Sunday, September 2, 2012

LÝ KIỆT LUẬN * NGUYỄN HỮU ĐANG

Nguyễn Hữu Đang xin lỗi Tuyết Khanh
Lý Kiệt Luân 

Lịch sử văn học Việt Nam mãi mãi còn nhắc tên
ông Nguyễn Hữu Đang, người được nhà nước
"vinh tặng" danh hiệu cầm đầu các chiến sĩ văn
hóa thuộc "Mặt Trận Nhân Văn Giai Phẩm" cùng
với cái án tù khổ sai chung thân. Ông Nguyễn
Hữu Đang vốn dĩ là con người nổi tiếng trong
giới văn hóa ở Hà Nội, nhờ đó lại càng trở
nên nổi tiếng hơn.
Án của ông Nguyễn Hữu Đang không khó hiểu. Ông
vốn là người lãnh đạo văn hóa một lòng một
dạ đi theo kháng chiến. Sau năm 1955, kháng chiến
thắng lợi, đảng cộng sản vào cầm quyền ở Hà
Nội. Ông tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, bị nhà
cầm quyền bức hại. Không còn con đường sinh
sống, ông xuống Hải Phòng định ở ghé gia đình
bà (nhà văn) Thụy An. Công an gài bẫy, cho người
thợ cạo giả dạng hành nghề ngoài cửa bà Thụy
An, rồi làm quen cả nhóm, đoạn "giúp" họ thuê
thuyền vượt tuyến vào Nam, tìm một cuộc sống
mới. Ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thụy An vốn là
những con người của giới văn hóa, sống ngay
thật, đâu có ngờ được sự nham hiểm lèo lái
dối mặt của tổ chức công an? Kết quả, thuyền
vừa ra khơi, ông Nguyễn Hữu Đang và bà Thụy An
bị bắt gọn. Tố Hữu luận tội ông Nguyễn Hữu
Đang như sau: "Vào Nam là theo địch, theo địch là
theo Mỹ, theo Mỹ là làm việc cho CIA".
Tòa án tối cao của nhà nước đã vội vã căn
cứ vào lời bình tội đó, không cần mở phiên
tòa, không cho phép bị can tự bào chữa, kết tội
ông Nguyễn Hữu Đang là tội gián điệp CIA. Vì
gián điệp CIA là bọn phá hoại, nên ông Đang là
tên phá hoại, lĩnh án khổ sai chung thân. Chưa
hết, nếu Nguyễn Hữu Đang, người cầm đầu
nhóm Nhân Văn Giai Phẩm bị luận tội là tên phản
động CIA, thì cái công thức liên kết dành cho
tất cả những người tham gia Nhân Văn Giai Phẩm
đều là chân rết của bọn phản động gián điệp
CIA, đương nhiên mặc quyền Công An Văn Hóa nhà
nước bắt bớ tù đày những văn nghệ sĩ chân
chính của Hà Nội... (Hôm nay, chỉ cần trả tiền
bồi thường một đô la một năm tù ở cho một
người thôi, mà nhà nước bị vỡ nợ! Đủ biết
bao nhiêu người bị đàn áp, bắt bớ oan ức trong
vụ này.)
Ông Nguyễn Hữu Đang được thả ra vào lúc tuổi
già, vô dụng. Tưởng ông Nguyễn Hữu Đang sắp
chết, ông trời oái oăm bắt ông Nguyễn Hữu
Đang phải sống lâu. Năm nay ngoài tám mươi vẫn
khỏe mạnh, có thể tự kiếm sống cho cái đời
già lủi thủi không vợ con. Lại cũng có thể nhớ
đến giai dẳng những câu chuyện về những con
người "một thời vang bóng"!Ở Sự nghiệp mà
"Buồn quá chẳng có cái gì... vui le Án được!"
Người viết gặp ông Nguyễn Hữu Đang vào một
ngày chủ nhật ở Hà Nội. Ông Nguyễn Hữu Đang
trong bộ quần áo nhàu nát, phong phanh không đủ
ấm, đạp chiếc xe cũ kỹ, cọc cạch đang đi đưa
thiếp mời dự cưới cho hạnh phúc của những
người khác...
Nhớ năm nào, ông Nguyễn Hữu Đang oai phong là
thế! Người Hà Nội ngưỡng mộ ông, theo ông có
cả trăm ngàn, lòng yêu nước trào trạt của
người Hà Nội đã không một chút tính toán,
lưỡng lự, tình nguyện dâng hiến hết tính mạng
và tài sản của mình, nhờ ông thay mặt chính phủ
nhân dân để thu dụng đánh đuổi thực dân Pháp.
Ngay đến Hồ chí Minh còn phải khiêm tốn nói
với ông Nguyễn Hữu Đang câu:
- Tình hình lúc này, cả nước trông mong vào một
mình đồng chí.
Trong thâm tâm, người viết nhất mực kính trọng
ông Nguyễn Hữu Đang, nhưng ngặt vì thời gian
quá ít ỏi trong cuộc gặp ngẫu nhiên có một
không hai trong cuộc đời, vì vậy, sau vài câu
nói thăm hỏi hết sức kính trọng, người viết
xin được vào đề, theo những gì mà người
viết được biết, xin được giải tỏa 2 điểm
nghi vấn mang tính chất văn học trong giới văn
nghệ sĩ của Hà Nội thời kỳ đấu kháng chiến.
Ông Nguyễn Hữu Đang đã vui vẻ chấp nhận, và
cũng đồng ý cho phép người viết ghi âm để
làm "bằng" trình làng sau này, nếu cần thiết.
Cuộc họp đầu tiên và lớn nhất của văn nghệ
sĩ Hà Nội, để thống nhất lực lượng chống
thực dân Pháp do ông Nguyễn Hữu Đang chủ trì bao
gồm đủ mọi thành phần văn hóa, có đủ mặt
những nhà văn nghệ sĩ nổi tiếng nhất, thuộc
các đảng phái: Quốc Dân Đảng, Cộng sản Đệ
Tam, Cộng sản Đệ Tứ, thân Nhật, thân Tàu, thân
Pháp, các thành phần tôn giáo khác nhau, v.v... Mục
đích chính của ông Nguyễn Hữu D Dang là kêu gọi
lòng yêu nước của người Việt Nam, đoàn kết
lại với nhau, xóa bỏ hận thù, xóa bỏ mọi chính
kiến bất đồng cá nhân, vì đại cục chống
thực dân Pháp, dành sự độc lập cho tổ quốc.
Ông Nguyễn Hữu Đang đã nhân danh điều đó,
hoàn toàn đặt nền văn hóa của Việt Nam, văn
nghệ sĩ Việt Nam dưới sự chỉ đạo tuyệt đối
của đảng Cộng sản.
(Bấy giờ Trường Chinh là người phụ trách văn
hóa cao nhất, nhưng quá lộ mặt, vì ai cũng rõ
Trường Chinh là người của đảng Cộng Sản, khó
lòng thuyết phục được những nhà văn hóa của
Hà Nội mà số đông lại là những người không
tán thành cộng sản).
Cuộc họp này được thông qua, mở ra một khúc
quanh mới cho nền văn hóa của Việt Nam trước
tình hình đổi mới (1945), đẩy người nghệ sĩ
của Hà Nội (và sau này của Miền Bắc, của cả
nước) vào tình trạng sáng tác, sinh hoạt văn
nghệ, hoàn toàn lệ thuộc vào hệ tư tưởng
độc tôn của mấy người cầm đầu đảng cộng
sản. Có hai người đa phản đối dữ dội ngay từ
đầu. Bà Tuyết Khanh và ông Trương Tửu.
Ông Trương Tửu, một học sĩ văn học nổi tiếng
của Hà Nội đã được trực tiếp gặp ông
Nguyễn Hữu Đang để phản đối. Ông Trương Tửu
cho rằng, văn hóa văn nghệ phải được quyền
tự do, như quyền tự do yêu nước của mỗi con
người vậy. Ông Nguyễn Hữu Đang đã thuyết
phục ông Trương Tửu bằng lời hứa danh dự:
"Hãy đi theo cách mạng để đánh đổ thực dân
Pháp, thắng lợi rồi, chúng ta muốn có tự do cả
nước còn được, nữa là mảnh đất tự do con
con cho địa hạt văn hóa văn nghệ". Ông Trương
Tửu đã bấm bụng nghe theo.
Bà Tuyết Khanh, kịch nghệ sĩ thủ vai "Kiều Loan"
trong vở kịch thơ cùng tên của Hoàng Cầm, diễn
viên xi-nê nổi tiếng đầu tiên của Việt Nam đã
phản đối ông Nguyễn Hữu Đang bằng cách yêu
cầu cả ban kịch Đông Phương lên tiếng trong
cuộc họp, (Nhóm này gồm có: đạo diễn Hoàng
Tích Linh, nhà thơ Hoàng Cầm, nhà văn Kim
Lân,v.v...) Mọi người nể ông Nguyễn Hữu Đang,
không ai dám lên tiếng, bà Tuyết Khanh bực bội
to tiếng mắng cho mọi người một trận tàn tệ
rồi xách va ly bỏ đi thẳng... Ông Nguyễn Hữu
Đang cho rằng bà Tuyết Khanh là người phản bội.
Quan điểm của ông Trương Tửu và bà Tuyết Khanh
giống nhau, muốn đòi tự do cho văn nghệ, nhưng
thái độ, hành động biểu hiện lại khác nhau,
dẫn tới con đường đi ngược chiều, vậy ai
đúng? Ai sai? Ai mê? Ai tỉnh? Ông Nguyễn Hữu Đang
là chủ trì cuộc họp văn hóa Việt Nam cứu quốc
đầu tiên, cũng là người trực tiếp tác động
tới hai người Ông Trương Tửu và Bà Tuyết
Khanh, vậy thì sau 50 năm, nhìn vào toàn diện xã
hội Việt Nam trên phạm vi cả nước đã được
độc lập, liệu đã đủ để ông Nguyễn Hữu
Đang nhìn lại vấn đề cũ, rút ra một kết luận
nào đó cho sự kiện trên chăng?
Người viết thưa với ông Nguyễn Hữu Đang:
- Thưa ông Nguyễn Hữu Đang, tôi rất kính trọng
ông, tôi vẫn hằng coi ông là người anh hùng
trên mặt trận văn hóa, tôi vẫn coi ông là
người anh hùng của thời đại! Nhưng tôi xin phép
ông để được tò mò cho biết, tính chất anh
hùng của ông đối với chuyện cũ như thế nào?
Ông Nguyễn Hữu Đang nói:
- Tôi sẵn sàng trả lời câu hỏi của anh. Tôi cũng
rất vui, các anh Việt Kiều ở nước ngoài trở
về, còn có lòng quan tâm đến những vấn đề
phôi thai của nền văn hóa Việt Nam hôm nay.
- Người xưa có câu: "Muốn biết anh ta là người
thế nào, hãy cho anh ta một chút quyền lực..."
Tôi xin được học lỏm người xưa, giả dụ tôi
được phép... cho ông một quyền lực, một
quyền lực thật lớn, làm... Chủ tịch nước
Việt Nam chẳng hạn, thì ông sẽ hành xử với
chính ông như thế nào?
- Anh muốn đề đạt nguyện vọng gì?
- Thưa... Tôi muốn được đưa ông ra tòa! Tôi
mời ông ra đứng trước vành móng ngựa để tôi
được... tố giác ông hai tội lỗi. Một, ông
chịu trách nhiệm như thế nào đối với ông
Trương Tửu, vì nghe lời ông, theo kháng chiến 9
năm đằng đẵng, sau này trở về Hà Nội đã bị
người cùng trận tuyến bỏ tù chỉ vì xin tự do
cho văn nghệ? Ông Trương Tửu bỏ bút, Hà nội
mất di một nhân tài. Hai là...
- Để tôi trả lời luôn... Tôi sẵn sàng đứng ra
trước vành móng ngựa, nhận lấy sự truy tố
mọi tội lỗi của mình trước nhân dân. Riêng
với ông Trương Tửu, tôi đã giữ đúng lời
hứa với ông Trương Tửu. Ngay sau ngày Hà Nội
trở về tay người Việt Nam, tôi đã đứng ra
đề nghị nhà nước trả lại tự do cho văn nghệ.
Yêu cầu này do Trương Tửu đề xuất ngay từ
hồi đầu kháng chiến, tôi đã không quên. Cái
giá tôi phải trả: Sau khi đi gặp những người
lãnh đạo đảng, tôi bị đẩy vào tội chống
đảng với cái án tù khổ sai chung thân, tôi
tưởng nỗi đau khổ của tôi, môi người đều
nhìn thấy rõ ràng, có thể minh chứng cho tôi
một điều: Lương tâm tôi rất trong sạch trong
vấn đề này.
- Thưa vâng! Vậy xin cáo buộc ông cái tội thứ
hai: Bấy giờ, bà Tuyết Khanh yêu cầu văn nghệ
phải được tự do, bà đấu tranh bằng cách cãi
cọ với những người cùng nhóm, yêu cầu họ
đứng ra phản đối ông. Bà đã lớn tiếng nói
những câu chỉ vào cả đám mấy chục các nhà văn,
nhà thơ, sử học, luật học, họa sĩ, nhạc sĩ,
rằng: "Ông Nguyễn Hữu Đang nói thế mà các anh
không một ai dám đứng lên phản đối? Các anh
không xứng đáng lá văn nghệ sĩ, tôi không thể
uổng cái đời của tôi đi theo các anh được".
Căng thẳng như vậy, rồi bà Tuyết Khanh xách va
li bỏ đi thẳng... Ý kiến của bà Tuyết Khanh quá
lẻ loi, không được sự ủng hộ của nhiều
người, ông gọi bà Tuyết Khanh là phản bội, bây
giờ ông nghĩ sao về chuyện đó? Chắc ông đồng
ý với tôi một điều nhỏ: Người nghệ nhân như
bà Tuyết Khanh phải rời bỏ đời nghệ sĩ là
chuyện rất đau khổ...
Không một chút lưỡng lự, ông Nguyễn Hữu Đang
nói rành rọt:
- Bà ấy đúng. Tôi nhờ anh ra nước ngoài gặp
bà, cho tôi được gửi một lời xin lỗi. Tôi
đã sai hoàn toàn!
Ngập ngừng giây phút, ông Nguyễn Hữu Đang hạ
thấp giọng bổ xung, với một vẻ không mấy
được vui:
- Nếu bấy giờ, mọi người đều sáng suốt như
bà Tuyết Khanh, Hà Nội ta đâu có bị xéo nát
hàng nửa thế kỷ nay, cho đến tận bây giờ...
Thật là buồn, bao nhiều sĩ phu không bằng trí
của một người đàn bà!
- Ông có muốn nhắn thêm bà Tuyết Khanh điều gì
khác chăng?
Ông Nguyễn Hữu Đang nói chầm chậm, như đang
rút ra một kết luận từ bài học sâu sắc nhất
của mình, được đúc kết lại sau 50 năm trời
lăn lộn với cuộc đời đủ mọi mặt quang vinh,
tủi nhục, cay đắng, lẫn với những kỷ niệm
ngọt ngùi:
- Tôi rất muốn gặp bà để được nói một
lời xin lỗi, tôi đã phản bội bà. Tôi xin
được bà tha thứ cho sai lầm của tôi. Bà đòi
hỏi tự do cho văn nghệ là điều đúng hoàn toàn.
Đó là quyền lợi của bà Tuyết Khanh, đó cũng
là quyền lợi chính đáng của toàn thể giới văn
nghệ sĩ Việt Nam! Văn nghệ tự do là lương
thực nuôi sống giòng văn hóa của dân tộc trong
tất cả mọi hoàn cảnh.
Người viết vô cùng khâm phục sự phản ứng nhanh
nhậy, đối đáp vừa sắc bén lại vừa "có gân
có cốt" của ông Nguyên Hữu Đang. Cứ suy từ
điểm này mà ra, ông Đang nay đã ngoài tám mươi
còn "gang thép" như vậy, ai có thể bì với ông
hồi trước? Quả là danh của ông Đang bất hư
truyền! Người viết chỉ còn biết chắp hai tay
bái phục. Hy vọng rằng, bà Tuyết Khanh được
một lời nói chân thật của ông Nguyễn Hữu
Đang, sẽ dịu cả tấm lòng.
Sau vài phút im lặng, người viết vô tình buột
miệng nói:
- Ông có nghĩ là chúng tôi sẽ mời bà Tuyết Khanh
về nước để gặp ông chẳng hạn? Ông sẽ nói
gì thêm với bà ta? Ông sẽ mời bà Tuyết Khanh
tới nhà ông chơi và đãi bà Tuyết Khanh một
bữa cơm thân mật chứ? Ông Nguyễn Hữu Đang đã
cúi đầu, thầm lặng, đau khổ rất lâu không
trả lời được câu hỏi rất vô tình, rất là
bình thường trên của người viết...
Người viết chợt hối hận vì câu hỏi này đã
động chạm đến một thực tế vô cùng xót xa:
Ông Nguyễn Hữu Đang, sau mấy chục năm tham gia
cách mạng, son sắc một lòng phục vụ văn hóa của
tổ quốc, Kháng Chiến thành công, chưa được
hưởng ngày vui thì bị gieo cho cái án tù khổ sai
chung thân! Nhân dịp nhà nước đổi mới, được
giảm xá ra tù, ông bị trục xuất ra khỏi Hà Nội,
bị quản thúc tại quê Thái Bình, bị theo dõi gắt
gao và bị sự a dua theo thời của đám người vô
học ngược đãi. (Có tin nói, ông tự ý về Hà
Nội chơi là phạm pháp, có thể bị bắt vào tù
bất cứ lúc nào, thân ông như con ếch nằm trong
hom giỏ. Nhưng nhà nước "linh động", mắt nhắm
mắt mở thương hại ông, họ đã tạm thời bỏ qua
cho ông, trong giai đoạn này là như vậy.) Và nhìn
lại cả một đời của ông Nguyễn Hữu Đang thì,
ông Đang chưa hề có nổi một ngày rảnh rang nghĩ
đến việc đắp đổi cho cuộc đời riêng của
mình. Sống trên 80 tuổi đời, không vợ, không
con, không thân thích, (có thể có thân thích,
nhưng họ sợ liên lụy chăng?) không nguồn thu
nhập, phải lang thang cay cực kiếm sống bên
những đóng rác phế thải, lay lứt sống qua ngày,
rất khổ nhục...
Nếu bà Tuyết Khanh trở về thật, liệu bà tìm
ông Nguyễn Hữu Đang ở đâu đây? Liệu ông Đang
sẽ mời bà ăn bữa cơm với những món gì ? Liệu
bà Tuyết Khanh có hiểu được chí lớn của
người anh hùng sau tấm áo rách, trên khuôn mặt
giáng đọa phong trần của ông Nguyễn Hữu Đang?
Đồng thời, người viết cũng hối hận vô cùng,
đã viết những giòng bút ký văn học vô văn học
nhất trong lịch sử văn học của Việt Nam hiện
đại.
Xin quí bạn đọc và một số anh chị văn nghệ sĩ,
hãy thứ lỗi cho người viết, chỉ vì sự tò mò
muốn làm sáng tỏ một vấn đề nho nhỏ trong quá
khứ, đã vô tình đưa một anh hùng của dân tộc
trên mặt trận văn hóa ra trước vành móng ngựa
ảo tưởng với những giả thiết, nhưng lại rất
thực với ước vọng trong tâm hồn mỗi người
Việt Nam yêu mến mảnh đất văn chương của đất
nước mình! Pháp luật bất vị thân, như Nguyễn
Hữu Đang, dù làm chủ tịch nước vẫn vui vẻ
chấp nhận việc mình phải đem ra xét xử như mọi
người thường dân, công bằng, tỏ ra sẵn sàng
và đầy lòng quân tử, nếu người dân cảm thấy
ông là người làm hại nền văn hóa dân tộc.
Thời đại dân chu? Muôn Năm! Õ
San Francisco 1994
Lý Kiệt Luân

No comments: