Monday, February 27, 2017

NGUYỄN XUÂN TƯỜNG VY * MẮT THUYỀN





Mắt Thuyền
Nguyễn Xuân Tường Vy
Biển lặng những ngày sau. Tôi vẫn không đủ can đảm nhìn xuống lòng đại dương sâu hút. Đôi mắt thuyền vẫn ở đó. Trong thâm tâm tôi biết đôi mắt ấy vẫn dõi theo tôi từ khi rời khỏi mặt nước. Biển trong lòng tôi đã lặng. Cả những lượn sóng sôi. Nhưng đôi mắt vẫn ở đó trong sâu tận đáy lòng. Đôi mắt làm bằng ván của quê tôi, của Tam Kỳ tuổi thơ, của những gốc phi lao rì rào. Những gốc cây trơ gầy vậy mà chúng cũng ghép lại được để chở mang tôi ra xa, vượt những ngọn sóng, vượt những lượn triều, vượt trời nước mênh mông để khi tôi quay nhìn lại thì Tam Kỳ đã biến mất. Quê tôi không biến mất, Tam Kỳ chưa biến mất. Tam Kỳ gửi theo tôi đôi mắt ván thuyền.
Đó là năm 1983, khi tôi bước chân xuống chiếc thuyền chòng chành ở mấp mé bờ nước. 
Thuyền đi đã bao lâu, tôi không thể nhớ. Tôi thức giấc giữa lòng ghe. Chung quanh im phắc. Ánh sáng lờ mờ từ nắp ghe hắt xuống những thân người nằm ngồi ngả nghiêng.
 
Các chị tôi ngồi dựa lưng vào thành thuyền, lờ đờ. Mùi nôn mửa xú uế trùm kín vùng không gian hẹp. Ngộp thở, tôi lại muốn nôn. Nhưng bao tử thắt chặt co bóp. Không còn gì để nôn ra. Tôi bò về phía có ánh sáng. Không ai la mắng khi tôi bò lên thân họ, dẫm lên mặt họ. Tôi đưa đầu lên khoảng sáng. Mùi gió mặn thốc vào mặt làm tôi tỉnh táo. Biển nhám hiện ra lờ mờ trong vũng sương. Trời và nước cùng xám đục. Hình dáng vài chiếc ghe hiện lên xa tít, lung linh mờ ảo như buổi sáng ban mai đang êm dịu.
Đêm qua, chúng tôi rời bến Bình Triệu. Thuyền xoáy đuôi tôm từ bên này bờ sang bên kia thì mắc cạn. Những giây phút chờ nước lên trở thành vô tận. Lúc đó tôi còn hồi hộp, tim đập thình thịch vì cách nhổ bãi chớp nhoáng. Hầm tàu tối om. Mọi người co rút lặng lẽ. Người theo đạo Công Giáo lẩm nhẩm đọc kinh. Người theo đạo Phật lầm thầm tụng niệm. Lúc chiều tôi để ý nhiều người xách theo tượng Phật và cả nhang đèn. Con người cầu cạnh Thượng Đế những khi yếu đuối nhất. Sao không yếu đuối khi tất cả diễn ra mong manh vừa thúc đẩy mỗi chúng tôi dấn bước vào định mệnh.
Từ buổi chiều nhập nhoạng, chúng tôi theo người dẫn đường đến tụ tập tại điểm hẹn tại một ngôi nhà thờ trong khu cư xá Tam Đa. Gia đình tôi và các anh chị họ được đưa đến đầy đủ. Thánh lễ chiều vừa xong, giáo dân lục tục ra về. Chúng tôi vào nhà thờ cầu nguyện. Đức Mẹ giang tay an ủi. Chúa Giêsu cúi nhìn từ thánh giá. Trời tối mau. Cơn mưa rả rích từ chiều vẫn chưa dứt. Ở bên ngoài, tôi thấy thêm nhiều tốp người đứng lố nhố. Họ không phải giáo dân ở đây. Như chúng tôi, họ chờ giờ khởi hành. Tôi thấy Má bắt đầu bồn chồn. Đứa em nhỏ tám tháng của tôi khóc leo nheo. Đám đông đứng lớ ngớ, tay xách nách mang. Trong chiếc giỏ bàng ở chân cột có hình Quán Thế Âm và bát nhang.
« Không biết họ đi đâu ? Hôm nay làm gì có chầu ».
Một con bé đang nhảy dây nơi sân đứng lại hỏi han. Không ai trả lời cho nó. Mắt tôi nhìn sững vào vòng dây quay đều trên sân. Tôi cũng hay cột hai tà áo dài để nhảy dây ở sân nhà thờ sau buổi lễ. Đám bạn tôi, Bích, Yến, Mai, Tươi. Chúng nó có thắc mắc tìm tôi sau buổi lễ chiều nay ? Chúng nó có biết tôi đang ở đây, chờ một chuyến đi để phải xa chúng nó mãi mãi ?
Bóng tối lan nhanh. Mưa vẫn phớt mặt Chúa qua lớp tôn chắn kêu rào rào. Chúng tôi đứng ép vào hiên nhà thờ. Ông Từ nhà thờ bảo chúng tôi vào xin phép cha xứ. Nhà thờ đã đến giờ đóng cửa. Tôi thấy hai cánh tay Chúa chịu nạn vươn dài khỏi lỗ đinh rướm máu. Hai cánh cửa nhà thờ đóng lại. Không thể chờ ở đây, chúng tôi phải đi đâu đó khỏi khuôn viên nhà thờ. Đám người lục tục xách giỏ lên tay. Ai cũng nhìn nhau lo lắng. Ba và bác Niếp tới kịp ngay lúc ấy. Không cần hiệu lệnh, chúng tôi vội theo sát chân hai ông. Đám người bước hỗn loạn, tất tả trong con hẻm nhỏ ra bến đò. Mỗi người thúc nhau đi mau. Tôi xách đôi dép da chạy theo Ba. “Họ đi đâu mà đông dữ vậy ?". “Chắc đi ăn đám giỗ”. Cánh đàn ông trong hãng cưa đứng bên kia đường láo xáo hỏi. Không ai trả lời. Chúng tôi cắm đầu chạy. Mưa rơi lất phất lên tóc tôi, lạnh tanh trên trán, rồi lạnh buốt da mặt. Mặc, tôi cứ chạy. Thuyền neo tại bến đò. Một mảnh ván xiêu bắc ngang làm cầu. Ba tôi đứng bên kia đầu ván, kéo tay chị em chúng tôi và đẩy từng đứa xuống hầm. Tôi rớt xuống vùng không gian tối mù, đôi dép văng khỏi tay lúc nào không rõ. Chung quanh tôi, tiếng người và dép guốc rơi lộp bộp. Trong bóng tối, chị em chúng tôi tìm nhau. Má và mấy đứa em nhỏ không ở chung khoang thuyền. Tôi chỉ tìm thấy tay của các chị. Không có cảm giác nào an toàn hơn được nắm tay người thân của mình trong bóng tối lo âu, mịt mùng đầy bất trắc. Thuyền nổ máy. Tiếng vang rền, dòn tan. Mùi dầu, khói. Thuyền rú ga phóng ra khỏi bến, nhưng chỉ được ít phút, bỗng khựng lại. Máy thuyền tạch tạch một lúc rồi tắt lịm. Không khí đông cứng. Ngột ngạt. Mọi tiếng thì thầm bặt câm. Chúng tôi nín thở. Tôi nghe tiếng nước vỗ róc rách vào mạn thuyền ; tiếng mưa rơi long tong lên mặt ván gỗ trên đầu. Thỉnh thoảng, có tiếng ghe máy sè sè vọng lại. Tim tôi vồng lên hồi hộp. Thời gian trôi chậm nặng nề. Nắp hầm đột nhiên mở rộng. Bác Niếp nói vọng xuống, thuyền mắc cạn, phải chờ nước lên. Mọi người tuyệt đối giữ im lặng. Hầm thuyền vẫn tối om. Mồ hôi tôi đổ đẫm lưng áo. Lưng con gái sớm biết sợ. Tôi khua tay tìm bàn tay chị. Chị đang lần hạt bằng những đốt ngón tay ẩm. Ngón tay chị lạnh ngắt. Một lát, có tiếng ì oạp của mái chèo, tiếng lục cục của gỗ va vào nhau. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Nhất định là công an đến kiểm tra.
“Anh Uyển ơi, về đi. Trên bờ họ biết cả rồi. Họ còn biết thuyền đang mắc cạn nữa”. Tôi nhận ra giọng nói của chú Tôn. Chắc chú lọt lại trên bờ khi thuyền vội vã rời bến khi nãy. Tim tôi lại dội lên thình thịch. Trên bờ họ biết cả rồi. Chẳng mấy chốc, công an sẽ đến. Trời ơi ! Nhóm tổ chức toàn là những người bạn tù của ba. Cái tội “Nguỵ" chưa ráo, tội vượt biên sẽ mang họ về đâu. Tôi tưởng tượng đến lúc ba bị bắt đưa vào trại cải tạo lần nữa. Hiện ra trước mắt tôi đồi núi Nghệ Tĩnh khô cằn. Cả vùng chỉ trồng toàn sắn là sắn. Ba ốm nhom trong bộ quần áo lao động. Lưng áo ba đóng triện đỏ. Ba chữ Tù Cải Tạo đỏ lòm như cổng chào. Tiếng mái chèo ì oạp xa dần. Tôi thầm mong ba nghe lời chú Tôn lên ghe vào bờ. Nhưng hai cha con chú quyết định ở lại. Ba cũng ở lại. Tôi lại tìm tay chị. Chị vẫn lần hạt bằng những đốt ngón tay ẩm. Tôi lầm thầm đọc kinh, nghĩ đến cánh tay Chúa Giêsu chịu nạn. Tay Chúa có lạnh giá ? Lưng Chúa có đổ mồ hôi ? Dù Chúa ở trong nhà thờ đóng cửa, chị em tôi vẫn cầu nguyện. Tôi lần hạt hết Năm Sự Thương, Năm Sự Mừng, Năm Sự Vui mà nước vẫn chưa lên. Tôi chưa bao giờ lần hạt nhiều đến như vậy.
Tôi giật mình bởi những tiếng súng nổ. Thuyền tăng tốc độ. Máy rú gầm, phóng lao. Chị em tôi nắm chặt tay nhau kinh sợ. Thuyền bốc thêm người ở 2 nơi. Địa điểm thứ nhất lên được cả. Địa điểm thứ 2 bị công an gác bến đuổi bắn. Chúng tôi phóng chạy, bỏ lại một số người. Sau này tôi được biết vì thuyền mắc cạn 2 giờ đồng hồ, công an gác bến đổi phiên. Toán công an sau không được ăn chia nên ra lệnh bắn. Hầm thuyền vẫn tối mù. Khoang tàu như thu nhỏ lại với số người mới lên. Chúng tôi ngồi dèn lên nhau, lưng khòm theo mạn thuyền. Hơi người hầm hập. Thuyền sóc mạnh. Vài người bắt đầu nôn oẹ. Tôi muốn ngộp thở. Mùi nôn mửa bốc lên chóng mặt. Chị đã thôi lần hạt bằng những ngón tay ẩm. Chị cũng gập người nôn thốc tháo. Tôi dựa vào vai chị, người mệt bã. Tôi nhắm mắt. Khoang thuyền tối. Tôi mở mắt. Khoang thuyền vẫn tối bưng. Khi mở mắt tôi không thấy gì ngoài bóng tối. Nhưng nhắm mắt tôi có thể hình dung đến tương lai. Tôi hình dung đến bờ bên kia của biển cả. Vượt biên đối với tôi lúc ấy giống như đi đò từ bên này sông sang bên kia sông. Chỉ một lát thôi, tôi sẽ đến bến. Ý nghĩ ấy làm tôi nhắm nghiền mắt lại. Tôi thiếp dần vào giấc ngủ mê mệt. Trong giấc ngủ, hình ảnh Ba còm cõi cuốc đất trồng sắn không ngừng ám ảnh.
Cũng ngay tại đây, ngay tại ga xe lửa Bình Triệu, lần đầu tiên tôi biết đến sân ga. Chúng tôi mua vé tàu suốt đi từ ga Bình Triệu đến ga Vinh. Ba bị tù “cải tạo” ở đó. Chúng tôi mới được giấy phép thăm nuôi. Ba ra đi biệt tăm từ tháng 05/1975. Bây giờ đã là tháng 06/1979. Tôi được 10 tuổi, bằng tuổi của Má ngày di cư vào Nam.
Gia đình tôi gốc Bắc. Hai bên Nội Ngoại di cư vào Nam năm 1954. Chị em chúng tôi hầu hết sinh ra ở miền Trung, theo bước chân hành quân của Ba. Tôi sinh ở Quảng Ngãi. Em M sinh ở Quảng Tín. Em K sinh ở Tam Kỳ. Gia đình tôi ở Tam Kỳ cho đến ngày phải di tản về Sài Gòn. Tam Kỳ mưa phùn lạnh lẽo trong trí nhớ tôi non nớt. Tôi đứng bên song cửa thèm thuồng nhìn những đứa trẻ hàng xóm long nhong tắm mưa. Má cấm chị em tôi dầm mưa. Mùa Đông Tam Kỳ chúng tôi mặc áo măng tô bên trong, áo mưa bên ngoài chờ chú Mới đưa đi học bằng xe Jeep. Thỉnh thoảng chú chở chúng tôi vào căn cứ Chu Lai thăm Ba bận việc không về nhà. Căn cứ Chu Lai có lá Quốc Kỳ Vàng bay phất ở cổng vào. Cuối tuần chú chở chúng tôi ra Đại Chủng Viện Đà Nẵng thăm Bác dạy học tại đó. Chúng tôi chạy nhảy tha hồ dưới những cây dừa rụng bông trắng xoá. Ba hay vắng nhà, chúng tôi ở nhà với Má và bà vú. Chị em tôi hay cười khi bà bảo, en cem meo meo rồi đi ngủ hỉ. Mỗi chiều, tôi chờ tiếng xe Vespa của Ba reo vui ở đầu ngõ. Chị em tôi chạy ùa ra đường, đứa trèo đứng đằng trước, đứa leo đằng sau để Ba lái xe vào sân nhà. Đêm trăng sáng, trẻ con hàng xóm tụ tập ở sân nhà tôi múa hátChiến tranh đang xảy ra ở căn cứ Chu Lai hoặc nơi nào đó trên quê hương. Nhưng chiến tranh trong tuổi thơ tôi đầy êm đềm vì đã có những người lính như Ba chết để bảo vệ chúng tôi. Cảnh nhà tôi vẫn ấm cúng. Những người lính đem đến ấm cúng, đem đến hoà bình giữa chiến tranh. Chúng tôi yên ấm giữa bom đạn mù loà.
Năm 1974 tôi chỉ mới vài tuổi. Tôi không biết đấy là lúc quân “cách mạng” ồ ạt vượt dãy Trường Sơn để vào “giải phóng” chúng tôi. Anh Lê Văn Tám hy sinh làm bó đuốc sống phá tan kho đạn Thị Nghè. Anh giao liên Kim Đồng thông minh lanh lợi lập nhiều chiến công. Em bé quê dùng dầu gió bắt sống lính Mỹ. Chị Út Tịch mang bầu 7 tháng giả kế mỹ nhân quyến rũ sĩ quan Nguỵ chiếm bót Tám Thế. Sau này tôi được trường học dạy như thế. Tôi học những bài học lịch sử đứt đoạn, từ thời Ngô Quyền nhảy vọt đến cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tháng Ba năm 1975. Chiến tranh lan như vết rắn bò trườn. Ba đi hành quân liên miên. Má lo âu võ vàng. Bom đạn phủ xuống đời sống. Đạn pháo cách mạng rình rập. Lưỡi lê giải phóng canh chừng. Chúng tôi lo lắng. Chú Mới đón chị em tôi ở trường học. Con đường yên tĩnh từ trường về nhà giờ mang đầy thương tích. Dãy phố cháy, khói bốc cao thành cột. Bụi tre ở đầu ngõ bị bom đánh gẫy. Cờ phủ vàng những chiếc quan tài trong xóm. Chiến tranh phơi bày bộ mặt tàn khốc. Tam Kỳ chìm vào lửa. Chúng tôi phải chạy về Sài Gòn bằng máy bay quân sự, không có ghế phải ngồi trên sàn. Ba ở lại với các đồng đội. Khi miền Trung mất, chúng tôi mất liên lạc với Ba nhiều ngày. Ở Sài Gòn ông nội lo lắng từng giây. Hai người con trai của ông còn kẹt lại ở miền Trung không có tin tức. Cả ngày ông ôm khư khư cái radio theo dõi từng biến chuyển của cuộc tháo chạy, sừng sộ với bất cứ một tiếng động nào. Không khí trong nhà nghẹt thở. Cuối cùng, Ba và Chú cũng trở về được vài ngày sau đó. Ông Bà nội rơi nước mắt khi thấy 2 con trai của mình tơi tả bước vào cổng.
Chúng tôi về bên Ngoại tá túc. Bà Ngoại ở gần bến Bạch Đằng. Mỗi chiều, Ba dắt một hai đứa chúng tôi ra bến xem người ta di tản. Họ rủ Ba đi, nhưng Ba lắc đầu. Ba dẫn chúng tôi xuống tàu chơi, rồi lên bờ khi tàu nhổ neo. Sau này, trong những năm Ba ở tù, tôi thường tự hỏi tại sao Ba không theo tàu di tản vào thời gian đó ? Ba có bao giờ ân hận vì cái lắc đầu ngày ấy ? Ba nghĩ gì ? Ba tin vào điều gì ?
Tháng 05/1975, Ba ra trình diện nhà cầm quyền mới. Tôi nhớ ngày đi Ba mặc chiếc áo in hình bánh qui. Bánh rơi đầy vai Ba như có ai vừa mở tung nắp hộp thiếc. Những chiếc bánh qui hình vuông, viền răng cưa thơm thơm ngọt tan trong miệng. Chúng tôi không cho Ba đi. Chúng tôi đeo theo, đứa đu tay, đứa ôm chân. Ba đeo túi lên vai, hẹn mười ngày sẽ về. Em trai út vừa sinh chưa tròn tháng, Ba bảo chờ Ba về hãy rửa tội cho em. Ba thanh thản đến nơi tập trung. Ba nghĩ đến tình anh em Nam Bắc một nhà. Ba tin vào lòng khoan hồng của kẻ chiến thắng. Ba tin vào lời hứa "10 ngày". Nhưng Ba đã thất vọng. Gia đình tôi đã tuyệt vọng. Niềm tin không cứu được Ba. Hoà bình bắt đầu bằng sự khát khao thanh trừng của kẻ chiến thắng. Ba đột nhiên biến mất khỏi cuộc đời chúng tôi lúc đó. Tôi không thể hiểu. Đất nước thanh bình mà gia đình tôi tan nát.
Chị em chúng tôi lớn lên với Má và bà Ngoại trong một căn nhà ở ngoại ô Sàigòn. Hai người đàn bà chật vật nuôi năm đứa trẻ. Chị cả mới lên 8 và em út chưa đầy tháng. Ngoài giờ dạy học, Má đạp xe chạy lùng khắp nơi, đến từng nhà giam trong thành phố tìm tin tức của Ba. Bà Ngoại ở nhà nuôi đứa bé sơ sinh bằng nước cháo pha muối. Đứa bé Ba đặt tên Hoà Bình. Vừa ra đời đã thiếu cha. Ba còn sống hay đã chết ? Đối với mọi người chung quanh, Ba đã không còn hiện hữu. Tấm hình Ba oai phong trong bộ quân phục bị nhét sâu dưới đáy rương, nằm lẫn lộn giữa quần áo cũ và những viên băng phiến hắc. Ba có khác gì một người đã khuất. Chỉ còn thiếu tấm hình của Ba trên bàn thờ là bà Ngoại sẽ xin lễ giỗ cho Ba hàng năm.
Ba ra đi, mang theo những chiếc bánh thơm lừng tuổi thơ của chúng tôi. Nắp hộp thiếc đóng chặt từ ngày ấy. Sau này, lâu lắm, khi sang Mỹ tôi mới được nếm lại mùi bánh qui. Tôi nhai bánh như nhai giấy. Mùi vị không còn ngọt ngào béo ngậy như trong trí nhớ. Tôi không còn là con bé 6 tuổi đeo lên lưng ba vờ ăn bánh. Tôi không còn thèm bánh qui nữa. Tôi thèm ly nước chanh mát lạnh trên đường vượt biển.
Từ lúc lên được boong, tôi không muốn xuống hầm nữa. Boong thuyền không còn chỗ trống. Người nằm ngồi la liệt. Tôi chỉ đủ chỗ dựa lưng vào thùng phi chứa nước. Nước trong thùng chỉ còn lấp xấp. Chúng tôi chưa đi được bao xa. Nước uống phải để dành, phải dè sẻn. Tôi khát khô cổ. Tôi tìm bóng dáng một chiếc tàu ngoại quốc. Tàu nào cũng được. Tàu nào có thể cho tôi một ly nước đá chanh ngọt lịm. Buổi sáng nắng trong. Mặt biển óng ánh như kính nhuyễn. Thuyền phóng băng băng mà cứ như đứng một chỗ, giống xả hết tốc độ mà vẫn như neo lại trên vũng nước. Tôi nhìn đại dương bao la không thấy bến bờ, không thấy tàu bè. Mênh mông bạt ngàn những trận gió. Con thuyền như chiếc tàu giấy con con tôi xếp thả vào ao nước mưa. Những cơn mưa ngập lụt đất Tam Kỳ. Tôi vẽ đôi mắt thuyền nguệch ngoạc. Đôi mắt ấy giờ theo tôi ra đại dương. Cũng như thuyền, tôi chưa bao giờ ra biển. Tôi hoàn toàn không hình dung hết được hiểm nguy chực chờ. Nếu chúng tôi bị giông bão ? Nếu chúng tôi gặp hải tặc ? Nếu chúng tôi chết trên biển ? Dù sao chúng tôi cũng có nhau. Ba nói : chết thì chết cả nhà.
Trời nóng. Gió biển rì rì nhưng vẫn nóng. Mặt trời phả hơi xuống những thân người nằm phơi như cá. Tôi say nắng. Người nóng rực như sốt. Biển trải rộng. Biển vô cùng. Màu xanh bất tận chạy dài ngút ngàn. Tôi thấy bà Ngoại mấp máy, miệng móm mém. Bà pha cho tôi ly nước chanh thật to. Chiếc ly sành vẽ hai con cò trắng lung linh. Uống đi con ! Vậy là chúng mày bỏ bà mà đi. Tôi muốn cầm ly nước bà đưa, nhưng tay mỏi rã rời. Bà Ngoại không đi. Bà ở nhà giữ hộ khẩu, nhỡ bị bắt còn có bà thăm nuôi, còn có nhà để về. Bà nuôi chị em chúng tôi từ ngày giải phóng. Em út tôi là con trai của bà mới đúng. Bà chăm sóc nó từ ngày lọt lòng. Không có bà, tôi biết Má không sao đứng vững được. Chạy về từ Tam Kỳ, chúng tôi không còn gì ngoài hai bàn tay trắng. Chúng tôi mất tất cả. Ngôi nhà nhỏ xinh có mảnh vườn trồng rau. Mỗi buổi sáng tôi theo Ba ra vườn bắt ốc sên. Đất Tam Kỳ đỏ quạch bám nhão gót giầy. Sau nhà có con sông nước lênh láng mỗi chiều. Hoa lục bình trôi tím mặt sông. Tôi dõi mắt cố tìm một cánh lục bình trên biển, chỉ thấy sóng bạc nhấp nhô. Sóng bạc của Thái Bình Dương ngợp nắng. Người tôi vẫn nóng hực. Tôi nhắm mắt lại cho đỡ loá. Lẽ ra chúng tôi đã ra biển trước đây mấy tuần. Lần ấy chủ thuyền định đổ bến gần Bà Rịa. Gia đình tôi từ Sàigòn ra Hải Sơn chờ ngày đi. Ông bà nội ở đó. Ngày đi, bà nội dậy lúc gà gáy, lục đục thổi xôi luộc gà. Chúng tôi mặc quần áo ấm, khăn gói ngồi chờ đến khi trời sáng rõ. Ông nội nói bể rồi không đi được nữa đâu. Giọng ông buồn mà mắt ông lại tựa như đang vui mừng. Ông cười lấp lánh răng vàng. Ông bảo bà rỡ xôi gà ra cho chúng nó ăn. Con cháu ông đã rủ nhau ra biển. Chúng tôi đi, ông chẳng còn ai. Ngày di cư vào Nam, chắc ông chẳng bao giờ ngờ lịch sử lập lại. Con cháu phải bồng bế nhau xa rời quê hương lần nữa.
Chiều đến. Mặt trời biến nhanh lắm. Một thoáng thôi, đã mất hút. Nền trời xám xịt. Gió bắt đầu thổi mạnh. Mây sà xuống boong, trĩu nước. Sóng không còn đập hiền hoà vào mạn thuyền. Từng con sóng giận dữ quật xuống. Sóng nhồi suốt cho đến đêm. Trời tối đen. Tôi không thấy gì ngoài bóng tối đặc sệt. Tôi hình dung đến đôi mắt thuyền phăng phăng rẽ sóng. Thuyền đưa tôi đi qua biển dữ. Gió vẫn mạnh. Sóng đập vào mạn thuyền tung nước lên boong. Thỉnh thoảng mưa đổ ào rồi ngưng. Người tôi ướt đằm. Cái lạnh thấm vào da thịt, buốt giá. Thái Bình Dương đen. Đêm bao la chỉ một ánh đèn le lói trên cabin. Gương mặt chú Thiện căng thẳng. Chú Thiện sĩ quan hải quân bạn Ba. Chú vẫn nghiêm trang ít nói mỗi lần đến nhà. Lần nào chú cũng trốn ngay lên lầu làm việc gì đó với chiếc la bàn. Ba dặn : có người lạ tới phải báo ngay cho Ba. Tôi hồi hộp với vai trò gác cửa, mắt đau đáu nhìn ra ngõ. Đột nhiên có tiếng la to : Tàu lớn kìa ! Tôi mở choàng mắt. Xa thật xa, trong tối đen mịt mù, một ánh đèn bập bềnh ẩn hiện. Mắt tôi mở dán vào vùng không gian phía trước. Ánh đèn chấp chới tựa bóng ma lúc ẩn lúc hiện. Tôi dụi mắt ngỡ mình nằm mơ. Không phải tôi mơ. Ánh sáng có thật. Ánh sáng bừng lên chói lọi như mặt trời vừa mọc. Nhưng lạ quá, ánh sáng cứ bừng lên rồi tắt lịm. Thuyền chao qua. Ánh sáng tắt ngúm. Sóng bắn tung vào người tôi. Thuyền nhảy lên. Ánh sáng bừng lấp lánh. Chúng tôi cứ tiến tới. Tôi tưởng tượng đến con tàu đằng xa. Con tàu đèn điện sáng trưng. Những người đàn ông đàn bà tóc vàng mũi lõ tử tế. Tôi cầm trong tay ly nước đá chanh. Màu xanh lá mạ dịu dàng sóng sánh. Những viên đá nhỏ reo lanh canh. Chúng tôi đi về phía mặt trời ẩn hiện. Sau này tôi biết chẳng phải mặt trời chơi trò ú tim. Chúng tôi đang vật lộn với sóng lớn. Khi sóng đưa thuyền lên cao, tôi nhìn thấy ánh sáng. Khi con thuyền rớt xuống chân sóng, ánh sáng biến mất vào biển đêm. Tôi vẫn rùng mình mỗi khi nghĩ lại.
Chúng tôi vẫn đi về phía mặt trời. Khối đen trước mặt hiện dần hình con tàu. Mặt trời chiếu ra từ cột quan sát. Chúng tôi bật đèn cấp cứu. SOS. Đèn đỏ nhấp nháy. SOS. Chúng tôi đến gần hơn. Boong tàu thấp thoáng bóng người. Tôi không nằm mơ. Thật sự là một con tàu. Một con tàu to kềnh càng. Tôi cầm lấy ly nước đá chanh. Mặt trời vẫn sáng rực trên cao.
"Tàu Liên Xô ! Chạy ra, chạy ra”.
Tiếng người hét thất thanh. Tôi sực nhìn lên. Mặt trời sáng rực loá mắt.
"Cờ búa liềm ! Cờ búa liềm. Trời ơi !"
Tài công dùng dằng, tiếc rẻ. Tôi cũng tiếc. Một con tàu to kềnh hẳn an toàn hơn chiếc thuyền mỏng manh. Tôi thèm được cuộn mình trong chăn ấm. Tôi đang lạnh run. Và khát. Ly nước đá chanh vẫn ám ảnh. Con thuyền quay đầu, phóng chạy. Sau giây phút xôn xao, rồi sợ hãi, mọi người im lặng. Chỉ còn tiếng gió gầm gừ. Chỉ còn tiếng sóng đập tung vùng biển động. Chúng tôi chạy trốn mặt trời.
Cơn bão thứ hai dội xuống đại dương một ngày sau đó. Lúc ấy chúng tôi đã an toàn trú ẩn trong khoang tàu Nhật Shonan Maru. Những con tàu mang ly nước đá chanh không thèm ngừng lại. SOS. Tín hiệu báo lâm nguy chưa đủ thảm thương. Shonan Maru ngừng lại và chúng tôi lập tức leo lên. Ba ghi tên điểm danh 105 người. Số thuyền nhân nhiều gấp 2 số thuỷ thủ trên tàu. Chiếc Shonan Maru chở sinh viên thực tập trên biển. Cả tàu không có một nữ sinh viên. Vị thuyền trưởng cho kéo theo chiếc thuyền rách nát vượt đại dương của chúng tôi. Mắt thuyền lập cập. Thuyền như con nhái bám vào vách giếng. Thuỷ thủ đoàn đưa chúng tôi xuống hầm tàu. Họ không có đủ chăn đắp nhưng sàn tàu sạch sẽ láng bóng. Quanh chỗ tôi nằm là nơi dự trữ gạo. Gạo Nhật hạt to tròn trĩnh. Nấu lên ăn dẻo như cơm nếp. Ngày đầu nhà bếp mang ra một khay cá sống. Từng lát cá tươi rói trong veo bắt mắt nhưng không ai dám ăn. Lúc đó tôi chưa biết mê sushi. Tôi chỉ dám ăn món cháo cá nấu nhão với rong biển suốt những ngày trên tàu.
Sau đêm bão lớn, tôi lò dò lên boong. Biển êm. Gió đã nhẹ lắm tuy sàn tàu vẫn còn đẫm nước. Bên cabin, vài người con trai đứng lố nhố chõ mắt vào 2 ô cửa kính. Tôi cũng tò mò chen vào xem. Bên trong, đám sinh viên Nhật đang xem tivi. Màn ảnh màu rực rỡ hiện ra đôi trai gái. Họ ăn mặc rách nát hơn chúng tôi hôm lên tàu Nhật. Đứa con gái tóc dài đến lưng, quấn 2 mảnh vải tả tơi ôm chầm lấy đứa con trai đóng khố. Những đôi mắt thuyền nhân mở to chiêm ngưỡng. Đó là phim The Blue Lagoon sau này tôi xem khi đến Mỹ. Biển trong phim êm ả không dữ dằn những đợt sóng sôi. Từ chỗ tôi đứng, biển bao la xanh ngắt. Tàu Nhật thênh thang, tôi hay đi thơ thẩn dưới hầm và trên boong. Tôi ngỡ mình đang ngắm biển Cà Ná hùng vĩ từ trên xe lửa. Chuyến xe lửa đưa tôi đi gặp Ba tại trại cải tạo Tân Kỳ. Từ ga Vinh, chúng tôi đi một chuyến xe đò gập ghềnh, thêm một quãng đi bộ mới đến trại. Buổi trưa u buồn vắng vẻ. Cả vùng núi lặng lẽ dưới nắng. Đâu đó vọng lại tiếng gà gáy kêu lơ thơ ở một hốc bụi nào. Xa về phía núi là nơi giam giữ Ba. Chúng tôi chờ Ba cả buổi chiều. Tôi thấy Ba từ ngoài cổng. Ba ốm nhom. Da đen sạm. Tôi chạy thật nhanh ra cổng. Ba đón lấy, nhấc bổng tôi lên lòng. Tôi khóc. Khóc chan hoà vì tưởng sẽ không bao giờ còn được gặp Ba. Khóc cho hết nỗi cô đơn không cha, cho vơi những nhọc nhằn từ ngày giải phóng. Tôi khóc trên vai Ba như tôi đeo lên vai Ba trong ngày Ba ra đi. Vai áo Ba không còn những chiếc bánh thơm. Tôi ngửi mùi nắng cháy khét trong tóc Ba. Ba lấy trong túi ra một nhánh hoa tím.
"Đây là hoa mua, Ba hái cho con. Giống như hoa sim ngoài Bắc mình”.
Lúc ấy tôi chưa biết buồn vì màu tím, cũng chưa thuộc thơ Hữu Loan tím cả chiều hoang biền biệt. Tôi chỉ thấy cảnh tù đày phi lý. Ba có tội gì ? Chúng tôi có tội gì ? Má xoay sở đầu chợ cuối chợ mới mua được vé xe. Chúng tôi đứng nhìn con tàu Thống Nhất sang trọng sáng choang chạy qua trước mắt. Tôi nhặt bao nhiêu lon sắt, giấy vụn ; tôi dang bao nhiêu cơn nắng, nhưng tôi phải đi xe lửa chợ cũ rích ghế gỗ cứng ngắc đau mông. Con tàu Thống Nhất không dành cho tôi một chỗ ngồi như đất nước đã từ chối Ba làm một công dân. Chúng tôi lặn lội 3 ngày ngủ đứng ngủ ngồi trên xe lửa. Chúng tôi bị mất cắp bị chen lấn bị chèn ép trong các toa xe. Qua ngần ấy gian nan để chỉ được gặp Ba một giờ đồng hồ. Chú cán bộ ngồi đầu bàn theo dõi từng cử động. Tôi có bao điều muốn kể với Ba. Nhưng tôi chỉ dám ngồi yên trong lòng Ba. Một giờ đồng hồ qua nhanh như chớp mắt. Tôi và Má đứng ngẩn nhìn Ba bước về trại giam. Lưng áo Ba in chữ đỏ. Tù Cải Tạo.
Tôi theo Ba lên cabin gặp vị thuyền trưởng. Phòng ông có tivi màu và tủ đựng nước ngọt. Ông bấm vào nút, một lon nước ướp lạnh chạy ra. Tôi tròn mắt nhìn ông làm ảo thuật. Ông đưa cho tôi lon nước mở sẵn. Tôi ủ lon nước lạnh ngắt vào đôi tay. Ly nước đá chanh tôi ao ước. Ngụm nước đọng trên đầu lưỡi, lạnh buốt suốt tuổi niên thiếu. Vị thuyền trưởng nói chuyện với Ba bằng cuốn tự điển. Ba nói tiếng Anh. Ông tra tự điển rồi trả lời. Tôi ngồi xem tivi, không hiểu gì cả. Mãi mãi ghi sâu trong trí nhớ tôi vùng không gian nhỏ bé bình yên, màn hình tivi với ngôn ngữ lạ, nước cam lạnh, chiếc tủ nước ngọt, và ông Nhật biết làm ảo thuật. Mỗi lúc tình cờ bấm tivi sang một đài nước ngoài hoặc lạc vào đám đông với ngôn ngữ lạ, tôi thấy mình nhỏ lại như năm 14, ngồi bên cạnh Ba và vị thuyền trưởng. Ba múa tay giải thích với vốn liếng Anh ngữ từ thời đi dạy. Tôi nhìn Ba ung dung, tự tin, nhớ lại những lần đứng thập thò nghe Ba nói chuyện e dè với công an khu phố.
Ba trở về sau 6 năm 6 tháng 22 ngày "cải tạo", thể xác héo mòn, tinh thần kiệt quệ. Tôi không biết thực sự Ba đã được "cải tạo" những gì trong những năm tháng đó, ngoài những cơn đói triền miên và những ngày lao động cực khổ. Ba ra tù, về chịu sự quản thúc của nhà cầm quyền địa phương. Công an dân phố ghé qua sáng chiều. Ở trường học, mỗi tuần chúng tôi xếp hàng đi bộ đến nghĩa trang liệt sĩ làm cỏ. Trời đổ lửa. Chúng tôi mặc áo trắng quần đen đi theo hàng. Nghĩa trang liệt sĩ nằm kề bên con đường lớn. Ở giữa, một khung đài tưởng niệm nhang khói lâm thâm. Lần nào về tôi cũng ấm đầu.
Ra đi là con đường duy nhất để chúng tôi được sống đúng với ý nghĩa một con người. Đối với Ba Má, đó là một sự chọn lựa đau đớn và liều lĩnh. Ra đi là đánh cuộc với mạng sống của 8 thành viên trong gia đình. Tôi không ngạc nhiên vì quyết định của Ba Má. Như thể đó là định mệnh. Chúng tôi không còn con đường nào khác.
Biển lặng những ngày sau đó. Tôi vẫn không đủ can đảm nhìn xuống biển từ lan can tàu. Màu xanh hun hút làm tôi chóng mặt. Nếu không được tàu Nhật vớt, chúng tôi có thể chống nổi với cơn bão chiều ấy ? Biển đẹp man rợ. Biển mênh mang không thấy bến bờ. Biển lan như trên mặt đất chỉ toàn nước. Biển xanh lục như trên mặt đất toàn rêu. Biển nhấp nhô như tinh thần chúng tôi hãy còn chông chênh chưa tin đang hít thở khí quyển tự do.
Chúng tôi dần lại sức. Cháo cá rong biển đậm đà không còn vô vị. Chúng tôi sẽ đáp bến Manila nay mai. Vị thuyền trưởng ra lệnh chặt dây thừng bỏ con thuyền rách nát đã theo chúng tôi dọc Thái Bình Dương. Tôi nhìn đôi mắt thuyền ướt nước ngỡ như đang nhìn chính mình. Chiếc thuyền tang thương bẩn thỉu mang hình ảnh của chúng tôi ngày hôm qua. Đêm nay thuyền sẽ về đâu ? Con mắt thuyền ướt đẫm. Mắt thuyền lặng câm. Thuyền xa bến như tôi xa quê hương. Biết thuyền có tìm được đường về. Thuyền lênh đênh tôi cũng lênh đênh. Thuyền trôi dạt, tôi cũng trôi dạt. Mười bốn năm, tôi mất tuổi thơ 2 lần. Tôi mất Tam Kỳ tháng 04/1975. Năm 1983, tôi mất Sài Gòn. Chiến tranh phá huỷ tuổi thơ. Hoà bình đẩy tôi dạt ra biển cả. Những giọt nước mắt con gái khóc chia tay ; không phải tôi khóc mà mắt thuyền đang khóc.
Nhiều năm sau tôi vẫn nhớ đôi mắt thuyền ai oán. Mỗi khi soi gương tôi vẫn thấy mắt thuyền long lanh trong mắt mình. Tôi mang đôi mắt ấy, đôi mắt Tam Kỳ và những mảnh vụn ký ức không thể ráp nối. Tôi chưa vào đến đất liền. Chưa vào đến Bataan hay hải đảo Palawan huyền hoặc. Tôi trôi mãi trên Biển Đông ở vùng hải phận quốc tế.
Ngày mai mất Biển Đông, tôi sẽ trôi về đâu ?
Nguyễn Xuân Tường Vy
17/04/2009
http://www.hopluu.net

