Việt Nam-Philippines sắp diễn tập hải quân chung ở Biển Đông
Việt Nam và Philippines dự định tiến hành các cuộc thao dượt hải quân và tuần tiễu chung dọc theo các đường ranh giới lãnh hải ở Biển Đông, nơi cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền.
Báo chí Philippines ngày 28/3 trích thuật thông cáo của Hải quân Philippines cho hay thỏa thuận đạt được nhân chuyến thăm của đoàn giới chức hải quân Philippines do Đô đốc Alexander Pama, Tư lệnh Hải quân Philippines, dẫn đầu tới Việt Nam từ ngày 11 tới ngày 14 tháng này.
Hải quân Philippines nói mục đích chuyến đi nhằm tạo cơ hội để tiến hành các cuộc diễn tập hải quân chung với Việt Nam.
Trong chuyến thăm Việt Nam, phái đoàn hải quân Philippines đã có các buổi làm việc với đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Hai bên nhất trí về các quy trình hoạt động chuẩn, hướng dẫn sự tương tác giữa hải quân hai nước tại khu vực Đông Nam và Đông Bắc đảo Cây. Philippines chiếm đóng phía Đông Bắc đảo Cây mà họ gọi là đảo Parola, cách khu vực Tây Nam đảo Cây do Việt Nam chiếm đóng 3 cây số về hướng Bắc.
Dịp này, Tư lệnh hải quân Việt Nam và Philippines cũng thảo luận về việc chia sẻ kinh nghiệm đóng tàu và khả năng thành lập một đường dây liên lạc nóng giữa trung tâm vận hành của hải quân hai nước đặc biệt trong công tác tìm kiếm và cứu hộ.
Hải quân Philippines cho biết phía Việt Nam đề nghị đứng ra tổ chức các cuộc hội đàm giữa hải quân hai nước vào quý cuối năm nay.
Các giới chức Trung Quốc ở Bắc Kinh đang cảnh báo Việt Nam và Philippines chớ nên mở các cuộc tuần tra quân sự hay diễn tập chung trong vùng biển Ðông đang có tranh chấp. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Shannon Van Sant gửi về bài tường thuật sau đây
Các giới chức quân sự Việt Nam và Philippines đã thảo luận về việc tiến hành các cuộc thao diễn chung trong vùng có tranh chấp tại các buổi họp hồi đầu tháng này. Các cuộc thao diễn có thể bao gồm những cuộc tuần tra chung ở quần đảo Hoàng Sa mà cả hai nước vừa kể và Trung Quốc để nhận chủ quyền.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cảnh báo chớ nên mở các cuộc thao diễn trong vùng đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Nam Sa.
Ông Hồng nói Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi được ở quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận. Trung Quốc chống đối việc các nước ngoài vi phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc.
Đã có một loạt các vụ vi phạm có liên quan đến các ngư dân, các đội tuần tra quân đội và các loại tầu bè khác trong vùng có tranh chấp trong những tháng vừa qua, gây căng thẳng thêm trong việc tranh nhau đòi chủ quyền.
Philippines và Việt Nam đã thảo luận việc thiết lập một đường dây nóng để thông tin liên lạc trong trường hợp tranh chấp cũng như chia sẻ kinh nghiệm đóng tầu.
Một giáo sư thỉnh giảng tại trường Đại học Quốc gia Singapore, ông Hoàng Tĩnh, một chuyên gia phân tích về chính sách đối ngoại của Trung Quốc, nói rằng có nhiều phần chắc Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trong việc đòi chủ quyền vùng biển giàu tài nguyên này.
Ông Hoàng nói: “Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, sự trỗi dậy được gọi là hòa bình, và tinh thần dân tộc trỗi dậy ở Trung Quốc, một mặt, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về thị trường và tài nguyên từ bên ngoài, cho nên bỗng dưng vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông đã trở thành một thứ ưu tiên trong cuộc thảo luận về chính sách và tranh luận trong nước.”
Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều nhận chủ quyền trong các vùng ở Biển Ðông. Trung Quốc đòi phần lãnh hải lớn nhất.
Các vụ đòi chủ quyền khác nhau dự trù sẽ nằm trong nghị trình thảo luận trong chuyến thăm Campuchia của chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào. Campuchia đang giữ chức chủ tịch của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á vời 10 thành viên, và các giới chức Philippines nói họ lấy làm bất mãn trước các nỗ lực của Trung Quốc ngăn chặn việc thảo luận vùng Biển Ðông trong tổ chức này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trọng điểm chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào sẽ là việc tăng cường quan hệ của Trung Quốc với Campuchia, nơi đầu tư của Trung Quốc đã tăng nhanh trong mấy năm vừa qua.
Người phát ngôn này nói Trung Quốc hy vọng qua chuyến thăm này, bang giao hữu nghị giữa Trung Quốc và Campuchia sẽ được đẩy mạnh, hợp tác thực tiễn sẽ được chặt chẽ hơn và các cuộc trao đổi giữa nhân dân hai nước sẽ được tăng cường, và hai bên cũng hy vọng sẽ chứng kiến sự phối hợp lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trung Quốc nói việc nhận chủ quyền lãnh hải trong vùng Biển Ðông xuất phát từ lịch sử 2.000 năm, khi quần đảo Trường Sa còn là một phần quan trọng của Trung Quốc. Việt Nam thì nói mãi đến thập niên 1940 Trung Quốc mới nhận chủ quyền.
Vùng biển đang tranh chấp giàu trữ lượng dầu và khí đốt thiên nhiên và là một trong các tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất ở châu Á.
http://www.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/china-vietnam-philippines-03-29-2012-144889605.html
Thanh Quang, phóng viên RFA
2012-03-29
Gần đây, ngư dân VN lâm nạn đáng ngại về tay TQ ngay tại ngư trường truyền thống VN, và "tàu lạ” cũng xuất hiện “thoải mái” trong lãnh hải VN, thậm chí “an nhiên” neo đậu ngay tại đất liền VN.
Bắt ngư dân, đòi tiền chuộc
Hồi tháng 10 năm ngoái, khi sang thăm TQ, phái đoàn cao cấp của Đảng CSVN do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đã ký kết thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa VN-TQ, qua đó, “đề cao lấy đại cục hai nước làm trọng” (?). Trước đó ít lâu, Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng có lên tiếng với báo South China Morning Post, bày tỏ hy vọng rằng VN và TQ hoàn toàn có khả năng giải quyết những tranh chấp âm ỷ về lãnh hải ở biển Đông. Và hai bên lại cam kết vun bồi cho mối quan hệ “4 tốt và 16 chữ vàng”.
Nhưng cũng như nhiều bi cảnh trong nhiều năm qua vốn diễn ra ngày càng nhiều, thì tin mới nhất cho biết vào rạng sáng 17 tháng 3 vừa rồi, một tàu cá từ Quảng Ngãi bị “tàu lạ” đâm chìm ở gần đảo Cồn Cỏ thuộc biển Quảng Trị. Và tính cho tới thời điểm này, 21 ngư dân thuộc xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi bị phía “tàu lạ” bắt hôm mùng 3 tháng 3 vừa rồi vẫn trong tình trạng mà báo chí VN mô tả là “bặt vô âm tín”. Những ngư dân này khi đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa của VN thì bị phía TQ bắt đòi tiền chuộc sau khi tàu, ngư cụ cùng tất cả lượng hải sản mà họ đánh bắt được bị tịch thu, tạo thêm cảnh khổ đau, túng quẫn cùng cực cho gia đình các nạn nhân khi gia cảnh đa số thuyền viên ấy đều nghèo khổ, không có đất đai canh tác, cả nhà trông chờ vào từng chuyến ra khơi của người chồng, người cha của họ.
Theo báo Đại Đoàn Kết trong nước thì “Những người phụ nữ nghèo nơi huyện đảo Lý Sơn có chồng bị phía Trung Quốc bắt giữ những ngày qua luôn sống trong nỗi lo sợ cho tính mạng của chồng mình. Không chỉ họ mà con cái và cả những người dân trên đảo đều thấp thỏm trông chờ. Thế nhưng cho đến nay những ngư dân bị bắt vẫn chưa thấy trở về”.
Và, cũng như nhiều lần trước, lần này phía TQ cũng làm tiền trắng trợn – hành động mà nhà báo Nguyễn Thông cáo giác là “đã thành lệ, một thứ lệ rất xấu, cứ mỗi lần Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là chúng lại ra điều kiện phải nộp 70.000 nhân dân tệ để chuộc thì chúng mới thả tàu về. Có tiền thì tha, kiểu ‘có ba trăm lạng việc này mới xuôi’ ”.
Trong nhiều năm nay, ngày càng có nhiều “tàu lạ” từ phương Bắc, từ tàu ngư chính, hải giám cho đến cảnh sát biển, tới xâm phạm, khống chế hải phận VN, mà nạn nhân chính là những ngư dân Việt từ các làng chài ven biển Miền Trung hoạt động tại ngư trường truyền thống từ hàng ngàn năm qua của cha ông mình. Nhưng càng ngày họ càng gặp phải hành động TQ bắn giết, bắt bớ, đánh đập, cướp đoạt phương tiện ngư cụ cùng lượng thuỷ sản đánh bắt được, và giữ người đòi tiền chuộc.
Cứ mỗi lần Trung Quốc bắt giữ tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam là chúng lại ra điều kiện phải nộp 70.000 nhân dân tệ để chuộc thì chúng mới thả tàu về. Có tiền thì tha, kiểu ‘có ba trăm lạng việc này mới xuôi’.
Nhà báo Nguyễn Thông
Giữa lúc giới lãnh đạo Việt-Trung thường xuyên khẳng định giải quyết mọi tranh chấp bằng phương pháp hòa bình và hợp tác cùng phát triển, nhiều dấu hiệu cho thấy TQ, sau khi chiếm toàn bộ quần đảo Hòang Sa hồi năm 1974 từ VNCH, đã tiến hành xây căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch ở đó; thực hiện những cơ sở tương tự ở 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm từ tay quân đội CSVN hồi năm 1988, đơn phương thăm dò khai thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp, ráo riết tuyên truyền với thế giới về chủ quyền của họ trên Biển Đông, cho thấy chiến lược “Nam tiến” Biển Đông của họ qua ý đồ và nỗ lực tăng cường Hạm đội Nam Hải.
Phản ứng của VN
Cũng như thường lệ, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao VN lại lên tiếng phản đối hành động của TQ, yêu cầu thả ngay và vô điều kiện ngư dân VN, tái khẳng định chủ quyền lãnh hải của VN và cùng lắm là cử đại diện của VN tới Đại sứ quán TQ, chứ không có cuộc triệu tập nào đối với đại sứ TQ để mạnh mẽ phản đối. Các viên chức khác của VN, như Cục trưởng Ban Biên giới Chính phủ Trần Công Trục có lần lên tiếng qua VN Express rằng “cái quan trọng nhất là chúng ta phải bình tĩnh, kiềm chế, tiếp tục hành xử đúng theo quy định, thủ tục pháp lý. Nếu mình làm đúng như vậy thì lẽ phải thuộc về mình, không có gì phải sợ”…Trong khi đó những người có tâm huyết với vận nước, như tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ VN tại Bắc Kinh, cho rằng giới cầm quyền “quá nhu nhược cũng lại quá tin vào lời của những người TQ nói. Quá tin vào 16 chữ vàng và 4 tốt của họ”. Hay tướng Nguyễn Quốc Thước nhận xét rằng “ Thái độ của nhà nước mình… chưa đủ sức mạnh để phản đối một cách mạnh mẽ hơn”...
Những phản ứng yếu như vậy hẳn là một trong những lý do khiến phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Hồng Lỗi có lý do to tiếng rằng hành động của phía TQ là đúng luật và hợp lý vì các ngư dân VN vi phạm chủ quyền và lãnh hải TQ; viên chức này lại còn yêu cầu VN “quản lý và giáo dục” ngư dân VN để tránh điều gọi là “sự cố tái diễn”.
Nhưng có lẽ điểm yếu nhất mà Bắc Kinh luôn nhận thấy ở phía VN là nhà cầm quyền VN không có thiện chí huy động lòng dân, tập hợp sự đoàn kết của người dân để cùng chính quyền phản đối mọi hành động ngày càng tuỳ tiện và ngang ngược của phương Bắc. Mà trái lại, giới cầm quyền cùng công an kết hợp côn đồ tiếp tục đàn áp nặng tay và vô cảm những người biểu tình yêu nước. Một ví dụ điển hình cụ thể nhất là trong mấy ngày nay, một phụ nữ yêu nước chống TQ xâm lược, là chị Trần Thị Nga, có gởi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cũng như kêu cứu công luận, nhất là giới bloggers, nhân sĩ, trí thức yêu nước, vì công an địa phương đe doạ tới tính mạng của mẹ con chị, cũng như tạo điều kiện cho côn đồ đe doạ, khủng bố, hành hung người phụ nữ có tâm huyết với đất nước này.
Nói chung phản ứng của VN như vừa nói tương phản với phản ứng của những xứ láng giềng khi bị TQ đe doạ, như Malaysia hồi tháng Tư năm 2010 đưa tàu chiến và chiến đấu cơ rượt đuổi các tàu tuần tiểu của TQ xâm nhập hải phận Malaysia; rồi sau đó hải quân Indonesia bắt giữ các tàu đánh cá TQ xâm nhập hải phận Indonesia, khiến phía TQ cam kết không tái diễn hành động tương tự thì mới được thả; và hồi đầu tháng 3 này, hải quân và không quân Philippines xua đuổi các tàu đánh cá và tuần tiễu của TQ xuất hiện quanh khu vực đảo Palawan của Phi.
“Việc họ khai báo một đằng nhưng giấy tờ tuỳ thân lại một nẻo chứng tỏ có âm mưu đen tối”, và “cơ quan ngoại giao nên có phát ngôn mạnh mẽ với báo giới để vạch trần âm mưu đen tối đó”.
Nguyễn Duy Đạo, VietInfo
Hành động quyết liệt đó của những nước láng giềng lại tương phản với việc có 2 tàu TQ neo đậu trái phép một cách xem chừng như “an nhiên, thoải mái” tại vịnh Nha Trang và bị phát hiện hôm 23 tháng 3 vừa rồi. Mặc dù 9 thuyền viên trên các tàu này đều có visa nhập cảnh VN theo đường bộ, nhưng lời khai của 2 thuyền trưởng về sự hiện diện của 2 chiếc tàu ấy rất là “lung tung”.
Theo độc giả Nguyễn Duy Đạo của mạng VietInfo thì “việc họ khai báo một đằng nhưng giấy tờ tuỳ thân lại một nẻo chứng tỏ có âm mưu đen tối”, và “cơ quan ngoại giao nên có phát ngôn mạnh mẽ với báo giới để vạch trần âm mưu đen tối đó”.
Độc giả Hoàng Lê cảnh báo “ ‘Tàu khựa’ là vua nham hiểm…Tuyệt đối không được nhường nhịn nó, nếu nhường nhịn nó là nó sẽ lấn tới”.
Độc giả ẩn danh than phiền rằng “ông bạn vàng đến nhà, nhưng chủ nhà không biết”.
Theo nhà văn Phạm Viết Đào thì “Tàu chiến Gepard, chiến đấu cơ Sukhoi SU-30MK2, tàu ngầm kilo, tên lửa hành trình, radar cảnh báo tầm xa Kolchuga v.v... nghĩa là VN có đủ loại vũ khí tối tân để.... "Nổ và lừa bịp" người dân trong nước... Nếu không! Tại sao mấy chiếc tàu sắt to lớn như vậy của các chú ba Tàu xâm nhập tới và neo ngay tại Hòn Tre, Nha Trang (cách thị xã Nha trang có mấy cây số), nghĩa là đã bước vào nhà VN rồi mà quân đội và công an… của XHCNVN chẳng biết gì???
Vậy thực sự VN đã có và làm chủ những thứ vũ khí này không ? Hay là quân đội và công an… không đủ trình độ để làm chủ các thứ vũ khí này? Hoặc đang bận cướp đất, cướp tài sản và đàn áp sự lên tiếng của nhân dân nên không có thời giờ canh gác giặc ngoại xâm? Hoặc nhà nước… CSVN đã bán đứng VN cho quan thầy TQ?”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/irony-16letter-gold-4good-tq-03292012132018.html
No comments:
Post a Comment