Thursday, August 23, 2012

BS.HỒ VĂN CHÂM * CHÍNH TRỊ



Việt Nam Thế Kỷ 21
Hướng về Phương Bắc hay Phương Tây ?

Minh Vũ Hồ Văn Châm


Nước Việt Nam thuộc vùng Viễn Đông, nằm ở góc đông nam lục địa châu Á , bên trên đường xích đạo.

Phía bắc Việt Nam là nước Tàu (Chine, China), thường được gọi một cách trang trọng hơn là Trung Quốc. Phía tây Việt Nam là các nước Tiểu Tây Dương và Đại Tây Dương. Các nước Tiểu Tây Dương chủ yếu là bán đảo Ấn Độ, xưa ta quen gọi là Thiên Trúc hay Tây Trúc, nay là các nước India, Pakistan, Nepal, Bangladesh v.v., mà cư dân thường được giới bình dân nước ta gọi là Tây Đen, Tây Chà. Các nước Đại Tây Dương ở xa hơn về phía tây, cư dân được người nước ta gọi là Tây Trắng, gồm chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha v,v, (tức là Tây Âu), và Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi v.v. (tức là Đông Âu). Gần đây, Việt Nam lại có thêm nhiều liên hệ với Hoa Kỳ và Gia Nã Đại (tức là Bắc Mỹ), và mặc dù có thể đến các nước ấy theo hướng tây hay hướng đông, người nước ta vẫn xem Bắc Mỹ thuộc khối các nước Đại Tây Dương.


Suốt chiều dài lịch sử từ khi lập quốc cho đến ngày nay, Việt Nam luôn luôn ở cái thế bị níu kéo từ hai phía bắc và tây. Hấp lực phương bắc là từ Trung Quốc. Hấp lực phương tây thời cổ đại là từ Ấn Độ, thời cận kim là từ Tây Âu, và hiện nay là từ khối Đại Tây Dương, bao gồm Tây Âu, Đông Âu và Bắc Mỹ. Việc tranh dành ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây thời cổ đại không gay gắt như từ thời cận kim đến nay. Trung Quốc bành trướng ảnh hưởng vừa bằng quân sự vừa bằng văn hóa. Ngược lại, Ấn Độ chỉ xâm nhập xã hội Việt Nam thuần một mặt văn hóa mà thôi. Kết quả là văn hóa Ấn Độ phải lùi bước trước văn hóa Trung Quốc, và Việt Nam hoàn toàn hướng về phương bắc để trở thành mũi dùi bành trướng của văn hóa Trung Quốc trên bán đảo Đông Dương. Nhưng từ khi người Bồ vững chân ở Đàng Trong và người Hòa Lan vững chân ở Đàng Ngoài thì cuộc tranh dành ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây trở nên mỗi ngày một thêm gay gắt mặc dầu Việt Nam vẫn một lòng một dạ hướng về phương bắc. Đến cuối thế kỷ 19, khi người Pháp nhập cuộc, dùng quân lực phát động chiến tranh xâm lược, thiết lập nền đô hộ lên 3 xứ Đông Dương, ảnh hưởng của Trung Quốc phải từng bước nhường chỗ cho ảnh hưởng của phương tây về tất cả các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Sang thế kỷ 20, từ sau Đệ nhị Thế chiến, người Pháp mất thế độc tôn ở Đông Dương, người Tàu có nhiều cơ hội gây lại ảnh hưởng, Tàu Tưởng vào những năm 1945-1946, Tàu Mao từ 1949 đến nay, phe phương tây lại có thêm người Nga, người Mỹ, cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam giữa phương bắc và phương tây ở vào thế giằng co, bất phân thắng phụ.


Trước thềm thế kỷ 21, nhìn lại quá khứ, phân tích tương quan ảnh hưởng của phuơng bắc và phương tây đối với Việt Nam để rút tỉa kinh nghiệm của các bài học lịch sử, chúng ta đặt vấn đề là Việt Nam ngày nay nên hướng về phương bắc hay là phương tây? Chủ động hướng về phương nào để cho dân giàu nước mạnh?



*


* *

Việt Nam thời sơ sử.

Những nhà viết sử, cả ta lẫn Tàu, đều cho rằng liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có từ thời sơ sử. Thực ra, bằng chứng về mối liên hệ thuở ban sơ này không được xây dựng trên những cơ sở chính xác và cụ thể, mà ngược lại, đó toàn là những câu chuyện truyền miệng ít nhiều có tính chất hoang đường hoặc là những điều ghi chép có tính cách khoa trương. Truyền thuyết Tiên Rồng nói đến chuyện cháu ba đời vua Thần Nông đi tuần thú phương nam, lấy vợ sinh con đẻ cháu, chuyện Đế Lai và Lộc Tục là bà con họ hàng, một người làm vua phương bắc, một người làm vua phương nam, chuyện Mẹ Âu cơ vốn là người Bắc, lấy Lạc Long Quân sinh trăm trứng nở trăm con trai, muốn đem 50 con trở về bắc nhưng bị Hoàng Đế đem binh cản trở, tất cả những chuyện đó đều nhắm vào chủ điểm là nhấn mạnh đến liên hệ huyết thống giữa hai dân tộc Việt Nam và Trung Quốc. Sử Tàu cũng chép chuyện đời nhà Chu, sứ bộ Việt Thường đem dâng chim trĩ trắng, chim nhớ quê hương cứ tìm cành nam mà đậu, chủ ý khoa trương muốn nêu lên vị thế trung tâm điểm của Trung Quốc, nên đem chim Việt của miền nam làm đối trọng với ngựa Hồ của đất bắc (Ngựa Hồ trông ải bắc, Chim Việt đậu cành nam). Phải đợi đến khi Tần Thủy Hoàng đem quân vào đất Lục Lương, xâm lấn bờ cõi của cư dân Bách Việt, liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc mới có những dữ kiện cụ thể. Nhà Tần vừa diệt xong sáu nước, thống nhất Trung Quốc (Lục vương tất, tứ hải nhất), năm 214 trước Công nguyên, đem quân tiến chiếm đất đai Bách Việt dễ dàng như chẻ tre, nhưng đã không khuất phục được nhân dân Bách Việt. Người Việt rút vào rừng núi và trong nhiều năm trời đã tiến hành một cuộc kháng chiến dai dẳng và ác liệt với những thủ lĩnh can trường như Dịch Hu Tống, Tây Vu Vương, khiến cho mười vạn quân Tần và chủ tướng Đồ Thư phải vong mạng, chiến dịch xâm lược Bách Việt của nhà Tần thất bại hoàn toàn. Sự kiện lịch sử này cho thấy giữa dân Bách Việt và dân Hoa Bắc không có chút liên hệ huyết thống nào cả, và vào buổi ban sơ, Việt Nam cổ đại không hề hướng về phương bắc. Đến như việc Triệu Đà nổi lên cát cứ ở Phiên Ngung (gần Quảng Châu), thôn tính Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt vào năm 207 trước Công nguyên, thì ta cũng không thể căn cứ vào sự kiện Triệu Đà vốn là tướng nhà Tần, quê quán ở Chân Định, Hoa Bắc, để mà nói rằng nước Nam Việt của Triệu Đà hướng về phương bắc. Sự thực là Triệu Đà cũng như con cháu của Triệu Đà và triều đình Nam Việt đã tận tuỵ phục vụ quyền lợi của nhân dân Nam Việt. Phản ứng lại chính sách kỳ thị của bà Lữ Hậu nhà Hán cấm dân Hán không được bán trâu bò và nông cụ bằng sắt cho dân Việt, năm 183 trước Công nguyên, Triệu Đà đã xưng đế hiệu và đem quân đánh quận Trường Sa. Năm 181 trước Công nguyên, nhà Hán sai tướng đem quân cứu viện Trường Sa và tiến đánh Nam Việt, nhưng quân tướng nhà Hán đã bị Triệu Đà đánh bại, nhục nhã chạy về. Vua Văn Đế nhà Hán đã cử Lục Giả mang chiếu thư sang Nam Việt giảng hòa, nhìn nhận rằng toàn bộ cư dân và lãnh thổ từ Phục Lĩnh (Ngũ Lĩnh) trở về nam là thuộc Nam Việt, hoàn toàn do vua Nam Việt liệu lý. Năm 112 trước Công nguyên, Tể Tướng Nam Việt là Lữ Gia đã đem cấm binh vào cung giết Ai Vương, Cù Thái Hậu và sứ thần nhà Hán là An Quốc Thiếu Quý vì những người này âm mưu dâng Nam Việt cho nhà Hán. Rõ ràng là Nam Việt đã chống lại hấp lực từ phương bắc.


Việt Nam thời Bắc thuộc: sự thắng thế của ảnh hưởng phương bắc.

Năm 111 trước Công nguyên, Hán Vũ Đế sai Lộ Bác Đức và Dương Bộc đem quân đánh chiếm Nam Việt, lập ra Giao Chỉ Bộ gồm có 9 quận là Nam Hải, Uất Lâm, Thương Ngô, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Châu Nhai và Đạm Nhĩ. Từ đó, nước ta bị người Tàu đô hộ hơn một nghìn năm. Tuy đã có rất nhiều cuộc nổi dậy để giành lại quyền tự chủ, nhưng những nỗ lực đó của dân ta trước sau đều bị người Tàu đàn áp. Mãi đến năm 939 sau Công nguyên, Ngô Quyền đánh tan thủy quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, tiếp đến năm 968 sau Công nguyên, Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên 12 sứ quân, thống nhất non sông về một mối, lập ra nước Đại Cồ Việt, dân ta mới dứt khoát chặt đứt xiềng xích nô lệ của người Tàu. Trong khoảng thời gian dài hơn một nghìn năm Bắc thuộc, đã phát sinh những dữ kiện quan yếu sau đây. Thứ nhất là đã có sự pha trộn huyết thống giữa dân Việt cổ và dân Hán Hoa Bắc để hình thành dân Việt ngày nay, bằng cớ là dân Việt ngày nay ở đồng bằng rất khác biệt với dân Mường ở miền núi vốn là bà con họ hàng với dân Việt cổ, và sự hiện diện với tỷ lệ cao hơn 50% của các từ Hán Việt phát âm theo thổ ngữ Trường An (kinh đô các triều Hán Đường) trong ngôn ngữ Việt Nam. Thứ hai là sự chia cắt Giao Chỉ Bộ thành Giao Châu và Quảng Châu dưới triều Ngô Tôn Hạo, để rồi mỗi châu tiến hóa theo những phương hướng khác nhau, Giao Châu về sau độc lập trở thành nước Đại Việt, Quảng Châu hoàn toàn bị Hán hóa đến độ người Quảng Đông ngày nay cứ tưởng mình là người Hán mặc dù bị người Hán Hoa Bắc nhạo báng rằng không nói được quan hỏa đúng giọng (thiên bất phạ, địa bất phạ, chỉ phạ Quảng Đông nhân thuyết quan hóa). Thứ ba là, tuy rằng đại đa số quan lại của chính quyền đô hộ là tham tàn hung hiểm, vẫn có một số tận tụy phục vụ quyền lợi thuộc địa, nhất là trong những giai đoạn loạn lạc ở chính quốc, như cha con, anh em Sĩ Nhiếp đã kế tục nhau giữ cho Giao Châu được yên ổn, Cao Biền đắp thành Đại La để phòng ngự Giao Châu tránh khỏi nạn cướp bóc của quân Nam Chiếu, được dân chúng cảm phục và tôn sùng (Sĩ Vương, Cao Vương). Thứ tư là di dân từ chính quốc sang Giao Châu không chỉ thuần túy gồm có lưu dân, tội đồ và thú binh nghèo khổ, mà gồm cả quan lại mãn nhiệm tự nguyện ở lại thuộc địa, và nhất là sĩ phu và thương nhân tránh loạn lạc ở chính quốc tìm đến Giao Châu là nơi tương đối yên ổn để định cư lập nghiệp, khiến cho Giao Châu văn vật hẳn lên, như lời Vương Bột xưng tụng trong bài Đằng Vương các tự (Gia quân tác tể, lộ xuất danh khu; đồng tử hà tri, cung phùng thịnh tiển). Thứ năm là các lãnh tụ nổi lên chống đối chính quyền đô hộ không phải chỉ thuần túy là dân gốc địa phương như Hai Bà Nữ Vương họ Trưng, Bua Cái (Đại Vương) họ Phùng, Hắc Đế Mai Thúc Loan, Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh, mà gồm cả những người gốc gác từ chính quốc như Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Dương Thanh, Khúc Thừa Dụ, một dữ kiện quan yếu chứng tỏ động cơ nổi dậy không phải đơn thuần là chống áp bức mang tính chất đấu tranh dân tộc, mà còn là nhu cầu của thuộc địa mỗi ngày một lớn mạnh muốn độc lập với chính quốc về mặt chính trị và hành chánh. Tóm lại, trên cơ sở những dữ kiện lịch sử quan yếu vừa liệt kê, ta có thể rút ra hệ luận rằng trải qua hơn một nghìn năm Bắc thuộc, trên địa bàn Bắc bộ và Bắc Trung bộ Việt Nam ngày nay, đã dần dà hình thành một tập thể cư dân mới, ít nhiều còn giữ được những đặc điểm liên quan với cội nguồn (ăn trầu, nhuộm răng), nhưng nói chung, trên mọi bình diện, hoàn toàn hướng về phương bắc. Việc hướng về phương bắc này, buổi đầu là do cưỡng bức bằng các áp lực quân sự và hành chánh, dần dà về sau là do tự nguyện và trở nên triệt để đến độ các sinh hoạt tại thuộc địa không khác biệt gì lắm so với chính quốc, và đến cuối thời Bắc thuộc thì nảy sinh xu hướng muốn độc lập về chính trị và hành chánh nhưng tự nguyện duy trì các tương quan kinh tế, văn hóa và xã hội. Việc hướng về phương bắc trong thời Bắc thuộc mạnh mẽ đến độ đã đánh bạt ảnh hưởng của phương tây (Ấn Độ), và làm thay đổi bản chất các sinh hoạt thường nhật cũng như các tín điều tâm linh của cư dân bản địa. Người ta dùng đũa gắp thức ăn, không ai dùng tay bốc. Nút áo cài bên trái nhường chỗ cho nút áo cài bên phải. Chữ viết thời cổ không ai biết, chỉ còn biết chữ Hán và chữ Nôm. Ông Bụt (Buddha, gốc Ấn Độ) trong ngôn ngữ dân gian nhường chỗ cho Ông Phật (âm Hán Việt của từ Pụt, A mi tà Pụt, của Trung Quốc). Câu chuyện Tet Seo (Lang Liệu) thời Hùng Vương chế ra bánh tét bánh dầy cũng bị thay đổi nội dung. Bánh tét có hình tượng sinh thực khí, liên hệ đến tục thờ linga của Ấn Độ, đã được bánh chưng hình vuông thay vào cho phù hợp với vũ trụ quan trời tròn đất vuông của Trung Quốc. Nói tóm lại, việc hướng về phương bắc trong thời Bắc thuộc là triệt để và toàn diện.


Việt Nam thời tự chủ tự nguyện hướng về phương bắc.

Bước qua thời tự chủ, từ nhà Đinh cho đến nhà Cựu Nguyễn, Việt Nam tiếp tục tự nguyện hướng về phương bắc. Tuy trong thực tế, Việt Nam hoàn toàn độc lập về chính trị và hành chánh, trên danh nghĩa, Việt Nam vẫn tự nguyện làm phiên thuộc của Trung Quốc. Các vua Việt Nam nhận sắc chỉ, áo mũ, ấn tín tấn phong của Thiên tử Trung Quốc, và cứ ba năm một lần lại cử sứ bộ mang cống phẩm sang dâng nạp. Đối với thần dân trong nước cũng như đối với các lân bang phía tây và phía nam, các vua Việt Nam xưng Vương, xưng Đế, nhưng đối với Thiên tử Trung Quốc, các vua Việt Nam chịu nhún xưng thần, và nhận tước vị quận vương, quốc vương. Quốc hiệu tự xưng là Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam, nhưng tước vị do Thiên tử Trung Quốc tấn phong cho các vua Đinh, Tiền Lê là Giao Chỉ Quận vương, Nam Bình vương, cho các vua Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn Tây Sơn là An Nam Quốc vương, và cho các vua Cựu Nguyễn là Việt Nam Quốc vương. Các vua Mạc và các vua đầu đời Lê Trung hưng chỉ được phong An Nam Đô Thống sứ. Đã vậy, việc ép mình chịu làm phiên thuộc cũng không phải là dễ dàng, cũng không phải là không cam go gian khổ. Người Tàu chấp nhận cho Việt Nam được tự chủ chẳng qua là ở trong cái thế không giết được thì tha làm phúc, chứ trong thâm tâm, lúc nào cũng ấp ủ cái mộng tái chiếm thuộc địa, thiết lập lại các quận huyện ngày trước. Do đó, Lê Hoàn chỉ được phong sau khi giết chết Hầu Nhân Bảo ở Ải Chi Lăng, và đánh bại Lưu Trừng trên sông Bạch Đằng; Lê Lợi chỉ được phong sau khi giết chết Liễu Thăng ở đồi Mã Yên và vây khốn Tổng Binh nhà Minh Vương Thông trong thành Đông Quan; Nguyễn Huệ chỉ được phong sau khi bức tử Sầm Nghi Đống ở gò Đống Đa và đuổi Tổng Đốc Lưỡng Quảng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị chạy dài. Tuy là phiên thuộc trên danh nghĩa, Việt Nam hoàn toàn độc lập về chính trị và hành chánh. Trung Quốc cũng không can thiệp vào nội bộ của Việt Nam, ngoại trừ trường hợp vua Việt Nam tỏ ra cường ngạnh không chịu thần phục (Hồ Quý Ly), hoặc Trung Quốc được lợi lớn vì vua Việt Nam tỏ ra qụy lụy nhượng bộ quá mức (Mạc Đăng Dung). Mặt khác, về các phương diện kinh tế, văn hóa, xã hội, Việt Nam lại tự nguyện hướng về phương bắc, mặc dù chẳng có một áp lực nào thúc ép. Việt Nam dùng chữ Hán làm văn tự chính thức. Sĩ tử ngày đêm dùi mài tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc. Trong câu chuyện thù tạc hằng ngày giữa những người có đôi chút chữ nghĩa, Hán tự cũng được dùng xen vào (nói chữ). Vào những dịp hệ trọng liên quan đến vận mạng quốc gia, vua tôi bàn bạc, dặn dò, đối dáp với nhau cũng bằng Hán tự. Chữ nôm, một biến thể của Hán tự dùng để ghi âm tiếng bản địa được sáng chế từ thời bắc thuộc, tuy được tiếp tục hoàn bị trong thời kỳ tự chủ, nhưng cũng chỉ được sử dụng hạn chế, chủ yếu là để làm thơ phú mua vui, chứ không được giới sĩ phu xem trọng (nôm na mách qué), ngoại trừ dưới các triều đại Hồ và Nguyễn Tây Sơn. Cũng như dưới thời bắc thuộc, ảnh hưởng phương tây (Ấn Độ) hoàn toàn bị đánh bật ra khỏi đời sống văn hóa và xã hội Việt Nam. Hơn thế nữa, Việt Nam lại tự nguyện làm mũi dùi xung kích cho văn hóa Trung Quốc, khiến cho văn hóa Ấn Độ mỗi ngày một thu hẹp địa bàn ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương trước bước chân nam tiến của dân tộc Việt Nam. Nói tóm lại, Việt Nam trong thời kỳ tự chủ hoàn toàn hướng về phương bắc. Việc hướng về phương bắc này triệt để và toàn diện cho đến khi người phương tây da trắng bắt đầu đến Viễn Đông buôn bán và truyền đạo.


Ảnh hưởng của việc người Tây Dương đến Viễn Đông.

Thực ra thì người Tây Dương đã đến Viễn Đông từ những thời rất xa xưa, ban đầu theo con đường hương liệu dọc bờ biển Nam Á, băng qua Ấn Độ để đến Đông Dương, và về sau theo con đường tơ lụa xuyên qua các đồng cỏ Trung Á, băng ngang sa mạc Mông Cổ để đến Trung Quốc. Chứng tích của các dữ kiện lịch sử này là việc phát hiện các đồng tiền La Mã tại di chỉ khảo cổ Óc Eo ở Nam Bộ Việt Nam, việc người Nhục Chi đem văn minh Hồi giáo đến khai hóa cư dân quần đảo Indonesia, việc người Ý Marco Polo làm quan tại Triều đình Mông Nguyên Trung Quốc. Tuy vậy, phải đợi đến các thế kỷ 16, 17, với các tiến bộ trong kỷ thuật đóng tàu và phát triển vượt bực của ngành hàng hải, người Âu châu tìm đến Viễn Đông buôn bán và truyền đạo mỗi ngày một nhiều, Việt Nam mới bắt đầu tiếp xúc thực sự với phương tây Vào thời điểm này, người Anh, người Pháp đã đặt cơ sở ở Ấn Độ, người Hòa Lan đã vững chân ở Batavia, người Tây Ban Nha đã chiếm cứ Maní, người Bồ Đào Nha đang kinh dinh Penang, Macao, Nagazaki, do đó, Việt Nam cũng mở cửa đón tiếp thương thuyền Tây Dương: Đàng Ngoài tại Phố Hiến, Đàng Trong tại Hội An.



Trong số những thương nhân và giáo sĩ Tây Dương lui tới Việt Nam lúc bấy giờ, đáng lưu ý hơn cả là người Hòa Lan và người Bồ Đào Nha. Người Hòa Lan thân thiện với Đàng Ngoài, bán súng đạn cho quân đội chúa Trịnh, và một người con gái Hòa Lan lại được tuyển làm cung phi cho vua Lê Thần Tông. Người Hòa Lan còn ngầm yểm trợ chúa Trịnh đánh chúa Nguyễn, gây ra mối bất hòa với Đàng Trong, khiến nẩy sinh ra trận thủy chiến đầu năm 1644 giữa hạm đội Hòa Lan do Pieter Baek chỉ huy và hải quân Đàng Trong dưới sự tiết chế của Thế tử Nguyễn Phúc Tần (Hiền Vương) ở ngoài khơi Đà Nẵng. Người Bồ Đào Nha ngược lại, tuy bán súng đạn cho quân đội Đàng Trong, cũng như thân thiện với chính quyền Dàng Trong hơn, nhưng vẫn giữ được hòa khí với Đàng Ngoài, do đó, người Bồ Đào Nha đi lại buôn bán và truyền đạo ở cả hai miền nam bắc. Các giáo sĩ Bồ Đào Nha đã tìm cách ghi âm tiếng Việt theo cả hai giọng nam bắc và đã xây dựng được nền tảng cho lối viết tiếng Việt theo mẩu tự La tinh. Công trình này về sau được giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) hoàn chỉnh và trở thành văn tự chính thức của người Việt Nam ngày nay.



Khác với trường hợp người Hòa Lan và người Bồ Đào Nha, công việc buôn bán của người Anh ngay từ buổi đầu đã không được thuận lợi cho lắm. Người Anh chuyên tâm vào việc trao đổi hàng hóa để kiếm lợi, trong lúc các chúa Trịnh chúa Nguyễn lại muốn người Tây Dương đem súng đạn đến bán để canh tân quân đội hòng khuynh loát đối phương, mục tiêu hai bên không tương đồng nên việc giao thiệp mỗi ngày một lạnh nhạt. Gia dĩ, người Anh lại ỷ thế mạnh không tôn trọng chủ quyền bản xứ, tự tiện chiếm cứ đảo Poulo Condore năm 1702 để lập thương điếm, khiến cho Trấn Thủ Trấn Biên là Trương Phước Phan phải dùng mưu cho người Chà Và trà trộn vào làm việc cho thương điếm rồi thừa cơ nổi lửa làm loạn, giết chết hết các thương nhân người Anh. Cuối thời Trịnh Nguyễn phân tranh, người Anh không còn có thương điếm ở Việt Nam nữa. Mãi đến khi Tây Sơn nổi lên, người Anh Charles Chapman có tìm đến Qui Nhơn thương lượng việc buôn bán, Nguyễn Nhạc nhân đó cũng muốn người Anh giúp đỡ súng đạn tàu thuyền để mưu chuyện làm chủ Đông Dương, nhưng việc thương thuyết chẳng đi đến đâu. Sau khi Gia Long thống nhất Việt Nam, người Anh lại phái sứ giả là Robert mang phẩm vật đến Huế năm 1803 để xin mở thương điếm ở Trà Sơn (Đà Nẵng), nhưng bị Gia Long từ chối.



Về phần người Pháp, cũng như người Anh, người Pháp rất chú ý đến đảo Poulo Condore, nhưng những nỗ lực của Pháp để thiết lập thương điếm tại nơi đây (Renault năm 1721, Pierre Poivre năm 1748, Protais Leroux năm 1755) đều không có kết quả. Cũng như người Bồ, người Pháp chuyên chú vào việc truyền đạo xuyên qua hoạt động tích cực của Hội Dòng Tên (Jesuites) và Hội Ngoại Quốc Truyền Giáo (Missions Étrangères), khiến cho các chúa Trịnh chúa Nguyễn e ngại cho uy thế của mình mà đâm ra nghi kỵ, (nhất là sau khi Giáo Hoàng Clément XI ban hành sắc lệnh năm 1715 cấm ngặt việc thờ cúng tổ tiên), đưa đến kết quả không hay là việc cấm đạo ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong vào cuối thế kỷ 17 và suốt thế kỷ 18. Mãi đến khi chiến cuộc giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh xẩy ra, người Pháp mới có dịp dự phần vào việc gây ảnh hưởng trở lại tại Việt Nam qua vai trò của Giám mục Adran là Pierre Joseph Georges Pigneau (Bá Đa Lộc). Giám mục Adran với tư cách cá nhân đã giúp Nguyễn Ánh đóng tàu, đúc súng, xây thành, chuyên viên kỹ thuật, cố vấn quân sự, để đánh thắng Tây Sơn. Sau khi Gia Long lên ngôi, nhiều người Pháp ở lại làm quan tại Triều đình Huế. Nhưng đến đời Minh Mạng, Việt Nam cấm đạo trở lại, các quan chức người Pháp cũng lần lượt bỏ về nước. Đến cuối đời Tự Đức thì người Pháp liên binh với người Tây Ban Nha tiến đánh Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược mấy mươi năm trời, và việc Pháp đô hộ Đông Dương gần cả thế kỷ.



Nói tóm lại, trong giai đoạn thứ hai này của thời kỳ tự chủ, từ lúc người Tây Dương vào buôn bán và truyền đạo ở Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong nước Đại Việt, cho đến lúc người Pháp đặt nền đô hộ và chia cắt nước Đại Nam thành ba xứ Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ, Việt Nam vẫn tiếp tục hướng về phương bắc trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Ảnh hưởng phương tây chỉ xẩy ra những khi có tranh chấp nội bộ bằng binh lực, và giới hạn trong việc mua bán đạn dược, kỹ thuật đúc súng, đóng tàu, xây dựng thành lũy. Những nhu cầu nhất thời này đương nhiên kéo theo một vài đặc quyền dành cho người Tây Dương như việc cấp đất lập thương điếm, việc cho phép các giáo sĩ tự do đi lại giảng đạo. Nhưng một khi không còn chiến tranh nội bộ, nghĩa là không còn nhu cầu nhờ vũ khí phương tây để canh tân quân đội trong mục tiêu khuynh loát đối thủ, thì ảnh hưởng phương tây cũng theo đó mà mờ nhạt đi. Thực vậy, sau khi Trịnh Nguyễn giảng hòa, lấy sông Gianh phân chia địa bàn cát cứ, hay sau khi Gia Long thống nhất đất nước, lên ngôi vua ở Phú Xuân, việc buôn bán của người Tây Dương dần dà gập nhiều điều trở ngại để rồi thương điếm phải dẹp bỏ, và việc cấm đạo Gia Tô mỗi ngày một trở nên gay gắt. Chỉ có một biệt lệ cho sự kiện lịch sử này là việc các vua chúa Việt Nam tiếp tục tin tưởng vào khả năng chửa bệnh theo tây y, như chúa Thế Tông lưu giữ giáo sĩ Koffler ở lại làm thầy thuốc cho chúa và việc vua Quang Trung nhờ thầy thuốc người Âu chửa bệnh cho Chính cung Hoàng hậu họ Phạm. Ngoài hai nhu cầu về kỹ thuật quân sự và y học khiến Việt Nam vào thời kỳ này hướng về phương tây, trên các lãnh vực khác, Việt Nam nhất nhất hướng về phương bắc. Ngay như việc Quang Trung dùng chữ nôm thay Hán tự, mới nghe qua thì tuởng như là một sự canh cải mang tính cách dân tộc trong chiều hướng muốn vươn lên để thoát khỏi vòng lệ thuộc phương bắc, nhưng xét cho cùng thì việc dùng chữ nôm vào thời Quang Trung không có chung bối cảnh lịch sử với việc dùng chữ nôm thời Hồ Quý Ly. Chữ nôm thoát thai từ chữ Hán, muốn đọc chữ nôm, trước hết phải đọc được chữ Hán. Thời Quang Trung đã có chữ quốc ngữ. Muốn bớt lệ thuộc phương bắc về văn hóa, sao không dùng ngay chữ quốc ngữ? Muốn giảm thiểu áp lực từ phương bắc, sao không bắt ngay cơ hội trước mắt để cấp kỳ hướng về phương tây, canh tân xứ sở như sau đó nguời Nhật Bản đã làm? Đến việc Gia Long dần dà lạnh nhạt với những người Pháp đã giúp mình lật đổ Tây Sơn, không tiếp phái viên của vua Louis XVIII là thuyền trưởng A. de Kergariou, từ chối nhận cống phẩm của người Anh Robert mang đến Huế để xin mở thương điếm Trà Sơn, rập khuôn luật pháp, quan chế, học thuật của người Tàu Mãn Thanh, thì rõ ràng xu hướng phục Tàu, theo Tàu, đã trở thành căn bệnh cố hữu, và lòng ngờ ghét người Tây Dương mỗi ngày một gia tăng. Việc Đông Cung Cảnh nông nổi đập phá bàn thờ gia tiên không những đã mang lại hậu quả tất yếu là con ngài không được nối ngôi tôn, mà còn khiến cho Gia Long lúc lâm chung trăn trối với Minh Mạng rằng phải cảnh giác dã tâm trục lợi của người Tây Dương và mầm mống phản loạn của dân theo Ki tô giáo. Nhưng sự kiện này chỉ là trong muôn một những nguyên nhân đưa đến chính sách bế môn tỏa cảng và cấm đạo từ đời Minh Mạng trở về sau. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là tinh thần cố hữu một lòng một dạ hướng về phương bắc, cho rằng thiên hạ văn minh chỉ có mỗi một nước Tàu. Chứng cớ là cuối đời Tự Đức, nhà vua và đình thần cứ khư khư theo nề nếp cũ, bám chặt các tư tưởng thủ cựu bắt rể từ văn hóa Trung Quốc, bỏ ngoài tai các đề nghị cải cách theo phương tây, thậm chí khi quân Pháp đã toàn thắng cuộc chiến tranh xâm lược, “cửa Thuận an Tây lấy, Trấn Bình đài Tây vô”, Tự Đức vẫn còn cử sứ bộ sang Tàu cầu viện, những mong dựa vào áp lực từ phương bắc để chống lại áp lực từ phương tây.


Việt Nam thời Pháp thuộc: sự thắng thế của ảnh hưởng phương tây.

Nhưng nước Tàu lúc này đang suy yếu, tự mình không cứu nổi mình thì còn hòng che chở cho ai! Bởi vậy, sau những nổ lực vận động không kết quả của sứ thần nhà Thanh là Tăng Khải Trạch với chính phủ Pháp Jules Ferry để lập một quốc gia trái độn từ biên giới Quảng Tây đến Qưảng Bình, người Tàu phải ký Hòa ước Thiên Tân năm 1885 thừa nhận chủ quyền của Pháp trên lãnh thổ Đại Nam. Mặt khác, người Pháp tìm mọi cách để xóa sạch ảnh hưởng của người Tàu trong tâm khảm người Việt. Về mặt chính trị, xưa kia Thiên tử Trung Quốc tấn phong vua Việt Nam thì bây giờ Đại Diện chính phủ Pháp chủ tọa lễ đăng quang của vua Hàm Nghi, và cũng được hưởng đặc lệ đi cổng giữa của lầu Ngọ môn để vào điện Thái Hòa y như các sứ thần Trung Quốc ngày trước. Triều đình Huế phải tiêu hủy trước mặt Đại Diện chính phủ Pháp chiếc ấn Việt Nam Quốc Vương nhà Mãn Thanh đã phong cho các vua nhà Nguyễn. Về mặt ngoại giao, nước Pháp đại diện cho Việt Nam trong việc giao thiệp với nước ngoài. Người Pháp đắp đập bít cửa Thuận an, tuyệt đường tàu thuyền nước ngoài ngược dòng Hương giang để cô lập Kinh thành Huế. Buổi đầu, dưới thời các Đô đốc Hải quân cai trị, người Pháp chỉ chú tâm mở mang thành phố Sài Gòn, với chủ ý hướng về phía tây, bành trướng thế lực lên Lào, Cao Mên, và Thái Lan. Nhưng về sau, dưới thời các Toàn quyền dân sự cai trị, từ Paul Doumer (1897-1902) trở đi, người Pháp lại mở mang thành phố Hà Nội, chủ ý hướng về phía bắc, mưu đồ kiêm tính các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam. Về mặt hành chánh, người Pháp trực tiếp cai trị Nam Kỳ, chia lại các phân hạt hành chánh; lấy các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng làm nhượng địa; và đặt chế độ bảo hộ lên Bắc Kỳ và Trung Kỳ, nghĩa là duy trì các tỉnh, các phủ, huyện, châu và các quan lại Nam triều (ngoại trừ tại các vùng cao, Tri châu người Kinh được thay thế bằng các tù trưởng bộ lạc người thiểu số), chỉ đặt Khâm sứ, Thống sứ ở cấp kỳ, và các Công sứ ở cấp tỉnh để điều khiển và kiểm soát quan lại bản xứ mà thôi. Về mặt tư pháp, bộ luật Gia Long, một bộ luật rập khuôn theo luật Tàu, được Philastre chú giải, và bộ Hoàng Việt luật lệ được Aubaret dịch ra tiếng Pháp, để các quan chức người Pháp tham khảo pháp điển Việt Nam. Tại Nam Kỳ, hình luật và dân luật Pháp được áp dụng ngay từ năm 1883. Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, luật lệ xưa vẫn còn được áp dụng cho đến khi ban bố các luật lệ mới theo tinh thần phương tây: thủ tục tố tụng hình sự năm 1917, hình luật năm 1921, dân luật năm 1931 tại Bắc Kỳ; hình luật và thủ tục tố tụng hình sự năm 1933, dân luật chia làm 3 đợt từ năm 1936 đến năm 1939 tại Trung Kỳ. Ngoài ra lại còn những luật lệ chung cho cả 5 xứ Đông Pháp như luật điền thổ ban hành năm 1925 và luật lao động công bố năm 1936. Nguyên tắc phân quyền giữa hành pháp và tư pháp được áp dụng, cho dù có biệt lệ là việc thành lập các hội đồng đề hình tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ cho phép các giới chức hành chánh can dự vào ngành tư pháp với thẩm quyền rộng rãi để xét xử các vụ bạo loạn chống Pháp. Nhưng những nỗ lực hữu hiệu nhất nhằm mục đích xóa bỏ ảnh hưởng của Tàu là về các mặt văn hóa và xã hội. Năm 1902, Hà Nội được chọn làm thủ đô của Đông Pháp và được mở mang để làm trung điểm phô trương văn minh Đại Pháp. Các Toàn quyền Dân sự như Paul Beau, người kế nhiệm Paul Doumer, và nhất là Albert Sarraut, đã lần lượt thiết lập tại Hà Nội các Nha Y tế, Nha Học chính, Viện Đại Học Đông Dương, Trường Viễn Đông Bác cổ; đồng thời tại Hà Nội cũng như tại các thành phố lớn, nhiều bệnh viện, nhà hộ sinh, chẩn y viện, trường trung và tiểu học được xây cất để canh tân tổ chức y tế và giáo dục cổ truyền theo những kiến thức khoa học kỷ thuật của phương tây. Để nhen nhúm tinh thần chống Tàu, ghét Tàu, xem thường Tàu, “Nha Học chính Đông Pháp giao cho các ông Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận” soạn sách giáo khoa, đề cao các anh hùng dân tộc có công đánh bại người Tàu. Thi cử và bằng cấp được thay đổi. Bãi bỏ thi hương năm 1915 tại Bắc Kỳ, và năm 1918 tại Trung Kỳ. Văn bằng Thành chung (Diplôme) được xem tương đương với Cử nhân Hán học, văn bằng Tú tài (Baccalauréat) được xem tương đương với Tiến sĩ Hán học. Chữ quốc ngữ được phổ cập đến cấp tổng cấp làng, được sử dụng trong các trường sơ và tiểu học, được dùng trong các tờ sức của phủ huyện gửi xuống các địạ phương thuộc quyền. Báo chí quốc ngữ được khuyến khích, được tài trợ. Các tạp chí Thần Kinh ở Huế, Đông Dương, Nam Phong ở Hà Nội, bên cạnh chữ quốc ngữ thỉnh thoảng có chua Hán tự để các nhà nho quen dần với lối viết mới. Hán tự dần dà chỉ còn được dùng để viết chỉ dụ của nhà vua, sớ biểu của đình thần, thi phú của nhà nho, và trong việc tế tự. Việc truyền đạo Gia tô được đẩy mạnh, giáo dân được ưu đãi dưới thời Pháp thuộc, đó là lẽ đương nhiên. Điều đáng lưu ý là đạo Phật cũng được khuyến khích phát triển: người Pháp đã yểm trợ Bác sĩ Lê Đình Thám ở Huế tổ chức Hội Phật Học và ấn hành nguyệt san Viên Âm. Phải chăng đây là dụng ý cao thâm của người Pháp muốn sĩ phu Việt Nam quên đi cái thực tế “hình nhi hạ” quốc phá gia vong trước mắt để hướng tất cả tâm chí về cõi siêu nhiên cực lạc? Tóm lại, bằng nhiều hình thức áp đặt khác nhau, tinh vi và sâu sắc, dưới thời Pháp thuộc, ảnh hưởng khoa học kỷ thuật phương tây đã đánh bạt ảnh hưởng văn hóa phương bắc.


Từ Hòa ước Patenôtre ký ngày 6-6-1884 thừa nhận cuộc bảo hộ của Pháp và biến cố thất thủ Kinh đô ngày 23-5-Ất Dậu (1885) cắm mốc sự kiện Việt Nam hoàn toàn mất chủ quyền, đến Bản Tuyên cáo của Triều đình Huế ngày 12-3-1945 phủ nhận Hòa ước Patenôtre, tuyên bố Việt Nam độc lập và cắt đứt mọi liên hệ với Pháp, tính ra vừa chẵn 60 năm. Thời gian không đủ dài để thay đổi toàn diện lề lối sinh hoạt thường nhật cũng như các tín điều tâm linh của người Việt Nam như tác động của 1050 năm Bắc thuộc. Ngoại trừ Nam Kỳ, ảnh hưởng phương tây tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ khó mà len lõi vào bên trong các lũy tre xanh, cải hóa cung cách sinh hoạt và nề nếp suy nghĩ của người nông dân, không những chỉ vì thời gian lệ thuộc Pháp không đủ dài, mà chủ yếu là vì thực trạng xã thôn tự trị và tổ chức hành chánh hạ tầng phải qua trung gian quan lại Nam triều và hào mục địa phương vốn là những hạng người thủ cựu. Ngược lại, đối với cư dân thành thị và những người có chữ nghĩa ở nông thôn, ảnh hưởng phương tây mỗi ngày một đậm nét. Giới sĩ phu cựu học nhận chân thực trạng thua trận (“Nào có ra gì cái chữ nho, Ông nghè, ông cống cũng nằm co”…), từ bỏ thái độ chống đối tiêu cực, tìm đọc sách báo quốc ngữ, và cho con cháu theo học các trường Pháp Việt. Các nhà nho cách mạng tách rời ý niệm trung quân ra khỏi chủ nghĩa ái quốc, từ bỏ các chủ trương cần vương, bình tây sát tả (dẹp tây giết đạo), mà hô hào duy tân, cắt búi tóc, mặc âu phục, khởi xướng phong trào Đông du, tổ chức Đông Kinh nghĩa thục, hoặc đi xa hơn chút nữa, chủ trương Pháp Việt đề huề. Giới thanh niên trí thức hăng hái theo học các trường cao đẳng chuyên khoa; những người có điều kiện thì tìm cách sang Pháp du học. Những thành phần trí thức này khi thành tài, tuy đa số phục vụ chính quyền bảo hộ, vẫn có một số đáng kể làm những nghề tự do, hô hào âu hóa, đổi mới phong tục, chú trọng thực nghiệp, thành lập các đảng chính trị nhằm mục đích giải phóng dân tộc, cải tiến dân sinh, xây dựng dân chủ. Giới văn nghệ sĩ thì sử dụng chữ quốc ngữ để viết văn mới, làm thơ mới, diễn kịch nói, kịch thơ, và soạn nhạc mới theo kỷ thuật và giai điệu phương tây. Nói tóm lại, dưới thời Pháp thuộc, ảnh hưởng phương bắc phải nhường bước cho ảnh hưởng phương tây, và trong nửa đầu thế kỷ 20, cư dân thành thị, nhất là trí thức tiểu tư sản, dần dà thấm nhuần lề lối sinh hoạt và nề nếp suy nghĩ của phương tây. Trong bối cảnh đó, các ý niệm tự do, quyền công dân, quyền con người, cũng như các tư tưởng chính trị, từ dân chủ tư sản đến chuyên chính vô sản, đã du nhập vào Việt Nam, làm tiền đề cho việc thành lập các đảng phái cách mạng quốc gia và quốc tế, mở màn cho việc phân tranh ý thức hệ giữa những người Việt Nam yêu nước từ cuối thời Pháp thuộc cho đến nay, triền miên và bi thảm.



Việt Nam thời liên hiệp quốc cộng: thế yếu kém của phương bắc.

Chiến dịch Meigo tối ngày 9-3-1945 của quân đội Nhật Bản đã chấm dứt vị thế độc tôn của người Pháp tại Đông Dương. Đồng thời việc Đồng Minh tại Hội nghị Postdam quyết định giao cho Trung Quốc giải giới quân đội Nhật Bản ở phía bắc vĩ tuyến 16 đã tạo cho Trung Quốc cơ hội gây lại ảnh hưởng đối với Việt Nam. Trước đây, chính quyền Trung Hoa quốc gia dung dưỡng tất cả những người Việt Nam chống Pháp trốn tránh sang Tàu, yểm trợ họ tổ chức lực lượng để chờ cơ hội về nước cướp chính quyền. Những người cách mạng Việt Nam mặc áo quần kaki nhưng không mang cấp bậc và phù hiệu, trông ra quan chẳng ra quan, quân chẳng ra quân, là một hiện tượng rất thường thấy ở các tỉnh miền nam nước Tàu, vì vậy người Tàu thường bảo nhau: “Quan bất thị quan, quân bất thị quân, thị An Nam cách mạng giả”. Trong Thế chiến II, Trương Phát Khuê giúp cho Nguyễn Hải Thần củng cố lại Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội ở Liễu châu, Tiêu Văn và Ngô Trạch bảo cử cho Hồ Chí Minh đem tiền bạc và cán bộ của Cách Mệnh Đồng Minh Hội về Việt Bắc hoạt động tình báo, Ngô Thiết Thành làm trung gian để 3 đảng Việt Nam Quốc Dân Đảng (Phân bộ Côn Minh), Đại Việt Quốc Dân Đảng, và Đại Việt Dân Chính Đảng hợp nhất thành Quốc Dân Đảng Việt Nam (Mặt Trận Quốc Dân Đảng), cho tiện việc phối hợp các hoạt động quốc nội và quốc ngoại. Những sự yểm trợ này của các giới chức quân chính Trung Quốc đều nhắm mục đích đánh phá ảnh hưởng của người Pháp tại Việt Nam để áp đặt trở lại ảnh hưởng của phương bắc. Trong lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch tại Trùng Khánh vào cuối tháng 4 năm 1945 nhân dịp Bí Thư trưởng Quốc Dân Đảng Trung Quốc là Ngô Thiết Thành chiêu đãi phái đoàn Quốc Dân Đảng Việt Nam do Nguyễn Tiến Hỷ cầm đầu, Tưởng Giới Thạch đã nói rằng sự kiện phái đoàn Việt Nam hiện diện tại Thủ đô (kháng chiến) của Trung Quốc là biểu trưng của việc Việt Nam trở về với Trung Quốc. Sau ngày Nhật Bản đầu hàng, Lư Hán và Tiêu Văn, do 2 ngã Vân Nam và Quảng Tây, kéo 180.000 quân vào Bắc Việt và Bắc Trung Việt, đi theo có các lực lượng vũ trang của Vũ Hồng Khanh, của Nguyễn Hải Thần, của Vệ An Quốc (Vi Văn Lưu), của Vũ Kim Thành v.v., tất cả đều có xu hướng thân Trung Quốc. Đến ngày 15-12-1945, Quốc Dân Đảng Việt Nam ra sinh hoạt công khai, trụ sở trung ương đặt tại Trường Tiểu học Đỗ Hữu Vị ở Hà Nội, thì các lực lượng vũ trang của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Tàu kéo về, và các lực lượng vũ trang của Đại Việt Quốc Dân Đảng rải rác khắp nước, như chiến khu Lạc Triệu, Kép, Trường Lục quân Yên Bái, Gi Linh (Thanh Hóa), Quảng Nam, An Điền (Nam Bộ), đều được gọi là Quốc Dân quân. Trong lúc quân Pháp theo gót quân Anh trở lại chiếm đóng nhiều nơi ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ thì ở phía bắc vĩ tuyến 16, quân Pháp bại trận vẫn còn bị giam trong các trại tù. Với sự liên minh của các lực lượng vũ trang và sự hợp tác của các nhân vật chính trị cách mạng chống Pháp, thanh thế của Trung Hoa Quốc gia lúc bấy giờ tại Hà Nội và Huế rất lớn. Trong lúc đó, Việt Minh tuy có chính quyền trong tay, nhưng vướng phải trở ngại là trót mang lốt mác-xít lê-ni-nít nên gặp khó khăn từ nhiều phía. Để thoát ra khỏi tình trạng ngặt nghèo, Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 11-11-1945, và vận động với Tiêu Văn làm áp lực với Quốc Dân Đảng và Đồng Minh Hội để thành lập chính quyền liên hiệp quốc cộng. Ngày 22-12-1945, Quốc Dân Đảng thỏa hiệp nhận 50 ghế trong số 350 ghế Đại biểu Quốc Hội sẽ chính thức được bầu vào ngày 6-1-1946. Vì gặp sự chống đối của Đại Việt Quốc Dân Đảng cương quyết không tham gia chính quyền liên hiệp, nên tối ngày 24-2-1946, Tiêu Văn triệu tập một buổi họp mặt tại Sứ quán Trung Quốc để thuyết phục các đại biểu Quốc Dân Đảng tham gia chính phủ Hồ Chí Minh. Do đó, ngày 2-3-1946, chính phủ liên hiệp quốc cộng được công bố thành lập, do Hồ Chí Minh làm Chủ Tịch, Nguyễn Hải Thần làm Phó Chủ Tịch, với 10 Bộ Trưởng, chia ra như sau: 2 không đảng phái, 2 Đồng Minh Hội, 2 Quốc Dân Đảng, 4 cợng sản. Nếu lúc bấy giờ Hồ Chí Minh thực lòng đặt quyền lợi Tổ quốc lên trên lý tưởng quốc tế vô sản, chân thành hợp tác với những người yêu nước quốc gia chủ nghĩa để chống lại âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp thì dễ gì quân Pháp kéo vào chiếm đóng các thành phố quan yếu của Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16. Mặt khác, nếu lúc bấy giờ Trung Hoa Dân Quốc hội đủ điều kiện để có thể hành xử theo tư thế một cường quốc khu vực thì chắc chắn sẽ có tác động lớn lao đến tình hình Việt Nam. Việt Nam sẽ lại hướng về phương bắc.


Nhưng Trung Hoa Dân Quốc tuy mang danh nghĩa một trong tứ cường thắng trận mà thực chất chỉ là cái thùng rỗng, quân sĩ thì hèn yếu, tướng lãnh thì tham ô, kinh tế thì kiệt quệ. Tại Việt Nam, viên tư lệnh Lư Hán đã vô học lại bất tài, mọi việc đều giao cho Tiêu Văn và Chu Phúc Thành liệu lý. Từ khi được tin Long Vân bị Tưởng Giới Thạch thừa cơ đánh úp đoạt mất Vân Nam, Lư Hán càng tỏ ra chán nản, suốt ngày chỉ hút thuốc phiện và ăn của đút. Hồ Chí Minh lại khéo lấy lòng Lư Hán và Tiêu Văn, đem vàng bạc mua chuộc 2 viên tướng này để họ không thi hành lệnh của Trùng Khánh thay thế chính phủ Hồ Chí Minh bằng một chính phủ do Bảo Đại cầm đầu. Giới tài phiệt Quảng Châu lại hám lợi, vận động chính phủ Trùng Khánh ký với Pháp thỏa hiệp ngày 28-2-1946 để cho quân Pháp vào chiếm đóng phía bắc vĩ tuyến 16, đổi lại, người Pháp hoàn trả đường hỏa xa Côn Minh-Hải Phòng cho Trung Quốc, cho hàng hóa Trung Quốc quá cảnh miễn thuế, và nhường cho Trung Quốc một khu vực tại cảng Hải Phòng. Như vậy, về phía chính phủ Trùng Khánh, đây là hành động phản bội trắng trợn đồng minh của mình chỉ vì mối lợi trước mắt. Chính phủ Hồ Chí Minh bị đặt trước một việc đã rồi, nên mấy ngày sau phải ngậm bồ hòn thuận theo ý của người Tàu mà ký với Jean Sainteny hiệp định sơ bộ 6-3-1946, chấp nhận qui chế một quốc gia tự do trong Liên Bang Đông Dương và trong Liên Hiệp Pháp, và để cho quân Pháp chiếm đóng những thành phố quan yếu của Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16. Việc ký kết này là một sự nhượng bộ quá mức, một sự đầu hàng nhục nhã, một sự phản bội nhân dân không tiền khoáng hậu. Bởi vậy, Nguyễn Tường Tam không chịu phó thự và Tiêu Văn đã làm áp lực để Vũ Hồng Khanh ký thay. Về sau này, trong bài phát biểu “Dưới bóng cờ vẻ vang của Đảng, tiến lên dành những thắng lợi mới” đọc trên đài phát thanh Hà Nội ngày 3-2-1970, Lê Duẫn đã khoác lác ví von việc Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 như một tuyệt chiêu trong võ thuật, một mũi tên bắn hạ 2 con chim cùng một lúc, vừa đẩy lui quân Tàu Tưởng, vừa tạo điều kiện đánh diệt phe phản động theo Tàu. Sự thực thì khi hạ bút ký Hiệp định sơ bộ rước quân Pháp vào miền BắcViệt Nam, Hồ Chí Minh đã theo Tàu trước ai hết, đã ngoan ngoãn chiều theo ý đồ bọn Tàu Tưởng để được an thân, đã phản bội các chiến hữu liên hiệp với mình chống Pháp, đã phản bội đại khối nhân dân đóng góp vàng bạc và mạng sống của mình để chống việc người Pháp âm mưu áp đặt trở lại nền đô hộ lên dân tộc Việt Nam. Hành động tham vàng bỏ nghĩa của bè lũ Lư Hán Tiêu Văn, cũng như thái độ buông xuôi bất lực của chính phủ Trùng Khánh, đã khiến các nhà cách mạng Việt Nam theo Tàu chán ngán. Bởi vậy, sau khi rút về Trung Quốc, ngoại trừ những phần tử xưa nay vẫn làm công cụ cho người Tàu, hầu hết những nhà cách mạng Việt Nam trước đây tin tưởng ở Tàu nay dứt khoát quay lưng với phương bắc để tìm đến phương tây. Nói tóm lại, trong cái thế giằng co ảnh hưởng giữa phương bắc và phương tây vào những năm 1945-1946, Trung Hoa Dân Quốc vì thiếu tư cách và kém khả năng về nhiều mặt nên đã bỏ lỡ cơ hội chiếm thế thượng phong.


Việt Nam thời cận đại: thế giằng co giữa phương bắc và phương tây.

Cuối năm 1949, những người lính của Lâm Bưu xuất hiện trên các ngọn đồi Quảng Tây, và cái thế giằng co ảnh hưởng tại Việt Nam giữa phương bắc và phương tây nói trên đây bước vào một thế trận mới, rất khác biệt. Mới và khác biệt bởi lẽ cái thế giằng co ấy không những chỉ xảy ra giữa Tàu Mao và Pháp mà còn xãy ra giữa Tàu Mao và Nga Xô, giữa Tàu Mao và Hoa Kỳ. Người quan sát và phân tích tình hình sẽ tìm thấy trong mớ bòng bong tranh giành ảnh hưởng giữa các đại cường tại Việt Nam không ít những thí dụ điển hình nêu bật sự hơn kém giữa đôi bên tranh chấp để rút ra bài học thực tiển cho dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 21 này là, để làm cho dân giàu nước mạnh, Việt Nam nên chủ động hướng về phương nào, phương bắc hay phương tây?


Ngày 18-1-1950, Trung cộng công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Biên giới Hoa Việt được thông đường, Trung công cấp kỳ đưa 40.000 bộ đội chính quy Việt cộng qua biên giới để tái huấn luyện và võ trang. Từ 1-3-1950, mỗi ngày có hàng ngàn xe vận tải Trung cộng chở quân nhu và chiến cụ qua Việt Nam, có cả đại pháo và cao xạ phòng không. Cố vấn quân sự và kỷ thuật Trung cộng cũng bắt đầu xuất hiện, từ Bộ Tổng Tư lệnh cho đến các đơn vị bên dưới tới cấp tiểu đoàn. Tháng 6-1950, Việt cộng thành lập Tổng cục Chính trị, công khai đặt quân đội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản qua hệ thống các chính ủy đại đơn vị và các chính trị viên tiểu đoàn và đại đội. Đến nửa sau năm 1950, Việt cộng đã tổ chức được một số đơn vị tác chiến tinh nhuệ như các đại đoàn 304, 308, 312, 316, 320. Rập khuôn Hồng quân Trung cộng, các sĩ quan Việt cộng bắt đầu mang quân hàm, hưởng các qui chế cung cấp khác nhau: đại táo, trung táo, tiểu táo, đặc táo, tùy theo chức vụ và cấp bậc, và có cần vụ theo hầu.


So sánh binh lực hai bên lâm chiến lúc bấy giờ, từ cấp tiểu đoàn trở xuống, thì bộ đội Việt cộng có nhiều ưu thế hơn quân đội Liên Hiệp Pháp về mặt vũ trang. Hơn nữa, vừa mới chuyển qua vận động chiến là Việt cộng đã noi theo gương Trung cộng sử dụng chiến thuật biển người. Hậu quả đầu tiên được ghi nhận là sự tan rã của 2 binh đoàn Charton và Lepage ở trận Đông Khê-Thất Khê vào đầu tháng 10 năm 1950, và tiếp theo là việc quân Pháp triệt thoái Lạng Sơn vào cuối tháng 10 và Lào Kai vào đầu tháng 11 năm 1950. Các cố vấn Hồng quân như Trần Canh, Dương Đắc Chí, Vi Quốc Thanh, Lã Quý Ba bắt đầu vênh váo lên mặt, cho rằng chiến thuật biển người của Lâm Bưu là vô địch. Sự thực thì việc Carpentier quyết định rút quân ra khỏi Cao Bằng chỉ là việc thực hiện kế hoạch Revers đã được Thủ tướng Pháp Queille chấp thuận, dựa vào tin tức tình báo ước tính có tới 20 sư đoàn Hồng quân đang tập trung ở vùng biên giới mà người Pháp tránh né không muốn chạm mặt. Đến như việc hai binh đoàn Charton Lepage bị thảm bại thì lý do chính không phải là vì Võ Nguyên Giáp đã áp dụng hữu hiệu chiến thuật biển người của Trung cộng, mà vì các sĩ quan Pháp đã bị bất ngờ trước hỏa lực vượt trội và tinh thần chién đấu xã thân của bộ đội Việt cộng lần đầu tiên từ du kích chiến chuyển sang vận động chiến. Việc triệt quân ra khỏi Lạng Sơn chỉ là hậu quả của sự kiện thất trận Đông Khê-Thất Khê, quân Pháp ở Lạng Sơn chưa đánh đã rút. Việc lui quân từ Lào Kai và Lai Châu đã được tiến hành tốt đẹp, Pháp lui quân để bảo toàn lực lượng, để tránh việc chạm địch ở một địa bàn chiến lược bất lợi, mặc dù trước đó đã thắng trận đồn Phố Lu, gây thiệt hại hơn 1.000 nhân mạng cho đại đoàn 308. Đâu có nơi nào dành chổ cho thành quả của chiến thuật biển người và công trạng của các tướng lãnh Hồng quân Trung Quốc. Đây là sự thực, được khẳng định thêm về sau qua thảm bại kinh hoàng của các đợt xung phong biển người của bộ đội cộng sản ở Mạo Khê, ở Vĩnh Phúc Yên, và ở Nà Sản trong suốt năm 1951. Việt cộng đã thảm bại vì thân người trần trụi, cho dù với số đông áp đảo, vẫn không sao thắng nổi đạn đại liên , bom napalm, và các tầng lưới lửa. Trong cuộc chiến chống thực dân, người Việt Nam đã không học được điều gì mới lạ từ phương bắc. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chủ yếu là nhờ vào sự kiện người Mỹ không giữ lời hứa mang không lực hùng hậu của hạm đội 7 đến dội bom xuống biển người tiến công. Cứ xem màn kết thúc trận Khe Sanh năm 1968 thì thấy rõ. Cũng cùng một loại cứ điểm bị vây, cũng cùng một địa hình lòng chảo, cũng cùng một lối tiến đánh địa đạo, nhưng Võ Nguyên Giáp đã phải bó tay trước mìn claymore và chiến thuật dùng bom rải thảm của Mỹ, và đã phải thừa nhận rằng trong chiến tranh hiện đại, yếu tố quyết định chủ yếu là hiệu năng của vũ khí chứ không phải là ý chí của con người.



Tại Hiệp nghị Genève năm 1954, Trung cộng ép buộc Việt cộng chấp nhận chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến 17, mặc dù đối chiếu với thực trạng thắng lợi trên chiến trường lúc bấy giờ, Việt cộng có thể đòi hỏi nhiều hơn. Tại phía nam vĩ tuyến 17, người Mỹ hất chân người Pháp và yểm trợ một chính thể cộng hòa thân Mỹ. Người dân miền nam Việt Nam dần dà quen với lề lối sinh hoạt chính trị đại nghị và kinh tế thị trường của phương tây, biết ưa chuộng dân chủ pháp trị, biết tôn trọng nhân quyền, và tự do tín ngưỡng của tha nhân, đồng thời biết chú tâm đến việc mở mang công nghiệp, phát triển thương nghiệp, đơn giản hóa tổ chức công vụ, áp dụng đường lối địa phương phân quyền, khuyến khích các sáng kiến tự túc phát triển xã ấp. Trong lúc đó, ở phía bắc vĩ tuyến, Trung cộng ngăn trở Việt Nam thống nhất, thuyết phục Việt Nam truờng kỳ mai phục, bày ra vụ “Lưỡi rồng Trung Quốc” để âm mưu độc chiếm biển đông, ấn hành bản đồ Trung Quốc với biên giới phía nam kéo xuống tận Quảng Bình. Vì những thất bại chua cay trước đây khi noi gương Trung cộng tiến hành chiến dịch đấu tố trong cải cách rrộng đất, chiến thuật biển nguời trong chiến tranh chống thực dân, nên Việt Nam lần này không chịu nghe lời Trung cộng làm cách mạng văn hóa mà thực chất chỉ là chiến dịch chống Liên Xô. Bản chất bành trướng bá quyền của Trung cộng làm cho phe thân Trung Quốc ở Việt Nam dần dần mất thế đứng, phải nhường chổ cho phe thân Liên Xô. Trường Chinh mất chức Tổng Bí thư Đảng Lao Động, để Lê Duẫn thay thế. Tiếp theo, Hoàng Văn Hoan trốn ra nước ngoài, Trần Quốc Hoàn mất chức Bộ Trưởng Nội vụ, Đặng Thai Mai bị chế riễu về bài “Đối với tôi, ánh sáng rọi từ phương bắc tới” đăng tải trên tạp chí Học Tập từ mấy năm trước. Ảnh hưởng phương bắc từ Trung cộng mờ nhạt trước ảnh hưởng phương tây từ Liên Xô. Nhờ Liên Xô mới có nhà khoa học Nguyễn Văn Hiệu. Nhờ Liên Xô mới có nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn. Khi người Mỹ đem chiến tranh ra đất bắc, cũng nhờ Liên Xô mà miền bắc mới có chiến đấu cơ Mig và hỏa tiển SAM để đối chọi với phi pháo và hải pháo của hạm đội 7 Hoa Kỳ.



*


* *


Kết luận.

Đối với Việt Nam đang đặt chân vào thềm thế kỷ 21, phương bắc có gì để sánh với phương tây?


Phương bắc, tức là nước Tàu, chỉ có cái viễn ảnh con ngáo ộp sư tử thức giấc để hù dọa Việt Nam. Ai cũng nói đến vai trò siêu cuờng hạt nhân của Trung Quốc trong thế kỷ 21. Nhà sử học Toy Bee của Anh Quốc ngay từ thập niên 60 của thế kỷ 20 đã vội vã tiên đoán Trung Quốc trong thế kỷ 21 sẽ nuốt trọn Siberia, sẽ gồm thâu Cao Ly, Nhật Bản, Mông Cổ, Trung Á, Đông Nam Á và Úc châu. Nhưng thử hỏi từ 1964 là năm Trung cộng thử quả bom hạt nhân đầu tiên đến nay, kho vũ khí nguyên tử của Trung cộng (20 ICBM, 100 IRBM, 4 SSM, và 24 SLBM) có được những gì gọi là đáng đem ra so sánh với Anh và Pháp, chứ đừng nói đến chuyện so sánh với Nga và Mỹ? Với lại, kiến thức khoa học kỷ thuật hạt nhân của Trung Quốc có được là nhờ phương tây. Tiền Học Sàng, cha đẻ vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, vốn là một giáo sư vật lý của Mỹ, sinh truởng ở Mỹ, chỉ vì bị gián điệp Trung cộng kích động tình tự dân tộc nên đã chịu về Hoa lục làm việc cho Trung cộng. Trung cộng vẫn tiếp tục chiêu mộ các khoa học gia phương tây gốc Tàu, vẫn không ngừng bỏ nhiều tiền mua và thuê đánh cắp các phát kiến khoa học hạt nhân của phương tây. Quân lực Trung cộng đông người (2,1 triệu quân nhân tại ngũ), nhưng trang bị yếu kém, chiến thuật biển người đã phá sản, trước đây đã không dạy cho Việt Nam được bài học nào, gần đây lại không răn đe được sự ươn ngạnh của Đài Loan. Mặt khác, kinh tế Trung cộng lại yếu kém. Tuy mức phát triển hàng năm khá cao, 8-9% năm, nhưng sức sản xuất chỉ chiếm 3.5% GNP toàn cầu so với 25.6% trong trường hợp Hoa Kỳ. Đã vậy, nền kinh tế Trung cộng lại đang ở trên tiến trình suy thoái. Với tư thế một quốc gia kinh tế hạng hai như vậy, Trung cộng không thể có điều kiện để chạy đua vũ trang và theo đuổi một cuộc chiến tranh kỷ thuật cao (high-tech) với Nga hoặc với Mỹ.


Việt Nam từ ngàn xưa vốn có tâm lý phục Tàu và sợ Tàu. Phục là vì quanh ta chỉ có Tàu là văn minh. Sợ là vì quanh ta toàn là các giống dân hèn yếu, đối mặt với ta chỉ có Tàu, mà Tàu thì to lớn lại chỉ lăm le đè bẹp mình. Từ khi tiếp xúc với phương tây, nhất là từ thời Pháp thuộc, ta không còn sợ Tàu. Ta cũng giảm sự phục Tàu rồi đi dần đến tâm lý xem thường Tàu. Nguyên nhân là vì đối mặt với ta, ngoài Tàu còn có những nước phương tây cũng văn minh như Tàu. Ta bắt đầu tìm hiểu tư tưởng, học thuật phương tây qua trung gian người Tàu; về sau ta trực tiếp học hỏi người phương tây, và về một số khía cạnh, ta đã vượt qua mặt Tàu.


Thời gian qua, có một số người Việt Nam trở lại tâm lý phục Tàu. Họ trách người phương tây đã làm cho Việt Nam xa rời văn minh Đông Á (chủ yếu là Tàu). Họ tiếc việc phổ cập chữ quốc ngữ đã ngăn cản người Việt đọc sách xưa viết bằng Hán tự. Nhưng trách như vậy là không đúng. Đọc sách xưa viết bằng Hán tự không cần phải bỏ chữ quốc ngữ để phí nửa đời người trở lại học chữ Hán. Chỉ cần lập một viện Hán học hay các ban phiên dịch cổ thư ở các trường Đại học là đủ. Còn văn minh Đông Á ? Chả lẽ vào thời đại tin học ngày nay, ta lại còn khư khư bám chặt tam cương ngũ thường, bức hiếp phụ nữ, chà đạp nhân quyền! Chả lẽ ta còn dốc lòng tin tưởng vào lưỡng nghi, tứ tượng, ngũ hành tương xung, tương khắc, để rồi con gái tuổi dần không ai chịu cưới, ngày mùi không ai chịu đi nhà thương khám bệnh uống thuốc (mùi bất phục dược)!


Ngày nay chính người Tàu cũng phải học hỏi người phương tây. Chủ nghĩa mao-ít là kết quả của việc học tập chủ nghĩa mác-xít lê-ni-nít. Chính người Tàu đang tìm cách ve vãn người Mỹ để hưởng qui chế tối huệ quốc, gia nhập tổ chức WTO, nhằm mục đích chấn hưng kinh tế quốc dân. Chính người Tàu đang tìm cách liên minh với người Nga để được mua tàu ngầm nguyên tử, phi cơ SU- 30, nhằm mục đích canh tân quân đội, ngõ hầu đương đầu với cái thế áp đảo của quân lực Hoa Kỳ.


Mà Nga hay Mỹ thì cũng đều là những nước phương tây. Việt Nam thế kỷ 21 chẳng có gì để học hỏi ở phương bắc. Việt Nam thế kỷ 21 dứt khoát hướng về phương tây, tìm ở phương tây tư tuởng và kiến thức để nâng cao mức sống cũng như sức mạnh để làm đối trọng quân bình tương quan ảnh hưởng trong mục đích giải tiêu áp lực đe dọa từ láng giềng phương bắc.


Tháng giêng năm 2000

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Đã đăng:

- Tạp chí Cách Mạng số 16, Tháng 2, năm 2000.

- Tạp chí Đi Tới số 33 & 34 Bộ mới, Tháng 5 & 6 năm 2000.

- Đặc san Quảng Trị Xuân Tân Tỵ 2001, Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Trị Georgia, 6243 Wandering Way, Norcross, GA 30093, USA.

- Quan điểm về một số vấn đề chính trị và văn hóa Việt Nam. Phần Khảo Luận. Minh Vũ Hồ Văn Châm. Bản điện tử 2002 (mã Unicode và VPS).

Website: http://www.geocities.com/chamho

No comments: