Chuyện Cũ Chép Lại
Suốt đời lo chỉnh đốn
Càng chỉnh càng đốn thêm
Trần Bì
Đã lâu, có bữa, tôi tình cờ nghe được mẩu đối thoại – giữa hai người dân bản xứ, ở California – như sau:
- Biết tại sao mà đường phố sáng cuối tuần lại vắng ngắt vậy không ?
- Không.
- Tại Mỹ đen còn ngủ . Mỹ trắng ở trong nhà thờ. Tụi Á Châu thì đi làm “overtime” hết ráo, từ hồi sớm…
- Còn Mễ ?
- Tụi nó thì mắc …sửa xe !
Tôi “tâm đắc” hết sức với câu nói cuối. Tôi sống trong một khu phố nghèo, ở California. Hàng xóm đều là dân thiểu số mà phần đông là người Mễ, những di dân hồn nhiên vô tư, và thường là những người tốt bụng.
Tôi rất quí mến họ. Tình cảm quí mến đó sẽ gia tăng gấp hai – hay bốn – nếu như người Mễ Tây Cơ thích sửa đồng hồ, hoặc một vật dụng gì đó nhỏ bé tương tự, thay vì là sửa ô tô.
Tự sửa xe, tất nhiên, cũng là một việc làm hay một thú vui tiêu khiển vô cùng hữu ích và có nhiều giá trị thực tiễn. Ðiều đáng tiếc là công việc này không thể làm một cách âm thầm, nhẹ nhàng, trong phòng hay nhà riêng, và rất làm phiền …hàng xóm – nếu như chúng ta cứ sửa xe hoài.
Nhiều người cho rằng “hát hay không bằng hay hát.” Chuyện ca hát, tôi ít bị làm phiền, nên không quan tâm. Tôi chỉ cực lực phản đối cái quan niệm “sửa xe hay không bằng hay sửa” của những người di dân Mễ. Họ sửa xe đều đều, và cách mà họ sửa xe mới là điều rất đáng phàn nàn.
Nếu có hai cái bánh xe trước bị mòn, và hai cái bánh sau đỡ mòn hơn một chút, người Mễ sẽ đội xe lên, lấy hai cái bánh sau thế cho hai bánh trước. Một thời gian rất ngắn sau (sau khi cả bốn bánh xe đều mòn nhẵn) họ sẽ ra chợ trời hay một nơi bán vỏ xe cũ, mua những bánh xe còn tạm dùng được về thay. Cũng thế, nếu bình điện (hay bất cứ cơ phận nào trong xe) bị hư, người Mễ sẽ đi ra nghĩa địa xe hơi tìm tháo một cơ phận tương tự để thay vào đó.
Nói tóm lại là họ chỉ sửa qua loa, sửa đỡ, sửa cho có, sửa lấy lệ, sửa cầm chừng, sửa sơ sơ, sửa tạm, sửa chút chút, sửa đại khái, sửa tượng trưng…để hôm sau – hay tuần sau – lại lôi xe ra tiếp tục sửa (lai rai) nữa, cho vui!
Tôi rất tiếc là mình đã không chia sẻ được với niềm vui ” đơn sơ và ồn ào” của những người hàng xóm Mễ, và vô cùng buồn vì họ làm tôi liên tưởng đến lối sửa sai của những người cộng sản Việt Nam – những ông bà (thổ tả) này cũng chuyên môn sửa sai một cách rất ồn ào và chỉ sửa cho có, sửa lấy lệ, sửa cầm chừng, và sửa …hoài hoài mà không hề bao giờ thấy ngựợng!
Hơn chục năm trước, báo Nhân Dân – số 156, phát hành ngày 19 tháng 5 năm 99, tại Hà Nội – đăng ở trang nhất bài “Phát Biểu Của Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu” về chiến dịch sửa sai, có đoạn:” Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) đã đi tới một quyết định đặc biệt quan trọng: Phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, tự phê bình và phê bình nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 70 năm thành lập Ðảng. Cuộc vận động tiến hành trong hai năm, từ 19-5-1999 đến 19-5-2001, sau đó trở thành nếp thường xuyên.”
Chỉnh đốn, chỉnh huấn, khắc phục, kiểm điểm, kiểm thảo, phê bình, tự phê, sửa sai…là những chuyện gắn liền với đảng viên cộng sản Việt Nam y như việc sửa xe gắn liền với đời sống của những người di dân Nam Mỹ ở Hoa Kỳ vậy. Chuyện này trở thành “thường xuyên” vì họ thường sai, và vì không bao giờ có ý muốn sửa chữa bất cứ chuyện gì một cách cho nó đàng hoàng tử tế.
Ðó là cách nói ví von , và ví von một cách vụng về, của cá nhân tôi – một di dân Việt Nam xa xứ từ lâu nên khả năng xử dụng Việt Ngữ rất là hạn chế, và (e) không lấy gì làm chính xác. Ông Nguyễn Xuân Tụ, một người cầm viết có bút hiệu là Hà Sĩ Phu, hiện đang sống ở Việt Nam, có cách nói chính xác và gọn gàng hơn về những “hiện tượng tiêu cực” vừa nêu. Ông ta gọi đó là lối “tu sửa vặt” hay “bổ sung vặt”. Khi bàn về chuyện “thường xuyên sửa sai” của người CSVN, ông Hà Sĩ Phu đưa ra một hình ảnh so sánh khác – rất khoa học và sống động:
“Thế giới sinh vật đã cho ta những ví dụ rất rõ về vấn đề này. Con đường tiến hóa là: Sinh vật đơn bào phải đa bào hóa, trên cơ sở đa bào mới phân hóa thành những cơ quan khác nhau, giữa các cơ quan ngày càng có sự ‘phân công’ rành rọt nhưng ngày càng phối hợp với nhau chặt chẽ bởi sự chỉ huy càng ngày càng tập trung của hệ thần kinh. Cứ thế mà tiến hóa từ thấp lên cao, và cuối cùng xuất hiện loài người chúng ta.”
“Nhưng có những sinh vật đơn bào không đi vào con đường đa bào hóa mà thích nghi bằng cách ‘tu sửa vặt’ , ‘bổ sung vặt’, khiến cho bên trong cái tế bào duy nhất của nó cũng có đủ thứ như một cơ thể đa bào: có một chút tượng trưng cho ‘tim’, một chút tượng trưng cho ‘dạ dầy’, một chút ‘thận’, một chút ‘giác quan’, một chút ‘thần kinh’, một chút ‘chân tay’… Chúng kéo dài cái cấu trúc ‘cổ lỗ’ ấy suốt mấy triệu năm, và vĩnh viễn không thể ‘gia nhập’ vào con đường tiến hóa chung được nữa. Nếu chỉ lấy sự ‘sống chết’ để đo mức độ tiến hóa thì những sinh vật đơn bào ấy hẳn là ‘cao’ hơn con người người nhiều, vứt ra bất cứ cống rãnh nào chúng cũng sinh sôi”.
” Ðiều kiện để có sự tiến hóa là phải có nguy cơ bị tiêu diệt: Nếu không tiến hóa nó sẽ bị diệt vong trong cuộc đấu tranh sinh tồn! Sự ‘tu sửa vặt’ chính là ‘giải pháp’ giúp cho sinh vật ‘lách’ qua được sự đấu tranh sinh tồn khắc nghiệt, vượt qua nguy cơ bị tiêu diệt mà không cần đến con đường chính thống, nhưng chính sự ‘thành công’ này đã tách nó ra xa con đường chung và không tiến hóa cao được nữa”. ( “Ðôi Ðiều Suy Nghĩ Của Một Công Dân”. Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản tháng 1 năm 96, trang 99 và 100).
Báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN, số thượng dẫn – cũng có bài xã luận, không ghi tên người viết, về phong trào phê và tự phê. Bài báo này kết luận:” Ðó cũng là vấn đề sống còn của Ðảng Cộng sản Việt Nam, chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”
Phê và tự phê hay “tu sửa vặt” và “bổ sung vặt” chính là “giải pháp” sẽ giúp cho đảng Cộng Sản Việt nam “lách” khỏi hiểm nguy trong giai đoạn “sống còn” này, theo như kinh nghiệm và nhận xét của Hà Sĩ Phu. Tôi tin là đảng CSVN sẽ thành công, như nó đã từng thành công nhiều lần trước đó, với cùng phương cách. Tuy nhiên, tưởng cũng cần nên nói cho hết lẽ là sự thành công của đảng luôn luôn là tai họa của dân. Khi những sinh vật đơn bào, những ký sinh trùng, hay nói rõ ra là sán lãi…thành công trong việc thích nghi để sống mãi trong lòng quần chúng thì hậu quả tất nhiên là nạn nhân của nó sẽ phải chết dở vì luôn ở tình trạng suy kiệt về dinh dưỡng.
Hơn nửa thế kỷ qua, thời gian đủ dài để mọi người thấy rằng tất cả những đợt “chỉnh đốn” hay “sửa sai” của đảng CSVN đều chỉ là một hình thức thích nghi để sinh tồn, hoàn toàn có tính cách giai đoạn và chiến thuật. Bản chất của ký sinh là ăn bám. Dù nó có “thiện chí” thay đổi cách nào hay kiểu nào chăng nữa thì sự khác biệt cũng chỉ ở mức độ sống bám, và đục khoét, mà thôi chứ bản chất thì bất biến.
Chuyện toàn bộ các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đang có mặt tại Hà Nội vào những ngày cuối tháng 2 năm 2012 để dự hội nghị ba ngày về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, lần này, tất nhiên cũng chỉ là một màn kịch. Tuy thế, báo đài nhà nước vẫn đồng loạt tung hô:
- Quyết liệt chỉnh đốn Đảng: Người dân đặt nhiều kỳ vọng.
- Đa số người dân đều cho rằng Nghị quyết đã nêu rất “đúng và trúng” hiện nay trong vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kỳ vọng vào việc thực hiện thành công Nghị quyết TW 4.
Không biết “đa số người dân” nào đã “đặt nhiều kỳ vọng” vào quyết tâm và “quyết liệt chỉnh đốn Đảng” lần này, chứ cứ theo nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang thì đây cũng lại chỉ là một cách “giật gấu vá vai” thôi. Còn theo lời luật sư Trần Lâm, nghe được qua BBC hôm 28 tháng 2 năm 2012, thì ông đã chứng kiến nhiều sự kiện tương tự trong đời và xem đây chỉ là “chuyện cũ chép lại” và là một chuyện “hoàn toàn sáo rỗng.”
Một vị Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao của Việt Nam (88 tuổi đời) mà còn khẳng định như thế thì tôi cũng đành phải mang “chuyện cũ ra chép lại” thôi, chớ làm sao viết được điều gì (mới) nữa.
Tưởng Năng Tiến
3/2012
No comments:
Post a Comment