ĐÓN BÁC VÔ
Sáu
giờ chiều. Mặt trời bảng lảng sắp biến, nhưng cái hy vọng lại hiện lên
to hơn mặt trời: đã đến giờ hưu chiến! Sáu giờ chiều nay tới sáu giờ
chiều mai. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ không có tiếng súng! Ai hiểu được
nỗi mừng của những người Việt Nam trong vùng giải phóng của ông chủ tịch
Nguyễn Hữu Thọ, người đã tuyên bố rằng Mặt trận đã nắm được ba phần tư
dân chúng và bốn phần năm đất đai.
Một cái chợ làng cũng chưa có, nữa là ba phần tư với bốn phần năm. Gạt thế giới chớ gạt bồ nhà sao được!
Một
nhóm ba người vừa cán bộ R vừa cán bộ Mùa thu ngồi trong hầm đất. Họ
thở phào vì sắp được hưởng cái hạnh phúc hưu chiến ngàn năm… một lần.
Cuộc bố ráp suốt ngày của binh đội Sàigòn ở xã bên cạnh có vẻ chấm dứt.
Tụi nó cũng thi hành lệnh ngưng chiến một cách nghiêm chỉnh. Ba Hoài
chui ra khỏi hầm vươn vai, cười vô miệng hầm:
“Độc lập Tự do muôn năm rồi anh Tư, anh Tám! Ra mau!”
Hai
người kia chui ra theo. Cả ba đều có kết hoạch trước về cái thời gian
hưu chiến này. Tư Mô thì rước vợ ở thành ra, như hẹn nhau từ kiếp trước.
Tám Phong có kế hoạch giặt quần áo một cách quy mô và mượn trẻ con nhổ
tóc bạc. Còn Ba Hoài thì định đi thăm một gia đình có một người con vượt
Trường Sơn cùng chuyến nhưng chết dọc đường vì sốt rét.
Cả ba đều nuôi ước mơ… Nhưng kìa, “đẹt”!
Không khí đang im lìm chuẩn bị cho phút thần tiên hoàn toàn thì cái tiếng súng mất dạy nào nổ kia?
Ba Hoài hỏi:
“Anh Tư có nghe gì không?”
“Cái gì” Tư Mô có nghe, nhưng làm như không.
Tám Phong lơ lững:
“Không biết súng đâu?”
“Bên nó vi phạm lệnh hưu chiến rồi!” Tư Mô giơ đồng hồ tay lên xem “Sáu giờ năm phút rưỡi rồi. Sao lại còn súng?”
“Có phải súng không?” Tám Phong hỏi gắt.
“Không súng thì cái gì?” Ba Hoài cười như mếu.
Thực
ra cả ba đều nghe tiếng súng độc chiếc kia, và biết cả xuất xứ của nó
nữa. Nhưng họ vờ không biết. Họ không muốn thấy cái hy vọng vừa ló dạng
lại thụt mất đi. Một phát súng có thể làm vỡ cả giấc mơ nuôi nấng từ
lâu.
Tốp
trực thăng vừa cất cánh, chiếc này sau chiếc kia nối đuôi nhau, thành
một con rắn dài rồi biến mất. Ba người thở phào nhẹ nhỏm. Nhưng chẳng
được bao lâu. Con rắn ngoặt đầu trở lại chỗ cũ. Lần này chúng không biến
đi như thường lệ.
Cái
tiếng “đẹt” đó, có lẽ đám trực thăng đã nghe rõ. Chiếc đi đầu quành một
vòng, hạ thấp rồi sà xuống dưới ngọn cây, đến chiếc thứ hai, và kế tiếp
những chiếc khác. Rồi chiếc đầu cất cánh lên, chiếc thứ hai tiếp theo.
Ba Hoài la:
“Bỏ mạng rồi anh Tư ơi! Nó đổ quân trở lại.”
Tư Mô rụng rời đứng tựa gốc chuối, chết trân. Tám Phong hấp háy đôi mắt cố nhìn xa.
“Nó bay lên nhẹ bỏng. Nó trút ruột trở lại rồi. Tất cả… 10 chiếc.”
Bầy trực thăng kéo hàng một trên nền trời xám ngắt mỗi lúc mỗi xa rồi biến hẳn.
Cái
sự phỏng đoán của Tám Phong được Tư Mô và Ba Hoài nêu thành vấn đề:
Trực thăng đang rút bỗng quay lại. Tại sao? Để làm gì? Nếu chúng chơi
lối nhả bừa nghĩa là rút một mớ còn nín lại một mớ để gài bẫy những kẻ
ham hòa bình sớm, ở xa lao đầu về sẽ bị thộp, thì cứ đi thẳng chứ tại
sao rút rồi còn quay lại? Ba người đang cãi nhau thì có tiếng trực thăng
càng lúc càng gần rồi chúng xuất hiện. Lại mười chiếc. Chúng sà xuống
rồi cất lên. Đúng là bài bản của một cuộc đổ quân chụp dù.
“Đm. Mấy thằng du kích n.c… bắn bậy, hại mình rồi!”
“Đồ vô kỷ luật!”
“Hết có gặp má bầy trẻ rồi!”
Mỗi
người đều tung ra một cái dấu than vì không biết cách gì để cứu vãn
lệnh hưu chiến nữa. Sắp hưởng hòa bình, dù chỉ 24 giờ đồng hồ, mà cái
tiếng súng “đẹt” kia đã phá tan rồi. Bầy trực thăng cứ dọc ngang đi lại
cả chục chuyến. Như vậy là chúng đem tất cả số quân vừa bốc trả lại chỗ
cũ.
“Chúng đóng nọc giữa rốn giải phóng rồi bác Tư nó ơi!”
“Hết ăn Tết con Khỉ đột rồi!”
“Tụi mình thành khỉ già không có bần ăn!”
Nhưng kìa… tiếng gì? Pành pạch… pành pạch ở đâu vang lại từ phía sau lưng nữa. Tám Phong quay lại và kêu lên:
“Nó chụp tới bên này anh Tư ơi!”
Những
con thiềm thừ đen thui giăng hàng một ầm ầm lao tới hướng này. Ba người
không kịp nói kịp bàn một câu, nhào vô hầm giật ba-lô quảy lên vai chạy
bất kể mương vũng. Cốt sao cho thoát khỏi vòng chụp. Vừa ngã một cái
trúng rễ cây đau điếng, Tám Phong lồm cồm bò dậy chạy tiếp và chửi thề:
“Đ.má thằng nào bắn bậy hại ông hết ăn Tết rồi.”
Cong lưng chạy qua tới xã khác mới đứng lại được mà thở. Hú vía.
Tám
Phong vẫn còn làu bàu chửi thề cái thằng bắn bậy vi phạm lệnh ngừng bắn
24 tiếng của Mặt trận. Trời đã tối nhưng ba người cũng mò ra được một
cái nhà. Hồi kháng chiến chống Pháp Tư Mô làm việc ở Ty Thông Tin Tuyên
Truyền Tỉnh có đóng ở đây. Cái nhà ngói xưa ba căn hai chái, rộng như
chùa. Bếp múc mênh mông, nấu cơm toàn bằng chảo đụng mỗi cái đủ cho 50
người ăn. Bây giờ trở lại, chống Mỹ, ngôi nhà còn trơ cái nền và mấy cái
xác bàn thờ vứt ngoài vườn hoang.
Ông
chủ nhà già cóp chui rúc trong một gian chòi thu mình ở góc vườn nghe
tiếng động bèn thò đầu ra tấm cửa lá. Tư Mô nhận ra người quen cũ nhưng
không dám xưng tên.
Biết là ba ông giải phóng đến “dân vận”, ông già nói ngay:
“Tôi
có củi, mấy chú có nấu gì kiếm nhà nấu. Đừng nấu ngoài bờ, máy bay nó
thấy lửa, nó bắn. Nghe máy bay xa xa, chắc nó chụp xã bên. Coi chừng
mồng một Tết lan tới xã này.”
Ba
người không biết nói sao trước thái độ không niềm nở của ông già. Nhưng
có lẽ ông nhận ra Tư Mô, (Tư Mô đã đến đây vài tháng trước) nên ông hé
cửa để cho cả ba vô trong nhà.
Tám
Phong và Ba Hoài xuống bếp nấu cơm còn Tư Mô thì ngồi trên một cái ghế
bị đạn còn có ba chân, định dân vận ông già nhưng ông đã mở màn trước.
Ông hỏi:
“Sao mấy chú còn nằm đây?”
“Dạ, tạm tối nay rồi mai cũng đi lên trên rìa thị xã, ở tuyến ba, đó bác.”
“Người ta đi hết rồi, các chú theo sao kịp.”
Tư Mô hiểu ý ông già. Trong giọng nói có vẻ thành thật, nhưng tự nhiên Tư Mô nghe như có chút gì mỉa mai. Ông già lại tiếp:
“Kỳ này thì chắc đón cụ Hồ vô được hả chú?”
“Dạ…ạ! Tư Mô ấp úng. Dạ cái đó thì… chă… ắc, ông Chín!”
Biết lắm mà. Ông già Chín chọc vào chỗ hiểm! Tư Mô nghĩ thầm.
Mấy
tuần trước, Tỉnh đã tổ chức cho cán bộ học liên tục chỉ thị trên R. Học
xong phải hạ quyết tâm: “Giải phóng thị xã trong mấy ngày Tết để đón
Bác vô.” Tỉnh mình là tỉnh nắm lá cờ đầu Đồng Khởi, sẽ được vinh dự đón
Bác trước nhất.
Tiểu
đoàn địa phương – tiếng là tiểu đoàn nhưng chỉ được già một đại đội vì
lính ớn bom đạn bỏ về nhà ngang xương gần hết – đã làm lễ xuất quân và
thề quyết sẽ chiếm lại thị xã thân yêu mà Trung đoàn Đồng Tháp không làm
nổi trong vòng mười năm đánh Tây. Sau tiểu đoàn là dân quân, gom góp
cũng được hơn đại đội. Họ nhớn nhác đứng sau tiểu đoàn để nghe đọc nhật
lệnh của Chị Ba Định, người tỉnh ta vừa lên chức Phó Tư Lệnh Quân giải
phóng. Khi xuất phát nhắm hướng thị xã trực chỉ, một nửa đã tự động lui
về… tuyến bốn, tuyến năm, tuyến mười lăm.
Do đó mà khi nghe ông già hỏi “chắc không”, Tư Mô đáp “chă… ắc”!
Đã
hơn mười giờ đêm mà Tư Mô vẫn còn thao thức. Bốn đứa con, vợ nuôi suốt
từ ngày kháng chiến chống Pháp tới bây giờ. Đứa con trai đầu lòng sanh
ra chưa đầy tháng đã phải bồng bế chạy xuống miền Tây vì lực lượng UMDC
của Một On chiếm đóng tràn lan khắp tỉnh nhà. Thằng bé bị bệnh tê liệt,
không có thuốc, một tay mang tật. Rồi đứa con gái ra đời, lớn lên, giống
hệt mẹ nó. Hai đứa con trai tiếp tục oe oe chào đời trong gian khổ. Bầy
con có cha mà như mồ côi. Hồi hòa bình 54, Tư Mô về thành. Bị bắt. Tù
bốn năm, được thả, trở lại nghề báo, cũng khá nổi tiếng, không thua văn
sĩ Sàigòn là mấy.
Một
hôm đang ngồi nhậu đầu cá ở Chợ Đủi một thằng bạn cũ tới “quèo”. Thế là
đi theo, ra khu. Bây giờ mong gặp vợ để giải bày tâm sự. Vợ chồng tám
năm xa cách… Thư cho vợ, Tư Mô toàn xin lỗi và chỉ dám mở miệng xin vợ
mua cho một cái quẹt lửa Zippo để hút thuốc. Tư Mô có tật ghiền thuốc lá
nặng.
Nằm
trên võng, ôm cái radio Sony của Tám Phong trên bụng, Tư Mô có nhiệm vụ
nghe đài BBXeo hằng đêm, rồi báo tin cho cả bọn cùng “giải điềm đoán
mộng”.
Rà làn sóng một lúc, không bắt được tin gì hay, anh bèn tắt đài.
Anh cố định thần để nghỉ ngơi, nhưng giấc ngủ chập chờn không đến.
Ngôi
nhà đổ nát này nhắc anh nhớ bao kỷ niệm sâu sắc với người bạn thân.
Tuệ, con trai duy nhất của ông Chín là bạn cùng lớp từ bé của Tư Mô và
hai người cùng đổ bằng thành chung một niên khóa từ trường Collège Mỹ
Tho. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, hai người cùng làm việc cho Ban
Tuyên Truyền Tỉnh thường đóng cơ quan ở nhà này. Năm 50 kháng chiến
thoái trào, Tư Mô dắt vợ cõng con xuống Miền Tây. Tuệ ở lại được ít lâu
rồi cũng chạy xuống đó. Hai người lại gặp nhau. Năm đầu tản cư, bà Tuệ
có đứa con trưởng nam, năm sau bà Mô sinh thứ nữ. Hai người đùa rằng sẽ
làm suôi.
Hòa
bình lập lại, Tuệ đi tập kết. Ra Bắc, Tuệ nhờ có văn hóa nên được gởi
đi Liên Xô học ngay. Tuệ đỗ bằng Phó Tiến Sĩ Triết Học, nhưng rủi thay,
ngày mai lên đường về Hànội thì chiều nay chạy mô-tô bị ô-tô đụng chết.
Tin
này Tư Mô nghe được khi ra khu R. Cách đây ít lâu, sau ngày từ R xuống,
Tư Mô có ghé qua đây. Tư Mô tưởng ông Chín quên nhưng vừa chạm mặt là
ông kêu tên anh ngay. Tưởng ông chưa hay tin về Tuệ, nhưng ngó lên chiếc
bàn thờ con xiêu vẹo chân bàn cháy được chắp bằng một khúc tre, Tư Mô
nhìn thấy ảnh của Tuệ, bức ảnh chụp hồi hai đứa làm ở Ban Tuyên Truyền,
nay đã vàng nẫu.
Chiếc đèn trứng vịt, ngọn nhỏ như hạt đậu xanh leo lét đứng trước tấm ảnh càng làm cho không khí trong nhà tối tăm thêm.
Tư
Mô không một lần nào nhắc tới Tuệ vì sợ làm vỡ bọc nước mắt của ông
già. Ông Chín cũng biết vậy nên lờ đi như quên mọi chuyện cũ cho yên.
Lần đó Tư Mô trông thấy thằng Trí. Một cậu thiến niên tuấn tú khôi ngô
giống bố như đúc.
Ông
Chín khoe: “Cây có một trái. Nó giống cha, học giỏi nhứt lớp. Mẹ nó về
thành không tái giá, cứ ở vậy nuôi con. Đôi lúc nhớ cháu, ông ra thành ở
chơi vài ngày. Chỉ trong dịp ngưng bắn mẹ nó mới cho vào đây với nội,
hết hạn là về ngay.”
Tư
Mô định sẽ hỏi tại sao kỳ này ngưng bắn 24 giờ mà không thấy cậu bé về
chơi? Trong lòng anh vẫn luôn luôn giữ một chút gì cho bạn hiền.
Chuyện
đùa xưa biết đâu lại thành sự thật. Nếu được vậy có lẽ Tuệ sẽ hả vong
linh dưới suối vàng. Tư Mô chưa kịp hỏi thì ông Chín đã nói:
“Thằng
nhỏ về hồi chuyến đò chiều nhưng mấy ổng mượn nó đi để đọc bài chào
mừng cụ Hồ sáng mồng ba Tết. Tôi nói: Nó ở thành khờ khạo bom đạn, đi
với mấy ông sao được
Nhưng họ gạt ngang, bảo: ăn thua gì! Đâu có bom đạn gì mà lo. Tụi tôi tấn công chiếm toàn bộ trong nháy mắt. Để rồi ông coi!”
Ông Chín để lộ sự bất bình. Tư Mô không giải thích được nên làm thinh.
Anh rà làn sóng một lúc nữa. Bỗng từ trong ra đi ô bất ra giọng quen, anh lắng nghe rồi kêu lên:
“Chú Ba, chú Tám! Nổ rồi!” Tư Mô vói tay lắc lắc võng Tám Phong và la to lên:
“Dậy, dậy mấy chú! Sắp bưng mâm rồi!”
Nhưng hai ông cán Mùa Thu chỉ ư ê rồi nằm im.
Tư
Mô phải kêu ầm lên và tốc cả mùng họ mới dậy. Khi tỉnh hồn thì bản tin
đã hết. Bước sang bài bình luận. Tiếng oang oang từ trong đài vang ra.
“Đại
tướng cộng sản Hà Nội, được dự đoán là hiện giờ đang nằm tại Bắc vĩ
tuyến 17 để chỉ huy cuộc tổng tấn công này. Viên đại tướng Việt Cộng
ngoại ngũ tuần này đã đánh bại các tướng Pháp ở Điện Biên nhưng lại có
một đời tư bị dèm pha trong giới cán bộ. Ông ta đã lấy cháu ruột gọi
người vợ hôn phối bằng dì sau khi bà này qua đời…”
Tám Phong hét:
“Vặn nhỏ lại! Nó kiểm thảo bỏ mẹ, nó tịch thâu luôn cả radio mình đó!”
Tư Mô tắt luôn.
“Tin tức nói gì anh Tư?” Ba Hoài hỏi.
Tư Mô ngồi dậy chậm rãi quấn thuốc hút rồi nói:
“Tổng
tấn công rồi! Mười chín nên trên toàn Miền Nam đã khai pháo. Riêng Huế
mình đã vô được Nội thành. Còn tỉnh mình chưa thấy thằng BBXeo nói. Mẹ
nó, nó nói xeo đại tướng thấy chưa?”
“Xeo đúng nên mình cứ để nó xeo hoài.” Ba Hoài nói. “Còn các tỉnh nào nữa?”
“Sàigòn chỉ mới vô được ven đô hay Tân Sơn Nhứt gì đó, tiếng e e to quá, nghe không rõ.”
Cụ
già Chín thức dậy từ lâu, lắng nghe ba ông cán bàn về chiến thắng trong
đài. Thấy họ hăng hái ông Chín từ trong bò ra ngồi bên miệng hầm, góp
ý:
“Ủa sao nghe nói hưu chiến 24 tiếng đồng hồ cho binh lính hai bên ăn Tết, mấy chú?”
“Dạ! Cái đó là ý của cấp trên!” Tư Mô né qua. “Tụi này đâu có biết gì ông Chín!”
“Mình làm vậy cho nên hồi chiều tôi thấy trực thăng rút rồi quay trở lại. Báo hại Tết này không cúng được ông bà.”
Tam Phong lém lỉnh trả lời:
“Mình
yếu hơn nó ông Chín ơi! Mình mà chơi giàn mặt với tụi nó là bị tụi nó
làm gỏi ngay. Ông Chín coi đó, đi đánh cả một cái thị xã mà gom góp
không đủ một tiểu đoàn. Tụi nó nằm phình bụng chơi mình cũng không làm
gì nổi. Hè hè, bởi vậy mình phải dụ dỗ nó, oánh cú “xi mứng” bất ngờ thì
mới mong ẵm nguyên con được ông Chín ạ! Cái kiểu của mình là nói đen
phải hiểu trắng, nói trắng hiểu đen.”
Ông Chín ngẫm ngẫm một lúc rồi nói:
“À phải, chú em nói chí p hải, hễ mình nói ngưng bắn tức là mình sẵn sàng bắn, còn mình nói tụi nó thua thì có nghĩa là… là sao?
Tám Phong thấy bị ông già xỏ ngọt nên vội vã đáp:
“Hễ nói tụi nó thua là tụi nó thua thiệt tình.”
“Còn nói mình thắng là… mình…?”
“Thì mình cũng thắng thiệt tình.”
Ông Chín cười ngất:
“Nói như chú Tám vậy là đúng. Nghĩa là mình phải liệu mà trở cho khéo như nướng bánh phồng, phải không?”
“Dạ phải đó, thưa ông Chín, phải trở như trở bánh phồng. Không trở thì bánh khét, còn nếu cứ trở hoài thì bánh sống.”
Ông
Chín thấy mấy người cán bộ có vẻ lem hem, chắc ăn cơm chiều không no
nên lấy mấy cái bánh phồng ra cho họ nướng ăn uống nước trà đón giao
thừa.
Ông Chín nói:
“Cũng
gần tới giờ sang năm mới rồi, tội nghiệp mấy chú không về được gia
đình. Chắc chú nào cũng xa gia đình vài ba năm phải không?”
“Dạ, cháu xa ngót 10 năm, chú Ba chưa có vợ nhưng xa gia đình gần 15 năm, còn chú Tám xa vợ mới có năm năm thôi.”
Ba Hoài nhắc:
“Rà lại đài Bê Xeo coi anh Tư!”
“Khoan! Cái gì lộp bộp… À đúng rồi! Súng phía thị xã.”
Tiếng súng nổi rộ lên ầm ì, súng to,s úng nhỏ. Tám Phong chạy vụt ra sân. Một chút y trở vô, reo lên:
“Đỏ rực một góc trời. Đánh to rồi!”
Súng nổ liên hồi. Ba người ra sân. Chập sau ông già Chín cũng mò ra theo.
Tám Phong nói oang oang:
“Sáng ngày mồng Ba thì dân tỉnh mình treo cờ đón Bác vô đó ông Chín.”
“Xin lỗi chú em, cụ Hồ sinh năm 1890 tôi sinh năm 1891, cụ Hồ đâu có cháu lớn dữ vậy.”
Thấy Tám Phong hơi sượng, ông già chữa dùm:
“Nếu
cụ Hồ vô tới tôi cũng xin chèo ghe đi đón. Ngặt cái là nghe sắp trẻ
hát, nói cụ sửa soạn vô hồi oánh Tây kia mà rồi tới nay cũng chưa thấy
vô.”
Súng
nổ càng lúc càng to, lửa càng lúc càng ánh lan dài ra phía thị xã. Như
vậy đúng là Tổng tấn công toàn miền Nam. Thằng Bê Bê Xeo loan tin chính
xác lắm!
Tư Mô vẫn ôm cái đài tro tro trước bụng mắt ngó ngọn lửa mà tay vặn vặn. Bỗng làn sóng bật ra tiếng nói:
Thị
xã thứ 20 nổ súng vào đúng lúc giao thừa là thị xã X… Toán cộng quân
phải vượt qua con sông tên là Cái Cối Cái Cói gì đó để vào thị xã. Họ
không có phương tiện chuyển vận và bị đối phương chận đánh nên chết chìm
một số lớn. Chỉ có một toán đặc công đột nhập đánh nhà đèn, nhưng chưa
phá được. Điện vẫn còn đầy đủ trong thành phố.
Thị xã thứ 21 nổ súng là thị xã Định Tường…
Tám Phong bình luận ngay:
“Ông
Chín thấy chưa? Mình giả bộ ngưng bắn 24 tiếng để ăn Tết. Đùng một cái
mình tấn công. Tụi nó còn đang nhậu nhẹt mà, súng đạn bỏ lăn lóc, làm
thế nào chống lại được! Nếu không lừa tụi nó, làm sao mình bò vô được
tới ven đô Sàigòn, làm sao mình vô tới nhà đèn thị xã mình?”
Ông Chín nói:
“Vậy
để tôi vô bắt con gà, mấy chú chịu khó nhổ lông mình nhâm nhi tới sáng
rồi chạy đuôi tôm lên thị xã coi văn công, sáng mồng ba đón cụ Hồ vô
nghe!”
Sáng mồng một. Súng vẫn nổ.
Sáng mồng hai. Súng còn lai rai. Một số dân quân chiến thắng chạy về mặt mày cắt không được hột máu.
Sáng
mồng ba, ngày quan trọng nhất Tết năm nay và các Tết trước – súng còn
lẹt đẹt. Chỉ lâu lâu mới có vài loạt. Đó là súng truy kích địch chạy ra
ngoài thị xã. Quân giải phóng đã chiếm được thị xã. Cờ treo rợp trời.
Mấy vạn cặp mắt ngó lên mây chờ máy bay từ Hà Nội bay vào.
Ba
vị cán bộ Mùa thu và R vẫn còn hoan hô chiến thắng với đài Bê Xeo tại
nhà ông Chín. Con gà cuối cùng trong bầy gà giò ông nuôi chắt chiu lâu
nay đã hy sinh cùng với lít rượu nếp than thượng hạng để mừng chiến
thắng đón Bác vô ngàn năm một thuở.
Đến
chiều mồng ba thì chiến thắng hiện ra đầy đủ tay chân mặt mũi. Tiểu
đoàn trưởng Sáu Châu trở về tới hậu phương, toàn thân ngay chừ, đầu quấn
băng trắng toát, mắt nhắm nghiền, nằm trên chiếc võng do hai người lính
khiêng. Toán tải thương hốc hác rã rời. Họ buộc võng vào hai gốc cau tơ
trước chòi ông già rồi xộc đại vào xin cơm. Một người nói:
“Ông cho cơm gì cũng được. Tấm heo cũng nuốt. Đói từ sáng mồng hai tới nay. Toàn uống nước vũng trừ cơm.”
Tám
Phong từng làm y tá cho tiểu đoàn 307 hồi kháng chiến chống Pháp, thấy
vết thương của Sáu Chân có vẻ nặng nên đến xem để băng bó lại dùm. Y kê
mũi vào ngửi rồi nhăn mặt quay ra nói với mấy người lính:
“Vết thương đã thối rồi mấy chú! Sợ có dòi bên trong.”
“Tụi tôi đâu có biết gì. Y tá mặt trận băng xong bảo tụi tôi điều về hậu cứ. Tụi tôi cứ việc khiêng bạt mạng.”
“Quân y đâu?”
“Chạy tản mát hết.”
“Kỳ cục vậy?”
“Dạ,
tụi Trâu Điên của Sàigòn đang đóng ở thị xã, gặp dịp chúng bèn nhảy ra
phía sau lưng mình, chận đường rút lui, cho nên tuyến hai tuyến ba của
mình rã hết.”
“Anh Sáu bị thương lúc nào?”
“Dạ
đồng chí tiểu đoàn trưởng bị thương lúc vừa qua được sông vô thị xã.
Ảnh bị một trái da láng của tụi nhân dân tự vệ áo đen. May mà lúc đó mới
nổ súng, tụi nó còn bất cập, chới với nên mình mới đưa ảnh trở qua sông
được, chớ để chừng một tiếng đồng hồ sau thì kẹt trong đó luôn rồi.”
“Còn tiểu đoàn đâu hết?”
“Thì
lọt vô được bao nhiêu, ở lại trong thị xã bấy nhiêu. Bây giờ đâu còn
đường ra. Tụi Trâu Điên chận vòng một. Tụi Sư Đoàn 7 chận vòng hai sau
lưng mình.”
Anh lính ngồi bẹp xuống đất, cởi áo vắt trên nhánh cây.
Ông già Chín đem ra một dĩa bánh tét và một nải chuối già. Mấy anh lính vồ lấy nuốt không kịp nhai. Một anh nói:
“Trung ương chơi cú này tới gáo thiệt tình đó. Bác Hồ có vô thì cũng chẳng còn ai mà đón!”
Anh lắc đầu nguầy nguậy, cố nuốt gặn cho trôi miếng bánh tét dính trong cuống họng:
“Trận
tấn công này được áp dụng “chiến thuật A-Thần-phù” ngàn năm một thuở! –
Anh lính vẫn lắc đầu – Ai đời đánh địch mà không rõ địch ở đâu, đông
hay ít, thậm chí chẳng biết cả đường hành quân và đường rút lui. Súng
bắn một lúc hết đạn, xoay ra đốt nhà, đốt phố!”
Thanh
toán xong dĩa bánh tét và nải chuối, tốp chiến sĩ lại giục nhau khiêng
tiểu đoàn trưởng của họ lùi sâu nữa vào hậu cứ. Họ bảo ba ông cán bộ:
“Các
chú coi chừng, tụi nó sẽ nhảy khoanh vòng thứ ba. Tụi nó chơi độc
thiệt, chỉ chống cự sơ sài nhưng lại tập trung lập phòng tuyến chặn
đường rút của mình. Lục lượng của mình lọt vào bụng thị xã, bị tiêu hao,
không có tiếp viện, không biết đỡ gạt làm sao. Đúng là chiến thuật
“A-thần-phù!”
Tư
Mô nghe loạn xạ hai lỗ tai, chẳng nhớ gì, nhưng còn ghi được cái danh
từ chiến thuật A-thần-phù, là tiếng của trẻ con chơi với nhau, có nghĩa
là làm bừa, làm ẩu, thí mạng cùi, chết bỏ xu nhỏ mười mạng, cứ chơi tới
bi nhiêu bi…
Đốt
phố ư! Tư Mô giật mình. Phố nào, khu nào? Chỉ có phố lá của dân nghèo
mới bắt lửa nhanh. Loại phố đó ở ngoài rìa thị xã. Vợ con Tư Mô… Vợ đi
bán bánh bèo ở nhà lồng chợ để nuôi con học thì ở phố lầu, nhà gạch sao
được?
Rồi
mồng bốn trôi qua. Mồng năm đến. Tiếng súng đã hoàn toàn im hẳn, nhưng
những trận chụp dù liên tiếp xảy ra trong bốn phần năm đất của ông
Nguyễn Hữu Thọ. Cán bộ chạy vắt giò lên cổ, chạy thâm cả ban đêm. Quần
áo không lúc nào khô. Ban đêm pháo sáng bắn đỏ trời soi cho trực thăng
đổ quân, lính dẫm nát đất. Hầm bí mật không ai dám chui vì lính ruồng
đóng luôn cả đêm. Chui xuống, hết lên. Mẹ kiếp, chọc vô ổ ong nùi giẻ,
nên hậu quả không vui.
…
Tư Mô men ra bến đò. Sau mấy ngày lộn xộn, đò máy lại đưa khách ra vào
thị xã. Người từ thị xã ra khu tìm chồng con đông như kiến. Đò nào đò
nấy chật ních, người ngồi cả trên mui.
Một
buổi chiều, đò đổ bến, cây đòn dài vừa ném lên bờ, ai nấy vọt lên chạy
tản mác vì sợ máy bay tới. Ở dưới đò còn lúm xúm mấy người.
Tư
Mô định quay đi vì không còn hy vọng. Xin hẹn kiếp sau. Nhưng bỗng có
tiếng thét lên làm Tư Mô giật mình. Rồi một tiếng dỗ dành dịu ngọt:
“Nín đi con, đừng có la, lính bắt chết!”
Tư
Mô quay phắt lại: cái giọng kia nghe quen quá. Tư Mô hấp tấp bước xuống
đò. Một cô bé áo trắng quần trắng, tóc phủ xuống vai, lưng tựa vách đò,
mắt ngơ ngáo nhìn quanh rồi bỗng thét lên:
“Lửa!
Lửa cháy nhà mình, má ơi, chạy! chạy!” Rồi vùng đứng lên đụng đầu vào
mui đò và ngã áp mặt xuống sạp. Tư Mô hốt hoảng đỡ con bé dậy, xoa đầu
nó lia lịa:
“Ôi cha cha, chậc! Bể đầu con nhỏ rồi!”
Người đàn bà quay lại. Bốn mắt nhìn nhau. Bàng hoàng, im bặt. Một cặp vợ chồng… tái ngộ. Vợ chồng Tư Mô.
“Con Thi sao vậy em?” Tư Mô hỏi.
“Từ
đêm nhà mình phát hỏa, nó điên luôn. Em có đưa con đi bác sĩ vài lần
nhưng bịnh thần kinh của con không thuyên giảm mà lại có phần tăng.”
“Thôi được rồi! Còn sống đây là quý. Đưa con lên đi em!”
Dẫn
đầu là bố, sau lưng là mẹ, chính giữa là con gái, cái tổ ba người, tư
tưởng khác nhau, cuộc sống khác nhau cùng đề huề bước lên cây đòn dài
run run. Họ tưởng chiêm bao.
Tư
Mô vừa bước lên tới bờ thì người tài công đò phóng vụt theo. Mấy bữa
rày, Tư Mô đã ra đây hai ba lần để đón vợ hụt, nên hai bên quen nhau.
Viên tài công cười xã giao:
“Nay rước được thím Tư rồi hả chú?”
“Ừ, may quá!”
Anh ta lôi tay Tư Mô ra xa vài bước rồi nói nhỏ, vẻ mặt nhớn nhác:
“Chú làm ơn giúp dùm việc này. Cháu hổng biết chi ủy ở đâu mà nhắn.
Tư
Mô nghĩ là vật liệu tiếp phẩm bí mật từ thành gởi ra nên sốt sắng gật
đầu. Viên tài công lôi tay Tư Mô xuống đò. Tư Mô cực chẳng đã phải đi
theo. Y lôi tuột Tư Mô vọt lên mui rồi bước ra sau lái. Y nhảy xuống và
cạy một tấm ván trên sàn. Tư Mô ngồi xổm trên mui ngờ ngợ ngó xuống.
Viên tài công dở tấm ni-lông xanh lên. Một hàng bao ni-lông đen đựng thứ
gì nằm quay ngang no phồng:
“Cái gì vậy hả chú tài?” Tư Mô hơi giật mình quát: “Tại sao lại lọt vô nằm trong bao này?”
“Chú
dư biết tại sao rồi còn hỏi làm gì nữa! Chậc! Không có ai lấy xác. Mấy
ông quốc gia thấy vậy bèn bỏ vô bao ni lông chở xuống bến đò. Mấy ổng
chia cho mỗi đò vài bao, bảo chở dùm về trong này cho gia đình họ nhận!
Chậc ! Tội quá!”
Tư Mô bất nhẫn tâm thần. Nhưng viên tài công thao thao nói tiếp:
“Bao
ni lông thiệt kín! Họ rắc thuốc rồi mới dán lại nên không sình không
hôi. Bà con đi đò đâu có biết gì. Rủi có biết cũng giả lơ chớ đâu dám…”
Tư
Mô ngồi lặng ngắt, mặt mũi tối sầm. Một đám người nằm im lìm trong bao
ni lông. Họ có biết là họ làm gạch lót đường đón Bác Hồ vô không? Nhưng
Bác Hồ đi trên mây chớ không đi dưới đất cho nên xác họ hóa ra thừa, mấy
ông quốc gia nhặt lấy gởi dùm về quê đó. Như Ba Hoài và Tám Phong kể
lại thì loại gạch này trên đường Trường Sơn còn vô số, bao ni lông lấy
đâu cho đủ!
“Chuyến
ngày mai còn nhiều nữa chú Tư à! Lính quốc gia chơi gắt lắm. Mấy ổng
ghi tên từng chủ đò, nếu đò nào né tránh không chịu chở sẽ bị cấm bến
luôn. Mai tui phải lãnh thêm.”
Tư Mô nói:
“Để tôi vô trong vườn, tôi réo mấy cha chi ủy dùm cho.”
Tư Mô trở lên bờ. Vợ con còn đứng đợi bên một gốc me cháy ở cuối chợ. Con bé Thi thì ủ rũ như nhà triết học tí hon. Chị Tư nói:
“Em
chuẩn bị đủ các thứ cho anh rồi. Có cả chiếc hộp quẹt zíp-pô, định sáng
mồng một hưu chiến thì vô, khuya mồng một thì về. Ai dè tối giao thừa
lùng tung ra. Nhà cửa cháy rụi mẹ con chạy ra mình không. Oánh không
lợi, họ đốt nhà dân để thoát thân.”
“Còn hai thằng Lâm, thằng Tuyền đâu?” Tư Mô gạt phắt như sợ có người nghe.
Chị Tư òa lên khóc. Con Thi cũng khóc theo. Tư Mô cảm thấy xốn xang. Đợi vợ bớt khóc mới hỏi thêm. Chị Tư ngập ngừng:
“Thằng
Lâm thì lạc mất. Còn thằng Tuyền thì anh nó tìm được rồi. Không biết
làm sao mà nó lại trôi tuốt lên nằm trong bệnh viện dã chiến, phỏng
nặng, băng quấn cùng mình. Thằng Lê ở nhà đi tìm thằng Lâm. Em sợ ở
trong này anh lo lắng nên em hối hả đi vô.”
Tư Mô dắt vợ con về nhà ông Chín. Để giữ uy tín cho chiến thuật A-thần-phù, Tư Mô dặn vợ:
“Gặp
ai hỏi tin tức ở trong thị xã ra sao, em cứ nói là mấy ông giải phóng
chiếm được hết thị xã, quốc gia oánh không lại nên đốt phố dân… chớ đừng
nói như vừa rồi.”
Khi
đi ngang qua nghĩa trang chiến sĩ – nay đã trở thành bãi tha ma trâu bò
quần nát bấy, Tư Mô thấy có mấy người đang hì hục đào xới. Nắng nhạt
chiều tàn còn cố chống đỡ cái khí âm nặng nề đang ập xuống. Một dãy nấm
đất vàng còn ướt nằm sưởi nắng bên cạnh mấy cái hố dài xọc trống hoác
như những cái mồm há lên trời chờ nuốt mây.
Tư Mô vụt nghĩ đến tiểu đoàn trưởng Sáu Châu:
“Không biết bây giờ chú ấy ra sao, vợ con đã hay chưa?”
Về
đến nhà ông Chín thì trời tối mịt. Tám Phong đang nằm tréo giò trên
võng mò đài Bê Bê Xeo còn Ba Hoài đang bình luận chiến thắng với ông
Chín. Thấy Tư Mô dắt vợ con về, cả ba người đều mừng rỡ. Ông Chín là
người vọt miệng hỏi tin tức thị xã trước nhất. Chị Tư cứ y điệu của anh
Tư mà đối đáp rất trôi chảy, chẳng thua đài Bê Xeo. Ba Hoài và Tám Phong
chào hỏi rồi rút lui ra bờ cau mắc võng nhường mái chòi cho hai vợ
chồng già trăng mật. Còn ông Chín đem cho hai tấm lá chầm trải dưới đất
ngay miệng hầm cho gia đình Tư Mô nghỉ, đề phòng có cà nông thụt thì họ
chui vô cho nhanh. Chỉ có một cái mùng chiếc trong ba lô, Tư Mô giành
cho con gái, còn anh chị nằm trần.
Chị
Tư Mô gối trên cánh tay chồng khóc mùi mẫn. Anh không biết nói gì. Cứ
chốc chốc lại bảo: “Em nín đi, đừng khóc!” Tuy nhiên anh cũng khóc. Anh
cố nén không cho tiếng nấc bật ra khi chị Tư thú thực với anh rằng thằng
Lâm chết cháy… mà hồi nãy chị nói giấu.
Lúc nửa đêm, hai vợ chồng đang âu yếm thì con bé Thi ngồi choàng dậy kêu toáng lên:
“Lửa! Lửa! Má ơi lửa trên nóc nhà!”
Tư Mô vói tay qua mình vợ thò tay vô mùng, vuốt tóc con:
“Nằm xuống, ngủ đi con, hết lửa rồi chỉ còn có tro thôi, con!”
Con bé nằm xuống, nhưng chỉ một chốc sau, nó lại ngồi dậy. Nó ngó chòng chọc vào bóng tối và nói thinh không:
“Dạ thưa thầy sao thầy cho em có ba phần tư cái hột vịt, xin thầy thêm chút nước mắm!”
“Nằm xuống con!” Tư Mô quát khẽ “Lại ba phần tư với bốn phần năm!”
Con
bé cười rú lên rồi nằm vật xuống. Tư Mô thở dài không biết làm gì. Bỗng
Tám Phong thò đầu vào. Y gọi Tư Mô ra ngoài hè rồi nói, có vẻ thành
thật:
“Con
bé loạn thần kinh vì sợ hãi cảnh tượng ở trong đó. Mình có thể trị bằng
tâm lý anh Tư à!” Rồi nói tiếp luôn “Hồi kháng chiến đánh Tây tôi có
mục kích một trường hợp mổ vết thương cho một em bé liên lạc của tiểu
đoàn 307 không có thuốc tê. Em kêu la rầm trời. Ông chính trị viên đứng
gần đó bảo: “Ráng đi em, rồi Bác Hồ khen! Bác Hồ khen giỏi!” Trong
trường hợp của cháu gái, đâu anh thử nói như vầy: “Ráng đi con rồi con
sẽ được đi đón Bác Hồ vô.”
Tư Mô gục gặc đầu, có vẻ tán thành, nhưng anh hỏi lại Tám Phong:
“Rồi thằng bé còn la nữa không?”
“Ái
da! Vết thương nặng lắm! Thằng bé rên nhỏ dần rồi đi luôn” Tám Phong
thấy mình hố nên chữa ngay “Nhưng mà đó là trường hợp khác, còn cháu gái
khỏe mạnh đâu có bị thương tích gì. Hễ nó lên cơn thì anh chỉ lên mây
và bảo “Tía con mình sắp đón Bác Hồ vô rồi đó con!” Hổng tin anh làm thử
vài lần coi! Tôi tin nó sẽ định tâm trở lại.”
Tư Mô đứng tần ngần hồi lâu. Anh không biết Tám Phong nói thiệt hay đùa. Anh chỉ vấn thuốc hút…
Tàn
điếu thuốc, anh vô nằm trở lại. Mắt cay như xát ớt, muốn ngủ nhưng
không ngủ được. Muốn tâm sự với vợ sau mười năm xa cách mà không biết
nói chuyện gì. Cứ sắp hở môi lại thôi.
Ông Chín đáng lẽ vô hầm ngủ cho yên, lại ngồi ở mép cửa bếp nhìn bóng đèn tù mù trên bàn thờ.
Tư
Mô biết ông Chín không thể ngủ được. Đi tấn công thị xã mười người lâm
nạn hết chín, thập tử nhứt sanh. Ai có thể ngủ yên trong một đem như đêm
nay. Ngồi còn không yên nữa là!
Độ
quá nửa canh tư, Tư Mô đang mơ màng thì có tiếng đập cửa đùng đùng. Ông
Chín chạy tuôn bàn ghế đụng bàn thờ làm tắt luôn ngọn đèn bóng trứng
vịt.
“Ai a… ai?” Ông lắp bắp.
Tư Mô đứng dựng lên. Trời tối thui. Anh bật lửa. Chị Tư cũng ngồi choàng dậy. Con bé mở mắt tròn xoe ngờ nghệch.
“Ai… vậy?” Ông Chín run run quát.
Không có tiếng trả lời. Tư Mô bước lại lôi bẹt tấm cửa ra.
Hai
người lù lù khiêng thẳng cái võng vào nhà. Ba Hoài và Tám Phong ngoài
bờ cau cũng vô tới. Tám Phong tay xẹt đèn pin, tay giở tấm lá chầm đậy
trên võng, rồi buông liền.
Ông Chín kêu thét lên một tiếng và ngã đánh rật xuống đất bất tỉnh.
Mọi
người đứng tần ngần. Bỗng một cái bóng trắng vọt ra cửa và biến trong
đêm. Chị Tư vói tay chụp nhưng không kịp, chị quờ quạng chạy theo, kêu
thất thanh:
“Con, con ơi! Bớ…bớ…ớ!!”
Cái
bóng trắng lao đi và rơi xuống mương cau. Nó vừa lội bươn vừa kêu rú.
Tiếng nước khua xộn xộn hòa cùng tiếng kêu oái oái thất thần thoát ra từ
một cổ họng non.
Anh Tư cũng đuổi theo, vừa chạy vừa thét:
“Con! Con! Trở lại mình đi đón Bác Hồ!”
No comments:
Post a Comment