Wednesday, March 7, 2012

TRANH ĐẤU CHO NHÂN QUYỀN VIỆT NAM 4

DB Ileana Lehtinen
nói về nhân quyền Việt Nam
2012-03-06

Tại buổi tiếp xúc với phái đoàn người Việt đến vận động cho nhân quyền Việt Nam sáng ngày 6 tháng 3, nữ dân biểu Ileana Ros Lehtinen, tiểu bang Florida, chủ tịch Uỷ Ban Ngoại Giao thuộc hạ viện Hoa Kỳ, chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tình trạng nhân quyền nghèo nàn ở Cuba, quê hương của bà, cũng như của đất nước Việt Nam.

Sau buổi gặp gỡ, nữ dân biểu Ileana Ros Lehtinen dành vài phút trò chuyện với đài Á Châu Tự Do trong phần phỏng vấn do Thanh Trúc thực hiện:

Đồng cảm với người Việt

Thanh Trúc: Đầu tiên xin bà cho biết cảm tưởng sau cuộc tiếp xúc với phái đoàn vận động cho nhân quyền Việt Nam đến văn phòng bà hôm nay, và nhất là sau khi bà biết được đã có gần 130.000 chữ ký online của người Việt vào thỉnh nguyện thư yêu cầu tổng thống lưu tâm hồ sơ nhân quyền nghèo nàn của chính phủ Việt Nam?

Dân biểu Lehtinen: Tôi cảm kích khi nhìn thấy mọi người trong cộng đồng Mỹ gốc Việt nhận thức rõ những điều khiến cho họ phải quan tâm như thiếu tự do, thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, bất dung tôn giáo, nghĩa là tất cả những vấn đề đang diễn ra ở Việt Nam.

Còn tại sao tôi có thể hiểu được cảm nghĩ của người Mỹ gốc Việt ư? Trong buổi nói chuyện tôi thổ lộ với họ tôi sinh ra ở Cuba và phải rời quê hương sang Mỹ định cư khi mới tám tuổi. Thực ra hoàn cảnh mỗi quốc gia mỗi khác, Việt Nam và Cuba ít nhiều cũng cũng khác nhau, nhưng tôi đã nhận ra những điểm tương đồng khi nghe người Việt trình bày những chuyện như đàn áp tôn giáo, người dân không được tự do bày tỏ lòng tin của họ, rồi những người vận động trao cho tôi danh sách khoảng một trăm bốn chục tù nhân lương tâm hay tù nhân chính trị mà một số không được đối xử tử tế trong nhà tù, rồi thì đến chuyện họ lưu ý tôi là vào khi Miến Điện từng bước cải đổi để tiến đến dân chủ dù như chỉ là sơ khởi, thì Việt Nam vẫn là một quốc gia trong khu vực còn theo đuổi và thực hiện chính sách kiểm soát hà khắc đối cới người dân trong nước họ.

Khi Miến Điện từng bước cải đổi để tiến đến dân chủ dù như chỉ là sơ khởi, thì Việt Nam vẫn là một quốc gia trong khu vực còn theo đuổi và thực hiện chính sách kiểm soát hà khắc đối cới người dân trong nước họ.

Dân biểu Lehtinen

Có ba dự thảo luật liên quan đến Việt Nam mà tôi thực sự quan tâm, một của dân biểu Chris Smith, một của dân biểu Ed Royce và một của đồng viện Loretta Sanchez. Những dự thảo luật mà ba vị dân biểu ấy đề nghị nhắm vào những điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự mà Việt Nam sử dụng như cái cớ đàn áp những người bất đồng chính kiến, dập tắt những tiếng nói hay hành động đòi tự do tín ngưỡng và những ý kiến của dân về việc nhà nước Việt Nam chà đạp nhân quyền. Đó là ba dự thảo luật rất hữu hiệu mà tôi hoàn toàn ủng hộ, hy vọng chúng tôi có thể biểu quyết nhanh chóng để chúng được sớm thông qua.

Dấn thân nhiều hơn nữa

Thanh Trúc: Thưa bà dân biểu Ros Lehtinen, trong tư cách chủ tịch Uỷ Ban Ngoại Giao của hạ viện, cũng là người thường mạnh mẽ cổ vũ cho nhân quyền ở Việt Nam, bà nghĩ hành pháp Mỹ và nhất là Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã thực hiện đầy đủ chức năng gọi là can thiệp và kêu gọi Việt Nam phải tôn trọng những quyền căn bản của người dân hay chưa?

Dân biểu Lehtinen: Tôi muốn nói một cách gián tiếp rằng có lẽ chưa đủ, có lẽ cộng đồng người Mỹ gốc Việt nên dấn thân nhiều hơn nữa vào công việc thúc đẩy hành pháp Mỹ phải tích cực hơn trong lưu ý Việt Nam về vấn đề nhân quyền, hãy chứng tỏ cho những vị dân cử Mỹ trong đơn vị bầu cử biết rõ nguyện vọng của quí vị song song với việc vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khi thương thảo và đối thoại về nhân quyền với chính phủ Việt Nam.

Tôi nghĩ chúng tôi - lập pháp, và quí vị - người dân, cần hành động nhiều hơn nữa. Bản thân tôi là một dân cử ở một đơn vị có nhiều cử tri Mỹ gốc Việt, tôi nghĩ tôi thấu hiểu khá nhiều những khó khăn của cộng đồng Mỹ gốc Việt trong việc kêu gọi nhân quyền cho Việt Nam. Chính vì thế chúng ta cần phải hành động và vận động mạnh hơn, phải thúc đẩy thế nào cho những dự luật kêu gọi cải thiện nhân quyền cho người Việt Nam, mà các đồng viện của tôi soạn thảo và đệ trình, được thông qua và trở thành có hiệu lực trong một ngày gần đây.

Chúng ta cần phải hành động và vận động mạnh hơn, phải thúc đẩy thế nào cho những dự luật kêu gọi cải thiện nhân quyền cho người Việt Nam, mà các đồng viện của tôi soạn thảo và đệ trình, được thông qua và có hiệu lực .

Dân biểu Lehtinen

Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây, công việc mà người Mỹ gốc Việt đã làm trong thời gian qua, ký thỉnh nguyện thư gởi lên tổng thống, đồng loạt đi gõ cửa đi vận động quốc hội Mỹ như thế này, để đòi hỏi nhân quyền cho Việt Nam, là một điều vô cùng tuyệt diệu vô cùng quan trọng, không chỉ khiến chúng tôi phải nghĩ tới nhớ tới một đất nước Việt Nam đang thiếu nhân quyền trầm trọng, mà còn không để vấn đề nhân quyền ở Việt Nam bị lu mờ vào khi hành pháp chừng như tỏ ra thiên về thương mại song phương hơn là mang lại nhân quyền cho người dân Việt Nam.

Tôi hiểu quí vị đang đứng lên và đang muốn bày tỏ quí vị mong mỏi tự do dân chủ nhân quyền cho Việt Nam, cầu chúc cộng đồng người Mỹ gốc Việt thành công và hãy bảo đảm quí vị thành công trong nỗ lực đó.

Thanh Trúc : Xin cảm ơn bà dân biểu Ileana Ros Lehtinen.

Hoa Kỳ 'không cụ thể về nhân quyền VN'
Cập nhật: 07:01 GMT - thứ ba, 6 tháng 3, 2012
Biểu dương cho nhân quyền Việt Nam ở San Jose ngày 5/3/2012

Biểu dương cho nhân quyền Việt Nam ở San Jose ngày 5/3/2012

Ngày 5/3 là một ngày đáng ghi nhớ của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ khi một phái đoàn hơn 150 người đại diện cho nhiều đoàn thể, tổ chức, mọi thành phần xã hội đã vào Bạch Ốc để lên tiếng cho nhân quyền Việt Nam với chính giới Hoa Kỳ.

Họ là những người từ 50 tiểu bang trên nước Mỹ đã kí tên vào thỉnh nguyện thư yêu cầu chính phủ của Tổng thống Obama không phát triển giao thương với Việt Nam cho đến khi tình trạng nhân quyền ở đó được cải tiến.

Kỷ lục

Bản thỉnh nguyện thư đã có trên 130 nghìn chữ kí tính đến giờ phái đoàn vào Bạch Ốc. Đây là một kỉ lục về việc vận động người Việt tham gia vào một việc chung với mục đích tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam.

Phái đoàn vào Bạch Ốc có một số người đến từ San Jose, thủ phủ của người Việt ở miền bắc California. Họ cũng thuộc nhiều thành phần khác nhau. Hoạt động chính trị có bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi và giáo sư Ngô Đức Diễm. Giới trẻ có tiến sĩ Lê Mỹ Phương, anh Huỳnh Hớn. Sống ở Mỹ từ nhỏ có luật sư Đỗ Văn Quang Minh.

Dịp này luật sư Minh đã chia sẻ cảm nhận riêng về buổi tiếp xúc. Ông nhận xét đó là một buổi thảo luận và đối thoại giữa giới chức Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt. Tiếp phái đoàn chỉ là giới chức cấp trung gồm những phó vụ trưởng bên hành pháp, như của Hội đồng An ninh Quốc gia, Vụ Giao tế Cộng đồng và Văn phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động của Bộ Ngoại giao.

Các giới chức đều lập lại chính sách hiện hành của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và với các nước Đông Nam Á nói chung.

Ông nói: “Họ không phải là những người đưa ra chính sách. Tuy nhiên người Việt chúng ta phải nêu vấn đề để họ lắng nghe và trình bày lại với ngoại trưởng và Tổng thống để họ biết khi làm chính sách về Việt Nam.”

Không khác mấy

Theo luật sư Minh những gì ông nghe được trong buổi tiếp xúc hôm nay cũng không có gì khác với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đang có đối với Việt Nam. Ông cho biết giới chức Mỹ nói Hoa Kỳ hiểu là Việt Nam có những vi phạm nhân quyền trầm trọng và họ đã và đang quan tâm theo dõi các trường hợp như linh mục Nguyễn Văn Lý, thày Quảng Độ, Blogger Điếu Cày và mới đây là nhạc sĩ Việt Khang.

Luật sư Đỗ Văn Quang Minh

Luật sư Đỗ Văn Quang Minh cho rằng trả lời của giới chức Mỹ còn mơ hồ

Trong phần nêu câu hỏi, luật sư Minh đã hỏi về những hành động cụ thể nào Hoa Kỳ có thể làm để giúp cải tiến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam? Câu trả lời của giới chức Mỹ, theo luật sư “mang tính tổng quát, không có gì cụ thể, còn hơi mơ hồ nữa”.

Trong khi phái đoàn hơn 150 người Việt được đón tiếp bên trong, hàng nghìn người khác từ nhiều tiểu bang tụ họp tại công viên Lafayette trước Bạch Ốc biểu dương tinh thần ủng hộ cho thỉnh nguyện thư.

Luật sư Đỗ Văn Quang Minh kể rằng trước khi vào phòng hội trong thính đường Eisenhower trong khuôn viên Bạch Ốc, nhìn qua đoàn người biểu dương bên ngoài ông thấy có biểu ngữ đại diện có đến 20 tiểu bang có đông người Việt tại Hoa Kỳ. Họ đến từ bang Washington, California, từ Georgia, Texas.

Các đoàn từ bang Georgia, Massachusetts về thủ đô bằng mấy chuyến xe buýt chở cả trăm người. Ông nói đây là niềm phấn khởi vì điều này nói lên sự đoàn kết trong người Việt ở khắp nơi trên đất Mỹ trong việc tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Sáng 5/3 không chỉ có biểu dương trước Bạch Ốc để ủng hộ cho thỉnh nguyện thư, nhiều nơi khác cũng đã có những sinh hoạt tương tự. Riêng ở miền bắc California hàng trăm đồng hương ở San Jose và Oakland đã xuống đường.

Trước tiền đình Toà Thị chính San Jose, từ 10 giờ sáng đã có hơn 200 người tụ họp hô to những khẩu hiệu cho nhân quyền, hát vang hai bài hát “Anh là ai” và “Việt Nam tôi đâu” của nhạc sĩ Việt Khang hiện đang bị giam giữ. Tham gia cuộc biểu dương có cựu tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hoà là Đề đốc Trần Văn Chơn, nhiều cựu H.O. và những người hoạt động cộng đồng như các anh Thomas Nguyễn và Vũ Huynh Trưởng.

Cùng lúc tại Clinton Park ở Thành phố Oakland hơn 100 người cũng tập họp và tuần hành quanh công viên để góp tiếng nói ủng hộ cho thỉnh nguyện thư. Cuộc biểu dương do Hội Diên Hồng vùng Đông Vịnh đứng ra tổ chức và được điều phối bởi các ông Trần Kiêm Thiều và cựu dân biểu Trần Minh Nhựt.

Chiến dịch kí tên vào thỉnh nguyện thư do nhạc sĩ Trúc Hồ của đài truyền hình STBN và tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng của tổ chức Boat People SOS khởi xướng sẽ kéo dài một tháng cho đến ngày 8-3. Với mức độ kí tên như trong mấy tuần qua, con số chữ kí có thể đạt tới 150 nghìn.

Im lặng trong nước

Trong khi người Việt ở Mỹ và nhiều quốc gia xôn xao với việc vận động cho nhân quyền tại Việt Nam, truyền thông trong nước không nhắc gì đến.

"Tuy bên ngoài Hoa Kỳ không công khai lên tiếng chỉ trích Hà Nội nhưng bên trong những quan tâm về nhân quyền luôn được các giới chức Mỹ lưu ý chính phủ Việt Nam."

Đây là một điều khác với trước. Cách đây gần một thập niên khi một dự luật về nhân quyền Việt Nam được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua, trong nước báo chí đã chỉ trích mạnh dự luật này qua nhiều bài viết.

Lúc đó ông Trần Bạch Đằng còn viết bài đề nghị đưa ra một chiến dịch thu thập một triệu chữ kí của người Việt để phản đối dự luật nhân quyền. Tuy nhiên đề nghị của ông đã bị chìm vào quên lãng.

Hoa Kỳ và Việt Nam đang muốn nâng quan hệ lên một mức cao hơn. Tuy nhiên với tình trạng nhân quyền ngày càng xấu hơn tại Việt Nam quan hệ hai nước khó có thể tiến nhanh hơn.

Tuy bên ngoài Hoa Kỳ không công khai lên tiếng chỉ trích Hà Nội nhưng bên trong những quan tâm về nhân quyền luôn được các giới chức Mỹ lưu ý chính phủ Việt Nam.

Tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết thể hiện cách nhìn riêng của tác giả.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120306_buivanphu_us_meeting.shtml

Mở đầu 'lịch sử' cho người Việt ở Mỹ
Cập nhật: 05:00 GMT - thứ ba, 6 tháng 3, 2012
Ảnh của Radio Chân Trời Mới

Ông Đỗ Phủ, Phó giám đốc đài SBTN, trao bản thỉnh nguyện thư cho ông Eddie Lee, Giám Đốc Văn Phòng Châu Á Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc

Cuộc thảo luận về tình trạng nhân quyền Việt Nam giữa Tòa Bạch Ốc và phái đoàn người Việt hôm 5/03 kéo dài ba tiếng, từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều.

Ban đầu Tòa Bạch Ốc cho khoảng 165 người đi vào, gồm ít nhất 50 người đại diện 50 tiểu bang, còn lại là các cộng đồng khác, nhân viên đài SBTN, ca sĩ trung tâm Asia và báo chí.

Sau đó, họ lại cho thêm bốn mấy người vô, vị chi là gần 200 người. Phía bên ngoài rất nhiều người đứng cầm cờ, biểu ngữ bày tỏ sự ủng hộ.

Khi vào đến bên trong, họ mời ba bạn trẻ lên phát biểu, gồm cô Cindy Đinh ở Texas đại diện Hội đồng Nhân quyền Việt Nam, anh Billy Le từ Tổng hội Sinh viên Việt Nam California và ca sĩ Quốc Khanh. Mỗi người phát biểu khoảng hai phút, kêu gọi chú trọng nhân quyền Việt Nam.

Cử tọa đa số là người đứng tuổi, đã hoạt động cộng đồng lâu năm. Số bạn trẻ cũng có nhưng không đông lắm. Nhưng ban tổ chức cho ba bạn trẻ lên nói vì muốn chọn những người dưới 30 tuổi. Để Việt Nam không nói là chỉ vì các anh thua trận nên bây giờ đi vận động.

Sau đó, có bốn người đại diện Bộ Ngoại giao phát biểu về những gì họ làm, gồm có cả ông Michael Posner, Trợ lý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ phụ trách Dân chủ, Nhân quyền, và Lao động.

Họ nói những gì cộng đồng quan tâm qua 130,000 chữ ký cũng là quan tâm của Hoa Kỳ. Tổng thống Obama cũng xem nhân quyền là vấn đề quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, không chỉ song phương mà cả đa phương. Cuối cùng khoảng 20 người lên đặt câu hỏi, nhưng vì thiếu thời gian và một vài câu hỏi lặp lại, chỉ có 10 người đặt câu hỏi và được trả lời. Tựu trung các câu hỏi vây quanh vấn đề nhân quyền, thí dụ việc bắt bớ blogger, vấn đề lao động, buôn người.

Ông Posner nói mỗi lần gặp giới chức Việt Nam, đều đưa vấn đề nhân quyền ra cũng như các trường hợp cá nhân như Linh mục Nguyễn Văn Lý, anh Điếu Cày, hay ông Cù Huy Hà Vũ.

Ảnh của Radio Chân Trời Mới

Nhạc sĩ Trúc Hồ của Trung tâm Asia nói chuyện ở bữa ăn tối sau cuộc gặp

Trường hợp nhạc sĩ Việt Khang, có ca sĩ Quốc Khanh và một số người nêu ra. Ông Posner nói Hoa Kỳ biết và đã báo với Việt Nam rằng đây là trường hợp được quan tâm. Đến giờ này, Hoa Kỳ chỉ mới làm vậy thôi và sẽ tiếp tục chú ý.

Trước khi vào, tôi phỏng vấn một số người và hỏi giả sử hôm nay gặp Tổng thống Obama thì sẽ nói gì. Đa số cho biết sẽ bảo rằng ông Obama là tổng thống quyền lực nhất thế giới, ông nên chú ý đừng để Việt Nam trở thành Syria hiện nay. Cũng có người nói nên chú ý để làm sao người Việt cũng bình đẳng nhân quyền như người Mỹ.

Những người trả lời hôm nay đều là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Mỹ. Hầu hết những gì nêu ra, họ đều nói có biết hoặc đang nghiên cứu. Nếu quý vị đưa thêm vấn đề gì ra mà chúng tôi chưa biết, thì sẽ nghiên cứu thêm.

"Đây là sự mở đầu lịch sử, vì chưa bao giờ có chuyện 130,000 người ký tên và chưa bao giờ có 200 người Việt vào Tòa Bạch Ốc. Theo tôi đây là hai sự kiện xứng đáng để lịch sử nói tới."

Một người nói đây chỉ là bước đầu để Tòa Bạch Ốc, Bộ Ngoại giao đối thoại với cộng đồng trực tiếp. Chưa bao giờ có chuyện 200 người Việt vào Tòa Bạch Ốc để nói về nhân quyền. Họ nói quý vị phải từ từ, đây là lúc chúng ta làm đối tác của nhau để tìm hiểu. Họ nói sẽ tiếp tục làm việc với cộng đồng để có đối thoại nhiều hơn.

Qua trang web We The People, họ nói đây là lần đầu tiên có sự đối thoại trực tiếp với người dân. Hôm nay chỉ là mở đầu, và hy vọng trong tương lai cộng đồng có thỉnh nguyện thư như vậy để chính quyền biết nguyện vọng của cộng đồng.

Đây là sự mở đầu lịch sử, vì chưa bao giờ có chuyện 130,000 người ký tên và chưa bao giờ có 200 người Việt vào Tòa Bạch Ốc. Theo tôi đây là hai sự kiện xứng đáng để lịch sử nói tới.

Bài tường thuật dựa trên phỏng vấn qua điện thoại với nhà báo Đỗ Dũng của báo Người Việt.

w.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/03/120306_whitehouse_viet_meeting.shtml

No comments: