Monday, February 27, 2017

VIỆT NAM HÔM NAY




Trại viên cai nghiện Long An bỏ trốn 'vì nhớ Tết'

  • 30 tháng 1 2017



Việt Nam đã có không ít lần trại viên cai nghiện bỏ trốn: hình từ vụ tương tự ở Đồng Nam hồi 2016 
Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Việt Nam đã có không ít lần trại viên cai nghiện bỏ trốn: hình từ vụ tương tự ở Đồng Nam tháng 10/2016


Khoảng hơn 100 trại viên bỏ trốn khỏi trại cai nghiện ở Thạnh Hóa, Long An, giới chức cho biết hôm thứ Hai.
Việc bỏ trốn xảy ra từ chiều hôm Chủ Nhật, mùng 2 Tết, tức 29/1.
Giới chức nói các trại viên thấy 'nhớ nhà, muốn về nhà ăn Tết', hãng tin AFP nói.
Sang ngày 3 Tết, chừng 74 học viên đã được đưa trở lại trại, và việc tìm kiếm những người còn lại vẫn đang được thực hiện.
Tại trại cai nghiện Thạnh Hóa, trong số 169 trại viên thì có 7 trường hợp tự nguyện cai nghiện.
Nhiều đối tượng nghiện hút ở Việt Nam bị buộc phải đi cai nghiện bắt buộc trong thời gian hai năm, nhưng các tổ chức nhân quyền nói các trung tâm cai nghiện có điều kiện sinh hoạt kém và quá tải.
Tình trạng phá trại, trốn trại xảy ra khá thường xuyên.
Hồi tháng 11/2016, khoảng 100 trại viên đập phá, trốn thoát khỏi trại cai nghiện Đồng Nai khiến cảnh sát phải dùng đến hơi cay để khống chế tình hình.
Trước đó hai tuần, vào tháng 10 cùng năm khoảng 450 học viên cũng thoát khỏi trung tâm đó, tràn ra phố quậy phá khiến người dân địa phương hoảng sợ.
Tại Việt Nam có khoảng hơn 200 nghìn người nghiện hút, chủ yếu là dùng heroin và methamphetamine.
Ngoài ra còn gần 13 nghìn người đang tập trung trong các trại cai nghiện trên cả nước, AFP dẫn nguồn các số liệu chính thức nói.
 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38795787


Trao đổi thư tín: Những chuyện bi hài đầu năm

Hòa Ái, RFA
2017-02-02

Những mâm cúng được bày bán tại chùa Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hôm 2/2/2017.
Những mâm cúng được bày bán tại chùa Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hôm 2/2/2017.
AFP photo


Thế là những ngày tết vui xuân đã vụt qua và mỗi người trong chúng ta trở lại với nhịp sống thường nhật cùng hy vọng một năm Đinh Dậu mang lại nhiều niềm vui, ước nguyện đạt thành, vạn sự như ý.
Hòa Ái lần lượt gửi đến những thông tin quý khán thính giả cùng độc giả quan tâm trong tuần lễ đầu tiên đón Tết cổ truyền của dân tộc Việt.

Những câu chuyện đầu năm

Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công An công bố thống kê có 203 người chết và 417 bị thương qua 7 ngày nghỉ lễ tết tại Việt Nam; trong đó 4500 người nhập viện vì đánh nhau và gần 20 người thiệt mạng cũng vì đánh nhau. Một trong những vụ đánh nhau do báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin là một bà cụ già nhiều tuổi bị một cô gái và nhóm bạn hành hung đến ngất xỉu vì dẫm phải chân của cô gái này trong lúc đi trẩy hội Chùa Hương vào chiều mùng 5 Tết.
Hòa Ái ghi nhận rất nhiều thính giả lý giải Việt Nam đang trong thời buổi gạo châu củi quế, cuộc sống đứng ngồi không yên, xã hội hỗn loạn nên ai cũng nóng tánh, đụng đến là đánh nhau đổ máu. Trong khi đó cũng không ít thính giả cho rằng tình trạng đánh nhau xảy ra là vì bắt chước công an do họ đánh dân một cách vô tội vạ mà vẫn bình chân như vại. Tuy nhiên, thính giả Thông Huỳnh lại nói là có lẽ số liệu thống kê có thể bị nhầm lẫn vì ở Việt Nam nhà nào cũng là gia đình văn hóa, xã văn hóa, huyện văn hóa nên không thể nào có chuyện đánh nhau nhiều như vậy. Vị thính giả Thông Huỳnh còn e ngại các phóng viên trong nước có thể bị kỷ luật và bị phạt vì đưa tin không đúng với tôn chỉ, mục đích của Ban Tuyên gíao Trung ương và Bộ Thông tin Truyền thông đề ra.
Trời ơi, người dân không có tội thì đánh đập và đòi tiền của đủ thứ đến nỗi người dân phải chết lên chết xuống; trong khi cán bộ cao cấp không biết tham nhũng bao nhiêu ngàn tỉ mà chỉ gọi là khiển trách. Nghe thật là buồn cười
-Thính giả Hùng Nguyễn
Liên quan đến việc cán bộ nhà nước bị kỷ luật, trong tuần qua, Hòa Ái cũng nhận được những ý kiến xoay quanh vụ việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam ra nghị quyết và giao cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, với hình thức xoá bỏ tư cách nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 mà ông từng đảm nhiệm. Thính giả Hùng Nguyễn từ Hoa Kỳ lên tiếng:
“Ai đời sao lại kỳ cục vậy? Một vị mang chức gọi là bộ trưởng, làm việc bậy bạ hay là các cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam đang nắm quyền hành trong nước thay vì làm chuyện lỗi lầm thì phải mang họ ra tòa và phải xử phạt đàng hoàng cho phân minh; đằng này chỉ cách chức thôi mà chẳng mang ra tòa để xử.
Nếu ra tòa xử thì hỏi họ để tiền bạc ở đâu. Họ tham nhũng như vậy thì phải lấy lại những tài sản đó và phạt tù họ mới đúng.
Trời ơi, người dân không có tội thì đánh đập và đòi tiền của đủ thứ đến nỗi người dân phải chết lên chết xuống; trong khi cán bộ cao cấp không biết tham nhũng bao nhiêu ngàn tỉ mà chỉ gọi là khiển trách. Nghe thật là buồn cười.”
Không rõ ý kiến của thính giả Hùng Nguyễn được bao nhiêu người đồng tình, nhưng một số thình giả bày tỏ những ngày xuân đầu năm Đinh Dậu thật lòng cười không nỗi khi nghĩ về tương lai của đất nước Việt Nam nếu tình trạng như vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng cứ tiếp diễn.

Kỷ niệm với chiếc loa phường

108bf47f-21fe-448e-8a2e-b5d4cc9e414f-400.jpg
Hai chiếc loa phường treo trên cột điện ở Hà Nội hôm 19/5/2011. AFP photo
Người dân trong nước nghĩ gì về đề nghị xóa bỏ loa phường của Chủ tịch thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung vì theo ông loa phường đã hòan thành sứ mệnh và nếu không còn hiệu quả thì nên bỏ đi.
Trước hết, Hòa Ái bắt đầu với kỷ niệm của riêng mình về chiếc loa phường. Trong một dịp trò chuyện với một người bạn là doanh nhân nước ngoài về ấn tượng đặc biệt khi ông đến Việt Nam lần đầu tiên, thật là ngạc nhiên khi ông kể đã giật bắn người vào lúc tờ mờ sáng đang trong giấc ngủ ngon lành sau một chuyến bay dài và đã chạy xuống hỏi tiếp tân khách sạn chuyện gì đang xảy ra với âm thanh inh ỏi vang tận vào phòng ngủ của khách sạn ở Hà Nội. Và vị doanh nhân nước ngoài còn cho biết luôn dặn dò bạn bè phải nhớ điều này khi đến Việt Nam để không phải giật mình như ông.
Và câu chuyện về chiếc loa phường của quý thính giả:
Tôi kể cho mọi người nghe chuyện loa phường ở phố hàng Mành của tôi. Về nội dung chương trình thì không có gì. Khi phát những bản nhạc thì chất lượng kém, nghe như xe tăng bò, âm thanh lại quá to. Chỉ khổ cho nhà có bà cụ hơn 90 tuổi, nằm tầng 2 ngay cạnh cái loa. Ông con trai thỉnh thoảng phải thò gậy ra làm cho loa tắt tiếng. Phố tôi lại có nhiều khách sạn, loa kêu sớm nên làm ảnh hưởng lúc còn đang nghỉ ngơi của du khách. Ngân sách thì nghe đâu đầu tư cho một phường hệ thống loa vài trăm triệu. Thật là lãng phí và vô bổ.”
Rất ư là phiền nhiễu!  Nếu muốn dẹp bỏ nó cũng chẳng có gì khó, chỉ mang chúng treo xung quanh nhà của các quan chức, tôi cam đoan chỉ một tuần thôi thì nó lập tức được xếp xó ngay.
-Thính giả RFA
“Sáng 5 giờ khua lảm nhảm. Chiều thì 17 giờ linh tinh inh cả đầu. Nhà nào gần cũng phát điên.”
“Tôi làm ca đêm mà gặp phải cái loa chĩa ngay vào nhà. Đất nước trì trệ cũng vì nó.”
“Bây giờ không còn ai nghe loa phường nữa. Nhà nào cũng có tivi rồi và điện thoại di động để cập nhật thông tin. Hình ảnh của những cái loa phóng thanh thể hiện sự lạc hậu bảo thủ. Cái gì cũng có giai đoạn lịch sử của nó thôi.”
“Loa phường lạc hậu nhưng vẫn có những tư tưởng muốn duy trì nó.Ông Nguyễn Đức Chung nói bỏ là tư tưởng rất tiến bộ. Nó xoá bỏ không riêng sự nhếch nhác mà nó cắt giảm đi nhiều tiền thuế của dân chi cho bộ máy trông nom loa phường. Ở phường tôi cư trú, cách đây vài năm họ đầu tư hệ thống loa phường không dây, không biết hết bao nhiêu tiền, rồi sau đó lại đầu tư loại loa có dây. Nhưng đều không hiệu quả. Người dân xót xa cho tiền thuế của mình. Còn bộ máy quản lý họ cứ vô tư ‘rửa tiền’ đúng quy trình. Tôi nghĩ là vậy.”
“Loa phường đã trở thành chiếc đồng hồ báo thức, nhắc giờ cơm chiều mỗi ngày của người dân. Có thể nói nó như bà hàng xóm đanh đá đúng thời khắc là ong óng dội vào tai mọi người mà không cần biết có ai nghe đến nó. Rất ư là phiền nhiễu! Những người già hay nằm dưỡng bệnh thì nó trở thành dụng cụ tra tấn không khoan nhượng. Nếu muốn dẹp bỏ nó cũng chẳng có gì khó, chỉ mang chúng treo xung quanh nhà của các quan chức, tôi cam đoan chỉ một tuần thôi thì nó lập tức được xếp xó ngay.”
“Nói một cách khác loa phường gây ô nhiểm tiếng ồn trầm trọng. Điều này cũng là vi phạm nhân quỳên mà từ lâu nay không ai dám lên tiếng. Cầu xin cho mấy ông truyền thông, truyền thanh được khai trí, thôi u mê để dân chúng được nhờ. Cầu xin cho nhân viên làm việc ăn theo kinh phí loa phường từ Trung ương đến địa phương kiếm được việc làm ổn định sau khi cái loa phường bị xóa bỏ.”
Qua cuộc thăm dò với quý thính giả RFA, chúng tôi nhận được gần như tất cả ý kiến đều ủng hộ đề nghị xóa bỏ loa phường của Chủ tịch thành phố Hà Nội và họ hy vọng việc xóa bỏ này được thực hiện trong cả nước Việt Nam. Tuy nhiên, những thính giả ở trong nước vẫn hồi hộp chờ đợi kết quả lấy ý kiến của người dân sẽ được công bố vào trung tuần tháng 3 tới đây.
Thay mặt Ban Việt ngữ, Hòa Ái kính lời cảm ơn về những lời chúc tụng đầu năm Định Dậu của quý vị gửi về nhân dịp Tết với lời khẳng định sẽ tiếp tục cùng đồng hành với chúng tôi trong năm mới này.
Hòa Ái xin lưu ý một số quý thính giả tại Hoa Kỳ nghe các chương trình phát thanh của đài qua số điện 605-477-9616 bị công ty cung cấp dịch vụ viễn liên T-Mobile tính phí, quý vị vui lòng tải RFA Mobile Streamer App để tiếp tục theo dõi các chương trình phát thanh và phát hình của Đài Á Châu Tự Do. Chúng tôi đã liên lạc với công ty T-Mobile về phản ảnh của quý vị và hy vọng sẽ nhận được thông tin hồi đáp trong thời gian sớm nhất.
Quý thính giả Đài Á Châu Tự Do trên toàn thế giới cũng có thể nghe các chương trình phát thanh bằng điện thoại di động một cách dễ dàng và bất cứ lúc nào qua RFA Mobile Streamer App. Quý vị có thể sử dụng RFA Mobile Streamer App, miễn phí cho cả IOS và Android. Quý thính giả cũng có thể chia sẻ các chương trình phát thanh ưa thích qua email, twitter, facebook, Google + và các công cụ mạng xã hội khác.
Quý khán thính giả và độc giả có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775 về các vấn đề quý vị quan tâm.
  amese/programs/ListenerForum/corresponding-reply-020517-ha-02022017135528.html


Tai nạn giao thông và đánh nhau tăng trong dịp Tết

RFA
2017-02-02

Giao thông tại Hà Nội chụp hôm 23/9/2015.
Giao thông tại Hà Nội chụp hôm 23/9/2015.
AFP photo

Tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tăng cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Đó là công bố do Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an đưa ra hôm nay.
Thống kê trong 7 ngày nghỉ lễ tết, từ 26 tháng Giêng đến ngày 1 tháng 2, cho thấy có tổng cộng gần 370 vụ tai nạn giao thông trên toàn quốc, làm chết 203 người, bị thương 417 người.
Theo Cục cảnh sát giao thông, so với cùng kỳ của Tết Bính Thân 2016, tai nạn giao thông tăng 29,5% , số người chết tăng 11,5% và số người bị thương tăng 48%.
Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ công an nhận định nguyên nhân gây tai nạn giao thông chủ yếu do người điểu khiển phương tiện lưu thông sử dụng bia rượu cao, chạy quá tốc độ, không đội mũ bảo hiểm.
ttp://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/traffic-accident-n-fight-increase-during-tet-holiday-02022017081938.html
 

 Nạn cờ bạc, rượu chè ngày Tết

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2017-02-03

Một tụ bầu cua cá cọp ngày Tết.
Một tụ bầu cua cá cọp ngày Tết.
RFA photo

Việt Nam là một đất nước nghèo, vừa trải qua một năm đầy gian truân với các vấn nạn môi trường rừng, môi trường biển và đồng bằng Sông Cửu Long bị hạn mặn, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn luôn gặp khó khăn, thiếu đói… Nhưng mặc dù khó khăn bộn bề, vấn nạn cờ bạc, rượu chè trong dịp Tết cũng không buông tha, nhiều tai nạn do rượu bia gây ra, nhiều gia đình chỉ mới mồng Năm tháng Giêng đã phải lâm vào nợ nần vì cờ bạc.

Nợ như sét đánh do cờ bạc
Một người mẹ dân tộc Mường yêu cầu giấu tên, sống ở huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa, chia sẻ: “Hai bác chả làm được mấy, làm được một mà chàu hắn phá đến mười nên khổ. Mình mới 55 tuổi mà phải nuôi thằng con gần 30 tuổi. Làm thì làm ruộng, được tạ mấy lúa chứ mấy, lúa mới gặt xong, chưa ăn được bao nhiêu thì hắn vác đi rồi!”.
Bà cho biết thêm là mặc dù chỉ mới Mồng Năm tháng Giêng, không khí Tết vẫn còn đâu đó, ngân hàng chưa làm việc nhưng gia đình bà đã mang nợ đầu năm gần ba trăm triệu đồng. Một số nợ mà với bà, nghe qua đã thấy sét đánh ngang tai, chồng bà đã ngã nhào khi nghe chủ nợ đưa người đến thông báo rằng con trai bà đã vay nóng số tiền 250 triệu đồng với lãi suất 10% mỗi tuần, tức 40% mỗi tháng. Đây là khoản vay nóng để đánh bạc của con trai bà.
Và với khoản tiền này, nếu như không cần lãi suất tăng hằng tháng, chỉ trả khoản gốc, cho dù có cố gắng bán tất cả mọi thứ, cộng với mười năm làm cật lực để trả vẫn không thể trả hết. Hiện tại, bà không dám báo công an vì bà lo sợ ảnh hưởng đến tính mạng của con trai mình. Nhưng nếu để chủ nợ đưa người tới xiết từng con trâu, từng con bò, rồi trấn lột giấy tờ đất đai, bắt gia đình bà ký tên để hợp thức hóa món nợ và lấy trắng mảnh đất của bà thì hầu như đường sống của gia đình bà đã bị tuyệt.
Bà mẹ Mường này chua xót nhận ra là trong chưa đầy hai năm, từ một đứa trẻ ngoan, con trai bà lao vào rượu chè, đề đóm, sau đó là cờ bạc, và không biết nó có tham gia vào đường dây chích choác, hút hít nào không… Mọi nỗi lo và bất an cứ ập lện gia đình bà kể từ khi đứa con trai duy nhất của hai ông bà tìm xuống khu công nghiệp ở Hà Tĩnh để làm thuê cho một ông chủ Trung Quốc.
Bà không dám khẳng định rằng do làm việc với người Trung Quốc thì con trai bà hư hỏng ra, nhưng bà cảm thấy hoài nghi về những thanh niên đồng tuổi với con trai bà đi xuống phố làm việc cho người Trung Quốc chỉ trong vòng nửa năm đã sắm xe xịn, dùng điện thoại xin và sống hoàn toàn xa lạ so với cha mẹ, bản làng của chúng. Dường như có một trận gió độc đang kéo vào bản làng của người Mường, người Thái Trắng.
Bà mẹ này cho biết thêm là hiện nay, không riêng gì gia đình bà mà có đến sáu gia đình đang bị một khoản nợ từ trên trời rơi xuống gai đình, đang yên đang lành, con họ đi chơi vài ngày, về nhà mặt mày phờ phạc, trùm chăng nằm im thin thít, không ăn uống, không nói chuyện, cho đến khi chủ nợ đưa người tới thông báo số tiền nợ mà gia đình phải trả thì mới vỡ lẽ.
Theo chỗ bà tìm hiểu từ con trai bà thì những chiếu bạc tiến lên và phỏm đang hoạt động rất mạnh trong dịp tết Đinh Dậu, thường thì các cậu con trai độc nhất trong các gia đình mới nhận đền bù đất hoặc có kinh tế ổn định so với xóm làng được chú ý. Khi con trai bà ngồi vào chiếu, cậu ta đánh thắng mấy ván đầu và sau đó thua không còn đồng nào, có chủ nợ cho vay ngay tại sòng bạc để đánh tiếp và nó phải ký giấy chấp nhận khoản lãi 10% mỗi tuần. Sòng bạc tồn tại trong vòng hai giờ đồng hồ và di chuyển sang chỗ khác, tiền xâu cho chủ gia đình chứa sòng bạc là 800 ngàn đồng cho 2h đồng hồ.
Bầu cua cá cọp đánh khủng
Ngoài các chiếu bạc khiến cho người ta mất nhà mất cửa vì nợ nần, những điểm đánh bầu của cá cọp ở các vùng quê cũng là cái máy hút tiền của nhiều gia đình. Một người vừa bị thua gần 100 triệu đồng do đỏ đen trong bầu cua cá cọp, ở huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, chia sẻ:
“Thua gần 100 triệu đồng rồi, tụi nó rung bầu cua hay quá, nó dùng chip chiếc gì đó mà nó ép mặt mình đánh không bao giờ lên được. Bữa ni quyết không chơi nữa. Thằng con ở Mỹ nó gởi về cho gần năm ngàn đô la để làm cái nhà dưới, mình ban đầu đánh cho vui thôi, đánh một lúc thì nghiện luôn và chơi thua mất tiền luôn. Tiền đó để xây cái nhà dưới, giờ bay mất cái nhà dưới rồi. Thôi ra Giêng rồi tính, kiểu ni khó đây!”.
Thua gần 100 triệu đồng rồi, tụi nó rung bầu cua hay quá, nó dùng chip chiếc gì đó mà nó ép mặt mình đánh không bao giờ lên được. Bữa ni quyết không chơi nữa.
- Một người dân
Ông này cho biết thêm là các điểm đánh bầu cua cá cọp bây giờ có qui mô hoạt động giống như số đề, hiếm có người nào rung bầu cua theo kiểu ngẫu hứng, kiếm vài đồng lãi đầu năm cho vui. Mà người ta đã kết nối với các ông trùm, bà trùm vào tháng Chạp để được nhận những bộ bầu cua có chip điện tử. Bộ phận điều khiển chip do người của các ông trùm, bà trùm này giữ. Người cầm cái bầu cua cá cọp vẫn rung một cách bình thường với khoản tiền đánh từ 500 ngàn đồng trở xuống, tự ăn, tự thua với người chơi.
Nhưng khi người chơi thắng nhiều tiền và muốn đánh lớn hoặc có người chơi muốn đánh số tiền vài triệu đồng thì nhà cái sẽ nháy máy cho ông trùm, bà trùm để họ cử người đến. Trong thời gian này, nhà cái tìm cách giữ chân người đánh lại nhưng chưa rung, khi người của ông trùm bà trùm mang bộ phận điểu khiển đến và ra hiệu thì nhà cái bắt đầu rung. Chip điện từ có thể ép mặt, khiến cho những con mà nhà con chọn không bao giờ lên và chỉ trong chốc lát, nhà con sẽ thua sạch. Trong trường hợp nhà con đổi mặt thì nhà cái lại cho mặt mà nhà con vừa bỏ nổi lên. Kiểu chơi này khiến cho nhà con ngày càng máu me, đỏ đen, không thiếu người cược bằng nửa chiếc xe hơi, rồi một chiếc xe hơi để chơi sau khi túi đã sạch tiền.
Có thể nói là có thiên hình vạn trạng kiểu bài bạc đỏ đen để rút tiền của người ta một cách rất tinh vi và điệu nghệ. Và mỗi dịp Tết về, có nhiều gia đình phải rơi vào nợ nần một cách đau đớn trong ngơ ngẩn bởi họ không hề đứng tên vay tiền và cũng không có nhu cầu vay tiền, nhưng do chồng con trót lỡ, cuối cùng thì con dại cái mang!

Lễ hội đền Trần : Hào quang quá khứ, lo âu hiện tại





Lễ hội đền Trần : Hào quang quá khứ, lo âu hiện tại
Đền Trần - Nam Định : Trước giờ phát ấn, 14 tháng Giêng năm Tân Mão 2011 (Theo Dân trí )


Lễ khai ấn đền Trần tại tỉnh Nam Định (miền Bắc Việt Nam) ngày 14 tháng Giêng âm lịch, sau nhiều năm gây tranh luận dữ dội, sẽ có những thay đổi, theo quyết định của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, vấn đề lễ hội đền Trần không còn mang tính địa phương. Những lo ngại xung quanh chủ đề phát ấn đền Trần, liên quan đến một loạt các hoạt động tín ngưỡng tương tự, bị đánh giá là mang tính « vụ lợi ».
Năm 2011, cũng vào dịp rằm tháng Giêng, hàng chục nghìn người tham dự đêm phát ấn tại đền Trần, để tranh cướp các lá ấn mà họ cho là đem lại nhiều vận may, đặc biệt cho việc « thăng quan tiến chức ». Hàng chục người đã bị thương, bị ngất, … Cảnh tượng được mô tả là hoàn toàn hỗn loạn, mặc dù đã có khoảng 2.000 nhân viên giữ trật tự được huy động để bảo vệ khu vực này.
Tại đền Trần Nam Định năm nay, sẽ không còn mục phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng nữa. Đổi lại, ấn sẽ được phát miễn phí trong suốt thời gian còn lại của tháng Giêng. Mặc dù đã có sự thay đổi, nhưng nhiều người vẫn không đồng tình với cách làm mới này. 
Trên thực tế, các hoạt động của ngôi đền thờ các vua đời Trần khá nhỏ bé, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đã đột ngột trở thành một hiện tượng và một vấn đề mang tầm quốc gia, từ vài năm trở lại đây. Cuộc khủng hoảng xung quanh cách thức tổ chức lễ hội đền Trần, cụ thể là xung quanh chủ đề phát ấn, liên quan sâu xa hơn đến một loạt các hoạt động tín ngưỡng văn hóa tương tự, mà nhiều người nhận diện là các hoạt động tín ngưỡng vụ lợi, nếu không nói là « lừa lọc ».
Nói về lễ hội đền Trần hay lễ khai ấn đền Trần, hoạt động có liên quan đến một vương triều được coi như là biểu tượng huy hoàng nhất của nền độc lập của Đại Việt - quốc gia tiền thân của nước Việt Nam ngày nay -, cũng như nhiều lễ hội đương đại nói chung, là một dịp để nhiều trí thức bày tỏ những mối lo ngại, thậm chí hơn nữa là nỗi dằn vặt của mình, trước mức độ khủng hoảng tinh thần rất nghiêm trọng trong xã hội Việt Nam đương đại.
Các khách mời của chúng ta hôm nay là tiến sĩ sử học - khảo cổ học Nguyễn Hồng Kiên, nhà nghiên cứu văn hóa Vương Trí Nhàn (từ Hà Nội) và nhà sử học Nguyễn Duy Chính (từ California).
 

Nơi phát ấn đền Trần, 22 giờ ngày 14 tháng Giêng năm Tân Mão 2011Ảnh Dân Trí
Lễ phát ấn đại trà là một sự xuyên tạc
Khách mời đầu tiên là tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên, người đã từng theo sát hồ sơ lễ hội khai ấn và phát ấn đền Trần từ vài năm nay :
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên : Về cái gọi là « lễ khai ấn », từ năm 2010 tôi đã chứng minh rằng, đó là một sự xuyên tạc lịch sử. Không có lễ khai ấn đền Trần nào đã từng tồn tại trước khi người ta phải bịa ra nó, rồi phải giải quyết rất nhiều hệ lụy rất rắc rối về mặt xã hội. Tôi cũng xin phép nói dài dòng một chút. Hồi tháng 7 năm 2011, Bộ Văn hóa và tỉnh Nam Định có tổ chức một hội thảo, ở đó tôi có đọc một tham luận, tôi khẳng định rằng : Không có cái gọi là « lễ khai ấn đền Trần » và phải trả lại việc đóng ấn và phát ấn cho nhà đền. Tức là lúc linh thiêng đêm 14, các cụ chỉ đóng vài cái ấn phát cho các nhà đền xung quanh thôi.
Nhắc lại hội thảo ấy, bởi vì đấy là hội thảo để mà có những thay đổi. Tôi nghĩ, thay đổi như vậy có lẽ cũng là một tín hiệu đáng mừng, để giải quyết những cái bất cập, những cái đã xảy ra trong mùa lễ hội ở đền Trần này trước đó. Nhưng tôi nghĩ nó chưa giải quyết rốt ráo vấn đề. Tôi thì chỉ đứng ở góc độ lịch sử và khảo cổ học thôi, nhưng nhiều nhà nghiên cứu như Giáo sư Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam, cũng cho rằng, không nên làm theo kiểu Nhà nước can thiệp quá sâu vào một lễ hội truyền thống như thế, và tốt nhất là không phát ấn. Tôi cũng nghĩ như vậy. Cái chuyện ấn nên trả lại cho nhà đền, không làm cho nó biến thành một lễ hội làng xã, thành của cả nước, rồi thậm chí các vị lãnh đạo cao cấp của chính quyền về tham dự. Năm nay, tôi nghe nói là không bán ấn nữa. Như thế, tức là người ta công nhận là trước đây có bán ấn. Vấn đề là : Thay đổi này không giải quyết được rốt ráo, bởi vì nó không giải thích được cho dân về thực chất của lễ hội đã được bịa và dựng ra rất nhiều như thế, để người ta vẫn tin tưởng vào sự may mắn, thăng quan tiến chức, …
Hội làng biến thành hội quốc gia
Những bê bối trong câu chuyện tín ngưỡng ở đền Trần không chỉ dừng lại ở địa phương này mà còn có ảnh hưởng lây lan và vấn đề ở đền Trần cũng là vấn nạn tại rất nhiều lễ hội ở Việt Nam, sau đây mời quý vị theo dõi tiếp các ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên :
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Kiên : Tôi cũng muốn nói đến một hệ lụy khác của chuyện ở đền Trần, mà nó đã xảy ra trong vài năm gần đây rồi. Ví dụ như đền Trần Thương ở tỉnh Hà Nam, người ta cũng bịa ra một lễ hội, có phát ấn. Sau khi lễ đền Trần bán được nhiều ấn quá, thì các nơi khác họ cũng muốn khai thác lễ hội làng xã theo hướng thương mại hóa như thế. Và không chỉ ở Hà Nam, mà ở Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, cũng có một đền Trần, và gần đây người ta cũng tổ chức khai ấn. Hồi đầu năm 2010, tôi có một bài đưa lên blog của tôi, trong đó tôi vạch rõ sự bịa đặt của lễ khai ấn ở bên Thái Bình. Mà không biết bằng cách nào người ta mời được cả chủ tịch Nguyễn Minh Triết về để đóng ấn. Nhưng mà, như tôi vừa mới đọc đây, thì cái đền Trần ở bên Hưng Hà đó cũng sẽ tiếp tục tổ chức lại. Đấy là hai trường hợp liên quan cụ thể đến đền thờ, đến vương triều Trần và chuyện phát ấn.
Nhưng tôi muốn lưu ý đến một hệ lụy to lớn hơn, tức là hiện nay, người ta đang cố tình biến rất nhiều những lễ hội làng xã thành lễ hội quốc gia. Mà theo một thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở của Bộ Văn hóa, mỗi năm ở Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, như vậy, một ngày ở Việt Nam sẽ có khoảng 21 lễ hội. Nếu mà làng này tổ chức lễ hội và được nhà nước tài trợ, và cả các quan chức về dự, thì làng khác cũng sẽ tức nhau tiếng gáy và tổ chức, và sẽ tranh thủ tất cả các quan hệ mà họ có để mời các quan khách quan trọng như thế, để nâng cấp hội làng thành hội của cả nước. Như thế, tôi cũng không hiểu rồi các vị lãnh đạo cao cấp của Việt Nam có khi chẳng còn làm được vì gì khác, ngoài việc đi khai hội. Và ở khía cạnh văn hóa, tôi nghĩ rằng là, đây là một sự khai thác lễ hội biến tướng đầy tính thương mại, và tôi cùng với rất nhiều người phản đối cái chuyện đó.
Tâm lý vụ lợi và xô bồ
Đối với nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Vương Trí Nhàn, nói về lễ hội đền Trần là một dịp để nói về sự suy thoái văn hóa trầm trọng trong xã hội Việt Nam. Mà ở đó ông đặc biệt nhấn mạnh đến sự xô bồ trong các hoạt động lễ hội, và sự thiếu vắng của một không gian tâm linh đích thực.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : Mười lăm, hai mươi năm trở lại đây, tôi thấy hiện tượng lễ hội nổi lên, đáng nhẽ cần được nghiên cứu rất nhiều, nhưng hiện nay tôi thấy nó vẫn ở trong tình trạng tự phát, mà mỗi năm đều có những « diễn biến », có khi mùa lễ hội qua đi, người ta có ý kiến, rồi sau đó sang năm mới, chiều hướng cũ vẫn tiếp tục.
Tôi thấy có một điều nằm trong tâm lý của con người. Con người hiện nay muốn đi tìm sự giải thoát tâm linh, một phần tìm ở trong quá khứ. Bên cạnh chỗ hướng về truyền thống, thì có việc muốn cầu cúng, muốn tìm một cái gì đấy hỗ trợ cho cuộc sống hàng ngày của mình. Trong hoạt động lễ hội, tôi thấy việc hiểu biết về lễ hội nói chung còn đơn giản, và không được khai thác mạnh mẽ lắm. Trong khi đó, trong tâm lý của người đi lễ hội, cũng như người tổ chức lễ hội ở các địa phương, tôi thấy có ảnh hưởng rất nặng của tâm lý vụ lợi. Tôi thấy, ở đây thiếu một cái điều mà các lễ hội truyền thống đáng nhẽ phải có : tức là cái tính chất thiêng liêng. Ở ta, tính vụ lợi rất nặng và từ đó kéo theo nhiều cái nhếch nhác, « bất cập » của lễ hội hiện nay.
Gần đây, tôi xem trên tivi quay về cái cảnh những người dân Lào, mùa xuân này, tổ chức nấu xôi, các nhà sư đến khất thực, rồi người dân rón rén đặt vào mấy đồng bạc, rồi nhà sư đi ra lấy, rồi lại trở về với chùa của mình và làm công việc tôn giáo. Tôi thấy là hành động của họ rất là thiêng liêng, và trông nét mặt của con người rất thành kính, và tôi cảm thấy rất ít tính chất vụ lợi. Nó không có cái « dục vọng trần thế », như đạo Phật nói. Tôi thấy, ở một số tôn giáo ở một số nước, có cái đó.
Ở mình, tôi thấy là, trong tâm lý của con người đi đến các lễ hội hiện nay, thì hoặc là cầu cúng để buôn may, bán đắt, hoặc để tai qua nạn khỏi, hoặc để cầu cúng để tránh được cái tai vạ. Hình như trong đời sống hàng ngày, con người cảm thấy rất là có lỗi, thì muốn nhờ đến cầu cúng để thoát tội, cảm thấy rất nhiều tai họa có thể đến, thì mong tìm thấy ở đây sự giải thoát. Cái đó bộc lộ một điều là : cái trống trải, cái hoang vu, cái không thể xác định được … Con người đến với lễ hội trong tâm trạng đó.
Vừa qua, tôi thấy, các hoạt động lễ hội phát triển theo hướng xô bồ, chạy theo số lượng. Ví dụ như, tôi thấy những người đi cầu cúng, có khi người ta cảm thấy là, nếu mình đến nhiều chùa hơn, thì mình được rất nhiều lợi lộc hơn là mình chỉ đến một, hai cái. Rồi đi mọi chỗ, thì lớt pha, lớt phớt … Có khi đến một di sản, đến một lễ hội mà chúng ta cũng chẳng hiểu gì cả. Rồi, bây giờ nạn cờ bạc, lừa đảo và hoạt động « mê tín » ở các đền chùa. Lúc đó, nó không còn là hoạt động văn hóa nữa.
Tôi cho rằng, việc đi cầu cúng, nếu gọi là nét đẹp văn hóa thì bản thân tôi không muốn dùng từ đó. Tôi nghĩ rằng, ở đây, nó bộc lộ một sự bế tắc của đời sống, mà người ta muốn tìm sự giải thoát. Và người ta cũng không hoàn toàn tin vào sự cầu cúng này sẽ đem lại kết quả, nhưng người ta làm theo thói quen và làm theo số đông.
Tự đồng hóa với quá khứ, tránh đối diện với bản thân
RFI : Vừa rồi, ông đưa ra một số nhận định tổng quan về các lễ hội ở Việt Nam, có chiều hướng, như ông nói, là tiêu cực hơn. Mà, chưa có dấu hiệu nào là có thể ngăn chặn được xu hướng này. Ở đây, có điều mà ông nhắc đến là sự « bế tắc ». Vậy các vấn đề của lễ hội nói lên sự bế tắc gì trong xã hội Việt Nam, thưa ông ?
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn : Hiện nay, trong lúc người Việt Nam quay cuồng trong đời sống làm ăn, sinh sống, kiếm tiền nuôi gia đình, bản thân và hưởng thụ, … thì tôi thấy là có rất nhiều bước đi mờ ám. Rất nhiều cái lầm lỡ, ví dụ như buôn gian, bán lận, làm bậy, làm hỏng. Theo tôi, đấy chính là cái bế tắc của đời sống hiện nay. Và người ta không tìm thấy cái con đường đi, không tìm thấy cái động lực, để có thể nói mình phải sống như thế nào. Người ta tìm thấy ở lễ hội cái chỗ dường như là để giải đáp những điều này.
Những cái bế tắc đó chứng tỏ rằng, trong thời gian vừa qua, chúng ta ít có khả năng tự ngồi nghĩ lại mình, tìm hiểu chính mình. Trong việc nhận thức về chính mình, tôi thấy, chính lễ hội là một cách để tìm về quá khứ, để đánh giá chính mình. Tôi thấy, trong việc đến với lễ hội của dân mình hiện nay, thời nay con người rất kiêu căng. Hình như việc quay trở về lễ hội, với những gì thuộc về quá khứ, cũng là một cách để chiêm ngưỡng chính mình, tự thỏa mãn sự kiêu ngạo, kiêu hãnh về chính bản thân mình, và tự đồng hóa mình với quá khứ, và gắn cho quá khứ tất cả những ý nghĩa thần thánh tốt đẹp. Điều này, theo tôi, không phải là sự hiểu biết đầy đủ về quá khứ.
Chính điều này hạn chế quá trình nhận thức của chúng ta, và nó làm cho chúng ta biến dịp lễ hội thành một sự lảng tránh, chứ không phải quay về với chính mình một cách đúng thực. Chính vì như thế, theo tôi, sự phát triển của lễ hội, với cái vẻ bên ngoài là quay về truyền thống, sự thực lại không phải là con đường để giúp chúng ta hiểu được truyền thống một cách đúng đắn, trong quan hệ với sự phát triển hiện đại.
Hiểu biết trung thực về lịch sử - một giải pháp cho cuộc khủng hoảng tinh thần
Trước khi khép lại Tạp chí cộng đồng hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu tiếng nói của nhà sử học Nguyễn Duy Chính từ California, về cuộc kháng chiến của vương quốc Đại Việt thời nhà Trần, nổi danh trước hết vì thắng lợi trước các triều đại Nguyên Mông thế kỷ XIII. Theo nhà sử học, để hiểu được đúng thành công của nhà Trần, rất cần thiết đặt nó vào trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chung của nhiều quốc gia Đông Nam Á trước sự bành trướng từ phương Bắc. Chúng tôi hy vọng những nhận định của ông Nguyễn Duy Chính sẽ góp thêm một cái nhìn để hiểu rõ hơn về giai đoạn lịch sử này. Một cái nhìn dựa trên những hiểu biết thực chứng như vậy ắt hẳn cũng đóng góp vào con đường tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tinh thần trong xã hội Việt Nam hiện nay. 
Nhà sử học Nguyễn Duy Chính : Cuộc chiến đấu chống Nguyên Mông lần thứ 2 và 3 không còn là cuộc chiến đấu thuần túy của dân tộc mình, mà nó là cuộc chiến đấu trải rộng ra trên toàn cõi Đông Nam Á. Các dân tộc yểm trợ cho nhau. Các trở ngại mà quân Mông Cổ gặp ở Miến Điện, ở Chiêm Thành, ở Đại Việt, ở Chân Lạp cũng giống nhau, cũng giống như khi họ tấn công Java.
Theo cái nhìn của tôi, trước làn sóng xâm lược của đế chế Trung Hoa vào thời nhà Nguyên, thì các nước Đông Nam Á đã phải đoàn kết với nhau thì mới có thể chống lại được sức mạnh từ phương Bắc, nếu không đã bị bẻ như từng chiếc đũa rời. Sử sách ghi lại là Chiêm Thành liên lạc thẳng với Đại Việt để cùng chiến đấu. Lúc đó, hai bên bắt tay rất chặt. Gần như hàng năm đều có các sứ đoàn qua lại, để trao đổi, chuẩn bị chiến đấu. Lúc đó, có cái lạ là ở Miến Điện cũng liên lạc qua Đại Việt để phối hợp hành quân. (…) Trong các tài liệu của người Chiêm Thành, cũng như của người Trung Hoa và người Việt, còn rất nhiều chứng cứ cho thấy các liên kết đó. Một số người Pháp khi sang Việt Nam trước đây, khi nghiên cứu về văn minh Chăm Pa, họ cũng đề cập đến vấn đề đó rất cụ thể : có những bia đá ghi lại các liên kết giữa hai quốc gia. Có thể nói, đó là thời kỳ hòa hiếu rất là đặc biệt. Đại Việt cũng vay mượn rất nhiều các chiến thuật, chiến lược của Chiêm Thành trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.
Xin chân thành cảm ơn các ông Nguyễn Hồng Kiên, Vương Trí Nhàn và Nguyễn Duy Chính đã vui lòng dành thời gian cho tạp chí hôm nay
Bài liên quan
Lễ Khai ấn đền Trần : Linh thiêng hay lừa lọc ? (phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện)
 http://vi.rfi.fr/viet-nam/20120201-le-hoi-den-tran-14-thang-gieng-hao-quang-qua-khu-va-nhung-lo-au-hien-tai

Chém, chọi, cướp và thề

Blogger Cánh Cò
2016-02-25

Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng.
Lễ hội Chém lợn ở làng Ném Thượng.
Courtesy of phunuonline.com.vn

Mỗi năm có ba chữ C to đùng vào những ngày tháng Giêng, khi người Việt vẫn mang nặng tâm lý là tháng ăn chơi, tháng lễ hội và cờ bạc mà trong những trò ăn chơi ấy lộ rõ tính cách người Việt, hay ít ra một bộ phận rất lớn người Việt một cách thảm hại.
Chém. Tại sao vẫn còn lễ tục dã man này trong xã hội văn minh khi nhà nước vẫn một hai cho rằng cả nước đang hòa mình vào thế giới phẳng, nơi mà cuộc sống của từng người bên này bán cầu cũng được nhín ngắm, sờ mó, thậm chí rình rập của người khác ở phía bên kia.
Chém lợn ở làng Ném Thượng năm nay xem ra thiếu ầm ĩ, đám rước ông “lợn” lèo tèo vài trăm người với hình bác to đùng đi trước. Vài người theo sau với lộng, cán, trống cùng với phướn và ông lợn nằm trên xe cây coi bộ buồn rầu ủ rũ lạ. Lễ hội chém lợn được đông đảo người trẻ tham gia, không biết nếu có dịp ra nước ngoài du học các em trả lời sao khi bạn bè ngoại quốc hỏi các em nghĩ sao về hình ảnh dã man này?
Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt. - Lễ hội Minh thề
Bên cạnh lễ hội phanh thây lợn của làng Ném Thượng Bắc Ninh thì người dân Đồ Sơn Hải Phòng lại có nguồn vui chọi trâu không kém phần dữ tợn. Con vật giúp người nông dân ngoài đồng, hiền lành chăm chỉ với công việc ngàn năm trên mảnh ruộng Việt Nam bị đem ra giết nhau với đồng loại. Biết ơn trâu cày người ta cho hai con chọi với nhau, kết quả cả hai lăn đùng ra chết!
Không biết cộng đồng nông nghiệp miền Bắc khi thấy người bạn cày của mình ngã xuống với sự hả hê gần như tàn bạo của con người thì những khán giả đa số là nông dân chung quanh sẽ nghĩ sao?
Chọi trâu không có ở miền Nam vì trên những thửa ruộng cò bay thẳng cánh ấy hình như người Nam Bộ ý thức được rằng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mặc dù đó chỉ là một con trâu, một sinh vật chỉ biết vẫy đuôi khi người ta vuốt ve nó. Trong cái vẫy đuôi ấy người miền Nam lại thấy mối tương quan giữa người với trâu trong khi người miền Bắc không thấy như thế.

Đó là trâu với người, còn người với người thì sao?
Họ không chém, không chọi nhưng họ cướp.
Chữ C, cướp, thứ ba hình thành từ vài năm gần đây khi các lễ hội giữa người với người rộ lên và người ta chăm chăm nhìn vào vật được tuyên truyển quảng bá là có sức mạnh thay đổi cuộc đời người cướp được nó. Thứ nhất là “phết” và kế đó là “lộc”. Hai vật vô tri bỗng dưng lấp lánh và linh thiêng như thánh, có khả năng làm hàng chục ngàn trai tráng nhào vào tranh cướp, đạp lên nhau không khoan nhượng, giật được nhưng không thể thoát ra khỏi cái đám đông cuồng si ấy… Phết, lộc sau đó không biết về tay ai nhưng bao năm qua không một cán bộ cao cấp nào công khai rằng mình cướp được nó, kể cả ông Bộ trưởng bộ Văn hóa thông tin du lịch, người cổ vũ cho những trò cướp giật này hàng năm để thu hút du lịch.

Hãy cùng báo chí quan sát lễ khai ấn năm nay sẽ thấy, sự nhếch nhác, vô trật tự, bất lực của cơ quan chức năng mặc dù đã gửi hàng ngàn cảnh sát cơ động và dân phòng tới giữ trật tự.
Ngay cổng vào đền, người có vé đại biểu, tức những quan chức có máu mặt, chen lấn vào cửa trước khi những người không phải là đại biểu tràn vào. Hàng ngàn đại biểu như thế nói lên điều gì? Họ tới nơi đây để tuyên dương nền văn hóa cổ của Việt Nam hay kéo nhau tới để hy vọng vào bổng lộc mà triều đình XII sẽ ban phát cho họ?

phet.jpg
Lễ hội cướp phết Phú Thọ. Courtesy of cafebiz.vn
 
Thanh niên trai tráng đa số khỏe và lực lưỡng chừng như chỉ chờ hai ngày giật phết và cướp lộc để chứng tỏ cơ bắp của mình. Phía sau đó là ước muốn nóng rực một chức quan mà thánh thần sẽ ban cho không cần tài năng hay trí tuệ. Tâm lý nông nghiệp và lạc hậu này lại được chính nhà nước cổ vũ, tuyên truyền thì thật là lạ! Người thì bảo đó là kế sách ngu dân để trị, kẻ khác lại cho rằng văn hóa truyền thống cần được duy trì chẳng qua dân trí thấp nên nét đẹp của lễ hội bị biến tướng…
Ôi không lẽ tới thế kỷ 21 dân trí của nước ta mới thấp, còn những năm tháng trong chiến tranh trước đây lễ hội vẫn có vẫn đông sao không xảy ra những điều khó coi như vậy?

Hãy nhìn hàng ngàn đại biểu có vé vào cửa đền Trần hẵng nói. Đây là quan trí rõ ràng khi kéo nhau đi xin lộc cho ước muốn thăng quan tiến chức. Người dân chẳng qua là đám ăn theo, chút hy vọng cỏn con vì đã biết chốn ấy không thể là chỗ của mình.
Văn hóa lễ hội miền Bắc không kém và thấp lè tè như biểu hiện như chúng ta thấy bởi bên cạnh những buổi lễ đầy tính chất cướp biển ấy là một lễ hội mà không ông quan nào muốn tham gia như lễ hội đền Trần dù nó đậm chất nhân văn hơn bất cứ lễ hội nào, nó có cái tên rất đẹp: Lễ Minh thề.
Từ sau năm 2003 lễ hội này được phục dựng lại và mỗi năm vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch tại thôn Hoa Liễu xã Thuận Thiên huyện Kiến Thụy, Hải Phòng dân làng tập trung lại trong một không khí trang nghiêm và nhất cử nhất động đều theo đúng những gì mà cả làng đã làm từ nhiều chục năm về trước. Tâm điểm của lễ hội Minh thề này là từ quan chí dân tham dự sẽ trực tiếp nói lên lời thề với đất trời tiên tổ những điều tốt nhắm tới xã hội, nhân quần và cho chính bản thân mình. Lời thề được đọc lên trước các anh linh và có nội dung như sau:

“Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ; ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử; làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt."
Sau khi nghe lời thề, người dân tham dự sẽ cùng hô to hai lần: “y như miệng thề” để tỏ quyết tâm giữ lời thề do bô lão đọc lên, và như vậy là gần như toàn cái thôn nhỏ bé ấy không chừa một ai. Lễ hội tuy có hình thức thần linh nhưng tính nhân văn của nó không thể bàn cãi nhiều hơn, nó nói lên mục đích làm cho guồng máy xã hội tiến dần tới đạo đức làm người và uốn nắn quan chức trở về với lương tâm và bổn phận.
Tiếc một điều từ khi lễ hội được phục dựng lại đôi khi quan chức có tới dự nhưng hầu hết với tư cách “tham quan, chứng kiến” không ai cùng hô to câu “y như miệng thề” như dân chúng trong vùng.
Báo chí cũng nói, năm nay lễ hội Minh thề tại Hải phòng vắng khách! Thật là một cái tựa nhiều ẩn dụ.
Quan chức không về và nhất là không dám mở miệng thề vì dù sao trong thâm tâm họ, trời đất thánh thần là có thật, việc tham ô nhũng lạm của họ cũng là có thật vì vậy nếu thần thánh thi hành lời thề thì mạng sống của họ sẽ ra sao?
Thay vì chạy tới Hải Phòng họ lái những chiếc công xa sang trọng trực chỉ thành phố Nam Định để tham gia việc khai ấn đển Trần. Trách họ làm chi, có trách là trách Đức Thánh Trần vì ngài không làm phép để kẻ nào bất chính bước vào đền của ngài sẽ thổ máu tươi mà chết trước khi cướp lộc.
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
 http://www.rfa.org/vietnamese/blog/canhcoblog-0225-02252016133937.html
 

Thịt chó, bia và tranh ấn đền Trần!

Đặng Hoàng Giang


Từ bao giờ người Việt có thói quen lấy khoái cảm từ việc tự xỉ vả bản thân? Đã mấy hôm nay, người ta chuyền tay nhau các con số 3 tỉ lít bia, 5 triệu con chó, và 500.000 ấn đền Trần được tiêu thụ trong một năm như những minh chứng hùng hồn cho sự bệ rạc và xuống dốc của người Việt. Chúng ta đang tự mô tả mình như một cộng đồng chỉ quẩn quanh dọc ba cạnh của hình tam giác mà ba đỉnh là quán bia, đền chùa và quán thịt chó (mà trong đó cạnh nối quán bia và quán thịt chó là được lưu thông nhiều nhất).

Tôi muốn kêu gọi: chúng ta hãy bình tĩnh. Chúng ta có thể không thông minh như người Do Thái, không chăm chỉ như người Nhật Bản, hay không xinh đẹp như (đàn ông) Ả rập, nhưng chúng ta đâu có đến nỗi nào. Đề nghị tất cả ngồi xuống, chúng ta sẽ lần lượt làm rõ từng chuyện.



3 tỉ lít bia

Theo con số của các nhà sản xuất bia thì người Việt tiêu thụ 3 tỉ lít bia một năm, hay bình quân 33 lít trên một đầu người. Vậy là mỗi tuần, mỗi người uống chừng 0.6 lít bia. Tôi không cho rằng đây là con số gây sốc. Tất nhiên, có người có thể lý luận là phải bỏ ra ngoài phép tính này trẻ em, người già, phụ nữ vân vân. Nhưng kể cả như vậy, suy ra, mỗi người đàn ông Việt cũng chỉ uống cỡ 1.2 lít bia, hay là hơn hai cốc vại một chút, một tuần. Một con số khiêm tốn. Bạn không tin ư? Xin thưa, tửu lượng này tương đương với mức độ của Ý (là những người mà ta biết là ngoài bia ra uống khá nhiều rượu vang). Mà Ý lại chỉ bằng một nửa của Brazil. Mà Brazil lại chỉ bằng hai phần ba của Úc. Nói cách khác, người Úc uống bia nhiều gấp 3 lần người Việt.

Quán quân thế giới là những người Tiệp Khắc anh em, năm 2012 họ tiêu thụ 160 lít bia mỗi người, thêm bớt mấy cốc không thành vấn đề. Lại có một số người lý luận là thể tích của người châu Âu to hơn nên họ có thể uống nhiều hơn trước khi bị lú lẫn. Nhưng ngược lại, ta phải nhớ là ở xứ lạnh không ra mồ hôi như Tiệp Khắc thì 160 lít của họ sẽ gần với 180-200 lít hơn, còn 33 lít ở ta thì thực ra chỉ còn 20 lít vì mùa hè nó túa ra theo lỗ chân lông hết, vả lại bia hơi vỉa hè thì làm sao mà đo được lượng cồn với Pilsner Urquell. Có thể tranh luận nhiều hơn, nhưng tóm lại, chúng ta không có gì phải băn khoăn ở đây.​

5 triệu con chó

Bây giờ sang chuyện 5 triệu con chó bị đưa lên bàn ăn hàng năm ở Việt Nam (theo nguồn tin của tờ báo Anh The Guardian). Vấn đề này cần phân tích công phu hơn một chút. Người ta ăn chó ở Cameroon, Ghana, Nigeria, và không những ở những nước "lạc hậu" này, mà còn ở Canada (với điều kiện con chó phải bị giết với sự có mặt của một thanh tra liên bang), Thailand, Nhật Bản, và tất nhiên, ở Hàn Quốc.

Chúng ta hãy dừng lại ở đất nước này. Mỗi năm người Hàn xếp lên đĩa khoảng 8.500 tấn thịt chó. Gỉa định rằng mỗi con chó nặng trên dưới 10 kg, số lượng thịt này sẽ tương đương với khoảng 850.000 con chó. Công nhận rằng chưa thấm tháp gì, nhưng ta phải lưu ý là dân số Hàn Quốc chỉ là 50 triệu. Như vậy, nếu dân số tương đương với Việt Nam, lượng chó đi vào bếp ở Hàn Quốc sẽ là hơn 1,5 triệu con. Vẫn còn là thấp hơn nhiều so với con số 5 triệu của ta.

Nhưng, và bây giờ các bạn hãy bám chắc vào mép bàn hay thành ghế để khỏi ngã: mỗi năm, người ta dùng thêm 93.600 tấn, tức là hơn 9 triệu chú cẩu nữa, để sản xuất ra một loại nước lên men tên là Gaesoju, nôm na là rượu chó, mà người Hàn Quốc thề là rất tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là để "điều hoà tiêu hoá", và nhất là "sau khi có phẫu thuật". Vị chi tổng cộng là 11 triệu con chó, cho cả ăn lẫn uống. Không rõ vì sao người Hàn lại bị nhiều phẫu thuật như vậy.




Cảnh tượng năm nào cũng diễn ra tại đền Trần.

Ảnh VNE

500.000 ấn đền Trần

Khác với bên trên, trong chuyện ấn đền Trần thì chúng ta không có điều kiện làm các so sánh quốc tế với độ tin cậy cao. Tuy nhiên con số nửa triệu là khá ấn tượng, và cộng với các loại ấn của các đền khác nhau trong cả nước, cũng như các lễ lạt chùa chiền khác nữa thì về mặt thống kê có thể nói trung bình gia đình nào cũng có người đầu năm đến nhang khói nhờ thánh thần phù hộ. Câu hỏi được nhiều người đặt ra ở đây là vì sao bây giờ người Việt lại nhờ cậy tới thần linh nhiều như vậy.

Theo các nhà xã hội học, người ta càng có nhu cầu bám vào các thế lực siêu nhiên khi cuộc sống của người ta càng bấp bênh, bất an, ngoài vòng kiểm soát. Nói một cách khác, khi xã hội không có thượng tôn pháp luật, không đem lại cho người dân an sinh, cảm giác an toàn, chắc chắn, được che chở, bảo vệ, thì người ta phải nương tới cửa thánh thần.

Chẳng ngoài vòng kiểm soát hay sao nếu như bạn không chắc là miếng đất có sổ đỏ của bạn, hay cái đầm cá bạn vẫn canh tác hàng chục năm nay, tới sáng mai liệu có còn thuộc về bạn, hãy đã nằm trong dự án của một đại gia nào đó rồi. Rõ là bạn muốn khấn bái để các thánh giúp bạn không bị trượt chân ngã đúng lúc đang ở trong đồn công an, đập gáy vào dùi cui mà thiệt mạng chứ. Để các thần trao cho đứa bé sơ sinh trong gia đình bạn sức đề kháng chống cự lại với vắc-xin bệnh viện được bảo quản đúng quy trình chứ. Để bà Chúa Thượng ngàn cho năm nay mưa thuận gió hoà để cái đập thuỷ điện lơ lửng bên trên đầu bạn không xả lũ đúng quy trình chứ.

Những cái "quy trình" mà lúc nào cũng đúng đấy, nó cứ lừng lững mà tiến như xe lu, cán bẹp mọi thân phận không may dính phải nó, người ta biết nhờ vào ai mà tránh nếu như không vái tứ phương.

Nhưng còn một cái bấp bênh cuối cùng nữa, đó là không rõ các thánh thần có còn tai mà nghe tiếng cầu khẩn của dân hay không. Đằng trước hàng chục nghìn dân đen nhốn nháo, quần áo nhếch nhác, chen chúc nhau trước cửa đền Trần là mấy hàng quan chức, trang nghiêm trong những bộ comple đen trịnh trọng, như đang ở một cuộc họp trung ương. Họ trò chuyện và hứa hẹn gì với Đức thánh Trần, sẽ chẳng ai biết được. Nhưng gì thì gì, ở chỗ linh thiêng này cũng như nơi trần tục, quan phải xong thì mới tới lượt dân.

Cho nên các bạn ơi, đừng có chê bai hay chế nhạo người dân nữa mà tội nghiệp họ. Cuối cùng, chỉ còn mỗi quán thịt chó và quán bia là những nơi mà người dân có thể vui vẻ bên nhau và trú ẩn chốc lát trước một cuộc sống đầy bất trắc.

Đặng Hoàng Giang
(Phó giám đốc CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển)
http://www.rfa.org/vietnamese/blog/canhcoblog-0225-02252016133937.html


THÔNG TIN & BÌNH LUẬN QUỐC TẾ

Mỹ sẽ ngăn Trung Quốc chiếm lãnh thổ ở hải phận quốc tế




Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc.
Tân chính quyền của Tổng thống Donald Trump ngày 23/1 cam kết Mỹ sẽ ngăn không cho Trung Quốc chiếm lãnh thổ trong các khu vực hải phận quốc tế ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Sean Spicer của Tòa Bạch Ốc nhấn mạnh tại một cuộc họp báo rằng “Hoa Kỳ sẽ đảm bảo bảo vệ các lợi ích của mình tại đây.”
Vẫn theo lời người phát ngôn Spicer, vấn đề đặt ra là liệu các đảo đó thật ra nằm trong lãnh hải quốc tế và không phải là một phần thuộc Trung Quốc hay không, nếu đúng vậy, thì Hoa Kỳ sẽ đảm bảo rằng họ bảo vệ không để cho các lãnh thổ quốc tế bị một nước nào chiếm dụng.
Tuyên bố được đưa ra đáp câu hỏi liệu tân Tổng thống Donald Trump có đồng ý với phát biểu tuần trước của người được đề cử chức Ngoại trưởng, Rex Tillerson, rằng chớ để cho Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo họ đã xây dựng trên Biển Đông.
 http://www.voatiengviet.com/a/my-se-ngan-trung-quoc-chiem-lanh-tho-o-hai-phan-quoc-te/3688572.html


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: không cần thiết hoạt động quân sự tại Biển Đông


RFA
2017-02-04



Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng không cần thiết phải có hoạt động quân sự tại Biển Đông trong thời điểm này.
Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Tokyo vào ngày hôm nay, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ ông Jim Mattis cho rằng Trung Quốc đang xé nhỏ niềm tin của các nước trong khu vực về vấn đề Biển Đông nhưng mặc dù vậy, Bộ trưởng Mattis cũng khẳng định các nỗ lực ngoại giao vẫn cần thiết trong lúc này hơn là các cuộc diễn tập quân sự.
Giới quan sát quốc tế nhận định chính phủ của Tổng thống Trump sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng Trung Quốc không được phép có mặt tại các hòn đảo nhân tạo mà nước này thiết lập vội vã trước đây nhằm xác lập chủ quyền một cách bất hợp pháp ở phía Nam Biển Đông.
Nhà Trắng cũng nhiều lần mạnh mẽ tuyên bố sẽ bảo vệ con đường thủy chiến lược mà quốc tế toàn quyền sử dụng
 http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/Vietnam-legalises-betting-on-football-racing-02042017074355.html/mattis-says-no-need-for-dramatic-us-military-moves-in-s-china-sea-02042017074828.html


James Mattis : Mỹ chưa cần có những chiến dịch lớn ở Biển Đông


media 
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis (trái) và đồng nhiệm Nhật Tomomi Inada, Tokyo, 04/02/2017.REUTERS/Franck Robichon
Mặc dù vẫn chỉ trích kịch liệt Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm nay, 04/02/2017, tuyên bố là hiện giờ chưa cần có những chiến dịch quân sự lớn của Mỹ để đáp lại hành động áp đặt chủ quyền của Bắc Kinh trên vùng biển này. Theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, nên tập trung trước hết vào ngoại giao để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
Theo hãng tin Reuters, ông Mattis đã tuyên bố như trên tại Tokyo, nhân chuyến viếng thăm Nhật Bản, sau khi đã ghé qua Hàn Quốc, trong chuyến công du châu Á đầu tiên của ông.
Trong buổi điều trần trước Thượng Viện Mỹ ngày 11/01/2017 để được phê chuẩn việc bổ nhiệm, tân ngoại trưởng Rex Tillerson đã yêu cầu ngăn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng ở Biển Đông. Tiếp đến, trong buổi họp báo đầu tiên ngày 23/01, phát ngôn viên mới của Nhà trắng Sean Spicer, cũng đã tuyên bố Hoa Kỳ sẽ bảo vệ « các lãnh thổ quốc tế » tại con đường hàng hải chiến lược này.
Các nhà phân tích đã cho rằng những tuyên bố của tân ngoại trưởng Mỹ cũng như của phát ngôn viên Nhà trắng hàm ý rằng Hoa Kỳ sẽ có hành động quân sự, thậm chí phong tỏa hàng hải. Hành động này sẽ dẫn đến xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Nhưng hôm nay, bộ trưởng Mattis khẳng định là Washington hiện không tính đến những hành động quân sự quy mô, mà sẽ dồn mọi nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Tuy vậy, lãnh đạo Lầu năm góc vẫn chỉ trích những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng Bắc Kinh « đã phá nát lòng tin của các quốc gia trong khu vực ».
Cũng tại Tokyo hôm nay, ông Mattis đã khẳng định rằng Hoa Kỳ công nhận quyền quản lý của Nhật trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, quần đảo mà Trung Quốc cũng đòi chủ quyền. Bộ trưởng Quốc Phòng Mattis nói thêm là quần đảo này nằm trong khuôn khổ liên minh quân sự Mỹ-Nhật, hàm ý là Hoa Kỳ sẽ giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Ngay lập tức phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) hôm nay chỉ trích tuyên bố nói trên của ông Mattis, yêu cầu Mỹ không nói đến vấn đề này, và một lần nữa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20170204-jim-mattis-my-chua-can-co-nhung-chien-dich-lon-o-bien-dong
 

Mỹ cam kết bảo vệ Hàn Quốc trước sự khiêu khích của Bắc Hàn




Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) bắt tay Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn trước cuộc họp ở Seoul, Hàn Quốc, 2/2/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (trái) bắt tay Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn trước cuộc họp ở Seoul, Hàn Quốc, 2/2/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis hôm thứ Năm 2/2 cho biết chính quyền Tổng thống Trump quyết tâm củng cố các quan hệ với Hàn Quốc để đối mặt với những hành động mà ông gọi là "khiêu khích" của Bắc Hàn.
Ông Mattis nói:
"Ngay trong lúc này, chúng ta phải trực diện với mối đe doạ có thực mà đất nước quý vị và đất nước chúng tôi đang đối mặt, chúng tôi sẽ kề vai sát cánh với quý vị.”
Ông Mattis đưa ra phát biểu này trong khi đứng bên Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn vào lúc khởi đầu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Thủ tướng Hwang nói ông trông đợi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của liên minh Hoa Kỳ-Hàn Quốc và sẽ "đáp ứng vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn."
Trước khi đáp xuống sân bay Hàn Quốc, ông Mattis nói với các phóng viên tháp tùng ông trên chuyến bay rằng một chủ đề trong chuyến thăm của ông sẽ là hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD mà Mỹ và Hàn Quốc muốn triển khai trong năm nay, bất chấp những sự chống đối của Trung Quốc.
Ông Mattis nói:
“Nếu không có những hành vi khiêu khích của Bắc Hàn, chúng ta đã không cần tới lá chắn tên lửa THAAD ở đây. Không có nước nào khác phải quan ngại về lá chắn THAAD, ngoại trừ Bắc Triều Tiên, nếu họ xúc tiến bất cứ hành động hiếu chiến nào."
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Mattis gồm một chặng dừng chân tại Nhật Bản.
 http://www.voatiengviet.com/a/my-cam-ket-bao-ve-han-quoc-truoc-su-khieu-khich-cua-bac-han/3703526.html
 

Mỹ bảo lãnh Nhật có quyền quản lý quần đảo Senkaku


RFA
2017-02-04



Trong khi tránh có những lời lẽ mạnh mẽ về Biển Đông thì Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis lại xác định Mỹ bảo lãnh Nhật có quyền quản lý quần đảo Senkaku và các đảo này là đối tượng của một hiệp ước phòng thủ lâu dài giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản
Ông Mattis dẫn ra điều 5 của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ cam kết Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản hoặc các vùng lãnh thổ do Nhật quản lý chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào bao gồm các quần đảo Senkaku, mà Trung Quốc tuyên bố là Điếu Ngư
Ý kiến của ​​Mattis đánh dấu sự tiếp nối của chính sách đã được nêu lên nhiều lần dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
 http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/Vietnam-legalises-betting-on-football-racing-02042017074355.html/mattis-says-no-need-for-dramatic-us-military-moves-in-s-china-sea-02042017074828.html/disputed-islands-are-covered-by-us-japan-treaty-02042017075151.html


 




Giáo hội Công giáo Philippines cáo buộc cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte


RFA
2017-02-04



Giáo hội Công giáo Philippines cáo buộc đằng sau cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte là một triều đại khủng bố.
Theo tin từ Reuters cho biết đây là lần đầu tiên Giáo hội Philippines chính thức lên tiếng về cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte qua các bài giảng trong các nhà thờ trên toàn quốc.
Đây là những ​​ngôn từ mạnh mẽ nhất cho đến nay về các vụ đàn áp và giết người bừa bãi nhân danh chống ma túy tại Philippines.
Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines nói rằng giết người không phải là câu trả lời cho buôn bán ma túy bất hợp pháp và nêu ra quan ngại về nhiều cuộc giết người mờ ám.
Trong một lá thư mục vụ, được Reuters công bố nói rằng "Nguyên nhân gây thêm lo ngại do tại nhiều nơi trong cộng đồng người nghèo, hàng ngàn người bị giết không phải vì ma túy. Những kẻ giết người bừa bãi này lại không bị điều tra".
Hơn 7.600 người đã thiệt mạng kể từ khi Duterte phát động chiến dịch chống ma túy cách đây bảy tháng. Hơn 2.500 người được cảnh sát nói là bắn nhau trong khi có hoạt động vận chuyển hoặc mua bán ma túy.
 http://www.rfa.org/vietnamese/internationalnews/beijing-resident-crashes-car-near-tiananmen-square-02042017075917.html/philippine-catholic-church-to-slam-reign-of-terror-behind-war-on-drugs-02042017080236.html



TT Trump thề lật ngược phán quyết 'nực cười’ của Thẩm phán liên bang  




Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay phản ứng trước phán quyết của một thẩm phán liên bang, chặn đứng sắc lệnh hành chính của ông cấm nhập cảnh khách du hành và di dân đến từ 7 nước Hồi giáo. Ông Trump miêu tả phán quyết của thẩm phán bang Washington James Robart là “nực cười”, và thề sẽ ra sức lật ngược phán quyết ấy.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, Toà Bạch Ốc ra thông cáo nói rằng Bộ Tư pháp sẽ tức tốc thực hiện các bước để chặn phán quyết ‘đáng lên án’ của thẩm phán liên bang trong thời hạn sớm nhất. Không lâu sau đó, Toà Bạch Ốc ra thông cáo thứ nhì, xoá bỏ cụm từ ‘đáng lên án’.
Sáng thứ Bảy, Tổng thống Trump lại dùng trang Twitter để cảnh báo nước Mỹ “sẽ lâm nguy” nếu không còn quyền quyết định “những ai có thể và những ai không được quyền băng biên giới vào nước mình.”
Trong khi đó, hàng ngàn người tại nhiều nước trên khắp thế giới đã xuống đường hôm thứ Bảy để phản đối sắc lệnh hành chính của Tổng thống Mỹ.
Tại London, một đám đông nhiều ngàn người đã tụ tập trước đại sứ quán Hoa Kỳ. Họ mang biểu ngữ và hô những khẩu hiệu chống ông Trump. Cuộc biểu tình do nhiều nhóm chống kỳ thị, và các nhóm bênh vực quyền của người Hồi giáo tổ chức. Đám đông tuần hành từ đại sứ quán Mỹ tới quảng trường Grosvenor tới đường Downing, nơi cư ngụ của Thủ Tướng Anh.
Tại Australia, khoảng 1000 người tụ tập tại thành phố Sydney để phản đối lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump, họ kêu gọi giới lãnh đạo Úc hãy đóng cửa các trung tâm làm thủ tục và thanh lọc người tị nạn ở ngoài khơi nước Úc.
Một cuộc biểu tình khác được dự trù diễn ra tại khu nhà nghỉ mát của ông Trump ở Mar-a-Lago vào đêm hôm nay. Trang mạng của ban tổ chức sự kiện cho biết khoảng 1,500 người đã đăng ký tham gia.
 http://www.voatiengviet.com/a/trump-the-lat-nguoc-phan-quyet-tham-phan-lien-bang/3706281.html



KÍNH HÒA * LÝ LỊCH

Nỗi ám ảnh lý lịch

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-04-29

Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
Panô tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 tại Sài Gòn hôm 11/4/2015
Panô tuyên truyền cho ngày 30 tháng 4 tại Sài Gòn hôm 11/4/2015
AFP photo

Dựa trên nguyên tắc đấu tranh giai cấp, các chế độ cộng sản triệt để áp dụng nguyên tắc đào tạo và tuyển dụng một người dựa trên lý lịch của người đó.
Điều này cũng được triệt để áp dụng tại miền Nam Việt Nam sau năm 1975, ít nhất cho đến giai đoạn Việt Nam cải cách kinh tế vào năm 1986. Sau đây là một vài ghi nhận về chính sách này của nhà cầm quyền Việt Nam trong việc tuyển sinh đại học sau khi chiến tranh kết thúc, cũng như câu chuyện của một số nhân chứng. Bài do Kính Hòa trình bày.
Mười bốn loại lý lịch
Ông Nguyễn Đình Nguyên hiện là một chuyên gia về bệnh loãng xương tại Australia, đã từng học đại học tại Việt Nam vào những năm 1980 nhớ lại:
Trước khi bước vào kỳ thi đại học thì chúng tôi phải bước qua một kỳ khai lý lịch. Nếu tôi nhớ không lầm thì lý lịch của chúng tôi được xếp từ 1 cho đến 13. Chúng tôi cũng có nghe tới 14 nhưng tôi chưa thấy bạn nào bị như vậy. Tôi được xếp hạng thứ thứ 11 tức là gia đình (mà họ gọi là) ngụy quân, ngụy quyền ở cấp bậc nhỏ. Loại 12 thì họ gọi là có nợ máu với nhân dân, tức là đi quân đội và dường như là xếp từ thiếu úy trở lên. Loại 13 là những sĩ quan cao cấp, hay là sĩ quan công giáo, tôi cũng không biết tại sao.”
Không phải ai cũng biết là mình bị xếp loại lý lịch như thế nào như ông Nguyễn Đình Nguyên. Ông Nguyễn Thanh Liêm thi đại học vào năm 1978 nói:
Thưa anh bản thân tôi không biết họ sắp xếp như thế nào, bởi vì tất cả đều diễn ra ngầm, không có một chủ trương, một chính sách nào đưa ra rằng con cái của những người thuộc chế độ cũ bị đối xử không giống như những người khác.”
...tôi không biết họ sắp xếp như thế nào, bởi vì tất cả đều diễn ra ngầm, không có một chủ trương, một chính sách nào đưa ra rằng con cái của những người thuộc chế độ cũ bị đối xử không giống như những người khác.
- Ông Nguyễn Thanh Liêm
Trong thời gian từ năm 1975 cho đến khi Việt Nam thực hiện việc cải cách kinh tế vào năm 1986, hồ sơ dự thi đại học của tất cả học sinh được nộp lên một cơ quan gọi là Ban tuyển sinh tỉnh hay thành phố. Nhưng theo một chuyên viên xin được gấu tên hiện làm trong ngành giáo dục tại Việt Nam, thì cơ quan này chỉ là nơi làm công việc hành chánh của Bộ giáo dục. Theo chuyên gia này thì nơi quyết định số phận của các thí sinh là chính quyền địa phương. Ông nói về những người có lý lịch được xếp vào loại xấu
Người ta đã xếp loại trước và người ta đã chuyển cái loại lý lịch đó cho các Ủy ban quân quản, hay ủy ban nhân dân từ cấp phường trở lên. Nghĩa là đối với số đó thì anh có thi, có đậu đại học, thì cái giấy đậu đại học cũng không tới được gia đình anh. Như vậy người dân bình thường người ta không biết đâu. Hay bên ngành giáo dục, người ta chỉ chấm thi thôi, còn chuyện em đó tại sao đậu mà không đi học thì theo kinh nghiệm 40 năm làm trong ngành giáo dục thì tôi biết là bên ngành giáo dục không có quyền biết cái đấy.”
Với hệ thống phân loại đến 14 cấp lý lịch như vậy, trình độ của các sinh viên trúng tuyển rất chênh lệch nhau. Ông Nguyễn Đình Nguyên cho biết là vào năm 1984, điểm của cấp lý lịch thứ 11 như ông vào Đại học Tây Nguyên là 15/30, nhưng trong lớp có cả những bạn học chỉ đạt có 3 điểm.
Không những bị hạn chế ở cánh cửa bước vào đại học, các sinh viên có lý lịch gọi là xấu cũng sẽ không được đi nước ngoài để du học. Ông Nguyễn Đình Nguyên nói:
Chúng tôi không có cơ hội nào để đi du học nước ngoài ở loại lý lịch 11, chúng tôi chỉ có đậu và trượt, dù ở số điểm rất cao chứ không có cơ hội nào xuất ngoại để du học cả.”
Tương lai không ở Việt  Nam
Con cái của những người có quan hệ với chế độ Việt  Nam cộng hòa phải đạt được điểm số rất cao để vào đại học, hơn nữa họ còn phải tránh những trường được coi là có giá vào những năm ấy, ví dụ như các trường Y khoa, Dược khoa, Bách khoa.
Cha ông Nguyễn Thanh Liêm là cựu Thiếu tá quân đội Việt Nam cộng hòa bị đi tù 15 năm sau năm 1975. Ông Liêm vẫn cố gắng vào được đại học, nhưng bỏ dở giữa chừng để vượt biên ra nước ngoài. Ông giải thích lý do của quyết định đó:
Gia đình thấy rằng không có một tương lai nào để đi lên. Sống thì lúc nào cũng sợ bị bắt bớ, bị đưa đi kinh tế mới. Gia đình quyết định là chỉ có con đường vượt biên đi ra nước ngoài thì mới có tương lai hơn. Gia đình sắp xếp đi vì không tin là có thể sống trong một chế độ như vậy.”
Người chuyên viên giấu tên trong ngành giáo dục mà chúng tôi tiếp chuyện cũng đồng ý điều đó. Ông cho biết thêm:
Vượt biên là cái lối thoát của những người không đậu đại học mặt dầu họ đủ điểm hay là thừa điểm để vào đại học. Về mặt công bằng tôi cho là một chuyện oan trái, tôi dùng chữ oan trái này là đúng đó vì anh em tụi tôi cũng buồn là vì nếu những người đó cũng được vào đại học, thì về mặt khoa học, về mặt cống hiến có khi họ tốt hơn những người như bọn tôi, vì đầu óc họ rất tốt.”
Mình thấy đơn giản là cái quyền của con người, quyền được đi học, được làm việc, nó bị xâm phạm một cách ngu xuẫn và tàn nhẫn quá. Tôi không muốn cho con tôi ở vào trường hợp đó nữa.
- Ông Lê Dũng
Ông Nguyễn Thanh Liêm và gia đình sang được đến Mỹ. Ông Liêm hiện là kỹ sư điện làm việc trong nhà máy bảo trì các loại máy bay chiến lược của Mỹ tại tiểu bang Oklahoma.
Đối với những người được chấp nhận vào đại học trong những năm 1970, 1980, con đường tương lai khó khăn của họ chưa chấm dứt, vì họ vẫn phải mang một lý lịch gọi là xấu sau khi ra trường. Ông Lê Dũng hiện sống tại Austin, Texas kể lại:
Sau 30/4 thì tôi vào lớp bảy. Thật sự thì từ lớp bảy đến lớp 12 tôi không thấy áp lực lắm. Cái thứ hai nữa là mình bị tẩy não rằng nhà mình là có tội với nhân dân, thành ra cho sống là may lắm rồi, không cảm thấy phàn nàn gì cả. Được đi học là mừng lắm. Áp lực sau khi được đi học nó qua đi. Đến khi ra trường thì nó quay trở lại. Khi lang thang thì mấy người bạn trước khóa, bên đại học bách khoa hay kinh tế, người ta biết mình người ta kéo qua, nhưng ai cũng ngại khi thấy cái lý lịch của mình.”
Cha ông Lê Dũng là một Thiếu Úy Tâm lý chiến trong binh chủng nhảy dù của quân lực Việt  Nam cộng hòa. Ông bị đi tù năm 1975 và mất trong tù 3 năm sau đó trong một cái chết mà nhiều người trong gia đình cho là khuất tất.
Ông Lê Dũng cũng là thí sinh đạt điểm cao thứ nhì trong kỳ thi tuyển vào Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1981. Sau khi ra trường ông làm nghề dạy kèm trong hai năm, rồi sau đó được một nhóm đầu tư người Việt tại Đức tuyển vào làm việc trong một nhà máy in hiện đại vào năm 1988, là thời điểm mà Việt  Nam bắt đầu mở cửa cải cách kinh tế. Nhưng ngay trong cả thời kỳ đó, người có lý lịch như ông Dũng nếu muốn đi nước ngoài phải được sự chấp thuận của Ban tổ chức thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.
Trong một lần dự hội nghị về Toán và Vật lý lý thuyết tại thành phố Trieste ở Ý, ông được một Giáo sư thu xếp cho một học bổng tại Mỹ. Sau khi hoàn tất việc học tại Mỹ, ông quyết định ở lại. Ông giải thích quyết định này.
Tôi nghĩ rằng bố tôi chiến đấu cho một cái mà ông tin vào đó thì ông không có tội. Người ta tin vào những điều khác nhau, cho nên ông không có tội. Giả sử bố tôi có tội đi nữa thì mắc mớ gì đến tôi. Mình thấy đơn giản là cái quyền của con người, quyền được đi học, được làm việc, nó bị xâm phạm một cách ngu xuẩn và tàn nhẫn quá. Tôi không muốn cho con tôi ở vào trường hợp đó nữa.”
Ông Lê Dũng hiện là Tiến sĩ Toán và dạy tại Đại học Texas ở Austin. Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi ông nói rằng việc phân biệt lý lịch của những người cộng sản đã làm cho họ không thể có được những nguồn lực mới, và sẽ dẫn đến kết quả giống như một sự suy thoái về di truyền.
Ông Nguyễn Thanh Liêm nhắc lại chuyện lúc cha ông đi tù vì là sĩ quan quân đội Việt Nam cộng hòa nhưng ông vẫn được chính quyền địa phương tại Sài gòn cho đi học, từ đó ông nói rằng ông vẫn hy vọng là trong hàng ngũ cán bộ cộng sản vẫn còn có những người mà ông gọi là tốt.

No comments: