Monday, February 27, 2017

THÀNH PHỐ 18 TẦNG DƯỚI LÒNG ĐẤT


 
 THÀNH PHỐ 18 TẦNG DƯỚI LÒNG ĐẤT
Trong lúc sửa lại tầng hầm nhà mình, người đàn ông gõ búa vào một bức tường và choáng váng khi cả một thành phố hiện ra trước mắt...

Thành phố đủ sức chứa cho 20.000 người ẩn sâu dưới lòng đất đã tồn tại hàng nghìn năm mà không được biết đến.

 Người đàn ông giật mình với cảnh tượng hiện ra trước mắt mình – một thành phố cổ rộng lớn được làm bằng đá sừng sững trước mặt
Năm 1963, một người dân sống tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra một công trình kiến trúc đáng kinh ngạc trong lúc đang sửa nhà. Sau gõ chiếc búa để phá bức tường hầm dưới căn nhà của mình, anh phát hiện một căn phòng bí mật.
Tiếp tục lần theo căn phòng này, anh nhận ra đây là một thành phố cổ đại không khác gì mê cung bị giấu sâu dưới lòng đất. Sau đó nó được đặt tên là Derinkuyu.
Thành phố có 18 tầng, chìm hẳn dưới lòng đất. Bên trong đủ không gian cho 20.000 người sinh sống, bao gồm cả gia súc, việc trồng trọt, chăn nuôi, diễn ra hoàn toàn trong này.

 Thành phố dưới lòng đất, Derinkuyu, được phát hiện năm 1963 tại Thổ Nhĩ Kỳ
Nhiều chuyên gia cho rằng, Derinkuyu có thể đã được xây dựng từ những năm 780 – 1180 trước Công Nguyên. Trong thành phố ngầm Derinkuyu có đủ nhà bếp, chuồng ngựa, nhà thờ, lăng mộ, giếng, phòng sinh hoạt chung, trường học và cả những hầm trú ẩn cực lớn để phòng tránh thiên tai.
Trong thành phố cổ này, các nhà khoa học còn phát hiện những nhà thờ, chữ viết từ thời Hy Lạp. Khoảng 600 cánh cửa được xây dựng để nối liền các khu vực. Mỗi tầng đều có lối tắt riêng để trốn khi gặp nguy hiểm. Ngoài ra, Derinkuyu còn có những chiếc cửa đá rất nặng có bánh xe được đóng từng bên trong để ngăn chặn người lạ xâm nhập.
Hiện nay, người ta mới chỉ khám phá được hết một nửa Derinkuyu, tuy nhiên, nó đã trở thành khu du lịch nổi tiếng ở Cappadocia.

 
 
 Thành phố cổ đã biến Cappadocia thành điểm du lịch nổi tiếng
 Thành phố gồm 18 tầng, chìm sâu dưới lòng đất
 
 Hình ảnh mô phỏng thành phố 18 tầng dưới lòng đất. Thành phố này có đầy đủ hầm thông gió, khu nhà ở, chuồng súc vật, bếp lò, phòng ăn, hầm rượu, kho thóc, trường học, cửa hàng, nhà thờ…
 Sức chứa của thành phố vào khoảng 20.000 người
 Mỗi tầng đều có lối thoát hiểm cùng cửa đá nặng để chống kẻ thù.




ROHAN MEHRA * NHỮNG ĐỘNG VẬT TỰ ĂN THIT MÌNH

Những động vật tự ăn thịt mình

  • 8 tháng 1 2017
Chú gấu đen Á châu này (Ursus thibetanus) có lẽ đã bị mất chân trong một lần sâp bẫyBản quyền hình ảnh Eric Baccega/naturepl.com
Image caption Chú gấu đen Á châu này (Ursus thibetanus) có lẽ đã bị mất chân trong một lần sập bẫy

Thế giới tự nhiên vốn dĩ tàn nhẫn. Không có cách gì tránh được thực tế đó. Một số sinh vật khiến cho các sinh vật khác chịu đủ mọi cực hình khốc hại để có cái ăn và để sinh sản hay thậm chí chỉ là để chơi đùa.
Nhiều loài trong thế giới động vật là những loài ăn thịt đồng loại để sinh tồn hay để giữ vị trí thống trị.
Tuy nhiên còn có một hành vi thậm chí còn cực đoan hơn cả ăn thịt đồng loại. Một số động vật đôi khi còn có thể ăn chính các bộ phận cơ thể chúng. Hành vi kỳ lạ này được gọi là ‘tự ăn thịt mình’.

Để thoát hiểm

Chúng tôi hỏi độc giả rằng họ có từng nghe qua các động vật tự ăn thịt mình hay không. “Tôi không nghĩ rằng loài nào đó có thể cố tình ăn thịt cơ thể mình để duy trì sự sống. Đó là sự thất bại nếu sự sinh tồn lại phụ thuộc vào hành vi tuyệt vọng như vậy,” Selina Tick Konkin nói. “Tuy nhiên rất nhiều loài có thể gặm chân hoặc đuôi của mình để thoát khỏi cái bẫy.”
Điều này là có thật và được ghi chép lại rất rõ ràng. Chó, gấu và khỉ thường xuyên được thấy đã gặm phần da, cơ, gân và xương của phần chân bị dính bẫy để thoát khỏi bẫy.
Một con hổ không may ở Công viên Quốc gia Tesso Nilo ở miền trung đảo Sumatra được ghi lại hình ảnh bị mất một móng chân trước vào năm 2007. Rõ ràng nó đã nhai đi phần móng đó để thoát bẫy.
Tuy nhiên, những trường hợp này không thuộc về “tự ăn thịt mình”. Những con vật kể trên không ăn bộ phận cơ thể mình mà chúng chỉ loại bỏ những bộ phận đó đi.
Mặc dù hành động tự ăn thịt cực đoan như vậy nhưng nó có lý do rõ ràng. Suy cho cùng, mất đi một phần chi vẫn tốt hơn là mất cả mạng sống.
Tuy nhiên, những loài khác ăn các bộ phận cơ thể mình với những lý do dường như là hoàn toàn không thể hiểu được.

Một phần của vòng đời

Ấu trùng hải tiêu (Salpa maxima) có 'xương sống' nhìn được rõ rệtBản quyền hình ảnh Sinclair Stammers/naturepl.com
Image caption Ấu trùng hải tiêu (Salpa maxima) có 'xương sống' nhìn được rõ rệt
William T. Terrell qua Facebook đã kể cho chúng tôi nghe về một trường hợp như vậy: “Loài hải tiêu (sea squirt) tự ăn não mình và hành vi này nằm trong vòng đời của chúng.”
Hải tiêu lúc đầu đời là những ấu trùng bơi lội dưới biển. Chúng trông giống những con nòng nọc tí hon. Mỗi ấu trùng bám vào một phiến đá hoặc một bề mặt nào khác và sau đó chúng không bao giờ di chuyển nữa.
Cũng giống như loài sâu bướm sống trên cạn, hải tiêu cũng trải qua quá trình biến hình và trở nên khác biệt đến mức khó có thể nhận ra. Con trưởng thành trông giống như những chiếc túi nhỏ phồng lên và chúng sinh tồn bằng cách lọc tìm thức ăn từ môi trường nước xung quanh.
Cách duy trì sự sống khác nhau có nghĩa là giai đoạn ấu trùng và giai đoạn trưởng thành của hải tiêu có khác biệt rất lớn bên trong cơ thể.
“Cơ thể ấu trùng có cấu trúc đơn giản với một dây thần kinh chạy dọc sống lưng gần giống như xương sống ở những động vật phức tạp hơn,” ông John Bishop thuộc Hiệp hội Sinh học Biển, cho biết. “Ở mặt trước của dây thần kinh này là một hạch các ‘bọng túi não’ và các cơ quan cảm ứng ánh sáng và trọng lực giúp chúng tìm được nơi để chúng làm nhà.”
Hầu hết những đặc điểm cơ thể này sẽ mất đi khi chúng trưởng thành.
Hải tiêu khi trưởng thành (Polycarpa aurata) sẽ tự mất đi 'xương sống' của chúngBản quyền hình ảnh Jurgen Freund/naturepl.com
Image caption Hải tiêu khi trưởng thành (Polycarpa aurata) sẽ tự mất đi 'xương sống' của chúng
“Một khi đã bám được vào bề mặt nào đó, con trưởng thành sẽ không cần đến các cơ quan cảm ứng, dây thần kinh và ngay cả đuôi nữa, do đó chúng sẽ ăn những bộ phận này,” Bishop nói. “Các bọng não được biến thành hạch thần kinh với chức năng nhằm giúp con trưởng thành giờ đã bất động một chỗ tìm thức ăn.”
Như vậy, việc hải tiêu ăn các bộ phận cơ thể thật ra cũng không phải là ghê gớm gì cho lắm như khi thoáng nghe. Chúng không hẳn là "ăn" hay "tiêu hoá" phần não đơn giản của mình, mà là "tái sử dụng" phần này để tạo ra những bộ phận cơ thể khác có ích hơn.

Rắn ăn đuôi

Tuy nhiên có những loài khét tiếng với hành vi ăn chính chiếc đuôi của mình.
“Các loài rắn ăn thịt loài rắn khác sẽ lầm tưởng chiếc đuôi của mình là con rắn khác và chúng sẽ tự ăn chiếc đuôi đó,” John Allen Gordon-Levitt Gerlach, viết. “Có một từ Hy Lạp để gọi hành vi này: ‘ouroboros’ và nó tượng trưng cho chu kỳ sinh tử.”
Chú rắn hổ mang chúa này (Ophiophagus hannah) đang ăn thịt một con rắn cái, nhưng liệu một con rắn có tự ăn đuôi của mình không?Bản quyền hình ảnh Sandesh Kadur/naturepl.com
Image caption Chú rắn hổ mang chúa này (Ophiophagus hannah) đang ăn thịt một con rắn cái, nhưng liệu một con rắn có tự ăn đuôi của mình không?
Một người khác bình luận trên Facebook rằng con rắn của ông đã ăn hơn phân nửa cơ thể của nó và do đó nó đã bị chết ngạt.
Liệu một số loài rắn có ngốc đến nỗi chúng tưởng lầm bản thân là thức ăn?
“Đa số các loài rắn sử dụng chức năng cảm ứng nhiệt để phát hiện con mồi. Do đó đuôi của chúng không thể khiến chúng chú ý được,” Sally South thuộc Bảo tàng Nam Úc ở Adelaide, nói.
"Tuy nhiên một số ít loài rắn lại dùng đuôi để thu hút con mồi bằng cách vẫy đuôi nhanh. Một số loài thậm chí vẫy đuôi khi chúng chỉ cảm thấy kích động. Rắn có bộ não nhỏ và chúng thiên về phản xạ hơn là tự chủ trong hành động. Do đó hành động vẫy đuôi này có thể khiến chúng chú ý và nghĩ rằng đó là ‘con mồi’."
Tương tự, James B. Murphy thuộc Bảo tàng Smithsonia về Lịch sử Tự nhiên ở Adelaide ở Washington DC từng có một con rắn đang lột da và bắt đầu ăn phần da lột khi nó vẫn còn nằm trên thân gần đoạn đuôi. “Nó tiếp tục nuốt cơ thể mình từ phần đuôi cho đến khi tôi can thiệp.”

Ăn nhau thai

Murphy có một kiến giải tại sao loài rắn lại làm như vậy. “Mùi của con mồi trên cơ thể chúng, nhất là những con rắn thường xiết con mồi, có thể khiến rắn lầm tưởng là chúng đang nuốt mồi,” ông giải thích.
Nói cách khác, mặc dù loài rắn có thể tìm cách tự ăn mình từ lần này đến lần khác nhưng hành động này không hề chủ ý.
Vậy còn những loài gần hơn với con người thì sao? Các loài động vật hữu nhũ có bao giờ tự ăn thịt bản thân không?
“Các động vật tiêu hóa các bộ phận cơ thể chúng rất thường xuyên do nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như thú mẹ (ví dụ như mèo) ăn nhau thai sau khi sinh con,” Charity Young viết trên Facebook.
Một con mèo nhà đang ăn nhau thai sau khi sinh conBản quyền hình ảnh Jane Burton/naturepl.com
Image caption Một con mèo nhà đang ăn nhau thai sau khi sinh con
Hành vi này là khá phổ biến. “Đa số các loài động vật hữu nhũ có nhau thai thường ăn nhau thai và nước ối của chúng trong khi sinh nở,” Cynthia W. Coyle ở Trường Y Feinberg thuộc Đại học Tây Bắc ở thành phố Chicago, bang Illinois, Hoa Kỳ, cho biết. “Có nhiều giả thiết giải thích tại sao điều này lại có ích cho chúng nhưng các giả thiết này không đúng với tất cả các loài.”
Mark Kristal thuộc Đại học Buffalo ở New York cho rằng hành động ăn nhau thai là để giúp giảm đau khi sinh nở.
Nghiên cứu của Kristal tập trung chủ yếu vào các loài gặm nhấm nhưng cũng tìm hiểu những loài có vú phức tạp hơn vốn đôi khi cũng ăn nhau thai.

Con người thì sao?

Trong một nghiên cứu hồi năm 2015, Coyle và đồng sự của bà đã tìm hiểu hành vi ăn nhau thai ở người và nhận thấy rằng đó là việc hiếm khi xảy ra. Đó cũng là một hiện tượng tương đối mới mặc dù một số bác sỹ và chuyên gia y tế khuyến khích hành động này như một điều tự nhiên và truyền thống.
“Chúng tôi không tìm thấy bất cứ tư liệu lịch sử nào được ghi chép lại trong các nền văn hóa khác nhau cho thấy người mẹ có hành động này,” Coyle cho biết. “Hành vi này dường như chỉ mới xuất hiện tương đối gần đây, chủ yếu trong nền văn hóa phương Tây.”
Bà cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy ăn nhau thai có ích về mặt sức khỏe cho con người.
“Những người cổ súy việc ăn nhau thai thường lấy dẫn chứng từ những nghiên cứu ở động vật để chứng minh cho lợi ích tương tự ở con người,” Coyle nói. “Tuy nhiên những lợi ích này, trong đó có việc ngăn ngừa trầm cảm và làm tăng sự chảy sữa và tăng cường năng lượng, chưa hề được nghiên cứu hay chứng minh ở động vật.”
Nếu Coyle đúng thì có nghĩa là hành vi ăn nhau thai ở người là những ví dụ hiếm hoi về việc động vật cố tình ăn một phần cơ thể mình. Tuy nhiên, khác với con báo bị mắc bẫy, có lẽ con người không có lý do cực kỳ hợp lý cho hành động này.
Bản tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC Earth.
 http://www.bbc.com/vietnamese/vert-earth-38431152


TRI ÂN THƯƠNG PHẾ BINH CỘNG HÒA

Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa




Tri ân Thương phế binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn hôm 28/04/2014.
Tri ân Thương phế binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn hôm 28/04/2014.
Giáng sinh năm nay, nhóm thiện nguyện thuộc Phòng Công lý - Hòa bình Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn do linh mục Lê Ngọc Thanh làm điều phối sẽ tổ chức một chương trình tặng quà để tri ân các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại nhiều tỉnh thành phía Nam, gồm có thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, và Tây Ninh.
Đây là một hoạt động do một số linh mục Dòng Chúa Cứu Thế thực hiện cùng với nhiều thiện nguyện viên và ân nhân xa gần.
Linh mục Lê Ngọc Thanh nói với VOA Việt ngữ rằng có khoảng 2.600 thương phế binh Việt Nam Cộng Hoà sẽ được mời tham gia đợt tri ân lần này tại Dòng Chúa Cứu thế Sài gòn. Riêng đợt tri ân từ 27/12 đến 30/12 sẽ có 1.300 thương phế binh được tặng quà.
Linh mục Lê Thanh nói mục tiêu của hoạt động này không nhằm mục đích cứu trợ, bởi vì những gì được chia sẻ cho thương phế binh quá ít ỏi, chỉ trên dưới 1 triệu đồng/ năm.
Mục đích của chương trình này, theo linh mục Thanh, là nhằm “nâng đỡ tinh thần cho các thương phế binh sau gần 42 năm bị bỏ quên.” Linh mục Lê Ngọc Thanh nói họ gần như không được hưởng bất cứ chính sách nào sau chiến tranh Việt Nam:
“Mục tiêu chính yếu của chúng tôi là muốn trả lại danh dự cho các anh em Việt Nam Cộng Hòa. Họ sống suốt 42 năm dưới chế độ nước cộng hòa XHCN Việt Nam, bị miệt thị là ngụy quân ngụy quyền, kẻ nối giáo cho giặt. Họ bị gạt ra bên lề. Việc họ đi lính là trách nhiệm công dân của họ. Họ đã chu toàn trách nhiệm công dân một cách anh dũng thì tạo sao mình lại vinh danh một hệ thống chính trị nào đó để miệt thị, để loại trừ. Chúng tôi muốn chủ động trao lại cho anh cái danh hiệu đó. Và qua việc đó cũng muốn nhắc cho thấy rằng đây là một việc cần phải làm.”
Linh mục Thanh cho biết là về phản ứng của chính quyền địa phương, lúc đầu cũng có một số quan ngại về hoạt động của nhóm, nhưng nay họ đã có thái độ ‘thoáng’ hơn. Linh mục Thanh nói:
“Tất cả anh em đi dự nếu họ biết địa chỉ cư ngụ thì họ gây khó khăn. Họ chặn xe không cho đi. Năm ngoái chỉ còn 1-2 trường hợp thôi. Nhưng tôi nghĩ rằng trong năm nay sẽ không có an hem nào bị chặn. Ít nhất nhà cầm quyền thấy rõ rằng việc làm này là cần thiết. Còn đối với các tình nguyện viên trẻ, đa phần là ở trong nước, cho thấy hoạt động này gây được ý thức cộng đồng của những người trẻ tri ân những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho đất nước, cho tổ quốc, và họ thấy rằng họ cảm thấy hãnh diện vì được phục vụ.”
Linh mục Thanh nói rằng về phần các thương phế binh họ cảm thấy được tôn trọng, chứ không phải nhận sự bố thí, bị ruồng rẫy hay lên án.
Được biết tới tháng 1-2017, nhóm của Linh mục Thanh sẽ tổ chức đợt tri ân cho 300 thương phế binh ở khu vực miền Trung gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng.
Tuy không phải là một tổ chức từ thiện, nhưng trong năm 2016, Chương trình tri ân thương phế binh Cộng hòa đã đều đặn cung cấp các dịch vụ thường xuyên cho các thương phế binh. Linh mục Thanh giải thích:
“Chúng tôi đã mua bảo hiểm y tế cho 947 ông, đã tổ chức tầm soát sức khỏe cho 1.644 ông, cấp 101 xe lăn, và119 xe lắc, cùng với 239 cặp nạng, 215 gậy, 228 chân giả, 1071 cặp mắt kính, 515 máy đo huyết áp, hỗ trợ viện phí cho 210 người, phúng điếu tại 72 đám tang, sửa 29 căn nhà, và xây mới 19 căn nhà.”
Theo linh mục Lê Ngọc Thanh chương trình Tri Ân Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa lần đầu tiên thực hiện vào năm 2012, xuất phát từ hoạt động hỗ trợ cho cho thương phế binh do chùa Liên Trì thực hiện, hỗ trợ cho khoảng 100 thương phế binh. Do bị công an Việt Nam ngăn chặn không cho các thương phế binh đến chùa nhận gạo, một số người tuy đến được nhưng đã bị tịch thu gạo. Lúc đó Hòa thượng Thích Không Tánh của chùa Liên trì đã đề nghị Dòng Chúa Cứu thế thực hiện tiếp chương trình này. Sau đó con số tăng dần theo các năm: năm 2013 có 250 người, năm 2014 có 500 người, năm 2015 có 1.300 người và năm nay 2016 có 5.000 người.
Cũng theo linh mục Lê Ngọc Thanh, Chương trình Tri Ân Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa không phải là một hoạt động cứu trợ xã hội hay từ thiện, hoạt động này không trực thuộc các hội đoàn, tổ chức chính thức nào của chính phủ hay phi chính phủ (NGO), và cũng không thuộc một tổ chức chính trị nào.


THIỆN Ý * GIÁNG SINH TẠI HOA KỲ

Giáng sinh với người Việt tại Hoa Kỳ




Mùa Giáng sinh chính là thời gian mà mọi người đều có những sinh hoạt cần thiết chuẩn bị cho ngày vui chung này. (Ảnh minh họa)
Mùa Giáng sinh chính là thời gian mà mọi người đều có những sinh hoạt cần thiết chuẩn bị cho ngày vui chung này. (Ảnh minh họa)
Thấm thoát mà đã 41 năm xa quê hương kể từ sau biến cố 30/4/1975, người Việt khắp nơi ở hải ngoại nói chung, tại Hoa Kỳ nói riêng, không phân biệt tôn giáo, đang chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh với các sinh hoạt, ý nghĩa và tâm tình khác nhau. Bởi vì, Giáng sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, đi vào truyền thống sinh hoạt văn hoá nhân loại, để trở thành dịp vui chung của mọi người trên Trái đất.
Thông thường hàng năm, vào tuần lễ thứ tư và cũng là tuần lễ cuối cùng của mùa Giáng sinh, các nhà thờ Công giáo Việt Nam tại thành phố Houston và các vùng phụ cận, thuộc giáo phận Galveston Houston, đều thiết kế những cây thông và hang đá trang hoàng đèn sao lấp lánh, vốn là những biểu tượng không thể thiếu trong mùa Giáng sinh. Đặc biệt tại thành phố Houston, bang Texas từ nhiều năm qua, năm này cũng thế, Cộng đồng Công giáo Việt Nam đã long trọng tổ chức đại Lễ Giáng sinh, tập trung hàng chục ngàn giáo dân tại George Brown Convention Center ở Downtown Houston. Đại Lễ Giáng sinh thường diễn ra từ 4 giờ chiều ngày 24 tháng 12 do Đức Tổng Giám mục Giáo phận Galveston Houston chủ tế, cùng với các linh mục Việt - Mỹ trong giáo phận; với nhiều ca đoàn của các giáo xứ Việt Nam trong giáo phận trình diễn hợp xướng thánh ca để mừng Chúa ra đời. Sau đó là các nghi lễ đón mừng Giáng sinh được cử hành riêng tại mỗi giáo xứ. Đồng thời, các nhà thờ thuộc giáo hội Chính thống, Tin lành thuộc nhiều giáo phái khác nhau cũng cử hành các nghi thức riêng để đón mừng Giáng sinh.
Mặt khác, đối với mọi người không cùng tôn giáo, thuộc nhiều sắc dân khác nhau, không riêng gì người Việt Nam sống tại Hoa Kỳ, hàng năm sau Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) vào cuối tháng 11, người ta bắt đầu chuẩn bị đón mừng lễ Giáng sinh. Bầu không khí Giáng sinh bắt đầu lan toả khắp nơi, từ các công, tư sở đến các cửa hàng ở các trung tâm thương mại, các siêu thị, bắt đầu trang hoàng những hình ảnh, màu sắc biểu tượng Giáng sinh, như cây thông giăng mắc đèn mầu, hỏa châu lấp lánh, Ông già Noel bằng hình ảnh hay hình nộm hoặc người thật hoá trang sống động, với nhạc Giáng sinh réo rắt khắp nơi nơi.
Trong khi đó, các tư gia của người Việt tha hương, cũng trang trí cây thông Giáng sinh trong nhà và treo đèn kết hoa ra tận cửa, trước sân, trên mái nhà, với ánh đèn chớp sáng đủ màu. Một số gia đình, nhất là các tín đồ Kitô Giáo theo truyền thống Đông Phương như Việt Nam ta, thì vẫn giữ lại phần nào lối trang trí Giáng sinh truyền thống như những Giáng sinh năm nào ở quê nhà, với hang đá Bethlhem có máng cỏ bò lừa và hình tượng Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ.
Đồng thời từ mấy tuần trước lễ Giáng sinh, người ta lo gửi thiệp chúc mừng đến thân nhân, bạn bè ở xa và mua quà tặng cho nhau. Vì vậy, đối với các nhà kinh doanh, đây là một trong những mùa gặt hái lợi nhuận lớn nhất trong năm. Tất nhiên, trái ngược lại, đối với giới tiêu thụ, thì đây lại là dịp phải tiêu tốn tiền bạc khá nhiều, theo tập quán và hấp lực của mùa “Big sale’’, để làm công việc mua sắm quà cáp.
Tựu chung, Giáng sinh đã trở thành ngày Lễ hội vui chung cho toàn thể nhân loại trên Trái đất. Bởi vì Giáng sinh đã vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, để trở thành một truyền thống sinh hoạt văn hoá tốt đẹp của nhân loại. Và vì vậy, mùa Giáng sinh, chính là thời gian mà mọi người đều có những sinh hoạt cần thiết chuẩn bị cho ngày vui chung này.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


LÊ VIỆT HÀ * TÀI CHÁNH & GIÁO DỤC VIỆT NAM

Thiếu sót tai hại của ngành tài chính lẫn giáo dục Việt Nam




Thiếu sót khái niệm!
Ở bậc phổ thông, mọi người chúng ta đều đã học bài toán tính tỷ lệ phần trăm tăng (giảm), chẳng hạn một chủ tiệm phở nói:
Hôm qua tôi bán được 50 tô phở
Hôm nay tôi bán được 70 tô phở
Như vậy hôm nay số tô phở được bán đã tăng so với hôm qua 70 tô - 50 tô = 20 tô. Tỷ lệ số tô phở bán được tăng: 100% x (70 - 50)/50 = 40% (lấy số mới trừ số cũ chia cho số cũ, rồi tất cả nhân 100%). Ở đây các con số được khảo sát là 70, 50 và có đơn vị cụ thể là “tô”.
Một vấn đề nảy sinh là nếu các con số biến thiên vừa nêu không phải là các con số có đơn vị cụ thể, mà là các con số tỷ lệ phần trăm biến thiên thì chúng ta sẽ thể hiện chúng như thế nào?
Lấy thí dụ công ty nọ có 20% nhân viên là kỹ sư, sau 3 năm hoạt động công ty có 28% nhân viên là kỹ sư, vậy số kỹ sư tăng 28% - 20% = 8% ?
Nếu diễn tả con số 8% như vậy thì sẽ làm lộn xộn và dễ nhầm lẫn với phép toán 100%(28 - 20)/20 = 40%, phép toán này mới luôn luôn đích thị là phép toán tính tỷ lệ phần trăm biến thiên. Còn con số 8% vừa kể là con số viết sai và gây hiểu lầm khôn lường trong kinh tế. Đây là hậu quả của việc các giáo sư biên soạn sách giáo khoa về toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo VN trong suốt hơn một thế kỷ cho đến nay vẫn không hề nhận ra môn Toán thiếu sót một khái niệm đơn giản nhưng quan trọng, đó là khái niệm “điểm phần trăm”.
Ý nghĩa
Đã dùng ký hiệu phần trăm (%) là liên quan đến bài toán chia, bài toán tỷ lệ. Còn “điểm phần trăm” là nêu lên sự chênh lệch tuyệt đối giữa hai số phần trăm, nó chỉ có ở bài toán trừ. Hai khái niệm này cần phân biệt thật rõ ràng. Do đó trường hợp vừa nêu nếu chỉ mô tả biến thiên tuyệt đối (bài toán trừ) thì số kỹ sư tăng là 28 - 20 = 8 điểm phần trăm (chứ không phải 8%).
Tóm lại: Học sinh VN mới chỉ biết khái niệm % (percent) t= [(x2 - x1)/x1].100%], nhưng chưa biết khái niệm x2 - x1 gọi là điểm phần trăm (percentage point).
Ngày 14/12/2016 Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (the Federal Reserve System) tăng lãi suất từ 0,5% lên 0,75%, tức tăng 0,25 điểm phần trăm (CNN viết rõ : Fed officials raised its target for short-term interest rates by 0.25 percentage points to a range of 0.50% and 0.75%.), thì sáng hôm sau 15/12/2016 bản tin kinh tế trên tờ Tuổi Trẻ viết sai như sau: “Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lên mức 0,75% vào rạng sáng ngày hôm nay” (đúng ra phải viết 0,25 điểm phần trăm) - xem hình dưới.
Từ "point de pourcentage" (trong tiếng Pháp) cũng như từ "percentage point" (trong tiếng Anh) là hai từ khá thông dụng trong tính toán đời thường, mậu dịch, tài chính, thống kê… (có thể tham khảo thêm cuốn Oxford Dictionary of Weights, Measures, and Units, trang 216, của tác giả Donald Fenna, hoặc cuốn Oxford Study Mathematics Dictionary, trang 16). Nhưng sự hội nhập quá chậm chạp của Việt Nam với thế giới khiến chúng hoàn toàn bị bỏ rơi, chẳng được cuốn từ điển Việt Nam nào chú ý đến. Sự thiếu sót đó khiến ngay cả ngân hàng trung ương ở VN như Vietcombank đến các ngân hàng thương mại như ACB, OCB… vẫn thường viết sai!
Tỷ lệ phần trăm percent với điểm phần trăm percentage point (viết rời) rõ ràng khác nhau. Tỷ lệ phần trăm (percent) là một phân số mà mẫu số luôn luôn là con số 100, do đó nó luôn có ký hiệu % sau đuôi, trong khi đó điểm phần trăm (percentage point) lại là một con số thông thường (tử số), người ta thêm chữ “điểm” sau đuôi của nó để nhấn mạnh sự biến thiên tuyệt đối (absolute change) hai số tỷ lệ phần trăm, quan trọng nhất là để phân biệt với tỷ lệ phần trăm tăng / giảm (rate of increase / rate of decrease) trong các phép tính thống kê.
Vì sao cần đến điểm phần trăm?
Có những thứ ở ngoài xã hội, con số tỷ lệ phần trăm mô tả mặc dù chính xác nhưng không phản ảnh được bức tranh thật, đôi khi tạo ngộ nhận rất buồn cười! Trong những trường hợp đó, điểm phần trăm sẽ cho cái nhìn đúng thực tế.​
Ví dụ 1:
Năm trước có 1 người thất nghiệp trong 1000 người (0,1%), năm nay có 2 người thất nghiệp trong 1000 người (0,2%), rõ ràng con số năm nay dù tăng cũng không đến nỗi gây bất an vì nhỏ. Nhưng bạn hãy hình dung một nhà chính trị đảng phái khác đang vận động kiếm phiếu trong năm nay tranh thủ tuyên bố “tấn công” với màu sắc mỵ dân: Thật là đáng buồn cho đảng cầm quyền khi họ đã “sản xuất thêm” cho xã hội ta một lượng người thất nghiệp mới, tỷ lệ tăng là 100%!
Rõ ràng về mặt tính toán toán học họ không hề sai [(2-1):1] x100% = 100%, nhưng về mặt logic thực tế là tạo ngộ nhận cho độc giả nếu không nhìn rõ nguồn cơn!
Ví dụ 2:
Giả sử năm ngoái trong 2000 ca phẫu thuật tim trẻ em có 1 trẻ tử vong (0,05%), năm nay số trẻ tử vong là 2 trong 2000 ca (0,1%). Rõ ràng tỷ lệ thất bại này không cao so với năm ngoái và có thể chấp nhận được, nhưng một cậu nhà báo vào nghe ngóng và giật tít: SỐ CA TRẺ TỬ VONG TRONG PHẪU THUẬT NĂM NAY TĂNG 100%! (cũng từ bài toán [( 2-1):1]x100% = 100%)
Rất nhiều nhà báo VN (kể cả báo chí Anh/Mỹ) hoặc do chưa hiểu hoặc do ...“cong ngòi”, hay các nhà chính trị trên thế giới ngày nay vẫn tiếp cận và đưa thông tin theo cách này, đặc biệt các đối thủ chính trị xã hội thích dùng thủ thuật chạy tít kiểu đó vì không ưa nhau (!).
Mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng và thực tế hơn nếu họ dùng biến thiên tuyệt đối:
Số người thất nghiệp trong năm nay tăng 0,2 - 0,1 = 0,1 điểm phần trăm;
Số trẻ tử vong do phẫu thuật thất bại tăng 0,1 - 0,05 = 0,05 điểm phần trăm.
Tuy tăng, nhưng chọn con số mô tả thích hợp sẽ không làm ai hoảng hồn.
Kết luận
Với các ý nghĩa sau khi lĩnh hội, chúng ta có thể thấy rằng để dùng đúng các khái niệm, không thể chỉ một người mà đòi hỏi rất nhiều người Việt Nam cùng hợp sức.
Một cái sai đơn giản và một cái đúng cũng đơn giản nhưng sửa sai thì lại rất không đơn giản vì nó đã thấm thành thói quen, nhưng nếu muốn hội nhập với nền kinh tế thế giới thì bắt buộc phải nhanh chóng sửa sai để tránh bị tụt hậu và lãnh những hậu quả không mong muốn khác (các vụ kiện có thể đáng tiếc hơn vụ Letard với Liên đoàn bóng đá VN hay vụ luật sư Maurizio Liberati với VN Airlines chẳng hạn).
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.


TIN VIỆT NAM

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius không phải từ chức




Đại sứ Ted Osius trong buổi thảo luận tại Đại học Berkeley ngày 1/10/2016 (ảnh Bùi Văn Phú)
Đại sứ Ted Osius trong buổi thảo luận tại Đại học Berkeley ngày 1/10/2016 (ảnh Bùi Văn Phú)

Tòa Bạch Ốc ra chỉ thị rằng tất cả các đại sứ Mỹ được chỉ định phải từ chức trước ngày Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức 20/1. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius không phải từ chức vì ông là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp.
Báo Tuổi trẻ trích lời Đại sứ Osius rằng ông vẫn tiếp tục làm đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cho đến hết nhiệm kỳ. Trên trang Facebook của mình, Đại sứ Osius sau đó có xác nhận thông tin ông không phải từ chức.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết hôm thứ Sáu rằng việc đại sứ từ chức" là một thông lệ phổ biến.” Ông Kirby khẳng định rằng các đại sứ là nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không phải từ chức, và số đại sứ là nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp chiếm khoảng 70% số đại sứ của Mỹ ở nước ngoài .
Tổng thống Barack Obama tiến cử ông Osius làm đại sứ tại Việt Nam vào tháng 5, 2014 và ông được Thượng viện Hoa Kỳ chuẩn thuận vào tháng 11, 2014. Nhiệm kỳ của ông tại Việt Nam dài 3 năm. Ông Osius đã phục vụ ở Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Philippines và Việt Nam hơn hai thập kỷ trong ngành ngoại giao.
Ông Ronald Neumann, chủ tịch của Viện Ngoại giao Hoa Kỳ nói với VOA rằng: "Các đại sứ bổ nhiệm chính trị phải từ chức vì họ là những đại diện của chính quyền sắp mãn nhiệm" của Tổng thống Barack Obama.
Báo New York Times dẫn nguồn tin từ một số nhà ngoại giao cho biết vào tuần trước bộ phận chuyển tiếp chính quyền của ông Donald Trump đã gửi một công điện qua Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu các đại sứ bổ nhiệm chính trị phải từ chức. Công điện cũng khẳng định quyết định của ông Trump là “không chấp nhận ngoại lệ”. Theo đó, nhiều đại sứ phải nộp đơn từ chức trước ngày 20/1.
Một nguồn tin cho VOA biết đại sứ Ted Osius dự kiến sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Phát biểu trước báo giới sau khi ông Donal Trump thắng cử, đại sứ Osius nói rằng ông không thể dự đoán chính xác chính sách của Mỹ dưới thời tổng thống mới sẽ như thế nào, nhưng ông khẳng định tương lai của Hoa Kỳ sẽ gắn chặt với châu Á.
 http://www.voatiengviet.com/a/dai-su-my-tai-vietnam-ted-osius-khong-phai-tu-chuc/3668944.html

Quốc hội và Chính phủ sẽ dần tách khỏi cái bóng của đảng?




Từ trái sang: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội XII, ngày 28/1/2016.
Từ trái sang: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Đại hội XII, ngày 28/1/2016.
Phải đến một năm sau Đại hội XII của đảng cầm quyền, những nhân vật mà trước đó đã nằm trong “phương án nhân sự của Tổng Bí thư trình ra Ban Chấp hành Trung ương” mới có vài dấu hiệu thoát ly dần khỏi quỹ đạo “cầm tay chỉ việc” của đảng. Trong số những nhân vật này có bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Xuân Phúc.
Vũ Huy Hoàng có hy vọng thoát ‘cửa tử’?
Biểu hiện rõ nhất cho đến nay đã xuất hiện vào những ngày cuối năm. Tại phiên họp thứ 5 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 19/12/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết có 3 nội dung bị rút khỏi chương trình nghị sự, trong đó một nội dung được dư luận chú ý là dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu. Bà Kim Ngân cho rằng “đây là nội dung quan trọng cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo nên Chính phủ chưa kịp chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 này như dự kiến”.
Vũ Huy Hoàng - cựu bộ trưởng ngành công thương bị dư luận xem là tội đồ về đủ thứ chuyện bê bối liên quan đến nhập khẩu phi mã từ Trung cộng, để các nhóm đầu cơ xăng dầu và điện lực tự tung tự tác trong quá nhiều năm, để các đập thủy điện xả lũ giết chết dân, các công trình đầu tư ngàn tỷ và đắp chiếu - trớ trêu thay, lại đang manh nha có cơ hội thoát án tù.
Quốc hội phê phán thế đã đủ đau chưa!” – phát biểu có vẻ hả hê của Tổng Bí thư Trọng trong một cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội ngay sau kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016 lại đang có nguy cơ bị thu hồi. Thậm chí khi nêu vấn đề rút dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, bà Kim Ngân còn chẳng nêu ra một thắc mắc hay đưa ra một phê phán nào trước sự chậm trễ và thái độ không “nhiệt tình cách mạng” của phía Chính phủ.
Trước kỳ họp Quốc hội cuối năm 2016, đã diễn ra một Hội nghị Trung ương rất quan trọng đối với Tổng Bí thư Trọng về “chống tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong đó nhấn mạnh vụ Trịnh Xuân Thanh đào tẩu và ám chỉ Vũ Huy đưa Hoàng phải “chết thế”. Sau hội nghị này, cái tên Vũ Huy Hoàng được nhiều tờ báo nhà nước nhắc đi nhắc lại như một lối tuyên truyền đã được đảng quán triệt. Vào thời gian đó, số phận của Vũ Huy Hoàng rất mong manh. Thậm chí có tờ báo còn lấy ý kiến cho rằng “cứ có sai phạm là đi bệnh viện”, ám chỉ ông Hoàng đi chữa bệnh dài ngày và như một cách đòi hỏi ngành công an phải khẩn trương “ra tay”.
Tuy vậy, tình hình gần đây lại có vẻ “đảo chiều”. Sau vụ bỏ trốn mới nhất ra nước ngoài của nhân vật Lê Chung Dũng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), bầu không khí “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng dường như “xẹp” hẳn. Cũng không thấy báo chí nhà nước còn ồn ào về vụ Vũ Huy Hoàng.
Thái độ có vẻ bàng quan của phía Quốc hội, và đặc biệt của phía Chính phủ đối với vụ “truy tố Vũ Huy Hoàng”, đang cho thấy một sức cản ngày càng lớn đối với quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng. Lực cản đó đã ít nhất một lần được bộc lộ khi Bộ Nội vụ - cơ quan chuyên trách về quản lý nhân sự của Chính phủ - đã có vẻ lần khân khi thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư về làm rõ quy trình bổ nhiệm Vũ Đình Duy của PVN.
Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu chắc hẳn lại được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ soạn thảo. Nếu cơ quan này tiếp tục lần khân, sẽ chẳng có cơ chế nào để xử lý Vũ Huy Hoàng về hành chính và hình sự.
‘Trống đánh xuôi kèn thổi ngược’
Trước khi xảy ra hiện tượng cả Chính phủ lẫn Quốc hội đều không quá mặn mà với việc ban hành Nghị quyết về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức đã nghỉ hưu, đã có một biểu hiện “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” khác.
Trong khi Nghị quyết 5 của Ban Chấp hành Trung ương, ban hành ngày 1/11/2016, đã “định hướng” cho Quốc hội là sẽ bố trí nguồn lực phù hợp để giải quyết nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế, thì tại kỳ họp diễn ra ngay sau đó, Quốc hội lại có một bản nghị quyết khác về kế hoạch tài chính, trong đó chính thức xác định không dùng ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
Đây là một lần hiếm hoi mà Quốc hội đã không “gật vô thức” như bao nhiêu lần trước, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương theo tinh thần “cương lĩnh đảng quan trọng hơn Hiến pháp” như Tổng Bí thư Trọng từng khẳng định.
Câu hỏi cần đặt ra là chính trường Việt Nam sẽ ra sao nếu cả Chủ tịch Ngân lẫn Thủ tướng Phúc đều đang có khuynh hướng tách khỏi cái bóng của Tổng Bí thư và khỏi sự can thiệp quá sâu của các cơ quan đảng?
‘Kẻ ăn ốc người đổ vỏ’
Cho tới nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Quốc hội của bà Kim Ngân và chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đang chuyển sang quan điểm “lấy dân làm gốc”. Bằng chứng rất rõ ràng là toàn bộ những khuất tất và hậu quả kinh khủng của vụ Formosa xả thải ở miền Trung đã bị các cơ quan chính phủ giấu biến, còn Quốc hội thậm chí không có một tuyên bố có tính phục thiện nào về biến cố kinh hoàng này.
Do đó, những dấu hiệu của Chính phủ và Quốc hội muốn tách dần khỏi quỹ đạo của đảng chưa có gì có thể được xem là “dân nguyện”. Bài học quá cay đắng mà nhiều người dân đã tích lũy được là đã từ lâu Chính phủ và Quốc hội chỉ còn mang danh phận của những nhóm lợi ích và quyền lực cá nhân, đến nay vẫn chưa có gì được cải thiện.
Không khó lý giải việc Quốc hội ra nghị quyết về không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu: một khi ngân sách đã chẳng còn kết dư nào, những gì còn lại phải ưu tiên cho kế sinh nhai của các cơ quan đảng và nhà nước. Nếu ra nghị quyết dùng ngân sách để mua nợ xấu trong khi ngân sách đã cạn kiệt thì chỉ càng khiến công luận phẫn nộ và chĩa mũi dùi vào trách nhiệm của Quốc hội.
Cũng không loại trừ vụ Vũ Huy Hoàng manh nha thoát “cửa tử” lại là một ưu ái của những nhóm quyền lực và lợi ích nào đó. Bứt dây động rừng!
Lý do còn lại khiến Chính phủ và Quốc hội muốn tách dần quỹ đạo của đảng thuộc về ý thức hệ. Nhiều người cho rằng rất có thể trong bộ máy đảng chỉ còn mình Tổng Bí thư Trọng là còn đủ lạc quan để hy vọng “không biết đến cuối thế kỷ này có được chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay không”. Nhưng thực tiễn vô cùng phũ phàng lại phản ánh một thực tế gần như trái ngược: tham nhũng “vẫn ổn định”, nợ công và nợ xấu vượt mặt, chi ngân sách vẫn “nâng lên một tầm cao mới” nhưng thu ngân sách lao dốc, ô nhiễm môi trường lan rộng, phản kháng xã hội tràn ngập, nền đạo đức xuống đáy… Chưa kể cái họa phương Bắc treo lơ lửng. Tất cả đều bế tắc!
Người phải chịu trách nhiệm khốn khổ nhất là chính là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hớn hở nhận lẵng hoa chúc mừng từ cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi bàn giao quyền lực, có lẽ ông Phúc đã không thể ngờ về hậu vận “kẻ ăn ốc người đổ vỏ” dành cho ông hiện nay và những năm tháng mệt nhoài sắp tới.
Trong tình thế quá khẩn trương như vậy, việc hô hào về chủ nghĩa xã hội hay “đất nước mình có bao giờ được thế này không” hẳn đã được tuyệt đại đa số giới quan chức kim tiền nhận chân là không thể ảo tưởng hơn. Chỉ có điều, vẫn chưa ai dám nói thẳng ra sự thật trắng trợn ấy.
Vụ Nguyễn Bá Thanh vào nửa cuối năm 2014, vụ Phùng Quang Thanh vào nửa cuối năm 2015, vụ Trịnh Xuân Thanh nửa cuối năm 2016, nhưng ghê gớm hơn cả là vụ “cả ba bị bắn” tại Yên Bái ngay sau khi Quốc hội và Chính phủ mới tuyên thệ… Nhiều chỉ dấu về giai đoạn cuối cùng đã lộ ra quá rõ. Nếu cứ khư khư ôm ấp quá khứ, làm sao để tìm ra lối thoát?
Lối thoát cho chính thể, nhưng trên hết là lối thoát cá nhân.
Giờ đây là năm 2017 chứ không phải là 2007. Có lẽ cả ông Nguyễn Xuân Phúc lẫn bà Nguyễn Thị Kim Ngân đều thấy rõ những gì mà họ sẽ phải đối mặt trong những ngày tháng đang cận kề.
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'.
http://www.voatiengviet.com/a/quoc-hoi-va-chinh-phu-se-dan-tach-khoi-cai-bong-cua-dang/3668643.html














THÔNG TIN & BÌNH LUẬN QUỐC TẾ

Võ khí tài chính của Bắc Kinh

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2017-01-04

Một nhân viên đang đếm tiền Nhân dân tệ tại một ngân hàng ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 25 tháng 11 năm 2016.
Một nhân viên đang đếm tiền Nhân dân tệ tại một ngân hàng ở thành phố Hoài Bắc, tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 25 tháng 11 năm 2016.
AFP photo

Sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bỗng căng thẳng vì mâu thuẫn kinh tế lẫn an ninh. Nổi bật nhất là lập trường của vị Tổng thống Tân cử đối với Đài Loan và đầu tuần này là việc ông Trump trách cứ Trung Quốc trục lợi kinh tế trong việc giao thương với Hoa Kỳ mà không can gián chế độ Bắc Hàn cộng sản. Trong bối cảnh ấy, người ta nhớ tới lời phát biểu của một viên chức tờ Nhân Dân Nhật Báo rằng Bắc Kinh có thể sử dụng võ khí tài chính để trừng phạt việc Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan.
Mỹ - Trung nhiều mâu thuẫn
Nguyên Lam: Sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương bỗng căng thẳng vì nhiều phát biểu gay gắt của ông Trump hướng về Bắc Kinh và nhất là vì ông có cuộc điện đàm trực tiếp với Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Từ bên kia đại dương, Bắc Kinh không tỏ ý nhượng bộ và đưa hàng không mẫu hạm Liêu Ninh xuống tập trận với đạn thật ngay trong vùng biển Đông Nam Á và còn cướp một tầu ngầm khoa học của Mỹ ở ngoài khơi Philippines. Trung khung cảnh đó, nhiều người e sợ một trận chiến kinh tế giữa hai quốc gia này và khi đó người ta có nhắc đến lời phát biểu năm xưa của một viên chức Bắc Kinh, rằng họ có thể sử dụng võ khí tài chính để trừng phạt việc Hoa Kỳ bán võ khí cho Đài Loan. Diễn đàn Kinh tế đề nghị ông trình bày cho thực chất của vấn đề và về võ khí tài chính này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ là ta phải nhắc lại bối cảnh của quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thì mới hiểu ra nhiều mâu thuẫn phức tạp ngày nay. Thứ nhất, thời Chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ có ý hợp tác với Bắc Kinh từ năm 1972 để làm lực đối trọng với Liên bang Xô viết khi hai nước cộng sản này có mâu thuẫn và xung đột từ năm 1969. Sau đó, Hoa Kỳ công nhận Trung Quốc và đoạn giao với Đài Loan từ năm 1979, nhưng Quốc hội Mỹ vẫn có đạo luật bảo vệ Đài Loan để khỏi bị Trung Quốc thôn tính như Bắc Kinh muốn làm. Nhờ Hoa Kỳ, Trung Quốc đã cải cách kinh tế từ năm 1980 và ra khỏi chế độ tập trung quản lý nên có mức tăng trưởng cao trong nhiều thập niên.
Nhìn trong cận cảnh thì quan hệ giữa đôi bên đã đi vào bước lật từ năm 2008, nay mới lên tới cao điểm.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thứ tư, từ năm 2000, Hoa Kỳ còn mở cửa cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để từ đó phát triển ngoại thương và trở thành một cường quốc kinh tế với sức bật là xuất khẩu. Rồi vụ khủng hoảng và nạn Tổng Suy trầm năm 2008 gây khó khăn cho cả hai quốc gia khiến Bắc Kinh phải bơm tiền kích thích kinh tế và Hoa Kỳ hoài nghi tự do mậu dịch khi Bắc Kinh đạt xuất siêu liên tục còn khu vực chế biến của Mỹ không tạo thêm việc làm và thành phần trung lưu bị sa sút. Nhìn trong cận cảnh thì quan hệ giữa đôi bên đã đi vào bước lật từ năm 2008, nay mới lên tới cao điểm.
Nguyên Lam: Ông nhắc lại khung cảnh từ 1972 tới ngày nay và chỉ ra bước lật là năm 2008. Thưa ông, tại sao lại như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi cho là người ta nên chú ý đến những chuyển động ngấm ngầm mà mãnh liệt ở dưới thì mới hiểu ra những biến cố nổi bật ở trên để khỏi bị ngạc nhiên. Vụ Tổng Suy trầm năm 2008 gây bốn hậu quả ngày nay mới thấy rõ. Đó là 1/ các nền kinh tế hậu công nghiệp Âu-Mỹ-Nhật đều tăng trưởng thấp hơn; 2/ sự bùng phát của chủ nghĩa quốc gia nhân danh quyền dân chủ của người dân để phủ nhận sự thống trị của cơ chế quốc tế và đả phá vai trò quá lớn của quan hệ hay hiệp ước quốc tế, trong đó có Hiệp ước TPP Hoa Kỳ đã ký kết hay hiệp ước NAFTA đã thi hành từ 1994; 3/ tình trạng bất ổn và suy sụp của các nước quá lệ thuộc vào giao dịch quốc tế như Đức, Nam Hàn, Trung Cộng, vì ngoại thương sút giảm và người ta chưa thể xuất cảng lên cung trăng để kích thích sản xuất; 4/ cho nên các nước càng bơm tiền và phá giá để cạnh tranh kịch liệt hơn trước. Thực tế thì mâu thuẫn quyền lợi đã bùng phát từ năm 2008 cho nên tại Hoa Kỳ chúng ta mới thấy sự thắng thế bất ngờ của ông Donald Trump với chủ nghĩa quốc gia Hoa Kỳ và ý chí bảo vệ quyền lợi của dân Mỹ. Bên kia đại dương, ông Tập Cận Bình thì đề cao Trung Quốc Mộng và sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc Đại Hán. Ngày nay, mâu thuẫn Mỹ-Hoa đang nổi cộm trên cả hai bình diện an ninh và kinh tế.
Nguyên Lam: Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã nêu ra chủ trương đó, sau khi đắc cử, ông làm những gì trong lĩnh vực kinh tế để người ta e ngại một vụ đụng độ kinh tế với Tầu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Bắc Kinh tất nhiên chú ý đến thành phần nhân sự được ông Trump mời vào nội các và ban tham mưu về kinh tế và ngoại thương. Thứ nhất là tỷ phú Wilbur Rosss sẽ là Tổng trưởng Thương mại với chỉ thị rà soát lại các hiệp ước thương mại bất lợi. Thứ nhì là Giáo sư Kinh tế và Chính sách Công quyền Peter Navarro được mời làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Thương mại Quốc gia là cơ chế tân lập với chức năng bảo vệ quyền lợi của Hoa Kỳ tương tự như Hội Đồng An ninh Quốc gia hay Hội đồng Cố vấn Kinh tế.
Ai cũng nói đến việc ông Navarro đã sớm báo động về mặt trái của tự do mậu dịch và có quan điểm chống Tầu. Hôm Thứ Ba thì chức vụ Đại sứ Thương mại vừa được trao cho một nhân vật đầy kinh nghiệm đàm phán từ thời Tổng thống Ronald Reagan với lập trường gay gắt đả kích lề thói giao dịch của Bắc Kinh, lại có sự hỗ trợ của dàn luật gia đã từng tranh đấu để bảo vệ ngành thép của Mỹ.
Khi ông Donald Trump chọn nhân sự như vậy thì ai cũng biết Hoa Kỳ sẽ có thái độ cứng rắn và đàm phán ác liệt chứ không để Bắc Kinh chiếm lợi thế như trước. Cũng cần nói thêm rằng một số dư luận Hoa Kỳ xưa nay vẫn chủ trương hòa dịu với Bắc Kinh vội tri hô là ông Trump lấy rủi ro lớn khi gây hấn kinh tế với Trung Quốc. Đấy là hiện tượng “ăn cây nào rào cây nấy” và ta chỉ cần nhắc lại cách đánh giá rủi ro của đôi bên sau khi thấy ra thực lực, chứ lý luận bênh Tầu để trục lợi đã trở thành lạc hậu trong bối cảnh mới.
Thực lực kinh tế đôi bên 

000_I92TN-400.jpg
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp ở Lima, Peru hôm 19/11/2016. AFP photo
 
Nguyên Lam: Thưa ông, nói về thực lực kinh tế của đôi bên thì người ta nên thấy những gì là đáng kể nhất?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ vẫn là siêu cường kinh tế với sản lượng là hơn 24% của toàn cầu và ít lệ thuộc vào xuất khẩu trong khi thị trường tiêu thụ quá lớn lại là nguồn sống cho nhiều nước cần bán hàng, trong số này có Trung Quốc. Khi giao thương thì đôi bên đều có lợi, nhưng nếu Hoa Kỳ thấy mối lợi ấy bất cân xứng và đòi xét lại thì tranh chấp có thể bùng nổ. Gặp hoàn cảnh bất thường ấy thì ta thấy hai nền kinh tế này cần giao thương với nhau, nhưng Trung Quốc cần kinh tế Hoa Kỳ hơn là kinh tế Hoa Kỳ cần kinh tế Trung Quốc vì kinh tế Mỹ là nguồn xuất khẩu số một của Tầu, cao gấp ba lượng xuất khẩu qua Nhật và gấp sáu lượng xuất khẩu qua Đức.
Dù Trung Quốc có thế độc quyền về một số nguyên liệu như kim loại hiếm, Hoa Kỳ vẫn có thể tìm nguồn cung cấp khác và thực tế thì vẫn thừa công xuất và có thị trường khác nếu Trung Quốc ngưng bán hàng cho Mỹ. Trong hiện tại, Trung Quốc có nhiều vấn đề kinh tế xã hội bên trong nên bị rủi ro lớn hơn Hoa Kỳ nếu gặp chiến tranh mậu dịch. Kết luận thì trong ngắn hạn đôi bên đều bị thiệt hại, nhưng về dài thì Hoa Kỳ sẽ hồi phục mau hơn trong khi Trung Quốc sẽ bị khốn đốn lâu hơn.
Kết luận thì trong ngắn hạn đôi bên đều bị thiệt hại, nhưng về dài thì Hoa Kỳ sẽ hồi phục mau hơn trong khi Trung Quốc sẽ bị khốn đốn lâu hơn.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Bây giờ ta mới nói đến võ khí tài chính của Bắc Kinh. Trong một chương trình của Diễn đàn Kinh tế vào cuối Tháng Chín năm 2015, ông nói tới kịch bản gọi là “Nếu Bắc Kinh Xuất Khẩu Đạn? nhờ gom được một khối dự trữ ngoại tệ rất lớn và có thể xuất khẩu tư bản để đầu tư và tranh thủ các nước về mặt ngoại giao. Trong giả thuyết xung đột kinh tế với Hoa Kỳ thì phải chăng kho đạn ngoại tệ ấy sẽ là võ khí? Nhiều người vẫn cho rằng Bắc Kinh mua Công khố phiếu của Chính quyền Hoa Kỳ tức là chủ nợ của nước Mỹ, nếu khách nợ Hoa Kỳ lại gây hấn với chủ nợ thì nước Mỹ sẽ bị thiệt. Sự thật kinh tế đằng sau lý luận này là gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nhắc chuyện xưa thì trong chuyến công du đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng, bà Hillary Clinton trước tiên đến Bắc Kinh vào đầu năm 2009. Khi ấy bà nói là không nên để vấn đề nhân quyền ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế tốt đẹp giữa hai nước và kêu gọi Bắc Kinh tiếp tục mua Công khố phiếu của Hoa Kỳ, tức là tiếp tục cho nước Mỹ vay tiền. Ta còn nhớ thời đó Hoa Kỳ vừa có vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín 2008 lồng trong nạn suy trầm kinh tế từ cuối năm 2007 nên nhiều người hốt hoảng bậy. Thật ra khối dự trữ ngoại tệ ấy không là kho đạn của Bắc Kinh và việc Tầu đem tiền cho Mỹ vay không có nghĩa là Bắc Kinh nắm dao đằng chuôi trong trận đấu lực kinh tế với Hoa Kỳ.
Ai là chủ nợ của Mỹ?
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông có phải Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Mỹ không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tầu là chủ nợ lớn nhất trong mấy năm, nhưng từ Tháng 11 thì nhường vị trí đó Nhật rồi. Theo con số sau cùng của Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ thì vào cuối Tháng 10, Bắc Kinh nắm trong tay một ngàn 150 tỷ đô la Công khố phiếu của Mỹ. Nếu kể thêm vài trăm tỷ đô la đầu tư vào thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ thì Bắc Kinh đang có trong tay một ngàn 850 tỷ đô la tài sản Mỹ trên thị trường Hoa Kỳ.
So với năm 2000 là khi vừa được Chính quyền Bill Clinton cho gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì quả thật là lượng đầu tư của Bắc Kinh vào thị trường Mỹ tăng gần gấp đôi nhưng lượng tiền ấy từ đâu ra và dùng vào việc gì? Thứ nhất, Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ, được xuất siêu nên thu về đô la thì lại đầu tư vào Mỹ dưới dạng trái phiếu hay cổ phiếu. Thế thì sao họ không đầu tư vào trong nước, hoặc vào các nước khác, như Âu Châu hay Nhật Bản chẳng hạn? Tại sao có tiền lại cho Mỹ vay đến độ thành chủ nợ số một của Mỹ? Vì nơi đây là an toàn hơn cả!
Tầu là chủ nợ lớn nhất trong mấy năm, nhưng từ Tháng 11 thì nhường vị trí đó Nhật rồi.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Khi nắm trong tay một ngàn 150 tỷ đô la Công khố phiếu của Mỹ, Bắc Kinh có thể gây sức ép là dọa “đòi nợ”, tức là bán Công khố phiếu đó ra thị trường quốc tế, nhưng lãnh hậu quả là càng bán nhiều thì tài sản này của họ càng mất giá. Trong năm nay, họ đã bán rồi, khỏang hơn 11% tổng số nợ họ nắm trong tay, vậy mà kinh tế Mỹ không bị hề hấn gì. Thế rồi sau khi bán ra lấy tiền về, họ có thể đầu tư vào đâu để kiếm lời mà vẫn an toàn? Vào các thị trường Âu Châu hay sao khi tình hình kinh tế Âu Châu còn đầy bất trắc với nạn khủng hoảng ngân hàng của Ý nay sắp bùng nổ? Hay là vào các thị trường Nhật Bản, Anh Quốc, Thụy Sĩ? Không an toàn và đủ dầy bằng thị trường Mỹ! Thành thử ta cần thấy Bắc Kinh có thể dọa nhưng lời hăm ấy không hiệu quả 
vì họ đã làm, đã lỗ mà chẳng gây thiệt hại gì cho khách nợ là Hoa Kỳ!
Nguyên Lam: Có lẽ chúng ta bắt đầu thấy ra trận thế kinh tế giữa hai nước khi đôi bên đều bắn tiếng hăm dọa. Nhưng chúng ta không thể quên rằng Bắc Kinh đang có một khối dự trữ ngoại tệ cao nhất thế giới. Như vậy, thưa ông Nghĩa, họ có nắm một kho đạn trong tay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra, kho đạn ấy chủ yếu vẫn là đô la Mỹ là ngoại tệ dự trữ số một hiện nay. Bắc Kinh rơi vào vòng luẩn quẩn vì vẫn giàng đồng Nguyên của họ vào tiền Mỹ. Họ muốn định giá đồng Nguyên cho rẻ để bán hàng cho dễ thì đồng bạc mất giá khiến người ta chuyển tiền ra ngoài tìm nơi có lời hơn, làm kinh tế Trung Cộng bị thất thoát tư bản, trong năm qua mất gần ngàn tỷ.
Để tránh tình trạng này, họ phải làm chuyện trái ngược, tức là bán đô la Mỹ mua vào đồng Nguyên nhằm giữ giá đồng bạc. Họ bán đô la Mỹ mà tiền Mỹ chẳng mất giá và nay tăng vọt sau khi ông Trump đắc cử và Ngân hàng Trung ương Mỹ vừa tăng lãi suất. Ngược lại, từ đầu năm 2015 tới nay, kho dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh giảm mất 20%, từ gần bốn ngàn tỷ nay chỉ còn ba ngàn lẻ năm tỷ thôi! Nếu lâm trận mà đòi bán Công khố phiếu như đã bán tức là dùng kho đạn thì chẳng gây hề hấn cho kinh tế Hoa Kỳ, không làm tiền Mỹ mất giá mà còn tự gây họa cho mình.
Kết cuộc thì việc Trung Cộng là chủ nợ của Mỹ chỉ cho thấy nhược điểm kinh tế của họ là quá lệ thuộc vào xuất khẩu và xuất khẩu nhiều nhất là vào thị trường Hoa Kỳ trong khi các thị trường kia vẫn èo uột. Ngày nay, khi Mỹ muốn giảm nhập thì chính Bắc Kinh mới lâm thế kẹt, là chuyện ta sẽ chứng kiến năm nay!
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông về bài phân tích kỳ này.
 http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/the-prc-financial-weapon-nxn-01032017143744.html



Mâu thuẫn kinh tế Mỹ - Hoa

Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
2016-12-21

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Tổng Giám đốc WTO, Roberto Azevedo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 4/9/2016.
Tổng Giám đốc WTO, Roberto Azevedo và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc hôm 4/9/2016.
AFP photo

Cách nay đúng 15 năm, ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO sau khi Chính quyền Hoa Kỳ đặc cách thỏa thuận một điều kiện đặc miễn là nền kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn gọi là thị trường. Ngày nay, điều kiện ấy đang là đầu mối tranh cãi giữa Trung Quốc với nhiều nước khác.

Trung Quốc trục lợi bất chính
Nguyên Lam: Thưa ông, sau khi được Hoa Kỳ mở cửa đón nhận, cách nay 15 năm, ngày 11 Tháng 12 năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Ngày nay, xứ này trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới sau nước Mỹ, có khối dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới trị giá hơn 3.000 tỷ đô la và lại đang thách đố quyền lực của Hoa Kỳ trên vùng biển Đông Nam Á khiến Tổng thống Tân cử của Mỹ là ông Donald Trump có phán ứng gay gắy và cứng rắn. Vì vậy, trong chương trình cuối năm, xin đề nghị ông phân tích lại bối cảnh của sự kiện và phác họa mâu thuẫn kinh tế giữa hai quốc gia trong năm tới.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Hoa Kỳ có một chữ cho tình huống họ gọi là "buyer's remorse", là sự ân hận của kẻ mua hớ! Nhiều người Mỹ đang nghĩ tới điều ấy khi xét lại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mà tôi xin gọi là “quan hệ Mỹ-Hoa” chứ không gọi là “Mỹ-Trung” vì không hề coi Trung Quốc là trung tâm của thế giới. Ta vẫn thường gọi là “Hoa kiều” chứ không gọi là “Trung kiều” và nói về Tân Hoa Xã chứ có nói Tân Trung Xã bao giờ đâu?
Về kinh tế thì sự thật có nhiều khúc mắc mà chúng ta cũng nên hiểu ra. Cách nay năm năm rồi, nhân dịp kỷ niệm 10 năm Trung Quốc gia nhập tổ chức WTO, hai cơ quan hữu trách của Mỹ đã phổ biến hai phúc trình liên hệ đến Trung Quốc. Thứ nhất là báo cáo của Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Kinh tế và An ninh công bố hôm 16 Tháng 12 năm 2011. Thứ hai là báo cáo từ Văn phòng Đại diện Thương mại của Tống thống công bố hôm 12 Tháng 12 năm đó về việc Bắc Kinh chấp hành các quy định của WTO. Thời ấy rồi, cả hai báo cáo đều phê phán là Trung Quốc không tuân thủ những cam kết và đã trục lợi bất chính nên phương hại cho quyền lợi của Hoa Kỳ. Ngày nay, người ta đã quên mà tưởng rằng vị Tổng thống Tân cử Doinald Trump đang bất ngờ gây khó cho Bắc Kinh.
051_XxjpbeE000658_20161209_TPPFN0A001-400.jpg
Cảng Liên Vân ở tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, ngày 29 tháng 11 năm 2016. AFP photo
 
Sự thật thì trong 15 năm đàm phán của Trung Quốc để xin gia nhập Tổ chức WTO, Hoa Kỳ theo dõi sát trước khi chấp thuận quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc - mà họ gọi là quy chế "mậu dịch bình thường và thường trực" - thay vì phải xin Quốc hội tái tục hàng năm. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton chỉ nhận quy chế đó mấy tuần sau khi Bắc Kinh chính thức gia nhập WTO vào cuối năm 2001 và quyết định ấy đã gặp nhiều rào cản từ phía Quốc hội Mỹ.
Nguyên Lam: Nghĩa là từ nhiều năm trước, Hoa Kỳ đã phàn nàn việc Trung Quốc trục lợi nhờ biện pháp đặc biệt của Chính quyền Bill Clinton, nhưng thưa ông khi đó Quốc hội Hoa Kỳ đã lập rào cản ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta nên nhớ lại rằng Hoa Kỳ mở cửa kết giao với Trung Quốc từ năm 1972, bang giao với Bắc Kinh từ năm 1979 và thực tế là cho phép Trung Quốc kế thừa vị trí của Đài Loan trên các diễn đàn quốc tế là chuyện đang trở thành thời sự khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Đài Loan là bà Thái Anh Văn. Rồi việc Trung Quốc xin gia nhập và bắt đầu đàm phán với từng thành viên của WTO lại xảy ra sau vụ tàn sát Thiên An Môn năm 1989 khi Bắc Kinh e sợ biến động chính trị vì lạm phát và tham nhũng và bị nhiều quốc gia trừng phạt kinh tế vì tội chà đạp nhân quyền. Khi ấy Quốc hội Mỹ mới nêu ra cho Hành pháp nhiều điều kiện trong từng bước thương thảo với Bắc Kinh, trong đó có loại điều kiện ngoài kinh tế mà cũng có điều kiện trực tiếp liên hệ đến giao dịch buôn bán với Trung Quốc.
Từ năm năm trước, Quốc hội Mỹ kết luận rằng Trung Quốc hết là xứ nông nghiệp lạc hậu đang phát triển mà còn thách đố quyền lợi Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Phần mình, Bắc Kinh dùng thủ thuật đàm phán là tự cào mặt viện dẫn hoàn cảnh "đang phát triển" của xứ sở để xin một số đặc miễn mà họ hứa là sẽ giải tỏa sau 5 năm, 12 hay 15 năm. Then chốt nhất là họ xin được 15 năm ân hạn khi cơ chế kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn là “kinh tế thị trường”. Việt Nam cũng học theo đó mà xin thời gian ân hạn là 18 năm, là hứa sẽ cải cách trong 18 năm để có kinh tế thị trường đích thực mà thật ra vẫn trì hoãn việc cải cách này.
Khi ấy, Quốc hội Mỹ bèn quyết định rằng vì Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường đích thực cho nên nếu muốn được hưởng quy chế tối huệ quốc thì phải có một số điều kiện mà Hành pháp Mỹ sẽ chấp hành. Tức là nội bộ Hoa Kỳ đã có nhiều tranh luận gay go về hồ sơ gia nhập của Bắc Kinh trước khi cho Chính quyền Bill Clinton chấp nhận quy chế đó.
Nguyên Lam: Thưa ông, khi ấy Hoa Kỳ đòi hỏi những gì trước khi đồng ý cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ngoài loại điều kiện “phi kinh tế”, như Bắc Kinh phải chấp nhận cho Đài Loan gia nhập tổ chức WTO hoặc phải tôn trọng nhân quyền và hạn chế phổ biến võ khí, v.v... Quốc hội Mỹ nương vào hoàn cảnh Trung Quốc chưa có kinh tế thị trường mà đòi quyền áp dụng một số biện pháp kinh tế đặc biệt. Một trong các biện pháp đó là áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại năm 1974, theo đó nếu doanh nghiệp Mỹ bị thiệt hại vì xuất khẩu quá mạnh của Trung Quốc thì họ được khiếu nại và yêu cầu chính phủ có biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO. Điều kiện ấy mới giải thích vì sao phía Mỹ nộp rất nhiều hồ sơ khiếu nại với WTO và liên tục tranh cãi với Bắc Kinh. Song song, Quốc hội Mỹ cũng lập ra Hội đồng Duyệt xét Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về Kinh tế và An ninh là cơ chế giám sát để định kỳ báo cáo và khuyến nghị Chính quyền ban hành biện pháp đối phó.
Nôm na là khi Hành pháp chủ trương giao kết về kinh tế để hy vọng chuyển hoá Trung Quốc về chính trị hầu xứ này trở thành đối tác biết điều và có trách nhiệm thì Lập pháp Mỹ vẫn thủ kín, nhất là về thương mại, để thường xuyên gây áp lực. Vì vậy phải nói là phía Mỹ không ngạc nhiên về sự lật lọng của Trung Quốc. Các hồ sơ gọi là "lũng đoạn ngoại hối" khi Bắc Kinh định giá đồng bạc quá thấp, hoặc tội Trung Quốc "trợ giá xuất khẩu" và "biện pháp trả đũa" của Mỹ chỉ là những mặt nổi của một trận đấu liên tục đã dự kiến từ 15 năm trước.
Mỹ không ngạc nhiên
Nguyên Lam: Thưa ông, ông vừa nói là năm năm trước thì nhiều cơ quan Hoa Kỳ đã phê phán rằng Trung Quốc trục lợi bất chính nhờ được thời gian đặc miễn trong 15 năm chưa có kinh tế thị trường. Ngày nay, thời hạn đó đã hết thì liệu rằng điều kiện mà Quốc hội Mỹ nêu ra có còn hiệu lực hay chăng khi mà không chỉ có nước Mỹ mà Liên hiệp Âu châu cũng đang than phiền việc Bắc Kinh bán phá giá nhiều sản phẩm và gây thiệt hại cho kinh tế Âu Châu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra trong năm năm đầu tiên sau khi gia nhập WTO thì Trung Quốc có giải tỏa một số quy định về luật lệ, giá cả và thuế biểu hải quan theo sự cam kết với WTO. Nhưng sau đó, và đây là điều Hoa Kỳ nhấn mạnh và chúng ta cũng đừng quên, Trung Quốc lại tự đặt ra luật mới và thi hành chiến lược có định hướng theo "chính sách công nghiệp". Đây là mật mã của việc họ chủ động can thiệp để bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước và tạo ra sân chơi thiếu bình đẳng, thiếu thông tin minh bạch cho tư doanh nội địa và ngoại quốc khi tiếp nhận đầu tư trực tiếp của nước ngoài.

000_J0943-400.jpg
Một tạp chí với hình Tổng thống đắc cử Donald Trump tại một hiệu sách ở Bắc Kinh hôm 12 tháng 12 năm 2016. AFP photo
Thủ thuật đó của Bắc Kinh còn tinh vi hơn nữa vì tạo ưu thế cho doanh nghiệp nhà nước thụ đắc loại công nghệ cao cấp để có bước nhảy vọt về kỹ thuật. Mặt ngoài thì người ta cứ nói đến việc Trung Quốc không thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như đã cam kết với WTO nên vẫn còn nạn sao chép hoặc ăn cắp tác quyền của thiên hạ làm doanh nghiệp Mỹ bị lỗ. Nằm sâu bên dưới còn có kế hoạch gọi là cưỡng bách chuyển giao công nghệ để cuối cùng xứ này trở thành một thế lực sản xuất các mặt hàng công nghiệp có trình độ kỹ thuật cao và trực tiếp cạnh tranh với Mỹ với loại sản phẩm cứ tưởng là sở trường của Hoa Kỳ, Nhật Bản Nam Hàn hay Đài Loan.

Từ năm năm trước, Quốc hội Mỹ kết luận rằng Trung Quốc hết là xứ nông nghiệp lạc hậu đang phát triển mà còn thách đố quyền lợi Hoa Kỳ về cả an ninh lẫn kinh tế. Vì vậy, năm 2012, phía Mỹ suy diễn thêm chi tiết áp dụng Khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974 để các doanh nghiệp Mỹ vẫn rộng quyền yêu cầu Chính phủ có biện pháp bảo vệ nằm ngoài quy định của WTO. Cái khác với trước đấy là cơ sở so sánh phí tổn và giá cả để chứng minh là có cạnh tranh bất chính, chứ về cơ bản thì Hoa Kỳ vẫn thừa điều kiện khiếu nại. Bây giờ, vị Tổng thống Tân cử của Mỹ đang thành lập ban tham mưu về thương mại và đối ngoại đầy kinh nghiệm luật pháp về bảo vệ ngành thép của họ để sẽ dàn trận với Bắc Kinh nhằm bảo vệ quyền lợi của Mỹ.
Then chốt nhất là họ xin được 15 năm ân hạn khi cơ chế kinh tế chưa đủ tiêu chuẩn là “kinh tế thị trường”.
- Nguyễn-Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Thưa ông, như vậy thì tình trạng cạnh tranh bất chính và mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước đã có từ lâu, trong tương lai thì quan hệ thương mại giữa đôi bên sẽ đi về đâu?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Năm tới, Hoa Kỳ có Chính quyền mới và Trung Quốc có Đại hội đảng khóa 19 và cả hai đều gặp khó khăn bên trong nên rất khó nhượng bộ và mâu thuẫn đôi bên sẽ chỉ gia tăng. Tuy nhiên, và năm tới chúng ta sẽ trở lại chi tiết cụ thể của chuyện này, thuần về kinh tế thì Trung Quốc cần Hoa Kỳ hơn là Hoa Kỳ cần Trung Quốc vì kinh tế của Tầu quá lệ thuộc vào xuất khẩu. Thứ hai, nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra thì cả hai đều gặp bất lợi, nhưng Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề hơn Mỹ khi nội tình Trung Quốc lại có nhiều thách đố xã hội và chính trị hơn. Thứ ba, chính là ý thức được mối nguy đó, Bắc Kinh mới dựng ra mâu thuẫn giả và khiến dư luận thiếu am hiểu kết án vì ông Trump cực đoan quá khích nên đang gây khó cho quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Kết luận của tôi là dù đầy mưu lược, Bắc Kinh có thấy ra sự bất toàn của chiến lược phát triển là thiếu cân đối, bất công, khó ổn định và không bền vững nên đã quyết định là phải cải cách, cụ thể là cho dân hưởng nhiều hơn và nâng cao sức tiêu thụ của thị trường nội địa để tránh động loạn xã hội. Nhưng bốn năm qua, họ chưa tiến hành được việc chuyển hướng đó vì sự cưỡng chống của các đảng viên ở bên trong, cho nên năm tới chế độ sẽ còn gia tăng đàn áp.
Nhìn về lâu dài, Trung Quốc có lợi lớn sau khi gia nhập Tổ chức WTO, với sản lượng kinh tế tăng gấp 10 trong 15 năm, từ 2001 tới 2015, nhưng vì bản chất của chế độ kinh tế chính trị, mối lợi đó không tồn tại mãi và đà tăng trưởng cứ suy yếu dần trong khi lại tích lũy nhiều khó khăn. Chính quyền Donald Trump có thấy ra điều này nên sẽ càng gây áp lực mạnh hơn để xứ này phải cải cách thật, nếu không, họ sẽ bị khủng hoảng.
 

Thượng nghị sĩ Ted Cruz và thống đốc Texas tiếp Tổng thống Đài Loan




Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tại một khách sạn ở Houston, Texas, nơi bà dừng chân trên đường đến Trung Mỹ, 7/1/2016.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) tại một khách sạn ở Houston, Texas, nơi bà dừng chân trên đường đến Trung Mỹ, 7/1/2016.

Trung Quốc hôm thứ Hai đã lên tiếng phản đối bất kỳ sự tiếp xúc nào giữa nhà lãnh đạo Đài Loan và các giới chức Hoa Kỳ. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gặp Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz và Thống đốc bang Texas Greg Abbott.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói với các nhà báo rằng Trung Quốc phản đối các hành động “can thiệp và phá hỏng mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Cuộc gặp đã diễn ra tại Houston, nơi bà Thái Anh Văn dừng chân trên đường đến Trung Mỹ.
Ngay trước khi cuộc họp diễn ra, ông Cruz cho biết đoàn đại biểu nghị viện Houston đã nhận được một lá thư “khó hiểu” từ lãnh sự quán Trung Quốc yêu cầu họ không xúc tiến cuộc gặp gỡ với bà Thái Anh Văn.
Ông Cruz nói trong một tuyên bố: “Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cần phải hiểu rằng ở Mỹ, chúng tôi tự quyết định về việc gặp gỡ với khách của chúng tôi”. Ông nói thêm rằng “Người Trung Quốc đừng dùng quyền phủ quyết đối với những người gặp gỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp đón bất cứ ai, kể cả những người Đài Loan, khi chúng tôi thấy phù hợp”.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz cho biết thực chất các cuộc thảo luận bao gồm việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng sự hiện diện của Đài Loan trong việc giúp đỡ cho nông dân, các chủ trang trại và chủ doanh nghiệp nhỏ trong tiểu bang của ông.
Trong khi đó, ông Abbott cho biết nội dung trao đổi giữa hai bên là về triển vọng thương mại trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên và hợp tác trong việc phát triển các cơ sở y tế.

0:00:00 /0:01:24



Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã khiến Trung Quốc giận dữ chỉ trích khi ông điện đàm với bà Thái Anh Văn ngay sau khi đắc cử hồi tháng 11.
Kể từ năm 1979, Mỹ đã công nhận quan điểm chính thức của Trung Quốc rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.
Ông Trump sau đó đã đặt câu hỏi rằng tại sao Hoa Kỳ lại bị trói buộc bởi chính sách này, trừ phi Trung Quốc có những nhượng bộ về thương mại.
Đáp trả lại, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chính sách một Trung Quốc là nền tảng của mối quan hệ Mỹ - Trung và kêu gọi ông Trump nên “hiểu tầm quan trọng này”.
Ông Trump đã loại việc gặp bà Thái trong chuyến đi của bà tới Mỹ lần này và nói rằng sẽ “hơi không thích hợp” để gặp gỡ bất cứ ai trước khi ông lên nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
 http://www.voatiengviet.com/a/thuong-nghi-si-ted-cruz-thong-doc-texas-tiep-tong-thong-dai-loan/3668775.html



Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ cho Tổng thống Đài Loan quá cảnh




Tư liệu - Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Tư liệu - Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.
Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm thứ Năm cho biết Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sẽ quá cảnh ở Mỹ khi bà đang trên đường đến thăm Châu Mỹ Latin vào tháng sau. Thông báo này đã khiến Trung Quốc giận dữ và nước này kêu gọi Mỹ ngăn chặn bất kỳ lượt quá cảnh nào như vậy.
Bộ Ngoại giao Đài Loan cũng nói rằng chi tiết về những lượt quá cảnh sẽ được công bố trước cuối tuần này.

Trung Quốc nói ý định của bà Thái là rõ ràng và kêu gọi Mỹ không cho bà nhập cảnh.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể tuân thủ chính sách ‘một Trung Quốc’... và không cho phép bà ta đi qua biên giới của họ, không gửi đi bất kỳ tín hiệu sai lạc nào tới những lực lượng đòi độc lập cho Đài Loan, và thông qua những hành động cụ thể giữ gìn mối quan hệ Mỹ-Trung tổng thể cùng hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan," Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.

Chi tiết về việc quá cảnh đang được theo dõi sát sao trong khi truyền thông Đài Loan loan tin bà Thái sẽ tìm cách gặp gỡ nhóm chuyển tiếp của Tổng thống đắc cử Donald Trump trước lễ nhậm chức ngày 20 tháng 1 của ông.
Ông Trump đã khiến Trung Quốc nổi giận khi ông nói chuyện với bà Thái trong tháng này, một hành động đi ngược lại tiền lệ nhiều thập niên qua và khơi lên nghi vấn về cam kết của chính quyền sắp tới của ông đối với chính sách "một Trung Quốc" của Bắc Kinh.
Mỹ chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc vào năm 1979 và đã công nhận lập trường của Trung Quốc là chỉ có "một Trung Quốc" và rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc.

Hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc, cùng với một số tàu chiến đi theo, đã tiến gần Đài Loan trong tuần này, theo sau những cuộc diễn tập không quân cũng diễn ra gần Đài Loan.
Văn phòng của bà Thái hồi đầu tháng này cho biết bà sẽ tới thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador theo trình tự. Bà sẽ rời Đài Loan vào ngày 7 tháng 1 và quay trở lại vào ngày 15 tháng 1.
http://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-canh-bao-my-cho-cho-tong-thong-dai-loan-qua-canh/3655888.html

Tổng thống Đài Loan quá cảnh ở Mỹ trên đường thăm Trung Mỹ




Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn điện đàm với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ở Đài Bắc, Đài Loan. (Hình do Văn phòng Tổng thống Đài Loan cung cấp)
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn điện đàm với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ở Đài Bắc, Đài Loan. (Hình do Văn phòng Tổng thống Đài Loan cung cấp)
Máy bay chở Tổng thống Đài Loan hôm thứ Bảy đã hạ cánh xuống thành phố Houston tại bang miền nam Texas của Mỹ trên đường đi thăm các nước Trung Mỹ.
Tổng thống Thái Anh Văn sẽ không gặp gỡ Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hay bất kỳ quan chức nào của ông, nhóm chuyển tiếp của ông cho biết. Ông Trump đã nhận một cuộc gọi bất ngờ từ bà Thái vào tháng trước.
Bà Thái trước đó không cho biết bà có thể liên lạc với ai trong khoảng thời gian một ngày bà ở Houston trên đường đến Trung Mỹ, hay lúc bà ở San Francisco cũng trong một ngày khi bà bay về nước.
Đại sứ quán Mỹ trên thực tế tại Đài Bắc - Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan - cho biết những lượt quá cảnh của bà Thái, một phép lịch sự mà Washington thường dành cho những nhà lãnh đạo Đài Loan trên đường đến Châu Mỹ Latin, chỉ cho việc riêng tư mà thôi.
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối những lượt quá cảnh tại Mỹ của nhà lãnh đạo Đài Loan và dự kiến sẽ phản ứng nếu bà Thái cho thấy những dấu hiệu mới của việc tiếp cận ông Trump.
Trung Quốc coi đảo Đài Loan tự trị là một phần lãnh thổ của mình, không phải là một nhà nước có quyền thiết lập quan hệ đối ngoại.
Bà Thái sẽ thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador trong chuyến đi kéo dài chín ngày của bà.
http://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-dai-loan-qua-canh-o-my-tren-duong-tham-trung-my/3667220.html
 
  Tổng thống Đài Loan gặp chính khách Mỹ, Trung Quốc giận dữ


media 
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (G) tại phi trường Taoyuan ngày 7/01/2017, khi lên đương công du Trung Mỹ và quá cảnh Hoa Kỳ.
Bắc Kinh hôm nay, 09/01/2016 đã lên tiếng « kiên quyết phản đối » cuộc tiếp xúc giữa tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz tại Houston, tiểu bang Texas (Hoa Kỳ) hôm 08/01 vừa qua. Cuộc gặp được tổ chức nhân dịp tổng thống Đài Loan quá cảnh nước Mỹ trên đường công du một số quốc gia châu Mỹ La Tinh. Trung Quốc cũng bật đèn xanh cho báo chí đe dọa « trả thù » Washington và Đài Bắc.
Trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng xác định : « Chúng tôi cực lực phản đối lãnh đạo Đài Loan viện cớ quá cảnh để tiếp xúc với các quan chức Mỹ, và âm mưu phá hoại quan hệ Trung-Mỹ ». Phát ngôn viên này đồng thời kêu gọi Mỹ tuân thủ chính sách một nước Trung Hoa và « thận trọng xử lý » các vấn đề liên quan đến Đài Loan.
Trước đó, trong một bản thông cáo, thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz, cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng Hòa đã bị thua ông Donald Trump trong vòng bầu cử sơ bộ, cho biết là ông đã gặp bà Thái Anh Văn ở thành phố Houston vào cuối tuần qua, và hai bên đã thảo luận về các thương vụ vũ khí, trao đổi ngoại giao và quan hệ kinh tế.

Thượng nghị sĩ bang Texas còn tiết lộ việc Bắc Kinh gây sức ép đối với ông để không tiếp xúc với nữ tổng thống Đài Loan. Trên vấn đề này, ông Ted Cruz nói thẳng : « Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cần phải hiểu rằng ở Mỹ, chính chúng tôi là người tự quyết định về việc đón tiếp và gặp gỡ khách của mình ».
Ông nói tiếp : « Người Trung Quốc đâu có cho Mỹ quyền phủ quyết đối với những người mà họ gặp. Chúng tôi sẽ tiếp tục gặp bất cứ ai, kể cả người Đài Loan, nếu như chúng tôi thấy phù hợp ».
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã quá cảnh Houston hôm 08/01 trên đường đi thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador, các nước vùng châu Mỹ La Tinh đã công nhận Đài Loan là quốc gia độc lập. Ngay trước lúc lãnh đạo Đài Loan lên đường, Bắc Kinh đã liên tiếp đòi Mỹ phải cấm cửa, không cho lãnh đạo Đài Loan quá cảnh, điều đã bị Hoa Kỳ bác bỏ.
Dĩ nhiên là ngoài việc lên tiếng phản đối về mặt ngoại giao, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho báo chí đả kích Mỹ và Đài Loan.
Theo hãng tin Pháp AFP, tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã lên tiếng dọa Mỹ rằng Bắc Kinh đã « chuẩn bị đầy đủ » cho việc phá vỡ quan hệ với Hoa Kỳ, nếu ông Trump từ bỏ chính sách một nước Trung Hoa.
Không chỉ nhắm vào Mỹ, tờ báo theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn đe dọa rằng Hoa Lục có thể có những động thái gây áp lực quân sự lên Đài Loan, và sẽ « giáng một đòn mạnh » vào kinh tế Đài Loan.
Sau khi kết thúc vòng công du châu Mỹ La Tinh, nữ tổng thống Đài Loan trên đường về sẽ lại quá cảnh Hoa Kỳ ngày 13/01), nhưng tại San Francisco.


Báo Trung Quốc: Bắc Kinh sẽ ‘trả đũa’ nếu ông Trump không tôn trọng chính sách một Trung Quốc




Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên đường thăm các nước Nam Mỹ
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn trên đường thăm các nước Nam Mỹ
Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước Trung Quốc cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump rằng Bắc Kinh sẽ “trả đũa” nếu ông không tôn trọng chính sách một Trung Quốc. Lời cảnh báo được đưa ra chỉ vài giờ sau cuộc dừng chân gây tranh cãi của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ở Houston, Mỹ.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đã gặp gỡ các nhà lập pháp cấp cao của đảng Cộng hòa Mỹ trong chặng dừng ở thành phố Houston hôm Chủ nhật trong chuyến đi tới Trung Mỹ, nơi bà sẽ đến thăm Honduras, Nicaragua, Guatemala và El Salvador. Bà Thái cũng sẽ dừng chân ở San Francisco, Mỹ, vào ngày 13 tháng 1 khi quay trở về Đài Loan.
Trung Quốc đã yêu cầu Hoa Kỳ không cho phép bà Thái nhập cảnh hoặc có các cuộc gặp chính thức ở cấp độ quốc gia, theo chính sách một Trung Quốc.

Bắc Kinh lâu nay xem Đài Loan là một tỉnh phản loạn của Trung Quốc và Ðài Loan không đủ tiêu chuẩn để thiết lập quan hệ nhà nước với nhà nước. Đây là một vấn đề nhạy cảm đối với Trung Quốc.
Một bức ảnh đăng trên trang Tweeter của Thống đốc bang Texas Greg Abbott cho thấy trong cuộc họp của ông với bà Thái có cờ Mỹ, cờ của bang Texas và cờ của Đài Loan trên bàn họp. Hôm thứ Hai, văn phòng của bà Thái cho biết bà cũng đã nói chuyện điện thoại với Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người đứng đầu Ủy ban Thượng viện đầy quyền lực phụ trách về vấn đề vũ trang. Bà Thái cũng đã gặp gỡ Thượng nghị sĩ Ted Cruz của bang Texas.


Bài xã luận trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 8/1 khuyến cáo:
“Việc tôn trọng nguyên tắc (một Trung Quốc) không phải là một yêu cầu bất thường của Trung Quốc đối với các tổng thống Mỹ, nhưng nghĩa vụ của các tổng thống Mỹ là duy trì mối quan hệ Mỹ - Trung và tôn trọng trật tự hiện hữu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Tờ báo Trung Quốc cảnh báo thêm rằng “Nếu ông Trump từ bỏ chính sách một Trung Quốc sau khi nhậm chức, người dân Trung Quốc sẽ yêu cầu chính phủ trả đũa. Không có sự thương lượng”.
Hồi tháng trước, Bắc Kinh đã giận dữ phản đối ông Trump về việc nhận cuộc gọi điện thoại chúc mừng của bà Thái Anh Văn và đặt nghi vấn về cam kết của Hoa Kỳ đối với quan điểm của Bắc Kinh là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
 http://www.voatiengviet.com/a/bao-trung-quoc-bac-kinh-se-tra-dua-neu-ong-trump-khong-ton-trong-chinh-sach-mot-trung-quoc/3669134.html




Trump cũng sẽ xoay trục qua châu Á nhưng mạnh hơn Obama


media 
Tàu chiến Mỹ USS Bonhomme Richard (LHD 6) hoạt động ở Biển Đông. Ảnh ngày 06/10/2016. Nghị sĩ Randy Forbes muốn tăng cường lực lượng Hải quân Mỹ trong khu vực.Reuters
Trong một vài tháng nay, các cuộc thảo luận về chính sách đối ngoại của tân chính quyền Donald Trump tại Hoa Kỳ thường tập trung trên hai hai hồ sơ nổi cộm là quan hệ Mỹ-Nga và cuộc chiến chống khủng bố. Điều này đã tạo nên tâm lý quan ngại nơi các đồng minh châu Á của Mỹ về việc có thể bị Washington lơ là. Trong một bài nhận định ngày 08/01/2017, nhật báo có uy tín tại Mỹ, The Washington Post đã có ý kiến ngược lại, cho rằng « Trump có thể biến chính sách xoay trục qua châu Á của Obama thành hiện thực (Trump could make Obama’s pivot to Asia a reality) ».
Theo nhật báo Mỹ, trong hậu trường, ê kíp của người lãnh đạo Nhà Trắng trong tương lai đang chuẩn bị một chính sách xoay trục qua châu Á theo kiểu cách của riêng mình, với nhiều yếu tố quan trọng : (1) thể hiện lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc ; (2) tập trung củng cố các liên minh khu vực ; (3) quan tâm nhiều hơn đến Đài Loan ; (4) nghi kỵ Bắc Triều Tiên nhiều hơn ; (5) tăng cường sự hiện diện của hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương.

Chính sách này thực ra cũng có tác dụng hiện thực hóa tham vọng của chính quyền Obama muốn tăng cường sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Đối với Washington Post, có nhiều tín hiệu cho thấy là châu Á sẽ là một trọng tâm hàng đầu của một số gương mặt chủ chốt trong chính quyền mới tại Hoa Kỳ.
Ông Rex Tillerson, người được ông Donald Trump đề cử làm ngoại trưởng, mới đây đã nêu bật mối quan ngại về Trung Quốc trong các cuộc họp với các nghị sĩ. Những người tham gia các cuộc họp đã khẳng định với nhà bình luận tờ Washington Post rằng ông Tillerson đặc biệt rõ ràng về sự cần thiết phải chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa và bành trướng tại Biển Đông.

Các nguồn tin từ ê kíp chuẩn bị nắm quyền tại Nhà Trắng cũng cho biết là ông Stephen K. Bannon, trưởng nhóm chiến lược gia của ông Trump, rất quan tâm đến chiến lược châu Á. Nguyên là một sĩ quan Hải Quân phục vụ trong hạm đội Thái Bình Dương, ông Bannon và nhiều quan chức hàng đầu khác trong chính quyền Donald Trump đều cho rằng sở dĩ trục châu Á của tổng thống Obama thất bại, đó là vì chi tiêu quốc phòng không đủ, khiến ông không thực hiện được lời hứa gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực.
Còn về các đại sứ, các nguồn tin trên cũng ghi nhận việc ông Trump chọn các chuyên gia châu Á hàng đầu vào công việc này. Ông Trump chẳng hạn đang chuẩn bị cử ông Ashley Tellis, một cựu quan chức Nhà Trắng và chuyên gia nổi tiếng về Ấn Độ, làm đại sứ Mỹ tại Ấn Độ. Trước đó ông cũng đã cử thống đốc bang Iowa Terry Branstad, một người quen thuộc với Trung Quốc, làm đại sứ Mỹ ở Bắc Kinh.

Theo The Washington Post, chính quyền Nhật Bản có thể không vui mừng về việc ông Trump dự kiến chọn doanh nhân William Hagerty làm đại sứ Mỹ ở Tokyo. Nhưng chính phủ Nhật Bản chắc hẳn đã cảm thấy được tôn trọng khi thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là lãnh đạo thế giới đầu tiên mà ông Trump gặp sau cuộc bầu cử.
Có nhiều lý do để tin rằng chính quyền Trump sẽ phải dành sự quan tâm đến châu Á trong những tháng hoạt động đầu tiên. Việc chọn ông Peter Navarro đứng đầu Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia là một dấu hiệu cho thấy một cuộc đụng độ kinh tế với Bắc Kinh có thể sớm xẩy ra. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thói quen là luôn thách thức các tân tổng thống Mỹ bằng một số hành động khiêu khích.
Đối với nhật báo Mỹ, trọng tâm hướng về châu Á sẽ có lợi cho tổng thống Donald Trump, cho phép ông biện minh được cho chủ trương sưởi ấm lại quan hệ với Nga. Chính quyền có thể lập luận rằng Nga là một cường quốc khu vực gần như là không có vấn đề, trái với một Trung Quốc đang vươn lên và càng lúc càng hung hăng.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20170109-trump-cung-se-xoay-truc-qua-chau-a-nhung-manh-hon-obama



Vụ tin tặc Nga : Donald Trump chấp nhận kết luận của cơ quan tình báo


media 
Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump ngày 9/11/2016 tại New York.REUTERS/Andrew Kelly/File Photo
 
Tổng thống tân cử Donald Trump chấp nhận kết luận của các cơ quan tình báo khẳng định Nga đã tiến hành một chiến dịch tấn công mạng gây rối cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Trong khi đó, tổng thống mãn nhiệm Barack Obama thừa nhận đánh giá thấp « tác động » của vụ tin tặc Nga.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News ngày hôm qua 08/01/2017, chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, ông Reince Priebus, cho biết là tổng thống đắc cử « đồng ý trong trường hợp đặc biệt này, vụ việc có dính dáng đến Nga », trước khi cho biết thêm là có thể sẽ có những « hành động đáp trả ».
Tuyên bố này được đưa ra sau cuộc hội kiến giữa Donald Trump và các lãnh đạo an ninh và tình báo hôm thứ Sáu 06/01. Dù vậy, trên Twitter, tổng thống tân cử Mỹ vẫn nhấn mạnh đến việc « có một mối quan hệ tốt sẽ là một điều tốt » cho Hoa Kỳ. Theo ông, « duy chỉ có những kẻ "ngu đần" hay "ngốc nghếch" mới nghĩ đó là điều xấu. Nước Mỹ đã có quá nhiều vấn đề trên thế giới nên không cần tạo thêm nữa. Một khi tôi sẽ là tổng thống, nước Nga sẽ tôn trọng chúng ta hơn bây giờ ».

Về phần mình, tổng thống mãn nhiệm Barack Obama trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC hôm qua 08/01/2017 nhìn nhận là đã « đánh giá thấp » tác động của vụ tin tặc lên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, ông Obama cũng phủ phận đã đánh giá thấp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.
Cuối cùng, tổng thống Mỹ kêu gọi phải có một sự « cảnh giác » từ các đồng minh, nhất là những nước như Pháp, Đức – các quốc gia sắp diễn ra các cuộc bầu cử quan trọng trong năm nay, và kể cả khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO.

AFP nhắc lại, trong một báo cáo được công bố hôm thứ Sáu, các cơ quan an ninh và tình báo Mỹ khẳng định mục tiêu của chiến dịch quấy nhiễu thông tin và tấn công tin tặc của Nga là nhằm phá hoại tiến trình bầu cử dân chủ của Mỹ, gây bất lợi cho bà Hillary Clinton và tăng cơ may thắng cử của nhà tỷ phú Mỹ có xu hướng dân túy, bằng cách làm mất uy tín của ứng viên đảng Dân chủ.
 

Ông Trump mắng phe phản đối quan hệ tốt với Nga

  • 8 tháng 1 2017

Tổng thống tân cử Donald Trump đăng một loạt ý kiến trên Twitter, chỉ trích những người phản đối mối quan hệ tốt đẹp với Nga.
Ông gọi những người phản đối là 'ngu dốt' hoặc 'điên rồ'.
Ông Trump tuyên bố sẽ hợp tác với Nga để 'giải quyết một số trong rất nhiều những vấn đề và thách thức của THẾ GIỚI!'
Các bình luận của ông được đưa ra sau khi có báo cáo của các cơ quan tình báo nói Tổng thống Nga đã tìm cách giúp đỡ để ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử.
Ông Trump đổ lỗi cho đảng Dân chủ đã 'khinh suất' khiến cho hệ thống máy tính bị xâm nhập.
Cũng trong một số nhận định đăng trên Twitter vào hôm thứ Bảy 07/01, ông Trump nói tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga 'không có gì xấu' và chỉ có 'những kẻ ngu dốt, hoặc điên rồ, mới cho rằng chuyện này là tệ hại!'
Trump-Russia

Ông Trump nói thêm rằng Nga sẽ tôn trọng Hoa Kỳ hơn khi ông là tổng thống.
Khi còn tranh cử, ông Trump cũng thường xuyên nói rằng sẽ nỗ lực cải thiện mối quan hệ với Nga.
Ông cũng nhiều lần đặt dấu hỏi với cơ quan tình báo về cáo buộc Nga tấn công tin tặc để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ.
Trump-Russia

Ông Trump viết trên Twitter: "Lý do duy nhất vụ tấn công tin tặc được đem ra thảo luận là vì đảng Dân chủ đã thất bại nặng nề khiến họ đang rất xấu hổ!"
Ông ám chỉ về việc email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ bị xâm nhập trong thời gian đang diễn ra tranh cử.
Những kết luận chính trong báo cáo của các cơ quan tình báo:
  • Tài khoản email của Ủy ban Quốc gia Dân chủ và một số nhân vật chủ chốt của Đảng Dân chủ bị xâm nhập.
  • Dùng những trang như WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để công bố thông tin có được sau khi xâm nhập.
  • Dùng kinh phí từ nhà nước để tuyên truyền và trả cho các mạng xã hội hoặc các tranh 'châm biếm' để đưa những nhận định xấu.

No comments: