NGUYỄN ĐẠT THỊNH * CẤM TRUNG CỘNG VÀO BIỂN ĐÔNG
Cấm người Tầu vào Biển Đông
Nguyễn đạt Thịnh
Nhận xét về câu tuyên bố của ông Rex W. Tillerson, ngoại trưởng được chỉ định trong tân chính phủ Donald Trump, là Hoa Kỳ nên ngăn cấm không cho người Tầu ra vào những hòn đảo họ cưỡng chiếm rồi xây dựng tại Biển Đông, giáo sư chính trị học Carlyle A. Thayer, trường University of New South Wales, Úc Châu, ví von so sánh câu nói của Tillerson với việc tổng thống John F. Kennedy ra lệnh phong toả Cuba, vì người Nga đem hoả tiễn liên lục địa sang đặt trên lãnh thổ Cuba.
Dĩ nhiên so sánh này tạo vinh dự cho tân chính phủ Donald Trump; cũng như thái độ cương quyết đã tạo vinh dự cho tổng thống Kennedy năm 1962, khi ông nhất định bắt người Nga phải tháo gỡ dàn hoả tiễn họ đặt tại Cuba.
Không khí căng thẳng đến nghẹt thở kéo dài suốt 13 ngày -từ 14 đến 28 tháng Mười 1962; căng thẳng vì từ vị trí đặt hoả tiễn đến bờ biển Hoa Kỳ chỉ có 90 miles. Ngày 10/22/1962, Kennedy lên truyền hình trình bầy với công chúng việc Nga đặt hoả tiễn, và việc ông ra lệnh phong toả Cuba, đòi người Nga phải tháo gỡ hoả tiễn xuống và đem trở về Nga, nếu không, ông sẽ tấn công để tiêu diệt mầm hiểm hoạ này.
Bất cứ lúc nào Mỹ cũng có thể dùng hải pháo tấn công hoả tiễn Nga, và bất cứ lúc nào dàn xạ thủ Nga cũng có thể nhấn nút khai hoả bắn hoả tiễn vào lãnh thổ Mỹ; hoả tiễn lại có thể chuyên chở một đầu đạn nguyên tử.
Cuối cùng, lãnh tụ Nga Nikita Khrushchev đồng ý tháo gỡ hoả tiễn để đánh đổi với việc Hoa Kỳ cũng tháo gỡ dàn hoả tiễn đã đặt sẵn tại Thổ.
Điểm giống nhau giữa 2 diễn biến cách nhau 55 năm này, là Hoa Kỳ sử dụng lực lượng Hải Quân phong toả những hải đảo bị đối phương sử dụng làm căn cứ hoả lực; đe doạ của dàn hoả tiễn Nga sát cận lãnh thổ Mỹ nên xúc động của quần chúng Mỹ mạnh hơn, hiện thực hơn; tuy nhiên đề nghị của ‘chuẩn’ ngoại trưởng Tillerson cũng lập tức gây sóng gió dư luận, tạo công phẫn cho người Tầu, và khiến người Á Châu phấn khởi hy vọng.
Tờ báo Anh ngữ Global Times, cơ quan ngoại vận của Bắc Kinh, viết, ‘Trung Quốc đủ sức mạnh và quyết tâm để phá vỡ toan tính huyênh hoang của ông ta.’
Ngăn cấm không cho người Tầu vào Biển Đông -vào những hải đảo nhân tạo mà họ đã thiết lập phi trường, quân cảng, đã bố trí hoả tiễn phòng không, phòng duyên- dĩ nhiên không phải là chuyện dễ; nhưng lại cũng không khó đến mức vượt quá khả năng của Hải Quân Hoa Kỳ.
Để thực hiện một cuộc phong toả như vậy, chỉ cần một trong 7 hạm đội Hoa Kỳ -Đệ Thất Hạm Đội- hiện đang thả neo tại quân cảng Yokosuka cũng thừa khả năng đảm trách.
Hạm Đội 7 có khoảng 70 chiến hạm, 300 phi cơ chiến đấu, 40,000 thuỷ thủ và Thuỷ Quân Lục Chiến; tháng Ba 2016, Hạm Đội 7 đã gửi một lực lượng gồm chiếc hàng không mẫu hạm John C. Stennis, 2 khu trục hạm Chung-Hoon và Stockdale, 2 tuần dương hạm Antietam và Mobile Bay, cùng với chiếc soái hạm Blue Ridge vào Biển Đông.
Đô đốc Harry Harris -tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương- trình bầy với quốc hội Hoa Kỳ là người Tầu đang công khai quân sự hoá Biển Đông.
Điểm khác biệt quan trọng là đề nghị của ‘chuẩn’ ngoại trưởng Tillerson đưa Hải Quân Hoa Kỳ từ thế thủ sang thế công; chiến hạm Mỹ không chạy quanh các hòn đảo Trung Cộng lấn chiếm trên Biển Đông nữa, mà sẽ bố trí hoả lực quanh đó, rồi lập vùng ‘phi quân sự’ không cho hải quân Trung Cộng xâm nhập nữa.
Giáo sư Su Hao, giảng dạy tại viện đại học Ngoại Giao Trung Quốc (China Foreign Affairs University) tại Bắc Kinh nhận định, “Trung Quốc sẽ không điều chỉnh lại chính sách ngoại giao cho phù hợp với quan điểm của tân chính phủ Mỹ; chúng ta sẽ tiếp tục hành xử theo quan điểm của chúng ta và phục vụ quyền lợi của đất nước chúng ta.”
Nói cách khác, nếu ông Tillerson được Quốc Hội tấn phong vào chức vụ ngoại trưởng, và nếu ông thực hiện quan điểm của ông ‘cấm Tầu vào Biển Đông’ thì chiến tranh Mỹ-Trung Cộng sẽ xẩy ra?
Không hẳn như vậy, hoặc tối thiểu, viễn ảnh một cuộc phong toả quân sự trên Biển Đông cũng chưa đủ hiện thực để tạo ra những quan tâm, như người Mỹ đã quan tâm đến dàn hoả tiễn của Nga năm 1962.
Ông Anders Corr, giám đốc tổ chức Corr Analytics – một tổ chức nghiên cứu tình hình chính trị, cơ sở đặt tại New York – cho là, “người Tầu chỉ nói cứng để doạ các chính khách và doanh nhân Mỹ, chứ họ không đủ sức mạnh quân sự để đối phó với cuộc phong toả ông Tillerson đề nghị.
Corr chỉ đúng trong phần cuối của câu nói ‘Trung Cộng không đủ sức mạnh quân sự để đối phó với cuộc phong toả’, nhưng họ đang đối phó bằng cách bắt Việt Cộng hùa theo họ.
HÔM THỨ NĂM 12 tháng 1, 2017, chủ tịch đảng Việt Cộng Nguyễn Phú Trọng được gọi sang Bắc Kinh để ký thông cáo chung với chủ tịch đảng Trung Cộng Tập Cận Bình; đài VOA loan báo là Trọng ký cùng một lúc 15 văn kiện cam kết hợp tác với Trung Cộng.
Vai trò của Trọng cũng như vai trò của tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte trong phiên họp của Liên Minh Á Châu năm ngoái: ông ta tuyên bố thẳng thừng là ‘ly dị’ với Hoa Kỳ, không nhận viện trợ kinh tế hay quân sự của Mỹ nữa, mặc dù Mỹ mới vận động được toà Trọng Tái Quốc Tế lên án Trung Cộng lấn chiếm lãnh hải Phi Luật Tân.
TRUNG CỘNG đang tìm cách đối phó với chính sách ‘cấm Tầu vào Biển Đông’ của ông Tillerson bằng chiến thuật ‘tạo khoảng trống chính nghĩa’: bắt cả 2 nước vùng Bắc Biển Đông -Việt Nam và Phi Luật Tân- không nước nào nhờ Hoa Kỳ can thiệp cả.
Trong lúc Tillerson chưa tìm được cớ để ‘cấm người Tầu vào Biển Đông’, Trung Cộng sẽ deal với Trump -bằng cách để yên cho Đài Loan và bà Thái Anh Văn, người đã điện đàm cầu cứu ông Trump.
Dù sao cũng phải nhìn nhận là, chưa nhậm chức nhưng Tillerson đã tỏ ra là một ngoại trưởng sắc bén, biết sử dụng uy thế của Hải Quân Hoa Kỳ. Ít nhất điều đó vẫn đáng mừng.
Nguyễn đạt Thịnh
NỘI CÁC TRUMP
Hai tỷ phú và 10 triệu phú trong nội các của Trump
Đội hình ứng viên nội các của Donald Trump gồm nhiều tỷ phú, giám đốc công ty dầu khí, nhà sáng lập triệu đô… đang lần lượt ra điều trần trước Thượng viện Mỹ bắt đầu tuần này.
Gian nan đường đến Nhà Trắng của Donald Trump: Donald Trump đã từ một tỷ phú, ông trùm hoa hậu, ngôi sao truyền hình thực tế trở thành tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Nội các do ông Trump đề cử có tổng tài sản lên đến 4,5 tỷ USD, được cho là giàu nhất lịch sử nước Mỹ. Con số này cao hơn 60% so với tổng tài sản các thành viên nội các của Obama (khoảng 2,75 tỷ USD) và thậm chí còn chưa bao gồm tài sản của chính vị tổng thống đắc cử, ước tính khoảng 3,7 tỷ USD. “Tôi muốn những người làm ra nhiều tài sản”, ông Trump lên tiếng khi bị chỉ trích vì đề cử nội các toàn tỷ phú, triệu phú.
Wilbur Ross - Ứng viên bộ trưởng thương mại - Tổng tài sản 2,5 tỷ USD. Trong 1/4 thế kỷ, ông Ross đảm nhiệm vị trí cố vấn phá sản của đế chế tài chính, ngân hàng Rothschild. Đến năm 2000, ông mở doanh nghiệp tư nhân WL Ross & Co., sau đó bán cho công ty quản lý đầu tư Invesco vào năm 2006 và thu về 375 triệu đô la. Ngoài ra, ông còn giàu lên nhanh chóng nhờ thực hiện hàng triệu thương vụ cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế.
- Ứng viên bộ trưởng giáo dục - Tổng tài sản 1,25 tỷ USD. Betsy DeVos là con dâu nhà đồng sáng lập công ty đa cấp Amway - Richard DeVos. Theo ước tính của Forbes, vợ chồng bà Betsy DeVos sở hữu 1/4 số tài sản của công ty. Trước đây, bà từng giữ chức chủ tịch đảng Cộng hòa ở bang Michigan. Rex Tillerson - Ứng viên ngoại trưởng - Tổng tài sản 325 triệu USD. Ông Tillerson gia nhập công ty dầu khí ExxonMobil từ thời còn học Đại học Texas. Khi giữ chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc, ông tích lũy 2,6 triệu cổ phiếu trong cổ phần của công ty cùng khoản lương và phụ cấp "nặng kí" (gần 90 triệu USD trong 3 năm qua).
Steve Mnuchin - Ứng viên bộ trưởng tài chính - Tổng tài sản 300 triệu USD. Năm
2009, ông Mnuchin mua lại công ty cho vay thế chấp bất động sản dưới
chuẩn IndyMac với giá 1,6 tỷ USD. 6 năm sau, ông bán IndyMac cho tập
đoàn tín dụng CIT Group và thu lại 3,4 tỷ USD. Là cựu đối tác của ngân
hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs, ông tham gia nhiều bộ phim
Hollywood lợi nhuận "khủng" như Avatar và American Sniper.
Andy Puzder - Ứng viên bộ trưởng lao động - Tổng tài sản 45 triệu USD. Sau khi thương lượng thành công giúp ông Carl Karcher – nhà sáng lập nhà hàng thức ăn nhanh Carl’s Jr. - thoát khỏi khó khăn tài chính vào đầu những năm 1990, Puzder trở thành tổng giám đốc tập đoàn CKE Restaurants, công ty mẹ của nhà hàng Carl’s Jr. và Hardee’s. Ông kiếm được 25 triệu đô từ tiền lương và phụ cấp từ năm 2000. |
Ben Carson - Ứng viên bộ trưởng phát triển đô thị và nhà ở - Tổng tài sản 29 triệu USD. Ông Ben Carson - cựu bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thần kinh - kiếm được triệu đô từ việc xuất bản 6 cuốn sách và đóng vai trò bình luận viên cho các cơ quan truyền thông như Fox News hay Washington Times. Ông tích lũy được 6 triệu USD cổ phần trong cương vị giám đốc công ty thực phẩm đa quốc gia Kellogg và hệ thống phân phối sản phẩm Costco trước khi rời bỏ những vị trí này để chạy đua vào Nhà Trắng năm 2015. |
Elaine Chao - Ứng viên bộ trưởng giao thông - Tổng tài sản 24 triệu USD. Bà Elaine Chao là vợ của Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số Thượng viện, đồng thời là con gái của James Si-Cheng Chao, ông "vua" trong ngành vận chuyển hàng hóa. Phần lớn tài sản của bà và chồng đến từ gia đình bà Chao, bao gồm một khoản đầu tư trị giá ít nhất 5 triệu USD. Người phụ nữ tốt nghiệp đại học Harvard này nằm trong ban giám đốc của 4 tập đoàn lớn, trong đó có ngân hàng đa quốc gia Wells Fargo. |
Tom Price - Ứng viên bộ trưởng y tế - Tổng tài sản 10 triệu USD. Tom Price, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình và nghị sĩ bang Georgia, làm giàu nhờ việc mở cơ sở y khoa tại tiểu bang quê hương, cộng với việc cho thuê căn hộ cao cấp tại các bang như Virginia, Washington, D.C., North Carolina, South Carolina và Tennessee. |
Jeff Sessions - Ứng viên bộ trưởng tư pháp - Tổng tài sản 6 triệu USD. Ông Jeff Sessions, thượng nghị sĩ bang Alabama, sở hữu hơn 6 triệu m2 đất tại miền Tây bang này, ước tính có tài sản ít nhất 2,5 triệu USD. Phần còn lại trong khối tài sản của ông nằm trong quỹ tương hỗ và trái phiếu chính quyền địa phương của công ty quản lý đầu tư Vanguard. |
James Mattis - ứng viên bộ trưởng quốc phòng - Tổng tài sản 5 triệu USD. Vị tướng có biệt danh “thầy tu chiến binh” này về hưu năm 2013, phần lớn khối tài sản của ông là từ lương và phụ cấp về hưu. Hiện tại, vị cựu thủy quân nằm trong ban giám đốc của công ty công nghệ y tế Theranos và giám đốc tập đoàn hàng không và quốc phòng đa quốc gia General Dynamics. |
John Kelly - Ứng viên bộ trưởng an ninh nội địa - Tổng tài sản 4 triệu USD. Ông John Kelly có đến 4 thập kỷ trong quân đội, được thăng đến cấp tướng 4 sao. Ông có hai con trai trong quân ngũ, một người đã chết trong chiến tranh Afghanistan. Gia tài đồ sộ của ông đến từ tiền lương và phụ cấp trong thời gian ông phục vụ chính phủ. |
Rick Perry - Ứng viên bộ trưởng năng lượng - Tổng tài sản 2 triệu USD. Từ khi rời văn phòng chính phủ vào năm 2015, ông Rick Perry đã kiếm được ít nhất 100,000 USD từ việc diễn thuyết và 250,000 USD nữa từ việc cố vấn cho công ty sản xuất thiết bị Caterpillar. |
Phó tổng thống đắc cử Mike Pence có tổng tài sản 800.000 USD. Vị cựu nghị sĩ bang Indiana sống cuộc đời giản dị, tránh xa những công việc kinh doanh. Tài sản của ông phần lớn từ lương và phụ cấp của bang và liên bang. Người cha có 3 con này cũng sở hữu ít nhất 95,000 USD trong quỹ vay vốn dành cho cha mẹ và học sinh sinh viên Parent PLUS. |
Ryan Zinke - Ứng viên bộ trưởng nội vụ - cũng có số tài sản tương đương ông Pence. Ông Ryan Zinke - nghị sĩ bang Montana - sở hữu lượng lớn tài sản cho thuê tại quê nhà Whitefish, Montana (nơi có dân số 7.073 người); có bộ sưu tập tranh trị giá ít nhất 100,000 USD và một ga ra xe hơi bao gồm một chiếc Cadillac đời 1938 (trị giá khoảng 150,000 USD). |
Nội các của TT Donald Trump
Monday, January 23, 2017
NGÔ NHÂN DỤNG * TỔNG THỐNG CHÍN NÚT
Tổng thống Chín Nút
Ngô Nhân Dụng
Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017
Những người ủng hộ ông Donald Trump sẽ vui mừng. Ông đã trở thành vị
tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, có thể gọi là Tổng thống Chín Nút! Nếu số
9 là số hên cho ông Trump, thì nước Mỹ sẽ được hên lây! Thời Tổng thống
Reagan (ông từng ngủ gật trong lúc đang họp với các bộ trưởng), có nhà
bình luận Mỹ đã bàn rằng thực ra chính các vị tổng thống cũng chẳng làm
được chuyện gì ghê gớm, cho nên tốt nhất là dân Mỹ nên bầu cho những
người có số đang may mắn. Ông hay bà ta gặp vận hên thì cả nước cũng
hên!
Dân Mỹ có thể đem ông tổng thống, và cả ngôi vị tổng thống, ra đùa cợt
mà không sợ bị còng tay, cũng không lo bị người chung quanh chê trách
hoặc đả kích. Sống tự do hơn 200 năm, đã nhìn thấy 44 người thay phiên
nhau ngồi ở Tòa Bạch Ốc, có người giỏi, có người kém, nhưng đa số cũng
chỉ là những người bình thường như mình, người Mỹ không có thói quen coi
ông tổng thống của nước họ là một nhân vật “vĩ đại” hay “siêu phàm,”
nhất định không! Người Mỹ không tôn thờ cá nhân các “lãnh tụ” như các
nước độc tài vẫn bắt dân phải thờ. Họ cũng không coi tổng thống là ngôi
vị cao quý, thiêng liêng như các ông Hitler hay Stalin được văn nô nịnh
thần sùng bái (Hoan hô Stalin – đời đời cây đại thọ - rợp bóng mát hòa
bình – đứng đầu sóng ngọn gió – Tố Hữu).
Có một thứ dân Mỹ tôn trọng, đó là chế độ dân chủ của họ, ghi trong hiến
pháp. Nói “chế độ dân chủ” nghe hơi trừu tượng, còn có vẻ ghê gớm lắm.
Phải nói rõ hơn là bốn chữ “chế độ dân chủ” ở đây cũng bình thường, nó
chỉ là “những thủ tục” quyết định ai sẽ làm tổng thống, qua những cuộc
bỏ phiếu như thế nào. Cũng giống như luật đi đường bắt người ta phải lái
xe như thế nào. Dân Mỹ tôn trọng những thủ tục quy định cách người dân
tự do lựa chọn tổng thống, cũng như họ tôn kính cái đèn đỏ (thấy nó là
phải ngừng xe lại, đọc kinh Kính Mừng hay niệm Phật càng tốt!) Ông Trump
có thể thua bà Clinton ba triệu phiếu của các cử tri, nhưng ông thắng
cử theo đúng những thủ tục bầu tổng thống Mỹ qua cử tri đoàn đại diện
các tiểu bang. Do đó, ngày hôm nay, mọi người gọi ông là Tổng thống
Trump. Sau khi làm lễ tuyên thệ cho ông Trump xong, Chánh án Tối cao
Roberts bước tới bắt tay ông nói: Chúc mừng “Ông tổng thống!” Tất cả đã
thay đổi! Từ một công dân bình thường, giờ phút này Donald Trump thành
tổng thống! Roberts là người đầu tiên chính thức gọi ông Trump là “Ông
tổng thống” trước khi vợ, con ông ta gọi. Điều này không ghi trong hiến
pháp, nhưng đó là một tục lệ được mọi người tôn trọng.
Năm nay là lần thứ 58 người Mỹ tổ chức một buổi lễ tuyên thệ tổng thống,
một sự kiện được Ronald Reagan nhận xét khi tuyên thệ năm 1981, là nó
vừa “tầm thường” vừa “kỳ diệu như phép lạ.” Nghị sĩ Roy Blunt đã nhớ đến lời Tổng thống Reagan, và nhắc lại cuộc chuyển giao quyền hành giữa vị tổng thống thứ hai và thứ ba của nước Mỹ. George
Washington chuyển giao cho John Adams không có gì đặc biệt, vì Adams
đắc cử khi đang làm phó tổng thống. Nhưng đến lượt John Adams trao quyền
cho Thomas Jefferson năm 1801, sau hai lần tranh cử gay go và đấu đá
nhau cay cú không khác gì năm 2016, thì “phép lạ” chuyển giao quyền hành
thật sự bắt đầu. Năm 1796, hai ông tranh chức tổng thống lần đầu, Adams
thắng, Jefferson thua trở thành phó tổng thống. Năm 1800, đấu lần nữa,
Jefferson chiếm đa số. Roy
Blunt nhận xét: “Đúng vào năm tháng đó, khi quyền lực được chuyển giao
một cách hòa bình giữa hai đảng chính trị, mặc dù họ đã tranh đấu với
nhau một cách dữ dội, nước Mỹ đã cho thế giới thấy ý nghĩa và sức mạnh
của thể chế dân chủ!” Đối với dân Mỹ thì nó đã trở thành bình thường.
Nhưng nhiều dân tộc còn đang ước ao được sống theo lối đó!
Một điều kỳ diệu trong xã hội dân chủ là người ta không cần ai “vĩ đại” mới được làm tổng thống.
Nói
cho cùng, sức mạnh của nước Mỹ không phải vì họ có những ông tổng thống
tài giỏi tuyệt vời. Sức mạnh đó nằm trong tay người dân. Tất cả chỉ nhờ
họ sống trong một xã hội tự do, tôn trọng luật pháp, và trước pháp luật
ai cũng có cơ hội bằng nhau. Dân Mỹ chỉ cần tự lo mưu sinh, lo thăng
tiến cho chính bản thân và gia đình họ, làm những công dân lương thiện.
Họ còn dồn năng lực vào những mục tiêu cá nhân đó, họ sẽ làm cho nước
Mỹ giầu mạnh. Một thanh niên Mỹ không phí thời giờ “phấn đấu vào đảng”
với hy vọng hưởng các đặc quyền suốt đời. Chính quyền không dùng hàng
triệu người làm công việc đi dò thám, bắt bớ, vì sợ dân gặp nhau chỉ
trích nhà nước. Hàng triệu người không đi làm mật vụ, công an. Họ đi
học, đi làm và mưu lợi, giúp cho kinh tế thịnh vượng, chứ không chỉ lo
đi hăm dọa, đòi người khác hối lộ mình!
Vì thế một ông tổng thống nếu tài giỏi thì dân được nhờ chút đỉnh, mà
nếu có kém cỏi thì cũng không gây tai hại bao nhiêu. Ai cũng có thể làm
tổng thống! Một
chủ nông trại trồng đậu phọng như Jimmy Carter, một tài tử chiếu bóng
hạng nhì như Ronald Reagan, con của một người da đen từ Kenya sang Mỹ
học rồi lại trở về nước như Barack Obama, mấy người đó đã trở thành tổng
thống Mỹ. Gần cả đời Donald Trump cũng chẳng thuộc đảng Cộng Hòa, trước
đây một năm không mấy người nghĩ ông sẽ thay mặt đảng ra tranh cử, càng
ít người nghĩ rằng tham vọng làm tổng thống của ông ta là chuyện đứng
đắn!
Nghe
bài diễn văn nhậm chức của Donald Trump thì những nhà lý thuyết chính
trị và giáo sư triết học sẽ thất vọng. Ông ta không nêu lên một tư tưởng
nào sâu xa, cũng không lớn tiếng thề thay đổi lịch sử! Ông chỉ lập lại
đúng những lời hứa và khẩu hiệu đã hô lớn trong thời gian tranh cử. Mà
cũng chẳng nói thêm cho biết ông sẽ làm cách nào để thực hiện các lời
hứa đó.
Ông
Trump tiếp tục đả kích bọn người “dân thủ đô” hưởng thụ mọi thành quả
mà không cho dân hưởng. Từ hôm nay, ông cũng sống ở đó. Ông tiếp tục
than phiền nước Mỹ chỉ giúp công nghiệp các nước khác lên cao mà ở nước
Mỹ thì đi xuống. Không những thế, nước Mỹ đã giúp cho quân đội các nước
khác mạnh hơn trong khi quân đội mình giảm sút. Nước Mỹ đã bảo vệ biên
giới các nước khác trong khi để ngỏ biên giới của mình! Đã viện trợ hàng
ngàn tỉ đô la trong khi hạ tầng cơ sở của mình suy sụp. Bao nhiêu xí
nghiệp đem đi nước khác làm hàng triệu người Mỹ mất việc.
Tóm
lại, thông điệp chính của tân Tổng thống Donald Trump là nước Mỹ sẽ
quay vào bên trong. Sẽ tăng ngân sách quốc phòng. Sẽ đầu tư vào đường
xá. Sẽ bảo vệ hàng nội hóa, giữ công việc làm trong nội địa. Trong cả
bài diễn văn ông chỉ nói đến chính sách đối ngoại một lần, ngắn gọn:
Củng cố các liên minh cũ và xây dựng liên minh mới. Điều cụ thể duy nhất
ông nêu ra là đoàn kết thế giới văn minh chống Hồi Giáo Cực Đoan, với
lời hứa, “sẽ tiêu diệt chúng hoàn toàn trên mặt trái đất.”
Những
người đã bỏ phiếu cho ông Trump nghe bấy nhiêu cũng thỏa mãn rồi. Đối
với một nhà kinh doanh, món hàng nào bán được thì tiếp tục trưng bầy,
tại sao phải đổi món chỉ để chứng tỏ mình có ý kiến mới? Còn những người
Mỹ không bỏ phiếu cho Donald Trump (số này đông hơn) thì chắc họ hoài
nghi. Nước Mỹ trở thành hùng mạnh trong thế kỷ vừa qua là nhờ đã cổ động
tự do mậu dịch khắp thế giới. Lời hứa “Bảo hộ sẽ đem lại thịnh vượng”
nếu áp dụng vào thương mại thì trái ngược với tư tưởng dòng chính của
đảng Cộng Hòa. Mục tiêu trừ hết các nhóm cực đoan trong Hồi Giáo bao giờ
mới xong, khi hàng tỷ người theo Hồi Giáo vẫn sống nghèo nàn dưới những
chế độ bất công và độc tài? Việc tiêu trừ “Hồi Giáo Cực Đoan” thì nước
Nga đã đề nghị cộng tác với Mỹ từ ba năm nay, nhưng đổi lại Nga muốn
được bành trướng qua mấy nước ở Đông Âu. Nước Mỹ có sẵn sàng trả cái giá
đó không?
Nhưng
dù hoài nghi, đa số dân Mỹ cũng mong ông Trump sẽ gặp may mắn và thành
công. Ông Tổng thống Chín Nút may mắn thì nước Mỹ cũng may mắn.
Người ta có thể theo gương Tổng thống George H.W. Bush (cha). Năm 1993, ông để lại một lá thư viết cho tân Tổng thống Bill Clinton trên bàn làm việc: “Bill
thân mến,… Ông sẽ là tổng thống của nước ta khi ông đọc lá thư này. Tôi
chúc ông và gia đình ông mọi việc tốt lành. Sự thành công của ông bây
giờ cũng là sự thành công của đất nước chúng ta. Tôi sẽ hết sức hỗ trợ
ông. George.”
TẾT XƯA QUÊ TÔI ( Em Gái Hai Lúa Miền Tây )
"Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa” khúc nhạc du dương cứ vang lên ngày cuối năm khiến lòng nôn nao nhớ những cái tết xưa quê tôi.
Tôi nhớ xuân xưa là những háo hức mong đợi đến ngày mồng 10 tháng chạp, ngoại tôi khai trương lò tráng bánh, để được ngấu nghiến những chiếc bánh ướt đầu tiên nóng hổi, béo ngậy thơm lựng.
Tôi nhớ xuân xưa những ngày lon ton theo má ra đám rẫy trước nhà, vạch tìm cắt những trái bí đao già da nổi móc trắng, nhổ đám gừng, rồi hì hục trèo hái dừa rám đem vô mấy má con lụi hụi làm các loại mứt truyền thống. Mỗi khi nắng lên đem những thau mứt ra ngoài sân phơi, thì len lén véo vài miếng bỏ vào miệng ăn vụn, đã dễ sợ! Ở xóm tôi nhà nhà làm mứt tết, mấy ngày tết đến thăm nhà nào cũng đem nó ra đãi. Rồi giống như một sự bình chọn nhà nào làm khéo nhất, khi: Miếng mứt bí giòn tan, trắng trong khi ăn tan hết xác trong miệng, mứt gừng thì vẫn giữ được độ cay và tan hết bã, mứt dừa vừa dẻo vừa trắng còn độ béo…
Tôi nhớ xuân xưa khi mà nhà trường cho nghỉ tết, đám trẻ con quê bọn tôi kéo nhau ra thị trấn ngồi chầu chực cả ngày trời để uốn tóc, khi về nhà đầu đứa nào đứa nấy xoắn tít, hôi rình mùi thuốc uốn. Bị người lớn trêu là những cái đầu “bắp cải”, nghe mắc cỡ gần chết. Vậy chứ tết năm sau nữa vẫn cứ háo hức đi làm tóc mới.
Tôi nhớ xuân xưa là những lần theo má đi chợ tết ở chợ nổi trên sông, những chiếc ghe chòng chành giữa dòng nước cặp san sát nhau, mua bán tấp nập đủ các mặt hàng tết, nào là: Dưa hấu, các loại lagim, trái cây chưng tết: Mãng cầu, đu đủ, xoài, sung; còn nào là hoa: vạn thọ, cúc, hướng dương, mồng gà… đủ màu sắc. Lối 26 hay 27 tháng chạp năm nào nước cũng cạn sát lòng sông, khi đi chợ về xúm nhau bì bõm lội sình vận chuyển hàng hóa lên bờ, ta nó mệt muốn bở hơi tai nhưng vui gì đâu.
Tôi nhớ xuân xưa, cứ tờ mờ sáng ngày 28 tết má tôi thức thật sớm để qua bên lò heo chọn mua những miếng thịt vừa ra lò còn nóng hổi, mang về phân loại chế biến các món ăn cho ba ngày tết: Nạc đùi gọ má làm nem, ba rọi một phần cắt miếng vuông để tàu, phần để luộc cuốn bánh tráng; thị nách má làm món bì, lạp xưởng; chân giò má làm món hon nước dừa; phần thịt vụn thì băm nhỏ dồn khổ qua…
Cả nhà làm quần quật từ sáng đến tối mò mới xong, ai cũng rên cái lưng của mình mỏi nhừ vì ngồi cả ngày trời. Nhưng mà tôi mê nhất là khâu cùng thử thức ăn với má, chẳng hạn như món nem sau khi quết thịt nhuyễn bỏ gia vị vào nhồi cho đều, má kêu tôi lấy một miếng nắn vào chiếc đũa đem ra bếp lửa than nướng để má thử coi vị vừa chưa, lúc nào tôi cũng được má chừa cho một miếng bé tẹo bỏ vào miệng nhai nhóp nhép, ngon tuyệt vời.
Tôi nhớ xuân xưa là những ngày cận kề tết, cậu út tôi tháo bờ bao bắt tôm cá nhiều vô số kể. Tôm càng xanh to bằng cầm tay nhảy đành đạch đem về luộc hoặc chấm muối tiêu ngọt lịm, còn cá lóc thì nướng trui cuốn bánh tráng ngon hết sẩy luôn.
Tôi nhớ xuân xưa vào ngày 30 tết mấy má con ngồi quây quần gói bánh tét, khi nếp và nhưn thừa tụi tôi xin má để gói những chiếc bánh bé xíu xiu, để được phồng mũi vì nghe người lớn khen là khéo tay. Rồi trong lúc cả nhà thức canh nồi bánh tét và chờ đến giờ đón giao thừa, được nghe má kể những câu chuyện, tục ăn tết thời xa xưa nữa.
… Giờ đây thực phẩm ngày tết được bán đầy ắp, chỉ cần ra chợ hoặc siêu thị thì nhà chẳng còn thiếu thức gì. Dù đã xa quê nhiều năm, tết nay mọi thứ đều đã thay đổi giản tiện đi rất nhiều, nhưng mỗi lần năm hết tết đến, những ký ức về những ngày xuân xưa, khi gia đình còn đầy đủ ông bà cha mẹ cứ ùa về da diết trong tôi không thể nhạt nhòa.
Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, từng là thành viên của Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, nói với VOA rằng mặc dù ông đã được nghe nhiều ý kiến khác nhau về ông Donald Trump, thường là chê bai nhiều hơn tán thành, nhưng riêng cá nhân ông thì tôn trọng sự lựa chọn của cử tri Mỹ và phong cách đổi mới của tân tổng thống Mỹ:
“Riêng tôi, một người chỉ theo dõi qua thông tin thôi, tôi tôn trọng sự
lựa chọn của cử tri Mỹ, tôn trọng sự bầu chọn của người dân trong một xã
hội có nền dân chủ trưởng thành. Những ý kiến đối chọi, người thì hoan
hô, người thì phản đối đều biểu lộ công khai, mạnh mẽ. Cho dù đã có
không ít những phê phán về một nền dân chủ bị phản bội, giới trí thức
hay học giả thì lo lắng cho một tương lai bất định của nước Mỹ và của
thế giới với ông Trump.”
Giáo sư Tương Lai nêu những lý do vì sao cá nhân ông và nhiều cử tri Mỹ tôn trọng tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump:
“Chuẩn mực chính là sự thay đổi. Với ông Trump tôi cũng chời đợi điều
ấy. Đó là sự thay đổi. Ông Trump có những nét khác biệt với những chính
trị gia khác. Nhưng tại sao cử tri Mỹ hay khái quát là lịch sử đã chọn
ông? Đó chính là sự khao khát mãnh liệt muốn thổi tung cả một hệ thống.
Hiện tượng Trump là một hiện tượng ngẫu nhiên. Những người chọn ông đa
số là những người im lặng. Ý nguyện của họ là muốn thay đổi. Những ai
đại diện cho sự thay đổi, chống lại nguyên trạng thì các cử tri bỏ
phiếu. Chính vì thế mà tôi tôn trọng quyết định của cử tri Mỹ.”
Trong thời gian tranh cử, truyền thông trong và ngoài nước thường nêu
lên cá tính của ông Trump và đặt câu hỏi liệu cá tính của ông Trump sẽ
ảnh hưởng như thế nào một khi ông lên nắm quyền. Giáo sư Tương Lai nhận
định:
“Cá tính của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ đương nhiên sẽ in đậm lên cách
điều hành guồng máy của chính phủ sắp tới, nhưng chính thể chế chính trị
đã đưa nước Mỹ vào vị thế như hôm nay mới chính là điều quyết định. Tôi
lấy một ví dụ, 10 phút điện đàm của ông Trump với bà Thái Anh Văn, Tổng
thống Đài Loan, đã làm phá sản công trình của hơn 40 năm mà Trung Hoa
Lục địa đã dầy công xây dựng.”
Giáo sư Tương Lai cho rằng vẫn còn quá sớm để bình luận chính xác về vị
tổng thống mới nhậm chức của Hoa Kỳ, nhưng các quyết định đề cử nhân sự
vào nội các mới của ông Trump báo trước nhiều thay đổi lớn trong chính
sách tương lai của Hoa Kỳ:
“Xem cách ra quyết định của ông Trump trong việc bổ nhiệm Bộ trưởng bộ
Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, bổ nhiệm tác giả cuốn ‘Chết bởi tay
Trung Quốc’ làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Thương mại quốc gia… thì cho
thấy đường đi nước bước của ông Trump.”
Ông Nguyễn Bắc Truyển, nhà hoạt động nhân quyền tại Tp. Hồ Chí Minh cũng
có cùng suy nghĩ với giáo sư Tương Lai. Ông Truyển nói với VOA rằng dù
trước đây ông không biết nhiều về ông Donald Trump, những phát biểu của
ông Trump có thể gây sốc cho nhiều người, nhưng chính sự trực tính của
ông Trump mang phong cách của một nhà kinh doanh thành công đã khiến ông
Truyển thay đổi cách nhìn. Ông Truyển nói:
“Những phát ngôn của ông đối với tôi không lạ. Tôi từ trạng thái ngạc
nhiên chuyển sang trạng thái cảm phục và quý mến ông Donald Trump.”
Ông Truyển cho rằng nếu ngay trong ngày nhậm chức ông Donald Trump ký
sắc lệnh bãi bỏ lệnh hành chính về vấn đề nhập cư của Tổng thống Obama
hay ký sắc lệnh để xây bức tường ngăn biên giới với Mexico nhằm chặn
người nhập cư trái phép, thì suy cho cùng các chính sách này cũng nhằm
bảo vệ người dân Hoa Kỳ.
“Nếu như có xây bức tường đó thì ông cũng chỉ muốn kiểm soát giới tội
phạm đi vào đất nước Hoa Kỳ mà thôi. Tôi nghĩ ông Donald Trump không
chống lại chính sách đi dân vì đặc tính của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ là có
nhiều chủng tộc và sắc dân. Tôi nghĩ ông không chống lại điều đó. Ông
chỉ muốn đất nước Hoa Kỳ an toàn hơn mà thôi. Tôi nghĩ rằng ông Trump sẽ
tạo điều kiện cho người dân di dân tới Hoa Kỳ bằng con đường hợp pháp.”
Trước đây Tổng thống Obama ra sắc lệnh hoãn trục xuất con cái của những
người nhập cư trái phép vào Mỹ nếu họ hội đủ một số điều kiện, chẳng hạn
như đến Mỹ thời còn là những đứa trẻ, học hành tử tế hay chí thú làm
ăn, và không phạm tội hình sự, đồng thời ra một lộ trình để họ có thể
trở thành công dân Mỹ.
Ngay sau khi đắc cử, ông Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành các biện pháp
phòng ngừa để đảm bảo không một ai có thể di cư tới Mỹ bất hợp pháp.
Hàng năm mỗi lần gió Đông về gợi nhớ lại những ngày của tháng chạp,
tháng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền Việt Nam mà dư luận ở Việt Nam (có
thể qua gợi ý của CSVN) đang cổ xúy phong trào hủy bỏ những ngày truyền
thống thiêng liêng này, tôi muốn viết cho em và về em, một người em gái
Việt mà tôi gặp đầu tiên trên bước đường dong rủi nơi quê người.
Em thân mến,
Tôi đã gặp em qua sự tình cờ, trong một buổi nói chuyện do một tổ chức
nghiên cứu y khoa Việt Mỹ gần đây. Em đã cùng chồng là một bác sĩ tham
dự vào câu chuyện Việt Nam, câu chuyện thường không mấy hứng thú và hấp
dẫn đối với những người phụ nữ thuộc "giai cấp" của em. Tôi đã quan sát
em, thoáng nhìn ánh mắt và cung cách em theo dõi câu chuyện khô khan của
tôi. Tôi đã cùng chia xẻ chai bia với chồng em trong buổi nói chuyện.
Và từ đó, tôi và vợ chồng em có thêm nhiều dịp để trao đổi với nhau cùng
các bạn bè khác về câu chuyện nước non. Đây quả thật là một sự tình cờ
ngẫu nhiên và lý thú của tôi. Ngẩu nhiên vì em là người tôi gặp (có thể
nói) lần đầu tiên trong những ngày tháng dong ruổi đó đây suốt 20 năm
qua. Lý thú là vì sau những lần gặp sau đó tại nhà em cùng bạn bè, tôi
đã thấy được ánh mắt đầy tự tin và tích cực qua những phát biểu đóng góp
của em về câu chuyện Việt Nam. Em đã đóng góp trong tinh thần hết sức
xây dựng và hòa nhã nhưng không có nghĩa là không quyết liệt trong luận
cứ của mình. Những ý kiến phản biện của em đối với bạn bè của chồng cũng
như việc không đồng ý với lý tưởng và con đường của chồng đang đi làm
cho tôi suy nghĩ nhiều.
Chính vì thế mới có lá thư gởi cho những người em gái Việt ở những ngày cuối đông nầy trên đất khách.
Em biết không, trong cuộc sống vật chất nơi quê người, đối với giai cấp
được ưu đãi như gia đình em, nhiều chị em Việt sống trong điều kiện khó
đi ra ngoài cái khung vô hình, đó là chiều hướng cá nhân chủ nghĩa,
hưởng thụ thoải mái qua nguồn tài chính dồi dào do chồng kiếm được trong
việc khám bịnh… như đi shopping, nói chuyện tán gẫu với các bạn gái
khác có cùng điều kiện kinh tế giống nhau.
Nhưng trái lại, tôi thấy trong em có điều khác lạ. Em không đi con đường
trên mà lại có nhiều suy nghĩ đột phá trong vấn đề nước non. Em không
có cái "kịch cỡm" như nhiều người vợ của "giai cấp bác sĩ" (cũng như tôi
cũng không thấy những nét hưởng thụ nơi chồng em!) Tôi không biết tôi
có chủ quan hay không, nhưng tôi tin rằng không vì tôi đã trao đổi với
em hơn một lần về thái độ và hành động của những người con Việt đối với
đất nước nơi hải ngoại.
Em thân mến,
Trong Phật giáo, Đức Phật đã vạch rõ là có tới 84 ngàn pháp môn để tu
tập, nghĩa là chúng ta cũng có hàng ngàn hướng đi để cuối cùng hy vọng
đạt đến một mục tiêu chung cuối cùng là mang lại tự do, nhân quyền, và
một số phúc lợi căn bản cho bà con mình còn đang sống cùng khổ ở Việt
Nam.
Đó là tiền đề và kết luận duy nhứt của những người con Việt tha hương còn đoái hoài đến quê cha đất tổ.
Dĩ nhiên trên bước đường đi trên, có những suy nghĩ khác nhau đôi khi
trái nghịch nhau giữa các cá nhân, giữa các hội đoàn hay đảng phái.
Nhưng điều đó không có nghĩa là phải triệt hạ nhau, tiêu diệt lẫn nhau.
Dù muốn dù không, chúng ta cần phải trân trọng tất cả những người còn có
tấm lòng Việt Nam, cưu mang một hoài bão đem lại bình an và hạnh phúc
cho con dân Việt.
Dù chủ trương như thế nào đi nữa, tấm lòng sắt son với đất nước của
những người dấn thân ở hải ngoại cũng đủ để cho chúng ta trân trọng cho
dù hướng đi có bị vấp phải sai lầm, cho dù hành động có tạo ra vài đáng
tiếc.
Chúng ta sống trong thời đại toàn cầu hóa, trong một thế giới đa cực,
chúng ta không còn dựa theo một chủ thuyết tư bản hay chủ nghĩa xã hội
để làm nền cho sự phát triển đất nước. Ngày hôm nay chúng ta không còn
thì giờ để chiêm nghiệm và "lập thuyết" nữa.
Thế kỷ 21 hôm nay cho chúng ta thấy một thế giới MỞ, mở cho mỗi cá nhân
và mở cho tập thể thậm chí cũng mở cho những người quản lý đất nước. Thế
giới ngày hôm nay không còn chỗ đứng cho chủ nghĩa độc tôn, độc đảng.
Quan niệm lãnh tụ phải được thay thế bằng (team work). Kinh nghiệm Việt
Nam cho chúng ta thấy chính sách quản lý cùng cơ chế chuyên chinh vô sản
của 16 Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam cùng 160 Ủy viên Trung ương đảng
đã đưa đất nước vào chỗ bế tắc và nghèo đói.
Em thân mến,
Câu chuyện Việt Nam vẫn là mối ưu tư hàng đầu của mỗi người trong chúng
ta. Nó chiếm trọn vẹn quỹ thời gian của chúng ta, trong những lúc ăn
uống, lúc làm việc kiếm cơm, ngay cả những lúc trà dư tửu hậu nữa.
Tại sao em biết không?
Vì đó miền đất tổ của cha ông ngàn đời để lại. Vì đó là nơi trên 94
triệu bà con mình còn quằn hoại đau khổ trước gọng kềm của chế độ. Chúng
ta không thể vui trong hoàn cảnh như thế. Chúng ta không thể quên dù là
trong giây phút tiếng kêu thương tuyệt vọng của những người cùng khổ
trên quê hương.
Tôi có "cải lương" khi trang trải những suy nghĩ trên với em hay không,
hở người em gái Việt trên đất Mỹ? Tôi hy vọng là không; vì trong một sát
na nào đó, tôi đã thấy ánh mắt chú tâm của em khi nghe tôi nói về
chuyện Việt Nam.
Đối với tôi, người chỉ nói từ tấm lòng, không biết và không bao giờ có
tham vọng "lập thuyết", giải quyết câu chuyện Việt Nam chỉ là cố gắng
suy nghĩ về những cung cách ngõ hầu mang lại trong tương lai những phúc
lợi về y tế tối thiểu cho bà con Việt, cải thiện hệ thống giáo dục đã bị
ô nhiễm và hủy hoại sau thời gian dài chịu sự áp đặt của chế độ, cũng
như giải quyết những vấn nạn môi trường mà chế độ đã phát triển quốc gia
trong chiều hướng hủy diệt môi trường thay vì bảo vệ.
Đảng CSVN hiện tại không giải quyết được những vấn đề dân sinh của người
dân, thậm chí còn làm cho vấn đề ngày càng trầm trọng thêm lên. Nay đã
phải đến lúc chính người dân trong nước phải trang bị những thông tin,
những hiểu biết để tự cứu lấy chính mình trong cuộc sống hàng ngày đối
mặt với nguy cơ ô nhiễm nguồn nước, không khí, và trong đất, nguy cơ
trước trong thực phẩm và nhứt là nguy cơ trước những vi phạm quyền của
con người đã ghi rõ trong Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên
Hiệp Quốc mà chế độ hiện hành đã phê chuẩn.
Muốn thực hiện những suy nghĩ tích cực trên, và trong điều kiện hạn hẹp
của một người con Việt sống xa quê hương, tôi thấy những gì cần làm ngày
hôm nay là chuyển tải những thông tin khoa học, những biến chuyển thực
sự đang xảy ra trên đất nước mà người dân quốc nội không hề biết qua
chính sách thông tin một chiều của chế độ. Những tin tức cập nhựt nhứt
về nguy cơ Hán hóa, về nguy cơ diệt chủng của Trung Cộng dù ít dù nhiều
cũng có thể làm động tâm bà con.
Và em có biết không, những khúc nhạc trên đã được tấu lên một cách bền
bỉ suốt hơn 20 năm qua, và tôi nghĩ cũng đã khơi dậy một phần nào lòng
tự ái dân tộc nhứt là đối với tuổi trẻ Việt Nam.
Em thấy không, nhiều người trẻ Việt Nam đã vượt qua sự sợ hãi do chế độ
đã cấy sinh tử phù vào lòng dân tộc từ những ngày đầu tiên giày xéo miền
Nam thân yêu của chúng ta. Nhưng hôm nay, mọi sự đã xoay ngược 180 độ.
Chính những người cộng sản đã bị sinh tử phù của chính họ xâm nhập vào
não trạng. Càng đàn áp, càng trấn lột người dân, càng phát biểu những
lời đanh thép, cao ngạo, chính là lúc người cộng sản... đang sợ.
Họ sợ người dân, họ sợ tuổi trẻ và họ sợ với chính những đảng viên đang
cùng chung một việc là áp dụng chuyên chính vô sản với dân. Sự đoàn kết
chung quanh đảng dưới lá cờ chủ nghĩa Mác Lê chỉ còn là những tiếng vọng
từ đáy vực, một chuẩn bị cho hiện tượng Big Bang của đảng cộng sản Bắc
Việt trong những ngày sắp tới mà thôi.
Em thân mến,
Sự hiện diện của lá thư nầy là do những lần khám phá ra tình tự quê
hương nơi em. Cho tôi một lời cám ơn em. Những suy nghĩ của tôi trên đây
cũng là những lời tự nhắc nhở lấy chính mình. Tôi không lạc quan mà
cũng không bi quan về tương lai của đất nước. Trong bao lần nói chuyện
trước bè bạn hay công chúng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là sống
trọn vẹn với niềm tin của mình cũng như san sẻ niềm tin trên với bà con,
những người con Việt xa quê hương.
Và từ niềm tin đó, chúng ta không tuyệt vọng cho tương lai của dân tộc.
Xin hẹn gặp lại em một ngày đẹp nắng nào đó không xa tại Sài Gòn.
Một ngày cuối đông Giáp Thân - 2016
TIN BIỂN ĐÔNG
Biển Đông : Đã đến lúc phải dằn mặt Bắc Kinh
Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Scott Swift cảnh báo tình hình căng thẳng ở Biển Đông, 06/10/2015.REUTERS/David Gray/Files
Trong phần một mang tựa đề« Vì sao phương Tây lại để Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển Đông ?», chuyên
gia Ross Babbage (*) đã phân tích những lý do vì sao Bắc Kinh có thể tự
tung tự tác trên Biển Đông cho đến nay. Ở phần hai, tác giả đề nghị
những biện pháp cụ thể cho chính quyền Donald Trump sắp tới.
(Xem lại phần 1) : Vì sao phương Tây lại để Bắc Kinh làm mưa làm gió trên Biển Đông ?
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170114-bien-dong-da-den-luc-phai-dan-mat-bac-kinh
Theo ông, một trong những vấn đề cốt lõi trong cách xử sự của chính phủ
Mỹ, Nhật và Úc là trần thuật sai hẳn những lợi ích từ liên minh. Các
liên minh này chắc chắn là mang lại lợi ích lớn lao, qua tự do hàng hải
và hàng không, giải quyết một cách hòa bình những tranh chấp chủ quyền
trong khu vực phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, lợi ích to lớn
nhất của đồng minh thực sự vượt xa khỏi những mục tiêu giới hạn, chủ yếu
mang tính chiến thuật này.
Trên thực tế, lợi ích chủ chốt trước tiên của đồng minh là
đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ không thống trị Biển Đông đến mức có thể đơn
phương quyết định trật tự khu vực, và hạn định mức độ chủ quyền cho
từng quốc gia ven biển.
Lợi ích cốt lõi thứ hai là hạn chế khả năng lấn chiếm của
Trung Quốc trên Biển Đông, tạo tiền lệ cho những hành vi bất hợp pháp,
hung hăng hơn của Bắc Kinh, trước mắt và về lâu về dài.
Điều cốt yếu thứ ba : giám sát chặt để Trung Quốc không
lặp lại các vi phạm trầm trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển
(UNCLOS), làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La
Haye, trực tiếp thách thức luật pháp quốc tế.
Khi theo đuổi các lợi ích thực tiễn này, các lãnh đạo đồng minh cần có
chiến lược rõ ràng để chỉ đạo một chiến dịch đối phó. Các khả năng hiển
nhiên nhất là chọn lựa một chiến lược cự tuyệt, chiến lược buộc phải trả
giá. Một chiến lược tấn công vào chiến lược của Trung Quốc, làm cho Bắc
Kinh không thể tiếp tục làm bá chủ Biển Đông. Dù chọn chiến lược nào đi
nữa, cái nền chủ yếu phải là một liên minh quân sự mạnh mẽ hơn, thuyết
phục hơn tại Tây Thái Bình Dương.
Chuyên gia Ross Babbage cho rằng trước các hành động của Bắc Kinh trong
năm năm qua, cần phải tiến xa hơn chủ trương được gọi là « xoay trục », « tái cân bằng »,
để chuyển sang một cam kết toàn diện với các nước trong vùng, có thể
được mệnh danh là Chương trình Đối tác An ninh Khu vực. Các mục đích
chính của chương trình là chứng tỏ ưu thế vượt trội về quân sự, răn đe
các hành động phiêu lưu của Trung Quốc, củng cố lòng tin nơi các đồng
minh và đối tác châu Á về sự khả tín của phương Tây, để họ cảm thấy có
thể chống chọi lại bất kỳ ý đồ áp đặt nào từ Trung Quốc.
Chiến lược đồng minh hiệu quả nhất cần mang tính sáng tạo và bất đối
xứng. Trong những năm gần đây Bắc Kinh tập trung các hành động hiếu
chiến nhất tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, sử dụng các loại hình đa dạng
từ quân đội, tuần duyên, dân quân biển, chiến tranh chính trị ; nhưng
không có nghĩa là đồng minh cũng phải tập trung mọi nỗ lực bằng cách
thức tương tự. Ngược lại, để chống lại Bắc Kinh, phương thức hiệu quả
nhất là tập trung áp lực đủ loại vào những điểm yếu kém nhất của Trung
Quốc trên mọi lãnh vực.
Những chiến dịch như thế đòi hỏi phải thận trọng phối hợp nhiều biện
pháp, để có thể duy trì được dài lâu. Các biện pháp này vượt xa khỏi các
lãnh vực ngoại giao và quân sự khuôn mẫu, bao gồm cả địa chính trị,
thông tin, kinh tế, tài chính, nhập cư, luật pháp, chống bá quyền, và
những sáng kiến khác. Có thể gồm cả việc ra tuyên bố để răn đe các hành
vi của Trung Quốc, gây lòng tin nơi đồng minh và thân hữu, tạo môi
trường hoạt động rộng rãi hơn. Các biện pháp khác cần được phân loại và
thiết kế để làm chao đảo Trung Quốc, đồng thời khuyến khích nên thận
trọng hơn với Bắc Kinh.
Tác giả nhận định, chắc chắn sẽ có những người tại các nước đồng minh
muốn chính phủ mình nhắm mắt làm ngơ. Tuy nhiên, những thách thức từ
Trung Quốc mang tính chất và tầm cỡ quan trọng đến nỗi nếu chiến lược
đối phó của Hoa Kỳ và đồng minh khu vực thất bại, sẽ gây hậu quả nặng nề cho an ninh toàn cầu.
Trước tiên là chủ quyền trên hầu như toàn bộ Biển Đông bị
nhường lại cho Trung Quốc. Nếu trao cho Bắc Kinh quyền kiểm soát thực tế
một tuyến đường hàng hải chính yếu như thế và mở rộng thông tin, sẽ gây
những hệ quả địa chính trị nghiêm trọng và lâu dài. Bối cảnh an ninh
tại Tây Thái Bình Dương sẽ bị đảo lộn, gây phức tạp cho nhiều dạng thức
hoạt động của đồng minh.
Hậu quả nghiêm trọng thứ hai là việc Bắc Kinh vi phạm nặng
nề luật pháp quốc tế coi như được chấp nhận ; gây thiệt hại lớn cho nỗ
lực trong nhiều thập niên qua, nhằm xây dựng khuôn khổ luật pháp cho
quan hệ ngoại giao, thương mại, tranh chấp quốc tế. Sẽ là dấu hiệu cho
cộng đồng thế giới thấy rằng đống minh phương Tây không chuẩn bị cho
việc bảo vệ luật quốc tế.
Hậu quả quan trọng thứ ba là nguy cơ Trung Quốc thêm mạnh
dạn tung ra những hoạt động xâm lăng nghiêm trọng hơn trong những năm
tới. Bắc Kinh có thể coi sự dè dặt, e ngại, thiếu tổ chức của các nước
khác như là lời mời xâm lăng các lãnh thổ chiến lược, tiếp tục các hành
động hiếu chiến hơn. Vì thế, khi duy trì thái độ dè dặt và cách hành xử
vụng về, các lãnh đạo đồng minh sẽ vấp phải rủi ro nghiêm trọng hơn là
vô hình trung khuyến khích xung đột nặng nề hơn với Trung Quốc trong
những năm tới. Theo tác giả, xung đột này sẽ dữ dội hơn và khó tránh
khỏi.
Hậu quả lớn thứ tư : khi đồng minh không có được sự đáp
trả mạnh mẽ, sẽ thiệt hại cho hoạt động răn đe. Một phương Tây yếu kém
trong lúc này sẽ là tín hiệu xấu gởi đến không chỉ cho Bắc Kinh, mà còn
cả cho Matxcơva và Bình Nhưỡng.
Hậu quả thứ năm của việc Hoa Kỳ bình chân như vại, sẽ
khiến hầu như mọi nước đồng minh và thân hữu Tây Thái Bình Dương và
nhiều nước khác xa hơn buộc lòng phải tái cấu trúc về quốc phòng và an
ninh quốc gia.
Một khi các lãnh đạo đồng minh không đáp trả hiệu quả trước tình trạng
vi phạm hiển nhiên luật pháp quốc tế và chuẩn mực an ninh toàn cầu, thì
họ cần phải có những thay đổi nào để giữ an ninh cho chính mình ? Một số
nước đã bắt đầu tìm kiếm những đối tác an ninh mới đáng tin cậy hơn. Số
khác có thể đưa ra những chương trình phòng vệ mới, hay đành từ bỏ
những yếu tố then chốt về chủ quyền, để được yên thân trước Bắc Kinh hay
các chế độ độc tài khác.
Chuyên gia Ross Babbage kết luận, vấn đề an ninh ở Tây Thái Bình Dương
vẫn là lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ và các đồng minh thân thiết. Chính
quyền ông Trump sắp tới nhất thiết phải dành ưu tiên hàng đầu cho một
chiến lược đối phó hiệu quả với Bắc Kinh.
(*)Tiến sĩ Ross Babbage là Giám đốc điều hành của Strategic Forum Pty
Ltd, nhà nghiên cứu của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách
(CSBA) ở Washington DC. Tiến sĩ Babbage từng giữ vị trí trưởng văn phòng
Phân tích chiến lược của ONA, cơ quan tình báo trực thuộc văn phòng thủ
tướng Úc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170114-bien-dong-da-den-luc-phai-dan-mat-bac-kinh
Biển Đông : Tuần duyên Nhật tăng cường hoạt động giúp Đông Nam Á
Philippines và Nhật Bản tập trận thường niên chống hải tặc tại
vịnh Manila ngày 13/07/2016, một ngày sau khi Tòa án La Haye ra phán
quyết về Biển Đông.TED ALJIBE / AFP
Bắt đầu từ tháng Tư 2017, lực lượng Tuần Duyên Nhật Bản sẽ triển khai kế
hoạch đào tạo đồng nghiệp tại các nước Đông Nam Á với mục tiêu giúp các
nước này nâng cao năng lực giám sát Biển Đông. Vế đào tạo này sẽ bổ
sung cho việc chính quyền Nhật Bản cung cấp thêm tàu tuần duyên cho các
đối tác như Việt Nam hay Philippines để kháng lại các hành động ngày
càng quyết đoán của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo nhật báo Yomiuiri Shimbun (Nhật Bản) ngày 10/01/2017, để tiến hành
công việc đào tạo, Tuần Duyên Nhật Bản sẽ thành lập ngay một đơn vị đặc
biệt chuyên trách việc giúp các đối tác Đông Nam Á, cung cấp giảng viên,
đào tạo cán bộ, mở rộng diện quốc gia được cử người đến đào tạo tại
Nhật Bản, tổ chức hội thảo quốc tế để tăng cường quan hệ và học tập kinh
nghiệm về duy trì luật lệ trên biển.
Báo The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, khi đề cập đến kế hoạch này trong một bài phân tích ngày 10/01, cho rằng cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong sự can dự của Tokyo vào lãnh vực bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Ngoài các nước ASEAN như Philippines và Việt Nam mà Nhật Bản đã có quan hệ đối tác chặt chẽ trong lãnh vực an ninh trên biển, hay là những nước như Malaysia và Indonesia đã có sẵn lực lượng tuần duyên (một lực lượng mà không phải nước Đông Nam Á nào cũng có), cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật có thể lôi kéo các nước khác vào cuộc, cho phép Tokyo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lực lượng chấp pháp biển trong vùng.
Việc đào tạo năng lực cho Thái Lan hay Miến Điện có ý nghĩa sâu xa, vì hai nước này là những tác nhân không thể thiếu vắng trong việc bảo đảm an ninh dọc theo vùng Vịnh Bengal hay biển Andaman.
Riêng về Biển Đông, báo chí Nhật Bản nói chung đều cho rằng vấn đề ứng
phó với các sự cố hoặc thiên tai đã trở thành những nhu cầu tối quan
trọng, bên cạnh các diễn biến phức tạp khác liên quan đến vấn đề tranh
chấp chủ quyền. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện các lực lượng tuần
duyên để duy trì trật tự an ninh đang trở thành một nhiệm vụ cấp bách.
Theo nhật báo Yomiuri, khi quyết định cho lực lượng tuần duyên can dự trực tiếp vào Biển Đông, các quan chức Nhật Bản đã xuất phát từ nhận định theo đó các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, là một nhân tố gây bất ổn định.
Chính vì vậy mà Nhật Bản cần giúp toàn khu vực tăng cưởng năng lực xử lý các vấn đề trên biển. Trong việc này, vai trò của các lực lượng tuần duyên đặc biệt quan trọng vì có tác dụng giúp các bên tránh xảy ra xung đột quân sự.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã không ngần ngại cho tàu Hải Cảnh (tức là tuần duyên) vào các vùng biển mà Việt Nam, Philippines hay một vài nước khác đòi chủ quyền. Thực tế đó đã thúc giục các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia là phải hoàn thiện lực lượng tuần duyên còn non trẻ của mình, để có thể ứng phó có hiệu quả với tình hình mà Trung Quốc tạo nên. Việt Nam chẳng hạn, chỉ mới lập ra lực lượng Cảnh Sát Biển vào năm 2013, và Indonesia một năm sau.
Báo The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, khi đề cập đến kế hoạch này trong một bài phân tích ngày 10/01, cho rằng cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong sự can dự của Tokyo vào lãnh vực bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông.
Ngoài các nước ASEAN như Philippines và Việt Nam mà Nhật Bản đã có quan hệ đối tác chặt chẽ trong lãnh vực an ninh trên biển, hay là những nước như Malaysia và Indonesia đã có sẵn lực lượng tuần duyên (một lực lượng mà không phải nước Đông Nam Á nào cũng có), cơ quan mới của Tuần Duyên Nhật có thể lôi kéo các nước khác vào cuộc, cho phép Tokyo đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành lực lượng chấp pháp biển trong vùng.
Việc đào tạo năng lực cho Thái Lan hay Miến Điện có ý nghĩa sâu xa, vì hai nước này là những tác nhân không thể thiếu vắng trong việc bảo đảm an ninh dọc theo vùng Vịnh Bengal hay biển Andaman.
Theo nhật báo Yomiuri, khi quyết định cho lực lượng tuần duyên can dự trực tiếp vào Biển Đông, các quan chức Nhật Bản đã xuất phát từ nhận định theo đó các hành vi ngày càng hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, trong đó có việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa, là một nhân tố gây bất ổn định.
Chính vì vậy mà Nhật Bản cần giúp toàn khu vực tăng cưởng năng lực xử lý các vấn đề trên biển. Trong việc này, vai trò của các lực lượng tuần duyên đặc biệt quan trọng vì có tác dụng giúp các bên tránh xảy ra xung đột quân sự.
Trong thời gian qua, Bắc Kinh đã không ngần ngại cho tàu Hải Cảnh (tức là tuần duyên) vào các vùng biển mà Việt Nam, Philippines hay một vài nước khác đòi chủ quyền. Thực tế đó đã thúc giục các nước Việt Nam, Philippines, Indonesia là phải hoàn thiện lực lượng tuần duyên còn non trẻ của mình, để có thể ứng phó có hiệu quả với tình hình mà Trung Quốc tạo nên. Việt Nam chẳng hạn, chỉ mới lập ra lực lượng Cảnh Sát Biển vào năm 2013, và Indonesia một năm sau.
No comments:
Post a Comment