NGUYỄN THỊ HỒNG CÚC * TRUYỆN TÌNH CỦA NGƯỜI TÙ

alt
T

ôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh của Cha tôi, tay mang cái túi xách đựng quần áo và những vật dụng cần thiết, cùng với vài người bạn sĩ quan trong quân đội đi ra trường Tabert ngoài Sài Gòn, trình diện vào 8 giờ sáng hôm đó, họ bảo nhau đi học vài tuần là về. Vài tuần trôi qua, rồi 2, 4, tuần…người ta nhốn nháo chạy ra nơi người nhà trình diện nhưng không thấy một ai, hỏi thăm tin tức từ cơ quan chính quyền họ bảo không biết. Từ đấy những người vợ bắt đầu chạy đôn đáo tìm chồng…Ở đâu có tin tức về người học tập cải tạo là họ tìm cách đi đến hỏi han, bằng mọi cách…


Nhưng tất cả đều mịt mù, không còn hy vọng. Cuối cùng họ biết ra người nhà của họ đang bị học tập cải tạo, phải học thời gian bao lâu không biết trước, chỉ biết khi nào cải tạo tốt sẽ được về. Thỉnh thoảng họ nhận được thư thăm hỏi hoặc nhắn gọi thăm nuôi từ người học tập. Người phụ nữ bấy giờ lại thể hiện vai trò của con cò lặn lội bờ sông, gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non. Có những chị em phụ nữ gan lì, kiên cường bền lòng chặt dạ. Nhưng cũng có những người yếu đuối, sớm bỏ cuộc. Không phải câu chuyện chờ đợi nào cũng kết thúc có hậu, cũng có ít nhiều chuyện không như ý làm cho người ta đau lòng.


Chuyện thứ nhất

Năm 1998, khi ấy tôi còn sinh sống ở Sài Gòn, việc làm lúc đó của tôi là thêu may gia công cho một cửa tiệm may gần nhà thờ Bà Chiểu. Nơi đây tôi đã có vài lần gặp mặt một người đàn ông dáng cao to, da dẻ trắng xanh, hao hao như một người nước ngoài, ông ta có giọng nói thật nhẹ mang âm hưởng của người miền Bắc sống tại Sài Gòn đã lâu. Được bà chủ giới thiệu là thầy giáo dạy tiếng Anh cho con gái của bà, và ít lâu sau đó bà kể cho tôi nghe về cuộc đời của thầy…Trước 30/4/75 ông là một viên chức của Đài THVN, đã có vợ và hai đứa con. Là một công chức hạng A thời đó với thừa khả năng chăm sóc gia đình, ông còn là một kỹ sư tốt nghiệp từ Đại Học nước ngoài về. Gia đình ông đã có thời gian hạnh phúc, sung túc tưởng chừng như không có gì làm tan vỡ được. Cho đến tháng tư 75, biến cố lịch sử đã làm thay đổi biết bao số phận con người, trong đó có gia đình ông.

Hai chữ ngụy quyền được kèm theo tên của ông, ông được gởi đi học cải tạo để tẩy não vì công việc của ông trước đây liên quan đến truyền đạt văn hóa tư bản, đồi trụy. Nhà cửa bị tịch thu, tài chính bế tắt, cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó, dự trù đi học vài tuần lễ để rồi biệt tăm, ông không biết gia đình của ông phải làm gì để tồn tại. Bị tạm giam gần một năm trong rừng không ánh sáng, thức ăn không đủ dinh dưỡng, ông bị bại liệt nằm một chỗ. Trước khi bị chuyển ra Bắc ông được cho phép thăm nuôi. Bà đến thăm ông đã mang cho ông nhiều thứ cần thiết, quí nhất là 300 viên thuốc vitamin B1, nhờ nó giúp mà sau nầy ông đi lại được, và cuối cùng bà xin ông ký tên vào tờ giấy ly dị! Những năm ở tận biên giới Bắc Việt xa xôi, Mẹ ông thỉnh thoảng mang đồ đạc lỉnh kỉnh ra thăm ông. Khi ông học tập tốt trở về, phải sống với Mẹ và nhờ sự giúp đỡ của người thân, bạn bè. Riêng người vợ ly dị của ông bấy giờ đã kết hôn với một cán bộ nhà nước.


Chuyện thứ hai


Nhân vật chính của đoản chuyện nầy là tôi. Trước 75, tôi đã có tình yêu với một người bạn đồng nghiệp. Trong mắt tôi anh là người đàn ông tốt, ai cũng ngợi khen chúng tôi xứng lứa vừa đôi, tôi đang lặn ngụp với hạnh phúc trong tầm tay mình. Nhưng, gia đình của anh ở tận miền Tây, họ không có nhiều thiện cảm với con gái Sài Gòn như tôi, vì vậy chuyện của chúng tôi chưa tiến tới được. Rồi tháng 4/75 đến, là giáo chức biệt phái nên anh phải lên đường học tập như các chiến binh khác. Tôi ngỡ ngàng trước những biến động đau thương nầy. Một người Cha ngụy quyền bị đi học tập, một người yêu cũng biến mất, tôi đã từng theo những người phụ nữ khác chạy lăng xăng tìm Cha, tìm người yêu. Lúc đó đối với người nhà của anh, tôi không biết vai trò của mình là gì?

Có thể gia đình anh chỉ xem tôi là một người bạn gái của con trai mình, người mà họ chưa từng biết mặt. Bản thân tôi cũng như gia đình tôi lúc bấy giờ bị xem là thành phần không tốt, chúng tôi sống trong nỗi lo sợ bị đuổi khỏi thành phố, có thể phải bị đi đến vùng kinh tế mới đâu đó, vì có như vậy thì người thân của chúng tôi mới có thể trở về đoàn tụ với gia đình. May mà Giám Đốc cơ quan của tôi là người tốt, thông cảm hoàn cảnh của tôi nên ông đã chấp nhận cho tôi được ở lại làm việc. Nhờ có giấy tờ chứng nhận là công nhân viên nên gia đình tôi được ở lại thành phố, tiêu chuẩn gạo và nhu yếu phẩm được cấp phát đầy đủ. Vừa lúc ấy, người nhà của anh cho biết anh đã chuyển nơi học tập về tận miền đất mũi, hỏi tôi có muốn đi thăm nuôi không? Tôi phân vân vì không thể rời bỏ công việc và trách nhiệm gia đình. Lý lịch tôi đã có một dấu đen, nếu có thêm một dấu nữa liệu việc làm của tôi có bị ảnh hưởng không?


Xin lỗi anh! Trong một khoảnh khắc nào đó tôi phải nói lời tạm biệt với anh. Ngày anh trở về đoàn tụ gia đình, tôi cũng không đến với gia đình của anh…Tôi biết mình đã không xứng đáng với tình yêu của anh. Thật lòng mong anh hãy tha thứ cho tôi.


Chuyện thứ ba

“Alo...có phải là chị Tư không?"
"Dạ chào bác Năm, là cháu đây, bác có khỏe không?"
"Tôi khỏe chị ạ, mấy hôm trước bị vấp ngã, chảy máu đầu phải vào bệnh viện cấp cứu đấy..."
"Vậy sao?"
"Hôm nay tôi đã đỡ rồi, nhớ các bác ở nhà dưỡng lão quá nên gọi hỏi thăm.”


Đó là bác Năm, năm nay bác đã hơn 80 tuổi, bác đã vài lần bị stroke nên đôi chân của bác đi không vững vàng lắm, bác đã có ý muốn vào nhà dưỡng lão nơi tôi làm việc để ở nhưng hiện tại không còn chỗ trống, vì vậy thỉnh thoảng bác vẫn gọi đến thăm. Đã có lần bác kể cho tôi nghe về người vợ yêu của bác.


Tôi được biết trước năm 1975, bác là một sĩ quan cấp Tá trong quân đội tại VN. Sau biến cố 4/75, bác cũng phải vào tù cải tạo như bao người. Với cấp bậc của bác, họ đã đẩy bác ra tận Lào Cai. Một năm bác Năm gái ra tận miền Bắc xa xôi thăm Bác, đem theo một gánh những thứ cần thiết mà bác trai căn dặn trong thư gởi về thăm nhà. Bác gái là một phụ nữ nhỏ nhắn ốm yếu, đôi vai bác oằn cái gánh trên vai, phải đi bộ qua nhiều chặn đường dài mới tới tận lán trại nằm sâu trên vùng cao nguyên lạnh giá, vậy mà giờ thăm nuôi chỉ được một giờ đồng hồ. Hai ông bà gặp nhau mừng vui trong nước mắt, không biết phải mở lời từ đâu vì có quá nhiều chuyện muốn nói.

Lúc ấy người cán bộ quản giáo cứ đi qua lại trước mặt hai ông bà, hắn nhìn chăm chăm vào ngón tay đang đeo chiếc nhẫn cưới bằng vàng y của bà, hắn vội nói, "Bà có muốn ở lại với ông đêm nay không? Nếu muốn thì đưa cho tôi chiếc nhẫn của bà, suy nghĩ nhanh cho tôi biết". Bà thảng thốt nhìn ông, ông mừng rỡ nắm tay bà nói: "Đưa cho anh ta đi, rồi ở lại đây một đêm mình nhé, ngày mai biết anh có còn sống sót để trở về không?" Nhưng bà buồn thảm nhìn ông, "Rồi tôi sẽ đến thăm ông nữa mà, vốn liếng chỉ còn bấy nhiêu, có chút tiền bạc thăm ông cũng phải vay nợ đấy mình ạ, mình còn phải lo cho các con."

Ông cố nài nỉ mãi khiến bà xiêu lòng, nhưng người cán bộ đã bỏ đi. Rồi một năm, hai năm…trông hoài mà không thấy bà đến thăm ông, lâu lâu thằng con cả mang đồ ra thăm nuôi, ông có hỏi mẹ mầy đâu. Nó nói mẹ bận buôn bán ở nhà. Và mãi 7, 8 năm sau ông mới được trả về, ra tù cũng không thấy bà đến đón, hỏi thằng con thì nó bảo mẹ ở nhà, ông tức giận lằm bằm, "Chắc là mẹ mầy đã bỏ bố con mình rồi phải không!!!". Thằng cả cứ lầm lũi đi, dẫn ông vào căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm. Vừa bước chân vào nhà, nó chỉ lên cái tủ thờ nằm giữa nhà, "Mẹ của con ngồi trên đó bố ạ!" Ông thảng thốt nhìn lên di ảnh của Bà, thì ra sau chuyến đi thăm nuôi đó, Bà ngã bệnh nặng và qua đời. Ông bật khóc, nhớ mấy câu thơ, "Không chết người đi tù cải tạo, mà chết người vợ hiền yếu đuối anh yêu!”


Nói đến chữ yêu thì phải có chút lãng mạn trữ tình, xin gởi đến các bạn đoạn thơ mình đã lượm lặt được, của tác giả không tên, thay cho lời cuối:


Dựa vai anh mà khóc
Có hoa nào mà không tàn úa?
Có hạnh phúc nào sẽ chẳng hư hao?
Có cuộc đời nào không xuống thấp lên cao?
Có môi nào chưa run vì tiếng nấc?
Có những khoảng cách dù gần trong gang tấc,
Vẫn hình như trăm ngàn dặm xa xôi.
Và có những chiều em cảm thấy đơn côi,
Hãy về đây, dựa vai anh mà khóc…

CN/12

SƠN TRUNG * MỘT THỜI THI NHẠC

MỘT THỜI THI NHẠC 

SƠN TRUNG 

 

Vào một ngày cuối thu năm l953..., các văn nghệ sĩ ở các chiến khu miền Bắc được lệnh mang khăn gói lên đưòng đi Việt Bắc dự khóa rèn cán chỉnh quân. Tham dự khóa này có Văn Cao,Nguyên Hồng, Nguyễn Công Hoan , Đặng Đình Hưng (bố Đặng Thái Sơn), Tô Vũ...

Trong ngày đầu tiên, một cán bộ cao cấp lên thuyết trình vể tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân châu Phi. Trong lúc viên cán bộ đang thao thao bất tuyệt ở trên bàn chủ tọa,bỗng nhiên ở hàng thính giả, có tiếng thét như trời long đất lỏ:

"Im cái miệng chó mày lại ! Đồ phản dân hại nước ! Đồ tay sai thực dân đế quốc! "

Mọi người ngơ ngác,sợ hãi nhìn nhau ! Thuyết trình viên là cán bộ cao cấp ở trung ương, thế mà ai lại dám đứng lên chửi bới om sòm ? Mọi người chăm chú nhìn con người to gan đó. Y mặc chiếc aó bành tô to tướng,đội chiếc mũ dạ che kín mặt mũi, trông như là một điệp viên Anh, Mỹ! Mọi người thì thầm kháo nhau. Té ra y là Đặng Đình Hưng! Lúc bấy giờ con đường công danh cuả y đang thênh thang rộng mở.Y đang được Đảng và nhà nuóc trọng đãi. Y đang giữ một chức vụ khá cao dường như ở trong đòan thanh niên cộng sản.
 Nghe tiếng thét của Đặng Đình Hưng , thuyết trình viên cũng tỏ ra hốt hoảng lo sợ Sau khi được họ Đặng đứng lên phân tích, mọi người mới hiểu thuyết trình viên bị chửi là vì y thiếu thái độ nghiêm chỉnh. Khi nói về tội ác của thực dân, đế quốc, đáng lẽ y phải nghiến răng, trợn mắt, tỏ ra căm thù sâu sắc. Đằng này, y vưà nói, lại vưà cười duyên, theo phong cách tư sản, như vậy là y thiếu kiên định lập trường, không có thái độ căm thù sâu sắc với bọn thực dân đế quốc. 
Chửi là đáng,và chửi cũng là nhẹ! Thời bấy giờ, những người đi theo Đảng đều phải từ bỏ giai cấp mình để vô sản hóa triệt để. Ngươì ta đi chân không,mặc aó quần rách rưới, nói năng thô tục,ngồi xỗm, ăn bốc. Xin lổi, thưa gửi (trừ ra thưa gửi vơi cấp lãnh đạo), ngồi ngắm trăng, nhìn mây bay...đều là phong cách tư sản, lãng mạn, phong kiến! Đặng Đình Hưng,Văn Cao,và một số người khác đã tỏ ra đỏ loét từ đầu đến chân. Họ đã lấy vợ nông dân, con nhà bần cố, để mong nhờ vợ mà rửa sạch tội tư sản, phong kiến của bản thân và của cha ông mấy đời !


Trong những ngày đầu tiên, cuộc rèn cán, chỉnh quân đã tỏ ra sôi động . Dường như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng là nạn nhân đầu tiên của cuộc cải tạo tư tưởng, Nguyên Hồng bị chửi là lưu manh,vô học. Một tay cò mồi phùng mang, trợn mắt, chỉ vào mặt Nguyên Hồng:

" Mày là thằng vô học. Bố mẹ mày cho mày đi học, mày không chịu học, mày lại đi theo bọn lưu manh, mất dạy. Quyển "Bỉ vỏ " của mày là một bằng chứng cụ thể cho thấy bản chất xấu xa, đê tiện của con ngườì mày.Tác phẩm của mày tòan là cặn bã xã hội , mày chuyên tả bọn trộm cắp, bọn lưu manh đầu đường xó chợ, bọn du côn, đĩ điếm.. Mày đã đầu độc biết bao thanh niên, thiếu nữ , khiến cho họ đi vào con đường tội ác .Mày là thằng lưu manh,có tội với quần chúng,nhân dân.Mày phải đền tội trước nhân dân,trước Đảng ! "


Nguyễn Công Hoan thì bị quy tội chui vào Đảng để phá hoại Đảng. Trong lúc biết bao đồng bào,chiến sĩ bị Pháp bắt bớ,tra tấn,sát hại tại Khám Lớn ,tại Côn Đảo,thì Nguyễn Công Hoan lại ru ngủ đồng bào bằng những tiểu thuyết lãng mạn như " Kiếp hồng nhan " , ' Kép Tư Bền ","Tắt lưả lòng "...

Trước dây,Nguyên Hồng được Đảng đánh giá là tay tiểu thuyết tài ba, và tác phẩm của ông có giá trị hiện thực xã hội, nay thì bị sổ toẹt, coi là hạng lưu manh. Còn Nguyễn Công Hoan vốn là một nhà giáo, trước 1945,đã được mấy tay tổ cọng sản vuốt ve, và dường như Nguyễn Công Hoan cũng đã từng bỏ chút tiền còm của lương giáo viên mà nuôi nấng mấy ông cộng sản! Trước tình đời đen bạc, trước những lời vu khống nặng nề, quá phẫn uất, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng đều ói máu, và té xuống bất tỉnh nhân sự... Cả hội trường hốt hoảng tìm phương cứu chữa hai ông nhà văn. May phước hai ông rồi cũng bình phục để sau này còn phải kéo cày phục vụ Đảng! 
Nghe đâu một nhà thơ nữa cũng tức ói máu nhưng cả ba ông chưa mãn số đoạn trường như lão Chu Du ỏ đất Đông Ngô ! Nghe đâu cũng nhờ việc này, Đảng nới lỏng bàn tay cho nên các khoá rèn cán chỉnh quân sau này cũng đỡ khổ. Nhưng trước hay sau, các đảng viên đã bước vào đoạn trường là phải lột xác nếu không muôn về đuổi gà cho vợ. Rèn cán chỉnh quân là một dịp khủng bố, một dịp thanh lọc. Hồi đó,trong xóm ngoài ngõ,trẻ con,ngưòi lớn đều hát bài " Vui mừng biên chế " như sau:

"Tay nắm tay,chúng ta hát vui,
Trong biên chế vẫn vui cười.
Anh cán bộ thì tôi bộ đội,
Anh xí nghiệp thì tôi dân cày.
Chúng ta cùng hát vui reo cười vang !"


Muốn tồn tại, bị sa thải cũng phải vui cười. Nếu tức bực, cau có là bị lôi vào phê bình vì cái tội bất mãn, nặng hơn nưã có thể bị quy tội bất mãn, chống đối Đảng.Tội này có thể bị đem đi cải tạo!

Muốn tồn tại là phải mềm nhũn như con chi chi. Ai phê bình gì cũng nhận. Nếu không thì phải bịa tội ra để chứng tỏ mình thành khẩn, ngoan ngoản. Lẽ dĩ nhiên, mình cứ tỉm những tội nhẹ là được. Còn một khi đã bị người phê bình, mình cương quyết không nhận tội thì hội nghị vẫn truy kích mình mãi, bỏ ăn, bỏ uống, bỏ ngủ để bắt mình đầu hàng mói thôi.

Do đó,sau này,chúng ta thấy có những bản tự phê, tự kiểm của Xuân Diệu, Thế Lữ, Lư Trọng Lư...Và sau này, chúng ta có thể vào thư viện Đảng, tốn ít đồng để xem những bản tự phê,tự kiểm khác....


Sau 1954, Đặng Đình Hưng về Hà Nội phụ trách văn nghệ trung ương,cai quản đài phát thanh, tòan quyền sinh sát khiến cho nhiều anh em văn nghệ sĩ bực mình. Lúc bấy giờ ngôi sao đào hoa chiếu mạng họ Đặng. Một mỹ nhân học nhạc ở Pháp về, lại chuyên vể dương cầm, được đưa vào phục vụ ở đài phát thanh, dưới trướng Đặng Đình Hưng.
 Lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén, huống chi tài tử giai nhân, cho nên hai bên yêu nhau. Giai nhân này đang thời xuân trẻ, lại vừa mất chồng. Chồng cuả nữ nhạc sĩ này vốn là người trong gia đình cuả đồng chí Thái Văn Lung, một vị có vai vế trong Đảng đã từ trần. Vị này dường như là em của Thái Văn Lung,sau được làm đại sứ cọng sản tại Paris. Ông đại sứ mất sớm, để cho nữ nhạc sĩ đau buồn, phải tính đi thêm bước nữa. Đây cũng là chuyện tình muôn thủa trái ngang. Nữ nhạc sĩ gốc cộng sản bự này không yêu ai, lại yêu Đặng Đình Hưng ! 
Chúng ta không biết trong cuộc chạy đua này, có vị lãnh đạo Đảng nào tham gia mà thất bại hay không, làm cho các vị lãnh đạo Đảng bực mình ghê lắm ! Như đã nói, tại sao nữ nhạc sĩ này lại chọn Đặng Đình Hưng là một người đàn ông đã có vợ ? Phong tục Việt Nam cũng như kỷ luật Đảng rất nghiêm khắc, không chấp nhận việc yêu đương lăng nhăng.Trai tơ yêu đương còn bị phê bình, kiểm thảo, huống hồ đàn ông có vợ(trừ mấy vị lãnh đạo đảng như Lê Đức Thọ., Lê Duẫn..)! 
Theo con mắt của Đảng, Đặng Đình Hưng đã không có đạo đức cách mạng. Đảng khuyến cáo, phê bình, hai bên vẫn cứ yêu nhau. Đảng tức giận, chuyển công tác Đặng Đình Hưng, nhưng hai bên lại càng nồng thắm hơn. Đặng Đình Hưng về quê bỏ bà vợ quê mùa, rồi công khai ăn ở với giai nhân. Đảng lãnh đạo đã cử người đến thuyết phục nữ nhạc sĩ. 
Đại ý nói rằng nữ nhạc sĩ muốn tái giá, Đảng cũng không ngăn cấm, Đảng không bắt bà phải thủ tiết như thời phong kiến, nhưng chồng xưa của bà cũng là một vị đại sứ, một cán bộ cao cấp của Đảng. Nay bà muốn tái giá thì cũng nên giữ thể diện cho chồng, cho Đảng. Phải lấy một người ở cấp lãnh đạo như chủ tịch nhà nước, tổng bí thư đảng hay bộ trưởng trở lên, chớ sao lại lấy Đặng Đình Hưng, một tên cà bơ cà bất trong hệ thống đảng!

Thấy mấy ông cộng sản chuyên chõ mũi vào chuyện riêng tư cuả mình, bà nhạc sĩ nổi giận, mắng như tạt nước vào mặt vị sứ giả của Đảng :

"Yêu ai là quyền tự do cuả bà, không ai có quyền ngăn cấm. Bà thích thằng ăn mày, thì bà lấy thằng ăn mày. Bà mà không thích,thì bà ị vào mặt mấy thằng từ bộ trưởng trở lên!"

Bà nhạc sĩ là con người văn nghệ, lại ở lâu trong ngoại giao, sao lại nóng nảy như Trương Phi? Bà đã ở với cộng sản, bà không sợ nguy hiểm hay sao mà ăn nói ngang ngược như thế? Bà không hiểu rằng mấy thằng từ bộ trưởng trở lên là có bác Hồ, bác Tôn, thủ tướng Phạm văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp hay sao mà đòi ị vào mặt họ? Té ra dưới mắt bà, những ngưòi này không là cái thá gì cả!

Người ta thường nói : " Đen bạc đỏ tình ." Thật vậy. Đặng Đình Hưng đẵ gặp được giai nhân. Kết quả của mối tình nồng cháy này là Đặng Thái Sơn, con người trẻ tuổi tài hoa này đã trúng giải nhất dương cầm quốc tế. Ngày áo gấm về quê, họ Đặng được báo chí trong nước phỏng vấn một câu rất hóc buá :
" Nhờ ai mà nhạc sĩ đạt được kết quả ngảy hôm nay ?"
Câu trả lòi mọi ngừơi mong đợi như thường lệ là: "Nhờ ơn bác, đảng" .
Không ngờ Đặng Thái Sơn trả lời :
" Tôi đạt được kết quả ngày hôm nay là nhờ mẹ tôi dạy dỗ. "

Thật vậy, mẹ cuả Đặng Thái Son là một nhạc sĩ dương cầm cho nên đã rèn luyện Đặng Thái Sơn từ thủơ nhỏ. Còn cha Đặng Thái Sơn thì sao ? Tại sao Đặng Thái Sơn không nhắc đến cha ? Đây là một điều tế nhị. Đặng Thái Sơn đưọc đi thi quốc tế không phải là đơn gỉản. Phải có sự vận động, phải có chạy chọt chỗ này chỗ kia. Nhưng cha Đặng Thái Sơn thì sao ? Ông không có công lao gì hay sao?

Cha của Đặng Thái Sơn là người bị Đảng ghét bỏ,không nên nhắc tới là phải dù trong lòng chàng nhạc sĩ luôn kính yêu thân phụ.


Sau khi về Hà Nội, Đặng Đình Hưng gắn bó với Văn Cao, Nguyễn Hữu Đang và tham gia vào Nhân Văn và Giai Phẩm . Nhiều người không hiểu rõ, cứ tưởng Nhân Văn, Giai Phẩm là một. Cả hai đều xuất hiện trong năm 1956 tại Hà Nội, cả hai đều có ý hướng chống lại chủ trương của Đảng. Một bên là của các văn nghệ sĩ quân đội, chủ trương tự do văn nghệ. Họ cho rằng Đảng hãy để cho các văn nghệ sĩ tự do sáng tác, đừng bắt họ phải làm thế này, làm thế nọ. Theo họ, chính trị đi vào thì văn nghệ đi ra. Còn một bên là các đảng viên trẻ. 
Nguyễn Hữu Đang được coi như là lãnh tụ đám này. Họ Nguyễn lúc bấy giờ công tác ở Đoàn Thanh Niên Cọng Sản Hồ Chí Minh. Theo nột số người,Nguyễn Hữu Đang lúc ấy cho rằng Việt Nam không nên đi theo Liên Xô,Trung Quốc vì cả hai nước này sẽ đi vào con đường bại vong.Việt Nam nên hợp tác với các nước Đông Nam Á để tồn tại. Nguyễn Hữu Đang biết Hồ chí Minh không đời nào nghe theo ý kiến này,và ông tính vào Nam hợp tác với Ngô Đình Diệm để thực hiện chủ trương này.

Tuy là hai, nhưng Nhân Văn, Giai Phẩm cũng là một. Cả hai nhóm đều xuất thân từ kháng chiến, đều là trí thức, có tinh thần cởi mở, thích tự do, thấy xa nhìn rộng. Cả hai nhóm đều không chịu đựng nổi sự độc tài và ngu dốt của Đảng. Nhiều ngừơi viết cho cả hai. Phan Khôi là chủ biên của Nhân Văn đồng thời là cọng tác viên của Giai Phẩm. 
Và cũng nhiều bị chết vì Nhân Văn, Giai Phẩm. Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Đào Duy Anh, Phan Khôi, Trần Dần, Thụy An, Đặng Đình Hưng....là chánh phạm .Một số khác bị tai bay vạ gió, bị kết tội gián điệp, phản đảng. Tuy nhiên,một số lên hương vì Nhân Văn,Giai Phẩm.Tố Hữu và Trần Độ, một vị tướng kiêm nhà văn đã tiên phong tiêu diệt Nhân Văn Giai Phẩm, lập công đầu sau này trở thành những nhân vật quan trọng trong chính trị và tư tưởng Đảng.Trần Thanh Mại đói dài, nhảy ra đánh hôi, được ban chức giáo viên cấp ba. 
Văn Cao,Trần Dần, Đặng Đình Hưng ... bị đày lên miền sơn cước lao động. Trần Đức Thảo '" Biết thân đến nước lạc loài " cho nên trước khi đi vào tử địa đã xách va ly đem vợ lên xe hoa về nhà bạn qúy cũng đã đi Tây và rất Tây là Viện sĩ Nguyễn Khắc Viện! 
Còn Phan Khôi thì vừa bị đảng hành hạ, đồng thời bị thằng con mất dạy là Phan Thao vốn là đại tá cộng sản chửi bới không tiếc lời! Trong giai đoạn 1954-1956, nước mắt ở Việt Nam đã nhiều hơn nước đại dụơng.Người ta đã khổ vì Đảng. Người ta càng khổ hơn vì nhân tình thế thái. Mà đau khổ nhất là bị người thân yêu nhất của mình chạy theo kẻ thù hành hạ, chửi bới mình, kết tội mình, hoặc im lặng quay lưng!

Văn Cao là người được Đảng tin cậy nhất không những vì bài Tiên Quân ca, mà còn vì đã lập công cho đảng.Người ta chỉ biết một Văn Cao nhạc sĩ với những bài ca lãng mạn mà chính Phạm Duy cũng phải ca tụng. Người ta chưa biết một Văn Cao võ nghệ siêu quần, một nhân viên trong ban ám sát của Đảng. Bàn tay của Vản Cao dạo những cung đàn êm ái, nhưng cũng là bàn tay vấy máu bao đảng viên Đại Việt, Quốc Dân Đảng, và bao đồng bào vô tội khác. Có lần một buổi chiều trên đê Hồng Hà, Văn Cao đi công tác bị máy bay bà-già ( máy bay thám thính ) đuổi bắn. 
Khi máy bay bắn bên này thì Văn Cao chạy sang bờ đê bia kia ẩn núp. Hai bên chơi cút bắt như vậy cho đến tối mịt. Cuối cùng viên phi công chịu thua, thả xuống một két rượu vang chúc mừng Văn Cao! Nhưng Văn Cao cũng có diễm phúc vì đã có một người bạn đời chân thành dù bà là một nông dân. Dù chồng bà bị Đảng hành hạ,bị trong xóm ngoài làng khinh khi, bà vẫn ngẫng cao đầu. Bà nói:

" Chúng nó cứ việc hành hạ chồng bà, nhưng khi làm lễ, khi chào cờ, từ thằng to cho đến thằng nhỏ đều phải đứng dậy nghe bản nhạc của chồng bà!"


Công cuộc cải tạo tư tưởng vốn phát xuất từ Trung Quốc. Một vị viện trửơng âm nhạc ở Thượng Hải vốn là một tay dương cầm nổi tiếng. Hình như ông cũng như Trần Đúc Thảo đều con nhà giàu, được cha mẹ cho sang học tại Pháp nhưng lại muốn về nước phục vụ giai cấp vô sản dù Mao Trạch Dông đã tuyên bố chống địa chủ, phong kiến và tuyên bố rằng bọn trí thức không giá trị bằng bãi phân trâu!

Những nhà trí thức ngây thơ này đã hết lòng với Đảng nhưng ở lâu mới biết lòng người! Vị viện trưởng này là một con người tài ba.Ông đã dùng dương cầm mà diễn tả được âm nhạc cổ truyền của Trung Quốc. Đặc biệt,ông dùng dương cầm diễn tả được tiếng sáo véo von ở chốn thôn quê.Thời kháng Nhật, ông theo Mao Trạch Đông, sáng tác bản " Dạ khúc đồng quê " nói lên tinh thần kháng Nhật của dân Trung Quốc, được Đảng đánh giá tốt. 
Đến thời cải cách, ông lại sáng tác bản '" Tiếng sáo mục đồng " để ca tụng Đảng và Mao Chủ tịch. Cả hai lần, tác phẩm của ông được đánh giá cao, đuợc phê là có tinh thần yêu nước. Nhưng trong đợt cải tạo tư tưởng, ông bị đưa ra đấu tố tơi bời. 
Ông bị đưa ra hội trường, bắt quỳ xuống nghe quần chúng phê bình. Họ nói rằng ông phản động. Thời kháng Nhật, ông làm bản nhạc vui vẻ trong khi toàn thể nhân dân đau khổ vì quân Nhật xâm lược. Còn thời cải cách, nông dân vui mừng vì được chia ruộng đất, được đảng đem lại ấm no,hạnh phúc,thì ông lại làm bản nhạc buồn rầu. Tội của ông phải đem ra xử bắn. Ông biện hộ rằng thời kháng Nhật,ông đã sáng tác bản "Dạ khúc đồng quê", đã được Đảng và Mao Chủ tịch đánh giá cao. Gần đây,ông viết bản" Tiếng sáo mục đồng" cũng được Đảng và nhân dân khen ngợi, cho nên đại hội không thể kết tội ông là phản đảng.

Tuy nhiên, trước Đảng và nhân dân, ông cũng xin nhận tội là kém hiểu biết, còn non kém về chính trị. Ông hứa hẹn từ nay về sau, ông sẽ cố gắng học tập tốt, luôn luôn theo lời dạy của Mao Chủ tịch để công việc sáng tác nhạc đúng đường lối của Đảng và Mao Chủ tịch. Đáng lẽ ông bị đem ra xử bắn như những người khác đã bị kết tội phản đảng, nhưng nhờ ăn nói khôn khéo, lại số ông còn hên, nên ông chỉ bị đem đi lao động ở miền son cước một thời gian.


Trong khoảng thời gian 30 tháng tư năm 1995,ở Việt Nam có nhiều lễ lạc.Trong một buổi lễ kỷ niệm dường như là kỷ niệm ngày thành lập đài phát thanh Việt Nam,các nhạc sĩ được mời tới tham dự và được phỏng vấn.Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều là người đã sáng tác nhiều bản nhạc,và cũng là người có nhiều đóng góp, đã trả lời nhà báo phỏng vấn ông về cuộc đời sáng tác nhạc của ông . Theo lời ông kể trước khán thính giả, thì ông
viết bản " Giải phóng quân " vào những ngày đầu cách mạng tháng tám, được phổ biến khắp nơi để kêu gọi thanh niên tòng quân,trong đó có câu:
" Đoàn Giải phóng quân một lần ra đi,
Lòng có mong chi mau ngày trở về...."

Bài này được ca hát khắp nơi,và cũng là một bản nhạc hay nhất thời đó. Sau ông bị phê bình vì thiếu lập trường, làm nản lòng thanh niên , bởi vì ra đi mà không trở về thì ai còn dám đi lính! Đến giai đoạn giải phóng miền Mam, ông được lịnh sáng tác nhạc kêu gọi thanh niên lên đường chống Mỹ Ngụy. Kinh nghiệm lần trước bị phê bình, lần này ông viết bản nhạc có nội dung kêu gọi thanh niên hăng hái lên đường và hẹn ngày trở lại . " Cái lưỡi không xương lắm đường lắt lẽo " ! Miệng chánh ủy trôn trẻ cũng là phải. Lần này, ông cũng bị phê bình là thiếu lập trường, làm nãn lòng quân đội bởi vì chưa ra đi mà đã mong trở về thì lòng dạ nào mà chiến đấu!"

Nhạc sĩ nói tiếp: " Nếu tôi được lịnh viết nhạc kêu gọi thanh niên tòng quân lần thứ, ba, thì tôi sẽ viết: ' Ra đi rồi sẽ trở về, trở về rồi lại ra đi, ra đi rồi lại trở về."
Sau lời phát biểu của Phan Huỳnh Điểu là những tiếng vỗ tay rào rào và tiếng cười ồn ào phòng họp.Và những khán thính giả của đài phát thanh Sài gòn cũng được một trận cười thích thú vì được bật mí những điều lạ lùng trong cuộc kháng chiến do đảng lãnh đạo./.  



ĐÁ CŨNG BIẾT THIỀN

Người nghệ sĩ khiến đá cũng biết… “thiền”
  

Những tác phẩm theo phong cách hòn đá cân bằng này có thể bạn đã bắt gặp nhiều, nhưng vẫn có những tác phẩm "không thể tin nổi". Nghệ sĩ người Canada - Michael Grab - là người đứng sau những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt “không tin nổi” với những hòn đá được đặt cân bằng lên nhau, tạo thành những tháp đá nhỏ muôn hình vạn trạng nhưng đều sở hữu những góc độ “bất bình thường”, như thể đi ngược lại quy luật trọng lực của tự nhiên, đặc biệt, anh không hề sử dụng ngón nghề thủ thuật nào.

 

 
Đối với anh Michael Grab, thực hiện những tác phẩm này cũng là một cách để bản thân anh được thiền. Những tác phẩm sắp đặt của Michael Grab luôn tạo nên những cấu trúc tưởng như bất khả thi, đòi hỏi một sự tập trung cao độ. Những khi tạo hình cho các hòn đá, Michael Grab đều cảm thấy như mình đang thiền, phải từ tốn, kiên nhẫn và tập trung.
Trong quá trình tiếp xúc với những hòn đá, Michael Grab thường phải dành ra vài phút cho mỗi hòn, để gần như “đóng băng” chính mình lại, anh thực hiện những điều chỉnh nhỏ nhất cho tới khi có thể khiến tất cả các hòn đá đều được sắp xếp cân bằng một cách ngoạn mục.
nguoi nghe si khien da cung biet thien
Trong nhiều năm luyện tập cách cân bằng những hòn đá, sự tò mò thích thú buổi ban đầu đã trở thành một liệu pháp tinh thần giúp Michael Grab tìm được sự thư thái, tĩnh tại trong tâm hồn, giống như liệu pháp thiền, khiến anh luôn cảm thấy bình an, dễ chịu.
Grab cho biết anh chưa bao giờ tự coi mình là một nghệ sĩ cho tới khi mọi người dần biết đến những tác phẩm của anh và gọi anh là nghệ sĩ tạo hình. Giờ đây, thú vui cân bằng những hòn đá đã trở thành niềm đam mê và cả sự nghiệp của anh.
Thoạt tiên, không vì một duyên cớ rõ ràng nào, Grab thường tìm tới những con sông, con suối mỗi khi cảm thấy nhàm chán để chơi đùa với những hòn đá, khi tập cân bằng những hòn đá, Grab cảm thấy bản thân anh cũng cân bằng hơn. Từ một thú vui khi rảnh rỗi, dần dần Grab nắm rõ những bí mật đằng sau việc cân bằng những hòn đá.
nguoi nghe si khien da cung biet thien
Sau khoảng 7 năm, thú vui ấy trở thành nghề nghiệp và đam mê của Grab. Hiện tại, đang ở tuổi 31, Grab đã là một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới với những tác phẩm tạo hình được lan truyền rộng rãi trên mạng. Rất nhiều người trong chúng ta có thể đã từng nhìn thấy những tác phẩm của Grab nhưng đến hôm nay mới được biết về anh.
Grab có khả năng trình diễn trực tiếp những tiết mục tạo hình cân bằng, vì vậy, anh đã được mời đi khắp nơi trên thế giới để biểu diễn: “Tôi chưa từng có mục tiêu cụ thể nào khi mới bắt đầu, tôi chỉ thích chơi đùa với những viên đá, bên những con suối, tôi thích sự tĩnh lặng và âm thanh của nước chảy. Được đặt vào không gian như thế là một cách thư giãn tuyệt vời”.
Tất cả các tác phẩm của Grab đều được thực hiện hoàn toàn bằng sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, không hề có sự gắn kết của các loại keo hay bất cứ thủ thuật nào. Tất cả hoàn toàn nằm ở nguyên lý cân bằng. Sự cân bằng tồn tại trong vạn vật và đương nhiên, có cả trong những hòn đá.
nguoi nghe si khien da cung biet thien
Chia sẻ về những “hên xui” trong nghệ thuật tạo hình với những viên đá, Michael Grab cho biết: “Khi tôi mới bắt đầu theo đuổi việc cân bằng những viên đá, tôi thường rất lo lắng mỗi khi hoàn thành xong tác phẩm và đang chuẩn bị chụp hình lưu lại khoảnh khắc, tôi sợ rằng những viên đá sẽ rơi xuống, tác phẩm bị đổ sụp trước khi tôi chụp được ảnh”.
“Nhưng càng thực hiện nhiều tác phẩm, càng chứng kiến nhiều lần tác phẩm đổ sụp trước khi mình kịp lưu lại bằng hình ảnh, tôi dần dần học cách làm quen, bởi đó chính là một bài học của nghệ thuật cân bằng này: Tất cả chỉ là khoảnh khắc”.
Lại có những lần Michael Grab gặp phải những người thô lỗ, họ cho rằng anh đang giấu một thủ thuật nào đó và đã tiến tới làm đổ tác phẩm của anh với mục đích “vạch trần” thủ thuật.
nguoi nghe si khien da cung biet thien
Sau tất cả, Michael Grab cũng học được cách bình thản ngay với chính những con người này: “Đó chính là câu trả lời của tự nhiên. Hãy cứ để bọn họ tìm ra sự thật theo cách họ muốn. Tôi giờ đã cảm thấy bình thường với những hành động kiểu vậy”.
Có những khi một tác phẩm chỉ lấy của Grab vài phút, nhưng đối với những tác phẩm kỳ công và khó khăn nhất, anh có thể mất tới 4-5 tiếng đồng hồ thao tác, chưa kể thời gian đi tìm những hòn đá khiến anh cảm thấy đủ “hấp dẫn”. Đối với Grab, nguyên lý cơ bản đằng sau mỗi tác phẩm, dù đơn giản hay phức tạp, đều như nhau, đó chính là ở cảm nhận.
“Bạn cần phải cảm nhận được những rung động của các viên đá mỗi khi một viên này va vào một viên khác, sẽ có những rung động xuất hiện trên bề mặt, nhờ đó, bạn sẽ tìm thấy những điểm cân bằng của viên đá”. Những ngón tay của Grab được anh ví như những chiếc ăng-ten đi tìm điểm cân bằng.
Có những tác phẩm của Grab có thể nằm ở nguyên vị trí tới vài tháng, nếu được đặt trong không gian tĩnh lặng, không có gió, không có chuyển động mạnh:

No comments: