Friday, August 24, 2012

SƠN TRUNG * HÀNH THIỀN

 


HÀNH THIỆN

Sống thiện đã là khó mà làm thiện lại càng khó hơn.Làm thiện là gì? Làm thiện như thế nào? Sau đây, tôi sẽ đề cập đên các phần này.



I. TÌNH ĐỒNG LOẠI

Loài vật cũng như loài người vốn có tình cảm. Vợ chồng yêu nhau, cha mẹ yêu con cái, anh chị em thương mến nhau.

Con người ban đầu sống thành bộ lạc, phát triển thành quốc gia. Loài vật thì sống thành bầy. Tình thương là bản tính, là sự cần thiết của muôn loài.Nếu không có tình thương, người và vật khó tồn tại cho đến ngày hôm nay.




II.LÀM THIỆN LÀ GÌ?

Tình thương là nguồn gốc của mọi hành động chúng ta, và lý tưởng cho cuộc sống chúng ta. Tôn giáo nào cũng đề cao tình thương, mặc dù ngôn ngữ khác nhau, và ý nghĩa có khác nhau chút đỉnh. Phật giáo gọi là từ bi, Nho giáo gọi là nhân ái, Thiên chúa giáo gọi là bác ái, và Hồi giáo gọi là tình huynh đệ.

Đó là cái tâm thiện của ta đối với tha nhân như Nguyễn Trãi nói trong Gia Huấn Ca:
"Thương người như thể thương thân".
Tuy nhiên, tùy theo tâm lý và đạo hạnh mỗi người, tình thương có cấp bậc khác nhau, cường độ và sắc thái khác nhau. Tình yêu nam nữ khác tình yêu cha mẹ và con cái. Tình bằng hữu khác tình anh em. Rất khó mà yêu người như yêu mình vì bản tính con người ich kỷ. Đừng ghen ghét, hận thù mà chỉ yêu người một tí thôi cũng đã là quý .


Ta không làm hại người mà người cũng ghét ta huống hồ ta có động chạm đến họ dù nặng dù nhẹ. Làm sao mà ta có thể yêu được kẻ đã hại ta? Vì lòng nhân, ta không đánh trả nhưng ta cũng buồn lòng, khó mà thân thiện huống hồ giúp đỡ họ. Đa số "dĩ oán báo oán" nhưng Phật gia bảo rằng lấy oán báo oán thì oán bao giờ dứt? Trừ những bậc chân tu thì mới " dĩ đức báo oán" theo đạo Phật. Lão tử cũng bảo " báo oán dĩ đức". Còn đa số "dĩ đức báo đức, dĩ trực báo oán" (1) theo Nho gia thì cũng là lẽ công bằng.

Thôi thì ta chọn con đường tương đối vậy. Trừ những kẻ ác, kẻ thù của ta, hoặc kẻ đố kị với ta, ta giúp một số người nào đó cũng được, vì thực tế không ai có thể giúp toàn quốc, toàn thế giới. Đừng cố tâm hại ai, giúp một vài người, vài nhóm người cũng tốt lắm rồi!

Theo Khổng tử, con người hành động từ gần đến xa, từ thấp lên cao. Phải tu thân rồi mới tề gia, sau đó mới trị quốc và bình thiên hạ. Cũng vậy, nếu sắp theo thứ tự ưu tiên, chúng ta phải yêu bản thân ta trước tức là lo tu tập và học hành, sau đó là gia đình, tổ quốc và nhân loại. Những ai bắt buộc cá nhân hy sinh cho tập thể là sai lầm. Có gia đình mới có quốc gia. Trong gia đình, mỗi cá nhân là rường cột. Chúng ta vừa yêu bản thân, vừa yêu gia đình vừa yêu tổ quốc, và nhân loại. Trong chung có riêng, trong riêng có chung.

Phật giáo quan niệm rằng vũ trụ bao la, tình yêu bao gồm các chúng sinh, nghĩa là chúng ta yêu loài người, yêu loài vật , cây cỏ và các giống vô hình. . . Quan niệm của Phật giáo rất rộng rãi, thực tế đa số con người yêu loài vật, cây cỏ không riêng gì Phật giáo. Đừng hiểu sai về côn trùng, vi trùng. Chúng ta không nên diệt hết côn trùng, vi trùng vì có loại côn trùng, vi trùng hữu ich.

Quan điểm Phật giáo là rộng rãi. Thực tế và nhiều tôn giáo chú trọng nhiều về cách đối xử giữa người và người.Nếu ai đó chỉ yêu loài người thôi cũng đã là quý, hoặc chỉ yêu gia đình mình mà không làm hại đến người khác, gia đình khác cũng đã là hiếm!.




Làm thế nào thể hiện tình thương theo lời Phật, Khổng tử, Chúa Giê Su và đấng Allah?
Chúng ta cần thực hành hai điều là sống thiện và làm thiện. Sống thiện là sống theo giới luật, theo luân lý và pháp luật. Người Phật tử phải tu tập để diệt tham sân si. Đức Khổng tử đề ra Nhân nghĩa lễ trí tín và Trung hiếu. Thiên Chúa giáo thì có Mười điều răn.

Còn làm thiện còn gọi là làm lành, hành thiện, làm phước, làm công đức.

Đức Phật dạy việc quan trọng nhất của Phật tử là "làm lành lánh dữ".Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy:
Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chi Phật giáo.

(Đừng làm xằng bậy,
Hãy làm việc lành.
Giữ lòng trong xanh
Ấy lời Phật dạy.)

Kinh Phúc Âm dạy các tín đồ làm việc thiện: :
Chúa chúng ta đã đi ra làm việc lành, cớ gì chúng ta không tiếp bước Ngài? Người ấy nắm bắt mọi cơ hội có được để đem thức ăn cho người đói, áo quần cho người rách rưới, giúp đỡ kẻ mồ côi và khách lỡ đường, thăm viếng người bệnh hoặc người đang bị giam cầm, và lấy của cải mình mà giúp người nghèo. Với lòng nhẫn nại, người ấy vui thỏa trong nỗ lực giúp đỡ người khác theo như lời Chúa dạy, “Hễ các ngươi làm việc đó cho một người trong những anh em ta, dầu là kẻ nhỏ hơn hết, tức là làm cho chính ta vậy.”(2)

Khổng tử dạy: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân."

Thiên Chúa giáo cũng dạy các tín đồ làm lành lánh ác. Đức Chúa Jésus cũng có dạy môn đồ rằng: "Ne faites pas à autrui ce que vous ne voudriez pas qu'on vous fit - .Let us do unto others as we would be done by"

Thiên chúa giáo cũng dạy các con chiên làm việc thiện. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm lý con người yếu đuối mà phạm tội :
Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm... Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi (Rm 7,15.18b-20).

Căn bản của việc làm thiện là lòng từ bi, bác ái như nói ở trên.
Thiện tâm được thể hiện trong tình yêu mọi người, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, quốc gia.. Nói rõ hơn, đối đãi mọi người bình đẳng chính là thiện tâm. Thiện tâm được thể hiện qua các hành động như làm thiện hay làm việc thiện tức là giúp người khác sống, và đối xử muôn loài với từ tâm.

+Cứu người đói, người bệnh, người hoạn nạn là hành thiện.
+Làm công đức : gíúp xã hội tốt đẹp hơn như xây nhà, lập bệnh viện, làm đường, làm cầu, xây chùa, dựng tháp, mở trường. .. đều là những việc thiện.
+Làm công tác xã hội, làm từ thiện: Ngày nay, các quốc gia Tây phương đã lập nhiều đoàn thiện nguyện để giúp các quốc gia nghèo đói. Các học sinh, sinh viên thường tham gia công tác xã hội. Nhiểu nữ tu Thiên Chúa giáo đã mở các bệnh viện cùi và chăm sóc,giúp đỡ người cùi. Đó là làm những việc thiện, lập công đức, làm phước.
+Tranh đấu cho độc lập, tự do, dân chủ, dân quyền:
Việc này thuộc lãnh vực chính trị nhưng với tâm thiện, thật sự vì nước vì dân để cứu nhân dân khỏi lầm than thì đó cũng là việc công đức.
+Các tổ chức bảo vệ loài vật cũng là thể hiện tâm từ bi của Phật.
+Các tổ chức bảo vệ môi trường cũng là hành thiện.
+Sống đời bình thường với thiện tâm: Nghĩ rộng ra, mỗi người một nghề sống lương thiện cũng là hành thiện. Bác sĩ cứu bệnh nhân; luật sư cứu người khỏi oan khuất; nông dân giúp dân chúng khỏi đói; thợ mộc, thợ nề xây nhà cho dân chúng; thầy giáo nâng cao đời sống và kiến thức nhân loại . . .

Đa số chúng ta không cần phải hy sinh nhiều như nhảy xuống sông, xuống biển cứu người chết đuối, hoặc nhảy vào lửa cứu người chết cháy. Chỉ cần làm việc bình thường với tâm thiện, biết nghĩ đến anh em, đồng bào và nhân quần, xã hội một chút và đóng góp một cái gì đó tùy năng lực và hoàn cảnh của mình là đã hành thiện.Ví như người người bán phở tất nhiên phải tính lời, nhưng gia vào việc nấu nướng là biết lo làm sao cho dân chúng có bát phở ngon và vệ sinh ấy là đã thể hiện tâm thiện. Thương gia tất nhiên phải tính lời lãi, nhưng lời vừa phải, nhà thầu làm đường xây cầu cũng cần lời lãi nhưng đừng vì ăn lời quá đáng mà làm gian dối như cầu vừa xây đã sập, cột đường làm bằng tre. Những việc làm hại hại nước, hại dân đều là việc làm ác, trái pháp luật và lương tâm con người.

Nguyễn Trãi kêu gọi:
Thấy ai đói rách thì thương,
Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn"

Tục ngữ , ca dao ta có câu:

-"Lá lành đùm lá rách"

-"Dù xây chín đợt phù đồ,
Sao bằng làm phúc cứu cho một người!"


Tôn giáo nào cũng nói đến làm thiện. Phật giáo dạy rằng có nhiều cách hành thiện, giúp đời, giúp người. Nói chung có hai cách bố thí là thí tài, thí pháp Thí tài tức là đem tiền của giúp người. Thí pháp thì rộng rãi hơn. Đem một lời khuyên, nói một lời an ủi, dạy người sống đạo hạnh, bày vẽ cách làm ăn. . . đều là thí pháp.

Làm thiện rất khó vì trừ các bậc thánh, không ai thương người như thương mình. Con người vốn phức tạp. Trong xã hội loài người và loài vật thường có cảnh đấu đá, chém giết nhau. Không những loài này giết loài kia mà cũng có cảnh gà cùng một mẹ đá nhau. Con người có tâm thiện mà cũng có tâm ác. Blaise Pascal nói "L'homme n'est ni ange ni bête". Bên cạnh tình thương, trong tâm con người còn có những thứ khác mà Nho gia gọi là "thất tình" là "hỉ ,nộ, ai, lạc, ái, ố và dục ".

Trên bình diện lý thuyết, các nhà tư tưởng cũng có quan điểm khác nhau. Trong khi Mặc Địch chủ trương vị tha ( kiêm ái) thì Dương Chu chủ trương vị kỷ.
Sartre đã kêu lên " Tha nhân là địa ngục" ( "l'enfer, c'est les autres -"Hell is other people"), và Marx chủ trương đấu tranh giai cấp.

Đa số tư tưởng gia chủ trương làm lành lánh dữ vì chỉ có đường lối này mới xây dựng hòa bình cho thế giới và an lạc cho thân tâm con người...
Đừng hờn oán người, thương người một chút xíu cũng đã có thể gọi là thiện nhân, thiện tâm. Trong thất tình yêu và ghét đối nghịch nhau, phải diệt lòng ích kỷ, ghen ghét, và thù hận thì mới thi hành đức từ bi, lòng bác ái và tình huynh đệ.

Lại nữa, không ai cũng có khả năng thí tài, thí pháp. Thí pháp phải có trình độ. Thí tài cũng vậy. Trong xã hội, đa số là nghèo, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nuôi vợ, nuôi con chưa vẹn toàn thì nói chi đến việc đem tiền của giúp người! Thành thử, chúng ta phải có phương tiện thì mới hành thiện. Tuy nhiên, không phải chỉ có tiền mới giúp được người.





III.LÀM THIỆN BẰNG CÁCH NÀO?Như đã nói, trong tất cả hành động với thiện tâm là ta đã sống đời thiện và làm việc thiện. Nhưng không phải cứ đưa tiền ra, cứ hành động theo tiếng kêu rên của nạn nhân hoặc sự vận động của sư ni, linh mục, mục sư hay hội đoàn từ thiện là xong. Có thể ta góp một số tiền là lòng ta đã thanh thản. Nhưng nhiều khi không phải là vậy!

Theo thiển kiến, làm thiện cần có nhiều điều tế nhị.

1. Tâm vô phân biệt và Tâm phân biệt

Như trên đã nói, muốn làm việc thiện phải có thiện tâm. Thiện tâm là cơ sở của việc thiện. Ai không có thiện tâm mà nhảy ra xưng xe làm thiện thì không phải là làm thiện mà chỉ là lợi dụng. Làm sao mà biết ai có thiện tâm, ác tâm? Rất khó! Chỉ ta biết ta mà thôi. Vì lòng thương người mà ta làm việc thiện.

Phật giáo đề cao tâm vô phân biệt. Thế nào là vô phân biệt? Chúng sinh vốn bình bình đẳng, ta phải thương yêu mọi người, mọi loài.Chúng ta không nên kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, xứ sở, giai cấp, giới tính. . .

Như khi cưú trợ nạn nhân thiên tai hay nạn nhân chiến tranh, ta không thể đem đồng tiền quốc tế mà phát riêng cho đồng đạo, hay đồng chí mình để phát triển đạo và phát triển đảng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cần phân biệt. Ta phải phân biệt ai đã lãnh nhiều, ai lãnh ít, ai chưa lãnh đồ cứu trợ.Bọn gian ác thường dùng mưu mánh để lãnh được nhiều lần. Chúng còn giành giật và cướp bóc các nạn nhân.

2. Chọn đối tượng

Và đây là một trường hợp khác. Một vị cư sĩ than thở với một cao tăng:
"Tại sao con đem tiền của giúp người mà họ chẳng cám ơn con. Nhiều khi họ còn chửi mắng con?"
Vị cao tăng nói:
-Phải tùy theo đối tượng mà giúp. Anh đem tiền cho người rượu chè, cờ bạc thì lãng phí mà còn bị vợ con người ta oán trách. Anh đem tiền giúp kẻ không có tài kinh doanh thì tất là họ thua lỗ, họ không trả tiền cho anh, anh đòi nợ thì ắt bị người mắng chửi.


3. Phải đề phòng người lợi dụng và lừa dối:

Ngoài ra còn có một sự phân biệt khác nữa.Trong xã hội có nhiều kẻ gian ác, lưu manh lợi dụng lòng từ bi của chúng ta.
Trước 1975, trong quán ăn, tôi thường gặp một vài kẻ tự xưng là tù Côn Đảo về mà không có tiền xe hồi hương. Sau 1975, tôi thấy trước buổi chợ đông, một vài kẻ đi xe xích lô đến chợ, rồi điềm nhiên mặc áo rách, lấy băng quân chân tay và bôi thuốc đỏ, xong giả cách què, bò ra giữa đường. Sáu giờ chiều, y thu hành trang, lên xe xích lô về nhà tắm rửa và đi nhậu.

Họ rất hách dịch. Trong quán ăn, nếu anh không cho tiền họ, họ sẽ thò tay bẩn vào bát của anh. Giữa chợ, nếu cô, bà không cho họ tiền, họ chửi bới, hoặc bôi máu mủ cùi hủi vào người ta để khủng bố, để trả thù.
Cũng có những kẻ thuê hoặc bắt cóc trẻ con bắt đi ăn xin cho chúng . Cũng có kẻ cạo trọc đầu làm tăng ni giả đi khất thực, có cả xã chuyên nghề ăn mày!(3). Người ta khám phá nhiều ăn mày khi chết có hàng triệu đồng.

Trong chính trị và tôn giáo cũng vậy. Người ta lợi dụng lòng từ bi, bác ái, lòng yêu nước để tăng sức mạnh cho họ rồi giết người, hoặc bóc lột người.. . Cộng sản khi chưa cầm quyền thì kêu gọi toàn dân đoàn kết nhưng sau 1954 nắm quyền thì sát hại cán bộ và nông dân với khẩu hiệu " trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ". Và sau 1975, cộng sản đã giết và bỏ tù bọn GPMN! Chính Việt Cộng mở trại tỵ nạn Kampuchia tại Saigon. Khi quốc tế đến viện trợ, họ đốc đông người vào nhận đồ, quốc tế về họ thu lại.

Nhận đồ viện trợ, cộng sản không bao giờ hoặc rất it phân phát cho dân. Áo quần thì họ đem bán cho các cửa hàng "đồ sida" (4). Còn thực phẩm thì họ đưa vào các cửa hàng mâu dịch, hoặc lương thực thực phẩm. Những hàng này có hiệu và cờ Anh, Pháp ,Mỹ , họ xé bỏ nhãn hiệu rồi bán lại cho dân theo sổ lương thực.

Chúng ta có thiện tâm nhưng phải đề phòng bọn gian manh lợi dụng từ tâm của ta để làm việc ác hoặc làm giàu cho cá nhân hoặc phe nhóm họ.


Không phải cứ đưa một số tiền cho các nhà tu hành hay hội đoàn là xong. Có những bậc chân tu nhưng cũng có những quỷ Sa tăng trong giáo đường, trong giáo hội và chùa chiền. Ngoài ra, chúng ta đừng tin vào các nhãn hiệu và khẩu hiệu. Các bọn cướp thường nêu cao khẩu hiệu là "thế thiên hành đạo", "lấy của nhà giàu mà chia cho người nghèo" nhưng thực chất là cướp của giết người. Marx, Lenin, Stalin, Mao, Hồ hô hào chống bóc lột, dựng xây thế giới đại đồng nhưng thực tế cũng là cướp của giết người, khủng bố nhân dân, bóp nghẹt tự do của nhân dân.


Trong xã hội đã có những kẻ tu hành và thành viên các tổ chức từ thiện đã cờ bạc, mua dâm,có vợ hai, vợ ba, và họ đem tiền mua xe hơi, tậu nhà cho bồ nhí. Tại Việt Nam, tiền quốc tế viên trợ, cứu đói, cứu lụt lọt vào tay đầu gấu mà không đến tay nạn nhân. Chính phủ cộng sản đã ban luật" cứu trợ xã hội là việc của nhà nước". Vì vậy mà người ta đã bắt hoà thượng Huyền Quang, Quảng Độ về tội cứu trợ nạn nhân trái luật. Luật này tỏ cho ta biết cộng sản muốn nuốt tiền phước thiện!Đúng là "cướp cơm chim"! Ôi! Cái đảng vì vô sản, vì chống bóc lột, vì lý tưởng công bằng xã hội mà hành động cướp bóc như vậy!

Để chống việc cộng sản bóc lột, bạn hàng các chợ đã về tận nơi cứu trợ đồng bào.
Như vậy, hành thiện phải có phương pháp mà phương pháp đơn giản và thực tế là tự mình hành thiện, đừng qua trung gian, phải đến tận nơi, trao quà cáp và tiền bạc tận tay.



4. Phải khôn ngoan và đề phòng bất trắc


Cũng không phải đưa tiền đến tận tay nạn nhân là được. Một vị linh mục người Việt Nam ở Mỹ có lòng nhân đạo đã mang một số tiền về Việt Nam để làm quà cho trẻ bụi đời. Ông đi một mình vào xóm lao động, nơi tụ họp ban đêm của trẻ vô gia cư. Ông trao tiền, trao quà cho bọn trẻ. Ngay lúc đó, bọn lưu manh xông ra bắt ông trói lại, rồi trấn lột ông. Chúng còn đánh đập ông về tội ông bất công, chỉ cho bọn trẻ tiền mà không cho bọn chúng.Và chúng chửi mắng ông nào là tay sai Mỹ ngụy, theo tư bản bóc lột, giả dạng từ thiện để về do thám và đánh phá XHCN. .. .Nói chung, trong khi làm việc thiện, ta cũng nên khôn ngoan chọn phương cách để giúp người vui vẻ mà ta cũng không bị thiệt hại như trộm cướp, bắt cóc, tra tấn, đánh đập và tù tội. . .




IV.LỢI ÍCH CỦA VIỆC HÀNH THIỆN

Chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ anh em, đồng bào.Tại sao?

1. Giúp người tức giúp mình.
Trong xã hội, con người phải đoàn kết, phải tương trợ. Đó là đạo lý mà cũng là thực tế.Ban đầu con người ích kỷ, đèn nhà ai nấy rạng. Khi ông B cháy nhà, ông A yên lặng. Vậy thì khi ông A cháy nhà, ông Ba cũng " bình chân như vại". Như vậy thi tất cả đều thiệt hại. Nếu khi ông B cháy nhà, ông A, ông C và hàng xóm xông vào chữa lửa, thì lần sau nhà ông A, ông C cháy đều được cả xóm, cả làng cứu giúp.

2. Giúp người thì tâm ta vui vẻ.

Đây là một thực tế. Khi ta giúp được ai, ta cảm thấy vui vẻ. Tuy nhiên, muốn tâm an lạc, chúng ta nên hành thiện với tâm vô vị lợi. Làm xong rồi quên, đừng chú ý đến việc người ta nhớ ơn mình hay quên. và nhất là đừng kể công. Đó là quan điểm " Thi ân bất cầu báo."

3.Giúp người thì được phước

Nhiều tôn giáo cho rằng luật nhân quả chi phối khoa học và đời sống tâm linh.
Thiên Chúa giáo tin có ngày phán xét cuối cùng, và tin có Thiên Đường Địa ngục. Phật giáo tin có kiếp trước, kiếp hiện tại, và kiếp sau. Rộng hơn nữa, Phật giáo tin có luân hồi, quả báo. Mọi kiếp của ta là do việc làm của ta.

Dục tri tiền thế nhân
Kim sinh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sinh tác giả thị”

( Muốn biết nguyên nhân của đời trước
Thì xem cái kết quả của đời này
Muốn biết cái quả ở ngày sau
Xin xem cái nhân đang gây ra trong hiện tại).

Người ta thường kể chuyện sau:

Ngày xưa có một vị Đạo sĩ và một Đệ tử cùng lên núi cao để tu Tiên … Sau một thời gian tu học, một hôm vị Đạo sĩ bấm Dịch số để xem cho Đệ tử và phát hiện ra rằng Đệ tử của mình sắp mãn phần nên âm thầm cho học trò về quê thăm gia đình trong những ngày cuối đời.

Trên đường về quê khi đi ngang qua một con suối nhỏ, người học trò nhìn thấy một khúc gỗ mục đang trôi theo dòng suối - nhìn kỹ mới thấy vô số kiến đang bám vào khúc gỗ chới với giữa dòng, thế là người học trò vội vã lội xuống suối và vớt khúc gỗ lên để cứu đàn kiến đang trong cơn nguy kịch.
Sau thời gian về thăm nhà người học trò trở lại núi cao để tiếp tục việc học. Nhìn thấy Đệ tử trở lại vị Đạo sĩ vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng rất vui mừng – sau đó ông âm thầm bấm số xem lại: “ Thì ra học trò của ông trên đường về quê đã làm được một việc thiện ”.


Như vậy, ta có thể hiểu là nếu ta sống thiện và hành thiện thì ta có cuộc đời may mắn, vui vẻ. Con làm ác thì bị quả báo. Trong các truyện cổ tích hay truyện bình dân Việt Nam như truyện Tấm Cám, Thạch Sanh Lý Thông, những kẻ gian ác bị chềt thảm thương còn kẻ hiền lành, chuyên làm việc thiện thì được vinh hoa, phú quý.


Lý giải các tôn giáo là vậy. Tuy nhiên trong Phật giáo cũng có ý kiến khác. Cuộc gặp gỡ giữa Bồ-đề-đạt-ma và Vũ Đế được các ngữ lục ghi lại như sau:
Là một người phụng sự đạo Phật, Lương Vũ Đế đã cho xây trong nước mình nhiều chùa chiền, bảo tháp.
Vũ Đế hỏi nhà sư Đạt Ma:
-"Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?"
Đạt Ma đáp
- "Không có công đức."
- "Tại sao không công đức."
- "Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật."
- "Vậy công đức chân thật là gì?"
Sư đáp: "Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được."
Vua lại hỏi: "Nghĩa tối cao của thánh đế là gì?"
- "Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh."
- "Ai đang đối diện với trẫm đây?"
- "Tôi không biết."


Đạt Ma là một nhà truyền giáo triết lý cao siêu nhưng hành xử kém, ngôn ngữ vụng về ,thô lỗ. Hơn nữa, lời của Ngài cũng sai lời Phật dạy, và quá khích nếu không là chật hẹp.
Theo Phật giáo Bắc phương, người tu hành có lục Ba La Mật là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, và Trí huệ. Như vậy, bố thí đứng đầu. Kinh Pháp Cú đã nói đến việc làm lành lánh dữ:

118. If one should some merit make
do it again and again.
One should wish for it anew
for merit grows to joy. (5)

(Nếu đã làm điều lành,
Phải tiếp tục thi hành.
Hãy ước mong làm thiện,
Thì lòng được an bình)

Qua các điều trên, ta thấy Bố thí , làm các công đức không phải là việc nhỏ, việc tầm thường.Bố thí, làm công đức là những điểm quan trọng của người Phật tử.

Mục đich của Phật giáo là giải thoát, là ra khỏi vòng luân hồi. Nhưng điều này quá cao. Không phải ai cũng thành Phật và ai cũng đến Niết Bàn. Trong khi vươn lên mục đich cao cả, con người phải sống với thực tế là giúp đỡ quần sinh, nghĩa là phải làm việc thiện, dù kết quả rất nhỏ, dù đó là nhân hữu lậu. Phải hành thiện dù là việc thiện nhỏ.
Lưu Bị rất hữu lý khi dạy con:" Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm".(Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi").

Kinh Dịch, Hệ Từ có đoạn:
Tiểu nhân dĩ tiểu thiện vi vô ích nhi phất vi dã, dĩ tiểu ác vi vô thương nhi phất khử dã; cố ác tích nhi bất khả yểm, tội đại nhi bất khả giải.”
( Kẻ tiểu nhân cho rằng một điều thiện nhỏ là vô ích nên không làm, một điều ác nhỏ là vô hại nên cứ làm; vì vậy mà các điều ác cứ tích lũy tới lúc không che giấu được nữa, tội hoá lớn mà không thể tha được. )



V. HỆ QUẢ CỦA VIỆC HÀNH THIỆN


1.MẶT TÍCH CỰC

+Một số biết ơn ân nhân.


Hàn Tín cảm ơn Phiếu mẫu:
Bát cơm Phiếu mẫu trả ơn nghìn vàng.


2. MẶT TIÊU CỰC

+Làm việc thiện chỉ là giúp đỡ phần nào


Làm thiện chân thực có thể làm cho muôn loài hạnh phúc nhưng cũng có thể chỉ là xoa dịu vết thương bên ngoài.
Trong những ngày lễ Phật, tôi đứng nhìn xem chư tăng ni và thiện nam, tín nữ thả chim. Thả chim là một tục lệ tốt, mang ý nghĩa giải phóng. Nhưng sau khi ra khỏi lồng, con chim có thực sự giải phóng không? Có thể nói là không. Hoặc có thể nói là tỷ lệ thành công rất ít. Tại sao vậy? Vì con người có lòng nhân đạo nên có tục thả cá, thả chim. Có tục thả chim nên trẻ con bắt chim để bán. Chim để trong lồng lâu ngày nên chân tù, cánh mỏi, thả ra thì bay loạng quạng. Chúng nó một số bay thoát nhưng một số bị mèo vồ, quạ bắt, và bọn trẻ vây bắt lại. . .

Như vậy, một vấn đề khác được đặt ra là phải hành thiện rốt ráo!Vấn đề rất khó! Làm sao đưa chim về rừng an toàn? Làm sao cho nạn nhân được bớt đau khổ? Ta chỉ có thể giúp một phần thôi. Cha mẹ nuôi con cũng vậy. Nhà giàu thì cha mẹ để của đến vài đời cho con cháu, nhưng đa số cha mẹ chỉ nuôi con đến tuổi trưởng thành, sau đó các con phải tự lo.

Than ôi, làm việc thiện đôi khi không phải dễ. Phải có khả năng tài chánh, phải có kiến thức , có phương pháp và cũng phải có khôn ngoan.


+Một số không chấp nhận lòng tốt của người thiện tâm:

Sau 1975, tôi đi quanh khắp Sài gòn. Tôi dùng xe đạp đi vào Phú Lâm. Từ phía bên trái, có một ngôi nhà khang trang, đàng trước nhà tức là ngoài khuôn viên có để một số tượng Phật, tượng Chúa.Tôi bèn đi vào xem các tượng Phật. Các tượng rất to và rất đẹp. Đây là cơ sở làm tượng có trước 1975. Khi tôi lặng ngắm các bức tượng thì chủ nhân vui vẻ ra tiếp tôi . Chúng tôi nói chuyện trên trời dưới đất. Ông bảo:
-Một hôm tôi gặp một gã vô gia cư đi lang thang. Tôi ngỏ ý mời ông về nhà tôi ở.
Ông nhận lời nhưng ở ít lâu, có cơm ăn nhà ở nhưng được vài bữa thì ông kia ra đi.


Sau 1975, tôi theo bạn bè đến thăm nhà nghỉ mát ở Thủ Thiêm của một bác sĩ. Nhà không ai trông nom, ông gặp một người vô gia cư và mời họ đến nhà trông nom nhà cửa, vườn tược. Nhưng it bữa, người này cũng cuốn gói mà đi!

Nghe chuyện hai người vô gia cư, tôi lấy làm lạ lùng hết sức. Không nhà, không cơm , nay có người cho nhà ở, cơm ăn, tại sao họ lại từ chối? Nào có phải làm việc gì khó nhọc, hoặc phải làm điều phi pháp, phi đạo đức, chỉ coi nhà thôi mà! Phải chăng họ thích ngao du bốn biển? Phải chăng họ có tâm hồn du mục? Phải chăng họ có bệnh?


+Một số người phủ nhận công ơn những người đã giúp đỡ họ.

Trước 1975, đi ngang chợ Thái Bình, nếu đi thẳng tới trường Tư thục Hưng Đạo của giáo sư Nguyễn Văn Phú, chúng ta sẽ thấy một cơ sở từ thiện, của tư nhân, do các bà phụ trách, có bảng đề là Viện Dục Anh. Viện này thành lập từ lâu có lẽ trước 1945 có mục đích nuôi trẻ mồ côi. Một số trẻ mồ côi đưọc học bổng qua Pháp học thành kỹ sư, bác sĩ, nhưng tất cả các hạng đều có một hai điều đáng buồn :
-Không ai nhìn nhận mình xuất thân từ viện Dục Anh.
-Những kỹ sư, bác sĩ trước khi du học đã cam kết góp tiền về giúp viện để Viện có tiền nuôi lớp sau. Nhưng chẳng ai chịu trả một xu cho Viện!
Tất nhiên mấy ông này có rất nhiều tiền nhưng không ai muốn dính líu đến Viện Dục Anh, không ai muốn nhớ đến quá khứ đau khổ, đến nguồn gốc đen tối của họ!

+Ân thánh oán

Nếu bạn có một số tiền, bạn đem ra cho bà con. Số tiền có hạn, bạn chỉ tặng một trăm người.Một trăm, hai trăm người khác sẽ âm thầm buồn giận hoặc lớn tiếng trách mắng bạn.
Ngay người bạn tặng tiền đôi khi cũng trách bạn vì cho quá it. Ở Việt Nam nay muốn tặng ai it nhất cũng 100 đô, nếu không người ta chửi vào mặt bạn. Dạy bảo, khuyên răn người cũng vậy , coi chừng " giáo đa thành oán..



Làm thiện là cần thiết, là điều tốt, tùy theo khả năng mình mà làm. Chúng ta phải có tâm thiện, có phương pháp và cũng cần có sự khôn ngoan. Nếu đã làm, thì phải tự mình làm. Đừng tin ai vì trong đời sống nhiều kẻ gian manh muốn lợi dụng danh nghĩa từ thiện để gạt gẫm người. Hạng này bao gồm những kẻ khoác áo tu hành hoặc các cơ quan , đoàn thể mượn danh từ thiện hoặc chính nghĩa đề làm việc ác hoặc xấu xa đồi bại .


___

(1). Luận ngữ. Hiến vấn 14.
(2).Phúc âm Matthew 25: 40
(3). Theo chân những người mạo danh nhà sư đi khất thực.http://f.tin247.com/21396470/S%C6%B0+s%C3%A3i+%C4%91i+kh%E1%BA%A5t+th%E1%BB%B1c+%C4%91%E1%BB%81u+l%C3%A0+gi%E1%BA%A3+m%E1%BA%A1o.html
+ Về lại "xã ăn mày".http://www.baomoi.com/Info/Ve-lai-xa-an-may/137/2616269.epi
(4).Đồ sida: đồ cũ, người khác đã mặc, mình mặc vào dễ bị lây bệnh sida.
(5).Kinh Pháp Cú.The Path of Truth.English translation by Bhikkhu Khantipalo & Sister Susanna. Sydney, Australia, 1993. IX- Papavagga.


No comments: