Monday, February 27, 2017

VIẸT NAM HÔM NAY




 





Yêu Hà Nội hơn trong những ngày Tết




Chợ Hoa Tây Hồ, nơi tập trung đủ các loài hoa phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại hoa đào, kể cả các loại quý hiếm từ các tỉnh miền núi phía bắc đưa về. (Ảnh: Lê Anh Hùng)
Chợ Hoa Tây Hồ, nơi tập trung đủ các loài hoa phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội. Đặc biệt, ở đây có rất nhiều loại hoa đào, kể cả các loại quý hiếm từ các tỉnh miền núi phía bắc đưa về. (Ảnh: Lê Anh Hùng)

Đầu tháng 1, người dân Hà Nội còn đang than vãn về khí trời ẩm ương khi mùa đông đến mà vẫn nắng nóng đổ mồ hôi, ấy thế mà ngay giáp Tết tiết trời bỗng trở lạnh, mang về cái se lạnh xưa cũ đầy quen thuộc. Chúng tôi lại phấn khởi bảo nhau về Hà Nội của những ngày Tết lạnh rất ngọt, vắng vẻ và bình yên. Sau gần 360 ngày đầy ồn ào và khói bụi, Tết về trả lại cho Hà Nội vẻ đẹp cổ kính vốn có với màu trời xam xám hơi buồn cùng chút mưa phùn thơm thơm mùi cỏ nhú trên nền đất ẩm. Không khí Tết đã tràn ngập khắp nẻo Hà Nội từ ngày 23 – tiễn ông Công, ông Táo về trời. Trên những khu phố, sắc đỏ tràn ngập từ trong nhà ra ngoài đường, trên bông đào còn e nụ hay dải dây treo tường chúc Tết… Người ta đi trên đường chậm rãi hơn, vui vẻ hơn, những lời nói ánh nhìn cũng xuề xòa với nhau hơn.
Gia đình tôi có thói quen tự làm bánh chưng ngày Tết, thông thường chúng tôi chuẩn bị đồ đạc, gói ghém vào ngày 28 Tết để đêm 30 kịp có bánh mới thắp hương cúng ông bà tổ tiên. Tuổi thơ tôi, nếu không có đêm thức trông bánh thì chưa phải Tết. Cái cảm giác mấy đứa nhỏ ngồi quanh nồi bánh chưng, chơi bài chán chê xong ngồi tán gẫu, ngắm nghía những đốm lửa tí tách rồi chìm dần vào giấc ngủ gà ngủ gật, sáng dậy đã thấy mình vùi trong chăn ấm, chạy xuống nhà thơm lừng mùi bánh mới mà thấy thèm thuồng. Thời gian này mỗi gia đình phải lượn qua lại chợ hoa ở khu Quảng An, Tây Hồ hay các cửa hàng trên đường Hoàng Hoa Thám cả chục lần để ươm ướm cây đào cây quất phù hợp và những nhánh thủy tiên, huệ tây, đỗ quyên để trang trí nhà cửa và bàn thờ tổ tiên. Chiếc Honda chạy bon bon chở cây quất khổng lồ vàng rực phía sau xe hay buộc nhiều cành đào quấn lấy nhau trở thành một nét đặc trưng của phố phường Hà Nội dịp giáp Tết. Dù đứng giữa phố đông tắc đường chật cứng, nhìn thấy hình ảnh đó cũng bất chợt mỉm cười, cảm thấy thích thú biết bao. 
Với người Hà Nội cũ, nói đến chợ hoa thì thường nhắc đến chợ hoa Hàng Lược, đã tồn tại được hơn 100 năm nay, trở thành chợ hoa lâu đời nhất thủ đô. Tại khu chợ này, đào quất được bán và chọn lựa kỹ càng hơn, vì vậy mức giá cũng nhỉnh hơn. Trong khu Phố Cổ, đặc biệt là Hàng Mã, không khí Tết choáng ngợp bởi sắc đỏ rực rỡ của đèn lồng, hoa, đồ đồng, đồ giả cổ. Trên những con đường bé tẹo cắt giao giữa Hàng Lược, Hàng Mã, Thuốc Bắc, người và xe mua hàng hóa, trả giá ồn ào nhưng ít hẳn đi lời cãi vã, cộc cằn bởi niềm vui hân hoan sắm Tết. Nhiều người chẳng có ý định mua sắm cũng cứ chen chân vào ngắm nghía, chụp ảnh để tận hưởng không khí Tết quá đỗi náo nhiệt. Phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm mới chính thức mở vào dịp cuối năm 2016, cấm xe cộ đi lại vào ngày nghỉ cuối tuần để tạo thành một khu trung tâm vui chơi giải trí cho người dân. Vào dịp giáp Tết, không khó để bắt gặp một nhóm nhạc mặc áo dài Việt, đứng biểu diễn các nhạc cụ dân tộc trên một góc phố. Các bài hát nổi tiếng qua tiếng đàn nhị, đàn tranh và dàn trống truyền thống Việt Nam trở nên đặc sắc và cuốn hút vô cùng, khiến không chỉ người Việt cảm thấy thích thú mà du khách nước ngoài cũng phải ấn tượng mà đung đưa theo tiếng nhạc không lời sôi động.
Khoảng 10 năm trở lại đây, có ý kiến cho rằng nên bỏ dịp lễ Tết rườm rà, phức tạp hoặc ghép cùng dịp Tết tây để tiết kiệm thời gian, chi phí… Bản thân tôi cũng đã từng có lúc nghiêng về phía ủng hộ việc này khi sống xa nhà trong thời gian dài. Nhưng phải đến khi về đúng dịp Tết, ngồi cùng gia đình trong mâm cỗ Tất niên, khoác lên người chiếc áo dài màu đỏ mận, lang thang vào Văn Miếu ngồi ngắm nghía ông đồ già tô vẽ chữ, mới có cảm giác Tết là nhà, Tết là mẹ cha. Ngày Tết, như một nét văn hóa thấm nhuần vào từng người con của đất Việt, chỉ cần chút lạnh, chút mưa bay, là thấy nhớ da diết quê hương. Tôi đã dạo bước rất lâu qua khu Phố Cổ, Hồ Gươm, rồi chạy xe tà tà trên đường Thanh Niên đi một vòng Hồ Tây, bước vào ngôi chùa vắng ngửi chút hương trầm, nghe tiếng gõ mõ, để cố nhớ và giữ lại khoảnh khắc quý giá ấy. Quả thật Hà Nội đã đổi thay nhiều, nhưng cứ đến Tết lại trầm mặc và bao dung, đón những đứa con xa nhà đã lâu quay về đoàn tụ.
* Blog Trong lòng Hà Nội của Hoàng Giang là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Hoàng Giang

    Hoàng Giang sinh ra và lớn lên tại thủ đô Hà Nội, từng đi du học ngành truyền thông tại Mỹ, là cây bút tự do cho nhiều tờ báo dành cho giới trẻ trong và ngoài nước. 'Trong lòng Hà Nội' là suy nghĩ về những đổi thay của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp dưới góc nhìn khách quan và mới mẻ.
     http://www.voatiengviet.com/a/yeu-ha-noi-hon-trong-nhung-ngay-tet/3690120.html

Hà Nội – những mảng màu giáp Tết




Bên trong chợ hoa Tết Hàng Mã là cả một thế giới đồ trang trí Tết.
Bên trong chợ hoa Tết Hàng Mã là cả một thế giới đồ trang trí Tết.

Tết là dịp lễ cổ truyền quan trọng nhất của người Việt, nên mỗi dịp Tết đến Xuân về đều được người người trông chờ với một tâm trạng đặc biệt. Trên khắp mọi miền quê Việt Nam, mỗi nơi đều có một bầu không khí Tết mang những đặc trưng về văn hóa, phong tục, tập quán, khí hậu… sở tại.
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị của Việt Nam, mà còn là trung tâm kinh tế và văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, không khí Tết ở Hà Nội rất nhộn nhịp và nhiều sắc màu.
Ngay từ đầu tháng Chạp, lượng xe ô tô khắp các tỉnh thành đã bắt đầu nườm nượp đổ về thủ đô, như thể các tín đồ “hành hương” về thánh địa, với lưu lượng ngày càng lớn. Đây chủ yếu là xe của các quan chức địa phương về chúc Tết lãnh đạo và các cơ quan trung ương, từ bộ máy Đảng, Chính phủ cho đến hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Ở Việt Nam, người ta càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng diễn ra trắng trợn, tràn lan; càng cấm cấp dưới đi thăm, chúc Tết, biếu quà cấp trên thì nét “văn hóa” “đậm đà bản sắc xã hội chủ nghĩa” này lại càng nở rộ. Bên cạnh xe của các lãnh đạo và cơ quan địa phương là xe của các doanh nghiệp, cả nhà nước lẫn tư nhân, trên khắp các tỉnh thành đổ về Hà Nội chúc Tết các cơ quan bộ ngành, những người đã đem đến cho họ những dự án hay hợp đồng béo bở.
Hà Nội vốn dĩ hay bị ách tắc giao thông, nay lại phải đón nhận một lưu lượng lớn xe cộ từ ngoại tỉnh ùn ùn đổ về, khiến tình hình càng trở nên trầm trọng. Ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải khẩn cấp triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ ngành để bàn giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Là trung tâm kinh tế và văn hóa của đồng bằng Bắc Bộ và cả nước, nên các hoạt động kinh tế và văn hóa thời điểm giáp Tết ở Hà Nội diễn ra rất nhộn nhịp. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật cũng diễn ra sôi động, nhất là các chương trình hài Tết và các chương trình nghệ thuật theo chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước, Thủ đô đổi mới”.
Dưới đây là một vài hình ảnh của Hà Nội trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017.
* Blog của nhà báo Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Lê Anh Hùng

    Lê Anh Hùng là một blogger/dịch giả/nhà báo độc lập ở Hà Nội và là người đấu tranh vì tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam từ nhiều năm nay.

Tân Sơn Nhất ‘như cái chợ’ ngày cận Tết




0:00:00 /0:02:04





Những ngày cận Tết, Tân Sơn Nhất, sân bay lớn nhất Việt Nam, oằn mình “gồng gánh” hàng trăm ngàn người Việt ở hải ngoại về quê ăn Tết. Và nếu mỗi một người Việt đáp xuống Tân Sơn Nhất lại có một gia đình 6, 7 hoặc 10 người ra đón, thì sân bay này trở nên quá tải, tạo tình trạng chen chúc mà theo mô tả của một số tờ báo, là “từ trong ra ngoài và cả từ trên trời xuống mặt đất.”
“Lò lửa” tại phi trường
Trả lời phỏng vấn VOA qua điện thoại, từ Sài Gòn, bà Lê Thu Hằng, quyền Vụ Trưởng Vụ Thông Tin Văn Hóa của Ủy Ban Nhà Nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết ước tính “hàng trăm ngàn Việt kiều” về ăn Tết trong dịp Tết năm nay.
Trong vài tuần cuối cùng của năm âm lịch, lượng hành khách lớn dồn về cộng với lượng người đến đón đông gấp 6-7 lần đã biến các khu vực chờ đợi của phi trường Tân Sơn Nhất thành “một biển người,” theo mô tả của một số Việt kiều. Thậm chí, có người ví nơi đây như một “lò lửa” vì không khí trở nên ngột ngạt trong không gian dường như bị co hẹp lại khi lượng người liên tục tăng lên.
Vài trăm ghế ngồi ở khu chờ đợi luôn kín người, khiến hàng ngàn người khác phải đứng lố nhố hoặc ngồi vật vờ trên sàn. Xen vào khung cảnh này, đây đó có những nhóm người bày thức ăn, nước uống ra sàn để “tiếp sức” cho cuộc marathon chờ đợi.
Cảnh chen lấn xô đẩy thỉnh thoảng lại diễn ra, khi người đến sau cố tìm chỗ đứng hoặc ngồi chờ gần cửa ra để dễ đón người thân. Ngược lại, có những người đã đứng ở hàng đầu ngay sát cửa lại phải “tháo chạy” ra ngoài vì ngộp thở giữa biển người.
Cảnh tượng này diễn ra từ gần 10 giờ tối cho tới tận hơn 2 giờ khuya, khoảng thời gian có nhiều chuyến bay quốc tế hạ cánh nhất.
Một Việt kiều, không nêu tên, nhận xét rằng Tân Sơn Nhất những ngày này "đông khiếp đảm, như một cái chợ,” và “nhếch nhác, bẩn thỉu nhất trong tất cả các sân bay trên thế giới này."
Trong khi đó, ông Phan Thành, 63 tuổi, người gốc Việt sống tại Canada, thì cho rằng những gì diễn ra ở Tân Sơn Nhất “không phải chuyện lớn.” Ông nói với VOA: “Có đông khách về vì máy bay dồn dập xuống nhiều quá. Chuyện chờ ở sân bay như thế tôi cho là cũng bình thường, không lớn lao gì. Anh chị em lâu lâu về một lần nhìn thấy cũng không bằng nước ngoài, kiểu như vậy. Nói chung, nếu so phi trường mình với bên Mỹ hay Canada thì có khác.”
Vẫn theo ông Thành, người “ra vô Việt Nam” đông hơn nên “phi trường có thể gọi là tắc hơn một chút; đặc biệt ngày gần Tết cũng có sự chật chội hoặc điều không hài lòng.”
Tân Sơn Nhất ‘quá tải’
Để tìm hiểu con số thống kê chính thức về số hành khách và số chuyến bay đáp xuống Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cận Tết, VOA liên lạc với giới chức phi trường và hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines. Tuy nhiên, hai cơ quan này từ chối trả lời qua điện thoại.
Ông Đặng Tuấn Tú, Giám Đốc Cảng Hàng Không Tân Sơn Nhất, nói: “Chúng tôi không cung cấp [thông tin] trên điện thoại cái kiểu như thế này. Dữ liệu thì báo chí [trong nước] có hết rồi, đăng báo hết rồi. Báo chí nó đăng là chính xác.”
Thông tin cập nhật trên báo chí trong nước dẫn lại giới chức hữu trách cho hay, ở thời điểm bình thường, trung bình mỗi ngày có khoảng 17.000 hành khách nhập cảnh Việt Nam qua cửa ngõ Tân Sơn Nhất. 
Trong những ngày cao điểm giáp Tết, giới chức phi trường ước tính mỗi ngày có trên 150 chuyến bay hạ cánh với lượng người nhập cảnh tăng lên hơn 20.000 mỗi ngày. So với dịp Tết năm ngoái, số chuyến bay tăng thêm 20 chuyến, còn số khách tăng hơn 5.000.
Đa số hành khách là Việt kiều từ nước ngoài trở về đón Tết Đinh Dậu 2017. Chị Lê Chi Pha thuộc hãng hàng không Asiana nói với VOA: “Lượng hành khách là Việt kiều Mỹ về với Asiana tăng lên rất nhiều. Một ngày có đến 2 chuyến bay từ Los Angeles về. Từ San Francisco, từ Seattle, Chicago, rồi New York nữa. Đường bay bên Mỹ khá đông. Hầu như chuyến nào cũng bị overbooked [số vé bán ra nhiều hơn số ghế ngồi].”
Số người về nhân lên cho 6, cho 7, thậm chí cho 10, sẽ thấy Tân Sơn Nhất kẹt ra sao. Anh Danny Huỳnh, từ Mỹ về, nói với VOA: “Người Việt Nam mình một người đi 10 người đón. Thường là lên đón khoảng chừng 6, 7 người. Số người đi rước đông dữ lắm, rất đông.”
Ngày 21/1, trả lời báo chí trong nước, Phó Giám Đốc Sở Giao Thông Vận Tải Tp. HCM, Trần Quang Lâm, cho biết “nhiều lực lượng” sẽ túc trực từ sáng sớm đến 11 giờ khuya để giải quyết tình trạng kẹt xe ở sân bay Tân Sơn Nhất dịp cao điểm Tết.
Ông Lâm cảnh báo: “Từ 26 Tết [23/1] trở đi mới đông, 800 chuyến bay mỗi ngày. Dự báo những ngày tới khu vực này ùn tắc rất cao, nhất là vào chiều tối".
Hồi đầu tháng Giêng, báo chí Việt Nam dẫn lời Cục Trưởng Cục Hàng Không, Lại Xuân Thanh, cho hay phi trường Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải cả trên trời lẫn dưới mặt đất.
Năm 2016, Tân Sơn Nhất đón 33 triệu hành khách. Con số này cao hơn gần 30% so mức tính toán cho năm 2020.
Trước nhu cầu cấp bách về nâng công suất hoạt động, ngày 20/1, một phương án chi khoảng 19.700 tỷ đồng (khoảng 860 triệu đôla) được đề xuất nhằm mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất. Nếu được phê duyệt, thời gian xây dựng sẽ kéo dài 3 năm, sau đó phi trường sẽ đón được 43-45 triệu hành khách/năm.
Thủ tục ‘hơn một tiếng’
Tùy vào thời điểm hạ cánh, không phải hành khách nào cũng phải chứng kiến cảnh đông nghẹt người đón ở sảnh.
Hầu hết hành khách đều mất khoảng một tiếng đồng hồ, hoặc hơn, để làm thủ tục nhập khẩu và nhận hành lý.
Anh Giang Đoàn, 42 tuổi, từ Texas, Mỹ, trở về vào tối 6/1, nói với VOA: “9h45 hạ cánh. Tới thứ tự, cứ theo thứ tự, ra lấy hành lý xong rồi xách ra chừng khoảng 11h kém.”
Ông Lê Đăng Nguyên, 77 tuổi, đáp chuyến bay từ California về, hạ cánh lúc 11h đêm, nói “chờ lấy hành lý lâu chút xíu. Chắc phải 45 phút, 1 tiếng gì đấy.”
Đặc biệt, khi các chuyến bay hạ cánh dồn dập, nhiều người kể lại thời gian làm thủ tục lên đến 2 tiếng đồng hồ, tính từ lúc rời máy bay cho đến khi ra được đến bên ngoài phi trường.
Thời gian gần đây, báo chí trong nước và một số trang mạng xã hội cá nhân đăng thông tin về nhân viên xuất nhập cảnh hoặc hải quan phi trường “gây khó dễ” đối với hành khách. Họ cho rằng điều đó có thể là một trong những nguyên nhân khiến thời gian làm thủ tục bị kéo dài.
Trở về Mỹ hôm 9/1, một Việt kiều đề nghị không nêu tên chia sẻ với VOA câu chuyện của ông. Người đàn ông sống ở một bang miền tây Hoa Kỳ kể rằng tại phi trường ở Việt Nam, ông đưa cho nhân viên xuất nhập cảnh cùng lúc hai hộ chiếu của vợ chồng ông. Một nhân viên nói ông “không được trình hộ chiếu chung.” Ông nêu thắc mắc và được đáp lại: “Vì anh chị không nhét tiền vào hộ chiếu, mọi người phải nhét tiền vào hộ chiếu.”
Ông cho biết “không thèm đôi co, chỉ tổ mất thời gian” và kiên quyết “không nhét 1 đồng xu lẻ nào.”
Cũng theo lời ông, trước đó, trong chuyến bay từ Hàn Quốc về Việt Nam, ông chứng kiến hai hành khách Việt Nam ngồi ngay sau ông bàn với nhau về việc nhét tiền vào hộ chiếu cho nhân viên xuất nhập cảnh ở phi trường.
Việt kiều này cho rằng không nên “đồng loã với thói xấu này nữa.” Ông kêu gọi “đừng ai nhét tiền đút lót” cho nhân viên xuất nhập cảnh, vì “không việc gì mình phải nhét tiền cho họ.”
Không như tình huống của câu chuyện trên, gần 10 Việt kiều khác trả lời phỏng vấn VOA, nói “không thấy có vấn đề gì về thủ tục.”
Mới trở về từ Texas, Mỹ, ông Út Hồ, 63 tuổi, cười và đưa ra nhận xét: “Hồi xưa bết lắm, giờ lên ngon lành rồi. Cũng qua phản ảnh của báo đài, bây giờ người ta thay đổi thái độ rồi. Chứ nếu làm căng thì ai tới đây du lịch nữa.”
Ông Phan Thành, Việt kiều Canada, đồng tình: “[Bây giờ] không còn như hồi xưa nữa. Tôi có người em bên Úc về, nói ngạc nhiên quá, tại sao không có ai soát gì hết trơn, không ai hỏi gì hết trơn.”

Không cần lo về taxi?
Từ phi trường, chỉ còn một điều nữa phải làm để hoàn tất chuyến về thăm nhà, đó là vượt qua quãng đường từ sân bay về nhà.
Sự mỏi mệt sau chuyến bay dài, một chút khó chịu do thời gian làm thủ tục lâu dường như tan biến khi những người trở về gặp được người thân.
Niềm hạnh phúc sau bao ngày xa cách trào dâng, xóa tan những cảm xúc tiêu cực ít phút trước đó. Anh Giang Đoàn nói, khi gặp lại gia đình, anh “quên cả thời gian,” “ngồi chuyến bay mệt mỏi, thành ra ra đến cửa là mừng. Gia đình gặp nhau là lên xe về thôi, gặp nhau vui quá, lên xe về đến nhà cũng không nhớ thời điểm về đến nhà là mấy giờ nữa.”
Tương tự anh Giang, hầu hết người Việt hải ngoại về thăm nhà đều được người nhà thuê xe đón rước, không chỉ những người có quê ở các tỉnh khác mà ngay cả người ở Sài Gòn cũng vậy.
Một số chọn đi bằng taxi thông thường hay các loại dịch vụ chở khách kiểu mới, là Uber hoặc Grab. Ông Út Hồ, Việt kiều từ Mỹ, nói về kinh nghiệm riêng: “Tôi về thì con đăng ký trên điện thoại của tôi. Tôi muốn đi đâu thì gọi Uber hoặc Grab. Giá bằng nửa giá của xe ngoài. Uber và Grab tăng vào những giờ kẹt xe, những giờ cao điểm. Giá hiện lên, anh chịu thì anh đi. Có thể là tăng gấp đôi.”
Người chưa quen dùng Uber hay Grab lo lắng rằng khi nhu cầu đi lại tăng cao, có thể khan hiếm taxi thông thường và giá cả cũng tăng lên. Bên cạnh đó, họ sợ một số tài xế tìm cách gian lận để tính tiền cao hơn.
Nhưng ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp Hội Taxi Tp. HCM đưa ra lời trấn an. Ông nói với VOA: “Riêng taxi Vinasun không có thay đổi giá. Tài xế thì tôi có app quản lý nên không thể trục lợi được. Hãng nào cũng có thể có tài xế xấu. Nhưng mà đối với Vinasun, vừa rồi có phát hiện trường hợp tương tự như vậy thì thậm chí tụi tôi bắt tài xế mang tiền đến nhà trả cho khách hàng, xin lỗi khách hàng, đi cùng cán bộ công ty. Làm vậy cho nó chừa đi.”







Vòng quanh ký túc xá sinh viên Hà Nội


Nguyễn Hoàng, phóng viên RFA tại Hà Nội
2017-01-22

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này


Sinh viên thường ở tại khu ký túc xá của nhà trường để tiện việc học tập. Trên lý thuyết các trường đều có khu ở dành cho sinh viên với những tiện nghi cần thiết. Tuy nhiên ở Hà Nội việc sinh viên sử dụng ký túc xá gần đây có thay đổi.

Ký túc xá sinh viên

Tại Hà Nội, tuỳ theo diện tích đất mà trường đại học - cao đẳng được giao bao nhiêu, quy mô của trường đó hàng năm thu nhận bao nhiêu sinh viên thì quy mô của khu ký túc sẽ tương ứng.
Các trường lớn như Đại học Bách Khoa, Đại học Nông nghiệp, đại học Giao thông - Vận tải… có số sinh viên lớn, được sự hỗ trợ lớn của nhà nước nên có ký túc xá lớn, có khu thể thao, bên trong có tiệm tạp hoá cung cấp nhu yếu phẩm, có cửa hàng phục vụ ăn uống cho sinh viên.
Bạn Gia - sinh viên năm thứ nhất đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ về khu ký túc xá trường bạn:
“Ở trong ký túc thì mọi thứ đầy đủ cả, có chỗ vui chơi … ăn uống cũng thế. Ký túc trường mình rộng hơn rất là nhiều lần so với các trường khác” .
Theo bạn Gia, những ai là sinh viên của trường đều có thể đăng ký vào ở ký túc xá.
Tuy nhiên, những trường quỹ đất hạn hẹp thì khu ký túc nhỏ hơn, không có nhiều dịch vụ tiện ích. Đối với một số trường, số sinh viên ở trong ký túc xá cũng có hạn. Có khi một lớp chỉ có khoảng 5, 6 sinh viên có chỗ ở ký túc xá:
“Để vào Ký túc phải có những điều kiện đặc biệt nhất là con của những người có công với cách mạng, thương binh hoặc là liệt sĩ, và có thể là quen biết trong trường”.
Về điều kiện sinh hoạt trong phòng ký túc, bạn Gia cho biết những điều thuận lợi và khó khăn:
“Mọi thứ đầy đủ cả nhưng có vấn đề là nước. Mọi thứ tốt , nhất là về điều kiện sinh hoạt cũng rất đầy đủ, nước điện, tất cả mọi thứ đều ưu đãi cho sinh viên” .

Những thuận lợi và khó khăn

Đa phần sinh viên lên Hà Nội học đến từ các vùng nông thôn, nên điều kiện kinh tế có phần hạn chế. Việc ở trong ký túc xá giúp các bạn tiết kiệm được chi tiêu và là điểm mạnh các bạn nhắc tới.
Bạn Gia cho biết về số tiền hàng tháng phải chi như sau:
“Một tháng là 200 nghìn cộng với 28 nghìn tiền nước một tháng và tiền đấy đóng chung năm tháng 1 lần, đóng 1 lần lúc mới vào luôn”.
Những sinh viên không đủ tiêu chuẩn vào ở ký túc xá hay sinh viên đủ điều kiện ra thuê nhà trọ để nghỉ ngơi, ăn uống, sinh hoạt trong thời gian học tập tại thủ đô.
Quân - sinh viên năm thứ nhất Đại học kinh tế quốc dân chia sẻ về sự so sánh những thuận lợi và khó khăn của việc ở trọ bên ngoài:
“Bên ngoài mọi thứ em thấy rất thuận lợi, còn về khó khăn duy nhất cũng chỉ liên quan đến chi phí, mình không thể ở thoải mái như các bạn ở trong ký túc xá, nhưng về điều kiện trong ký túc xá hay cắt nước luân phiên luôn và nhiều khi điều kiện giờ giấc đi lại nhiều khi không khớp lại ảnh hưởng” .
Với sự phát triển quá nhanh nhưng không đồng bộ của Hà Nội trong hơn chục năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng cơ sở, giao thông trở nên quá tải, chính quyền thành phố đã khuyến khích việc di chuyển các trường đại học - cao đẳng lớn ra vùng ngoại vi, bao gồm xây dựng các khu ký túc xá hiện đại theo mô hình các trường đại học nước ngoài.
Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có trường nào thực hiện được việc này vì ngân quỹ dành cho giáo dục còn quá ít.

Vấn nạn rượu bia xứ Việt!


Thông tín viên Việt Nam
2017-01-20


Một bàn nhậu của các bạn trẻ tại Sài Gòn vào dịp cuối năm. Ảnh minh họa.
Một bàn nhậu của các bạn trẻ tại Sài Gòn vào dịp cuối năm. Ảnh minh họa.
AFP photo



Sài Gòn mỗi khi về đêm lại càng thêm nhộn nhịp với bao ánh đèn và tiếng nói cười rôm rả của hàng quán khắp nơi. Thật quá dễ để tìm một nơi nào đó để có thể nhâm nhi vài chai bia và trò chuyện cùng bạn bè. Nhà hàng và quán nhậu mọc lên như nấm. Đường Phạm Văn Đồng nay trở thành ‘phố ăn nhậu’ khá nổi tiếng của Sài Gòn với các quán xá san sát nhau, luôn tấp nập “người ra kẻ vào”!
Một người dân mà chúng tôi tiếp xúc cho biết một số lý do để ngồi lại uống bia, rượu với nhau cũng như giới hạn nên và không nên trong thói quen ‘chén thù, chén tạc’ này:
“Gặp gỡ đối tác, bạn bè lâu ngày gặp lại, nhiều khi lễ cưới, sinh nhật , lễ hỉ gì đó thì nhậu cái đó thì đúng thôi, chứ người nào hứng cái hay có việc gì đó vui cái thôi đi nhậu đi, thì cái đó không nên, cái đó là quá đà rồi.”
Vấn đề lợi, hại của việc uống bia, uống rượu không lạ gì nữa đối với nhiều người Việt Nam. Truyền thông, sách vở nói nhiều, tuy nhiên đối với những người thường xuyên sử dụng bia, rượu thì dường như những lời khuyên như thế chẳng đáng quan tâm. Một bác sĩ chuyên khoa trình bày:
“Nhận thức khi bia rượu nhiều thì thứ nhất là mất tự chủ bản thân, có thể gây ra tai nạn giao thông, đánh nhau này kia, thường là do bia rượu nhiều, rồi bạo lực gia đình, đánh vợ đánh con này kia, đó là những cái thực tế hằng ngày mình gặp.
Ông nói tiếp:
“Về mặt chuyên môn, cái ảnh hưởng trước mắt thấy rõ nhất là bao tử, uống nhiều sẽ ảnh hưởng đến bao tử, sau đó là gan, mình hay gặp các bệnh nhân sơ gan do rượu, đó là những cái thường gặp nhất.”
Thống kê của những công ty nghiên cứu thị trường đưa ra trong suốt 6 năm qua cho thấy dân Việt đang dẫn đầu các nước khu vực Đông Nam Á cũng như nằm trong nhóm tiêu thụ lượng bia rượu nhiều nhất trên thế giới.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), thì vào năm ngoái Việt Nam tiêu thụ 3,4 tỉ lít bia.
Trong kết quả điều tra diện rộng về thực trạng sử dụng rượu bia ở VN do Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới đồng thực hiện và được công bố ngày 26-9 nêu rõ số người sử dụng rượu bia, lượng rượu bia được dùng, bệnh tật và tai nạn liên quan đến rượu bia… đều gia tăng chóng mặt tại VN.
Ông Nguyễn Phương Nam, cán bộ của Tổ chức Y tế thế giới tại VN, đặt câu hỏi "VN là quốc gia khởi nghiệp hay quốc gia say xỉn?”






Nô lệ hiện đại: Đừng nghĩ cuộc sống ở Anh là 'màu hồng'

  • 24 tháng 1 2017
Cuối năm 2016, gần 100 người Việt làm việc trong các tiệm làm móng tay móng chân ở Anh đã bị bắt giữ trong chiến dịch Magnify của Cục Di trú Anh.
Vì sao họ bị bắt? Người Việt sang Anh lao động liệu có được “công việc hoàn hảo” và “cuộc sống màu hồng”? Tại sao có một số người Việt bị nghi ngờ là “nạn nhân của nạn nô lệ thời hiện đại”?
Mời quý vị xem phỏng vấn của BBC Tiếng Việt với ông Paul Wylie, Chỉ huy trưởng của chiến dịch Magnify, Lực lượng Kiểm soát Di trú Anh, người đã tham gia đi kiểm tra một số tiệm nail có người Việt làm việc.
Liên hệ với Dịch vụ Hồi hương Tự nguyện, Bộ Nội vụ Anh qua số: 0044 (0) 300 004 0202
Quý vị có thể tìm hiểu thêm về dịch vụ này tại: https://www.gov.uk/return-home-voluntarily/who-can-get-help
Bi hài nghề làm móng tay ở Anh
Nhiều người Việt làm móng tay ở Anh bị bắt



Đường về cho người Việt làm nghề nail bất hợp pháp tại Anh?


  • 24 tháng 1 2017

Cuối năm 2016, gần 100 người làm việc trong các tiệm làm móng tay móng chân, đa phần là người Việt, đã bị bắt giữ vì tình nghi làm việc bất hợp pháp ở Anh trong chiến dịch Magnify của Cục Di trú Anh.
Enable it in your browser or download Flash Player here.
Sorry, you need Flash to play this.

Nô lệ hiện đại: Đừng nghĩ cuộc sống ở Anh là 'màu hồng'

Trong chiến dịch kéo dài gần một tuần này, các nhân viên kiểm soát di trú đã truy quét 280 tiệm làm nail, bắt phạt 68 chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động trái phép với mức phạt 20.000 bảng Anh cho mỗi người lao động bất hợp pháp.
BBC Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với ông Paul Wylie, Chỉ huy trưởng của chiến dịch Magnify, Lực lượng Kiểm soát Di trú Anh, người đã tham gia đi kiểm tra một số tiệm nail có người Việt làm việc.

Phạt lớn cho doanh nghiệp nhỏ

Ông Wylie cho biết, trong Chiến dịch Magnify gần đây nhất, ông trực tiếp đến kiểm tra một số tiệm nail.
"Chẳng hạn, có đến một tiệm ở Stratham, Nam London. Trong tiệm có 6 nhân viên đang làm việc, và chúng tôi phát hiện có 3 người là người nhập cư trái phép."
"Chiến dịch này có sự phối hợp của nhiều cơ quan chính phủ Anh. Vì thế, một số đồng nghiệp ở Sở Thuế cũng đi cùng chúng tôi. Họ đã kiểm tra sổ sách tài chính của các cơ sở này. Chúng tôi đã phạt chủ tiệm 60.000 bảng. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho tình trạng nhiều chủ tiệm đang sử dụng người lao động Việt Nam bất hợp pháp"
"Các doanh nghiệp nhỏ mà phải chịu khoản tiền phạt lớn như vậy có thể sẽ sập tiệm.", ông nói thêm.
"Không phải chúng tôi nhằm vào người Việt Nam, mà chúng tôi nhằm vào các ngành nghề có nguy cơ sử dụng lao động trái phép cao."

Thông điệp cho cộng đồng người Việt

Ông Wylie cũng gửi thông điệp rõ ràng đến cộng đồng người Việt ở Anh cũng như ở Việt Nam.
Đối với những gia đình Việt Nam định gửi con sang Anh, "đừng nghĩ cuộc sống ở Anh là mầu hồng, và nghĩ khi các quý vị gửi con sang Anh chúng sẽ tìm được những công việc hoàn hảo. Thực tế không phải như vậy. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp các em bị bóc lột tình dục, hay phải sống trong điều kiện sống hết sức tồi tệ, hoặc bị người chủ lao động bóc lột tàn nhẫn."
Còn những người đang ở trong tình cảnh khó khăn ở Anh, thì ở Anh có Dịch vụ Hồi hương Tự nguyện.
Paul Wylie

"Hãy gọi điện hay tìm hiểu thêm thông tin về dịch vụ này trên Internet. Chúng tôi sẵn sàng trả tiền vé cho các bạn về nước và các bạn chỉ bị cấm vào Anh trong một hoặc hai năm thay vì 10 năm. Các bạn sẽ giữ được phẩm giá và lòng tự trọng vì sẽ không bị cưỡng ép đưa ra khỏi nước Anh," ông Wylie nói. http://www.bbc.com/vietnamese/world-38695324






CÁT LINH * TẾT XƯA, TẾT NAY

Tết xưa, Tết nay

Cát Linh, phóng viên RFA
2017-01-25

Các bạn trẻ tặng quà một cụ già những ngày giáp Tết Đinh Dậu.
Các bạn trẻ tặng quà một cụ già những ngày giáp Tết Đinh Dậu.
Ảnh do Nguyễn Phương gửi RFA


Tết ngày xưa
Đỗ Cao Cường, một thanh niên đang sống ở Sài Gòn nhớ lại miền Bắc quê của anh để thấy những sự khác biệt .
“Sài Gòn không khí nóng, không lạnh như miền Bắc. Ngoài Bắc bây giờ thì đang nhộn nhịp bán những cây đào, cây quất ngoài đường. Khung cảnh ở đây cũng không nhộn nhịp như ngoài kia, đi mua cây nêu, lá dong để gói bánh chưng…”
Không chỉ vậy, Cường còn nhận thấy Tết ngày nay khác hẳn ngày xưa. Anh nói mình thấy “Tết xưa con người sống quây quần, tình cảm, chân chất,tính cộng đồng thể hiện rõ nét hơn: thịt mỡ dưa hanh… pháo ngày têt có ý nghĩa xua đuổi tà ma, xua đuổi những điều xui xẻo, giờ chỉ là hoài niệm”
“Ngày xưa” mà Cường nói cũng không phải là xa lắm. Ngày đó có bao lì xì, có tiếng pháo nổ, có ông bà tổ tiên, có cha mẹ sum vầy, có những đêm ngồi canh nồi bánh chưng bánh dầy tượng trưng cho Trời và Đất mà chàng Lang Liêu từng bày trên mâm cỗ dâng lên vua cha.
Cái Tết “ngày xưa” của quê nghèo.
“Em còn nhớ… cái ngày xưa
Hàng dừa soi bóng mẹ em đi về
Cả năm mới được đồ thừa
Cả năm mới được mái nhà che mưa
Bà còng tóc đã lưa thưa
Ông còng móm mém múi dưa đưa bà
Bạn em có một  nỗi niềm
Xuân về áo mới, lì xì, pháo bông
Em đây cũng một nỗi niềm
Đêm hăm ba tết trông nồi bánh chưng
Cá chép em thả xuống đồng
Mang theo tâm sự đất nghèo quê em” (NỖI NIỀM NGÀY TẾT – Đỗ Cao Cường)
Tết ngày nay
Ngày nay, một đất nước sau hơn 40 năm đổi mới, với hơn 90 triệu dân và những màn trình diễn pháo hoa rực rỡ trong đêm giao thừa, những công trình nhớ ơn tiền tỉ… có làm cho thế hệ trẻ cảm thấy rạo rực chờ đón Xuân hay không? Họ có vui mừng hãnh diện hoà vào niềm vui lễ hội truyền thống của đất nước hay không?
Trong đêm 27 Tết, Huy Jos, một thanh niên ở thành phố Vinh, đang đang trên đường trở về nhà sau khi cùng nhóm bạn Công giáo của anh đi thăm và hỗ trợ người dân hai vùng biển bị ảnh hưởng bởi cơn ác mộng Formosa.
Là một trong những người đồng hành cùng người dân miền Trung đòi lại công bằng trong suốt thời gian qua, cho đến những ngày cuối cùng chuẩn bị bước sang năm mới, Huy cho biết anh vẫn không thể nhìn thấy không khí mùa Xuân đang cận kề.
Đối với em mừng xuân trên một đất nước nhiều dân oan, người dân còn bị bắt bớ, đánh đập, bỏ tù, không có nhân quyền – tự do thì không có ý nghĩa.
- Huy Jos
“Đối với em mừng xuân trên một đất nước nhiều dân oan, người dân còn bị bắt bớ, đánh đập, bỏ tù, không có nhân quyền – tự do thì không có ý nghĩa.”
Phero Nghĩa, một thanh niên trẻ ở Vinh, cũng là cựu TNLT cho biết từ năm 2009 đến nay, anh chưa tìm lại được cảm giác mong chờ mùa Xuân như những ngày còn nhỏ.
“Em  chưa có không khí Tết chị à!”
Nghĩa nhớ lại những ngày Tết giữa bốn bức tường của nhà tù cộng sản
“Bốn bức tường, lạnh lẽo, cô đơn, buồn tủi, nhiều cảm giác khó tả lắm”
Tưởng đâu sau khi kết thúc bản án tù giam, trở về với gia đình, anh sẽ có cảm giác vui mừng mong chờ giây phút đất trời giao hoà. Thế nhưng,
“Chả khác bao nhiêu, chỉ là gần gia đình hơn thôi, chứ trong tâm vẫn vậy khi nghĩ về anh em đang chịu cảnh tù đày, khi xã hội vẫn đầy bất công, và khi chế độ vẫn như xưa.”
Tết không đoàn viên
Cũng trong đêm 27 Tết, Nguyễn Phương, một thanh niên trẻ sống ở Sài Gòn trở về nhà lúc nửa khuya, sau khi tham gia công việc phát quà Tết cho bà con nghèo trong các quận ở thành phố. Anh nói không còn thấy không khí Tết như ngày xưa.
“Em có gặp một cô đẩy xe bán, em có hỏi cô là sao giờ này cô chưa nghỉ Tết. cô trả lời là năm nay làm ăn khó khăn nên ở lại buôn bán kiếm thêm nên cho hai đứa con về, hai vợ chồng ở lại kiếm thêm.
Cái ngày Tết ở Việt Nam là ngày quan trọng, ngày đoàn tụ của mọi thành viên trong gia đình nhưng khi ngày Tết mà mọi người phải ra đường bươn chải như vậy thì rất xót xa.”
Ngày Tết dân tộc được lưu giữ với khái niệm là ngày đoàn tụ, ngày của yêu thương, ngày bước qua 365 trang thời gian mới với đầy tràn hy vọng và vị tha. Thế nhưng, tháng cuối cùng (âm lịch) của năm cũ sắp kết thúc  và nhiều gia đình phải đón Tết trong cảnh thiếu vắng người thân, người thiếu vắng bạn, nhiều đứa trẻ thiếu hơi ấm của Mẹ, những câu chuyện ấy làm cho Phương không thể cảm thấy mùa Xuân đang ở quanh mình.
“Trước khi chị Nga bị bắt thì em cũng có một không khí Tết trong em, nhưng khi chị bị bắt đi thì em nghĩ tới 2 đứa nhỏ và cả 2 đứa con của Mẹ Nấm nữa. Cái tuổi của những đứa trẻ này rất nhỏ, giống như em ngày xưa vậy, em nghĩ cái cảm giác mấy đứa trẻ đón Tết mà không có mẹ bên cạnh. Chính quyền bắt bớ người phụ nữ này đúng vào dịp 24 Tết thì quá nhẫn tâm với hai đứa trẻ.”
image002-400.jpg
Trao chút quà Tết cho người nghèo trên phố. Ảnh do Nguyễn Phương gửi RFA
Đó cũng là vì sao Huy Jos nói rằng anh không tìm thấy không khí Xuân trong những ngày cận Tết, vẫn không có một phấn khởi hay mong muốn tết trong bối cảnh hiện tại.
“Gần đây, các anh chị em bạn bè đã bị nhà cầm quyền bắt giữ và không thể đoàn viên bên gia đình. Đó là điều đáng buồn. Nhưng theo em thấy thì những anh chị em đã bị bắt đi nhưng trái tim vẫn còn ở lại với mọi người.”
Cựu tù nhân lương tâm Phero Nghĩa cũng thể không vui hơn
“Anh chị em bị bắt sát tết em buồn lắm”
Đỗ Cao Cường nhớ về những tiếng pháo nổ của Tết xưa để minh hoạ cho ngày hôm nay.
"Tết xưa pháo nổ trước hè - Tết nay pháo nổ lên xe vô tù"
“Tết nay họ bắt những người phụ nữ không một tấc sắt trong tay, với hình ảnh họ huy động một lực lượng hùng hổ bắt cô Cấn Thị Thêu, Mẹ Nấm, Trần Thị Nga, để lại đứa con 4 tuổi cho người mẹ già trông coi mà thật buồn, hôm nay chị Trần Thị Nga vào tù, bốn đứa con còn nhỏ xíu của chị rồi sẽ nương tựa vào ai? Năm hết, tết đến, mà con người trong cùng một nước lại đối xử với nhau như vậy, đối xử với người phụ nữ chỉ muốn đấu tranh ôn hòa, hợp pháp một cách bất nhân như vậy?”
Cái ngày Tết ở Việt Nam là ngày quan trọng, ngày đoàn tụ của mọi thành viên trong gia đình nhưng khi ngày Tết mà mọi người phải ra đường bươn chải như vậy thì rất xót xa.
- Nguyễn Phương

Từ cảm xúc này, một bài thơ do Cường sáng tác trong khoảng thời gian rất nhanh và được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội.
“Miền Bắc lại sắp vào đông
Hà Nam Phủ Lý trông mong điều gì?
Tết về có bánh chưng xanh
Cò con có mẹ, mái nhà có em
Ru con mẹ cứ ngậm ngùi
Ẵm con xuống phố, mẹ hô “độc tài!
Giấy vệ sinh… trả cho bà.
Nước bà không bán, đến bà bà cho”
Con nhỏ con chả biết gì
Nhưng sao cứ thấy diệu kỳ làm sao
Hôm nay mẹ đã đi đâu?
Để con nóng ruột, hết ra lại vào
Thằng em nó khóc cả chiều
Thằng anh thì khóc từ chiều đến đêm
Tết này ai dám sang chơi
Tết này ai dám mang cơi đựng trầu?
Tết này ai dám xông nhà
Tết này ai dám lì xì cho con?
Mẹ ơi mẹ phải về ngay
Bánh chưng còn đó, rêu phong phủ buồn
Em còn bé lắm mẹ à
Con còn nhỏ dại, mẹ về với con
À ơi… câu hát sớm mai
À ơi… câu hát đắng cay một đời
Mẹ người như cánh bèo trôi
Mẹ con khắc khổ gian nan một đời. (MẸ CON ĐÂU RỒI? - Đỗ Cao Cường – 22/1/2017)
Với tất cả những gì đang diễn ra trong xã hội, các bạn thanh niên ấy đã nhìn không khí Tết với ánh mắt và cảm nhận hoàn toàn khác những ngày còn nhỏ.
“Hồi còn nhỏ mình chỉ trong đến Tết để nhận lì xì hay được gia đình chúc tết, đưa đi chơi. Nhưng khi lớn lên là mình đã có những suy nghĩ về xã hội, những cái bất cập, sai trái trong xã hội này, mình thấy nó quá nhiều, nó làm cho mình suốt ngày chỉ suy nghĩ đến những điều đó, để cho mình làm cái gì đó để thay đổi xã hội này.”
Bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, cây mai vàng, cành đào tươi…vẫn còn đó trong mỗi gia đình Việt Nam vào ngày Tết cổ truyền. Nhưng tận sâu trong suy nghĩ của những thanh niên trẻ kia, họ vẫn mang nặng một nỗi buồn chung cho người dân Việt.
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/YouthForum/vietnamese-lunar-new-year-now-n-then-cl-01252017102309.html

Tuesday, January 24, 2017


TẾT SAI GÒN NGÀY XƯA




Hôm trước có một bạn đề nghị tôi gửi một bài về Tết. Sau khi chọn lọc, tôi tìm được bài dưới đây khá đầy đủ. Từ ngoài phố đến trong nhà. Một số phong tục và hình ảnh thật lạ mà không hẳn ai cũng biết.




Bên cuối bài viết là bản Xuân Tha Hương của Phạm Đình Chương với giọng hát truyền cảm của Sĩ Phú. Một bài hát làm người xa xứ không khỏi nao lòng mỗi độ Xuân về. Nếu Ly Rượu Mừng làm rộn rã lòng người thì Xuân Tha Hương khiến lòng chúng ta chùng xuống. Cả Phạm Đình Chương và Sĩ Phú đều đã ra đi, chỉ còn nhạc và giọng hát ở lại. VCH


Hai khu vực vui nhất là chợ hoa ở đường Nguyễn Huệ và khu vực chợ Bến Thành. Người Sài Gòn hồi đó chỉ chuộng có vài loại hoa có truyền thống lâu đời cho ngày Tết mà thôi. Và các chủng loại cũng đơn giản, vì các loại hoa hợp với khí hậu miền Nam cũng không nhiều lắm. Đứng đầu luôn là mai vàng. Sau đó là các loại cúc như đại đóa, vạn thọ, rồi thược dược các mầu, mào gà, phong lan, địa lan…


Những ngày giáp Tết người ta dựng rạp bao quanh hai mặt phía công Trường Quách Thị Trang và đường Phan Bội Châu của chợ Bến Thành để bán hàng Tết. Đèn đuốc sáng trưng, trai thanh gái lịch dập dìu. Nhiều nhất là bánh, kẹo, rượu; và nhất là mứt các loại và hạt dưa. Hàng Tết ở đây phần nhiều là hàng sản xuất trong nước, thí dụ như khô nai, khô cá thiều Phú Quốc; rượu dâu, rượu Mận Đà Lạt; trái cây Lái Thiêu; bột gạo lức Bích Chi… Mỗi cửa hàng bắc loa với công suất cực mạnh để lấn át hàng xóm.

Ồn ào nhất bao giờ cũng là quầy bán thuốc đánh răng hiệu anh Bẩy Chà Hynos. Những câu rao hàng thường ngộ nghĩnh, như của quầy bán vải: “Trăm ba pô-pơ-lin, trăm sáu pô-pơ-lin, một trăm ba bán sáu chục”. Hay khi hàng đồ chơi ồn ào: “Xanh xanh đỏ đỏ em nhỏ nó chơi, em nhỏ nó mừng”, thì quầy dưa hấu bên cạnh tiếp luôn: “Xanh xanh, đỏ đỏ em nhỏ nó ăn, em nhỏ nó cười đi”.

  Những ngày giáp Tết, khu vực đường Nguyễn Huệ, trước cửa Nhà hát lớn (hồi đó vẫn còn là nhà Quốc hội).

Những ngày giáp Tết, khu vực đường Nguyễn Huệ, trước cửa Nhà hát lớn (hồi đó vẫn còn là nhà Quốc hội).
… và trong nhà


Nhưng cảm giác Tết thật sự bắt đầu khi người ta bắt đầu mua, trữ thực phẩm và vật dụng cho những ngày Tết. Từ khoảng rằm tháng Chạp trở đi mẹ tôi bắt đầu tích trữ các thực phẩm khô như măng lưỡi lợn, bóng cá, gạo nếp nấu bánh chưng, đường làm mứt… Các loại rau, lá xanh như cải bẹ muối dưa, hành củ, hành lá, kiệu… thường được mua ở chợ Cầu Muối. Thịt thà các loại thì phải ra chợ Ông Tạ. Chợ này cũng là nơi cung cấp thịt cầy tơ, cả sống lẫn chín, cho dân nhậu gốc Bắc ở Sài Gòn. Thật thú vị khi được theo mẹ và mấy chị giúp việc đi chợ Cầu Muối ban đêm. Mùi ung ủng của hành, kiệu để muối dưa ở những chợ đầu mối bán rau như thế này và những ánh đèn vàng bóng tròn, khi hồi tưởng lại trở nên rất ấm áp, rất Tết đối với tôi. Hồi đó Sài Gòn hãy còn nhiều xích lô máy. Loại xe này to hơn và chở được nhiều hơn xích lô đạp. Một chuyến xích lô máy lạch bạch có thể chở tất cả rau trái cho một cái Tết của mẹ tôi.
Xích lô máy
Xích lô máy

Bắt đầu từ Tết ông Táo thì mọi chuyện trở nên cấp bách. Đây là ngày mẹ tôi bắt đầu làm các loại mứt. Đối với những người còn sót lại từ nền văn hóa bà Phủ, bác Phán cổ xưa thì các thức ăn, món cỗ ngoài hương vị còn phải tỏa ra được nét tinh tế, thanh tao. Mứt không những ngon, mà còn phải trông đẹp mắt. Mẹ tôi lúc nào cũng trung thành với những loại mứt cổ truyền, mà quay đi quẩn lại cũng chỉ có các loại khoai, sen, gừng, bí, chanh, quất. Không hiểu tại sao mứt cà chua cũng lọt được vào danh sách này.
Vài loại mứt

Vài loại mứt



Loại mứt phổ thông và dân giã nhất thời đó là mứt khoai lang ruột nghệ, thì không hiểu sao nay đã hoàn toàn biến mất ở Việt Nam. Khoai lang thái lát bán nguyệt, ngâm qua với nước vôi trong đã được gạn thật kỹ. Sau đó rửa xả nước vôi, luộc sơ rồi để ráo trước khi xào đường trên lửa nhỏ. Đảo đều tay đến khi khoai khô để đường có thể đóng thành lớp bột trắng, mỏng trên khoai là được. Làm như thế lượng đường ngấm vào khoai bị hạn chế, mứt khoai sẽ khô nhưng mềm và ngọt dịu. Muốn làm mứt khoai ướt, gọi là mứt khoai châu, thì nhỏ một, hai giọt chanh vào đường. Chỉ thế thôi mà khoai sẽ thấm đường nhưng không thể khô được, dù có xào thật lâu. Hiện ở Huế cũng còn có vài nơi bán loại mứt khoai lang gọi là khoai ngào gừng. Nhưng thường vì làm lối hàng chợ nên thô, và đường vón cục rất ngấy. Mứt khoai trắng ở chợ Bến Thành ngày nay không khử vôi nên đường thấm nhiều quá thành ra ngọt chát và không mềm dẻo. Chán nhất là loại khoai phơi khô được gọi là mứt khoai dẻo ngoài thị trường ngày nay.
Mua mứt Tết
Mua mứt Tết



Gần Tết nữa là bắt đầu việc biếu xén. Các hộp mứt, chai rượu đi vòng vo rồi nhiều khi cuối cùng lại quay về chủ ban đầu. Ngoài những món đồ truyền thống, thường tình, nhiều người muốn khoe sang thì ra đường Hàm Nghi, nhưng chắc ăn nhất là vào Chợ Lớn, mua đồ kiểu cách như vịt khô ép mỏng như cái đĩa và lạp xường ngũ vị, bát vị, v.v. Tất cả đều được tẩm rượu mai quế lộ. Các loại rượu quý, rượu vang của Âu, Mỹ hay các loại rượu Trung Hoa cổ (như Trúc Diệp Thanh Tửu, Hoàng Hoa, Ngũ Gia Bì…) đều được coi trọng. Nhưng những người theo lối xưa như bố mẹ tôi lại thích biếu họ hàng, bè bạn các loại sản phẩm do chính tay mình tạo ra. Thông thường nhất là bánh chưng, hơi lạc loài trong rừng bánh tét.


Vì lý do thời tiết, nên phải đợi thật muộn, thường là ngày 28 Âm lịch, mới nấu bánh chưng để bánh còn ăn được trong ngày Tết, vì nếu bỏ tủ lạnh sẽ bị lại gạo. Riêng lá dong gói bánh bán nhiều nhất ở chợ Ông Tạ. Mấy loại giò (chả lụa) cũng hay được nấu ghém vào nồi bánh chưng. Và ngày gói bánh chưng là lúc Tết hơn Tết đối với bọn trẻ chúng tôi.

Nồi Bánh Chưng
Nồi Bánh Chưng


Bắt đầu từ hôm nay mọi việc xem như xả láng. Các trường học, sau các hoạt động tất niên kéo dài cả tuần lễ, đã nghỉ Tết. Quần áo giầy dép mới đã được may, đóng và háo hức đợi được chính thức cắt chỉ. Mấy hôm này chỉ lo lượn chợ hoa, chợ Tết. Bạn bè kéo đến chung vui với nồi bánh chưng. Lúc lửa lò nấu bánh bắt đầu được thổi lên là vài thứ hạt dưa, mứt Tết được đem ra cho chúng tôi, các “thợ” trông nồi bánh thử trước. Rồi trong khi trông nồi bánh, thường là qua đêm, các loại bài bạc được chơi tự do. Tổ tôm, mạt chược dành riêng cho người lớn. Còn các loại bài như bất, đố mười, tam cúc, tôm cua cò cá (bầu cua cá cọp); hay bài Tây “các tê” thì của mọi lứa tuổi, và từ bấy giờ sẽ luôn hiện diện cho đến cái lúc buồn thảm nhất trong năm là tối mồng Ba Tết.

Một số cây bài bất (bên trái)
Một số cây bài bất (bên trái)



Cây bài bất giống y như bài tổ tôm nhưng nhỏ hơn, và mỗi loại chỉ có một quân bài. Ngoài các hàng văn, sách, vạn như tổ tôm, cỗ bài bất còn thêm hàng sừng, tức là sò, với cây bài ông cụ là quân nhất sừng. Khi chơi thì có một nhà cái gọi là trương, hay trang, chọi với từng nhà con, và tất cả các nhà con gọi chung là làng. Cỗ bất được để úp trên một đĩa nhỏ để mọi người rút theo lượt, mỗi lần một lá bài. Tổng số các quân bài rút, được quyết định tùy hỷ, được cộng điểm thành 10 là tốt nhất. Trên 10 thì bị loại, gọi là bị bất. Nếu cùng điểm thì so hơn thua theo hàng: sừng cao nhất, sau đó theo thứ tự là vạn, sách và thấp nhất là văn. Khi tất cả đã rút đủ bài, nhà cái (trương) so sánh hơn thua với từng nhà để thu hay chi tiền.


Đố mười cũng dùng cỗ bài bất. Mỗi người chơi được rút hay chia lần theo vòng 3 cây bài. Tổng số cộng lại nếu trên 10 sẽ trừ đi 10 làm số thành. Điểm 10 là cao nhất. Nếu cùng điểm thì cũng lại so sánh hơn thua theo hàng. Ai cao điểm nhất sẽ thắng số tiền tất cả người chơi chung vào mỗi ván. Đố mười hơi giống bài cào 3 lá đánh bằng bài Tây. Nói chung thì các lối chơi bài ngày xưa hiền, nhẹ nhàng và ít sát phạt hơn so với các dạng bài bạc bây giờ.
.baucucacop
baucua
Bầu Cua Cá Cọp



Đêm Giao thừa


Đêm 30 là lúc Tết nhất của Tết. Càng gần giờ Giao thừa thì mọi người càng trở nên nghiêm túc hơn, “hiền” hơn. Bố mẹ tôi tự nhiên có vẻ nghiêm trang, nhưng nhã nhặn hơn ngày thường. Bàn thờ Giao thừa và bàn thờ gia tiên đã sẵn sàng. Bố tôi vẫn giữ được đôi tranh Thần Đồ, Uất Lũy cũ đem ra treo hai bên cửa ra vào dưới nhà, từ tối 30 Tết mỗi năm. Người Bắc xưa ngày Tết treo cặp tranh Thần Đồ, Uất Lũy hay đôi tranh Tử Vi, Huỳnh Đàn để trấn trước nhà, chứ không treo tranh Trình Giảo Kim, Uất Trì Cung như người Hoa. Cũng có năm bố tôi trổ tài vẽ và giảng giải về ba vuông bẩy tròn và cung tên bằng vôi cho chúng tôi. Vì sân trước nhỏ, nên việc này đành phải thực hiện ở sân sau nhà.

Cặp tranh Tử Vi-Huỳnh Đàn treo trước cửa (tranh Hàng Trống)
Cặp tranh Tử Vi-Huỳnh Đàn treo trước cửa (tranh Hàng Trống)


Rồi Giao thừa đến. Trên radio, và sau này cả trên truyền hình, bài Ly Rượu Mừng vang lên. Hương khói nghi ngút. Mẹ tôi trở nên nghiêm trang, thành kính tối đa trong mỗi cử chỉ. Phấn son, nhưng mẹ vẫn mặc áo dài của năm cũ khi cúng Giao thừa. Những kiêng cữ như tránh quét nhà, to tiếng, nói dối… bắt đầu được tuân thủ. Trang nghiêm là đúng, vì đối với các thế hệ cũ thì cho đến lúc ấy mọi sự tin tưởng và kiêng cữ vẫn còn là hơi thở.



donxuan 
phaogiaothua



Theo phong tục cổ của người mình, thời khắc Giao thừa là giờ phút thiêng liêng nhất của năm. Lúc trừ tịch này trên không trung phải tuyệt đối tĩnh lặng để các thần năm cũ giao tiếp các thần năm mới. Trong khi đó dưới đất phải đốt pháo, đánh trống chiêng, xoong, nồi các thứ thật ồn ào để xua đuổi ma quỷ nhân đêm tối nhất của năm, khi mọi thổ, trạch thần đều vắng mặt, mà xâm nhập làm hại thế gian. Sai nguyên tắc này sẽ không bao giờ đạt được quốc thái dân an trong năm mới.


Lúc mọi nhà cúng Giao thừa và gia tiên xong, ở những năm được đốt pháo, pháo bắt đầu rền. Các bánh pháo Điện Quang, Toàn Hồng nổ giòn vang xa gần. Mỗi đoạn khoảng 20cm pháo con lại chen một cái pháo đại. Văn hóa đốt pháo của giới trẻ hồi đó bây giờ nghĩ lại thấy lành lắm. Nghịch nhất cũng chỉ là úp ống lon sữa bò lên pháo rời nhặt được rồi đốt cho lon bay lên. Dĩ nhiên cũng có những trường hợp rắn mắt hơn, nhưng cố ý làm đau người khác thì rất họa hoằn. Thật ra lũ chó mèo là bọn oán hờn pháo nhất. Các tràng pháo có khi dài từ lầu ba xuống đất, hoặc có khi dài hơn. Mùi khói pháo thật tuyệt vời và rất ‘sạch”.

Lăng Ông - Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt
Lăng Ông – Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt

Lăng Ông
Lăng Ông



Sau đó bố mẹ tôi đi lễ Giao thừa. Hướng xuất hành đã được bố tôi tra xét kỹ từ lịch Tam Tông Miếu. Cũng có năm các cụ đi lễ Lăng Ông, nhưng thường là đền đức Thánh Trần. Sau này tôi mới biết là do hướng xuất hành của tùy năm. Giao thừa và ngày Tết bố mẹ tôi thường không đi lễ chùa, mà để dành đến Rầm tháng Giêng. Người Bắc ở Sài Gòn thủa ấy hay đi chùa Vạn Thọ. Đây là một ngôi chùa nhỏ ấm cúng bên bờ nước, hình như ở Tân Định. Chỉ có một vài năm bọn trẻ chúng tôi theo bố mẹ đi lễ tối 30 Tết, còn thì vừa bị khích động vì pháo, vừa còn say khói pháo nên hay ở nhà đánh bài, ăn mứt, cắn hạt dưa. Ở các đình, đền đầu năm cũng có khi có hát bội, mà hồi còn bé tôi rất sợ. Lại có nhiều người đi rao “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Hành khất thì vô số kể. Khói hương nghi ngút và người đông đến ngộp thở. Tiếng lắc thẻ xin xăm vang khắp nơi. Khách đi lễ ai cũng tỏ ra vui vẻ, hòa nhã. Nhưng các ông bà bán hàng đầu năm như vôi, muối, cành lộc, hoa quả, bánh mứt, giò chả, bánh chưng, bánh tét…, thì đon đả một cách rất Tết.

Lăng Ông 1956
Lăng Ông 1956



Lúc trở về bao giờ bố mẹ tôi cũng có một cành lộc, mà chẳng hiểu tại sao năm nào cũng là một đọt trúc đằng ngà. Vì ỷ là người được mời đi xông đất đầu năm rất nhiều, nên bao giờ bố tôi cũng tự xông đất. Một bánh pháo nhỏ lại được khai hỏa. Sau đó cả nhà quây quần ăn nhẹ một ít bánh mứt và đánh bài. Lúc này bố mẹ tôi mừng tuổi (lì xì) các con. Mỗi đứa được một phong bao, trên đó bố tôi viết sẵn rất đẹp tên từng người, và, bằng cả chữ Việt lẫn chữ Nho, dòng chữ “nhất bản vạn lợi”. Dù lúc đó xã hội hoàn toàn theo nền giáo dục tân học mang nhiều ảnh hưởng phương Tây, nhưng chúng tôi luôn thấy cảm động, và luôn trân trọng những phong tục truyền thống đẹp đẽ này.






Mồng Một Tết


Sáng sớm mồng Một Tết được bắt đầu bằng tràng pháo đón vị khách đầu tiên của năm mới. Quần áo mới được mọi người đem ra diện. Với bọn nhỏ chúng tôi thì câu vui như Tết chỉ cảm thấy được đêm 30 và sáng mồng Một mà thôi, vì những người họ hàng và bạn bè thân thiết nhất của bố mẹ tôi đều đến chúc Tết vào buổi sáng này, và họ là những khách sộp lì xì hậu hĩ nhất. Doanh thu của tất cả thời giờ còn lại của mấy ngày Tết sau đó thường không bằng một phần ba buổi sáng mồng Một. Sau khi tiếp các vị khách này, bố tôi đi chúc Tết họ hàng bè bạn, trong khi mẹ tôi ở nhà tiếp khách. Đến gần trưa bố tôi về, và lúc đó các họ hàng và bè bạn chí thân của gia đình đã có mặt đông đủ để dùng bữa đầu năm với chúng tôi.

13



Có một cái lệ đặc biệt mà những người thuộc giòng dõi khoa bảng cũ miền Bắc ở Sài Gòn vẫn còn giữ cho đến mãi sau này, là khi đã họp mặt đông đủ ngày mồng Một Tết, người ta dở tấm Thăng quan đồ ra để chơi cờ Thăng quan, loại giải trí phổ thông nhất của giới nho sỹ, khoa bảng từ ngàn xưa, để xem vận mệnh công danh trong năm mới. Cụ Ngô Tất Tố có lẽ đã bỏ quên món này trong tác phẩm Lều Chõng.

  1. Một bản cờ thăng quan
Một bản cờ thăng quan



Bản thăng quan đồ này to bằng một mặt bàn nhỏ. Sang thì bằng gỗ sơn son thếp vàng có thể gập đôi lại được. Thường thì in trên vải hay giấy. Trên đó chia thành nhiều ô ghi cấp bậc của hệ thống quan chế triều đình ngày xưa, từ thấp nhất là Hàn lâm Đãi chiếu (tòng cửu phẩm văn giai) cho đến cao nhất là Thái tử Thái bảo (trên nhất phẩm, đầu triều). Mỗi người chơi nhận quân của mình rồi gieo xúc sắc (xí ngầu) mà đi. Chung quanh ô của mỗi cấp bậc đều có các ô mà sa vào đấy sẽ được thăng, hay bị giáng, phạt thế nào. Ai đạt đến Thái tử Thái bảo trước hết cả là thắng. Bản bố tôi giữ được không phải thuộc hệ thống triều Lê, mà từ thời Tự Đức. Cờ Thăng Quan hồi đó đã được dịch ra chữ Quốc ngữ, và trong Sài Gòn hồi ấy có thể mua ở các tiệm tạp hóa của người Bắc ở chợ Ông Tạ. Hình như bàn cờ Thăng Quan bố tôi có hồi ấy chỉ có văn ban chứ không có võ ban. Năm 1992 tôi có mua được một bản Thăng quan đồ in trên giấy từ một cửa hàng tạp hóa ở Cửu Long, Hong Kong. Nhưng bản đó lại theo quan chế Minh triều, Trung Quốc, và cũng chỉ có văn ban.

Phong-tuc-ngay-Tet


Rồi cỗ bàn lúc nào cũng sẵn sàng, một phần nhờ ơn cái tủ lạnh. Ngoài những món truyền thống cố hữu của ngày Tết như bóng, chân giò ninh măng, thang cuốn, giò chả, bánh chưng, hành kiệu, thịt thà…, vì tổ tiên họ Trịnh chúng tôi ngày xưa xuất phát từ Thanh Hóa nên mẹ tôi còn được các cụ truyền cho vài món cỗ Tết đặc biệt của vương thất xứ Thanh xưa, như sơn hào hải vị thang, nộm sứa khô bát vị, v.v. Đây là những món dùng nguyên liệu khô có thể nấu được trong những ngày Tết không có họp chợ. Nguyên liệu nấu những món này như gân nai, hải sâm trắng, giò lụa lợn rừng, sứa khô, vẫn còn mua được ở Sài Gòn thủa ấy. Những món đơn giản hơn là nem ngang, giò lòng.

No comments: