Monday, February 27, 2017

BIỂN ĐÔNG


Biển Đông : Mỹ dự trù hành động mới thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc


media 
Ảnh minh họa : Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017.REUTERS/Mike Blake
Trang mạng Navy Times hôm qua, 12/02/2017, trích dẫn nhiều quan chức cho biết là Hải quân Mỹ và Bộ Chỉ Huy lực lượng Thái Bình Dương của Mỹ đang chuẩn bị những hoạt động mới để thách thức đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bằng cách điều thêm chiến hạm đến sát các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển này.
Các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải, viết tắt là FONOPS, sẽ do các tàu thuộc cụm tấn công của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson thực hiện. Đó là tàu tuần dương tên lửa USS Lake Champlain CG-57 và hai tàu khu trục USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy. Đội tàu này hiện đang ở Thái Bình Dương và đang tiến về hướng Biển Đông, theo lời 3 quan chức quốc phòng nói với Navy Times, nhưng xin miễn nêu tên. Chưa rõ là khi nào đội tàu nói trên sẽ đi vào khu vực Biển Đông.

Theo Navy Times, kế hoạch của Hải quân Mỹ chắc là sẽ đưa các chiến hạm xâm nhập khu vực 12 hải lý chung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa, một hành động mới thách thức những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, mà trong quá khứ đã từng gây căng thẳng giữa Washington với Bắc Kinh.
Navy Times cho biết các kế hoạch nói trên sẽ được chuyển theo từng cấp chỉ huy, lên tới tổng thống Donald Trump để phê chuẩn và sẽ phần nào phản ánh chính sách của chính quyền Trump về Biển Đông.

Trả lời Navy Times, chuyên gia Bonnie Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ( CSIS ) ở Washington, cho rằng “không thể nào buộc được Trung Quốc rút khỏi các đảo nhân tạo mới xây ở Trường Sa”. Nhưng theo bà Glaser, Hoa Kỳ “có thể thi hành một chiến lược nhằm ngăn chận Bắc Kinh bồi đắp thêm đảo và quân sự hóa, đồng thời ngăn chận Trung Quốc sử dụng những tiền đồn mới để dọa nạt hoặc cưỡng ép các nước láng giềng”.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170213-bien-dong-hai-quan-my-du-tru-hanh-dong-moi-thach-thuc-doi-hoi-chu-quyen-cua-trung-qu
 

Biển Đông: Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ rất cứng rắn đối với Trung Quốc ?


media 
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis tới văn phòng thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Tokyo, ngày 03/02/2017REUTERS/Eugene Hoshiko/Pool
Nhân chuyến công du Nhật Bản vừa qua, trong các phát biểu công khai, tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã có những tuyên bố rất ôn hòa về Biển Đông, nhấn mạnh đến các phương pháp « ngoại giao », chống lại các « động thái quân sự rầm rộ », của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 08/02/2017, trong những cuộc tiếp xúc riêng với các quan chức Nhật Bản, bộ trưởng Quốc Phòng đã thể hiện những quan điểm cực kỳ cứng rắn đối với Trung Quốc.
Theo nguồn tin trên, ông James Mattis đã so sánh các hành vi quyết đoán của Trung Quốc hiện nay nhằm áp đặt quyền khống chế trong khu vực, với việc đế quốc Minh của Trung Hoa thời xưa, áp đặt ách thống trị đối với các láng giềng bị biến thành chư hầu.

Đối với ông Mattis, các hành động đó không thể chấp nhận được trong thời đại ngày nay.
Tân bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ dường như đã nói rằng Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận các hành vi khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông nữa. Hoa Kỳ sẽ không chỉ đóng vai trò tích cực trong việc bảo vệ tự do hàng hải, mà lại còn tích cực hơn so với chính quyền Obama trước đây trong việc ngăn chặn đà quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực.
Một cách cụ thể, ông Mattis cho biết là với tân chính quyền Mỹ, tần số các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở Biển Đông sẽ gia tăng. Lời khẳng định này đã minh họa cho tuyên bố công khai của ông trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Nhật Bản Tomomi Inada tại Tokyo vào tuần trước, theo đó quyền tự do hàng hải mang tính tuyệt đối, và tàu thuyền Mỹ vẫn hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20170209-bien-dong-bo-truong-quoc-phong-my-rat-cung-ran-doi-voi-trung-quoc



KÍNH HÒA * TIN Ở TƯƠNG LAI

Tin ở tương lai

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-02-13

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Pano đánh dấu kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân 1968 tại Hà Nội hôm 26/1/2008.
Pano đánh dấu kỷ niệm 40 năm Tết Mậu Thân 1968 tại Hà Nội hôm 26/1/2008.
AFP photo

Lịch sử và lòng tin hiện tại
Theo ghi nhận của blogger Tuấn Khanh, mùng 7 Tết âm lịch hàng năm được nhiều gia đình người dân thành phố Huế dùng làm ngày giỗ cho những người thân của mình bị thảm sát trong cuộc tấn công Mậu Thân 1968 của quân đội cộng sản vào thành phố này. Đa số họ là dân thường.
Cuộc thảm sát dân thường này chưa bao giờ được nhà cầm quyền hiện nay công nhận. Tuấn Khanh, một người lớn lên tại miền Nam Việt Nam, viết rằng từ khi anh biết rằng trong lịch sử dân tộc có một cuộc thảm sát như vậy, mà lại là bởi những người cùng tiếng nói với nhau, những mùa xuân xứ Huế đối với anh luôn là những mùa xuân buồn:
Những mùa xuân thật buồn từ đó. Khi tôi đến Huế. Tôi lần bước đến sân vận động, ra trường Gia Hội cũ… và nghĩ về những ngày không bao giờ cũ. Mãi mãi không bao giờ cũ. Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh khi và oán hận.
Cần phải hiểu, đối lập có ba đặc điểm đó là: có sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận.
- Blogger Kami
Có những câu chuyện lịch sử khác được chính quyền ghi nhận. Nhưng sự ghi nhận này đi song hành với một khái niệm bạo lực cách mạng, vốn là xương sống của chủ thuyết cộng sản. Và người ta nói rằng chính cái nhìn bạo lực như một điều hiển nhiên của những người đang lãnh đạo xã hội đã dẫn tới một thực trạng bạo lực hiện nay của đất nước.
Blogger Điền Phương Thảo nhìn thấy quan hệ nhân quả đó trong những vụ chen lấn, cướp giật ở những nơi đáng lẽ là tôn nghiêm trong những ngày xuân vừa qua. Tác giả cho rằng những hành động đó là những hành động của một xã hội mất lòng tin, và so sánh những hành động cướp giật ngày nay với những từ cướp trong sách giáo khoa lịch sử:
Có thể nói cụm từ “khủng hoảng niềm tin” đã trở thành từ khóa quen thuộc trên các trang mạng xã hội. “Có vẻ như người Việt Nam không còn tin vào ai nữa”. Không tin vào nơi được xem như những “ngôi đền thiêng” của xã hội bởi chức năng cao quý của nó như trường học, bệnh viện. Không tin vào nhà nước, vào nhà cầm quyền. Không tin vào những nơi thực thi công lý và cũng không tin vào những việc thiện. Bởi lẽ ở sự dối trá có mặt ở khắp nơi. Do vậy, CƯỚP và giành giật là phương thế hữu hiệu được nhiều người lựa chọn nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình.
Từ trước đến nay, khi nói về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 trên sách báo cũng như một số kênh thông tin đại chúng, trên các văn kiện chính trị *…thường dùng cụm từ “tham gia cướp chính quyền.“Cướp chính quyền từ tay Nhật; “Việt Minh phát động công nhân, nông dân cướp chính quyền trên toàn quốc”; “cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim; “ Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội. …”
Phải chăng vì thế mà trong lịch sử phát triển của dân tộc, chưa có giai đoạn nào người dân Việt thích CƯỚP hơn bây giờ ?
Một điều nghịch lý là trong sự khủng hoảng mất lòng tin đó, một số người trẻ tuổi Việt Nam lại rất sùng bái thần tượng. Và thế là cảnh chen lấn cướp giật lại xảy ra khi họ muốn chiêm ngưỡng thần tượng, có thể là một ngôi sao ca nhạc ngoại quốc, hay là một bức tượng thờ để cầu may. Bảo Uyên viết trên trang blog của tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn:
Thêm một bước đến gần với thần tượng cũng là khi người trẻ thêm một bước rời xa khỏi những giá trị chung đã được thừa nhận; trong khi người lớn vẫn lao vào cơn mê mưu cầu tài lộc. Giữa một rừng mơ ước về những thứ vô hình, có thể nhìn thấy rõ sự thiếu vắng niềm tin vào sự tử tế hữu hình ở đời thực. Sau tất cả, thứ niềm tin duy nhất còn sót lại chỉ là niềm tin vào quyền lợi bản thân mình.
Par7401136_1-400.jpg
Giới trẻ Việt Nam xem ban nhạc SKorean K-pop biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 29 tháng 11 năm 2012. AFP photo
Mất lòng tin và sùng bái thần tượng không phải là mâu thuẫn duy nhất trong xã hội Việt Nam hiện đại, một tương lai mờ mịt làm cho những người dân bình thường vùi đầu vào những cuộc vui hủy hoại thân mình, những báo cáo đầy màu hồng của nhà nước trái ngược với thực tế màu xám. Hãy nghe Bùi Văn Thuấn tả cảnh làng ông trong những ngày Tết:
Những người “đi làm ăn xa” của quê tôi khi về là cùng với những người ở nhà lao đầu vào hơi men, ca hát như một định mệnh. Những gương mặt đỏ gay hoặc tái dại đó đều tưởng mình là hạnh phúc, sung sướng lắm. Cả đất nước của tôi có lẽ cũng vậy, phần lớn những người “đi xa” khi về là lại cùng cả nước lao đầu vào hơi men, lao đầu vào ca hát nhảy múa, lễ hội. Tết về nhà nhà người người cả làng tôi và nước tôi đều chúc nhau “năm mới tiến tới, làm ăn phát đạt” nhưng ai cũng biết đó là những lời sáo rỗng như bao năm nay lãnh đạo chúc tết trên các phương tiện truyền thông của đảng.
Cả làng tôi và nước tôi cứ lặp lại cái vòng luẩn quẩn đó mà không biết ngày mai tương lai của bản thân của gia đình và con cháu mình sẽ sống ra sao? Hầu như rất ít người làng quê tôi hoạch định được tương lai cho con cháu, tất cả như muốn phó mặc cho số phận. Đất nước này cũng vậy, những người “đi làm xa” và cả những người ở lại phần lớn cũng không hoạch định gì hoặc nghĩ gì cho tương lai. Tất cả chỉ biết ngày hôm nay phải vui cái đã.
Chuyện làng không phải chuyện nước nhưng có điểm tương đồng đến kỳ lạ. Trên đất nước này có bao nhiêu làng như làng tôi? Có bao nhiêu xã như xã tôi? Bao nhiêu người dù tương lai mù mịt, nguy cơ bệnh tật, nguy cơ bị cướp đất trắng tay và hàng tá nguy cơ, thảm họa nhân tai rình rập bản thân và con cháu nhưng vẫn tưởng mình hạnh phúc như làng tôi?
Tin ở tương lai
Đứng trước cảnh hỗn độn của một ngôi chùa trong ngày Tết, blogger Viết từ Sài Gòn trấn an lòng tin của mọi người về những điều tốt đẹp của một tôn giáo thật sự vẫn còn hiện hữu:
Và bạn đừng buồn, bởi Đức Phật của bạn vẫn ở trong tâm hồn, trong trái tim và trong tâm linh của bạn đó, ngài vẫn ngự trị với tất cả sự tôn kính và niềm tin của bạn. Ở đó không có sự lợi dụng hay mạo phạm, bởi tất cả những ý đồ mạo phạm và hành vi lợi dung đều không phải là ý niệm hay niềm tin tôn giáo. Và người ta đã ngang nhiên lợi dụng, mạo phạm tôn giáo để thực hiện mưu đồ xây dựng đảng và bảo vệ đảng. Những thứ đó không phải là tôn giáo.
Những phản ứng tích cực của xã hội cũng đã bắt đầu để khôi phục những giá trị đã mất, khôi phục lại niềm tin. Người dân Việt Nam đã cất tiếng từ nhiều năm nay phản kháng bất công, đòi quyền dân sự của mình. Những cuộc biểu tình từ vài mươi người, cho đến hàng ngàn người cho thấy rằng ở Việt Nam đã có mầm mống của một phong trào dân sự đòi cải cách, đòi dân chủ.
1ca8eff2-35c3-4c0d-a534-e246e53845fb-400.jpg
Sinh viên Mỹ biểu tình chống tổng thống Trump tại Washington DC ngay sau ngày bầu cử, 15/11/2016. AFP photo
Tuy vậy blogger Kami nhận định rằng Việt Nam vẫn chưa có một phong trào đối lập thật sự để đòi hỏi thể chế toàn trị hiện nay cải cách xã hội mạnh mẽ hơn nữa. Tác giả cho rằng những người dấn thân cho dân chủ nên thay đổi não trạng, phải hình thành một lực lượng đối lập xã hội, chứ không nên đơn thuần là những hoạt động chống đối ồn ào. Kami nêu ra trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, một nhà đối lập có viễn kiến và tinh thần tổ chức chính trị, chính vì thế mà ông bị nhà cầm quyền kết án rất nặng nề. Tác giả viết tiếp rằng dù để thực hiện những hoạt động đối lập như vậy ở Việt Nam là khó những vẫn có thể thực hiện được:
Cần phải hiểu, đối lập có ba đặc điểm đó là: có sự bất đồng về chính trị, có tính tập thể và có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận. Trong hoàn cảnh Việt nam hiện nay, để có tính cách hợp pháp được pháp luật công nhận là điều hết sức khó, song không có nghĩa là không thể. Chính vì thế nó phải được coi trọng và là vấn đề mấu chốt, phải trở thành mục tiêu trước mắt, đồng thời bằng mọi cách phải đạt được.
Nếu người cầm quyền có lòng tự trọng và nhân cách, họ sẽ ghi chép sự thật và được mai sau nhìn nhận. Còn nếu không, chính nhân dân sẽ chép lại, lưu truyền ngàn đời bằng tất cả lòng khinh khi và oán hận.
- Blogger Tuấn Khanh
Một khi khi chính quyền đã chấp nhận các tổ chức Xã hội Dân sự độc lập như thế, cũng có nghĩa là một cách họ đã gián tiếp thừa nhận các tổ chức hội, nhóm dù trong điều kiện chưa có Luật về Hội. Và tiếp tục như thế, về lâu dài là họ đã thừa nhận đối lập tức là thừa nhận tự do chính trị.
Cũng trong niềm tin ở tương lai và một sự lạc quan như vậy, blogger Lang Anh viết một loạt bài rất công phu về chuyển biến xã hội tại Việt Nam, và kết luận rằng xã hội Việt Nam sẽ sớm nhận ra khuynh hướng độc tài của đảng cầm quyền mà từ bỏ nó:
Chiều hướng mà người Việt Nam từ bỏ việc công nhận tính chính danh của nền cai tri độc tài và hướng về các khao khát tự do là một chiều hướng không có sự đảo ngược. Đó là những tiến bộ xã hội bền vững. Tôi tin rằng khi số người Việt thức tỉnh đủ lớn và sẵn sàng xuống đường tuần hành đòi quyền tự do bầu cử, đó sẽ là lúc bình minh lên ở đất nước này.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh quan sát hàng ngàn sinh viên Mỹ xuống đường chống những sắc lệnh của vị Tổng thống mới đắc cử mà họ cho là vi phạm nhân quyền, anh nhớ lại chỉ cách đây hai năm các sinh viên Hà Nội cũng đã từng xuống đường, ký kiến nghị đòi cải cách gửi tới đảng cầm quyền
Ở đâu đó trên thế giới, có người trẻ tuổi dám công khai viết lên trán, từ chối quyền lãnh đạo của một tân tổng thống, thì ở đất Việt Nam nhỏ bé, cũng có những sinh viên đứng lên từ chối cách hành động vô pháp ở tòa án, và đòi xác lập những nguyên tắc đã được hiến pháp quy định.
Tuổi trẻ không có sự khác biệt về màu da và tổ quốc trong hành động yêu nước, yêu con người. Chỉ khác là ở các bản tin thời sự, người ta hay tấm tắc khen những người trẻ ở rất xa, và lãng quên những người trẻ ở ngay quê hương mình. Có thể vì thờ ơ, cũng có thể vì hèn.
Nhưng dù được nhớ hay không, được vinh danh hay bị lãng quên… tuổi trẻ Việt Nam cũng như Hồng Kông, Đài Loan, Mỹ, Anh… vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mình ngọn lửa của lẽ phải và sự thật, chờ một ngày tỏa sáng – tôi tin như vậy.
Anh tin rằng Việt Nam cũng phải có một thế hệ tuổi trẻ không ươn hèn.

GS.PHẠM ĐỨC LIÊN * GIÁO DỤC VIỆT NAM THỜI PHÁP THUỘC

Giáo Dục Việt Nam dưới thời Pháp Thuộc (1862-1945)
GS Phạm Đức Liên

Cái học Nho nay đã nguội rồi!
Còn Nho, Nho dạy chữ Nho chơi.
Nào ai muốn học thì Nho dạy,
Nho chẳng nài ai, chẳng ép ai.
(Phó Bảng Nguyễn Can Mộng
Giáo sư Hán Tự và Việt Văn (1922-23) trường Bưởi - Hà Nội)

Dẫn Nhập:
1. Năm 1847, Hải Quân Trung Tá Rigault de Genouilly đem tàu chiến vào bắn phá cửa biển Đà Nẵng, và để rồi năm 1859, uy hiếp Gia Định ... Trước sức mạnh đại bác của thực dân Pháp, sĩ phu Việt Nam không sờn lòng. Thế nhưng: "Hôm nay xin đánh, ngày mai xin đánh. Đánh mà không thắng thì đặt trẫm vào đâu?!. Thế là:
- Vua Tự Đức (1847-1883) và Triều Đình Huế phải ký Hòa Ước Nhâm Tuất 1862 (12 khoản, mà khoản 2 quan trọng hơn cả là nhường đứt cho Pháp 3 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa và Định Tường). Rồi Hòa Ước Giáp Tuất 1874 với 22 khoản - đau đớn nhất là khoản 5: Nước Nam phải nhường đứt 6 tỉnh Nam Kỳ (Nam Kỳ Lục Tỉnh) cho người Pháp!.
- Và nhất là Hòa Ước Quý Mùi 1883 với 27 khoản - mà ngay khoản 1: "Nước Nam phải chịu nước Pháp bảo hộ"!
Đau đớn thay - phận An Nam,
Để cho Đại Pháp - nó làm thịt dân!.
2. Để cho nền bảo hộ được hoàn hảo:
- Với danh nghĩa "Văn minh hóa người Việt" (Mission Civilisatrice), và cũng là "đồng hóa dân bản xứ (cultural assimilation), người Pháp đem những tiến bộ khoa học kỹ thuật (STEM) phổ biến khắp Đại Nam. Vào thời điểm đó - quả thật - Paris là kinh đô ánh sáng.
- Cụ thể - ngay từ những năm cuối thế kỷ 19 - giáo dục Việt Nam thời Pháp đô hộ (1862 - 1945) là giáo dục Mẫu Quốc. Vì là thuộc địa (Colonie d'Exploitation) nên khó khăn hơn và hạn chế nhiều (điển hình, tổ tiên chúng ta phải học lớp nhì = cours moyen - 2 năm!).
    * Trong nỗ lực muốn cho dân bản xứ đọc, nghe, hiểu được tin tức từ chánh quyền thuộc địa, và mong muốn đào tạo gấp rút một số cán bộ sơ cấp để dễ dàng dùng người Việt trị người Việt, người Pháp đã mở  một số trường Pháp Việt (ban đầu ở Nam Phần, rồi đầu thế kỷ 20 là Bắc và Trung Phần).
    Ngay từ năm 1861, tại Nam Kỳ, Đại Pháp mở trường Collège d'Adran nhằm đào tạo người Việt làm thông ngôn và dạy cho người Pháp muốn học tiếng Việt. Hiệu trưởng đầu tiên (1861-66) là Linh Mục Croc, rồi Trương Vĩnh Ký (1866-68)..
    * Năm 1887, Phủ Toàn Quyền Đông Pháp (gồm 5 xứ bảo hộ: Nam Kỳ, Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Ai Lao và Cao Miên) được thành lập. Hệ thống giáo dục thay đổi tùy theo chánh sách của vị Toàn Quyền (Governeur Général) và tình thế. Dưới thời Toàn Quyền Paul Beau (1902-08) chủ yếu là phát triễn bậc tiểu học. Năm 1906, ông ký nghị định thành lập Nha Giám Đốc Học Chánh (Direction de l'Enseigment) và Hội Đồng Cải Thiện Giáo Dục Bản Xứ (Conseil de Perfectionement de l'Enseignment Indigène). Toàn Quyền Albert Sarraut (1911-14) và (1917-20) chú trọng nhiều đến phát triển hệ thống trung học và cao đẳng. Ông được trí thức Vạn Xuân đương thời gọi là Đại Nhân.
3. Giáo dục Việt Nam thời Pháp Thuộc là từ những năm cuối thế kỷ 19 đến ngày 9 tháng 3 năm 1945 (Nhật lật đổ Pháp và đại sứ Yokoyama "Xin dâng nền độc lập lên Hoàng Đế Bảo Đại và dân tộc Việt Nam"). Dân tộc Lạc Hồng xứng đáng cho "Độc Lập Xứ Sở".

I. Trường Pháp Việt bậc Tiểu Học: học chữ Quốc Ngữ, học chữ Pháp và nói tiếng Tây:
Tiểu học lại chia ra: sơ cấp (lớp năm tới lớp ba) và tiểu học (lớp nhì, lớp nhất):
1. Sau sơ cấp (lớp ba), học sinh thi bằng Tuyển Sanh (Sơ Học Yếu Lược, Primaire Élémentaire)
- Lớp năm (đồng ấu, cours enfantin), học trò phải thuộc vần Quốc Ngữ ngay trong tháng đầu tiên, học làm toán cộng, toán trừ.. và  học cửu chương bằng chữ Hán (cửu cửu bát nhất 9, 9, 81; bát cửu thất nhị 8, 9, 72 ...) . Học trò còn phải học ngữ vựng (Vocabulaire) tiếng Pháp - học hàng ngày và số giờ là 20% thời lượng mỗi ngày).
- Lớp tư (dự bị, cours presparatoire): học chữ Pháp nhiều hơn (50%).
- Lớp ba (sơ đẳng, cours élémentaire): học tiếng Pháp nhiều hơn nữa (70%).
- Các trường ở phủ, huyện (district) chỉ dạy đến lớp ba. Đó là trường Sơ Học (école élémentaire). Cuối năm lớp ba, học trò thi bằng Sơ Học Yếu Lược (Tuyển Sanh). Bài thi 
 gồm có:


    * Thi viết: Một bài dictée (chánh tả) Pháp Ngữ, 2 hay 3 bài luận Pháp văn và một bài luận chữ Quốc Ngữ.
    * Thi vấn đáp: hỏi về cửu chương (bằng chữ Hán - thất cửu lục tam 7, 9, 63).





Học sinh trường tiểu học

2. Sau lớp nhất, học sinh thi bằng Khóa Sanh (về sau đổi là Tiểu Học), còn gọi là Ri Me = Certificat d'Etudes Primaires Franco - Indigènes = CEPFI hay bằng Xéc.
- Lớp nhì (trung đẳng, cours moyen): Năm 1924, Toàn Quyền Martial Merlin (1923-26) chia là hai lớp nhì (cours moyen première année và cours moyen deuxième année) như để ngăn chặn bước  tiến của thanh thiếu niên nước ta. Tiểu học 6 năm !
- Lớp nhất (cao đẳng , cours supérieur):
    * Các môn học của lớp nhì và lớp nhất được giảng dạy hoàn tòan bằng tiếng Pháp. Mỗi tuần lễ có 2 giờ học chữ Nho.
    * Các trường ở tỉnh lỵ mới có lớp nhì, lớp nhất. Đó là trường tiểu học (école primaire). Sau năm 1924, còn được gọi là école de plein exercice - vì rất nhiều bài học, bài làm, thể dục (gymnastique mà huấn luyện viên là thầy Cai lính khố xanh - hàm chánh cửu phẩm - trong khi Chánh Tổng= le chef de canton chỉ là Tòng cửu phẩm), với bảng xếp hạng hàng tháng, và lục cá nguyệt. Học sinh phải mặc áo dài, con trai phải hớt tóc ngắn ...
    * Cuối năm lớp nhất, học trò phải thi bằng Khóa Sanh - đây là kỳ thi khó vì giám khảo là người Pháp.
    * Thi viết: 1 bài chánh tả tiếng Pháp, 2 bài toán đố, 1 bài luận ( dissertation) Pháp và 1 bài luận Việt Ngữ.
    * Thi vấn đáp: (oral): sử ký, địa lý.
Thang điểm là 10 (maximum). Tỉ lệ thi đỗ là 40%.
    * Thí dụ một bài dictée thi bằng Xéc (CEPFI) tháng 6 năm 1924 tại Quảng Ngãi (dài hơn nửa trang giấy thi).
    Les Norias de Quang Ngai
    "Acun Spectacle de la province ne renseigne mieux sur l'esprit ingénieux du paysan d'AnNam, et se cause pareille surprise aux yeux curieux du voyager.
    Accouplées par demi-douzaines, elles attaignent parfois, ces norias géantes, une hauteur de dix metres etc ..."

 

Học sinh trường tỉnh
3. Cho tới những năm đầu thế kỷ 20, trường nhà nước bảo hộ còn ít học trò - dù nhà trường cung cấp đầy đủ học cụ (bút mực, giấy ...) - ngay cả mũ trắng đội đầu cho nam sinh. Niên khóa 1909-10, trường ở tỉnh lỵ Quảng Ngãi (là một tỉnh trung bình) chỉ có 20 học sinh (lớp năm: 7 trò, lớp tư: 7 trò, lớp ba: 6, lớp nhì và lớp nhất không có học trò.) Năm học 1911-12, lớp năm có 10 trò (tuổi từ 8 đến 20). Thế nhưng sau thế chiến thứ I (1914-18) số học sinh tăng rất nhanh và niên khóa 1919-20, trường có đủ 5 lớp và mỗi lớp có khoảng 40 học trò. Cả trường có khoảng 200 học sinh tiểu học.

4. Với bằng Xéc hay Ri Me (Certificat d'Études Primaire) người học trò (nhiều người ở tuổi 24, 25) có thể xin là thầy trợ giáo, (dạy sơ cấp: lớp năm, bốn , ba), làm thông ngôn hay ký lục - với lương tháng 5 đồng (lính khố xanh: 2 đồng, bộ đồ Âu Phục: 2.5 đồng). Để khuyến khích việc học chữ Tây, nhiều công sứ Pháp (Le Résident) cho tổ chức lễ vinh quy bái tổ và rước thầy Khóa Sanh về làng - với cờ đuôi nheo, chiêng trống .. như đón ông Nghè ngày xưa.
5. Trình độ Pháp Ngữ (nói) của học trò lớp nhất khi chúc Tết thầy đầu năm học (trưởng lớp đọc):
    Monsieur et Cher Mâitre
    A l'occasion du Nouvel An qui va venir, nous, vos petits elèves respectueux et obéisssants, avons l'honneur de vous adresser, ainsi qu'à votre honorable famille, nos  voeux les plus fervents de Bonheur, de Richesse et de Longévité.
    Nous vous prions de vouloir bien pardnner notre language maladroit, Mais notre respect est grand a voter égard, notre gratitude est profonde, Dáns notre vie nous ne pourrons jamais oublier notre Mâitre  bien aimé.
Vvos elève tres dévoués du Cour supérieur.
    Tết 1921.
 

Một lớp học thời Pháp Thuộc

- Chữ Hán, phải học mất 8, 9 năm mới hiểu được chữ nghĩa của Khổng Mạnh. Trong khi tiếng Tây chỉ cần học từ 3 đến 5 năm (hết lớp ba với bằng Sơ Học Yếu Lược) là người học trò có thể làm việc tại các cơ quan hành chánh trong tỉnh như thơ ký, thầy lục lộ, kiểm lâm, nhà thương, kho bạc, giây thép ... (tiếng Pháp "ba xí ba tú" lắm, còn nói ngọng vì lớn tuổi mới đi học). Làm gì mà thanh thiếu niên nước Nam chẳng "quẳng bút lông đi lấy viết chì" mà theo học trường nhà nước bảo hộ.

- Ấy thế mà chữ nho (Hán học) cũng còn thịnh hành. Cho dù phải trả tiền - phụ huynh vẫn gởi con em đến trường ông Khóa, Thầy Tú để sôi kinh nấu sử và ngâm nga:
    Quân tại Tương Giang đầu
    Thiếp tại Tương Giang vĩ
    Tương tư bất tương kiến
    Đồng ẩm Tương Giang thủy.


Lớp học chữ Nho


6. Năm 1925, Trung Kỳ với dân số gần 7 triệu (cả nước Nam là 25 triệu dân) có số học sinh học trường nhà nước như sau:
    1910: 1,595 trò.
    1915: 2,442 trò.
    1920: 30,349 trò.
    1925: 41,062 trò.
    1930: 62,558 trò , trong số nầy có khoảng 2,000 trò nữ và phân phối như sau:
        470 cô ở trường Sư Phạm
        494 cô ở trường Cao Đẳng Tiểu Học để thi Diplôme (Thành Chung)
        1,445 cô học Tiểu Học.
- Có bằng Xéc mà còn ít tuổi (14,15) học trò thường được công sứ các tỉnh cấp học bổng mà học lên 3 hay 4 năm nữa để thi lấy bằng Thành Chung. Học bổng là 2 đồng mỗi tháng, tương đương với 2,000 đồng thời VNCH, vào thời điểm 1969 - lúc đó 1 tô phở hay 1 lít xăng là 10 đồng).
- Công sử phát học bổng thường theo đề nghị của Đốc Học (Hiệu Trưởng). Mà Đốc Học cũng như thầy giáo thì rất nghiêm khắc, "hay chữ dữ đòn" bằng những cái bạt tay nẩy lữa khi học sinh vi phạm kỷ luật hay bằng hình phạt cuối tuần: consignes hay pensum. Ngay thời VNCH , những năm đầu của thập niên 19(6) vẫn còn hình phạt đến trường cuối tuần:
    "Bốn công xi, cô giáo già ác quá,
    Còn bắt em chép phạt mấy trăm lần"
    (Nhất Tuấn).
- Dưới thời Pháp thuộc, giáo dục phát triển rất chậm chạp. Nam kỳ là thuộc địa của Pháp thế nhưng cuối thế kỷ thứ 19 cũng chỉ có 5,000 học trò Tiểu Học (dân số là 1.5 triệu).II. Trường Cao Đẳng Tiểu Học (Écoles Primaires Superieures): Hoàn toàn dạy bằng tiếng Pháp:
1. Những trường Cao Đẳng Tiểu Học đầu tiên: chỉ là trường trung học đệ nhứt cấp mà thôi.
- Ba trường dành riêng cho học sinh người Pháp (gốc Gaulois) và con cái người Việt thân Pháp:
    * Chasseloup Laubat (Saigon, 1874)
    * Albert Sarraut (Hanoi, 1919-1965)
    * Lycée Yersin (Dalat, 1935)

Lycée Albert Sarraut (Hanoi 1919)

- Ba trường dành cho nữ sinh:
    * College des Jeunes Filles Indegènes (Saigon, 1915), sau nầy đổi tên là trường Gia Long.
    * Trường Đồng Khánh (Hanoi).
    * Cao Đẳng Tiểu Học Đồng Khánh Huế (Huế, 1917). Ban đầu các cô mặc áo dài màu tím (tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ).
- Những trường khác:
    * Collège Le Myre de Vilers (Mỹ Tho, 1879).
    * Collège de Cantho (Cần Thơ).
    * Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký (Saigon, 1928)
    * Trung học Bảo Hộ Bưởi (Hanoi, 1909), ban đầu là Collège du Protectorat, sau đổi là Lycée du Protectorat.  Năm học 1915 -16 có gần 600 học trò cho 4 cấp.
    * Collège Jules Ferry (Nam Định), chương trình 3 năm.
    * Collège de Haiphong (Hải Phòng).
    * Trường Quốc Học Huế (Huế), mở từ năm 1896 nhưng chỉ phát triển mạnh từ 1909.
    * Collège de Vinh (Vinh, 1920).
    * Collège de Quynhon (Quy Nhơn, 1921) , niên khóa 1924-25 có 600 học trò. với 5 giáo sư Annam, tốt nghiệp từ trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội, và 5 giáo sư người Pháp đậu Brevet Supérieur = Tú Tài Toàn Phần ở Pháp.



Trường Đồng Khánh (Hanoi)



Trung Học Bảo Hộ (Trường Bưởi - Lycée du Protectorat)


Lớp đệ Tứ niên (là lớp đệ tứ hay lớp 9) của trường  Bưởi
-Lycée du Protectorat Hà Nội 1918-19

Sau khi đỗ Diplôme, một thiểu số (khoảng 20%) học lên cao đẳng và đại học để sau nầy quý vị trở thành những nhà lãnh đạo quốc gia.
Người có dấu X là Bác Sĩ Nguyễn Xuân Chữ (Chủ Tịch Quốc Hội thời VNCH - năm 1964)
Hàng ghế đầu là quý vị giáo sư người Pháp
(Hình lấy từ hồi ký BS Nguyễn Xuân Chữ website www.newvietart.com)
2. Chương trình giảng dạy là 4 năm (đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ niên) với nhiều môn học.
- Toán (Số Học, Đại Số, Hình Học)
- Vật Lý, Hóa Học
- Địa Dư (vẽ bản đồ 5 châu, 4 biển)
- Vẽ và Tập Viết.
- Lịch sử nước Pháp (Cách Mạng 1789, tự do, bình đẳng, bác ái, chánh sách thuộc địa... 2 giờ/tuần)
- Pháp Văn (Chánh tả, Văn phạm, Luận văn, bình giảng, học thuộc lòng thơ Pháp ...).
- Luân Lý (moral).
- Sử Ký Việt Nam (dạy bằng tiếng Pháp - 1 giờ/tuần).
- Quốc Văn (2 giờ/tuần).
- Thể Dục.
- Thang điểm là 20, học một ngày 2 buổi (nghỉ buổi trưa).
- Thi Tam Cá Nguyệt và xếp thứ bậc trong học bạ với lời phê của Giáo sư.



Giờ học môn Địa Lý


Giờ học môn Hoá Học
3. Sau lớp đệ tứ niên học sinh thi bằng Thành Chung hay Díp Lôm (Diplôme de Fin d'Études Primaires Supérieures Indochinois = DEPSI).
- Có đến 30% học trò bỏ học và đi làm sau đệ nhất, đệ nhị niên / Cao Đẳng Tiểu Học. , phần vì hoàn cảnh gia đình, phần vì bài vở khó (Toán, Lý Hóa (đã chẳng dễ dàng)).
- Đậu được bằng Diplôme, học sinh theo học trường Cao Đẳng Đông Dương , làm thầy giáo (dạy lớp nhì, lớp nhất), hay đi làm thông ngôn chánh, thông phán hạng nhứt tòa Sứ. Lương mỗi tháng là 10 đồng.
- Sau 10 năm học hỏi (6+4), tiếng Pháp đã nói trôi chảy, nếu ở các tỉnh thì là thành phần trí thức nhất (đó là thời điểm 1920) với bằng Diplôme.
- Có theo đến cùng (đệ tứ niên) và cố gắng thi là có đỗ. Tỉ lệ là trên dưới 40%.
- Để được nhập học trường Cao Đẳng Tiểu Học, học trò phải qua kỳ thi tuyển concours rất khó ở đệ nhất niên (là thi tuyển vào đệ Thất sau nầy). Tỉ lệ trúng tuyển chỉ khoảng 2%.
4. Trước Đại Chiến Thứ Hai (1939-450 dân số Việt Nam có 35 triệu người. Với tổng số học trò ở bậc Cao Đẳng Tiểu Học  (5,637) và Tiểu Học (386,525) chúng ta có kết quả sau (chỉ tính những học sinh thuộc hệ thống trường công của nhà nước bảo hộ):
    * 5,637/35,000,000= 0.00016 lấy tròn là 0.0002. Tỉ lệ là 0.02%. (cao đẳng tiểu học).
    * 386,525/35,000,000= 0.01104 lấy tròn là 0.011. Tỉ lệ là 1.1% (trình độ tiểu học).
    * Cả hai tỉ lệ đều không thể chấp nhận được!. Sứ mạng "văn minh hóa thất bại".
5. Bên cạnh những trường Cao Đẳng Tiểu Học thuộc chánh quyền bảo hộ, chúng ta còn có nhiều trường tư thục lớn (dạy thi Diplôme) do giáo hội Thiên Chúa và tư nhân như: Gia Long, Thăng Long, Văn Lang ... (Hà Nội) Pellerin, Providence ... (Huế), Phan bá Lân, Victor Hugo ... (Saigon).
Một tư thục nổi tiếng là trường Văn Lang: dạy từ tiểu học - cao đẳng tiểu học - đến trung học đệ nhị cấp tại số 52 phố Lamblot Hanoi. Hiệu trưởng là một giáo sư lỗi lạc: Nguyễn Khắc Kham (1908-2007) , Cử Nhân Văn Khoa - đại học Sorbonne và Cử Nhân Luật - đại học Luật Khoa Paris, 1934. 
III. Trường Trung Học (1): học thi Tú Tài (Baccalauréat) là Brevet Supérieur ở Pháp, 3 năm.
1. Tú Tài Pháp hay Baccalauréat Métropolitain (gọi tắt là Bac Métro)
- Đó là 2 trường dạy hoàn toàn theo chương trình Pháp, thi bằng Tú Tài Pháp. Saigon với Lycéum Chasseloup Laubat, Hanoi là Lycée Albert Sarraut. Năm học 1935-36, có thêm Lycée Yersin Dalat. Xin lưu ý, đây là trường Trung Học Đệ II Cấp (Enseignement Secondaire)
- Dành riêng cho học sinh Pháp và một số con nhà giàu có người Việt, con cháu quý vị Thượng Thư, Tổng Đốc, Tuần Phủ ... thuộc Nam Triều.
- Học xong hai năm (lớp second = đệ tam, lớp premire= đệ nhị) phải thi Tú Tài I (Baccalauréat Premiere Partie) Đỗ Tú Tài phần thứ nhất xong mới được học tiếp năm thứ ba nhưng phải chọn 1 trong 3 ban: Triết (Philosophie), Khoa Học Thực Nghiệm (Science Expérimentales) và Toán (Mathématiques Élémentaires). Học hết class terminal là thi Tú Tài II.
2. Tú Tài Bản Xứ (Baccalauréat Local):
- Đó là những trường Pháp Bổn Xứ (École France - Indigènes) dạy theo chương trình Pháp nhưng thay ngoại ngữ bằng việt Ngữ, và cổ điển La Hy bằng Triết Học Đông Phương (Trung Hoa, Ấn Độ), Cận Đông (Do Thái ...). Xin được nhắc nhở: Francais et Seulement Francais.
- Ban đầu chỉ có 2 trường: Lycée de Bươi (Hanoi, sau nầy là trường Chu văn An) và Pétrus Ký (Saigon)
- Sau 2 năm, thi Tú Tài Bản Xứ phần I. Sau lớp đệ Nhất (classe terminal) thi Tú Tài Toàn Phần.
3. Do nhu cầu của nền hành chánh thuộc địa là cần những chuyên viên cao cấp - từ Tú Tài trở lên - từ năm học 1915-26, các trường cao đẳng tiểu học được phát triển rộng rãi với 3 lớp trung học (Enseignement Secondaire) - luyện thi Tú Tài trên toàn bán đảo Đông Dương. Đó là các trường : Quốc Học Huế, Hải Phòng, Quy Nhơn, Collège Le Myre de Vilers, Cantho ...
Cũng như bậc Cao Đẳng Tiểu Học (thi Diplôme), học trò trung học, học từ 8 giờ sáng thứ hai đến 6 giờ chiều thứ bảy nhưng được nghỉ trưa. Học từ 28 đến 30 giờ mỗi tuần.
4. Với bằng Tú Tài Toàn Phần, người học trò có căn bản vững chắc, nói và viết tiếng Pháp rất giỏi (ngay cả Baccalauréat Local), có thể học lên Đại Học Đông Dương (đại học duy nhất cho cả 3 nước Việt, Miên, Lào) hay đi du học bên Pháp (đương nhiên được ghi danh), hay đi dạy học ở các trường Cao Đẳng Tiểu Học (ngạch trật và lương bổng ngang Đốc Học= Giáo Sư là quý vị có bằng Thành Chung và học 3 năm trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội), làm công chức ở Phủ Toàn Quyền, Tòa Thống Đốc Nam Kỳ, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ, Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ ...
- Thế nhưng thi vào học ở những trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp- vẫn là lý tưởng - cho sinh viên nghèo ở nước ta (phi cao đẳng bất thành phu phụ). Trước năm 1925, trường Cao Đẳng tuyển sinh viên, chỉ là bằng Thành Chung. Bây giờ thì ứng viên phải có Tú Tài Tòan Phần. Đó là các trường cao đẳng chuyên nghiệp ở Hà Nội như: Sư Phạm, Công Chánh, Thú Y, Canh Nông, Mỹ Thuật ... Sinh viên được huấn luyện ba năm, sau khi tốt nghiệp (là trình độ Cử Nhân= Licencié) trở thành những cán bộ nòng cốt (cao cấp) cho nền đô hộ Pháp tại Việt Nam.
5. Bên cạnh những trường Cao Đẳng Tiểu Học, và trường trung học (đệ nhị cấp), nhà nước bảo hộ còn mở trường Thông Ngôn và trường Hậu Bổ.
- Trường Thông Ngôn (Collège des Interprètes) được thiết lập ở Sài gòn năm 1864 và Hà Nội năm 1905. Những năm 1915, đỗ Diplôme (Trung Học Đệ Nhất Cấp) là quý lắm!. Uyên bác như Phạm Quỳnh (1892-1945) cũng chỉ có bằng Thành Chung (đệ Tứ). Nguyễn văn Vĩnh (1882-1936) , Phạm duy Tốn (1883-1924) cũng ở trình độ đó. Cả ba vị đều tốt nghiệp trường Thông Ngôn rồi làm việc hành chánh cho Pháp. Đa số các nhà văn, nhà báo ... có bằng Diplôme. Hiếm hoi lắm mới có người đậu Tú Tài. Ngay đến những năm 1925, tình trạng trí thức cũng không khá hơn. Cử nhân thì hiếm quá. Trường Thông Ngôn lúc đầu tuyển lựa sinh viên ở trình độ có bằng Xéc vì phải thông thạo 2 thứ tiếng Việt, Pháp. Thông ngôn là nhịp cầu nối giữa nhà nước bảo hộ và dân bổn xứ.
-Trường Hậu Bổ (2) (Écoles des Mandarins = École d'Administration) được thành lập ở Hà Nội năm 1903 và ở Huế năm 1911. Năm 1912, đổi tên là Trường Sĩ Hoạn, và năm 1917, bị giải thể mà thay thế vào là trường Pháp Chánh Đông Dương (École de Droit et d'Aministration) đào tạo công chức ngạch Tây.
    * Là trường để quý vị cử nhân (thi Hương), trong khi chờ đợi lệnh bổ nhiệm được huấn luyện hành chánh và học tiếng Pháp. Thủ tướng đầu tiên của nước Việt Nam Độc Lập (ngày 9/3/1945) Trần Trọng Kim là Giáo Sư của Trường Hậu Bổ
    * Quý vị có Tú Tài (thi Hương) và ấm sinh (con quan) muốn học phải qua một kỳ thi khảo hạch.
6. Ở bậc Diplôme hay Tú Tài, giáo sư (rất ít cô giáo) rất nghiêm khắc và bài vở thật nhiều (như nhồi sọ để thanh thiếu niên Việt Nam không còn giây phút nào nghĩ đến cách mạng giải phóng quê hương). Chương trình Bac Local còn nặng hơn Bac Metro!. Thế nhưng, phần vì truyền thống Nho giáo, phần vì tủi nhục thân phận con dân nước bị trị, học trò An Nam vốn dĩ thông minh lại chăm chỉ, và lễ độ nên học giỏi lắm (điểm 18=90% là giỏi, 19=95% thì giỏi lắm, và 20=100% là giỏi quá - theo thang điểm 20). Đôi khi thầy khảo bài mà lỡ ấp úng bị quả trứng zero thì lấy làm xấu hổ lắm!. Hễ có dịp sang Pháp du học thì luôn luôn làm vẻ vang dòng giống Lạc Hồng. Điển hình là:
    *Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997). Ông đậu 2 bằng tiến sĩ (Luật và Văn Chương) tại Pháp năm 1932 lúc mới 23 tuổi!
    * Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm (1908-1974): Agrégé de Grammaire  năm 1935.
    * Triết Gia Trần Đức Thảo (1917-1993) : Agrégé de Philosophie  năm 1943. 
Lưỡng Khoa Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường lúc còn học ở PhápHai vị thạc sĩ đều được học bổng học trường Cao Đẳng Sư Phạm Paris (École Normal Supérieure) nơi quy tụ những tinh hoa của nước Pháp (cũng như École Nationale des Pont et Chaussées). Quý vị tiền bối đã cho con cháu Văn Lang một gương sáng chói lọi:

"Đã không cầm bút thì thôi,
Học cho đài các cho đời (3) biết tay!"
Tiếc thay nhà nước bảo hộ đã không cấp phát những học bổng cho du sinh Việt Nam học những môn thực dụng, khoa học kỹ thuật (STEM) đó là những ngành "do more than talk", ngõ hầu khi thành tài trở về Việt Nam phát minh và sáng chế những sản phẩm kỹ nghệ, đóng góp thực tế cho phát triển kinh tế quốc gia và cho tiến bộ của nhân loại. Tiếc lắm !
IV. Viện Cao Đẳng Đại Học Hà Nội: đào tạo lớp thượng lưu trí thức bản xứ:
1. Toàn Quyền Albert Saraut (1911-14 và 1917-20) là người có công lớn trong việc phát triển Viện Cao Đẳng và Đại Học Hà Nội. Giới trí thức nước ta lúc đó gọi ông là Vị Toàn Quyền Trứ Danh. Trong bất cứ bài diễn văn nào tại những tổ chức văn hóa giáo dục (như Hội Khai Trí Tiến Đức) ông đều nỗ lực cổ võ nền giáo dục cao cấp đó (enseignement supérieur) và mong sớm xây cất trường Cao Đẳng, Đại Học Đông Dương (Univerrsité Indochinoise).
2. Từ Tiểu Học, Cao Đẳng Tiểu Học, Trung Học đến Đại Học ở nước ta thời Pháp cai trị đều rập khuôn theo tổ chức giáo dục của Pháp (Paris). Tuy nhiên có thay đổi chút ít (thường là chặt chẽ hơn) cho phù hợp với dân bản địa. Cấp học cao nhất nầy có 2 loại trường (đã đào tạo giới trí thức thượng tầng):
- Trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp (Écoles Supérieures)
    * Để được nhập học, ứng viên phải có đủ điều kiện bằng  cấp (Diplôme hay Tú Tài về sau nầy) và phải qua kỳ thi tuyển (concours) gay go.
    * Được học bổng trong khi theo học (từ 1 đến 5 năm). Sau khi tốt nghiệp phải làm việc với nhà nước bảo hộ 10 năm (khế ước đã ký lúc nạp đơn thi). Chắn chắn lúc ra trường có việc làm. Đó là các trường Cao Đẳng Sư Phạm, Công Chánh ...
- Trường Đại Học Hà Nội (Université Indochinoise):
    * Học sinh có bằng Tú Tài được tự do ghi danh phân khoa (faculté) mình muốn học. Phải trả học phí. Đại Học Đông Dương chỉ có bậc Cử Nhân (Licencé 3 năm ). Bậc Cao Học (Mâitrise = DES = Diplôme d'Étude Supérieure) chỉ được trường Luật mở vào đầu thập niên 1940.

    * Những sinh viên giỏi lắm (95%) thường được cấp học bổng. Tự kiếm việc làm lúc tốt nghiệp. Thực ra, lúc đó bằng Cử Nhân  còn hiếm lắm. Lớp cử nhân năm thứ hai trường Luật chỉ có 30 sinh viên, 1940-1941. Ông Võ Nguyên Giáp  học Luật và năm 1938 đỗ giải nhất kinh tế học. Phần thưởng là học bổng sang Pháp học Tiến Sĩ = Docteur en Droit)
3. Những trường Đại Học và Cao Đẳng chuyên nghiệp tiêu biểu: Ngay từ khi thành lập Viện Đại Học Đông Dương (đầu thế kỷ 20) thì các trường - hầu hết là trường chuyên nghiệp (dạy nghề) để đào tạo cán bộ cao cấp nhằm phụ tá người Pháp trong nỗ lực khai thác tài nguyên và nhân công thuộc địa hữu hiệu hơn. Tất cả đều là trường (écoles).- Trường Y Khoa Hà Nội (École de Médecine, 1902):
    * Phần để đáp ứng với nhu cầu dân bổn xứ, phần để phô trương khoa học kỹ thuật tân tiến của Pháp, nhà nước bảo hộ mở trường thuốc (École de Médecine et de Pharmacie) năm 1902 với 29 học viên. Thế nhưng từ năm 1911 mới hoạt động bình thường. Điều kiện nhập học là có bằng Thành Chung và được huấn luyện 3 hay 4 năm. tùy theo nhu cầu y tế. Danh xưng ban đầu là Y Sĩ Bản Xứ (Médecine Indigène), sau đổi là Y Sĩ Phụ Tá (Médecin Auxiliaire), rồi Y Sĩ Đông Dương (Médecine Indochinois) (4).
    * Rồi trường thuốc được đổi tên là École de Médecine de Plein Exercice (trường thuốc Mãn Tập) mà sinh viên muốn theo học phải có bằng Tú Tài Toàn Phần. Năm 1933, chánh thức thành lập Y Dược Đại Học Khoa (Faculté Mix de Médecine et de Pharmacie) và bắt đầu cấp phát văn bằng Y Khoa Bác Sĩ (Docteur de Médecine). Tới năm 1945, trường mới chỉ đào tạo được khoảng 50 bác sĩ, 150 y sĩ, và một số dược sĩ (Y Khoa Bác Sĩ, Tiến Sĩ Quốc Gia có chỉ số lương là 690 - ngạch trật tương đương Đại Tá. Cao học = 550 , Cử Nhân 470).


Cao Đẳng Y Dược Hanoi

- Trường Công Chánh hay Lục Lộ (École de Travaux Publics, 1920
    * Đào tạo những cán sự chuyên môn (agent technique) cho các ty công chánh, địa chánh và phải học 2 năm. Năm 1913-14, tổng số sinh viên là 60 với bằng Diplôme (sinh viên năm thứ nhất)
    * Năm 1944, trường đổi tên là Cao Đẳng Công Chánh (École Supérieure des Travaux Publics) , sinh viên phải có Tú Tài. Trường đào tạo kỹ sư và phó kỹ sư (Ingénieur et Ingénieur Adjoint des Travaux Publics. Phó Đức Chính, Hoàng tử Souvana Souphanouvong là cựu sinh viên trường Công Chánh.

- Trường Cao Đẳng Sư Phạm (École de Pédagogie, 1914):
    *Huấn luyện giáo sư (Đốc Học) cho bậc Cao Đẳng Tiểu Học.
    * Ban đầu là những sinh viên có bằng Diplôme và học trong 3 năm. Từ năm 1920, thí sinh dự tuyển phải có bằng Tú Tài Toàn Phần, tốt nghiệp sau 2 năm học tập và được bổ nhiệm về giảng dạy ở các trường trung học. Trường có 2 ban : ban Văn Chương gồm các môn học Triết, Văn Chương, Sử Địa và ban Khoa Học gồm Toán, Lý Hóa, Vạn Vật. Về sau, sinh viên được đào tạo trong 3 năm.
    * Nhà văn Hoàng Ngọc Phách nổi tiếng với tiểu thuyết Tố Tâm là sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm.
- Trường Pháp Chính (École de Droit et d'Administration, 1917):
    * Đào tạo quan lại về hành chánh, tài chánh và tư pháp. Học trình là 2, 3 năm. Sinh viên tốt nghiệp được vào ngạch Tham Tá (Tham Biện) hoặc được bổ nhiệm làm Tri Phủ (quận lớn), Tri Huyện (quận trung bình), Tri Châu (vùng cao nguyên, thượng du) hoặc làm Commies ở Phủ Toàn Quyền, Tòa Thống Đốc Nam Kỳ, Phủ Thống Sứ Bắc Kỳ, Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ.
    * Lúc đầu trường nhận sinh viên có bằng Cao Đẳng Tiểu Học, về sau là Tú Tài và học 3 năm. Năm 1931 đổi là Trường Cao Đẳng Luật Khoa Đông Dương (École Supérieure de Droit l'Indochine). Năm 1941 đổi thành trường Đại Học Luật Khoa. (Faculté de Droit).- Trường Cao Đẳng Thương Mại (École Supérieure de Commerce, 1920):
    * Đào tạo những chuyên viên cấp cao, đầy đủ kiến thức về nội thương và ngoại thương qua học trình 3 năm. Hỗ trợ cho trường Cao Đẳng Thương Mại là trường Thương Mại Thực Hành (École d'Aplication Commerciale) được thành lập ở Sài Gòn, 1922.
    * Năm 1926, trường mở khóa Bưu Chính và Điện Báo (Section des Postes et Télégraphes) để huấn luyện nhân viên tiếp nhận điện báo (Receveur) cho bưu điện. Trường còn mở thêm khóa điện báo vô tuyến (Section Radio Télégraphiques) mà đào tạo chuyên viên cho sở vô tuyến điện (Service Radio Télégraphique).
    * Niên khóa 1929-1930, trường có khoảng 50 sinh viên. Nguyễn Thái Học và Hồ Văn Mịch là cựu sinh viên trường Cao Đẳng Thương Mại Hà Nội. Bao nhiêu chất xám Tiên Rồng đã hy sinh cho độc lập, tự do.- Trường Cao Đẳng Nông Lâm (École Supérieure d'Agriculture et de Sylviculture, 1918):
    * Ban đầu trường huấn luyện những phụ tá kỹ sư ngông nghiệp và lâm nghiệp, học trình 3 năm.
    * Từ năm 1938, tuyển sinh viên có Tú Tài để đào tạo kỹ sư nông và lâm nghiệp trong 3 năm.
- Trường Cao Đẳng Thú Y Đông Dương (École Supérieure Vétérinaire de l'Indochine, 1917)
    * Trường đạo tào phụ tá thú y sĩ. Điều kiện nhập học là có bằng Diplôme. Học trình 4 năm.
    * Từ năm 1941, sinh viên phải có bằng Tú Tài và qua kỳ thi tuyển. Học trình 5 năm và được phát bằng bác sĩ thú y. Trường Cao Đẳng Thú Y hoạt động không được liên tục. Từ năm 1925 đến 1835 có 60 sinh viên ra trường.- Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ( École dé Beaux Art, 1924):
    * Chương trình đào tạo chuyên viên từ 3 đến 5 năm. Đó là những họa sĩ, điêu khắc gia.
    * Năm 1927, trường mở thêm ngành kiến trúc. Năm 1928, mở ngành Nghệ Thuật Sơn Mài. Năm 1932, có thêm ngành Khắc Chạm Kim Loại (ciselure). Năm 1937 có thêm ngành Đồ Gốm và Đồ Sứ.
    * Năm 1938, trường đổi tên là Trường Mỹ Thuật và Mỹ Thuật Thực Hành (École des Beaux Arts et des Arts Appliqués).- ...

Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hanoi
4. Con số thống kê về sinh viên Cao Đẳng, Đại Học Hà Nội niên khóa 1937-38
- Số sinh viên các trường Cao Đẳng Chuyên Nghiệp: 2,051 người
- Đại Học Hà Nội: 547 sinh viên (trường Luật 338, trường Thuốc: 176, Trường Mỹ Thuật 33)
    * Năm 1944, Đại Học Hà Nội: 547 sinh viên (77% là người Việt Nam, 23% là người Cao Miên và Lào)
5. Hội Khai Trí Tiến Đức (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annammites = AFIMA): Thành lập năm 1919, hoạt động tới tháng 12 năm 1943. Đây là nơi quy tụ những thượng lưu trí thức của nước ta được đào tạo từ nền giáo dục Việt Nam dưới thời Pháp Thuộc và Giáo Dục Mẫu Quốc (France).
Lời kết:
- Nous sommes des esclaves! Nous sommes des esclaves!, và
"Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung"
(Phan Chu Trinh, 1925)
-Những năm trước và sau năm 1925, giáo dục An Nam dưới thời Pháp thuộc đã ảnh hưởng sâu rộng đến giới trẻ nước ta. Văn chương thơ phú Pháp lãng mạng lắm, qua Lamartine (1790-1869), Alfred de Vigny (1797-1863), Alfred de Musset (1810-1857) ...
- Những danh ngôn của các Triết gia Pháp hay quá - mà trong suốt thế kỷ 18 chủ trương nhân quyền (Les droits de l'homme et du citoyen) - qua Montesquieu (1689-1755) Voltaire (1694-1778), J.J. Rousseau (1712-1778), Dierot (1713-1784) ... như xoáy vào óc, vào tim những học trò trong trắng Đại Nam, như thôi thúc họ : "Anh em ơi, phải vùng lên đòi quyền sống, đòi quyền làm người, đòi công bình dân chủ xã hội".
-Lịch sử Pháp thì lại quá hào hùng mà giới trẻ Nam Quốc từng say sưa học hỏi trong 2 giờ sử ký hàng tuần:
    *Còn gì đẹp hơn hình ảnh dũng tướng Lafayette (1757-1834) phất cờ tam sắc (xanh, đỏ, trắng) và cùng nhân dân Paris phá ngục Bastille ngày 14 tháng 7 năm 1789. "Việt Nam ơi, Cách Mạng!"
    * Và hình ảnh đẹp tuyệt vời trong cuộc Cách Mạng Pháp năm 1848, thi sĩ Lamartine giương cao ngọn cờ tam tài mà hô hào dân Paris biểu tình trước Tòa Đô Chính. Đông tây gặp nhau: "Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh". "Thanh niên Việt Nam phải và phải làm cách mạng".
    * Rồi còn nhiều nhà cách mạng Pháp như Mirabeau (1749-1791), Danton (1759-1794), Robespierre (1758-1794) ... là gương sáng chói lọi cho những cậu học trò Cao Đẳng Tiểu Học, Trung Học ...
-Tất cả là nguyên nhân đưa đến sự thành lập những hội kín chống thực dân Pháp và sự hình thành cao trào tranh thủ độc lập và thống nhất của toàn dân Việt. "Việt Nam phải độc lập, Việt Nam phải thống nhất".
    * Điển hình là phong trào Công Nông Binh nổi dậy ở Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi năm 1930 do Nguyễn Nghiêm cầm đầu với cả trăm người cầm cờ đỏ búa liềm Nga biểu tình thâu đêm
    * Cụ thể là cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Đảng, năm 1930 do Nguyễn Thái Học khởi xướng! Hoa tự do đã phải tưới bằng máu dân tộc. Cờ độc lập được dựng lên từ thân xác bao nhiêu chiến sĩ vô danh để Việt Nam Minh Châu Trời Đông và cho Đại Nam Vạn Tuế, Vạn Vạn Tuế !
Những ngày trọng thu 2013
GS Phạm Đức Liên
Central Piedmont Community College N.C.

Chú thích:
(1): Cho đến trước thế chiến II (1939-1945) Việt Nam chỉ có 4 trường trung học (tức  là 3 cấp học thi Tú Tài) với 553 học sinh, và 19 trường Cao Đẳng Tiểu Học (tức là 4 cấp học thi bằng Thành Chung) với 5,637 học trò.
(2) Học trình của trường Hậu Bổ (chuẩn bị bổ ra làm quan Apprenti Mandarin) là 3 năm. Lúc đầu, trường nhận Ấm sinh (con quan từ ngũ phẩm) và Tôn sinh (con cháu hoàng tộc). Điều kiện dự thí là phải có bằng Xéc (Certificat ..) về sau là bằng Diplôme (Thành Chung). Tổng thống Ngô Đình Diệm (1901-1963) của Đệ Nhất Cộng Hòa Việt Nam tốt nghiệp từ trường Hậu Bổ.
(3) Chữ đời còn có nghĩa là thực dân Pháp. Nhiều giáo sư người Pháp qua Việt Nam dạy học, tha phương cầu thực, thế nhưng lại rất thực dân, khinh rẻ dân tộc Lạc Hồng qua lời mắng nhiếc học trò. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Thạc sĩ Trần Đức Thảo .. đã cho họ một bài học nẩy lửa !!!
(4) Do nhu cầu của y tế Đông Dương (rất cần nhiều y sĩ, y tá ...) Khóa của BS Nguyễn Xuân Chữ được huấn luyện 4 năm (1921-1925). Trong khi đó khóa của BS Lê Đình Thám đào tạo gấp 3 năm (1931-1934)

No comments: