trích: Chỉ trích nhắm vào người. Phản biện cũng khác với phê bình hay phê phán: Ở cả hai từ này, đối tượng có thể là người mà cũng có thể là vật thể (ví dụ tác giả và tác phẩm của họ).

Phản biện chủ yếu là chống lại một luận điểm. Nhưng phản biện lại khác với biện bác. Biện bác nhắm, trước hết, đến sự bác bỏ. Biện luận để bác bỏ. Sự bác bỏ là chủ đích, là mục tiêu duy nhất. Nó có tính cách tiêu cực. Người ta nói hay hay dở, đúng hay sai mặc kệ: người biện bác chỉ khăng khăng tìm cách phủ nhận. Phản biện thì khác. Nó chống đối một luận điểm bằng cách đề xuất một cách nhìn hay một góc nhìn khác để, thứ nhất, người bị phản biện phải cố gắng chứng minh quan điểm của mình là đúng đắn nhất, và thứ hai, để mọi người có thể lựa chọn.

Như vậy, phản biện được xây dựng trên tinh thần đối thoại, và do đó, có tính tích cực và xây dựng.

Ví dụ: đọc một luận án của ai đó, người phê bình chỉ cần nêu lên nhận xét về những cái đúng, cái sai và những cái hay cũng như những cái dở, nhưng không cần thiết phải đề nghị một giải pháp hay một quan điểm khác; người biện bác thì chỉ chăm chăm bác bỏ tất cả những gì người viết nêu lên. Còn người phản biện thì sẽ nói, chẳng hạn: với những cứ liệu mà anh/chị tập hợp được, tôi nghĩ có thể đặt ra giả thuyết như thế này; một giả thuyết có thể khác với những gì anh/chị vừa đề xuất. Bây giờ, xin anh/chị hãy chứng minh là giải pháp của anh/chị thực sự là một giải pháp tối ưu.

Nhắc đến chữ “tối ưu”, tôi sực nhớ đến một bài viết ngắn rất xuất sắc của Giáo sư Phạm Quang Tuấn ở Úc. Bài viết hay đến độ tôi muốn trích toàn văn để chia sẻ với bạn đọc:

Khái niệm “Tối Ưu Hóa” (Optimization)

Phạm Quang Tuấn

Tôi còn nhớ, cách đây hơn bốn chục năm, ông Giáo sư của tôi giải thích về nghề kỹ sư:

“An engineer is someone who can do what any fool can do, but cheaper” (Kỹ sư là một người có thể làm bất cứ cái gì mà thằng ngu nào cũng có thể làm được, nhưng họ làm rẻ hơn).

Đó là khái niệm đầu tiên của tôi về tối ưu hóa. Người Kỹ sư luôn luôn có nhiều cách giải quyết một vấn đề, xây dựng một công trình, và họ có khả năng hơn người “ngoại đạo” là họ có thể giải quyết một cách đỡ tốn kém hơn (nhưng dĩ nhiên không kém chất lượng).

Nhưng, không phải chỉ Kỹ sư: tối ưu hóa là cái mà ai cũng làm. Chỉ có điều là người ta làm mà không biết (“Ủa, mình nói văn xuôi cả đời mà không biết!” - Molière, Le Bourgeois Gentilhomme). Bạn cưới vợ? Bạn đang tối ưu hóa hạnh phúc của bạn – không có vợ thì tự do, có vợ thì ấm áp, cái nào hơn? Bạn mua nhà – mua thì phải vay tiền, phải tốn công tốn tiền sửa chữa, thuê thì mất tiền thuê, cái nào hơn? Mua nhà đắt hay nhà rẻ? Bạn học bài, làm homework – thi đỗ cao thì tương lai tươi sáng, không làm bài thì có thì giờ tán gái, bạn chọn cái nào?

Tất cả những cái đó là tối ưu hóa – bạn phải CHỌN giữa nhiều đường lối để làm tối ưu (optimize) hạnh phúc, hay nói chung là làm tối ưu hệ quả những công sức, tốn kém, tài sản của bạn.

Khi cai quản một quốc gia thì có những sự chọn lựa tương tự. Chính phủ nên chọn xây đường sắt, đường thủy, đường bay hay đường bộ? Dĩ nhiên, đường nào cũng TỐT cả, nhưng đường nào TỐT NHẤT? Và nếu đường sắt thì đường hạng 1 (cao tốc), 2 (trung tốc) hay 3 (hạ tốc) tốt nhất, có lợi cho dân nhất? Và làm vào lúc nào? Bạn khai thác bauxite thì khai thác ở tầm cỡ nào, theo cách nào, trong thời điểm nào, với đối tượng nào là TỐT NHẤT? Bạn chọn cái “tốt”, nhưng KHÔNG TỐT NHẤT thì sẽ thiếu tiền để dùng vào biện pháp TỐT NHẤT, và do đó, bạn sẽ phung phí, và phung phí đưa tới giật lùi. Sự phung phí đó sẽ để hậu quả cho con cái gánh chịu. Tài nguyên của một nước cũng như của một người đều có giới hạn, dùng sai chỗ quá nhiều thì sẽ phá sản. Trong thế giới cạnh tranh, nếu láng giềng của bạn chọn cái tốt hơn bạn, hữu hiệu, ít phung phí hơn, thì họ sẽ vượt lên và đè cổ bạn.

Sự khác biệt chính giữa việc tối ưu hóa cá nhân (lấy vợ/không lấy vợ, mua nhà/thuê nhà) và tối ưu hóa công cộng hay quốc gia là: Việc cá nhân thì cá nhân phải lãnh chịu hậu quả, nếu quyết định sai. Việc quốc gia thì cả nước, cả trăm triệu người dân, cả trăm triệu con cháu chúng ta sau này phải lãnh chịu. Lãnh chịu nghĩa là chịu nghèo hèn lâu dài thêm, chịu cúi đầu cặm cụi trả nợ hay làm nô lệ cho các ông chủ ngoại quốc – về kinh tế, quốc phòng, chủ quyền v.v. - để đền bồi cho sự ngu xuẩn hay tham lam của những kẻ cầm quyền một thời.

Bạn có thể lý luận: đây là tiền vay mượn, ODA, chứ không phải là tiền “của ta”. Nhưng, tiền vay đó thì ai sẽ trả? Xin thưa: con cháu. Vậy đó thực ra là tiền của con cháu (con cháu thường dân, chứ không phải còn cháu các ông lớn, vì con cháu các ông lớn sống phè phỡn bằng tiền lãi của ngân hàng Thụy Sĩ chứ không phải trả nợ ai cả). Nếu bạn không tối ưu hóa việc sử dụng tiền của con cháu người dân, để chi tiêu tối thiểu và có tác dụng tốt tối đa, thì bạn là kẻ tội đồ, thậm chí là kẻ thù của dân tộc.

Vậy, vấn đề không phải là LÀM hay KHÔNG LÀM, mà là làm lúc nào, cách nào, tầm cỡ nào, trình độ nào cho tốt nhất. Mỗi khi ngài Bộ trưởng ra trước Quốc hội để gân cổ chứng minh rằng cách tiêu tiền của ngài TỐT, xin ngài hãy suy nghĩ lại, và tìm cách chứng minh rằng cách đó là tốt NHẤT, theo ý của ngài.

Và mong các đại biểu Quốc hội, thay vì chỉ hỏi “Tốt hay xấu”, hãy biết hỏi “Có cách nào TỐT HƠN không?”

PQT

Như vậy, mục tiêu đầu tiên của phản biện không phải là bác bỏ (như trong biện bác) hay đả kích (như trong chỉ trích) hay tìm khuyết điểm (như trong phê phán) hoặc cả khuyết điểm lẫn ưu điểm (như trong phê bình). Mục tiêu chính của phản biện là thúc đẩy mọi người cân nhắc lựa chọn cái tối ưu.

Mục tiêu thứ hai của phản biện là buộc đối tượng bị phản biện phải tăng cường sự thuyết phục cho các quan điểm của họ. Họ phải chứng minh là họ đúng hơn. Muốn chứng minh như thế, họ cần ít nhất hai điều:

Thứ nhất là minh bạch: Họ phải nêu đầy đủ các luận cứ và luận chứng để biện hộ cho luận điểm của họ. Ví dụ: liên quan đến vấn đề khai thác bauxite ở Việt Nam, người ta cần phải chứng minh các dự án ấy là có lợi, hoặc ít nhất, không có hại gì về các phương diện: quốc phòng (chủ yếu trong quan hệ với Trung Quốc, nước đầu tư chính vào các dự án ấy), môi trường (để không xảy ra tai nạn lũ bùn đỏ như ở Hungary), xã hội (không làm rối loạn đời sống của cư dân địa phương), và kinh tế (liên quan đến vấn đề giá thành và lợi nhuận), v.v... Chứng minh chứ không phải là khẳng định hay hứa hẹn suông.

Thứ hai là phải duy lý hóa: Đối diện với sự phản biện, tức sự chống đối bằng lý lẽ, người ta phải sử dụng lý lẽ để tự vệ. Đây chính là lý do khiến ở Tây phương, người ta thường khuyến khích học sinh và sinh viên tập trung rèn luyện kỹ năng phản biện bằng cách thường xuyên phản biện lại các luận điểm của người khác mà còn của chính mình trong các bài luận văn mình đang viết. Kỹ năng phản biện này thường được gọi là counter-argument.

Về phương diện chính trị và xã hội, với hai mục tiêu (tìm cái tối ưu và thuyết phục) cũng như hai yêu cầu (minh bạch và duy lý) nêu trên, phản biện rõ ràng là một điều cần thiết không những để tránh những chính sách sai lầm mà còn để thúc đẩy quá trình dân chủ hóa và duy lý hóa, tức, nói chung, quá trình hiện đại hóa của đất nước.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

http://www.voanews.com/vietnamese/news/phan-bien-12-11-2010-111734484.html

Thứ năm, ngày 23 tháng hai năm 2012 Phản biện xã hội: Ai?
Chính thói quen chấp nhận mặc nhiên thiếu vắng hoài nghi trong khoa học đã kìm hãm sự phát triển của nước nhà? Đó cũng chính là lý do tại sao sinh ra nghịch lý là các kỹ sư Hai Lúa ... sáng chế ra máy nọ máy kia để giảm bớt cực nhọc cho nông dân. Còn các "đề tài khoa học" của viện nghiên cứu tốn không biết bao nhiêu cơm của nhân dân thì chỉ đẻ ra... đề tài để nghiên cứu.



Nhiều kiểu trí thức?
Trong một dịp công tác, người viết bài này có may mắn được làm việc cùng gần 100 "đại trí thức" của nước nhà... Về mặt hình thức, đối với tôi và đối với xã hội Việt Nam hiện tại, những người này mặc nhiên được coi là đại trí thức vì hầu hết họ là GS, TS,... đến từ các trường đại học và học viện trên khắp cả nước.
Đã có nhiều định nghĩa khác nhau thế nào là "trí thức", nhưng tôi mặc nhiên coi họ là trí thức để khỏi cần định nghĩa lại từ này.

Do đặc thù công việc, tại nơi làm việc, nguồn thông tin duy nhất là VTV, không có bất cứ phương tiện thông tin nào khác.
Mọi chuyện trôi đi êm ả, mỗi nhóm một chuyên ngành, tưởng chừng chẳng còn việc gì khác là làm ra "sản phẩm tri thức" đến hạn thì nộp là xong, hết giờ làm việc thì đi thả bộ,....
Vào giờ giải lao, chủ đề các câu chuyện phần nhiều xoay quanh những chuyện đại loại như con (ôtô) của mình mấy chấm, hiện nay Việt Nam có bao nhiêu con Rolls-Royce Phantom và ai đang sở hữu chúng,... hay cô ca sỹ X đang có xì-can-đan vì vừa bị các paparazzi tóm được "lộ hàng",...

Tôi thì chẳng biết mô tê gì về ôtô và không thích đọc báo nên ngồi nghe như vịt nghe sấm. Có vị thì khoe mình dạy thêm mỗi tháng được gần hai chục vé.
Tối đến thì các trí thức trẻ túm lại đánh phỏm (chơi bài). Tôi hiểu không phải chỉ có những vị có mặt ở đây như vậy.

Nhưng bỗng một hôm, vụ việc ở Tiên Lãng làm xáo động cái cộng đồng nhỏ này. Đúng giờ ăn trưa hôm ấy, khi thấy VTV trong bản tin trưa đầu tiên đưa tin Đoàn Văn Vươn "dùng vũ khí chống người thi hành công vụ...", một số người trong phòng ăn mặt đỏ lự, không biết vì men hay vì tức giận, nói oang oang: "Mấy thằng chống người thi hành công vụ này phải cho chung thân là ít!"

Những người khác bình tĩnh thì lẳng lặng tiếp tục bữa trưa. Một ông khác tóc bạc thấy chướng tai quá bèn nói qua vai: "Chưa biết đúng sai thế nào sao các vị đã đòi trị tội người ta?"

Sau đó, những kẻ "tội phạm" kia còn được các vị mang ra bàn tán trong giờ giải lao hay đi thả bộ. Một ông dạy Sử còn mạnh dạn nhận xét: "Dân Hải Phòng là đầu gấu lắm. Lần này thì phải trị cho nó chừa đi."

Vẫn là thói vơ đũa cả nắm!?
Tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi không hiểu làm sao mà các vị ấy vội vàng thế? Thái độ này ông bà ta gọi là hồ đồ?
Thật phúc đức cho nhân dân là mấy đại trí thức này không nắm giữ cương vị cầm cân nảy mực.

Từ lúc nghe các vị ấy phán như thế, tự nhiên tôi thấy buồn buồn và cứ hình dung họ là những bộ complet biết đi và phía trong những bộ cánh phẳng phiu ấy là những cái dạ dày lổn nhổn thức ăn và những cốc bia chưa kịp tiêu hóa, hệt như Người vô hình của Herbert George Wells.

Trí thức với những đặc thù của mình phải một tầng lớp đi tiên phong trong hoạt động phản biện xã hội. Ảnh minh họa

Sự thiếu vắng tư duy phân tích
Từ xưa, ông bà ta đã dạy: "Khi nghe thì phải nghe bằng cả hai tai". Như thế, tiền nhân đã dạy chúng ta tư duy phân tích và tư duy phê phán để tránh hồ đồ. Lời dạy đó cho đến nay vẫn là một chân lý.

Thói quen mặc nhiên chấp nhận thông tin một chiều làm biến dạng trí tuệ con người và chỉ thích hợp với những thân phận nô bộc, sản phẩm của giáo dục ngu dân của chế độ thực dân phong kiến? Thói quen ấy thể hiện tình trạng thiếu vắng tư duy phân tích và tư duy phê phán. Người nghe chẳng bao giờ tự hỏi: "Có đúng thế không?" và "Tại sao?"

Thiếu vắng những câu tự vấn như thế sẽ dẫn đến ngộ nhận - ngộ nhận về thế giới khách quan và cả về bản thân mình. Họ nhìn thế giới khách quan qua lăng kính không đổi của mình là bộ não đã hóa thạch. Họ tự nhốt mình vào cái giếng kiến thức và tin rằng bên ngoài không còn gì để biết thêm hay học thêm nữa, trên đầu họ bầu trời cũng chỉ còn bằng cái nia, cả bồ chữ của thiên hạ trong đây cả rồi.
Một khi ai cũng mũ ni che tai, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, chỉ co lại một cách ích kỷ để bảo vệ lợi ích riêng, người ngay ắt càng sợ kẻ gian, nhắm mắt hoặc quay đi khi trông thấy kẻ gian móc túi người khác... thì cái ác sẽ lên ngôi. Chính thói quen chấp nhận mặc nhiên thiếu vắng hoài nghi trong khoa học đã kìm hãm sự phát triển của nước nhà? Đó cũng chính là lý do tại sao sinh ra nghịch lý là các kỹ sư Hai Lúa... sáng chế ra máy nọ máy kia để giảm bớt cực nhọc cho nông dân. Còn các "đề tài khoa học" của viện nghiên cứu tốn không biết bao nhiêu cơm của nhân dân thì chỉ đẻ ra... đề tài để nghiên cứu.
Là những "nhà" khoa học mà họ tư duy như thế thì nền khoa học nước nhà vẫn loay hoay nghiên cứu để tái phát minh ra cái bánh xe là điều tất yếu.
Tuy trong thiên hạ họ là những người có nhiều chữ nhưng có vẻ ít... nghĩa.

Trí thức "nửa mùa"?
"Phản biện xã hội" là cụm từ nghe có vẻ hiện đại. Thực ra, ông bà ta từ xa xưa đã dạy: "Thấy ngang tai trái mắt thì phải lên tiếng." Như thế còn cao hơn cả phản biện, người bình thường còn làm vậy, huống hồ trí thức.

Một khi ai cũng mũ ni che tai, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, chỉ co lại một cách ích kỷ để bảo vệ lợi ích riêng, người ngay ắt càng sợ kẻ gian, nhắm mắt hoặc quay đi khi trông thấy kẻ gian móc túi người khác... thì cái ác sẽ lên ngôi.
Như vậy, ông bà mình thực hành phản biện xã hội từ lâu rồi, không nhất thiết chỉ có trí thức mới phản biện xã hội. Có những anh lái xe ôm nhận thức về xã hội còn cao hơn một số người có bằng cấp cao.

Sản phẩm tri thức không chỉ là những phát minh sáng chế, những công thức toán học, hóa học, những con robot, những giống cây mới.... Phản biện xã hội cũng là sản phẩm tri thức đích thực nhưng tất nhiên không phải chỉ là sản phẩm và trách nhiệm của riêng trí thức. Song, trí thức với những đặc thù của mình phải một tầng lớp đi tiên phong trong hoạt động này. Không lên tiếng đóng góp cho xã hội tiến bộ thì đó chỉ là Trí thức nửa mùa [1].

Xin dẫn một ví dụ, nghệ sỹ Ai Weiwei, ngoài những sản phẩm nghệ thuật nổi tiếng, ông không ngừng tiếng mạnh mẽ về nạn tham nhũng dẫn đến cái chết oan uổng cho bao nhiêu học sinh ở Tứ Xuyên, Trung Quốc do xây trường học vật liệu kém chất lượng.
Tôi không dám nhận mình là trí thức. Sinh thời, cha tôi có lần mắng: "Trí thức gì ngữ các anh; vừa hèn, vừa dốt!"
Từ đó, cứ ai gọi tôi là một... trí thức thì tôi lại nghĩ người ấy đang quở mắng mình.
---------
[1] Về trí thức Nga, NXB Tri Thức, Hanoi, 2009
Nguyễn Phương/VietNamNet