Quan chức lãnh đạo Viện Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội của Việt Nam cho BBC hay Quốc hội sẽ có vai trò "giám sát" với đợt chỉnh đốn, xây dựng Đảng đang được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khởi xướng qua Nghị quyết Trung ương 4, Khóa 11.
Trao đổi với BBC trong chuyến thăm trụ sở Bush House của Thế giới Vụ Đài BBC và thăm Ban Việt ngữ hôm thứ Ba, 28/2/2012, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu có vai trò tham mưu, tư vấn chiến lược và chính sách lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói:
"Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một công việc thường xuyên, bảo đảm cho sự sống còn, tồn tại và phát triển của một Đảng, cho nên đây là công việc thường xuyên mà Đảng Cộng sản Việt Nam rất quan tâm.
"Phải nói là công việc của Đảng đồng thời là công việc của Nhà nước và cũng có thể nói đây là công việc của toàn dân. Bởi vì theo tôi việc xây dựng Đảng hiệu quả phải dựa vào dân và sử dụng, phát động được sức mạnh của toàn dân để xây dựng Đảng thì mới đạt kết quả.
"Đối với Nhà nước, địa vị của Đại biểu Quốc hội có một lợi thế hơn hẳn ở chỗ vừa là cơ quan Nhà nước, vừa là người đại diện, đại biểu cho dân, những người ưu tú, được dân tin tưởng, gửi gắm, thì rõ ràng trách nhiệm của Quốc hội trong việc này càng phải cao hơn, chứ không phải là đứng ngoài cuộc, không phải là việc của Đảng."
"Có một lợi thế quan trọng của Quốc hội, đó là Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với tất cả các cơ quan Nhà nước, mà đấy là đối với các quan chức. Ví dụ như vấn đề chất vấn các quan chức"
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
"Có nhiều cách, nhưng trong đó có một lợi thế quan trọng của Quốc hội, đó là Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với tất cả các cơ quan Nhà nước, mà đấy là đối với các quan chức. Ví dụ như vấn đề chất vấn các quan chức, các thành viên Chính phủ, hay các vị trí do Quốc hội bầu hay phê chuẩn, hay hình thức bỏ phiếu tín nhiệm của Đại biểu Quốc hội đối với các vị trí mà Quốc hội bầu hay bổ nhiệm.
Tiến sỹ Thảo tin rằng việc làm này "có tác dụng tích cực" đối với việc chỉnh đốn Đảng vì theo ông các cương vị, vị trí quan trọng của Nhà nước hầu hết đều là đảng viên, là cán bộ của Đảng "cử ra" để nắm các vai trò lãnh đạo. Ông khẳng định:
"Rõ ràng Quốc hội với chức năng là cơ quan vừa là đại diện cho dân, vừa là thực hiện chức năng giám sát tối cao, sẽ có điều kiện cần để có thể làm tốt cái đó."
Tư hữu đất đai
Nhân sự kiện vụ phản kháng chính quyền, chống cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng mới đây, Tiến sỹ Thảo, Đại biểu Quốc hội của Hà Nội, nêu quan điểm về công nhận hay không với quyền tư hữu tài sản, tư liệu sản xuất nói chung, quyền tư hữu đất đai của người dân nói riêng:
"Riêng đối với đất đai, nó là một đặc thù, vừa là tài sản, vừa là tư liệu sản xuất, vừa có giá trị như hàng hóa, tất nhiên hiện nay ở Việt Nam, Hiến pháp, luật xác định đất đai là sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Tức là duy nhất có một hình thức sở hữu là sở hữu toàn dân, nhưng lại giao cho các tổ chức và cá nhân được quyền sử dụng... Và cùng quyền sử dụng, được trao thêm nội hàm, nội dung quyền sử dụng rất rộng, có bảy quyền cơ bản.
"Điều đó tạo điều kiện rất thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng, khai thác lợi ích của đất đai. Trong lần sửa đổi này, nguyên tắc cơ bản sở hữu toàn dân, theo hướng phải xác định rõ sở hữu nhà nước, hay sở hữu quốc gia, sở hữu công cộng đối với đất đai để cho có một chủ thể, có một pháp nhân cụ thể cho việc quản lý thì nó sẽ tốt hơn."
"Còn đối với vấn đề có đa hình thức sở hữu đất đai không thì cái đó còn phải tiếp tục nghiên cứu. Bởi vì thực tế cái này có liên quan tới sửa đổi Hiến pháp, lần này có sửa đổi hay không, cái đó còn phụ thuộc vào ý chí, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân VN"
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
Tiến sỹ Thảo cho hay Việt Nam còn đang nghiên cứu về "đa hình thức sở hữu đất đai," đồng thời đánh giá chế độ sở hữu nhà nước về đất đai hiện nay còn "rộng hơn", "thoáng hơn" nhiều nước trên Thế giới. Ông nói:
"Còn nếu mà nói toàn dân thì đúng thôi, nhưng mà nó là chung chung, nhưng cuối cùng, chủ thể con người cụ thể, quản lý nó là ai. Còn đối với vấn đề có đa hình thức sở hữu đất đai không thì cái đó còn phải tiếp tục nghiên cứu. Bởi vì thực tế cái này có liên quan tới sửa đổi Hiến pháp, lần này có sửa đổi hay không, cái đó còn phụ thuộc vào ý chí, mong muốn, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam.
"Bởi vì cho đến nay, lâu nay cũng chưa có một ai nói là vì do không có sở hữu tư nhât đất đai mà nó ảnh hưởng đến lợi ích, mà chẳng qua người ta kêu vấn đề định giá chưa chuẩn. Bởi vì trong luật quy định khi thu hồi phải bồi thường theo giá thị trường hay ngang giá thị trường, nhưng giá thị trường là như thế nào thì xác định chưa thật chuẩn, nên khi giải tỏa, đền bù chưa xác đáng, dẫn đến những khiếu kiện này khác thôi.
"Còn cơ bản nói quyền sử dụng đi kèm các quyền như chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, thế chấp, thầy là nó rất thuận lợi và nếu so sánh với một số nước trên thế giới, quyền sở hữu của người dân đối với đất đai nó thoáng hơn, rộng rãi hơn so với nhiều nước trên Thế giới. Thứ hai nữa là trên Thế giới, không phải nước nào cũng tư nhân hóa 100% đất đai, có thể người ta chỉ tư nhân hóa một phần, chẳng hạn đất ở, còn đất công cộng, đất đô thị, đất ở thành phố, thì Nhà nước vẫn phải quản lý."
Phúc quyết hiến pháp?
Về Hiến pháp, trước câu hỏi có nên tiếp tục sửa Hiến pháp 1992 hiện hành, hay nên thay hẳn bằng việc xây dựng một bản Hiến pháp mới, có sự phúc quyết của toàn dân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội đưa ra quan điểm:
"Vấn đề làm mới hay là sửa đổi, bổ sung một số điều, thì lần này, chúng tôi không có một ấn định trước, xác định trước là chỉ có sửa cái này mà không sở cái kia, mà lại khẳng định sửa nhiều, hay sửa ít, thì cái đó phụ thuộc vào tổng kết.
"Hiện nay, chúng tôi mới ở trong giai đoạn đầu, giai đoạn tổng kết 20 năm thi hành Hiến pháp. Và cái việc đó, hiện nay đang sắp hoàn tất, và cố gắng sẽ hoàn tất, từ nay cho đến tháng Tư, tháng Năm là kết thúc giai đoạn tổng kết...
Ông Thảo nhấn mạnh khác biệt của lần sửa Hiền pháp này so với trước đây là việc sửa đổi, bổ sung "không bị đóng khung" hoặc giới hạn trước. Ông nói:
"Nếu qua tổng kết, thấy rằng những quy định trước đây hiện nay không còn phù hợp, hoặc trong tương lai sẽ không còn phù hợp nữa, và những điều đã rất rõ, và có sự đồng thuận cao của nhân dân, vì nhân dân là chủ thể của quyền lực và lập hiến, mà nhân dân thấy cần phải sửa nhiều, thì cũng sẵn sàng, Ủy ban dự thảo sửa đổi sẽ chuẩn bị các hướng đó.
"Còn nếu nhân dân nói, như hiện nay, tức là như Hiến pháp hiện hành, cũng đã phù hợp rồi, thì không cần phải sửa nhiều nữa, mà chỉ sửa những gì thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và thấy nó không còn phù hợp, thì sẽ có quyết định"
Viện trưởng Đinh Xuân Thảo
"Còn nếu nhân dân nói, như hiện nay, tức là như Hiến pháp hiện hành, cũng đã phù hợp rồi, thì không cần phải sửa nhiều nữa, mà chỉ sửa những gì thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và thấy nó không còn phù hợp, thì sẽ có quyết định. Lần này khác với những lần sửa đổi trước, tức là không bị đóng khung vào việc giới hạn là chỉ được làm cái này, mà không được làm cái kia."
Đoàn đại biểu gồm một số Đại biểu Quốc hội tới thăm nước Anh theo lời mời của Bộ Ngoại giao Anh, thăm Thế giới vụ BBC và Ban Việt ngữ lần này do Tiến sỹ Viện trưởng Đinh Xuân Thảo làm trưởng đoàn.
Các thành viên khác gồm Tiến sỹ Nguyễn Kim Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Tiến sỹ Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, ông Đinh Trịnh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội, Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội và ông Trương Quốc Hưng, Trợ lý Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp.
Trong cuộc trao đổi khá chi tiết với BBC, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo còn đề cập tới nhiều vấn đề khác từ phương án xây dựng Luật về Đảng, vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xử lý tham nhũng và trách nhiệm cá nhân trong vụ Vinashin... cho tới các vấn đề vai trò phản biện của tầng lớp trí thức, quan hệ đối ngoại với Trung Quốc cùng phương án Quốc hội có nên ra Luật hoặc Nghị quyết vào năm nay về đàm phán, yêu sách Trung Quốc trao trả Hoàng Sa hay không...
Các phần âm thanh và hình ảnh cuộc phỏng vấn với Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp, Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo sẽ được Bbcvietnamese.com đăng tải ở chuyên mục Nghe xem trên trang nhà của chúng tôi, mời Quý vị đón theo dõi tới đây.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/02/120228_viet_mp_dinhxuanthao.shtml
Ông Trương Tấn Sang, Chủ tịch nước Việt Nam hiện nay, gần đây có tuyên bố được mọi người chú ý, "Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết cái đất nước này".
Tuyên bố này nói lên một sự thực còn tồi tệ hơn: một nồi canh với một bầy sâu thì chỉ còn là một nồi canh sâu? Mà đã là nồi canh sâu thì còn tiếc gì nữa mà không đổ bỏ đi. Ai còn có thể ăn được, trừ khi quá nghèo khổ không ăn thì chết.
Đảng đang kêu gọi chỉnh đốn để hy vọng trừ diệt bầy sâu, làm trong sạch đảng. Đảng nói thế chứ dân không tin thế.
Dân gian hiện nay có câu: "Đảng cứ nói, dân cứ làm", và Đảng nói đường đảng, dân làm đường dân.
Dân cứ làm như thế nào? Tiêu cực thì dân cấy sâu vào nồi canh của đảng. Dân nuôi các công an địa phương; hối lộ cảnh sát giao thông; móc ngoặc với cán bộ thoái hóa.
'Nồi canh đảng' ngày càng có nhiều sâu, sâu ngày càng to và mập hơn. Dân hoan hô nghị quyết, hoan hô đảng công khai trong các buổi họp tổ dân phố, nhưng 'chửi đảng' thậm tệ nơi riêng tư, với nhau, trong gia đình, ngoài đường phố, tại các quán nước, trên xích lô, trong taxi.
Sống hai mặt
Mọi người đều phải sống hai mặt, nói một đằng làm một nẻo, trước mặt nói tốt, làm tốt, vắng mặt nói xấu, làm xấu.
Dân phải làm như thế mới sống được, mới không bị đi tù, không bị theo dõi, trù úm; mới hy vọng làm ăn, học hành, sinh sống yên ổn được.
Nhưng nếu dân cả nước cứ phải làm như thế thì than ôi, đất nước còn gì, dân tộc còn gì; còn gì để tự hào dân tộc, còn đâu là tiêu chuẩn đạo đức, là trật tự xã hội, là 'Công bằng, Văn minh'?
Còn đâu Văn hiến chi bang, đạo thống Tiên Rồng? Tiền đồ dân tộc và tương lai đất nước đi về đâu? Người Việt nào có lòng mà im lặng được trước tình trạng băng hoại đạo đức, tinh thần toàn diện như thế?
Trong khi đó thì đảng nói gì và làm gì? Cần sửa sai và chỉnh đốn. Chỉnh đốn đảng để đưa đất nước tiên lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng như câu nói ngoài dân thể hiện thực tế: “càng chỉnh càng đốn”. Liệu còn chỉnh đốn được không? Hay câu hỏi chính xác hơn là: thể chế chính trị cộng sản có chỉnh đốn được không?
Nhiều cựu lãnh đạo cộng sản thế giới đã thú nhận chế độ cộng sản không thể sửa sai được. Từ ông Gorbachev đến ông Yeltsin đều nói như thế.
Ông Gorbachev giờ đây còn tỏ ra ân hận là mình vẫn cố sửa đổi để mong cứu Đảng Cộng sản Liên Xô vào những tháng cuối cùng của chế độ cộng sản. Ông tiếc là đã không bỏ đảng CS sớm hơn.
Yeltsin, Gorbachev là những lãnh tụ cộng sản quốc tế lừng danh. Họ không phải là những người chống cộng. Họ phải biết rõ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo cộng sản nào ở Việt Nam về bản chất của hệ thống chính trị cộng sản.
Họ đã can đảm mở đường cho Nga trước, Liên Xô sau, dứt bỏ chủ nghĩa cộng sản và hệ thống chính trị cộng sản. Họ đã không vì quyền và lợi riêng mà cố duy trì cho bằng được cái chủ nghĩa và hệ thống chính trị cộng sản đã lỗi thời đó.
Đây là chủ nghĩa và hệ thống ngoại lai mà một người Việt, ông Lý Đông A từ đầu thập niên 1940, đã khẳng định là thứ chủ nghĩa "lạc hậu non 100 năm", thất bại trong kiến thiết tại Liên Xô và sẽ hoàn toàn sụp đổ trên toàn thế giới.
Không thể sửa sai một chủ nghĩa và một cơ chế chính trị đã sai lầm từ bản chất, từ các quan điểm nền tảng. Chỉnh đốn đảng để thực hiện khẩu hiệu trên, do đó, chỉ là công sức vô ích, dù thiện chí có thực đến thế nào.
Đối với người dân Việt, giải pháp duy nhất tốt lúc này, cho chính đảng cộng sản và cho đất nước, không phải là chỉnh đốn Đảng Cộng sản, mà là trả lại quyền tự quyết cho toàn dân - là dân chủ, dân chủ chân chính và toàn diện.
Dân chủ chân chính, để mọi thành phần dân chúng, cụ thể là hai thành phần còn tin theo cộng sản và không tin theo cộng sản, đều được quyền cùng tồn tại, cùng tự do hoạt động, cùng cạnh tranh lành mạnh, để đưa ra và thực hiện các chương trình kiến thiết đất nước. Cạnh tranh trong ôn hòa, công khai, minh bạch, trong sáng, để toàn dân cùng so sánh và tự do chọn lựa.
Dân chủ toàn diện để người dân thực sự làm chủ được mọi hoạt động của mình trong mọi lãnh vực, từ kinh tế thương mại, đến văn hóa, giáo dục, thông tin, tôn giáo, tư tưởng và chính trị. Đất nước tiến được hay không là do toàn dân có được môi trường và điều kiện để sinh họat tự do, tích cực, có hiệu quả trong mọi lãnh vực hay không.
Pháp trị thay cho Đảng trị
Môi trường và điều kiện cần thiết đó chính là hệ thống chính trị Dân chủ Pháp trị, không phải độc tài Đảng trị hiện nay.
Hiến pháp và luật pháp phải có giá trị phán quyết tối cao, đứng trên mọi đảng phái, không một cá nhân, một đảng phái nào, có thể đứng ngoài và đứng trên Hiến pháp và luật pháp được, kể cả người đứng đầu chính quyền và đảng cầm quyền. Dân chỉ thực sự làm chủ khi được tự do sinh họat trong một xã hội như thế.
Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hãy chứng tỏ bản lãnh chính trị và tầm nhìn thời đại để thay đổi triệt để và cỗi gốc, để từ bỏ độc tài đảng trị và chấp nhận Dân chủ Pháp trị.
Việc đầu tiên là chấp nhận một lộ trình dân chủ hóa. Dù công bố hay không, bước đầu tiên trong lộ trình này là thả tất cả những tù nhân đang bị giam giữ hay quản chế vì lý do tư tưởng, chính trị và tôn giáo. Bước tiếp theo là hủy bỏ các điều khoản trong Bộ Luật Hình sự và các Luật khác mà từ trước đến nay vẫn được sử dụng để đàn áp, bắt giữ những người bất đồng chính kiến.
"Nhưng chỉnh đốn chỉ là vô hiệu bởi không thể vừa đá bóng vừa thổi còi"
Sau đó, ngưng bắt giữ những người phát biểu, một cách ôn hòa bất bạo động, các ý kiến khác biệt với đảng và nhà nước cộng sản. Cuối cùng là ban hành các đạo luật cho phép người dân thành lập các tổ chức chính trị và dân sự, và được họat động công khai hợp pháp, như là tiếng nói đối lập với Đảng Cộng sản đang cầm quyền.
Lộ trình dân chủ, với những bước đi tuần tự và cụ thể như thế, sẽ tạo ra một bầu khí văn hóa chính trị mới, gây phấn chấn cho mọi người Việt, khơi dậy sức sống và sức sáng tạo cho toàn dân trong mọi lãnh vực họat động xã hội, nhất là trong những lãnh vực mà đến nay vẫn hết sức nghèo nàn, sơ cứng vì bị đảng kiểm sóat chặt chẽ.
Việc đảng Đảng Cộng sản Việt Nam thực thi một lộ trình thay đổi chính trị ôn hòa công khai như thế là điều mà những người Việt quan tâm trong và ngoài nứơc hằng mong đợi, để đất nước và nhân dân sớm chuyển mình sang giai đọan cất cánh. Nhưng cũng rất nhiều người không tin rằng ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam muốn và dám làm như thế.
Không muốn vì nó có thể dẫn đến hậu quả là đảng mất quyền vì không được đa số nhân dân tín nhiệm. Không dám vì để thực hiện được điều này ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay phải vượt qua được chính mình, được chính nỗi lo sợ mất những đặc quyền đặc lợi hiện đang chiếm giữ.
Đảng chỉ dám chỉnh đốn đảng của mình. Nhưng chỉnh đốn chỉ là vô hiệu bởi không thể vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa sản sinh ra sâu lại vừa tự diệt sâu, lấy bầy sâu diệt từng con sâu.
Sâu được sản sinh ra và nuôi dưỡng bởi chính hệ thống độc quyền, đặc quyền đặc lợi. Muốn trừ sâu cần chấm dứt độc quyền, cần để xuất hiện những cơ cấu nằm ngoài và độc lập với các cơ cấu của Đảng và Nhà nước.
Các cơ cấu độc lập này phải được bảo vệ bằng luật pháp công minh của hệ thống pháp trị. Thiếu những cơ cấu đó chỉnh đốn chỉ là biện pháp xoa dầu cho người sắp chết, như chính ông Truơng Tấn Sang đã cảnh báo: “Một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này”.
Nhưng liệu 'bầy sâu' của Đảng Cộng sản có làm 'chết' cái đất nước này hay sẽ làm chết Đảng?
Một đất nước và một dân tộc đã không bị diệt vong, dù 1000 năm nô lệ Tàu, dù 100 năm đô hộ Tây thì chắc chắn sẽ biết vươn mình đứng dậy, rũ sạch mấy chục năm đảng trị, để phục sinh, tồn tại và tiến hóa, đến vô cùng.
Như đã thế và tất nhiên phải thế. Vì đó là dân tộc Việt.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, một nhà vận động dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam, hiện sống tại Virginia, Hoa Kỳ. Quý vị có ý kiến đồng ý hoặc phản biện lại bài viết này xin chia s̉e trên trang Bấm Facebook của BBC.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2012/02/120227_party_rectifying.shtml
Khoảng 1000 đại biểu đã tham dự Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội, bắt đầu từ hôm qua 27/02/2012 và kết thúc ngày mai 29/02. Hội nghị này là nhằm « quán triệt, triển khai thực hiện » Nghị quyết Trung ương 4 : « Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay ». Cụ thể là bàn phương cách diệt trừ nạn tham nhũng, bất bình đẳng gia tăng và tình trạng « suy thoái đạo đức » trong Đảng.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị hôm qua, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng khẳng định là « phần lớn cán bộ, đảng viên ta rất tốt », nhưng ông nhìn nhận là ngay trong Đảng cũng có phân hóa giàu nghèo, một bộ phận « suy thoái nghiêm trọng » về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng quan liêu, mất dân chủ làm dân bất bình, dẫn đến khiếu kiện đông người phức tạp ở một số nơi. Theo ông Nguyễn Phú Trọng, những khuyết điểm đó, nếu không được sửa chữa, sẽ là thách thức với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.
Nhưng ông Trọng cũng chỉ trích những người đã công khai bày tỏ ý kiến « trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng ». Tổng bí thư Đảng khẳng định là đang nổi lên « sự chống phá điên cuồng và quyết liệt » của các « thế lực thù địch, phản động ». Theo ông Trọng, một số người « cơ hội chính trị, bất mãn » cũng lợi dụng các diễn đàn để truyền bá những « tư tưởng sai trái », những « tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ».
Để chỉnh đốn hàng ngũ Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu toàn bộ đảng viên phải tự phê bình và phê bình một cách « nghiêm túc ». Ông Trọng cho biết sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm hàng năm với các chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như đề nghị Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội và Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Những người nào mà hai năm không được tín nhiệm sẽ bị thôi chức không chờ hết nhiệm kỳ.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120228-dang-cong-san-viet-nam-cam-ket-chan-chinh-noi-bo
RFA
2012-02-28
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ban hành qui định mới khá khắt khe về những điều đảng viên bị cấm làm. Thông tin này được phổ biến trên báo chí hôm 28/2, nhiều báo đăng toàn bộ bản qui định mới.
Theo nội dung bản qui định mới, có tới 19 nhóm sự kiện mà đảng viên không được làm và sẽ hạn chế rất nhiều những thông tin phê phán Đảng, mà gần đây nhiều cựu lãnh đạo, giới chức cao cấp về hưu phát biểu trong khi trả lời phỏng vấn, hoặc viết bài đưa lên các báo in báo điện tử.
Theo Điều 1 qui định mới thì đảng viên bị cấm nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, qui định, quyết định, kết luận của Đảng.
Trong nội dung các điều 2 và 3, đảng viên không được cung cấp, để lộ hoặc viết bài, đăng thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền phát tán tài liệu dưới mọi hình thức để truyền bá những quan điểm trái với đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước. Đảng viên còn bị cấm viết hồi ký không đúng sự thật hoặc kích động gây ảnh hưởng xấu.
VẠN MỘC CƯ SĨ
bình luận
Xưa nay không ai tin cộng sản. Đại hội chỉ là chính thức phân phối, chia chác quyền lợi. Không có việc chấn chỉnh, không có việc ích quốc lợi dân, không có dân chủ, không có tiến bộ, không có gì mới!
19 khoản quy định sao không tuyên bố là cấm tham nhũng, cấm cướp đất, cướp nhà của dân, cấm bắt bớ, đánh đập nhân dân mà chỉ nói là cấm tự do phát biểu ý kiến chống đảng. Rõ là xiết chặt tự do, dân chủ, không cho dân và cán bộ phát biểu, như vậy là vẫn độc tài, phản dân, hại nước. Muốn cải tổ, chấn chỉnh thì trước hết phải có tự do, dân chủ. Còn đe dọa, còn khủng bố, còn xiết cổ thì vẫn là hành động của bọn cướp của, giết người, phản dân, hại nước.
Việc giao cho Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm nghe ra rất dân chủ nhưng thực chất chỉ là để thanh toán đối thủ. Phe nào hạ phe nào? Vì quyền lợi cá nhân mà cộng sản xâu xé nhau. Nay ngoài quyền lợi cá nhân, phe nhóm, còn có sự phân chia về quan điểm thân Tàu và chống Tàu. Phe thân Tàu rất mạnh. Cuộc chỉnh đốn này chỉ là một cuộc tranh giành long trời lở đất hay xảy ra êm thấm? Dẫu sao, dân không tin đảng, dân lại càng không tin cái đám nghị gật của Cộng sản. Chúng chỉ là những hình nộm do các tài tử đàng sau giật giây mà thôi! Dù dĩ dù gì, chỉ cần nhét vào họng mỗi tên dân biểu vài tỷ Việt Nam là xong ngay! Thế là an toàn trên xa lộ!
Anh nào cũng cho con cái nắm công ty này, công ty nọ, chức vụ nọ, chức vụ kia, làm sao mà bỏ được cái tham trong lòng cộng sản? Con đĩa đã cắn vào chân, lấy tay kéo không ra đâu, phải dùng vôi mới làm cho chúng rớt xuống.
Sửa hiến pháp ư? Sửa hiến pháp là đúng, phải bãi bỏ các điều khoản phản dân hại nước và phi dân chủ. Nhưng đừng tin tưởng vào việc sửa hiến pháp cho lắm. Việt Nam có hiến pháp 1946 mà ông Hồ có thi hành đâu! Bọn cộng sản làm ngang khiến cho Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường hô hào rát cổ mà chúng có thèm nghe đâu! Với chính sách tái cơ cấu, Gorbachev hy vọng sẽ vực đảng cộng sản dậy mà không được. Bệnh trầm trọng , ăn sâu vào lục phủ ngũ tạng làm sao cứu nổi, phải đem chôn cái xác thối tha đó đi thôi!
29-2-2012
No comments:
Post a Comment