Thursday, September 6, 2012

TRẦN BÌNH NAM * ÔNG QUẢN ĐỐC

ÔNG QUẢN ĐỐC TRẠI TÙ CHỊU CHƠI


                                                                                                        Trần Bình Nam



Lời nói đầu: Đây là một chuyện trích trong tập “Những chuyện có thật trong trận Thế giới Đại chiến thứ II”  do William B. Breuer sưu tầm, nhà xuất bản John Wiley & Sons, Inc. 1997



            Mùa Xuân năm 1940 trong một trận đánh chớp nhoáng kéo dài 6 tuần Hitler đánh tan nhiều sư đoàn quân chính quy Pháp và bắt giữ hằng trăm sĩ quan. Sau một thời gian, một số được đưa về tòa lâu đài Colditz, một lâu đài cổ kiên cố giữa rừng rậm, có tường cao bao bọc chung quanh, được biến cải thành trại tù đặc biệt để giam giữ những tù nhân chuyên vượt ngục.

            Giữa năm 1941, trung úy Pierre Mairesse Lebrun, thuộc kỵ binh Pháp được đưa đến trại giam. Khi trình diện ông quản đốc trại giam cảnh cáo:

            “Anh đã  vào đây thì đừng hòng trốn trại. Ráng gậm nhắm gạch tường mà sống qua ngày.”

            Cho là một lời thách thức, trung úy Lebrun quyết chí trốn trại.

            Ngày 9 tháng 6 vào giờ tù nhân được cho ra sân trại, trung úy Lebrun, với sự giúp đỡ của các bạn tù khác leo lên mái một ngôi nhà phụ phủ xuống gần sát bức tường bao quanh trại nằm chờ. Hết giờ, tù trở lại phòng giam, một tù nhân khác ra hiệu, Lebrun tụt xuống tường thành. Anh đã sẵn một bộ đồ âu phục may tay bằng bộ pyjama gia đình gởi vào cho anh mấy tháng trước. Đóng âu phục vào, trung úy Lebrun thản nhiên đi bộ đến một nhà ga xe lửa các trại chừng 10 km mua vé đi Leipzig. Xui cho anh, tờ giấy bạc 100 Đức mã anh dùng mua vé là đồng Đức mã thời trước Hitler và không còn lưu hành nữa. Nhân viên hỏa xa gọi cảnh sát và Lebrun bị trả lại nhà tù lãnh 21 ngày trọng cấm cùm một chân.

            Không nản chí, Lebrun tìm cách khác. Một tháng sau, vào một buổi sáng tù nhân trong trại nghe tiếng súng nổ liên hồi ngoài trại. Một lát lính Đức điệu Lebrun người đầy máu me vào. Sau khi được tạm băng bó trung úy Lebrun lãnh 30 ngày trọng cấm cùm hai chân.

            Hết hạn cùm chân, Lebrun toan tính kế hoạch khác. Trại có lệ mỗi tuần một lần cho tù nhân có thành tích trốn trại tập thể dục trong một khu riêng biệt được bao quanh bởi một hàng rào thép gai cao 3 mét, cách xa tường bao quanh trại 50 mét. Lebrun lập một kế hoạch liều mạng. Một hôm tập thể dục, lợi dụng lúc lính canh sơ ý, một tù nhân dùng thân làm thang giúp Lebrun leo lên và phóng ra khỏi vòng dây thép gai. Sau đó anh chạy thục mạng đến bức tường thành và thoắt leo ra khỏi trại, đạn lính canh bắn bay vèo vèo nhưng không viên nào trúng anh.

            Anh băng mình chạy vào rừng và lội qua nhiều suối nước để đánh lạc hướng bầy chó săn của lính Đức. Trên người mặc đồ thể thao, áo tay ngắn quần sọt, Lebrun không dám đi ban ngày. Anh nằm im trong một vườn bắp 3 ngày, ăn bắp  sống và uống nước sương.

            Sau đó đêm đi, ngày trốn vào rừng nghỉ trung úy Lebrun đi đến được thị trấn Zwickau cách xa Colditz chừng 80 cây số. Tại Zwickau Lebrun đánh cắp một chiếc xe đạp và nghêng ngang ban ngày ban mặt đạp xe trên đường  như một người Đức bình thường đi ngắm cảnh, và trực chỉ biên giới Thụy Sĩ. Lebrun sống bằng thức ăn vặt mua trên đường với 30 Đức Mã dự trữ sẵn. Gặp lính Đức anh đưa tay vẫy mừng và lính Đức cũng vẫy chào anh lại.

            Đến khi gần kiệt sức, Lebrun đến Thụy sĩ, một nước trung lập và thoát nạn.

            Tại trại Colditz, lính Đức khám hành trang của Lebrun để lại. Họ thấy một lá thư nhỏ gởi ông quản đốc trại giam. Lá thư viết: “Thưa ông quản đốc. Ông bảo tôi hãy gậm nhắm gạch tường mà sống qua ngày. Vậy nếu ông được tin tôi trốn được thì xin ông vui lòng cho gởi những vật dụng riêng tư này đến địa chỉ sau (tại Thụy Sĩ).”

            Đọc thư, ông quản đốc trại giam suy nghĩ một chút rồi ra lệnh mang đồ đạt của Lebrun về văn phòng ông.

            Vài tuần sau Lebrun nhận đầy đủ tư trang vật liệu của anh.

            Ông quản đốc trại tù Colditz đáng được thăng lên cấp tướng và cho làm giám đốc trại tù Abu Ghraib ở Iraq.

           



Trần Bình Nam

Binhnam@aol.com

http://www.vnet.org/tbn

No comments: