Saturday, September 8, 2012

TS. BỬU SAO * GIÁO DỤC

GIÁO DỤC VIỆT NAM Từ Lưỡi Gỗ Đến LưỡiNhựa
Dr. Bửu Sao


Từ 1987, năm chế độ cộng sản Sôviết sụp đổ, chế độ cộng sản Việt Nam đã phải chủ trương "đổi mới và mở cửa" để tồn tại như thế đến nay đã 18 năm rồi! Cũng vào đầu thời kỳ này, ông Đỗ Mười trong chức vụ Tổng Thư Ký Đảng cộng sản tuyên bố: " Trong 40 năm qua, Đảng ta luôn luôn coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chăm lo việc "trồng người" vì lợi ích trăm năm của đất nước, ngành giáo dục và đào tạo đã góp phần chủ yếu vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài"(TTCS số 2/93). Vậy trong vòng 40 năm bị chế độ cộng sản đô hộ, tiếp theo 20 năm dưới sự khống chế của một bọn Mafia đỏ, chức vụ "trồng người" của đảng cộng sản Việt Nam đã đưa đến những kết quả nào? Mục đích bài viết này là trả lời câu hỏi đó.


Dựa vào những công trình nghiên cứu phát xuất từ trong nước, gồm các văn kiện cùng những kế hoạch thực hiện qua 40 năm "sự nghiệp trồng người" và 18 năm "đổi mới và mở cửa", với sự góp ý của những người dân có máu mặt đã liều mình nói thật, người viết xin trình bày dưới đây những hệ lụy trước mắt mà quê hương Việt Nam đã và sẽ tiếp tục gánh chịu trong bao lâu chế độ này còn nằm đó.
Trong suốt thời gian 40 năm "sự nghiệp trồng người" của Đảng, tất cả những lời tuyên bố, từ giới chức đến dân gian, đều rập vào một khuôn vì mọi người đều bị cưỡng bách dùng cái lưỡi gổ để cùng nói lên một lời, ca lên một giọng, tất cả đồng loạt "nhất trí" rằng: ngành giáo dục và đào tạo đã góp phần chủ yếu vào việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài". Rồi trong 18 năm kế tiếp, từ ngày gọi là "đổi mới và mở cửa", trong tình trạng bất mãn đến cực độ, người dân đã dám nói lên một vài nhận xét rất xác thực. Từ lưỡi gổ dân ta đã dần dần biết dùng "lưỡi nhựa". Cuộc diễn biến này sẽ giúp được gì? để trong hiện thực, nền giáo dục tại Việt Nam có thể đạt được những thành quả nào?


Từ 1946 cho đến năm 1988, nền giáo dục Việt Nam đã được Đảng cộng sản xác định như sau: "Chủ trương của Bộ Giáo dục trong công tác tuyển sinh và đào tạo là bảo đảm tính Đảng, tính giai cấp, lấy tiêu chuẩn cống hiến cho xã hội làm cơ sở.(SGGP 14/1/1988). Mười năm sau, chủ trương này được tái xác định một cách còn quyết liệt hơn nữa bằng một đạo luật: " Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính cách nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Nhà nước thống nhất quản lý hệ thống giáo dục quốc dân, quản lý việc xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa, Nhà nước lãnh đạo nhà trường, kiểm soát nội dung, hoạch định kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn nhà giáo, quy chế thi cử và hệ thống văn bằng.." Đạo luật này mang số 11/1998/QH10 đến cuối thiên niên kỷ thứ hai vẫn còn có hiệu lực. Rồi nay, đã sang thiên niên kỷ thứ ba, đạo luật này lại vẫn được tái xác định làm nội dung cơ bản trong vấn đề đào tạo.(Chỉ thị số 19/2001).


Nhưng, cũng may, trong hiện thực, mọi người đều đã thấy rõ rằng chủ nghĩa Mác Lênin quá lạc hậu, quá cũ, khiến Giáo Sư Lý Chánh Trung đã phải lên tiếng: "Triết thuyết Mác-Lênin bây giờ đọc rất buồn cười; đấy là những môn thầy không muốn dạy, trò không muốn học". Sau khi lược kể những văn kiện chỉ dẫn quản lý giáo dục trên đây, chúng ta thử xem những hệ quả về tình trạng giáo dục đã được bộ Giáo Dục và Đào tạo trình bày như thế nào và được các nhân vật có trách nhiệm nhận xét ra sao.

I - Từ những tiếng nói chính thức.
A -Báo cáo xuất phát từ Bộ Giáo Dục và Đào Tạo cuối niên khóa 2003-2004 cho biết:
1/ Trên lý thuyết, giáo dục nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện... có tư duy sáng tạo để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
a/ về giáo dục mầm non: vào năm học 2003-2004 tuy đã có gần 2.6 triệu trẻ em theo học ở hơn 10.000 cơ sở giáo dục, số trẻ em 5 tuổi học mẫu giáo chiếm 90% số trẻ em trong độ tuổi, nhưng tỷ lệ ra lớp mẫu giáo ở các vùng khó khăn vẫn còn thấp. Trở ngại lớn nhất là đội ngũ giáo viên còn thiếu so với định mức, nhiều giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn; phòng học và học cụ còn rất thiếu thốn.


b/ Về ngành giáo dục phổ thông: trong 5 năm qua(2000-2004), tổng số học sinh phổ thông, riêng năm học 2003-2004 là 17.6 triệu. Kiến thức xã hội và kỹ năng thực hành và vận dụng kiến thức , độc lập và sáng tạo của đa số còn non yếu. Đội ngũ giáo viên phổ thông vẫn ở trong tình trạng "vừa thiếu, vừa thừa", còn ở trình độ thấp so với nhu cầu đổi mới, sa sút về đạo đức nghề nghiệp, cạnh bên nghề còn phải làm kinh tế để tồn tại. Tổng số học sinh trung học chuyên nghiệp là 1.5 triệu, quy mô dạy nghề dài hạn, kiến thức chuyên nghiệp còn thấp so với đòi hỏi thị trường lao động.
c/ Giáo dục đại học niên khóa 2003-2004 có hơn 1.03 triệu sinh viên, gần 33.000 học viên cao học. Với số lượng khoảng 40.000 giáo sư trình độ thấp, chỉ đạt được 45% trình độ thạc sĩ trở lên, phần đông đã cao tuổi. Công tác quản lý yếu kém, điều kiện bảo đảm chất lượng còn rất thấp, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, điều kiện tổ chức thực hành, thực nghiệm còn rất hạn chế dẫn đến tình trạng "học giả, bằng thật".


Về mặt nội dung kiến thức, Bộ Giáo dục đào tạo tự đánh giá như sau: Nhà trường phổ thông vẫn chưa khắc phục được tình trạng thiêng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Chất lượng đào tạo đại trà(số lượng) của giáo dục nghề nghiệp và đại học còn thấp, người học thiếu cố gắng, thiếu trung thực trong học tập khá phổ biến, khả năng sáng tạo, năng lực thực hành, giải quyết độc lập các vấn đề còn yếu. Ở tất cả các cấp, cách dạy, cách học chủ yếu vẫn là truyền thụ một chiều, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa phát huy được tinh thần tự học và tư duy sáng tạo của người học." Nhưng với phong cách truyền thụ một chiều thì làm sao có sáng tạo? Đấy là vấn đề. Do đó tư duy giáo dục bị bế tắc, không có đường phát triển.


B - Bản báo cáo của Bộ Giáo dục đào tạo đưa lên Quốc Hội. Ủy Ban Văn Hoá, Giáo dục, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội, sau khi làm việc với Bộ Giáo dục đào tạo thì đã có một cuộc họp khoáng đại vào các ngày 14-15 tháng 9 năm 2004, để thảo luận và thông qua như sau:
1/ Nhận xét tổng quát: Theo Quốc Hội thì công tác quản lý Nhà Nước về giáo dục trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những thay đổi trong giáo dục nhiều năm qua thường chạy theo những vấn đề cụ thể, mang tính giải quyết tình thế, thiếu sự đồng bộ. Cơ quan quản lý giáo dục cấp trung ương chưa tập trung vào việc nghiên cứu, dụ báo, để Nhà nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy trong lĩnh vực giáo dục, mà vẫn còn theo kiểu tập trung quan liêu, cơ chế xin cho, sa quá nhiều vào các sụ vụ hành chánh, thay chức năng của các cơ sở giáo dục.



2/ Đánh giá tình trạng: Từ trước đến nay không có cơ quan chuyên trách đánh giá chất lượng giáo dục. Chỉ căn cứ vào các kỳ thi để đánh giá kết quả học tập, chưa có được những kết quả điều tra xã hội để đánh giá cụ thể từng mặt.. lối học khoa cử còn nặng nề, giáo dục chỉ chú ý đến kiến thức nhằm ứng phó với các kỳ thi, chưa chú trọng đến công tác xây dựng tư duy sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, chưa chú trọng đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, lối sống, động cơ học tập cho học sinh, sinh viên, đưa đến sự tụt hậu giáo dục so với thế giới. Năng lực của hệ thống giáo dục chưa thích ứng được với nhu cầu đổi mới kinh tế và xã hội, hội nhập quốc tế và phát triển con người ở thế kỷ 21.


3/ Đánh giá nội dung chưng trình: Nhìn chung nội dung chương trình thiếu cập nhật kiến thức mới, do đó chưa hội nhập được với trình độ giáo dục thế giới, giáo trình thiếu và lạc hậu, tỷ lệ thời gian dành cho các môn học chưa hợp lý. Mô hình giáo dục đại học chậm đổi mới, chưa liên thông được với các trường đại học khu vực, nói gì đại học các quốc gia cấp tiến! Phương pháp dạy học mới đòi hỏi giáo viên phải sử dụng học cụ, phải làm thí nghiệm, vậy mà cứ sử dụng phương pháp thảo luận, quy nạp.. Các điều kiện để chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục, để tiếp cận với giáo dục khu vực và quốc tế còn bất cập.


Đội ngũ giáo chức đã lên đến gần một triệu người, nhưng cơ cấu đội ngủ chưa được đảm bảo, công tác bồi dưỡng thường xuyên để cập nhật kiến thức chưa được quy định thành chế độ bắt buộc, nên vẫn chỉ dạy theo phươung pháp thuyết giảng, ít thực nghiệm và hầu như không bám vào thực tế.
4/ Nguyên nhân những ngưng trệ nói trên: Trong những năm đổi mới, sự phân hóa giàu nghèo, sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, sự chưa hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập. Nguyên nhân sâu xa ở đây có lẽ không phải là do Việt Nam "đất chật người đông" mà chính là ở nhận thức về chính sách đầu tư, chưa dự báo được yêu cầu nguồn nhân lực ở thế kỷ 21.


II - Phản ứng của các chuyên gia..
Phản ứng trước tiên là thất vọng và bất mãn trước một thực trạng rất thê thảm không tài nào sửa đổi được trong hiện tình chính trị hiện nay.
1/ Những phát biểu liên quan đến việc giảng dạy môn triết học Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Theo nhóm Nghiên cứu Giáo dục Hà Nội, khó mà không đồng ý rằng ngành Giáo dục Việt Nam đang để mặc tuổi trẻ phát triển vu vơ, không định hướng. Quyết định mới nhất của Bộ Giáo dục ký ngày 23/2/2004 bắt buộc các sinh viên toàn quốc phải thi tốt nghiệp ba môn thuộc các phần trong đó phần chính là Khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các môn học của bộ môn này gồm có: triết học Mác - lênin, kinh tế chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh. Quyết định có hiệu lực từ ngày 9/3/2004. Ở Đại học Việt Nam, tất cả các môn có tính bắt buộc, học sinh không có quyền tự chọn, phải học tất cả mọi thứ đã dọn sẵn trong giáo trình. Chương trình về chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa xã hội, lịch sử Đảng chiếm 203 giờ, bằng 9% chương trình.(Vũ Quang Việt. Hà Nội. 25/11/2004).


Một chuyên viên khác tại quốc nội cho rằng việc đưa những môn này thành những môn bắt buộc trên toàn quốc là phản tiến bộ về phương diện giáo dục, đi ngược lại với các mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế, lãng phí thời gian và tiền bạc của quốc gia, là tước bỏ quyền được học những môn học thiết thực nhằm đáp ứng đòi hỏi xây dựng đất nước. Đấy là cố tình quay lưng lại với thực tế xã hội, với các yêu cầu của đất nước.(Quốc Việt. Hà Nội. 25/11/2004.).
Thạc sĩ Phạm Hồng Hoa nói tiếp: Có những lúc tôi phải đối diện với sự thật xã hội, như biến cố của Liên Xô cũ trước đây cũng có tác động ít nhiều vào nhận thức xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản triết học Mác -Lênin không có gì thay đổi...Tiếp cận khoa học không có nghĩa là chỉ chấp nhận những kiến thức đã(được cho là)hoàn thiện mà phải không ngưng bổ sung để sinh viên trong quá trình học luôn luôn tìm tòi, khám phá những cái mới.(Phạm Hồng Hoa, Giảng viên đại học Khoa Học xã hội và Nhân văn).
Giáo sư Trần Ngọc Vượng, trong bài Lý luận phê bình văn học nói: Trong kinh tế-chính trị học, các giảng viên có chút suy nghĩ riêng không còn thao thao một chiều về lý luận kinh tế XHCN với đặc điểm ưu việt quan trọng nhất là "Quản lý tập trung có kế hoạch" nữa. Trong khung khổ các giáo trình triết học, phần khó dạy nhất là phần " chủ nghĩa xã hội khoa học"... phần lý luận về phương pháp sáng tác hiện thực xã hội - rồi đến sáng tác hiện thực chủ nghĩa nói chung - cũng, nói đơn giản theo dân gian, là sẽ được lặng lẽ "lờ" đi. (Talawas Forum,29/11/2004).


2/ Sự thật về học vị và văn bằng.
Hơn 20 năm qua, người ta xem Giáo sư và Phó giáo sư là học hàm Nhà nước phong chứ không phải là một tên gọi của người làm việc giảng dạy có trình độ Đại học. Đã có khoảng 75% GS và PGS công tác ở các cơ quan, kể cả hành chính mà không giảng dạy Đại học. Hiện nay con số GS và PGS tại Việt Nam là 6.384 người, trong số này không biết có bao nhiêu người không đọc được một tờ báo ngoại ngữ, chứ chưa nói đến chuyện giao tiếp với các nhà khoa học. Còn số lượng tiến sĩ, VN hiện có khoảng 20 ngàn người. Quy mô đào tạo dự tính đến 2010 sẽ có thêm 38.000 thạc sĩ và 15.000 tiến sĩ nữa! Xem ra thì nền giáo dục nước ta phát triển hơn nhiều nước trong khu vực. Nhưng thực trạng như thế nào thì sẽ nhận thấy tại chỗ khi xem các văn bằng, chứng chỉ học vị được ban phát như thế nào!



3/ Sự thật về ngành quản lý giáo dục.
Giáo sư Cao Xuân Hao khi làm phản biện chứng cho một luận án Tiến sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học dài 380 trang đã có thư lên Bộ Giáo dục như sau:" Là tiến sĩ thì phải hơn một học sinh trung học. Nghiên cứu sinh này không bằng một học sinh lớp 3 thì làm sao trở thành tiến sĩ? Thế nhưng Bộ vẫn cho nghiên cứu sinh này được bảo vệ và còn phái 3 "ngôi sao sáng"(sic) trong làng ngôn ngữ học VN ngồi vào hội đồng với sứ mệnh là phải cứu thí sinh này bằng mọi giá! G.S. Nguyễn Thiện Tống, trường đại học Bách Khoa mỉa mai: Thật ngược đời khi có những người không có trình độ cả về chuyên môn và đạo đức lại ngồi trong hội đồng để đánh giá người có trình độ hơn mình!".
4/ Sự thật về cơ cấu giáo dục.


Hệ thống giáo dục Việt Nam đại lược như sau: sau lớp mầm non và cấp tiểu học 5 năm là trung học cơ sở 4 năm, tiếp theo 3 năm nữa là trung học phổ thông. Trung học phổ thông + 4 năm nữa là Đại học (Y khoa thêm 3 năm). Trung học phổ thông + 3 năm nữa = Trung học Cộng đồng. Trung học phổ thông + 2 năm nữa là Trung học chuyên nghiệp. Tại cấp trung học, việc phân ban ở cấp 3 dường như chỉ để chuẩn bị cho bậc đại học, trong khi đa số học sinh phải ngưng lại ở đó để ra đời kiếm việc. Trung học chuyên nghiệp trong nhiều năm qua dù đã tạo ra được 1.5 triệu chuyên nghiệp nhưng không đáp ứng được nhu cầu việc làm khi học sinh tốt nghiệp xảy ra nạn " giở thày giở thợ", vì phụ huynh vốn muốn đưa con em tiến lên bậc đại học như một viễn mơ không thực tế.

Vấn đề là làm sao đưa hàng triệu học sinh tốt nghiệp trung học mỗi năm vào sản xuất, đấy là điều rất đáng quan tâm.
Tại cấp đại học, VN bị ảnh hưởng sâu xa của đại học Liên Sô, trong khi tổ chức giáo dục của chính Liên Bang nga hiện nay đã thay đổi tận gốc theo kinh nghiệm Âu -Mỹ. Nhìn chung, nền giáo dục VN vừa có khuynh hướng bao cấp về phương diện chỉ huy, về mặt tư tưởng và đồng nhất, mặt khác vì thiếu khả năng quản trị và tài chánh lại "buông thả" để hình thành các loại tư thục, bán công và dân lập làm cho nền giáo dục VN có khuynh hướng thương mại hóa, ngày càng tha hóa, trong khi tổ chức giáo dục chỉ nên có hai loại: Công lập và tư thục. Song làm thế nào khi điểm đặc biệt trong tổ chức giáo dục VN hiện nay là một cơ chế Đảng hiện diện và nắm toàn quyền từ tiểu học đến đại học? Trong văn kiện Pháp quy Giáo dục ghi rõ tại điều 52 như sau:" Tổ chức đảng cộng sản Việt Nam trong trường đại học tư thục lãnh đạo nhà trường, đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đội Thiếu niên tiền phong HCM, và Sao Nhi đồng HCM hoạt động trong trường theo điều lệ đoàn và theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo..."


III - Từ giới chức đại học và sinh viên:
1/ Về thời lượng và ngân sách. Theo giáo sư Nguyễn Đình Trí, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc đào tạo gia tăng, nhưng phương tiện giáo dục vẫn không thay đổi: với trung bình 1,177 giờ/năm, thày nào còn có thời giờ để nâng cao kiến thức, lại còn phải đua nhau dạy kèm, dạy thêm để thêm lợi tức: dạy tư nhiều khi là "dạy chính", thế mới khổ! Theo sự tiết lộ từ nghiệp đoàn giáo dục thành phố Sài Gòn, số giáo viên lương tháng dưới 1 triệu đồng(vào khoảng 60 USD) chiếm 60%. Giáo viên mới ra trường lãnh lương từ ngân sách, mỗi tháng chỉ 516,200 DVN (35 USD).

Ngân sách giáo dục năm 2000 là 14.5 tỷ DVN, chiếm 15% ngân sách quốc gia. Năm 2004 ngân sách giáo dục là 34.4 tỷ DVN, chiếm 17.1%.
2/ Về chất lượng giáo dục, nhóm nghiên cứu Cải Cách Giáo Dục, Hà Nội cho biết: Từ cả chục năm nay.. chương trình và phương pháp dạy lạc hậu, thi cử nặng nề, dạy thêm, học thêm tràn lan, sách giáo khoa chưa tốt, ít nhiều hiện tượng gian dối làm xói mòn niềm tin và hiệu quả giáo dục...những yếu kém bất cập đã từng được chỉ ra từ lâu nhưng vẫn chưa được khắc phục, thậm chí còn trở nên gay gắt hơn, biến thành những căn bệnh trầm kha, những ung nhọt nguy hiểm khó lường.(Hoàng Tụy).
3/ Vào ngày 15/11/04 đài RFA đã phỏng vấn một số bạn trẻ:
Hỏi: Lượng kiến thức mà học sinh phải tiếp nhận thì nhiều, lại đi học kèm thêm, vậy mà cuối cùng chất lượng giáo dục vẫn thấp, bạn nghĩ sao? Đáp: Ở Việt Nam mình, dạy học vẫn theo lối thầy nói gì trò biết thế, cấm không được nghĩ khác đi, không được đào xới, thảo luận để tìm hiểu thêm. Học kiểu đó vừa mệt, vừa mất thời giờ, lại không hiệu quả.

Hỏi: Giữa lúc chính quyền nỗ lực cải cách giáo dục, bạn thấy liệu ngành giáo dục có thể tốt hơn không?
Đáp: Khó lắm. Vì ngành giáo dục vẫn như con chim trong lồng. Cái quan trọng là phải phá bỏ được những rào cản về mặt xã hội(chính trị?) mới có thể phát triển về mặt giáo dục được.
Hỏi: Nói như thế có phải bạn bi quan quá không? Đáp: Không phải bây giờ người ta mới nói đến cải cách, mà đã từ mười lăm năm nay: cải cách trong thi cử, cải cách giáo khoa, phân ban, trường chuyên, lớp chọn..đủ cả, đều không được. Tất cả đều đưa đến ngõ cụt.
Hỏi: Nghĩa là bạn chưa thấy lý do gì để lạc quan về giáo dục Việt Nam phải không? Đáp: Với bối cảnh Việt Nam hiện nay thì nói đúng hơn là không bao giờ chấn hưng được giáo dục.
(RFA-Việt Long, Giới Trẻ nghĩ gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay? 15/11/2004).

4/ Trong một cuộc hội thảo gồm toàn những nhà giáo tên tuổi Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội ngày 6/3/2004 với chủ đề:"Căn bệnh nan y của nền giáo dục đào tạo nước nhà", các ý kiến đều thống nhất:" Trạng thái của nền giáo dục VN hiện rất không bình thường và cần phải tìm ra u nhọt chính để giải phẫu mới mong cứu vãn. U nhọt rất nhiều vì nó đã tồn tại cả mấy thập kỷ, mà hiện nay vẫn còn đang được điều hành, lãnh đạo của "những cái đầu ưu việt". Luật sư Nguyễn Ngọc Bích, tại Sài Gòn, trong một bài phân tích về giáo dục hiện hành đã giải thích những diễn biến như sau:
- Chủ trương: Khi Đảng nắm chính quyền thì phải nghĩ đến việc giáo dục học hành.
- Hậu quả: Đường lối giáo dục nặng về chính trị, nhẹ về nhân bản nhân sinh.
- Chủ trương: Người ấn định đường lối là chính trị gia.
- Hậu quả: Giáo dục bị chính trị hóa, chương trình đồng nhất trên cả nước. Kiểm soát kỹ càng.
-Chủ trương: Chọn người thực hiện theo sự tin tưởng vào lòng trung thành, không dựa trên tài năng.
- Hậu quả: Người tài năng bị loại bỏ, người ít tài được trọng dụng.
- Chủ trương: Giáo dục phải ưu tiên dành cho người thuộc giai cấp của mình.
-Hậu quả: Loại bỏ sinh viên tài năng. Kỳ thị trong tuyển sinh, làm thui chột tinh hoa của xã hội.
- Chủ trương: Thày không xuất sắc, lại hay sợ sai lầm về chính trị nên sao chép chương trình, không chọn lựa.
- Hậu quả: Chụp mũ chính trị cho bất cứ sáng kiến, đề nghị nào có khả năng phá chuẩn mực."
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Sài Gòn: Bản phân tích về việc giáo dục.." Tháng 11/2004.

Kết luận:
Ông Lê Đăng Doanh, vào cuối tháng 11 năm 2004, trong bài thuyết trình cho bộ chính trị đã có lời tuyên bố mà chúng ta có thể dùng để kết luận bài trình bày tình trạng giáo dục tại Việt nam như sau:
" Hệ thống chính trị của chúng ta nhìn vào thấy là đảng dày đặc luôn. Chính phủ có bộ nào, cục nào, Đảng có hết tất cả thứ ấy. Lại thêm có bộ máy gọi là tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng: nói rằng tôi đại diện quần chúng, nhưng một nghiên cứu nước ngoài nó nói rõ đấy là những người mạo danh tổ chức quần chúng, thực sự là cánh tay nối dài và là cái loa của đảng cộng sản, không phải là đại diện gì cả và toàn bộ chuyện đó là chuyện vô duyên luôn, không có ý nghĩa gì hết trong việc phản ảnh tình hình, bảo vệ lợi ích".

Giới trẻ Việt Nam đã lớn lên trong một nền giáo dục thiếu vắng những nguyên tắc căn bản như sự trung thực và sáng tạo. Hệ thống giáo dục hiện nay dạy họ thỏa hiệp với cái giả dối. Miệng nói một đàng theo chủ trương từ trên xuống dưới cho yên thân, đầu óc thì lại nghĩ khác. Tôi có dịp đặt một câu hỏi qua mạng lưới về vấn đề giáo dục trong nước, một người trẻ trạc 25 tuổi vừa xuất thân đại học trả lời:" Lớp trẻ chúng cháu (từ 75 về sau) đã trở thành một lũ vô tích sự về tinh thần" rồi, không biết có phải vì đường lối giáo dục ở trường...hay vì "tinh thần của thế hệ" mà hầu như không có một đứa nào (kể cả dân báo chí, lịch sử chuyên nghiệp) có thể cảm nhận một cách sâu sắc những vấn đề đã được bác đặt ra. Có lẽ vì cháu có được chút may mắn (vì là "con ngụy" chăng?) nên hầu như những vấn đề ông nói tôi ít nhiều đã hiểu được. Còn bảo rằng bọn trẻ chúng cháu hiện nay không có lý tưởng là không đúng. Cháu biết một số người bạn cháu vẫn mong muốn được giúp dân giúp nước, chỉ có điều không biết khả năng bọn cháu có thể làm được tới đâu... Cháu không phải thuộc hạng người quan tâm đến chính trị, nhưng cháu cảm thấy mình không có tự do để lựa chọn hệ tư tưởng để theo, và cứ bị bắt buộc phải ca tụng một cách sáo mòn cái chủ thuyết mà cháu không cảm thấy đồng ý với nó... Cháu cảm thấy mình bị nhồi sọ nhiều quá, và đó là điều đáng ghét, nhưng làm sao được?.."(Hai Con Nhện Trên Mạng Lưới. Bửu Sao.2001.trang 158 sq).
  

No comments: