Monday, February 27, 2017

TS. PHẠM CAO DƯƠNG * CHIẾN TRANH VIỆT NAM



Một vài ghi chú về Đảng Cộng Sản và Chủ Trương Chiếu Cố Miền Nam:
Chiến Tranh Phát Xuất Từ Đâu và Từ Bao Giờ?
 PHẠM CAO DƯƠNG
 


image006

Trước khi vô đề:
            Đây không phải là một bài khảo cứu theo đúng nghĩa của nó mà chỉ là những ghi chú liên hệ tới nguồn gốc của cuộc Chiến Tranh Đông Dương Lần Thứ Hai hay là Chiến Tranh Việt Nam gọi theo người Mỹ.  Người viết xin gửi tới các bạn đọc nhân ngày Quốc Hận 30/4/2016.  Những ghi chú này được trích từ tập tài liệu nhan đề Cuộc Kháng Chiến Chống Mỹ, Cứu Nước 1954-1975, Những Sự Kiện Quân Sự, do Nhà Xuất Bản Quân Đội Nhân Dân, Học Viện Quân Sự Cao Cấp, Ban Tổng kết Kinh Nghiệm Chiến Tranh, ấn hành ở Hà Nội năm 1980.
            Năm 1980 là năm cuộc chiến Trung - Việt hay cuộc chiến giữa hai nước Cộng Sản anh em vừa mới bùng nổ năm trước.  Mục đích của  những ghi chú này là để cung cấp cho các bạn đọc một số những tài liệu do chính nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đương thời phổ biến, liên hệ đến chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam và phần nào sự mâu thuẫn giữa chủ trương này và chủ trương của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong tiến trình xâm lăng miền Nam ngay từ ngày 18/7/1954, hai ngày trước khi Hiệp Định Genève được ký kết cho đến ngày 20/12/1960, ngày Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam được thành lập “với cương lĩnh và đường lối” do đảng này đề ra.
image008
Hội nghi Geneve 1954

Để tiện cho người đọc theo dõi, người viết xin ghi theo thứ tự thời gian từng năm. Tất nhiên vì những tài liệu này được phổ biến vào thời điểm chiến tranh Trung-Việt, do nhu cầu của cuộc chiến nên tất cả cần phải được phối kiểm với những nguồn tài liệu được ấn hành và phổ biến bởi phía những người Cộng Sản sau này, đặc biệt là các văn kiện đảng.  Nhằm giúp cho bạn đọc dễ theo dõi, các tài liệu này được ghi theo thứ tự thời gian.  Người viết cũng chỉ làm công việc ghi chú để gửi tới bạn đọc và dành quyền nhận định hay phê phán cho từng bạn đọc.  Có điều lá bài đã được chính người chơi ngạo mạn lật ngửa và một nửa dân tộc cũng như một phần không nhỏ của cả thế giới đương thời một lần nữa bị lừa.  Trước đó, lần thứ nhất, vào giữa thập niên 1940 của thế kỷ trước đúng như Vua Bảo Đại đã nói với Học Giả kiêm Thủ Tướng Trần Trọng Kim là “Chúng ta già trẻ đều bị lừa”.
            Về cách ghi chú, người viết gần như giữ nguyên những gì được ghi trong tài liệu kể trên để độc giả dễ có nhận xét hơn thay vì đổi lại lời văn.
         
Năm 1954:  Từ nhiều ngày trước Hiệp Định Genève, “Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp”
             1. Hội Nghị Trung Ương Đảng lần thứ 6 nhóm họp từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 7/1954. Hồ Chí Minh báo cáo chính trị về tình hình mới và nhiệm vụ mới với chủ trương “Đế Quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hòa bình ở Đông Dương” từ đó  Hội nghị đưa ra phương châm:  “Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp…” tr. 7.  Xin lưu ý:  ngày 18 tháng 7 tức 2 ngày trước ngày Hiệp Định Đình Chiến Genève được các  bên và chính Cộng Sản Việt Nam chấp nhận.  Cũng nên để ý thêm là lúc này người Mỹ chưa vào và người Pháp đang tìm cách rút khỏi Việt Nam.
            2. Trước đó, ngày 5 tháng 7,  Bộ Chính Trị của đảng này đã ra “Nghị quyết về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”.  Bốn đặc điểm mới đã được nêu lên với đặc điểm thứ tư, từ phân tán sang tập trung: “Trước kia mang nặng tính chất chiến tranh du kích nay tình hình đã biến đổi, yêu cầu ta phải tập trung thống nhất lãnh đạo xây dựng kiến thiết miền Bắc, chỉ đạo công tác miền Nam.” tr.11.  “Cho nên tăng cường quân đội nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của Đảng, Chính phủ và của toàn thể nhân dân ta”.  Đó là “phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống những hành động khủng bố, đàn áp, phá cơ sở của ta, bắt cán bộ ta và quần chúng cách mạng, chống những hành động tiến quân của địch, giữ lấy quyền lợi quần chúng đã giành được trong thời kỳ kháng chiến, nhất là ở vùng căn cứ địa và du kích cũ của ta…”, tr. 12
Năm 1955: Miền Bắc có vai trò quyết định và là cái gốc – Thành lập Mặt Trận Tổ Quốc

            Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung ương Đảng lần thứ bảy, 3-12/3/55, nghị quyết: Miền Bắc có vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, miền Nam có vai trò quyết định trực tiếp trong việc đánh đổ ách thống trị của đế quốc và bè lũ tay sai để giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân chủ nhân dân”.   Hồ Chí Minh: “Miền Bắc là cái gốc”.  tr.17.

Tháng 10, 1955, Trung Ương Đảng chỉ thị cho miền Nam: “ Đối với bọn đương chống Diệm hiện nay như Hòa Hảo, Bình Xuyên, Cao Đài ở Nam Bộ, Đại Việt ở Quảng Trị, QDĐ ở Quảng Nam, chúng ta cần nhận định rõ tính chất của chúng chống Diệm là vì quyền lợi, địa vị bản thân của chúng, nhưng chúng cũng đều chống ta và bọn nào cũng có nhiều hành động tàn ác đối với nhân dân.  Nhưng hiện nay chúng đều chống Diệm, nên chúng ta phải triệt để lợi dụng mâu thuẫn mà lôi kéo chúng…”,  tr. 19
10/09/55,  Mặt Trận Dân Tộc Thống Nhất họp tại Hà Nội thành lập Mặt Trận Tổ Quốc để “tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt Trận Liên Việt với Tôn Đức Thắng làm CT và 98 ủy viên, HCM làm CT danh Dự.
Năm 1956:  Phải đánh đổ chính quyền độc tài phát xít Mỹ Diệm bằng con đường cách mạng
Nghị quyết của Bộ Chính Trị: “Vấn đề hết sức quan trọng là phải tranh thủ xây dựng lực lượng cách mạng”, lần này đã đặt vấn đề “đấu tranh vũ trang, xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa”,  tr.28-29

Tháng 8 năm 1956, ĐC Lê Duẩn viết tài liệu về đường lối cách mạng miền Nam (Ủy Viên Bộ Chính Trị Trung Ương Đảng đang công tác ở miền Nam) nhan đề “Đường Lối Cách Mạng Miền Nam” với mục đích “phải đánh đ chính quyền độc tài phát xít Mỹ-Diệm và đánh đổ bằng con đường cách mạng”.  tr. 30-31.

image009
Ông Lê Duẩn và gia đình, các con, cháu. Ảnh Gia Đình cung cấp.

12/56, Xứ Ủy Nam Bộ họp để chấp hành Nghị Quyết của Hội Nghị Chính Trị Bộ, tháng 6, 1956: “Con đưòng tiến lên của cách mạng miền Nam phải dùng bạo lực tổng khởi nghĩa giành chính quyền”, tr. 33, bằng cách:  “Tích cực xây dựng lực lượng vũ trang tuyên truyền, lập các đội vũ trang bí mật, xây dựng căn cứ ở rừng núi, tranh thủ vận động, cải tạo tập hợp các lực lượng giáo phái bị Mỹ-Diệm đánh tan”…
1956: Những người cầm quyền Trung Quốc khuyên ta “trường kỳ mai phục”.
Đặng Tiểu Bình, TBT Đảng CSTQ, tháng 7, 55: “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất đất nước sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc”.
Mao Trạch Đông, tháng 11, 56: “Việc chia cắt nước Việt Nam không thể giải quyết trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ…  Nếu mười năm chưa được thì phải trăm năm.”
Năm 1957:  Xứ ủy Nam Bộ lập 37 đại đội vũ trang và đơn vị 250 cấp tiểu đoàn
            Tháng 10,  “Chấp hành Nghị quyết tháng 6/56, Nghị quyết tháng 12/56 của Xứ Ủy Nam Bộ lập 37 đại đội vũ trang và đơn vị 250, cấp tiểu đoàn ở Miền Đông Nam Bộ.
Năm 1958: Đặc công tấn công trụ sở MAAG ở Biên Hòa, 19 Mỹ chết
            Thành lập Bộ Tư Lệnh Miền Đông Nam Bộ sau đổi làm Ban Quân Sự Miền.
            Ngày 20/10/58, Đại Đội Đặc Công tấn công trụ sở phái đoàn MAAG ở Biên Hoà, 19 Mỹ bị chết hay bị thương.
Năm 1959: thành lập các Đoàn 559, 759, 959 xâm nhập miền Nam bằng đường bộ, đường biển và đường Lào
            Hội Nghị Ban CHTƯ lần 15, tháng 5/59: “Con đường phát triển cơ bản của Cách mạng miền Nam là dùng bạo lực”,  tr. 49

            5/1959: Quân Ủy TƯ ra nghị quyết thành lập Đoàn 559 còn gọi là Bộ Đội Trường Sơn tiếp tế người, vũ khí vô Nam bằng đường bộ, Đường Mòn HCM.
            7/59 : Đoàn 759, tiếp tế bằng đường biển
            9/59: Đoàn 959 cố vấn cho QUTƯ Lào
Năm 1960: Thành Lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam

image011

             Điều tra dân số miền Bắc (tháng 3) và công bố luật nghĩa vụ quân sự (tháng 4)

            20/12/60: Thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam với cương lĩnh theo đường lối Đảng ta đề ra.


Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
         
            Cũng 1960, tháng 5, những người cầm quyền TQ: “Không nên nói đấu tranh quân sự hay đấu tranh chính trị là chính. Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay mà cuộc đấu tranh trường kỳ…Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được vì đế quốc Mỹ không chịu để như vậy đâu…
                     “Miền bắc có thể ủng hộ chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đẻ ra các chính sách nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam.  Khi chắc ăn, miền Bắc có thể giúp quân sự cho miền Nam, nghĩa là khi chắc chắn không xảy ra  chuyện gì, có thể cung cấp một số vũ trang mà không cho ai biết.  Nhưng nói chung là không giúp”,  tr. 72-73.Kết Luận:  Những ghi chú kể trên cho ta thấy cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam là do chủ trương của những người Cộng Sản, xuất phát từ Hà Nội, ngay từ trước khi Hiệp Định Genève được chính họ chấp nhận, chứ không phải mãi sau này khi quân đội Mỹ vào Việt Nam mới bắt đầu.  Nó không xuất phát từ Miền Nam, và nhất là bởi người Miền Nam hay người Mỹ, như được họ tuyên truyền nhằm đánh lừa dư luận. Rất tiếc là cuộc chiến này đã xảy ra và kéo dài, đưa đến không biết bao nhiêu là hậu quả vô cùng tai hại, về đủ mọi phương diện, từ tinh thần đến vật chất, mà không biết đến bao giờ dân tộc Việt Nam mới hàn gắn lại được, trong khi những nước khác, cũng bị chia cắt như Việt Nam đã tránh được.  Riêng Nam Hàn đã trở thành một cường quốc kinh tế của thề giới trong Thế Kỷ 21.
image012

  Có điều là cho đến tận bây giờ người Cộng Sản Việt Nam vẫn không chịu nhận ra những sai lầm của họ để sửa đổi, đặc biệt là từ bỏ truyền thống bạo lực để quan tâm tới cuộc sống của người dân.  Cuối cùng ta cũng nên để ý tới những nhận định của Mao Trạch Đông và Đặng Tiu Bình.  Hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc này đã tỏ ra không mặn 


Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát (1913-1989)


mà gì với quyết định xâm lăng Miền Nam của Cộng Sản Việt Nam nên tuy không chính thức ngăn cản nhưng gần như đã bàn ra thay vì ủng hộ.

Nguyên văn xin ghi lại một lần nữa  như sau:
  Đặng Tiểu Bình, TBT Đảng CSTQ, tháng 7, 55: “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất đất nước sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc.”
Mao Trạch Đông, tháng 11, 56: ”Việc chia cắt nước Việt Nam không thể giải quyết trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ…Nếu mười năm chưa được thì phải trăm năm.”
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông lại có thái độ kể trên?  Câu trả lời:  Phải chăng là vì ở thời điểm năm 1956 này Trung Quốc còn quá yếu sau khi mới thống nhất được có bảy năm nên không muốn có sự hiện diện của người Mỹ ở sát biên giới phía nam của mình.  Lý do là vì cuộc xâm nhập miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt có thể tạo cớ cho quân Mỹ đổ bộ lên Việt Nam như người Mỹ sẽ làm về sau này?
Little Saigon, tháng Tư 2016
Phạm Cao Dương 


LÊ TÙNG MINH * ĐÊM GIỮA BAN NGÀY

Giá Trị Thực Trong "Đêm Giữa Ban Ngày" Của Vũ Thư Hiên
Lê Tùng Minh
"Trong sự biến dạng của người Cộng sản, trong sự tha hóa của họ, cái gì là tác nhân - chủ thuyết mà họ theo đã nhào nặn con người họ thành ra như thế hay chính họ tự biến đổi để trở lại nguyên hình, cho đúng với bản thể do Trời đất tạo ra, hay là hai cái đồng thời, tôi không rõ "(1)
Nhưng trong cả cuốn sách dày đến 767 trang, gồm 41 chương, những sự kiện, những nhân vật mà ông Vũ Thư Hiên đưa ra "chỉ có sự thật" (tr 13) và với những đánh giá, phê phán của ông đều hình như đúng trăm phần trăm và rõ ràng đến nỗi không cần phải xác minh nữa ?!


Thế thì lời tự bạch "Tôi không rõ" của Vũ Thư Hiên có nghĩa gì ? Phải chăng, đây chính là tính cách của nhà điện ảnh-nhà văn, luôn dùng cái trừu tượng để phản ảnh cái hiện thực ?
Phải thừa nhận, bút pháp của Vũ Thư Hiên khá điêu luyện, vượt hơn hẳn các cuốn "Mặt Thật" của Bùi Tín, "Tử Tù Tự Xử Lý" của Trần Thư và "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn... Tuy nhiên, nếu về mặt nội dung thì cần phải suy xét kỹ càng về giá trị thực của nó. Riêng tôi, nhận ra những điểm chính cần phải xét sau đây : "Đêm Giữa Ban Ngày" không hoàn toàn là cuốn hồi ký, và nó cũng không hoàn toàn là sự thật, đúng như sự nghi vấn của ông Marx Namidi nào đó, rằng : "Bao nhiêu phần trăm điều ông viết ra là chuyện thật ? Tôi nghĩ mình sẽ không thể nào biết được!" Hơn nữa, cách kết cấu không liên tục thời gian, cũng như các chuỗi sự kiện và nhân vật chồng chéo lên nhau, pha trộn vào nhau, vô tình hay cố ý đã tạo ra một bức màn che "cái hư xen lẫn cái thực" làm cho ngườI đọc khó nắm bắt được những điều gì có hệ thống về tư duy của Vũ Thư Hiên, đói với bản thân tác giả, cũng như sự đánh giá của tác giả đối với các sự kiện và nhân vật một cách nhất quán trong suốt cuốn hồi ký.

Vì lẽ ấy, chúng tôi - với cái nhìn của một người đã thực chứng giai đoạn lịch sử mà ông Vũ Thư Hiên đã có mặt trong "Đêm Giữa Ban Ngày" cũng như đã có biết về những nhân vật mà tác giả đã nêu - muốn xem xét giá trị thực trong "Đêm Giữa Ban Ngày" nhằm làm sáng tỏ điều mà ông Vũ Thư Hiên đã nói : "Quá khứ chỉ có ích khi con người lấy nó làm cái để suy ngẫm, rút ra từ trong lòng những sự kiện của nó bài học cho tương lai" (tr 13).


1. Tôi Hiểu Gì Về Vũ Thư Hiên ?
Trước hết, phải nói tôi và Vũ Thư Hiên không quen nhau đúng theo nghĩa quen biết. Tôi chỉ biết Vũ Thư Hiên là dịch giả cuốn "Bông Hồng Vàng", tập truyện ngắn của Paoustovsky (Liên Xô), biết Vũ Thư Hiên là phóng viên "Báo Ảnh Việt Nam" (qua lời kể của Lâm Âm (2), bạn của tôi, cùng làm Báo Ảnh với Vũ Thư Hiên). Và một đôi lần, tôi có gặp mặt Vũ Thư Hiên đến cơ quan tôi làm việc (Viện Sử Học) để trao đổi gì đó với Nguyễn Hồng Phong (vào những năm 60, Nguyễn Hồng Phong là Thư ký Khoa học của Viện, và giữ chức Viện Trưởng Viện Sử Học trong những năm 1990 - 1995) (3).

Cho nên, những gì tôi viết ở mục này, hoàn toàn dựa vào lời kể tản mạn của Vũ Thư Hiên trong hồi ký chính trị của ông, nhưng có phân tích để thấy đâu là đáng tin, đâu là không đáng tin.

Vũ Thư Hiên sinh 18 tháng 10 năm 1933 tại Hà Nội. Hà Nội (phố Hàng Bạc) là quê ngoại của ông. Còn quê nội của tác giả là Nam Định (một làng cách thị trấn Cổ Lễ vài cây số, dọc theo con đê Vòng). Cha của Vũ Thư Hiên là ông Vũ Đình Huỳnh (đã từng làm Bí thư cho Hồ chí Minh, và Vụ trưởng vụ Lễ tân của chính phủ Hồ chí Minh). Mẹ của ông là bà Phạm Thị Tề (nguyên là một nữ sinh hoạt động cách mạng từ năm 1925). Vì thế nên Vũ Thư Hiên đã từng tự hào : "Sống trong một gia đình mà cha mẹ đều hoạt động cách mạng, tôi nhập vào dòng chảy của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, cũng là dòng chảy của thời đại tôi, một cách tự nhiên, như muốn sống thì phải thở khí trời" (tr 31). Đây là một tự hào chính đáng, nhưng nó cũng bộc lộ một sự thật là Vũ Thư Hiên tham gia "Cách mạng Giải phóng Dân tộc" do Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo không phải bắt nguồn từ sự giác ngộ của bản thân, hay nói một cách khác "cha mẹ làm cách mạng thì con cũng làm cách mạng". Sự thật này có ảnh hưởng rất lớn đối với quan điểm chính trị của Vũ Thư Hiên, khi ông đã nhận thức được "cái gì thuộc về cái của ông".

Cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội, do Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo, đã thành công vào ngày 19-8-1945, mà những nhà sử học Cộng sản tôn danh là "Cách Mạng tháng Tám", ông Vũ Thư Hiên mới tròn 12 tuổi. Và Vũ Thư Hiên "đã lăn vào công tác cách mạng đáng lẽ của người lớn, bắt đầu bằng một đội viên tuyên truyền xung phong" (tr 67). Đây là cách nói của một nhà văn Vũ Thư Hiên, chớ không phải là suy nghĩ của Vũ Thư Hiên 12 tuổi (ở lứa tuổi Vũ Thư Hiên trong những ngày mùa thu 1945 ấy, chú thiếu nhi nào cũng có thể làm như Vũ Thư Hiên ! Chính tôi là một bằng chứng. Năm ấy, tôi cũng vừa tròn 12 tuổi, vừa rời ghế nhà trường tiểu học và lao vào đội thiếu nhi Cứu Quốc, đi làm công tác tuyên truyền, nhưng thật ra chỉ ham vui, đâu hiểu gì là cách mạng).

Năm 1949, Vũ Thư Hiên tự nguyện tòng quân "bắt đầu cuộc đời người lính" lúc chưa đầy 16 tuổi (tr 119). Nhưng khi gặp gian khổ trong cuộc hành quân từ Khu 3 lên Việt Bắc, Vũ Thư Hiên lại tố cáo cách mạng, rằng : "Cuộc cách mạng này là cái gì vậy, khi người của nó không còn tình thương ? Chỉ cần thấy một đứa trẻ như tôi trong một đêm hành quân cực khổ vì Cách mạng thôi thì người có lương tri không nỡ đối xử với nó thế này ?" (tr 120). Rõ ràng, đây là một nhận thức không xuất phát từ sự chân thật của Vũ Thư Hiên hồi 16 tuổi. Ông đã lấy sự suy nghĩ của tuổi 60 (hơn 40 năm sau) để nhét vào đầu của tuổi thiếu niên nhiệt tình cách mạng giải phóng. Và ngay ở năm 1997 này, nhận thức có tính cách tố cáo cuộc "chiến tranh cách mạng" như thế cũng chưa hẳn là đúng, nếu sự thật vì tổ quốc, vì dân tộc để hy sinh, thì đâu có phân biệt tuổi trẻ hay già ? Và đã tự nguyện tham gia thì phải chịu đựng gian khổ, không chỉ có chịu đựng mưa gió đói rét, mà còn phải tự nguyện hy sinh xương máu của mình. Chẳng lẽ Vũ Thư Hiên lại tố cáo chính anh ? Sự cường điệu này đã làm cho người đọc thấy hơi kỳ cục.

Theo sự tự thuật của Vũ Thư Hiên, năm 1950 ông đang học khóa 6 trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn ở Việt Bắc (?). Nhưng, trước đó, ông đã cho biết, vào năm 1952, ông đang ở Thanh Hóa (?) Ông tốt nghiệp "sĩ quan lục quân" vào năm nào ? Sao trở lại Thanh Hóa, vùng căn cứ kháng chiến ? Ông trở lại đời học trò phổ thông hay còn ở quân đội ? Đây là khoảng trống khó hiểu, cộng thêm khoảng trống 1952-1954 trong tiểu sử của ông (?) đã làm cho người đọc thấy hụt hẫng, vì sự thật về cuộc đời của tác giả có quan hệ đến tính chân thật của cuốn hồi ký "Đêm Giữa Ban Ngày".

Hòa Bình lập lại (7-1954) Vũ Thư Hiên là một trong những thanh niên được ưu tiên đưa đi du học ở Liên xô (trường Điện Ảnh). Vậy tại sao ông lại viết : "Kháng chiến chống Pháp kết thúc thì cuộc cách mạng của chúng tôi bỗng dưng trở thành không phải của chúng tôi" (tr 63). Nếu câu nói này để lùi lại sau năm 1960 thì hợp lý hơn đối với cuộc đời "học điện ảnh mà không được hành nghiệp điện ảnh" của ông.

Năm 1958, Vũ Thư Hiên cho biết : "Tôi từ Liên xô về nước để lấy tài liệu cho đề tài thi tốt nghiệp khoa Kịch bản" (tr 74). Nhưng theo sự kể lại của Lâm Âm (đảng viên Cộng sản, biên tập viên tiếng Trung Quốc của "Báo Ảnh Việt Nam", sinh hoạt cùng chi bộ với Vũ Thư Hiên) thì Vũ Thư Hiên bị rút về nước về tộI "hưởng ứng quan điểm xét lại hiện đại của Reizman" (nhà quay phim nổi tiếng của Liên xô). Không hiểu Lâm Âm nói có đúng hay không. Nhưng theo tôi biết (lúc đó tôi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội) vào năm 1958, theo sự thông báo của Đảng đoàn Bộ Giáo Dục thì có một số nghiên cứu sinh đang học ở Liên Xô bị rút về nước vì "bị ảnh hưởng của chủ nghĩa xét lại hiện đại (révisionisme) của Liên xô".


Sau khi ở Liên xô về, Vũ Thư Hiên trở lại Xưởng phim Việt Nam. Và sang năm 1959, Vũ Thư Hiên chuyển sang làm báo ảnh. Theo lời kể của ông (tr 74) người ta có cảm tưởng ông "rất tự do chọn lựa chỗ làm". Điều này không đúng với thực tế về "công tác tổ chức cán bộ của nền chuyên chính vô sản ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa". "Tổ chức đặt đâu ngồi đó. Phân công làm việc ở đâu thì phải làm ở đó. Không được trái lệnh tổ chức !" Cho nên, có lần giáo sư Trần Văn Giàu (lúc này đương giữ chức Tổng thư ký của Ủy Ban Khoa Học Nhà nước, do kỹ sư Tạ Quang Bửu làm chủ nhiệm) đã nói một cách mỉa mai với tôi rằng : "Dù chú là tiến sĩ, nhưng tổ chức muốn chú chăn heo thì chú phải là anh chăn heo ! Nếu chú là thằng chăn heo, nhưng tổ chức muốn chú là ông tiến sĩ thì chú sẽ là ông tiến sĩ" (!) Do đó, khi ông Vũ Thư Hiên nói "bỏ nghề điện ảnh" vì "chịu không nổi tên trưởng phòng tổ chức", và đi làm báo ảnh vì ông thấy "Báo Ảnh Việt Nam" là hợp với ông hơn cả (tr 74). Điều đó có nghĩa là nhờ uy tín của cha ông - Bí thư của Hồ Chí Minh, nên Ban Tổ chức Trung Ương mới dễ dàng cho lựa chọn nghề báo ảnh của Vũ Thư Hiên mà thôi (?).


Cũng theo Vũ Thư Hiên, đến năm 1961, "mọi người trong tòa soạn đã được nhận thẻ nhà báo rồi mà mãi tôi chưa được nhận" "bởi vì tên tôi nằm trong một danh sách nào đó đòi những người trực tiếp quản lý các nhà báo phải suy nghĩ" (tr 75).
Vũ Thư Hiên đã thực sự bị ngành an ninh chính trị của Đảng theo dõi, nên Vũ Thư Hiên nhận thấy "người ta tránh không phân công tôi làm những đề tài có dính tới bí mật quân sự hoặc những bí mật khác" (tr 75).

Chính vì Đảng nghi ngờ như thế, nên Vũ Thư Hiên cứ mãi lận đận trong hàng ngũ cán bộ sơ cấp, hưởng lương cán sự, không tài nào leo lên hàng ngũ trung cấp, ăn lương chuyên viên như nhiều bạn bè thuộc loại "con ông cháu cha". Thật ra, Vũ Thư Hiên là một người tương đối có tài trên lĩnh vực biên kịch, sáng tác và dịch thuật (tiếng Nga) so với một số nhà báo, nhà văn cùng lứa tuổi của ông trong thập niên 60 ở miền Bắc. Vũ Thư Hiên đã sáng tác từ năm 1953 (20 tuổi) với tác phẩm đầu đời là vở kịch "Lối Thoát".

Từ năm 1961 - 1962 trở đi, Vũ Thư Hiên chỉ được độc giả miền Bắc chú ý với cuốn "Bông Hồng Vàng" (dịch của nhà văn Liên xô Paoustovsky, 1962). Nhưng Vũ Thư Hiên được "nổi tiếng" là nhờ bị Tố Hữu (Ủy viên Bộ Chính Trị đặc trách văn nghệ) đã kết tội cho ông là "lộ rõ tâm trạng bất mãn với chế độ hiện hành", qua truyện ngắn "Đêm Mất ngủ" của ông (đăng báo Văn Nghệ, 1961). Kịch bản phim "Đêm Cuối Cùng, Ngày Đầu Tiên" của Vũ Thư Hiên chưa ra đời, đã bị "đại tướng lúa gạo" Nguyễn Chí Thanh bóp chết ngay, vì tội "không phân biệt bạn thù", "mất lập trường giai cấp" (1963). Cuối cùng, tập truyện ngắn "Đêm Mùa Xuân" (nhà xb Lao Động 1963) cũng bị thu hồi.

Từ đó, Vũ Thư Hiên đã bị giới phê bình văn nghệ ở miền Bắc (trung thành vớI Đảng, theo đỡ lưng Tố Hữu) coi là kẻ "đã phất cao ngọn cờ ấn tượng chủ nghĩa nhằm chống lại đường lối văn nghệ xã hội chủ nghĩa của Đảng" (4).

Vũ Thư Hiên cho biết : Từ sau những sự kiện đó, những sáng tác của ông "không được in nữa" (tr 188). Mãi đến sau năm 1984 sách của Vũ Thư Hiên mới được in, nhưng phải ký tên khác (?!).

Cuộc đời của Vũ Thư Hiên, sau khi ra tù là một chuỗi ngày lận đận khác, được đề cập trong "Đêm Giữa Ban Ngày" như là phụ họa mà thôi.

Những trang viết "Tôi hiểu gì về Vũ Thư Hiên" chỉ nhằm mục đích cho độc giả biết khái quát về cuộc đời của tác giả trước khi bị bắt (1967) để có sự bình phẩm chính xác hơn về cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày", cũng như để nhận ra giá trị thực của tác phẩm.

2. Hồi Ký hay là Tùy Bút ?

"Tự bạch" về cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" Vũ Thư Hiên có viết như sau : "Hình thức văn học mà tác giả sử dụng trong cuốn sách chỉ vừa đủ cho bức tranh sự kiện không thành quá tẻ nhạt. Văn học đích thực không có ở nơi đây" (tr 13). Nhưng khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khuê thì Vũ Thư Hiên đã nói rõ hơn rằng : "Tôi chọn một cách giống như tùy bút của Nguyễn Tuân".

Hồi ký là hồi ký. Tùy bút là tùy bút. Không thể gộp hai thể loại (văn) này vào làm một. Càng không thể pha trộn nó một cách tùy tiện để đạt mục đích "làm thành một cái gì đó rất sống trước mắt mọi người" (như Vũ Thư Hiên đã nói vớI Thụy Khuê). Có thể ông Vũ Thư Hiên coi đây là một "sự sáng tạo", không gò bó trong cách viết, miễn sao hấp dẫn được người đọc (?).

Quá khứ có giá trị lịch sử của quá khứ, còn hiện tại có giá trị tức thời. Quá khứ có thể làm bài học cho hiện tại, nhưng không thể thay thế cho hiện tại. Ngược lại, hiện tại có thể lập lại phần nào giống quá khứ nhưng tuyệt đối không phải là quá khứ ! Do đó, viết theo cách của Vũ Thư Hiên chỉ làm cho người đọc không hiểu rõ nhận thức nào của tác giả trong thời quá khứ, và suy nghĩ nào của tác giả trong thời hiện tại. Cho nên, trong cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" có nhiều cốt chuyện thiếu tính chân thật, đôi khi tiểu thuyết hóa, có nhiều luận giải mang tính lý thuyết không phù hợp với thế hồi ký.

Cốt chuyện đầy kịch tính nhất trong "Đêm Giữa Ban Ngày" là sự "đối đầu" giữa tên Huỳnh Ngự (Cục phó Cục Chấp Pháp) với Vũ Thư Hiên. Cốt chuyện này xen kẽ, xuyên suốt trong hầu hết các chương của "Đêm Giữa Ban Ngày". Nếu ai chưa từng ở tù Cộng sản thì dễ dàng chấp nhận các tình tiết gây cấn hấp dẫn của cốt chuyện "đối đầu" giữa người tù "xét lại chống Đảng" với tên Cục phó chấp pháp đầy thủ đoạn (?) Nhưng, nếu ai đã từng là tù nhân chính trị dưới chế độ Cộng sản Việt Nam thì sẽ thấy ngay một số chi tiết có vẻ tiểu thuyết hóa để tô vẽ cái "khí tiết bất khuất của một người tù kiên cường" Vũ Thư Hiên (?)

Sau đây là một vài dẫn chứng điển hình.

- Trong Chương 2, trang 49, khi Huỳnh Ngự nói cho Vũ Thư Hiên biết là "đích thân anh Sáu (tức Lê Đức Thọ) ra lệnh bắt anh đó!", thì ông Hiên "bật cười" và nói : "Anh thật sự nghĩ rằng nếu tôi được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đích thân hạ lệnh bắt thì hân hạnh nhiều hơn hay sao ? Ai hạ lệnh bắt thì cũng thế thôi, anh hay anh Sáu, anh Ba, anh Năm, hay anh nào khác. Chưa tới lúc các anh phải đổ lỗi cho nhau".

- Trong Chương 4, trang 81, trong khi Huỳnh Ngự đang nói về quyền lực của Đảng, thì Vũ Thư Hiên nghĩ về hắn như sau : "Một con cừu trong đàn cừu Panurge ... Kết quả sự hoài thai kỳ cục giữa các thứ chủ nghĩa : Chủ nghĩa Mác bị chặt đầu, chủ nghĩa Mao động dục, chủ nghĩa phong kiến hiện đại".

- Trong chương 7, trang 135, khi nghe Cục trưởng Chấp pháp cho biết Đảng sẽ "xử lý nội bộ" đối với vụ "xét lại chống Đảng" thì Vũ Thư Hiên nghĩ : "Xử lý nội bộ có nghĩa là chúng tôi sẽ được tha, sẽ được trở về nhà mình, sau khi phải viết những bản xưng tội, phải đấm ngực mà kêu rên thống thiết mea culpa, mea maxima culpa (5). Một thứ xà lách chỉnh huấn trộn xà lim ?"

- Đặc biệt Chương 8, trong 13 trang, cuộc đối thoại giữa Vũ Thư Hiên và Huỳnh Ngự đã chiếm hết 11 trang (từ trang 141 đến 151). Cãi qua, cãi lại, thấy chán, Vũ Thư Hiên cho độc giả biết : "Tôi không cãi. Tôi còn nghịch ngợm đeo lên cho tôi cái mặt nạ xúc động nữa kia. Thử nghĩ mà xem, có thể nào không xúc động cho được khi Đảng dành cho mình vinh dự lớn đến thế ! Nếu mang cái cuộc đối thoại kỳ cục đó nhào nặn thành một truyện ngắn kiểu Azis Nexin (nhà văn châm biếm của Thổ Nhĩ Kỳ) thì chắc hẳn phải đặt cho nó cái tên : Tôi Được Coi Như Đảng Viên của Đảng Vĩ Đại Như Thế Nào ?"

- Ở Chương 11, trang 200, người đọc cảm thấy có hơi hướng của một cốt chuyện tù nào, của nước nào, mà mình đã đọc qua, như đoạn Vũ Thư Hiên miêu tả : Chúng tôi nhìn thẳng vào mắt nhau ... Chúng tôi nhìn nhau trừng trừng, không "ai chịu ai" và "Huỳnh Ngự bỏ cuộc". Y quay đi, không chịu nổi cái nhìn lạnh giá của tôi"(?)

- Ở Chương 12, trang 213-214, có phải Vũ Thư Hiên nảy ngay ý nghĩ "anh hùng hơn cha" như ông đã diễn tả sau đây : "Trời hỡi, cha tôi, mà tôi quen nhìn như một anh hùng, lại hèn nhát đến thế ư ?" (tr 213)

"Trong phút ấy, lạy Trời, tôi là đứa con bất hiếu ! Tôi muốn cha tôi chết đi, nhưng hãy chết như một anh hùng ! Tôi không muốn ông sống hèn hạ như thế này !" "Chết đứng còn hơn sống quì, chẳng phải chính ông đã dạy tôi như vậy sao ?" (tr 214). Sự kích động tư tưởng của Vũ Thư Hiên mang tính chất "kịch" hơn là sự thật, vì câu nói của ông Vũ Đình Huỳnh không có yếu tố hèn hạ, sống quì, để cho đứa con Vũ Thư Hiên phải kích động như vậy (!?) - Mời bạn đọc xem đoạn thơ của ông Vũ Đình Huỳnh ở trang 213. (Đọc đoạn thơ diễn tả này tôi nhớ đến cuốn tiểu thuyết "Không chịu Sống Quì" của họa sĩ, nhà văn Nguyễn Hải Trừng đã một thờI được "ca ngợi" ở miền Bắc).

- "Cao trào" nhất trong cuộc "đối đầu" của Vũ Thư Hiên với bọn chấp pháp là ở cuối Chương 22, trang 432-433. Người đọc, khi lướt qua, có thể rất thích về thái độ dũng cảm của Vũ Thư Hiên, vì ông dám đập bàn trước mặt tên cán bộ Hoàng làm "bộ đồ trà nhảy lên, mấy cái chén rơi loảng xoảng xuống nền gạch, vỡ tan" (tr 432). Và nhất là câu "chửi" của Vũ thư Hiên : "Này, báo trước cho mày biết, nếu mày tiến thêm một bước (6) thì hối không kịp đấy!... Nếu mày chết ở đây, người bị thiệt sẽ không phải là Đảng của mày đâu mà là vợ con mày đấy !" (tr 432). Có người đọc đến đoạn này, hỏi tôi : "Theo ông, đã từng ở tù Cộng sản, mà ở xà lim nữa, ông nghĩ chuyện này có đúng thật hay không ?"

- "Chuyện này có thể là thật, mà cũng có thể là không thật", tôi trả lời.
Ngoài ra, trong "Đêm Giữa Ban Ngày" Vũ thư Hiên còn sử dụng quá nhiều chuyện nghe người khác nói, mà ông không thực chứng, nên làm cho hồi ký mất tính chân thật.

Sau đây là vài thí dụ điển hình :

- Khi nói về tài năng và uy tín của Lê Duẩn trong thời gian làm Bí thư Xứ ủy Nam bộ hồi kháng chiến chống Pháp, Vũ thư Hiên viết : "Cần phải thừa nhận rằng Lê Duẩn là người lãnh đạo giỏi. Những người bạn miền Nam tập kết của tôi nói về "anh Lê Duẩn" với giọng kính trọng và tự hào" (trang 324) và "người ta sùng bái ông gọi ông là cụ Hồ miền Nam" (tr 325). Ông Vũ Thư Hiên tiếp nhận sự thông tin này không chính xác, không phải là ý kiến của đa số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Nam bộ ! Là một cán bộ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ trong thời Lê Duẩn lãnh đạo, lại là một cán bộ Quân Báo, tôi đi rất nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều giới, từ chiến khu ra đến vùng tạm chiếm của quân Pháp, chưa hề nghe ai tôn Lê Duẩn là "cụ Hồ miền Nam" cả (?). Nếu có chỉ là những lời nịnh bợ của những tên cơ hội ở Sở Thông Tin Nam Bộ (do Lưu Quý Kỳ (7) phụ trách) để cầu xin "Ba cá gỗ" (tục danh của Lê Duẩn do mấy bà má Nam bộ đặt) cho một chút quyền vị. Nhưng đây là sự thật, trong hàng ngũ cán bộ Nam bộ, khi trà dư tửu hậu hay đem chuyện "Đồng chí Lê Duẩn đòi ăn cơm nho" để làm trò cười (8).

- Khi nói về Lưu Quý Kỳ (từ trang 282 đến 285) liên hệ đến việc nghiêm cấm hát cải lương trong các chiến khu ở Nam bộ thời kháng Pháp (vì Lê Duẩn lên án cải lương là ủy mị), thì Vũ thư Hiên liền cung cấp một thông tin "Nhiều người bỏ kháng chiến trở về thành chỉ vì vùng kháng chiến không có cải lương" (tr 285).

Đây là một thông tin hoàn toàn sai lệch, đáng trách. Những người bỏ kháng chiến trở về thành sống trong vùng địch, có nhiều lý do khác nhau, nhưng một trong những lý do chính là nhìn thấy rõ thủ đoạn của Đảng Lao động Việt Nam đã lường gạt lòng yêu nước của mọi người. Và thực tế, việc cấm hát cải lương của Lê Duẩn, mà người trực tiếp thừa hành là Lưu Quý Kỳ, đâu có người dân Nam bộ nào chịu chấp hành, cuối cùng lệnh cấm phải "tự hủy bỏ không một lời tuyên bố". Rõ ràng, một câu chuyện không thật, lại không liên hệ gì đến hồi ký của ông Vũ Thư Hiên, nhưng ông lại sử dụng như một chất liệu để kích thích tính tò mò của độc giả (!?) Vũ Thư Hiên còn sử dụng một thể loại khác khá xa lạ vớI hồi ký, là sự khảo cứu lý luận. Hầu như trong chương nào của cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" Vũ Thư Hiên cũng chêm thể loại này cho nội dung của cốt chuyện có "tính bác học" hơn chăng (?) Nhưng sự "trưng bày kiến thức" kiểu ấy trong hồi ký chính trị, xem ra không thích hợp, mà có thể làm nặng đầu độc giả, và càng làm mất đi tính chân thật của hồi ký.

Tôi xin lấy thí dụ : Ở Chương 18, trang 321 và 322, Vũ Thư Hiên đã đưa ra nhận xét luận lý (chớ không phải lý luận) của ông về những "nhà cách mạng Việt Nam" trước khi trở thành đảng viên Cộng sản như sau : "Kiến thức học đường của họ gồm một chút chữ Hán, một chút quốc ngữ, cả hai loại này không đủ dùng cho sự tiếp cận triết học phương Tây, mà chủ nghĩa Mác lại bắt nguồn từ đó, vớI phép biện chứng Hégel làm cơ sở" (tr 321). Và "chủ nghĩa Mác thường được nói tới ở Việt Nam thực chất là chủ nghĩa Lênin" (tr 321) mà "chủ nghĩa Lênin là do Staline đặt ra" (tr 322). Nhưng "cả hai cái đó - chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin - hiểu đúng và hiểu không đúng, đều không phải là chủ nghĩa cộng sản ở

Việt Nam. Ở Việt Nam có một chủ nghĩa Cộng sản không dính dáng gì tới Mác hoặc Lê nin hết. Nó là chủ nghĩa cộng sản bình dân" (tr 322).

Chưa bàn tới cách luận lý của Vũ Thư Hiên đúng hay sai (?) Nhưng chỉ cần thấy rằng nó hoàn toàn xa lạ với cốt chuyện của hồi ký là người đọc bị khựng lại và lướt qua bỏ những trang đó một cách không thương tiếc công suy tư của tác giả, là đáng buồn lắm rồi!

Phần luận lý trên đây của Vũ Thư Hiên, có thể viết thành một cuốn khảo cứu dày không thua gì cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" (còn có thể là một đề tài dùng cho luận án tiến sĩ chớ phải thường đâu ?). Rất tiếc, đưa vào không đúng chỗ, và quá thiếu sự chứng minh nên nó trở thành một thứ luận lý khập khiễng, không gây ấn tượng tốt cho người đọc. (Xin lỗi tác giả, tôi không có cách nào nói khác hơn. Nói thật mếch lòng là vậy!).

Còn có thể dẫn chứng, nhưng thôi, vì như thế cũng đủ quá dài, tôi xin kết luận phần này : Cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" không hoàn toàn đúng thể loại hồi ký, và có thể nói là hồi ký pha lẫn tùy bút, pha cả truyện ký nữa (!?) Thật ra, cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" nếu được Vũ Thư Hiên viết theo thể loại tùy bút hay truyện ký thì không chê vào đâu (chưa nói là tuyệt hảo).

3. Giá Trị Thực trong "Đêm Giữa Ban Ngày".
Trong khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Thụy Khuê, Vũ Thư Hiên có cho biết : "Viết để nghiên cứu mô hình xã hội trong đó tôi sống, mà tôi kết luận là nó không tốt. Tôi muốn viết cuốn này để đánh lên một tiếng chuông cảnh báo, nói rằng nó không tốt đây, và mong rằng nó đừng xảy ra những việc tương tự trong tương lai". Một cuốn hồi ký dù có dài như "Đêm Giữa Ban Ngày" (hay dài hơn nữa) cũng không thể thay thế cho một công trình "nghiên cứu một mô hình xã hội" (như ông Vũ Thư Hiên đã nói). Bởi vì, hồi ký nhằm cung cấp những sự thật, những ý nghĩ thật trong khi sự việc đang xảy ra, đúng trăm phần trăm. Một công trình nghiên cứu đòi hỏi công phu hơn, tư duy cao hơn, với sự so sánh, phân tích trên cơ sở của một phương pháp luận lịch sử, đảm bảo tính khoa học để đạt đến một hiệu quả cao nhất về giá trị của nó cho bài học tương lai. Cho nên, mục đích mà ông Vũ Thư Hiên đã nói với nhà báo Thụy Khuê, chỉ có thể thực hiện đối với một công trình nghiên cứu toàn diện và có hệ thống về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục của "mô hình xã hội Việt Nam" từ 1955 đến nay, mới có thể nhìn thấy toàn bộ sai lầm của nó, để có đầy đủ cơ sở khoa học xã hội cho việc định hướng một mô hình xã hội dân chủ thật sự thích hợp với tính đặc thù của Việt Nam trong tương lai. Hồi ký chính trị của ông Vũ thư Hiên (cũng như hồi ký của những người viết trước ông về chế độ CSVN) chỉ để làm tài liệu tham khảo cho một công trình nghiên cứu mô hình xã hội Việt Nam trong hơn 40 năm qua mà thôi. Một tài liệu tham khảo có giá trị đến tầm mức nào còn tùy thuộc vào giá trị của tác phẩm !

Vậy giá trị thực của cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" đã đạt đến mức độ nào ?

Giá trị tổng quát của cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" là tố cáo sự sai lầm (Vũ thư Hiên tránh né chữ "tội ác") của Đảng Cộng sản Việt Nam về mặt đường lối, chính sách trên nhiều mặt, nhưng chủ yếu là chung quanh vụ án ngụy tạo "Tổ chức chống Đảng, chống Nhà Nước, đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại và làm tình báo cho nước ngoài" (?) Bởi vì chính Vũ Thư Hiên và cha của ông là Vũ Đình Huỳnh là nạn nhân của vụ án ngụy tạo này. Vũ Thư Hiên kết luận về nguyên nhân đưa đến vụ án ngụy tạo như sau : "Kể từ năm 1964, khi cuộc đối đầu Trung Xô trở thành căng thẳng, thì bầu không khí chính trị ở Việt Nam cũng nóng lên theo. Khắp nơi người ta la lối về nguy cơ của chủ nghĩa xét lại hiện đại và cần thiết phải chống lại nó. Những cán bộ bướng bỉnh dám phát biểu những lời nói không vừa tai nhà cầm quyền về bất cứ vấn đề gì, không cứ về đường lối đối nộI hay đối ngoại của Đảng, đều bị lập tức coi là phần tử xét lại, chứ ít cũng là phần tử hữu khuynh không đáng tin cậy" (tr 18)


Đánh giá trên đây của Vũ Thư Hiên có thể làm cho độc giả ngộ nhận rằng : Sở dĩ có vụ án ngụy tạo (xét lại chống Đảng) là vì do tác động của cuộc "đối đầu Trung Xô" (?) chớ không phải do liên minh Duẩn Thọ muốn triệt hạ những đảng viên Cộng sản có tài hơn họ, để họ củng cố quyền vị thống trị lâu bền trong Đảng và Nhà nước (?) Thế thì tại sao ở Chương 12, các trang nói về Lê Đức Thọ,

Vũ Thư Hiên cho độc giả biết rằng : Cha ông (Cụ Vũ Đình Huỳnh) đã hiểu "trong vụ án dựng nên này, Lê Đức Thọ nắm vai trò chính" vì "Thọ đã nhiều lần mưu mô hạ uy tín các đồng chí lão thành cách mạng để tôn mình lên" (tr 231), vì Thọ muốn cho những người ở tù Sơn La chung với Thọ "phải chết để bịt miệng" [vì họ đã biết hành vi làm chỉ điểm cho tên Cousso (9) của Thọ, hại nhiều đồng chí
phải chết oan (10)].


Thật ra, nguyên nhân "đối đầu Trung Xô chỉ là cái cớ để cho liên minh độc tài Duẩn Thọ tiến hành cuộc thanh trừng chưa từng có trong nội bộ Đảng CSVN. Chính ông Hoàng Minh Chính, nguyên Viện trưởng Viện Triết Học, là nạn nhân chính của vụ án ngụy tạo "xét lại chống Đảng", đã nói lên sự thật rằng : "Lê Duẩn là nhân vật số hai (sau Hồ chí Minh), nhưng trong thực tế thì nắm toàn bộ quyền lực. Tất cả các đối thủ của ông ta đều bị loại trừ, nhiều người bị tù, thậm chí bị giết" (11).

Cũng là một nạn nhân của vụ án ngụy tạo "xét lại chống Đảng", nhưng cách lập luận có tính hai mặt của Vũ Thư Hiên không khỏi làm cho độc giả không hoàn toàn tin tưởng rằng những gì ông viết ra trong "Đêm Giữa Ban Ngày" đều là sự thật, lúc thì ông viết : "Không lưỡng lự chúng tôi bỏ phiếu cho mô hình Liên Xô" Ố mô hình của Khrushov, Bí thư thứ nhất Đảng CS Liên Xô (1953-1964) vạch ra (tr 108). Nhưng có lúc ông lại viết : "Tôi chẳng thích chủ nghĩa xét lại nào hết" (tr 186). Nếu không xét đến ý nghĩa khác nhau giữa các từ ngữ - "mô hình Liên xô (của Khrushov) - thì việc ông Vũ Thư Hiên "bỏ phiếu cho mô hình Liên xô" cũng đồng nghĩa với việc "tán thành chủ nghĩa xét lại hiện đại Liên Xô" rồi. Do đó, ông Vũ Thư Hiên đã tránh né sự thật, khi ông than : "Tôi sa vào một vụ trấn phản này một cách thậm vô duyên, chẳng ra làm sao cả" (tr 42). Đó chính là một nét điển hình về sự mâu thuẫn nội tâm của tác giả cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày", và chính điều đó đã làm bật lên những nét hư trong các câu chuyện mà Vũ Thư Hiên đã quả quyết "chỉ là sự thật".

Những tình tiết hấp dẫn độc giả nhất trong "Đêm Giữa Ban Ngày", không phải là cuộc đối thoại" dài dòng và ngắt quãng giữa tù nhân Vũ Thư Hiên với tên cục phó chấp pháp Huỳnh Ngự, không phải những chuyện về thân thế và sự nghiệp cách mạng của gia đình Vũ Thư Hiên, không phải về những suy tư triết lý kèm theo sự viện dẫn Mác Lê nin của nhà báo Vũ Thư Hiên, cũng không phải về sự phân tích khái quát của nhà viết hồi ký chính trị Vũ Thư Hiên đối với "cuộc đấu tranh giữa hai đường lối trong phong trào Cộng sản quốc tế"...

Trong "Đêm Giữa Ban Ngày", những tình tiết không đầu không đuôi về các nhân vật lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN, được Vũ Thư Hiên "bố trí" lồng vào trong các chương, đã tăng thêm sức hấp dẫn độc giả. Nhưng, những tình tiết này thực hay hư là một vấn đề khác. Hư hay thực cũng là điều tất nhiên, không tránh khỏi trong cuốn tùy bút được khoác chiếc áo hồi ký của Vũ Thư Hiên. Hơn nữa, phần nhiều những tình tiết đó, ông Vũ Thư Hiên chỉ nghe qua một người khác kèm theo sự đánh giá chủ quan của tác giả.

Thí dụ, về trách nhiệm của Hồ chí Minh trong vụ án ngụy tạo "xét lại chống Đảng", Vũ Thư Hiên nêu hai ý kiến khác nhau như sau : "Mọi người tin chắc ông không biết việc xảy ra. Nếu ông biết, ông không bao giờ để xảy ra chuyện nồi da nấu thịt thế này. Vài năm nay, do sức khỏe kém, ông Hồ không còn trực tiếp điều khiển công việc đất nước". Nhưng "Mẹ tôi không tin ... Vụ bắt đó chỉ được tiến hành một khi có sự đồng ý của chủ tịch nước" (tr 24). Có lẽ độc giả cũng hiểu là tác giả đã tán thành sự nhận xét của mẹ ông. Nhưng, đến một chương khác, Vũ Thư Hiên lại nêu ra ý kiến của cha ông nhận xét về bản tính của Hồ chí Minh, rằng : "Ông cụ lừng khừng vì ông lúng túng trong những vấn đề phức tạp của cuộc đấu tranh lý thuyết" (tr 106). Vũ Thư Hiên kết luận : "Chính thái độ lừng khừng trong giai đoạn này của Hồ chí Minh làm cho lớp đàn em hăng máu chống Liên Xô coi thường ông" (tr 107). Thế nhưng, ở một đoạn khác nữa, Vũ Thư Hiên lại tin vào lời kể của ông Hoàng Quốc Thịnh (Bộ trưởng Bộ Nội Thương) rằng : "Ông hỏi ông Hồ chuyện cha tôi vì sao bị bắt thì ông Hồ ngơ ngác : "Tại sao lại bắt chú Huỳnh ? Chú ấy làm chi mà bị bắt ?" 
 
Vì vậy, ông Vũ Thư Hiên phân vân đôi ngả : "Vậy là trước dó ông Hồ không biết cha tôi bị bắt ? Hay ông biết mà giả vờ không biết ?" (tr 456-457). Cuối cùng, Vũ Thư Hiên cũng nhận ra một sự thật cay đắng rằng : "Ông Hồ "không nhớ" gì về công lao của cha mẹ ông đã tận tụy chăm sóc sức khỏe của ông Hồ trong những ngày mới từ chiến khu về Hà Nội" (tr 458). Và Vũ Thư Hiên đã trách Hồ chí Minh : "Ai cũng biết nếu ông nói "không được" thì chắc chắn bọn Duẩn Thọ sẽ phải chùn bước trước việc bắt bớ hàng loạt người Cộng sản vô tội. Nhưng ông im lặng." Rồi Vũ Thư Hiên kết luận : "Thì ra con người đối với ông Hồ chí Minh chẳng là cái gì". (tr 458).


Đối với Hồ chí Minh, Vũ Thư Hiên có phê phán, nhưng phê phán trên tinh thần oán trách "chẳng lẽ ông (Hồ) không nhớ ?" sự chăm sóc sức khỏe của ông (Hồ)... (tr 458). Không chỉ thế, Vũ Thư Hiên phần nào còn chưa xem ông Hồ chí Minh là "người chịu trách nhiệm tối cao trước toàn bộ tội ác của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với dân tộc". Cụ thể, khi nói về trách nhiệm của Hồ chí Minh đối với chủ trương "Cải cách ruộng đất", Vũ Thư Hiên đã đưa ra lời của cha ông để bào chữa cho ông Hồ, rằng : "Công bằng mà nói, ông Hồ không có ý định làm cải cách ruộng đất... Ông đã buộc phải làm cải cách ruộng đất khi bị Mao nhắc nhở" (tr 221).


Hay như trong vụ hãm hiếp và bí mật thủ tiêu cô Xuân (tình nhân của Hồ chí Minh và đã sinh cho ông Hồ một thằng con tên là Nguyễn Tất Trung), Vũ Thư Hiên chỉ ghi lại lời kể của ông Nguyễn Tạo (Thứ trưởng Bộ Lâm Nghiệp) và không có sự phê phán đối với Hồ chí Minh ngoài câu hỏi : "Nhưng sự im lặng trước cái chết của họ ? Ông Hồ cũng không có lỗi ?" (tr 608).

Nhìn chung, đối với các nhân vật trong tập đoàn lãnh đạo tối cao của Đảng CSVN như Hồ chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... thì Vũ Thư Hiên còn có cảm tình với họ, nên chỉ phê phán vừa phải, có khi còn bào chữa cho họ một cách khéo léo. Còn đối với các nhân vật như Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn... tập đoàn gây tội ác trong vụ án ngụy tạo mà Vũ Thư Hiên là một nạn nhân, thì Vũ Thư Hiên đã phê phán một cách gay gắt với tính chất lên án rất hằn học.

Thái độ phân biệt đối xử trong sự phê phán ai, là quyền tự do của tác giả. Nhưng, mấu chốt của vấn đề là Vũ Thư Hiên phê phán (hay bào chữa) có đúng vớI sự thật về những nhân vật đó hay không ? (điển hình như việc đánh giá Hồ chí Minh đã nêu trên).

Một thí dụ khác, khi viết về Nghị Quyết 9 (Nghị quyết do cuộc hội nghị lần thứ 9 ngày 11/12/1963 của Ban Chấp Hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (12), Vũ Thư Hiên khẳng định rằng : "Nghị quyết 9 là cái Lê Đức Thọ và đàn anh Lê Duẩn cần có để trấn áp trào lưu dân chủ nọ (13). Nó phải được ra đời bằng bất cứ giá nào" (tr 274). Nếu từ sau năm 1966 trở đi thì câu kết luận về "bọn Duẩn Thọ" như trên của Vũ Thư Hiên là hợp lý. Tội ác của "bọn Duẩn Thọ" đã quá rõ ràng, không cần bàn luận, chỉ cần chứng minh. Nhưng, chứng minh phải đúng sự thật thì mới có sức thuyết phục người đọc, và do đó mới có tác dụng nhận rõ bản chất tộI ác của "bọn Duẩn Thọ". Nếu không, sẽ có tác dụng ngược lại. Một điều thiếu chính xác thì mười chuyện khác cũng khó tin.


Thực tế, từ Đại Hội Đảng lần thứ III (từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960) cho đến năm 1965 - năm Hồ chí Minh bắt đầu đau nặng - Hồ chí Minh vẫn còn quyền lực của một lãnh tụ tối cao, chủ tịch Đảng. Lê Duẩn tuy đang giữ chức Tổng Bí Thư (do Hồ chí Minh nâng đỡ từ Đại hội III) nhưng thế chưa đủ mạnh để lấn lướt Hồ chí Minh (như Vũ Thư Hiên viết). Vả lại, trong Bộ Chính trị (11 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết) phe cánh của Lê Duẩn chỉ có Lê Đức Thọ (đứng hàng thứ 7 trong Bộ Chính Trị) và Trần Quốc Hoàn (ủy viên dự khuyết) không đủ lực để khống chế toàn bộ Bộ Chính trị phải gật đầu nghe theo Nghị Quyết 9 nếu không có sự đồng ý của Hồ chí Minh, chắc chắn không được thông qua, vì đa số nghe theo Hồ chí Minh. Nhìn thấy rõ thực tế này, chúng ta mới có sự đánh giá đúng về sách lược "bắt cá hai tay : của Hồ chí Minh, như chính Hồ chí Minh đã thường nói với đàn em trong tập đoàn lãnh đạo Trung Ương Đảng, rằng : "Liên xô muốn chúng ta hòa đàm thì chúng ta hòa đàm. Trung Quốc muốn chúng ta đánh thì chúng ta đánh".

o lời phổ biến của Nguyễn Khánh Toàn, ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học Xã hội, tại buổi truyền đạt Nghị quyết 9 cho đội ngũ cán bộ trung cao cấp của Ủy ban, vào đầu năm 1964). Với sách lược nước đôi này, Hồ chí Minh và cả tập đoàn Bộ chính trị đều muốn "tranh thủ sự giúp đỡ to lớn" của Liên xô, Trung Quốc và các nước Cộng sản Đông Âu, để tiến hành cuộc chiến tranh cưỡng chiếm miền Nam cho đến ngày thắng lợi.


Vũ Thư Hiên có phần nào cường điệu khi ông kết luận rằng : "Với Nghị quyết 9, Đảng Cộng sản Việt Nam phân hóa thành hai cực - một bên là những người chủ trương chủ nghĩa xã hội dân chủ pháp trị, đòi kiến tạo một xã hội công dân có nhân quyền, bên kia là Đảng cầm quyền kiên trì một chủ nghĩa xã hội chuyên chế" (tr 275).


Sở dĩ chúng tôi dám khẳng định rằng, ông Vũ Thư Hiên đã cường điệu là vì xét về thực tế cái gọi là "sự phân hóa" trong nội bộ Đảng CSVN trong những năm 1960-1965, chưa đạt đến mức độ chia thành "hai cực". Làm thế nào có sự phân hóa thành hai cực được ? Khái niệm "hai cực" là phải có sự "cân bằng" nhau trong mức độ tương đối nào đó trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Thế nhưng nhóm "xét lại hiện đại Việt Nam" theo cách tuyên bố tổng quát của ông Hoàng Minh Chính thì "họ gồm nhiều chục, nếu không nói là cả trăm người trong và ngoài Đảng" (14). Đó là : 4 ủy viên Trung ương Đảng (1 chính thức, 3 dự khuyết), 1 Phó Chủ Tịch Quốc Hội, 1 thiếu tướng, vài ba đại tá, trung tá, thiếu tá, 1 Phó Bí thư Thành ủy, 2 Phó Tổng Biên tập và một số nhà văn, nhà báo (15),vv... Nói chung, họ là một thiểu số tán thành đường lối "xét lại hiện đại" của Liên Xô. Và họ không hình thành một tổ chức như "cực đối nghịch" với phe chuyên chế. Hành động của họ chỉ là "tự do phát biểu" theo Điều lệ Đảng cho phép, chỉ là "tự do ngôn luận" như Hiến pháp mới công bố (1-1-1960). Họ chẳng hề có dự định làm một chính biến nào (làm gì có đủ thế lực) để như Vũ Thư Hiên nói là "kiến tạo một xã hội công dân có nhân quyền" theo kiểu các chế độ dân chủ pháp trị ở Âu Mỹ. Cái gọi là "chủ nghĩa xã hội dân chủ pháp trị" chỉ là tư duy của Vũ Thư Hiên khi lưu vong ở nước ngoài trong thập niên 90 này, và đem gán nó cho nhận thức của những con người Cộng sản "cấp tiến" ở Việt Nam trong thập niên 60.

Điều đó không thể xem là sự thật được (16) !

Một thí dụ nữa, khi viết về một số nhân vật trí thức theo Đảng (Chương 14), Vũ Thư Hiên từ cái nhóm nhỏ đó đã khái quát về bản chất của giới trí thức Việt Nam như sau :

"Trí thức Việt Nam thời ấy ngoan ngoãn lắm. Quằn quại trong thân phận nô lệ, khi đất nước giành được độc lập, họ tự nguyện đặt mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong niềm tin đã được khẳng định qua Cách Mạng Tháng Tám và qua Kháng chiến chống Pháp, trí thức sẵn sàng làm bất cứ việc gì Đảng cần đến" (tr 266).

Sự đánh giá hời hợt này của Vũ Thư Hiên, vô tình đã bôi xấu giá trị dấn than đấu tranh giải phóng dân tộc của giới trí thức Việt Nam trong thời kỳ 1945-1954. Vũ Thư Hiên vì không hiểu, hay cố tình không hiểu, nhằm hạ ai và nâng ai trong cách viết của ông.

Trước hết với trình độ Việt văn của một cây bút khá điêu luyện như ông Vũ thư Hiên, ông không nên dùng cụm từ "trí thức Việt Nam" chung chung, mà ông nên dùng cụm từ "trí thức Việt Nam theo Cộng sản" hoặc "trí thức Việt Nam ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa", thì sự đánh giá của ông khả dĩ có thể chấp nhận trên một phương diện nào đó. Trong thực tế, lịch sử đã chứng minh những "trí thức Việt Nam theo Đảng" không phải ngoan ngoãn, cúi đầu, mù quáng vâng lệnh của Đảng như ông Vũ Thư Hiên kết luận. Nếu nói như Vũ Thư Hiên thì không thể có sự phản kháng Đảng nổi tiếng trên đất Bắc, như vụ "Nhân Văn Giai Phẩm", vụ "Đất Mới", vụ "Xét lại chống Đảng"... Ông Vũ Thư Hiên đã tự mình phủ nhận chính mình vậy !

Còn việc "niềm tin" của trí thức Việt Nam đối với Đảng CSVN đã được "khẳng định qua Cách Mạng Tháng Tám và qua Kháng chiến chống Pháp", như ông Vũ Thư Hiên nói, đó là vì ông chỉ nhìn hiện tượng bề ngoài qua một số thân phận trí thức cầu an theo Đảng với quan niệm cổ hủ "đã lỡ theo thì phải theo luôn" bởi vì nếu "bỏ đi thì bị coi là phản bội"! Tệ hại thay ! Với cái nhân sinh quan phong kiến, lỗi thời đến chết người đó, cho nên ông Vũ Thư Hiên đâu có thể hiểu cách suy nghĩ của những trí thức Việt Nam đã từ bỏ cuộc Kháng chiến chống Pháp do Đảng CSVN lãnh đạo khi họ nhận ra mặt thật của tập đoàn Cộng sản Hồ chí Minh, Trường Chinh, Phạm văn Đồng, Lê Duẩn ... với mặt thật của những cái gọi là "cách mạng" do Đảng CSVN lãnh đạo. Vì thế, ông Vũ Thư Hiên càng không thể hiểu đúng phong trào chống chủ nghĩa xã hội, chống nền độc tài phi dân chủ, phản nhân quyền của Đảng CSVN hiện nay của tầng lớp trí thức Việt Nam ở hải ngoại.

Cho nên ông Vũ thư Hiên mới dám tuyên bố với Bùi Tín là "Theo tôi, Việt Nam chỉ có một lá cờ là cờ đỏ sao vàng", và ông đã chê trách Bùi Tín "tại sao anh lại hạ mình chào lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ tay sai của đế quốc thực dân" (17).


Kết luận

Nếu loại bỏ những mẩu chuyện, những suy luận có tính cách cường điệu, tô vẽ thêm quá sự thật của thể văn tùy bút để hấp dẫn tính tò mò, hiếu kỳ của độc giả, thì cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên sẽ có giá trị cao trong kho tàng tư liệu tố cáo tội ác của Đảng CSVN. Vì vậy, nếu đem so sánh "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên với các tác phẩm cùng dòng hồi ký của những "người Cộng sản thức tỉnh" (18) thì cuốn hồi ký chính trị của Vũ thư Hiên hấp dẫn độc giả hơn. Nó hấp dẫn hơn là ở điểm bút pháp nhẹ nhàng, sinh động, văn chương khá lưu loát cùng với sự kết cấu linh hoạt giữa những câu chuyện không theo thời gian mà theo từng chủ đề trong thể hồi tưởng. Vì thế, cuốn sách dày đến 767 trang mà người đọc vẫn kiên nhẫn đọc cho đến hết. (tuy nhiên, phải nói thật, ở hải ngoại, cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên không có độc giả bình dân). Nhưng nó hấp dẫn hơn những cuốn hồi ký cùng loại không có nghĩa là nó có giá trị cao hơn về nội dung (nhất là so với cuốn "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn văn Trấn), thậm chí tính chất tố cáo tội ác của Đảng CSVN đói với dân tộc suốt hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa đạt bằng cuốn "Mặt Thật" của Bùi Tín, và không đầy đủ bằng cuốn "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn.


Thành công nhất của Vũ Thư Hiên là cho "Đêm Giữa Ban Ngày" ra đời đúng thờI điểm lịch sử của phong trào đấu tranh cho "dân chủ hóa Việt Nam" đang lên cao, cả ở trong nước lẫn hải ngoại ; và nhu cầu tìm hiểu đến tận cùng bản chất của Đảng CSVN đang trở nên rất cần thiết đối với các cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới.

"Đêm Giữa Ban Ngày" có thể xem là một "thông điệp tâm huyết" của Vũ Thư Hiên. Dường như tác giả đã dồn tất cả những hiểu biết, những nhận thức về "mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam" để cung cấp bài học lịch sử cho người đọc, đặc biệt là các "thế hệ sau" (như Vũ Thư Hiên đã viết ở trang đầu tiên, trước phần Tự Bạch) những bài học kinh nghiệm về chế độ chuyên chế đã tống tác giả vào ngục tối một cách "vô duyên" (!)


Thông qua toàn bộ thông điệp "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên, chúng ta cũng dễ dàng nhận ra sự bảo lưu ý thức hệ không hề giấu diếm của tác giả. Khác hơn nhà trí thức sinh học Hà Sĩ Phu, Vũ Thư Hiên không tuyên bố "chia tay ý thức hệ", không mạt sát Marx Lênine. Ngược lại, Vũ Thư Hiên đã bày tỏ sự trân trọng đối với Marx, ông viết : "Mác không tưởng trong hình dung xã hội tương lai, nhưng mục đích của ông đầy tính nhân đạo" (tr 269). Còn đối với Lénine, Vũ Thư Hiên trân trọng tán thưởng luận lý về "sự tha hóa", rằng : "Có thể tìm thấy cách suy nghĩ rất thú vị của Lénine về tha hóa trong bút ký triết học của ông" (tr 545). Từ sự nhập tâm đó, Vũ Thư Hiên áp dụng vào việc nghiên cứu nguyên nhân tan rã của "hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới". Ông khẳng định rằng : "Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới tan rã chính là do sự tha hóa trong long nó, sự mục rã chất người, hay nói theo cách của Lénine, do sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực. Hệ thống này tan rã không phải trong thời điểm kinh tế suy thoái nhất (của Liên Xô cũng như các nước Đông Âu), mà tan rã vào thời điểm dân chúng ở các quốc gia này không còn chịu đựng nổi sự mất nhân tính đi đến chỗ cùng cực ấy, do ý thức được sự mất nhân tính ấy họ không còn có thể điều hòa được với nó" (tr 545).

Chúng tôi trân trọng thái độ chân thật và thẳng thắn này của Vũ Thư Hiên. Ông không chạy theo "xu trào chối bỏ Marx Lénine theo con đường cơ hội chủ nghĩa" của một số người trong hàng ngũ Cộng sản Việt Nam, để tự đánh mất sự suy nghĩ độc lập của một con người tự do ý thức dẫn đến sự lừa dối chính lương tâm của họ, và cũng là lừa dối độc giả. Nhưng, về nguyên nhân tan rã của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới mà ông Vũ Thư Hiên đã nêu ra, là một công trình nghiên cứu đòi hỏi có nhiều sử liệu xác thật về các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa.. và xã hội, thì mới có thể xem kết luận trên đây của tác giả "Đêm Giữa Ban Ngày" là đúng hay không (?). Tuy nhiên, Vũ Thư Hiên cũng đưa ra một đề tài khá thú vị và có ý nghĩa trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử hiện đại là : Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới là gì ?


Một ấn tượng không thể bỏ qua, sau khi đọc xong cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày", là cái tôi của Vũ Thư Hiên khá lộ liễu trong khi ông nói về công lao của cha mẹ ông đối với Hồ chí Minh, đối với Đảng CSVN ; và trong khi nói về sự "đi làm cách mạng" hơn tất cả những thiếu niên đã cầm súng và hy sinh trong thời kháng chiến chống Pháp, khi đọc "Đêm Giữa Ban Ngày" thì nhận thấy ngay : Vũ Thư Hiên là một "chiến sĩ cậu ấm". Sự chịu đựng gian khổ của Vũ Thư Hiên có thấm gì so với những chiến sĩ cùng lứa tuổi với ông. Có ai được như Vũ Thư Hiên, vừa vào làm lính đã được đưa đi học khóa đào tạo sĩ quan (Lục quân Trần Quốc Tuấn).


Trong những năm gian khổ nhất, quyết liệt nhất Vũ Thư Hiên lại được ở căn cứ địa để "dồi mài kinh sử" và sau khi hòa bình mới được tái lập (sau tháng 7/1954) Vũ Thư Hiên được đưa đi du học tại Liên Xô ... Ngay trong thời kỳ Vũ Thư Hiên bị tổ chức Đảng coi là phạm sai lầm, vẫn ung dung tự tại chọn lấy cái nghề làm báo ảnh thích hợp với ông (Vũ Thư Hiên có biết đâu, trong lúc ông được hưởng ân huệ của Đảng, có biết bao thanh niên đã từng đổ máu trên chiến trường vẫn phải chịu đựng gian khổ, hy sinh cho cái gọi là xây dựng chủ nghĩa xã hộI sai lầm của Đảng CSVN). Nói cho chính xác, nếu Vũ Thư Hiên không tham gia nhóm "xét lại hiện đại" (mà ông luôn luôn phủ nhận và cải chính là "không làm chính trị") thì không bị bắt vào tù, chắc Vũ Thư Hiên không có lý do gì để viết cuốn hồi ký "Đêm Giữa Ban Ngày". Chính cái tôi của Vũ Thư Hiên đã làm giảm giá trị cuốn hồi ký chính trị "Đêm Giữa Ban Ngày" rất nhiều.

Nhận xét sau cùng của chúng tôi là : Qua một mớ lý luận Marx Lénine của Vũ Thư Hiên đưa ra trong một số chương của cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày", cho thấy rằng Ông Vũ Thư Hiên vẫn coi trọng và đánh giá cao một số mặt nào đó của chủ nghĩa Marx Lénine. Chúng tôi đề nghị độc giả, đặc biệt là những nhà nghiên cứu lý luận, nên đọc kỹ những phần lập luận Marx Lénine của Vũ Thư Hiên trong "Đêm Giữa Ban Ngày", chắc chắn sẽ phát hiện một điều khá thú vị, nhưng đầy mâu thuẫn trong cách tư duy của Vũ Thư Hiên. Và kết quả đó, sẽ giúp cho độc giả nhận ra giá trị thực, rất thực của cuốn "Đêm Giữa Ban Ngày".

Chúng ta cần khen những gì và cần triệt để phê phán những gì của Vũ Thư Hiên viết, để tránh rơi từ ngộ nhận này đến ngộ nhận khác. Và bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ trong sự khen hay phê phán đó.

New England, Thu 1997
Lê Tùng Minh

Ghi chú
(1) Vũ Thư Hiên, "Đêm Giữa Ban Ngày", hồi ký chính trị của một người không làm chính trị. nxb Văn Nghệ, California, 1997, tr 13.
(2) Vũ Thư Hiên có nói về Lâm Âm, sách đã dẫn, trang 272.
(3) Hiện nay, Viện trưởng Viện Sử Học là Cao Văn Lượng.
(4) Lời kết tội của Giáo sư thạc sĩ Hoàng Xuân Nhị, em ruột Hoàng Xuân Hãn; lúc đó ông đương kim chủ nhiệm Khoa Văn Trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội. Xem "Đêm Giữa Ban Ngày" của Vũ Thư Hiên, tr 187.
(5) Vũ Thư Hiên giải thích : Tiếng La tinh, lời cầu nguyện hàng ngày của tín đồ Thiên Chúa Giáo, nghĩa là " Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng !
(6) Vì lúc đó tên Hoàng nóng giận chồm tới có ý muốn đánh Vũ Thư Hiên.
(7) Lưu Quý Kỳ là đệ tử ruột của Lê Duẩn
(8) Nguyên là ở trường Đại học Đông Phương (Liên xô) trong những năm 30 có một quy định về chế độ "ăn cơm nho" cho những sinh viên khủng hoảng về sinh lý (vì xa vợ, xa người yêu). Lê Duẩn là một sinh viên đòi ăn cơm nho nhiều nhất (Theo tiết lộ của anh Ba Khiêm tức Ung Văn Khiêm, lúc đó là Phó Bí thư Xứ Ủy Nam bộ). Câu chuyện này được lan truyền nhanh chóng trong chiến khu.
(9) Viên Công sứ Pháp ở Sơn La vào cuối thập niên 30 và đầu thập niên 40.
(10) Ông Vũ Đình Huỳnh và tướng Đặng Kim Giang đều biết hành vi chỉ điểm của Thọ.
(11) Hoàng minh Chính trả lời phỏng vấn của nhà báo Jacek Hugo Bader (Ba Lan). Xem báo Magazyn Gazeta Wyboreza ngày 21-4-1995.
(12) Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa III có 11 ủy viên chính thức là : Hồ chí Minh, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị (Xếp theo thứ tự cao thấp) và 2 ủy viên dự khuyết là Văn Tiến Dũng và Trần quốc Hoàn.
(13) Theo Vũ Thư Hiên, trong Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng LĐVN lúc này đã "xuất hiện làn sóng ngầm của xu hướng dân chủ" (tr 274). Nhưng cụ thể là những ai (?) thì không thấy Vũ Thư Hiên đề cập.
(14) Hoàng minh Chính : "Thư Ngỏ của công dân" gửi cho : Ông Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân Dân tối cao, cùng Quốc hộI khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vv... ngày 27-8-1993.
(15) Xem thư Hoàng Minh Chính, đã dẫn.
(16) Ở miền Bắc vào thời 50-60 chỉ có Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (trí thức ngoài Đảng là người duy nhất dám công khai đề nghị xây dựng "một chế độ pháp trị chân chính" và thực hiên "một nền dân chủ thật sự".
(17) Theo lời kể của một trí thức Việt Nam ở Paris (Pháp) không tiện nêu tên.
(18) Như các cuốn "Mặt Thật" của Bùi Tín, "Viết Cho Mẹ và Quốc Hội" của Nguyễn Văn Trấn, "Tử tù tự xử lý" của Trần Thư, "Tôi Bỏ Đảng" của Hoàng Hữu Quýnh, vv...

NHÂN VĂN GIAI PHẨM

Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm, cuộc thanh trừng năm 1967, và di sản của sự bất đồng chính kiến

Print Friendly
nhanvan

Nguồn: Zachary Abuza (2001).The Nhan Van–Giai Pham Affair, the 1967 Purge, and the Legacy of Dissent”,  in Z. Abuza, Renovating Politics in Contemporary Vietnam (London: Lynne Rienner Publisher). [1]
Biên dịch: Vương Thảo Vy | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.
– Hồ Chí Minh
Nhà soạn nhạc Xô Viết phải tìm kiếm những giá trị anh hùng, vĩ đại và cao đẹp, phải chiến đấu chống lại chủ nghĩa hiện đại mang tính phá hoại lật đổ, điển hình cho thời kỳ suy tàn của nền nghệ thuật tư sản. [Âm nhạc phải] mang tính dân tộc về mặt hình thức và xã hội chủ nghĩa về mặt nội dung.
– Maxim Gorky, “Bàn về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”, 1934
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi,
Càng sống càng tồi.
Càng sống càng bé lại.
 – Phan Khôi
Từ ngày đất nước thống nhất năm 1975 đến Đại hội Đảng lần thứ Sáu vào tháng Mười Hai năm 1986 khi chương trình cải cách kinh tế được tiến hành, hầu như không tồn tại bất cứ mối bất đồng nào trên cả nước, ngoại trừ những cựu thành viên chống cộng sản của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Nhưng ngay cả mối bất đồng này cũng bị hạn chế vì sự độc đoán và những cuộc trừng trị không nương tay ngày càng mở rộng của chính phủ đối với những kẻ thù trước đây. Những người không bị “học tập cải tạo” và đưa đến “những vùng kinh tế mới” (hơn 300.000 người) sẽ bị hăm dọa buộc phải phục tùng nhà nước. Những nguyên nhân của mối bất đồng xuất hiện trong suốt thời kỳ đổi mới có nguồn gốc từ trước ngày đất nước thống nhất, và cũng cần xem xét một bối cảnh lịch sử đặc biệt liên quan đến hai sự kiện nhằm giải thích cho mối bất đồng trong thời kỳ đương đại.
Sự kiện đầu tiên liên quan đến việc đối xử đối với các trí thức gia, tác giả, nhà thơ, và văn nghệ sỹ – những người đã gia nhập hàng ngũ Việt Minh trong những năm 1940-1950 nhưng sau đó đã bị thanh trừng vì yêu cầu đòi mở rộng quyền tự do trí thức, bao gồm quyền được xuất bản các tác phẩm độc lập. Thực tế cho thấy rất nhiều trong số những nhà trí thức này vẫn là những nhân vật đi đầu trong các hoạt động chống đối trong thời điểm hiện tại trong khi những vấn đề và yêu sách tương tự tiếp tục vẫn còn dư âm.
Sự kiện thứ hai là cuộc thanh trừng nội bộ Đảng vào giữa đến cuối những năm 1960 mà trong đó những người chống lại chính sách leo thang chiến tranh chống Mỹ sẽ bị thanh trừng vì đã vi phạm những nguyên tắc của chế độ tập trung dân chủ. Những đảng viên nào đưa ra bất cứ phương án khác cho cuộc chiến ở miền Nam mà đi ngược lại với chủ trương không khoan nhượng của những nhà cầm quyền sẽ bị ngược đãi không thương xót, điều này đã vô hình chung chấm dứt những cuộc tranh luận công khai và ý nghĩa trong nội bộ đảng. Từ năm 1967 đến khi chính sách Đổi Mới được thực hiện, tất cả quá trình ra quyết định bị giữ độc quyền trong tay của những nhà lãnh đạo mà không ai dám chống đối hoặc có ý nghi ngờ, do đó đã tạo ra sự trì trệ trong chính sách nhà nước và chính sách đối ngoại. Mặc dù sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm và cuộc thanh trừng nội bộ đảng vào năm 1967 đã được phân tích một cách thấu đáo trong các tác phẩm khác, nhưng tác giả vẫn sẽ bàn luận hai sự kiện trên trong bài viết này.
Chúng chính là những sự kiện đầu tiên và mang tính cấu thành nhất đối với tình trạng bất đồng chính kiến dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản, và những vấn đề được những người chống đối đưa ra vào những năm 1950-1960 cho đến giờ vẫn không thay đổi. Di sản của những sự kiện này mang tính thu hút, và chúng đã trở thành điểm quy tụ cho những người chống đối ngày nay: sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm như là một biểu tượng của sự thất bại của đảng trong lời hứa sẽ mang lại tự do cho giới trí thức, và cuộc thanh trừng nội bộ đảng chính là dấu chấm hết cho nền dân chủ nội đảng và dập tắt tư duy trong quá trình ra quyết định. Cuối cùng là, cách thức mà chế độ đáp trả đối với những sự kiện này, ngay cả thời điểm hiện tại, cho ta thấy về tình trạng cải cách chính trị tại Việt Nam.
Sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm
Bối cảnh sự kiện
Năm 1950, vào giữa cuộc chiến chống Pháp của Việt Minh, Hồ Chí Minh đến Trung Quốc và ký kết thỏa thuận viện trợ quân sự với nhà lãnh đạo cộng sản mới của Bắc Kinh. Khi viện trợ quân sự được đưa vào, thì dòng chảy ồ ạt các thể chế, cải cách và lực lượng cố vấn mang phong cách Trung Quốc cũng từ đó mà tràn vào. Một chiến dịch gấp gáp được khởi động để học tập kinh nghiệm cách mạng của Trung Quốc, và 200.000 bản sao của 43 cuốn sách của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã được dịch và in ra. Các thể chế kinh tế và chính trị Trung Quốc ngày càng phổ biến. Trước năm 1952, có gần 7.000 binh sĩ và cố vấn Trung Quốc hiện diện tại Bắc Bó (một chiến khu phía Bắc). Trong giai đoạn 1949-1954, Trung Quốc huấn luyện và trang bị cho gần 50.000 bộ đội Việt Nam tại các doanh trại ở Vân Nam và Quảng Tây thành lập vào mùa xuân năm 1950. Theo đề xuất của Trung Quốc, Đảng Lao Động mang tính xã hội chủ nghĩa được công khai thành lập vào tháng Hai năm 1951, sự kiện này đã chấm dứt cáo buộc cho rằng Việt Minh là một tổ chức chống thực dân có cơ sở rộng khắp mà lại không có điểm tựa về mặt tư tưởng.[2] Theo như một nhà sử học, Kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh, tác phẩm đặt ra cuộc cách mạng ba giai đoạn cho chiến tranh, lại “gần như ăn cắp ý tưởng của chủ nghĩa Mao.”[3] William Duiker đã ghi nhận một cách súc tích rằng đường hướng lãnh đạo của Việt Minh đơn thuần là để “vuốt ve cái tôi của những nhà lãnh đạo Trung Quốc” bởi vì sự trợ giúp của họ là hoàn toàn thiết yếu.[4]
Chiến dịch chỉnh huấn khổng lồ trong nội bộ Đảng (hay Cheng feng theo tiếng Hoa), lấy hình mẫu của chiến dịch Diên An tại Trung Quốc, đã được khởi động và hàng ngàn cán bộ bị thanh trừng; số lượng Đảng viên giảm từ 50.000 trong năm 1950 xuống còn 40.000 vào năm 1954. Chiến dịch cải cách ruộng đất hai giai đoạn bắt chước mô hình của Trung Quốc cũng được tiến hành. Giai đoạn ôn hòa từ năm 1953 đến năm 1954 nổi bật là việc giảm tô, theo sau đó là giai đoạn thay đổi rõ rệt hơn từ năm 1954 đến năm 1956 với việc tái phân phối một khối lượng lớn tài sản ở phía Bắc.[5] Đây là hồi chuông cảnh báo giới trí thức bởi vì hầu hết trong số họ đều có vài mối liên hệ đến tầng lớp có ruộng đất “phong kiến” và “phản động”.[6] Vào tháng Ba năm 1953, chính phủ quyết định và ban hành một danh sách đặt tên các giai cấp trong xã hội, trong đó chính phủ nỗ lực làm dịu đi nỗi sợ hãi bằng cách khẳng định rằng “giới trí thức không tự họ hình thành nên một tầng lớp riêng” mà địa vị của họ dựa trên “thành phần” của gia đình. Bởi vì nhiều trí thức gia được xếp vào thành phần “kẻ thù giai cấp”, nên ngược lại cũng có một thành phần mới được tạo ra, đó là “cá nhân tiên tiến”, danh hiệu này sẽ được cấp cho ai ngoài việc phục vụ cho cách mạng còn tình nguyện giao nộp toàn bộ của cải cho chính phủ.
Trong khi sự trợ giúp về mặt hậu cần từ phía Trung Quốc là cần thiết, thì một nhiệm vụ cũng không kém phần quan trọng đối với công cuộc đấu tranh chống thực dân của Việt Minh là thu phục được sự đồng lòng của giới trí thức. Nhiều trí thức gia cảm thấy họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải lên Việt Bắc và tham gia cách mạng; nếu không làm như vậy, họ sẽ bị đánh đồng với việc bắt tay với giặc Pháp. Một số lượng lớn các trí thức gia tham gia Việt Minh vì lòng yêu nước, chứ không phải vì chủ nghĩa cộng sản. Thực tế cho thấy vì các nhà lãnh đạo Việt Minh cố gắng che giấu đi những mối liên hệ với chủ nghĩa cộng sản của tổ chức này, bằng cách trên danh nghĩa giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương vào năm 1946, nên rất có thể nhiều nhà trí thức tin theo lời Hồ Chí Minh từng công khai cho rằng đây là một tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc chứ không phải cộng sản. Thật vậy, một học giả miền Nam Việt Nam có luận điểm cho rằng giới trí thức “được động viên bởi hy vọng rằng họ có thể dùng tổ chức kháng chiến này để tập hợp các phần tử dân tộc và tạo nên một lực lượng có thể điều chỉnh cán cân chống lại những người cộng sản trong số những thành viên tham gia kháng chiến.[7] Dù cho lý do có là gì đi nữa thì các nhà trí thức cũng tham gia cuộc đấu tranh chống thực dân với đầy nhiệt huyết.
Ngay từ buổi ban đầu, [các nhà văn] đã dốc hết tâm huyết và sức lực cho tất cả các hoạt động mà đất nước kêu gọi sự giúp sức của họ trong thời chiến. Họ sát cánh với những người phu và nông dân để chiến đấu chống lại kẻ thù của đất nước. Họ chia sẻ với những con người này đời sống khổ cực trong rừng rậm, và cũng như thế, họ sống và làm việc trong bầu không khí ngập tràn lòng yêu nước.[8]
Nhưng ngay từ buổi ban đầu, Đảng đã kiên quyết kiểm soát giới trí thức và ngăn cản họ khỏi tình trạng quá độc lập. Dựa trên tác phẩm của Mao, Lenin, và Maxim Gorky,[9]các văn nghệ sỹ Việt Nam bị bắt buộc phải chấp nhận những nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phải xem xét lại lập trường tư tưởng của mình. Trong một bài phát biểu năm 1948, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trường Chinh đã yêu cầu văn học và văn hóa “phải duy trì lòng trung thành hoàn toàn với Tổ quốc và cuộc kháng chiến.”[10]
Năm 1951 chứng kiến hai ràng buộc sâu sắc hơn đối với giới trí thức: Ràng buộc đầu tiên chính là việc đưa vào “chế độ tập trung dân chủ” như là quy trình hoạt động trung tâm của Đảng. Nguyên tắc này trở thành mối liên kết giữa giới tinh hoa và quần chúng: một khi Đảng đã đưa đến một quyết định nào đó thì không có bất cứ sự chống đối nào được chấp nhận. Sau đó, trong một bức thư gửi đến giới nghệ sỹ và trí thức vào năm 1951, Hồ Chí Minh đã sử dụng ngôn từ mà Mao đã sử dụng trong buổi nói chuyện với giới trí thức tại Diên An, trong đó nhà lãnh đạo Trung Quốc đã làm rõ rằng “thực tế không có nghệ thuật vị nghệ thuật, không có nghệ thuật đứng trên giai cấp, không có nghệ thuật tách rời hoặc độc lập với chính trị. Văn học và nghệ thuật vô sản là một phần của toàn bộ lý tưởng đấu tranh cách mạng của giới vô sản.”[11] Ông giải thích cho giới trí thức về khái niệm của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. “Để hoàn thành nhiệm vụ của mình, người chiến đấu trên mặt trận văn hóa cần có một lập trường chính trị vững vàng và một hệ tư tưởng đúng đắn: Nói tóm lại, anh phải đặt lợi ích của cuộc cách mạng, của quốc gia và dân tộc lên trên tất cả.”[12] Để thực hiện được mục tiêu này, Hồ Chí Minh lập luận rằng “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.”[13] Kết quả là, những hình thức thay đổi sự thật hoặc nguyên tắc từ ngữ ngữ pháp tiêu chuẩn trong các tác phẩm nghệ thuật bị hạn chế, và theo như học giả người Pháp Georges Boudarel, “những tác phẩm của họ được kỳ vọng xoay quanh những đặc tính điển hình và phục vụ kịp thời cho các đòi hỏi về mặt chính trị của phong trào. Từ phổ biến hay dùng là từ “căm thù”: căm thù đế quốc nước ngoài và phong kiến bản địa hoặc những điền chủ.”[14]
Những bó buộc đối với giới văn nghệ sỹ này, cùng với việc thi hành những khía cạnh khác của chủ nghĩa cộng sản, “đã đẩy một làn sóng trí thức gia khổng lồ tới khu vực thuộc quyền kiểm soát của Pháp.”[15] P.J.Honey khẳng định rằng “càng áp dụng nhiều nguyên lý từ những người cộng sản Trung Quốc, thì hàng ngũ những trí thức gia bị vỡ mộng ngày càng nhiều, điều này loại bỏ đi những thành phần tham gia hoạt động kháng chiến.”[16] Những người nào còn trụ lại gần như chỉ có việc sáng tác cho chiến dịch văn chương của Việt Minh và phải chịu đựng những nguyên lý khắt khe của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Trong một nỗ lực lớn hơn nhằm bắt giới tri thức phải chịu sự kiểm soát của Đàng, người ta đã gây áp lực để giới này phải gia nhập đảng. “Họ bị đe dọa rằng nếu từ chối tư cách thành viên, họ sẽ bị lên án là những kẻ phản động, cùng lúc đó, họ cũng được dụ dỗ gia nhập bởi lời hứa về những ưu đãi đặc biệt.”[17] Tuy nhiên, ngay cả những người trí thức ở lại chiến khu và gia nhập Đảng cũng phải chịu đựng chiến dịch học tập cải tạo dẫn đầu bởi “những cán bộ văn hóa cộng sản đặc biệt” – những người đã từng được “chỉ dẫn bởi ‘những người đàn anh ở phía bên kia đường biên giới’ [các cán bộ Trung Quốc] trong ‘hệ thống nghệ thuật và văn chương Trung Quốc.’”[18]
Nhìn chung, hầu hết các trí thức gia trụ lại là do những lý do xuất phát từ lòng yêu nước. Cuộc kháng chiến chống Pháp chính là một động cơ thúc đẩy thực sự. Vì muốn giành độc lập, các văn nghệ sỹ sẵn sàng chấp nhận chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và mệnh lệnh của đảng buộc công việc của họ phải là một phần trong toàn bộ phong trào kháng chiến lãnh đạo bởi Đảng Lao Động. Họ chấp nhận sự kiểm soát, kiểm duyệt của Đảng và hy sinh một phần tự do cho nền độc lập dân tộc. Như một nhà chống đối hàng đầu từng viết:
Khi Hội [văn hóa cứu quốc] ở Việt Bắc thì đường lối hoạt động dường như rất đơn giản. Để phục vụ đất nước dân tộc, và trên hết là cuộc kháng chiến cấp bách, thì phải tuân theo chủ nghĩa Mác. Không thể cho rằng các văn nghệ sỹ lúc bấy giờ hoàn thành đúng và đủ hoàn toàn các nhiệm vụ được giao, nhưng có một điều chắc chắn rằng họ nỗ lực hết mình để đi theo đường lối hoạt động nói trên. Liệu họ có bao giờ cảm thấy bất mãn với cấp trên của mình? Rất hiếm hoi. Hoặc nếu có đi chăng nữa, họ cũng không để tâm lắm đến điều đó vì tâm hồn của họ đã đắm chìm trong cuộc kháng chiến gian khó mà vĩ đại. Họ không có thì giờ rỗi rãi để nghĩ đến các vấn đề khác nữa.[19]
Con người họ tràn ngập niềm tự hào và lửa nhiệt tình với mong muốn xây dựng một Việt Nam mới độc lập, và họ tin rằng chính việc phục vụ cách mạng sẽ mang lại cho họ tự do sáng tác. Họ mong muốn rằng, sau cuộc kháng chiến, họ sẽ nhận được tự do nhiều hơn cả dưới thời Pháp và sự can thiệp của đảng vào văn học nghệ thuật cũng sẽ chấm dứt.
Vào thời kỳ đầu tình hình cho thấy họ có vẻ sẽ được tự do. Đảng Lao Động gửi các cán bộ văn hóa đến Hà Nội vào tháng Chín năm 1954 để thuyết phục những người đã rời khỏi Việt Bắc thôi không chuyển vào miền Nam trong khoảng thời gian 300 ngày như hiệp định Geneva đã cho phép. Để lấy lại sự ủng hộ của giới trí thức, vào năm 1954-1955 Đảng Lao Động đã thực hiện một đường lối mang tính tự do đối với những trí thức và chuyên gia đã phục vụ cho Pháp; những người nào ở lại miền Bắc được đối xử rất tốt, thường kiếm được nhiều hơn những người cùng với Đảng Lao Động vào Hà Nội vào năm 1954.[20] Tố Hữu, một trí thức hàng đầu của đảng, đã thông báo một chính sách hòa giải vào năm 1955: “Đảng có thể cung cấp sự lãnh đạo trí thức để chống lại kẻ thù, nhưng hiện nay là giai đoạn cho công việc mang tính xây dựng. Đảng có thể sẽ không lãnh đạo nữa, mà nên nhường đường cho giới trí thức.”[21] Nhưng cùng thời điểm đó, Đảng Lao Động buộc tất cả văn nghệ sỹ phải gia nhập Hội Văn Nghệ chính thức. Cuộc trấn áp bắt đầu.
Loạt đạn mở màn
Tình trạng bất đồng bắt đầu khi Trần Dần, một tác giả quân đội đồng thời là Đảng viên, đã viết một cuốn sách phóng sự về trận chiến Điện Biên Phủ vào tháng Hai năm 1955. Sau này Bảo Ninh và Dương Thu Hương có các tác phẩm tương tự vào những năm 1990, các nhân vật trong tác phẩm của ông không phải là những hình mẫu anh hùng chủ nghĩa xã hội mà đảng đã ra lệnh phải theo. Quyển sách là bức chân dung phác họa cuộc sống khổ cực bên trong chiến hào nơi hầu như không thấy bằng chứng cho thấy sự thắng lợi của cuộc chiến hay tính đúng đắn của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên ông đã được cử đến Trung Quốc để viết kịch bản phim; ở đó ông đã trải qua một cuộc tranh cãi quyết liệt với viên chính ủy người đã được gửi đến làm việc với ông. Trần Dần trở về nước với tâm trạng thất vọng và đã tập hợp một nhóm các nhà trí thức có cùng tư tưởng trong nội bộ quân đội mà mục tiêu của họ là thuyết phục các lãnh đạo đảng trả lại cho họ sự tự do sáng tác. Họ mong muốn đòi lại sự tự do không chỉ từ các nhân viên kiểm duyệt quân đội mà còn từ các viên chính ủy của đảng. Theo như cương lĩnh được soạn thảo và đệ trình cho Ban chấp hành Trung ương vào năm 1955 của Trần Dần và gần 30 các trí thức gia khác,
Biểu hiện cao nhất về trách nhiệm của một tác giả là sự tôn trọng và trung thành của anh ta đối với sự thật… Sự thật, với phạm vi của nó, vượt qua tất cả những chỉ thị, tất cả lý thuyết…Nếu nó đi ngược lại một kế hoạch hoặc mệnh lệnh nào đó, các tác giả cần bám theo sự thật, không bóp méo nó cũng như không được ép sự thật vào khuôn khổ chính trị… Cách mạng không cần bất cứ nhà tông đồ nào để đốt hương và ca tụng các kế hoạch và cũng chẳng cần đến các vị pháp sư cúng tế khi họ vỗ chiêng và tụng kinh cầu…Ngày nay, người ta tìm thấy trong văn chương của chúng ta khá nhiều kỹ xảo (và ngay cả bộ mặt đạo đức giả).[22]
Ông lập luận rằng “một tác giả phải được cho phép sự tự do gần như hoàn toàn trong việc lựa chọn chủ đề, nhân vật, phong cách thể hiện thái độ và cảm xúc. Tất cả trở ngại và hạn chế phải bị bài trừ như những kẻ thù của chủ nghĩa hiện thực.” Trong thời gian ở Trung Quốc, Trần Dần chịu ảnh hưởng bởi một nhân vật trong nền văn chương Trung Quốc là Hồ Phong, người muốn mở rộng những biên giới có thể chấp nhận được của văn học. Khi trở về, Trần Dần đã viết, “Tại sao không có ai viết về các quan chức chính phủ chẳng hạn? Hoặc về tình yêu? Tại sao cứ phải giới hạn các nhân vật vào vai những cá nhân mang thân phận người công nhân hoặc nông dân? Chủ nghĩa hiện thực khuyến khích hàng trăm trường phái cùng phát triển mạnh.”[23] Những lời tấn công thẳng thắng như vậy vào sự kiểm soát của đảng đã khơi dậy khí phách trong lòng giới trí thức, những người đã tập hợp lại để bảo vệ cho ông. Phan Khôi, cha đẻ của nền thơ ca hiện đại Việt Nam,[24] khi đó 70 tuổi, đã viết “mỗi người trong chúng ta sở hữu nghệ thuật của chính bản thân mình và phản ánh tính cách của chúng ta trong đó. Chỉ có loại hình nghệ thuật và tính cách này mới có thể tạo ra quang cảnh trăm hoa đua nở. Trái lại, nếu các tác giả bị ép buộc phải viết theo cùng một phong cách, thì sẽ có ngày tất cả loài hoa đó sẽ trở thành hoa cúc vạn thọ hết thảy.”[25]
Một nhà trí thức khác, Lê Đạt, đã than phiền rằng hiện thực xã hội chủ nghĩa giống như:
Việc đặt các đồn cảnh sát và máy móc thiết bị vào giữa trái tim con người
Việc buộc cảm xúc phải thể hiện theo như một bộ quy tắc mà chính phủ ban hành.
Phản ứng ban đầu của đảng đối với Trần Dần và những nhà chống đối khác là đặt họ trong chế độ quản thúc tại gia và sau đó cải tạo họ.[26] Tố Hữu, nhà thơ của chính phủ, sau đó đã phát động một chiến dịch nhằm tái củng cố đời sống của giới trí thức với những nguyên lý của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tố Hữu yêu cầu các nhà trí thức phải tuân thủ nghiêm ngặt các tham số được quy định trong bài phát biểu của chủ tịch Mao tại Diên An: “những nhân vật mang tính tích cực,” “những anh hùng cách mạng,” và “nông dân và công nhân như lực lượng tiên phong.” Nói tóm lại, Tố Hữu kêu gọi sự tổng hợp không thỏa hiệp giữa chính trị và nghệ thuật bởi vì “nội dung quyết định hình thức.”
Trong khi nhiều nhà trí thức ý thức được tương lai không lành sẽ xảy ra và tuân theo đường lối của đảng thì những người khác lại tạm lánh mặt cho đến đầu năm 1956 khi tuyển tập mang tên Giai Phẩm Mùa Xuân được xuất bản. Tính táo bạo của tạp chí này, trong đó bao gồm một bài thơ Trần Dần viết nhằm miêu tả tình trạng tệ hại không thể chấp nhận được ở miền Bắc, đã làm chất xúc tác cho các nhà trí thức khác.[27] Khi đảng trao giải Nhất Giải thưởng Văn học vào năm 1954-1955 cho một tác phẩm chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa tầm thường của nhà thơ trung thành với đảng – Xuân Diệu, giới trí thức nổi dậy.[28]
Tại Hội nghị tháng Tám năm 1956 của Hội Văn nghệ, các nhà trí thức công khai đòi quyền tự do nhiều hơn, cũng giống như đồng sự của họ ở Trung Quốc và Liên Xô tại thời điểm đó. Ở Trung Quốc, Lục Định Nhất kêu gọi “phá vỡ sự trì trệ trong hoạt động của giới trí thức ở Trung Quốc” trong bài phát biểu “Trăm hoa” của ông. Cụ thể là ông đã yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc cho phép “sự tự do trong suy nghĩ độc lập về hệ tư tưởng, các hoạt động nghiên cứu khoa học và nghệ thuật; tự do ngôn luận; tự do tham gia vào các công việc sáng tạo và phê bình tác phẩm của những người khác; tự do bày tỏ ý kiến; và tự do thu lại ý kiến.” Các học giả cũng bàn luận về những thay đổi trong chính sách của Xô Viết đối với giới trí thức kể từ Đại hội lần thứ Hai mươi của Đảng Cộng Sản Liên Xô khi Khrushchev đưa ra bài phát biểu phi Stalin hóa của mình.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn làn sóng chỉ trích, Hoài Thanh – một quan chức cao cấp của đảng đã xuất bản một bài viết tự phê bình trong tuần báo Văn Nghệ. Nhưng đã quá trễ, giới trí thức bắt đầu xuất bản tạp chí riêng của họ dựa trên triết lý của trí thức gia đối kháng Trung Quốc Hồ Phong, người đã cho rằng “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa cần phải chuyển sang khía cạnh con người và khẳng định bản thân như một loại hình của chủ nghĩa nhân văn.” Vào ngày 15 tháng Chín năm 1956, tạp chí Nhân Văn độc lập đã được cấp phép xuất bản. Biên tập bởi Phan Khôi, Nhân Văn xuất bản năm lần từ 20 tháng Chín đến 20 tháng Mười Một năm 1956. Trong giai đoạn đó, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chấp nhận trong thời gian ngắn sự thẳng thừng của các tác giả và biên tập viên.
Càng nhiều thứ thay đổi…
Ngoài nhu cầu tự do sáng tác và quyền tự do thành lập các ấn phẩm độc lập mà không chịu sự kiểm soát và kiểm duyệt của đảng, những người bất đồng ý kiến còn có rất nhiều khiếu nại khác. Cũng giống như nhiều đồng nhiệp của họ vào những năm 1990, giới trí thức những năm 1950 rất cẩn trọng trong việc thách thức chủ nghĩa xã hội hoặc sự độc quyền về quyền lực của đảng. Theo Georges Boudarel, một học giả hàng đầu trong nghiên cứu phong trào này: “Nhưng họ không đồng ý việc đánh đồng chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa nhất thể (monolithism), và chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism).”[29]
Phần lớn nhu cầu của họ tập trung vào vấn đề “sự thật” và tính hợp pháp của các nguồn thông tin độc lập và thay thế. Các nhà đối kháng hiểu sự cần thiết của công tác tuyên truyền, nhưng họ cũng cảnh giác trước việc Đảng sẽ diễn dịch sai hoặc nói dối về các sự kiện nhằm thúc đẩy các mục tiêu của mình. Phùng Quán đã yêu cầu một cách rõ ràng về sự minh bạch trong một bài thơ nổi tiếng (Lời mẹ dặn – ND):
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ.[30]
Tương tự như vậy, Trần Lê Văn giải thích cho sự thiếu thốn các nguồn thông tin thay thế là do tính thiếu trách nhiệm tai hại và lạm dụng quyền lực của đảng. “Nếu như các cuộc phê bình công khai được áp dụng sớm hơn trong công chúng và báo giới, mà trong đó ai cũng có thể thẳng thắn nói ra điều họ nghĩ để các nhà lãnh đạo của chúng ta dần dần nói ra sự thật từ những dối trá trong việc thực hiện các chính sách, thì nhiều thảm họa đã có thể tránh được.”[31]
Sai lầm tối quan trọng chính là chương trình cải cách ruộng đất đặc trưng bởi “sự nổi lên của phong trào nông dân bạo lực.” Những người chống đối quan tâm đến thực tế là có ít tính hợp pháp ở khu vực nông thôn hơn là ở Hà Nội – khu vực trong tầm kiểm soát của Pháp: Bài xã luận của Nguyễn Hữu Đang trong kỳ 4 tạp chí Nhân Văn, vào ngày 5 tháng 11 năm 1956, đã nhắc lại lời tố cáo của Khrushchev về việc sử dụng bạo lực và khủng bố của Stalin và Beria, nhưng đồng thời cũng khẳng định rằng “Điều này ở xã hội ta không phải ai cũng công nhận dễ dàng. Vì lòng khinh bỉ của chúng ta đối với pháp lý tư sản lớn quá đến nỗi ở một số đông người nó đã trở thành lòng khinh bỉ pháp lý nói chung… Ít luật lệ là một điều thuận tiện cho sự lạm quyền, độc đoán. [32]
Để thúc đẩy tạo dựng nên xã hội mang tính pháp trị hơn, giới trí thức đã kêu gọi chỉnh sửa Hiến pháp, yêu cầu đảng trao tự do cho quốc hội, và mong muốn một nhánh tư pháp được độc lập. Vị luật sư nổi tiếng, Nguyễn Mạnh Tường, đã vạch ra bốn cuộc cải cách pháp lý cơ bản vào tháng 10 năm 1956 cần phải được thực hiện để tránh những việc lạm dụng ngoài vòng pháp luật như đã xảy ra trong suốt chiến dịch cải cách ruộng đất: thiết lập thời hiệu khởi kiện; chấm dứt việc xử tội đồng lõa của gia đình và các thế hệ liên quan đến phạm nhân; thiết lập một tiêu chuẩn cao hơn cho chứng cứ; và cung cấp quyền lợi cho người bị khởi tố trong suốt thời gian điều tra. Theo ông, những trở ngại thêm vào đó là “sự khinh bỉ đối với pháp lý – thứ đứng dưới quyền lực chính trị – và sự khinh bỉ đối với các chuyên gia.”[33]
Các nhà phê bình cũng đề cập rất nhiều đến sự thiếu dân chủ, sự chiếm hữu quyền lực trong tay một số ít nhân vật, và tình trạng trì trệ của chính trị nói chung. Hai tác phẩm táo bạo nhất là của Phan Khôi và Lê Đạt, hai tác giả viết về “ông bình vôi,” ống nhổ mà người nhai trầu vẫn sử dụng, được lấp đầy bởi vôi để ngăn mùi; đến lúc vôi tích tụ, làm cho bình vôi trở nên vô dụng. Sự ám chỉ Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng trong tác phẩm này đã làm cho đảng giận dữ:
Những kiếp người sống lâu trăm tuổi
Y như một cái bình vôi,
Càng sống càng tồi.
Càng sống càng bé lại.
Phan Khôi đã viết một bài khảo cứu nhỏ dựa trên bài thơ bốn câu này, đặt tên là “Ông bình vôi,” nhằm bổ sung thêm cho hình ảnh phúng dụ của Lê Đạt. Trong bài viết này, ông kể khi còn là một cậu bé 18 tuổi ông đã “hất một loạt ‘ông bình vôi’ thờ trên tường thành xuống đất. Sao lại làm như thế? Chúng tôi cứ làm như thế, không cần có lý luận.” Ông đả kích những nhà lãnh đạo đảng vô dụng và già cỗi: “Tóm lại, cái bình vôi, vì nó sống lâu ngày, lòng nó đặc cứng, miệng nó bít lại, ngồi cũ rũ trên tran hoặc trên tường thành, cũng như pho tượng đất hoặc gỗ không nói năng, không nhúc nhích, thì người ta tôn thờ sùng bái mà gọi bằng ‘Ông’.”[34]
Đối tượng của sự đả kích rất rõ ràng. Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo đảng hàng đầu đã trở nên quá cứng nhắc và bảo thủ, cũng giống như những bình vôi cũ, đã mất đi tính hữu dụng. Đã đến lúc cất họ vào kệ. Ở đó họ sẽ được kính trọng, nhưng họ sẽ được thay thế bởi “những bình vôi” mới và có ích hơn. Vì điều này mà Phan Khôi bị tố là kẻ phản động và người theo chủ nghĩa xét lại, một người con người già nua suy yếu không thể vượt qua được “tâm tính tư sản” của mình, nhưng bất chấp những sự tấn công này, ông tiếp tục biên tập tờ Nhân Văn và Giai Phẩm để hỗ trợ cho những tác giả và trí thức trẻ. Để đáp lại lời cáo buộc của nhiều người trong đảng rằng ông là kẻ phản cách mạng, ông đã viết một bài thơ trong tạp chí Giai Phẩm kỳ số ba (tháng mười 1956):
Hồng nào hồng chẳng có gai,
Miễn đừng là thứ hồng rài không hoa.
Là hồng thì phải có hoa,
Không hoa chỉ có gai mà ai chơi?
Ta yêu hồng lắm hồng ơi!
Có gai mà cũng có mùi, hương thơm.
Tuy nhiên, Lê Đạt và Phan Khôi đứng trong hàng ngũ thiểu số khác biệt, và rất ít người sẵn sàng đối kháng công khai với hệ tư tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng vẫn có một ngoại lệ, đó là Giáo sư sử học Đào Duy Anh, người đã khẳng định rằng sự tuân thủ cứng nhắc của đảng đối với ý thức hệ sẽ giới hạn lại phạm vi nghiên cứu và tri thức của đất nước và do đó làm chậm quá trình tăng trưởng và phát triển. Trong một đoạn văn sẽ làm tấm gương cho các công trình vào gần bốn thập kỷ sau đó của Phan Đình Diệu và Hà Sĩ Phu, Đào Duy Anh có viết:
Ở nước ta thì bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân lại còn trầm trọng hơn, khiến người ta, vô luận bàn về vấn đề gì, cũng đều phải bắt đầu dẫn những đề án của Mác-Ăng-ghen và Lê-nin, hoặc những ý kiến của Sta-lin hay các lãnh tụ khác, để, hoặc phát triển thêm những ý kiến ấy, hoặc g̣ò bó tài liệu, xoay sở thế nào để gán vào khuôn khổ của những công thức rút ra tự những ý kiến ấy. Xin chỉ một cái tỷ dụ gần đây. Như vấn đề phân kỳ của lịch sử Việt Nam và vấn đề hình thành dân tộc, chúng tôi nhận thấy rằng nhiều người nghiên cứu không dám có ý kiến gì mới ngoài những điều các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác hay các vị lãnh tụ đã nói về các vấn đề ấy. Hễ thấy ai có ý kiến gì vượt ra ngoài những công thức cũ, những khuôn khổ sẵn có thì người ta chụp ngay cho những cái mũ dễ sợ, như cái danh hiệu cải biến chủ nghĩa chẳng hạn, những mũ như thế rất dễ bịt mồm bịt miệng người ta…Trong thực tế thì sự thảo luận đã bị thủ tiêu từ gốc rồi. Nghiên cứu hay nghị luận một vấn đề gì, nhiều người chỉ nơm nớp sợ không khéo thì chệch ra ngoài đường lối tư tưởng chính thống độc tôn. Đối với những người ấy, công tác học thuật trở thành trò xiếc leo dây. Con đường học thuật phải là con đường cái thênh thang mọi người tự do đi lại, chứ không phải sợi dây căng của người làm xiếc. Phải trừ bỏ những bệnh giáo điều và sùng bái cá nhân để trả lại tự do cho học thuật. Phải áp dụng chính sách “bách gia tranh minh” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc thi hành đối với công tác nghiên cứu khoa học.”[35]
Tư tưởng chính thống không chỉ dẫn đến tình trạng trì trệ về mặt tri thức và chủ nghĩa giáo điều, mà nó còn tạo ra một tầng lớp tinh hoa hoàn toàn mới, một tầng lớp “bà la môn” bao gồm các đảng viên nào bắt đầu tách mình ra khỏi quần chúng. Là cơ sở cho những tác giả những năm 1990, Hữu Loan tấn công tầng lớp mới này qua bài thơ “Cũng những thằng nịnh hót,” trong đó ông cáo buộc giai cấp thống trị mới, những người đã hành động cũng tương tự như những kẻ thống trị thời phong kiến và thực dân mà họ đã thay thế, về việc trở thành một thứ gì đó mà lẽ ra không nên tồn tại trong xã hội không giai cấp này.[36]
Phản ứng của Đảng
Các nhà lãnh đạo đảng bị chia rẽ trong việc giải quyết tờ Nhân Văn, Giai Phẩm và những tạp chí chống đối khác. Nhiều người muốn miễn tội cho giới trí thức này. Đặc biệt, quân đội khá cảm thông với nhu cầu của những nhà trí thức có lẽ bởi vì bản thân Quân đội Nhân dân (QĐND) cũng cảm thấy đảng can thiệp quá nhiều vào công việc riêng của mình. Nhiều người trong QĐND, cũng như các nhà trí thức, cảm thấy lo lắng về sự quỵ lụy một cách mù quáng đối với các mô hình và học thuyết Trung Quốc.[37] Thật vậy, một chính ủy tư tưởng trong QĐND, Trần Độ, sau này trở thành người bất đồng chính kiến dẫn đầu vào những năm 1990, đã cố gắng dàn xếp một thỏa hiệp với những người theo đường lối cứng rắn của đảng đứng đầu bởi Tố Hữu và trợ lý của ông là Hoài Thanh.
Những người khác hoàn toàn không tin rằng giới trí thức có thể là mối đe dọa với chế độ: những cuộc tấn công gay gắt từ trong nội bộ giới này đã chọc giận nhiều người của đảng, nhưng dân chúng không mấy ai biết đến các nhà trí thức cùng với những lời phê bình chỉ trích của họ. Bùi Tín cho rằng phong trào được dung thứ vì tính cô lập của nó. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, thường dưới dạng sách và phim Trung Quốc và Xô Viết, dễ tiếp cận với người dân Việt Nam có trình độ trung bình hơn nhiều so với các tác phẩm của Lê Đạt và Phan Khôi. Như Bùi Tín ghi lại, “Những ngày đó không ai có thể sở hữu các bản Nhân Văn hoặc Giai Phẩm để có thể tự hiểu được vấn đề ồn ào lúc bấy giờ.”[38] Lời kêu gọi của những nhà bất đồng chính kiến phần nào không tới được phần lớn dân chúng bởi vì gần 90 phần trăm dân cư là nông dân mù chữ hoặc bán mù chữ.
Tuy nhiên, những người theo đường lối cứng rắn trong đảng đã giành phần thắng, vào tháng Hai năm 1956 cuộc đàn áp không nương tay bắt đầu với việc bắt giam Trần Dần và các đồng nghiệp của ông. Mặc dù đảng tiến hành hàng loạt các chiến dịch công khai bài trừ các tác phẩm của ông, nhưng để theo kịp trào lưu của thế giới cộng sản như bài phát biểu phi Stalin hóa của Khruschev và bài “Trăm hoa” của Lục Định Nhất, đảng đã cho phép Nhân Văn, Giai Phẩm và các tạp chí khác được xuất bản vào mùa hè và mùa thu năm đó (Nhân Văn được xuất bản năm lần từ 20 tháng 9 đến 20 tháng 11). Học giả người Nhật Hirohide Kurihara đã lập luận rằng trong suốt giai đoạn này thật ra đảng đã thừa nhận những sai lầm trong chính sách văn chương.[39] Ví dụ, tạp chí lý thuyết của đảng, Học Tập, đã công nhận những vấn đề nêu ra trong Nhân Văn và Giai Phẩm “phần nào phản ánh được thực tế,” và một bài viết trong nhật báo của đảng, Nhân Dân, đã nói rằng chính sách “Trăm hoa” “nhìn chung là đúng.”[40]
Việc đơn thuần khơi lên những vấn đề văn chương không thể đe dọa được những người trong đảng. Điều làm cho đảng sợ là việc phong trào đang tìm cách biến mình thành một tổ chức đối lập với đảng một cách độc lập, lâu dài, trung thành và có tổ chức. Như Chu Ngọc – một biên tập viên – đã tổng kết lại trong tờ Nhân Văn kỳ ba: “Chúng tôi cố gắng đấu tranh trong tổ chức, song liên tục chúng tôi bị chế ngự, nguyện vọng của chúng tôi lên tới Trung ương Đảng đã bị thay thế bằng nguyện vọng của bè phái họ.”[41] Khi các chỉ trích trên các tạp chí mang tính chính trị nhiều hơn và định hướng văn chương ít lại thì nhiều thành viên trong đảng muốn khơi dậy một cuộc đàn áp.
Những tác nhân bên ngoài đã thay đổi tình hình trong nội bộ đảng khi chính quyền Xô Viết nghiền nát cuộc nổi dậy tại Hungari vào tháng Mười Một năm 1956, trong khi đó Trung Quốc đang ở giữa phong trào “chống cánh hữu.” Trong kỳ báo Nhân Dân ra ngày 16 tháng Chín năm 1956, Lê Duẩn cho xuất bản một bài viết có tên “Đập tan phe cánh hữu,” bài viết này là một sự mô phỏng rõ ràng lại cuộc đấu tranh được phát động tại Trung Quốc chống lại Đinh Linh và các trí thức gia đã lên tiếng chỉ trích trong suốt phong trào Trăm hoa. Trong bài báo, Lê Duẩn đã ghi “quyền [chính trị] là một loài cỏ dại độc hại và [chúng ta cần] biến nó thành phân bón để cải thiện đất trồng lúa của chúng ta.”[42] Vào tháng Mười Một, báo Nhân Dân đã đặt tên cho phong trào nổi dậy ở Hungary là cuộc phản cách mạng,[43] và một hội nghị vào tháng Mười Hai của các đảng cộng sản tại Matxcơva đã dẫn đến kết quả là các hệ tư tưởng trở nên cứng rắn hơn và việc đàn áp tất cả kẻ thù của chế độ chuyên chính vô sản được biện minh.
Các nhân tố bên trong cũng có tác dụng, cụ thể là công cuộc cấp tiến hóa của xã hội trong suốt chiến dịch cải cách ruộng đất tàn bạo giai đoạn 1954-1956. Đảng Lao Động “giải phóng sức mạnh của quần chúng để tiêu diệt tầng lớp địa chủ,” đây là một chiến dịch làm cho nhiều người căm phẫn và tổn hại rất nhiều đến khu vực nông thôn. Quá trình tập thể hóa nông nghiệp được thực hiện vào năm 1956 dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, và các chiến thuật của Trung Quốc như tòa án nhân dân, chiến dịch chống lại địa chủ, vận động quần chúng, đặt tên giai cấp, và hành quyết hàng loạt đã được áp dụng một cách sốt sắng.[44]
Và tất nhiên tồn tại một mối quan ngại về việc thống nhất đất nước vốn đã bị chia cắt từ giữa năm 1954. Có người lo sợ rằng nếu các trí thức gia trở nên quá thẳng thắn và tập hợp được một diễn đàn công cộng thì họ sẽ sử dụng nó để xúc tiến các quan điểm của họ, và sau đó họ sẽ bị chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam sử dụng cho hoạt động tuyên truyền và làm mất uy tín chính phủ Bắc Việt Nam.[45] Theo Hiệp định Geneve ký năm 1954, các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức trong vòng hai năm – đây là một quyết định mang tính thỏa hiệp, bởi vì trước đó Hà Nội đã muốn tổ chức bầu cử ngay lập tức nhằm tận dụng thế áp đảo của Việt Minh. Mặc dù các cuộc bầu cử ngày càng khó xảy ra, nhưng hy vọng vẫn chưa bị dập tắt, Đảng vẫn muốn duy trì sự ủng hộ cao độ của nhân dân – đặc biệt là ở miền Bắc – kể từ khi mạng lưới Việt Minh và cơ sở hỗ trợ nhanh chóng bị xóa sổ bởi Diệm và em trai của ông là Ngô Đình Nhu ở miền Nam.
Ảnh hưởng thực của sức ép quốc tế và nhu cầu chính trị trong nước là một phản ứng hai mũi nhọn tấn công. Đầu tiên là cuộc đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến, bao gồm cả việc các ấn phẩm của họ bị tịch thu và những nhà lãnh đạo phong trào bị bắt và cho đi cải tạo. Hai là chiến dịch văn học mạnh mẽ dẫn đầu bởi giới trí thức trung thành với đảng và mệnh lệnh của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Chiến dịch bắt đầu khi tạp chí Nhân Văn bị đóng cửa vào tháng Mười Một năm 1956 sau một cuộc đình công có tổ chức của công nhân xưởng in, trước khi số báo thứ sáu được xuất bản. Tạp chí Giai Phẩm cũng bị đóng cửa chỉ sau khi phát hành bốn số (Tháng Ba, Tháng Tám, Tháng Mười, Tháng Mười Hai năm 1956). Các nhà xuất bản của cả hai tờ báo đều bị bắt, còn Phan Khôi qua đời tại Hà Nội vào đầu năm 1960, chỉ vài ngày trước khi ông bị triệu tập xét xử vì tội “đi chệch đường lối.” Các nhà lãnh đạo khác bị cáo buộc là đã “âm mưu kích động quần chúng thực hiện những cuộc biểu tình phản cách mạng nhằm lật đổ chế độ dân chủ nhân dân và sự lãnh đạo của đảng.”
Trong bài nói chuyện với giới trí thức vào tháng Bảy năm 1956, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “Đảng và chính phủ cần hỗ trợ giới trí thức bằng cách giáo dục để họ có được một lập trường giai cấp vững vàng, một quan điểm đúng đắn, một suy nghĩ hợp lý và những cách cư xử mang tính dân chủ.”[46] Theo lời dẫn dắt này, vào tháng Mười Hai năm 1956, một cuộc họp của các quan chức cao cấp của đảng chịu trách nhiệm về giáo dục và nghệ thuật đã được triệu tập nhằm “thống nhất các quan điểm và suy nghĩ của đảng về chủ đề văn học nghệ thuật, để đưa ra một quyết định cho tạp chí Nhân Văn và chỉ ra những hướng phát triển cho tương lai.”[47] Buổi họp này đã đưa ra quyết định biên dịch ra tiếng Việt tất cả tài liệu tiếng Trung và tiếng Nga về việc quản lý giới trí thức.
….
Bài học kinh nghiệm
Cuộc thanh trừng 1963 – 1967
Gốc rễ của cuộc thanh trừng
Tìm hiểu lại cuộc thanh trừng
Di sản của sự bất đồng chính kiến
Download phần còn lại của văn bản tại đây: Su kien Nhan Van – Giai Pham.pdf


[1] Ghi chú của Ban Biên tập: 1. Tài liệu mang tính chất tham khảo, thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của người dịch và Ban Biên tập Nghiencuuquocte.net; 2. Do không thể tìm được tất cả các văn bản gốc để đối chiếu, một số trích dẫn được dịch từ tiếng Anh có thể không đúng như nguyên văn tiếng Việt. Một số thông tin (như về tên riêng, nhân thân, chức danh… của các nhân vật) trong bài mà tác giả đưa ra có thể không chính xác.
[2] Hồ Chí Minh đã giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1946 khi các cuộc đàm phán với Pháp về quyền tự trị đã thất bại và ông chuẩn bị cuộc chiến chống Pháp. Để làm cho các nhóm dân tộc khác, đặc biệt là Việt Nam Quốc Dân Đảng – những người kiên quyết chống cộng, gia nhập vào tổ chức chung là Việt Minh, Hồ Chí Minh đã giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông tìm cách làm giảm bớt những lo ngại cho rằng Việt Minh là một tổ chức do cộng sản lãnh đạo hoặc chi phối. Tuy nhiên, các cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đã chiếm ưu thế trong những vị trí lãnh đạo của Việt Minh.
[3] Melvin Gurtov, The First Indochina War: Chinese Communist Strategy and the United States (New York: NXB ĐH Columbia, 1967), 16.
[4] William Duiker, The Communist Road to Power in Vietnam (Boulder, Colo.: Westview Press, 1981), 141.
[5] Andrew Vickerman, The Fate of the Peasantry: The Premature “Transition to Socialism” in the Democratic Republic of Vietnam (New Haven, Conn.: Yale Center for International and Area Studies, Chuyên khảo số 28, 1986). Tham khảo thêm Neil Jamieson, Understanding Vietnam (Berkeley: University of California Press, 1993), 224.
[6] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” trong P. J. Honey, biên tập., North Vietnam Today: Profile of a Communist Satellite (New York: Praeger, 1962), 77.
[7] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 73.
[8]  Đặng Thai Mai, “Văn học Việt Nam,” tạp chí Châu Âu, 187-388 (Tháng Bảy – Tháng Tám 1961), 91.
[9] Mao Trạch Đông, “Talks at the Yenan Forum on Literature and Art,” Tháng Năm 1942, trong Mao Trạch Đông,  Tuyển tập, tập 3 (Peking: NXB Ngoại Ngữ Hà Nội, 1965), 69–98; Vladimir Lenin, “Party Organization and Party Literature,” 1905, trong Robert C. Tucker, biên tập và dịch, The Lenin Anthology (New York: Norton, 1975), 148–153; Maxim Gorky, “Soviet Literature,” Bài nói chuyện tại Đại hội đầu tiên các nhà văn Xô Viết của toàn liên bang 17 tháng Tám 1934, trong Maxim Gorky, On Literature: Selected Articles (Moscow: Foreign Language Publishing House, n.d.), 228–268.
[10] Trường Chinh, “Chủ nghĩa Mác và Văn hóa Việt Nam” (Báo cáo trong Hội nghị Văn hóa Toàn Quốc lần hai, tháng Bảy 1948) trong Trường Chinh, tuyển tập (Hà Nội: NXB Ngoại Ngữ, 1977), 286
[11] Mao Trạch Đông, “Talks at the Yenan Forum on Literature and Art,” 86.
[12] Hồ Chí Minh, “Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951,” trong Hồ Chí Minh, tuyển tập (1920-1949) (Hà Nội: NXB Ngoại Ngữ, 1973), 133
[13] Cùng tác phẩm, 134
[14] Georges Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s: The Nhan-Van Giai Pham Affair,” Vietnam Forum 13, 155.
[15] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 74.
[16] P. J. Honey, “Introduction,” in Honey, ed., North Vietnam Today: Profile of a Communist Satellite (New York: Praeger, 1962), 6.
[17] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 75.
[18] Như trên, 76.
[19] Phan Khôi, “Phê bình Lãnh đạo Văn nghệ,” Giai Phẩm Mùa Thu (Tháng Chín 1956) trong Hoàng Văn Chí, biên tập, Giai cấp mới ở miền Bắc Việt Nam (Sài Gòn: NXB Công Dân, 1958), 75.
[20] Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 80.
[21] Trích trong Như Phong, “Intellectuals, Writers and Artists,” 80.
[22] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 157.
[23] Trích trong C. K. Nguyễn, “Prophets without Honour,” Far Eastern Economic Review (sau đây viết tắt là FEER), 4 Tháng Tư 1991, 31.
[24] Phan Khôi là cháu trai của huyền thoại Hoàng Diệu (người đã treo cổ tự vẫn khi người Pháp chiếm thành Hà Nội) và là cha đẻ của thơ hiện đại, một nhà cách mạng kỳ cựu, người đã trải qua chín năm bị giam cầm trong nhà tù Côn Đảo và tám năm trong những khu rừng Việt Bắc cùng với lực lượng kháng chiến. Ông qua đời trong tủi nhục, và bị gán cái mác kẻ thù của quốc gia.
[25]Giai Phẩm, Tháng Chín 1956, trích trong Jamieson, Understanding Vietnam, 258
[26] Hoàng Văn Chí khẳng định rằng Trần Dần cuối cùng cũng bị đem ra xét xử, nhưng “không có lời bào chữa nào của ông được nhắc đến,” qua đó chứng minh rằng “tất cả miệng của họ đã bị lắp đầy.” Tham khảo Hoàng Văn Chí, The New Class in North  Vietnam (Sài Gòn, NXB Công Dân, 1958), 81-83
[27] Tham khảo Nguyễn Ngọc Bích, biên tập, One Thousand Years of Vietnamese Poetry (New York: NXB ĐH Columbia, 1975), 187–189.
[28] Tác phẩm giành giải của Xuân Diệu “Ngôi sao.” Xuân Diệu trở thành trí thức gia hàng đầu của đảng, liên kết chặt chẽ với Tố Hữu – nhà thơ cách mạng và sau này trở thành ủy viên Bộ chính trị.
[29] Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 164.
[30] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 164. Khi đảng cảnh cáo ông về những tác phẩm này, Phùng Quán đã trả lời một cách ngang ngược:
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã.
Bút giấy tôi, ai cướp giật đi?
[31] Trần Lê Văn, “Fear Not that the Enemy Shall Benefit,” Nhân Văn số 2 (30 tháng Chín 1956): 164; trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s.”
[32] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 166.
[33] Như trên.
[34] Trích trong Jamieson, Understanding Vietnam, 261.
[35] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 167.
[36] Bài thơ xuất hiện trong Giai Phẩm mùa Thu phiên bản ra vào Tháng Mười năm 1956 và có thể tìm thấy trong Hoàng Văn Chí, The New Class in North Vietnam.
[37] Bùi Tín, Following Ho Chi Minh: Memoirs of a North Vietnamese Colonel (Honolulu: University of Hawaii Press, 1995), 14-16.  Tác phẩm này nhấn mạnh sự bất đồng giữa Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh. Ông Giáp, người chiến thắng trong trận chiến Điện Biên Phủ, đã đạt được điều đó bằng cách lờ đi lời khuyên từ các cố vấn Trung Quốc của mình. Một điểm thú vị là trong hồi ký của mình về cuộc chiến, ông rất hiếm khi nhắc đến sự ủng hộ của Trung Quốc hoặc trợ giúp mà ông nhận từ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Tham khảo thêm trong Cecil Currey, Victory at Any Cost (Washington, D.C.: Brassey’s, 1997), esp. 145–212.
[38] Tín, Following Ho Chi Minh, 35.
[39] Hirohide Kurihara, “Changes in the Literary Policy of the Vietnamese Workers’ Party, 1956-1958,” in  Indochina in the 1940s and 1950s (Ithaca, N.Y.: NXB ĐH Cornell, Southeast Asia Program, 1992), 165–196.
[40] Ví dụ, tham khảo Nguyễn Chương, “Có căn cứ hay không có căn cứ,” Nhân Dân, 15 tháng Mười 1956. Và Nguyễn Chương, “Mấy điểm sai lầm chủ yếu trong báo Nhân Văn và tập Giai Phẩm Mùa Thu,” Nhân Dân, 25 tháng Chín 1956.
[41] Chu Ngọc, Nhân Văn, Kỳ 3. Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 164.
[42] Trích trong Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s,” 171.
[43] “Phất cao ngọn cờ yêu nước và xã hội chủ nghĩa, nhân dân Hung-ga-ri đã đè bẹp bọn phản cách mạng, tay sai của đế quốc,” báo Nhân Dân, 5 tháng Mười Một 1956
[44] Chiến dịch cải cách ruộng đất tàn bạo và gây ra cuộc nổi loạn công khai tại Nghệ An, điều này đã đe dọa đến sự sống còn của đảng – Ngay cả sự trung thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng bị nghi ngờ. Hồ Chí Minh bị buộc phải cách chức Trường Chinh (người đã trải qua việc tự phê bình trước công chúng) và nắm quyền điều hành đảng. Bản thân Hồ Chủ tịch nhận ra được sự thái quá, và đã tiến hành một cuộc vận động chỉnh đốn. Ban chấp hành Trung ương Đảng thừa nhận “đã mắc phải một số sai lầm nghiêm trọng trong suốt cuộc cải cách ruộng đất,” và hàng nghìn tù chính trị đã được thả như một động thái thể hiện thiện chí. Nhưng những cuộc thanh trừng của đảng đã gieo rắc sự ngờ vực sâu sắc. Tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương, Đảng Lao Động đã thông báo sẽ “mở rộng dân chủ, bảo vệ tự do dân chủ và mở rộng hệ thống pháp lý dân chủ.” Lincoln Kaye, “A Bowl of Rice Divided: The Economy of North Vietnam,” trong P. J. Honey, biên tập, North Vietnam Today, 107–108. Lịch sử đầy đủ của chiến dịch cải cách ruộng đất có thể tìm đọc trong Vickerma, The Fate of the Peasantry.
[45] Ví dụ, tham khảo, Hoàng Văn Chí, The New Class in North Vietnam.
[46] Hồ Chí Minh, “A Talk with Intellectuals,” trong Hồ Chí Minh, Tuyển tập các bài báo và phát biểu, 1920–1967, Jack Woddis, biên tập (New York: International Publishers, 1969), 109.
[47] Tạp chí Văn Nghệ, 13 (Tháng Sáu 1957)
- See more at: http://nghiencuuquocte.org/2013/10/03/su-kien-nhan-van-giai-pham/#sthash.leEDljtc.dpuf

No comments: