Saturday, September 8, 2012

NHUỆ HỒNG * NHẤT HẠNH

NHUỆ HỒNG NÓI VỚI NHẤT HẠNH





Nhuệ Hồng



LỜI DẪN: Thiền Sư Nhất Hạnh đối với chúng tôi là chỗ thân tình. Các em trai và em dâu tôi đều tình nguyện xung vào ban phát hành và phổ biến tác phẩm của Thầy. Các văn hữu và chiến hữu thân thiết nhất của tôi như Tịnh Liên Nghiêm Xuân Hồng và Vũ Khắc Khoan đều ngưỡng mộ Nhất Hạnh. Trước khi là đệ tử của Lý Đông A, hai vị đã nghiên cứu và tin theo đạo Phật. Trong hơn ba thập niên cùng hoạt động về văn hóa và chính trị, tôi thường thấy hai vị ca ngợi chính khí Lý Đông A, ngâm thơ Hồ Trường và khen văn Nhất Hạnh (Trong khi Nguyễn Đức Quỳnh chỉ thích đọc văn Nhuệ Hồng một mạch từ đầu chí cuối). Sau này, cũng như Nhất Hạnh, Tịnh Liên là thiền sư viết sách và thuyết giảng Kinh Phật.

     Cách đây 25 năm, tại Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn, tôi có cơ duyên hợp tác với Thầy trong việc thành lập cơ sở Lá Bối. (Đầu thập niên 70 nhà xuất bản Lá Bối nhận ấn hành cuốn Xử Án Vương Thúy Kiều của tôi, nhưng sách chưa in xong thì Saigon thất thủ).

     Trong thời gian cư trú tại Vùng Vịnh, Thầy thường thuyết giảng thiền học bằng quan niệm tỉnh thức. Trong những buồi họp mặt này lần nào cũng có Cha Kim Định là người chủ xướng thuyết An Vi của Việt Nho. Là nho sĩ theo quan niệm thiên hạ đồng quy, tôi cũng chủ trương tam giao đồng tôn (Phật, Chúa và Khổng Mạnh). Tôi thích văn Nhất Hạnh trong sáng, diễn giảng bình dị những vấn đề tâm linh u ẩn.

     Nhưng rồi Cha Kim Định đã vĩnh viễn ra đi. Thầy Nhất Hạnh cũng sang Pháp hưởng thú vui sớm Mai tối Mận cùng các đệ tử và đạo hữu thân thương. Nếu Nghiêm Xuân Hồng đã viết Luyến Ái Quan thì Nhất Hạnh cũng viết sách ca ngợi tình yêu.

     Trong thời gian tiếp xúc tôi thấy Thầy hay lên tiếng phủ nhận chủ thuyết Cộng Sản, dầu rằng trong thập niên 60 Thầy theo phe phản chiến.

     Sau một phần tư thế kỷ, đầu năm nay, tôi lại thấy Thầy thuyết giảng thiền học tại quê nhà. Thầy đã hướng dẫn nhiều khóa tu thiền, phổ biến quan niệm tỉnh thức để phát huy nguồn tuệ giác cho một số phật tử trong và ngoài nước. Trang nhà Tiếp Hiện cho biết Thầy đang trong quá trình quan sát và lắng nghe những nguyện vọng của phật tử. Thầy đã đạo đạt lên nhà cầm quyền 6 điểm đề nghị để khai triển chính sách mệnh danh là đổi mới hay cởi mở của Đảng Cộng sản. Ngoài ra Thầy còn đề nghị 7 điểm về chính sách của nhà nước đối với Phật Giáo.

     Tôi đọc bản đề nghị của Thầy hơn 10 lần mới đặt bút viết những giòng này. Tôi có cảm tưởng đây không phải là bản đề nghị của Thầy mà là bản công bố lập trường của nhà nước.

     BẤT ĐỒNG NHI HÒA

     Trong 6 điểm đề nghị về chính sách cởi mở của Đảng Cộng sản có 4 điểm (1,2,3 và 6), đề cao chủ nghĩa dân tộc, sự nghiệp giải phóng dân tộc, văn hóa truyền thống dân tộc, bản sắc dân tộc, cội nguồn dân tộc, nếp sống ân nghĩa của dân tộc v...v...

     6 điểm đề nghị có thể được hiểu và đọc như sau: (Các chữ trong dấu ngoặc [ ] là của Nhuệ Hồng). Điểm 1 “Người Cộng sản Việt Nam [chúng ta] cảm thấy thoải mái trong nếp sống văn hóa truyền thống dân tộc.”

     Điểm 2: “người Cộng sản Việt Nam [chúng ta] ý thức rằng cây có cội, nước có nguồn, và tổ tiên là nguồn gốc của mình, từ đó mình tiếp nhận được rất nhiều tuệ giác và kinh nghiệm.”

     Điểm 3: “Người Cộng sản Việt Nam [chúng ta] cảm thấy thoải mái khi thắp một cây hương ở Đền Hùng, trên bàn thờ tổ tiên, và trước các đài kỷ niệm liệt sĩ. [Hành vi này] biểu tượng cho sự quí mến cội nguồn và nếp sống ân nghĩa. [Đền Hùng và ] Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh biểu tượng cho cội nguồn và ân nghĩa ấy.”

     Điểm 6: “Người Cộng sản Việt Nam [chúng ta] cảm thấy thoải mái sống chung với tất cả các truyền thống văn hóa có khuynh hướng dân tộc hóa đã du nhập từ lâu hay mới du nhập, không phân biệt danh hiệu, tôn giáo, chủ thuyết hay ý thức hệ [kể cả ý thức hệ Cộng sản].

     Trong các điểm 4 và 5 Thầy trình bày một quan niệm mới về đạo Phật.

     Điểm 4: “Người Cộng sản Việt Nam [chúng ta] thấy rằng cốt tủy của đạo Phật không phải ở phần tôn giáo tín ngưỡng mà là nguồn trí tuệ siêu việt có khả năng bao dung, xóa bỏ hận thù, không phân biệt k&ygrave; thị, đem lại hòa giải [hòa hợp], kiến tạo hòa bình, và làm nên bản sắc văn hóa dân tộc”.

     Điểm 5: “Người Cộng sản Việt Nam [chúng ta] cảm thấy thoải mái không kỳ thị đối với những người tự cho là theo Phật Giáo nhưng chỉ biết cúng lễ cầu xin. Và người Cộng sản Việt Nam thấy mình được may mắn hơn và được sử dụng nguồn tuệ giác [trí tuệ] để có thêm sức mạnh vượt thắng mọi khó khăn và thành tựu các sự nghiệp của mình “.

     Trong Nghị Quyết 36 ban hành tháng 3-2004, Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản kêu gọi mọi người phổ biến rộng rãi chính sách đổi mới của Đảng với các khẩu hiệu tuyên truyền chiến lược y chang như bản đề nghị của Thầy. Đặc biệt đề cao sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước để biện minh cho sự chính thống hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

     Về sự nghiệp giải phóng dân tộc của Đảng CS tôi xin tường trình một vài sự thật lịch sử có lẽ Thầy chưa biết.

     Kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, cũng như Anh Mỹ và Hà Lan, Đế Quốc Pháp bắt đầu tự giải thể. Năm 1946 Pháp trả độc lập cho Syrie và Liban. Và năm 1949 tại Điện Élysée Paris, Tổng Thống Pháp Vincent Aureol ký 3 hiệp định với các Quốc Vương Việt Nam, Ai Lao và Cao Miên để trả độc lập cho Việt Nam (8 tháng 3-1949), cho Ai Lao (20 tháng 7-1949), và cho Cao Miên (8 tháng 11-1949). Ngay từ 1947, Tổng thống Pháp đã yêu cầu Liên Hiệp Quốc đăng ký 3 nước Việt Miên Lào là những quốc gia độc lập. (Xin coi Everyone’s United Nations năm 1986, trang 332).

     Tại Saigon, ngày 23-4-1949, Quốc Hội Nam Kỳ biểu quyết giải tán chế độ Nam Kỳ Tự Trị để sát nhập lãnh thổ Nam Phần vào Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. (Xin coi Nguyễn Khắc Ngữ: Bảo Đại, Các Đảng Phái Quốc Gia và sự thành lập chính quyền quốc gia hay tham khảo tại các văn khố Pháp).

     Mặc dầu vậy, Đảng Cộng sản đã phủ nhận Hiệp Định Élysée vì Hiệp Định này không cho họ độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và Đảng CS đã vận dụng sự yểm trợ của Liên Xô và Trung Quốc để tiếp tục chiến đấu võ trang trong suốt 30 năm. Từ 1949 Chiến Tranh Việt Nam không còn là chiến tranh giải phóng dân tộc, mà là chiến tranh ý thức hệ giữa Quốc Tế Cộng Sản và Thế Giới Dân Chủ (như Chiến Tranh Triều Tiên). Trên bình diện dân tộc đây là cuộc chiến tranh vô ích, vô lý và vô nghĩa. Và 3 triệu thanh niên nam nữ đã phải hy sinh thân sống, không phải để giành độc lập cho quốc gia, mà để cho Đảng Cộng sản cướp chính quyền. Như vậy theo tôi, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản không có công giành độc lập và thống nhất đất nước.

     Về đường lối tuyên truyền dối trá của Đảng Cộng sản, Thầy nên đọc cuốn Nhật Ký của Trần Độ với những nhận định như sau:

     “Đặc điểm bao trùm của chế độ chính trị xã hội này là nói một đàng làm một nẻo. Nói thì dân chủ vì dân, mà làm thì chuyên chính phát xít, nghĩa là nói dối, nói láo, lừa bịp, nói vậy mà không phải vậy. Đặc điểm này tạo ra một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, Đảng dối lừa, cán bộ dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, giáo dục giả dối, đến gia đình cũng lừa dối... Các vị lãnh đạo nói nhiều điều tốt đẹp là nói theo dân mà thôi. Dân căm ghét tham nhũng thì lãnh đạo hò hét “kiên quyết chống tham nhũng”. Dân yêu cầu dân chủ thì lãnh đạo thêm chữ dân chủ vào khẩu hiệu [tuyên truyền] chiến lược. Nhưng nói thêm chữ thì chưa có ý nghĩa gì. Vì ta vốn nói một đàng làm một nẻo. Người trí thức và người dân chỉ thấy những lời nói tốt đẹp kia là vô nghĩa...”

     Về chính sách của nhà nước đối với Phật Giáo, Thầy yêu cầu nhà nước tách rời giáo quyền ra khỏi chính quyền “vì giáo quyền và chính quyền là hai lãnh vực riêng biệt không có quyền can thiệp vào nhau.” Thầy than phiền rằng trong thời gian qua Phật Giáo đã làm nhiều điều đáng tiếc gây khó khăn cho nhà nước. Rồi đề nghị các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ cộng tác với chính quyền trong chức vụ cố vấn về lập pháp và hành pháp. Thầy công nhận Pháp Lệnh Tôn Giáo 2004 có những điểm tích cực cần khai triển. Thầy coi việc hợp nhất hai giáo hội Phật Giáo Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất là điều nên làm và có thể làm được. Thầy nhận định rằng tham nhũng là một tệ nạn thông thường, phổ biến trong chính quyền cũng như trong giáo hội. Đối với Thầy, Giáo Hội Phật GiáoViệt Nam Thống Nhất là một thực tại hay thực thể. Nhưng lại hy vọng rằng các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ rồi đây cũng sẽ được thoải mái [như Thiền Sư Nhất Hạnh], và sẽ được tự do đi lại, tự do truyền giáo và hành đạo.

     Trước hết tôi xin minh định về sự khác biệt giữa Nhà Nước và Giáo Hội. Giáo Hội chỉ là một hội đoàn (hội tôn giáo) trong xã hội công dân, cũng như các hội chính trị (chính đảng) và các hội dân sự như các công đoàn, nghiệp đoàn, các hội văn hóa gíao dục, kinh tế xã hội, ái hữu tương tế, từ thiện nhân đạo v...v... Đây là những tập hợp của tư nhân không có quyền lực quốc gia. Theo truyền thống Đông Phương, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam không bao giờ đòi thiết lập hay sử dụng “giáo quyền”.

     Trong khi đó nhà nước là một tổ chức công quyền với đầy đủ quyền lực quốc gia gồm có các cơ quan chính quyền, quân đội, công an, tòa án, luật pháp, ngân sách, nhà tù v...v...

     Từ thế kỷ thứ 18, theo đề nghị của Thomas Jefferson, tác giả Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ;, nguyên tắc biệt lập giữa tôn giáo và nhà nước được đưa vào luật pháp. Chiếu nguyên tắc này, nhà nước không được can thiệp, kiểm soát, hay giám sát các giáo hội, đặc biệt là không được thành lập các giáo hội quốc doanh (như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam) để tước đoạt tư cách pháp nhân của các giáo hội dân lập đã sinh hoạt từ trước (như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất). Trên thực tế, với quyền giám sát của nhà nước, sự hợp nhất với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam chỉ là sự giải thể Giáo Hội Phật GiáoViệt Nam Thống Nhất.

     Nguyên tắc biệt lập giữa tôn giáo và nhà nước còn có nghĩa là giáo hội được sinh hoạt tự trị. Và Đảng Cộng sản không được dùng các tổ chức ngoại vi như Mặt Trận Tổ Quốc để can thiệp, kiểm soát và giám sát các hoạt động của giáo hội. Điều đáng lưu ý là trong khi nhà nước không được can thiệp vào giáo hội (chiếu nguyên tắc sinh hoạt tự trị của giáo hội) thì trái lại, giáo hội (hội tôn giáo) cũng như các hội chính trị và hội dân sự khác trong xã hội công dân, vẫn có quyền và có nghĩa vụ can thiệp vào các hoạt động và chính sách của nhà nước. Mục đích để ngăn ngừa và chống lại độc tài, tham nhũng, bất công và bất lực. Các tệ nạn này rất dễ xảy ra khi không có kiểm soát và chế tài. Chính quyền không phải của nhà cầm quyền hay của đảng cầm quyền.

     Đó là quan niệm Thiên Hạ Vi Công hay Dân Chủ Pháp Trị. Ngoài tư cách tín đồ, giáo dân còn có tư cách công dân để phê phán, đàn hạch hay truất phế những kẻ đại diện bất xứng của họ trong bộ máy nhà nước. Theo Lincoln, chính quyền phải là “của dân, do dân và vì dân”. Mạnh Tử cũng quảng bá thuyết “quí dân khinh vua”, lấy dân làm trọng, nhà nước là thứ yếu và coi nhẹ chính quyền, ai được quốc dân tín nhiệm sẽ được cử làm nguyên thủ quốc gia. (Dân vi quí, xã tắc thứ chi, quân vi khinh, đắc hồ kỳ dân nhi vi thiên tử).

     Do đó chúng ta không thể chấp nhận chủ trương của Đảng Cộng sản theo đó nếu nhà nước không can thiệp vào giáo hội, thì giáo hội cũng không được can thiệp vào nhà nước!

     Trong đề nghị 7 điểm về chính sách tôn giáo của nhà nước, Thầy kể lại các thành tích của chuyến về thăm và thuyết giảng của Thầy tại các trường hành chánh, chính trị quốc gia, và tại trụ sở Ủy Ban Về Người Việt Nam ở Nước Ngoài là cơ quan phụ trách thực thi Nghị Quyết 36 hay Chính Sách Kiều Vận của Bộ Chính Trị Đảng Cộng sản. Những thành tích của Thầy trong việc hàn gắn, trị liệu nuôi dưỡng hạnh phúc cho phật tử từ Bắc chí Nam, nếu có, thì do đâu mà có ? Ai cũng biết mới đây Việt Nam bị liệt vào thành phần các quốc gia “cần đặc biệt quan tâm về vấn đề tự do tôn giáo”, nghĩa là một quốc gia thường xuyên và thô bạo vi phạm tự do tôn giáo. Ngày nay Đảng và Nhà Nước quảng bá chuyến đi của Thầy để ngụy tạo bằng chứng cho rằng họ vẫn tôn trọng tự do tôn giáo, và xin quốc tế đừng lên án và chế tài họ. Trong khi Thầy được tự do đi lại từ Bắc chí Nam thì các Hòa Thượng Huyền Quang, Quảng Độ không được phép đi thăm nhau để vấn an sức khỏe của nhau vì các vị bị trách cứ tàng trữ bí mật nhà nước. Phải chi các Hòa Thượng chịu theo gương Thầy hòa hợp với nhà nước, quảng bá chính sách của nhà nước, và xác nhận nhà nước không đàn áp tôn giáo, không chủ trương tham nhũng (vì tham nhũng là một hiện tượng phổ biến ở khắp mọi nơi). Thầy khuyến cáo các Hòa Thượng đừng gây khó khăn trở ngại cho nhà nước nữa, đừng làm những điều đáng tiếc nữa, đừng kêu gọi suông hay phản đối tiêu cực nữa. Các Hòa Thượng chỉ cần tán thành ý kiến ông Phan Văn Khải: “Nếu Chùa Một Cột chỉ có một cái cột thì Phật Giáo cũng chỉ nên có một giáo hội mà thôi!” Đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Giáo hội này được gọi là quốc doanh vì thuộc quyền giám sát và quản trị của Mặt Trận Tổ Quốc, thủ tướng chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, và các ủy ban nhân dân quy định trong Pháp Lệnh Tôn Giáo. Nếu thuận theo chiều hướng này các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ sẽ lập tức được tự do di chuyển, tự do truyền giáo và hành đạo như Thầy Nhất Hạnh.

     Điều tôi muốn nói với Thầy là: Chừng ấy tuổi tác, Thiền Sư Nhất Hạnh không nên có ảo vọng thành Quốc Sư Vạn Hạnh. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là Triều Đình Nhà Lý. Họ chỉ muốn lợi dụng Thầy, dùng Thầy làm công cụ trong một giai đoạn. Khi sứ mạng hoàn thành, họ sẽ “cám ơn” Thầy, cũng như họ đã “cám ơn” Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam sau 1975.

     Vả lại Thầy cũng không đủ kiến thức và kinh nghiệm để làm cố vấn cho lập pháp hay hành pháp. Đó không phải là sở trường của Thầy. Chi bằng với cơ sở sẵn có, Thầy hãy trở về cương vị tu thiền để rao giảng tỉnh thức. Dầu rằng, theo tôi, trong giai đoạn hiện nay, kẻ thức giả không thể bình tâm tu tập để tìm đường giải thoát riêng cho cá nhân mình trong khi chúng sinh còn lầm than và con người còn không còn nhân phẩm.

     Sau cùng tôi không đồng ý với quan niệm mới của Thầy về đạo Phật. Theo tôi, cốt tủy của đạo giáo không phải là Trí Tuệ mà là Từ Bi, Bác Ái, Nhân Nghĩa, cùng với Đức Tin Tôn Giáo và các Lễ Nghi Tôn Giáo như cúng lễ, cầu nguyện v.v... Theo Phật, từ bi đứng trên trí dũng. Tâm bồ tát quý hơn trí tuệ giác. Vì tài năng trí tuệ có thể dẫn con người đến vọng tưởng với tham vọng và si mê. Tố Như là một thi sĩ có tâm bồ tát: “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.”

     Những điều trên đây tôi không muốn viết ra, chỉ muốn nói riêng với Thầy. Tuy nhiên, theo lương tri, biết mà không nói ra là thiếu liêm sỉ, là có lỗi với đồng bào và có tội với lịch sử.



Kính thư,

Nhuệ Hồng

(Ngày 12 tháng 4, 2005)



T.B. Hôm nay Mục Sư Nguyễn Hồng Quang bị Tòa Phúc Thẩm Saigon xử y án 3 năm tù về tội “ngăn cản nhân viên công lực hành sự”, dầu rằng Mục Sư Quang không ngăn cản mà đòi hợp tác với công an thành phố (thay vì công an phường) khi tố giác công an chìm toan bắt cóc Mục Sư Nguyễn Công Chính tại Tây Nguyên. Như vậy làm gì có tự do tôn giáo ở Việt Nam ?




No comments: