10/03/2012 Việt Nam và các nước buộc sẽ phải xem xét lại việc mua vũ khí của Nga?
Nguyễn Hoàng Hà
Phản lực mới Su-35 được trang bị cho không quân Nga- Ảnh RIA Novosti
Việt Nam nhiều năm qua trở thành bạn hàng lớn thứ 3 của Nga về mua sắm vũ khí, sau Ấn Độ, Trung Quốc với số ngân sách ước khoảng 4 tỷ đô-la từ năm 1999 đến 2012 chủ yếu là máy bay chiến đấu Su-30 và tàu ngầm, các chiến hạm cùng các dàn hỏa tiễn tầm trung và tầm ngắn cũng như vũ khí thông thường.
Ngân sách mua sắm vũ khí ngày càng phải tăng hơn so với những năm trước đây vì sự đe dọa của tàu chiến Trung Quốc tại Biển Đông và những tham vọng ngày càng lớn của Trung Nam Hải này về khu vực biển vốn có tiềm năng lớn về dầu lửa và khí đốt.
Trung Quốc không chỉ ngày càng gia tăng đe dọa quân sự ở các khu vực ngoài 200 hải lý thuộc vùng biển quốc tế, mà còn đòi chủ quyền ngay ở khu vực bên trong 200 hải lý thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các hòn đảo vốn thuộc quyền sở hữu mang tính truyền thống tại Hoàng Sa và Trường Sa cũng bị Trung Quốc thôn tính và chiếm đóng rồi lập ra các căn cứ quân sự mang tính lâu dài nhập vào vùng quản lý Tam Sa của đảo Hải Nam Trung Quốc.
Trung Quốc đang ráo riết tăng nguồn kinh phí quốc phòng, trong năm 2012 đã lên tới 100 tỷ USD, tức là tăng 11,2% so với năm ngoái, khiến cho chẳng những Việt Nam mà tất cả các quốc gia khác trong khu vực đều rất lo lắng – nhất là Việt Nam và Nhật Bản, những quốc gia gần nhất với Trung Quốc đang bị nước lớn này xâm chiếm đảo biển.
Nhưng điều đáng nói ở đây chính là khi chắt chiu từng đồng thuế của người dân lúc kinh tế đang khó khăn để mua sắm vũ khí, hẳn Việt Nam đã không tính đến thái độ không đẹp của người bán hàng Nga bán dao cho hai bên.
Việt Nam không thể không biết nước Nga ngày nay không phải là Liên Xô ngày xưa, một đồng minh chiến lược toàn diện của Việt Nam, mà là quốc gia không cộng sản mang tính thực dụng đơn thuần là kiếm lời qua các thương vụ xuất khẩu vũ khí tới các nước, miễn là thu được nhiều tiền.
Cho nên mặc dù vừa bán vũ khí cho Việt Nam, Indonesia, Malaisia cũng như nhiều nước Đông Nam Á khác, họ cũng lại bán vũ khí tương tự thậm chí còn hiện đại hơn cho Trung Quốc để chắp nanh cho con ngáo ộp đầy tham vọng này.
Theo nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga trích một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này, hai bên đã thực sự thống nhất về việc Nga giao 48 chiến đấu cơ đa dụng Su-35 Flanker-E cho không quân Trung Quốc. Như thế việc Việt Nam và các nước mua Su-30 vừa qua của Nga chỉ tương đương với con số lẻ của con số khổng lồ mà Trung Quốc mua cũng chính từ nhà sản xuất này. Vừa qua Nga cam kết sẽ giao nhanh số lượng máy bay mà Trung Quốc đặt mua khi bạn hàng nhiều tiền lắm của lại ngỏ ý muốn mua thêm nhiều mặt hàng đắt giá khác để trang bị cho quân đội của mình.
Nga thừa biết Trung Quốc chuyên chơi bài mua hàng rồi tháo ra làm hàng nhái để bán cho các quốc gia khác, ăn cắp các kỹ thuật quân sự một cách tài tình để tân trang cho kỹ nghệ quốc phòng của chính mình. Tuy Nga yêu cầu Trung Quốc phải bảo đảm việc bảo vệ bản quyền, nhằm ngăn chặn việc chế tạo các máy bay chiến đấu Su-35 mà không có giấy phép phù hợp nhưng không có gì đảm bảo Trung Quốc tôn trọng thoả thuận này.
Đứng trước các hợp đồng béo bở lên tới hàng 4, 5 tỷ đô la thì nhưng lời đe dọa cấm Trung Quốc sao chép kỹ thuật hàng chỉ là trò nói cho qua chuyện mà thôi vì ai giám sát nổi ma làm gì trong đêm tối. Chính Trung Quốc vốn từng bị cho là "làm nhái" các chiến đấu cơ tiên tiến của Nga. Các chuyên gia Nga cho rằng máy bay Thành Đô J-10 là bản sao của Su-27 Flanker, Thẩm Dương J-11 là phiên bản nhái của Su-30 Flanker-C, trong khi FC-1 là sự sao chép từ MiG-29 Fulcrum.
Hiện nay Trung Quốc đang ve vãn Nga bán cho họ Su-35 và nếu Nga đồng ý bán thì Trung Quốc sẵn sàng đặt mua 30 đến 50 chiếc với số tiền có thể lên tới 20 tỷ đô la vì loại máy bay này được trang bị hai động cơ 117S với vectơ lực đẩy, là sự kết hợp của tính tiện dụng và khả năng tấn công hiệu quả đồng thời nhiều mục tiêu trên không. Chiến đấu cơ đa dụng này có nhiều tên lửa và các hệ thống vũ khí tiên tiến. Su-35 được mệnh danh là "chiến đấu cơ thế hệ 4++ mang công nghệ của thế hệ thứ 5, hơn hẳn máy bay hiện đại nhất của Mỹ hiện nay". Nga vẫn chưa có trả lời chính thức về vấn đề này.
Rõ ràng từng đấy đã đủ cho Việt Nam phải tính đến tìm kiếm mua vũ khí của nhiều đối tác khác hay phải buộc Nga cam kết không bán vũ khí cho Trung Quốc với những gì mình đã mua. Điều này thật khó vì dù thế nào con gấu trắng Nga vẫn không chịu cam kết khi nhìn thấy túi tiền khổng lồ và các hợp đồng to lớn gấp nhiều lần mà Việt Nam đã đem lại cho họ.
Sau khi nghe tin Nga bán cho Trung Quốc 48 máy bay Su-30 nhiều bạn hàng của Nga ở Đông Nam Á đã tỏ ra bất mãn và chắc chắn họ không còn tha thiết với sự chào hàng của con gấu Nga và buộc họ cũng sẽ phải tìm đến các nguồn hàng khác để làm lá chắn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc hôm nay.
Ngày 7 tháng 3 năm 2012
Máy bay Sukhoi gặp nạn khi bay thử
Cập nhật: 14:21 GMT - thứ tư, 7 tháng 3, 2012
Nga đã bán cho Việt Nam 20 chiến đấu cơ Su-30MK2
Tin cho hay một chiến đấu cơ Su-30MK2 đời mới của Nga đã gặp nạn khi bay thử một tuần trước đây làm hai phi công bị thương.
Hãng thông tấn Interfax của Nga cho hay vụ tai nạn xảy ra hôm 28/2 nhưng không được công bố.
Hãng này cũng dẫn nguồn không chính thức nói chiếc chiến đấu cơ này chuẩn bị được giao cho Việt Nam. Nếu đúng là như vậy, thì đây có thể là một trong bốn chiếc Su-30MK2 mà Nga sẽ giao hàng cho Việt Nam trong năm 2012, hoàn tất hợp đồng ký từ năm ngoái.
Theo hợp đồng ký tháng 2/2011, Việt Nam mua của Nga 12 chiếc Su-30MK2. Bốn chiếc đầu tiên được giao hàng vào tháng 6/2011, bốn chiếc tiếp theo giao vào tháng 1/2012 và bốn chiếc còn lại sắp được giao nốt trong năm nay.
Trước đó, Việt Nam cũng đã mua và nhận đủ 12 chiến đấu cơ Su-30.
Interfax cho biết, vụ tai nạn xảy ra cách thành phố Komsomolsk-na-Amure 140km. Đây là nơi đặt nhà máy chế tạo chiến đấu cơ của Nga.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng hiện trường và các bằng chứng, nguồn tin của Interfax nói chiếc máy bay bị rớt vì "hỏng máy".
Nguồn tin này được dẫn lời nói động cơ phải của máy bay bốc cháy khi phi công cho tăng tốc tối đa.
Sau đó hệ thống điều khiển từ xa cũng hỏng, máy bay bắt đầu bị quay lộn và mất kiểm soát.
Hai phi công, trung tá Valeriy Kirillin và đại úy Aleksey Gorshkov, đã cố gắng điều khiển chiến đấu cơ nhưng nó vẫn nhanh chóng mất độ cao.
Đến khi không thể tiếp tục, cơ trưởng ra lệnh nhảy dù. Trung tá Kirilin rơi trúng một ngọn cây và bị gãy ba xương sườn, đại úy Gorshkov thì không hề hấn gì.
Chiến đấu cơ đời mới
Điều kiện thời tiết được nói là bình thường. Máy bay khi gặp nạn đang bay ở độ cao 3.000 trên mặt biển.
Su-30MK2 là máy bay tiêm kích tầm xa trên biển trong mọi điều kiện thời tiết và thường được so sánh với chiếc F15-E do Mỹ sản xuất.
Máy bay này được dùng để chiếm ưu thế trên không cũng như tấn công mục tiêu trên đất liền và trên biển.
Chúng có thể mang theo đến tám tấn vũ khí, bao gồm tên lửa đối không và đối biển. Mỗi chiếc Su-30MK2 này trị giá khoảng 62 triệu đôla.
Nga đã bán hơn 130 chiếc Su-30MK2 cho Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam, Venezuela và Uganda.
Hiện tại lực lượng hải quân của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc đang có 24 chiếc Su-30MK2 và tất cả đều đã được đưa vào hoạt động từ năm 2010.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120307_su30_crash.shtml
No comments:
Post a Comment