Monday, February 27, 2017

VÕ KỲ ĐIỀN * ĐOẠN TRƯỜNG

Đoạn trường ai có qua cầu

Posted: 30/11/2016 in Truyện Ngắn, Võ Kỳ Điền
Võ Kỳ Điền

vietnamese_refugee_camp

Ở một cái đảo hoang như đảo Bidong, nhắc đến việc đổ rác, nghe mà thấy cười. Ai nấy cũng tưởng chuyện nầy chỉ có ở những thành phố văn minh, chớ ở đây rừng núi, biển cả mênh mông đó tha hồ mà quăng, ai hơi đâu cấm cản. Chỗ nào lại quăng không được. Vả lại phần đông người tỵ nạn khi đến đảo chỉ còn hai bàn tay trắng, quần áo chỉ một bộ, làm gì có rác để quăng tới quăng lui… cho vui! Nhưng chuyện đời, dầu là chuyện đơn giăn nhứt như chuyện rác rến, cũng không đơn giản chút nào. Đảo Bidong thiệt tình quá nhỏ, đất đai gì tìm mòn con mắt để dựng một cái lều cũng không còn, phải leo tuốt lên sườn núi, nói chi đến khoảng đất trống dành riêng cho việc đổ rác…

Ban đầu các thanh niên tình nguyện của khối vệ sinh lần lượt đào mười mấy cái hố rác trên bãi cát, dọc theo bờ nước, mỗi hố lớn bằng cái nhà, vuông vức ngó mà phát mê. Bao nhiêu rác rến đều được gom lại tống hết vô đó. Nào giấy vụn, bao ny lông, hộp lon cá mòi, xác chuột, phân người… tha hồ mà quăng. Mà ngộ lắm, chỗ nào có rác thì chỗ đó có ruồi. Hai vật nầy như hình với bóng chặt không đứt, bức không rời. Những con ruồi to đen lớn, bằng con ong bầu đậu đầy trên mặt rác, lốm đốm như mâm xôi đậu. Ruồi ở đảo nhiều cho đến nỗi, mỗi lần rót nước để uống, cả chủ lẫn khách đều phải lấy tay che kín miệng ly, nếu không, sẽ có một con chun vô. Ly là hộp lon Coca được cắt rồi chà cho bằng mặt. Trại có phát cho nhang un muỗi nhưng thiệt ra dùng để un ruồi. Cũng như ở đảo, ngủ phải có mùng. Mùng dùng để ngăn ruồi bay đậu trên đầu trên mặt… Muỗi cũng có nhưng chỉ ở những vùng khuất gió, những nơi sát bờ biển gió lộng tư bề thì rất ít không đáng kể.
Thiệt ra thì mỗi người tỵ nạn sản xuất đâu có được bao nhiêu rác nhưng có điều số lượng người chen chúc quá đông nên số rác trở nên khủng khiếp. Mấy hố rác vừa đào xong ngày hôm trước thì ngày sau đã thấy hơi đầy đầy… đến vài ngày sau nữa thì bắt đầu tràn ngập, vun cao và có mòi tràn ra ngoài. Ban vệ sinh phải è ạch đào ngay một hố cạnh bên, lấy cát của hố mới, đắp lên hố cũ… và cứ như vậy mà tiếp tục. Nhưng điều đáng lo là diện tích của bãi cát còn lại cũng chỉ có bấy nhiêu, đâu có rộng ra thêm chút nào. Đào xới hoài cũng có ngày hết chỗ, mà đã hết chỗ rồi thì phải làm sao, không lẽ đào lại những hố cũ. Thiệt là nhức cái đầu!
Ban quản trại bèn nghĩ ra cách ổn thỏa nhứt là quăng hết rác xuống biển. Biển cả thì mênh mông vô cùng tận, tha hồ mà quăng. Rác nhiều bao nhiêu cũng không sợ. Ruồi thì càng không lo. Người ta bèn làm ra những bè cây thiệt lớn, dừng vách bốn bên để chứa những núi rác khổng lồ, cho ghe kéo tận ra ngoài xa, rất xa, rồi đổ ùn hết xuống biển. Thiệt gọn hết sức! Nước biển mặn đắng sẽ giết hết trứng ruồi, tẩy rửa sạch những dơ bẩn… rồi tất cả mọi vật sẽ tan biến trong lòng đại dương. Chương trình thực hiện được đâu vào ngày hôm trước, cả trại yên tâm ngủ ngon được một đêm. Nào ngờ, sáng hôm sau, số rác rến vừa được tống khứ ra khơi, tất cả đều lần lượt được sóng gió đưa trở về, nằm sắp lớp khoe mình trên bãi cát trắng, một số nhấp nhô trên mặt nuớc… ngó thấy mà ứa gan! Làm sao bây giờ! Thôi, đành kiếm chỗ… đào tiếp, nếu cần thì cũng phải đào trên đỉnh cao!
Nhưng dầu gì đi nữa thì vấn đề rác rến cũng còn có cách để trị, tuy chưa nghĩ ra. Ở Bidong nầy còn có một thứ khổ hơn rác vì khi nhắc tới nó, ai cũng lắc đầu chịu thua, vì hết phương cạy gỡ. Đó là khói nấu nướng của cả chục ngàn cái bếp trên đảo bốc lên, tỏa ra, lan trong gió mờ mịt, bay lên cao lưng chừng trời, rồi không tan hết được, trở xuống bay là là trên những nóc lều, trộn lẫn trong không khí, tạo nên một đám mây màu xám tro đục ngầu.
Từ ngoài khơi nhìn vô đảo, nơi khu vực cư trú, dưới những thân dừa suông đuột, người ta thấy cả một vùng khói trắng xám, phủ khắp chưn núi xanh, vướng vít trên những nóc lều san sát, tạo nên một bầu trời mờ mịt như một đóng un lớn. Cứ tưởng chừng trong giây lát gió biển từ ngoài khơi thổi vô, khói sẽ tan biến trên đầu núi. Nhưng không, đám khói mù ấy bao trùm lấy Bidong, từ sớm mơi tới chiều tối, từ ngày nầy qua ngày kia, không bao giờ dứt. Cũng có thể đám khói mù ấy sẽ bay mất trong một khoảng thời gian ngắn vào lúc nửa đêm khi mọi người đều yên giấc, không còn ai nấu bếp nữa… rồi lại xuất hiện vào lúc tang tảng sáng hôm sau.
Không khí của đảo bị ô nhiễm nặng nề, đủ thứ mùi hôi nhưng khói bếp là nguy hại nhứt. Trên núi có một loại cây gì không biết, sớ gỗ màu đỏ rất cứng. Mỗi lần đóng đinh để dựng cột hay làm mặt sàn rất khó khăn. Đinh bị cong vẹo không biết bao nhiêu lần mới đóng được một cây. Nếu lấy nó làm củi đốt thì lại nhiều khói. Ở lều tôi, bếp được đắp bằng đất sét trộn lẫn với các hộp lon cá mòi tròn, cạnh bên hông lều, hẹp té. Củi mua lại của một anh bạn ở trước mặt, sắp được đi Úc nên bán lại, phần lớn phơi chưa khô, đốt rất khó cháy, khói um cả lều. Cả ngày khói mù như vậy, ai nấy đều ho sặc sụa. Hai lá phổi chắc đóng đầy khói bếp. Khi nấu nướng phải đứng canh chừng, quạt lửa luôn tay, cho tới khi đồ ăn chín. Ngưng quạt là bếp tắt nửa chừng, khói bốc lên mù mịt, khổ sở trăm bề. Nhưng không lẽ không nấu… Đúng là cái vòng lẩn quẩn! Ai cũng sợ khói nhưng ai cũng phải bằng mọi cách… đi kiếm củi, để đốt cho có.. khói!
***
Thường thường cứ sáng Chủ nhựt thì hẹn nhau đi đốn củi trên núi. Buổi đầu tiên tôi đi với Sơn, vì ở lều Sơn, anh Hiền và mấy đứa em có được hai cây cưa. Đi lên núi đốn củi chỉ cần cây cưa là đủ. Anh Hiền vì ở đây đã lâu nên đi trước dẫn đường. Cả đám đi hàng một len lỏi qua các con đường hẽm quanh co, bên những chiếc lều san sát như trong ổ chuột. Đường lên dốc từ từ. Càng lên dốc cao lều càng thưa dần, tầm mắt thấy rộng hơn. Khu định cư chỉ còn một lõm nhỏ ở dưới kia, tai tôi nghe văng vẳng tiếng loa phóng thanh khi mờ khi tỏ. Đường lên núi, càng lúc càng dốc. Mồ hôi đã tươm ra đầy mặt đầy lưng. Hơi thở bắt đầu gấp rút, phì phò. Nắng chói lọi tỏa hơi nóng gay gắt. Sơn đi cạnh bên, hỏi tôi:
– Mệt không?
– Ừ, coi bộ mệt dữ rồi, gần tới chưa?
Sơn cười:
– Đi núi là không được nói mệt nghen, phải nói là khỏe lắm… khỏe lắm….
Tôi vừa nói, vừa thở hổn hển:
– Leo dốc dựng đứng như vầy, khỏe gì nổi, thở không ra hơi nè!
Hai bên đường mòn có dấu vết rừng bị cháy rụi, còn trơ ra những thân cây trơ chìa, nám đen, dưới đất tro than đen xám vương vãi. Cạnh đó một vùng cây bị đốn, dấu cưa sát gốc. Đường đi trở nên ngoằn ngoèo, phải nhảy trên nhiều tảng đá cheo leo. Cây vụn bị chặt bỏ ngổn ngang, bừa bãi. Chợt nhìn thấy một cây vừa tầm nằm dọc theo đường đi, tôi nói với Sơn:
– A, có một cái cây tốt quá, mình cưa khúc đem về, khỏi phải tìm kiếm mất công.
Anh Hiền cản lại:
– Đừng thèm lấy, nó không dùng được việc gì nên người ta bỏ lại đó.
Tôi ngạc nhiên:
– Tại sao vậy?

– Muốn lấy cây làm củi chụm phải lựa cây nào suông thẳng, sớ cây thưa, mới dễ bửa nhỏ ra mà chụm được. Còn cây nầy cong vẹo mà lại có nhiều mắt to, làm sao anh lấy búa bửa ra cho nổi…
Ở đây chỉ có cây và đá. Những tảng đá thật lớn sừng sững bên vách núi. Cây mọc chen nhau chật cứng, vươn tàn lá lên cao để giành hứng ánh nắng mặt trời. Ở gữa các nhánh có những cây ráng mọc chen, lá xanh um, dáng như gạc nai. Đôi khi cũng có những cây phong lan đong đưa trong gió. Có lẽ rừng núi đầy người phá phách nên không thấy một bóng chim bay, cũng không thấy một con thú rừng như thỏ, như sóc… Cả bọn leo dốc từ từ lên cao nữa, quẹo trái rồi quẹo phải. Tôi thấy một đám cây mọc đều đặn, cây nào cây nấy nhỏ bằng cây cau suông đuột. Có lẽ nơi đây chăng? Đúng rồi, anh Hiền dừng bước, miệng nói:
– Nghỉ mệt một chút cho khỏe… rồi mình lựa cây.
Đứng ở vị trí nầy khá cao, tôi đưa mắt nhìn quanh. Bên kia là một thung lũng thấp, cây cối thấp hơn nhưng cũng đang bị đốn phá nhiều hơn. Có những quảng trống thưa thớt. Xung quanh đây đó, đầy những người di động ồn ào. Tiếng cây bị cưa, ngã đổ ầm ầm vang dội rền đi từ vách núi. Tiếng người nói chuyện líu lo, ồm ồm… Sơn nói:
– Hủ Tiếu và đám bộ hạ đang đốn cây ở dưới kia kìa…
Tôi rán mà nhìn, thấy Hủ Tiếu đương đứng với một đám đông, chắc là mấy đứa con rể A Son, A Tài… Tiếng cưa, tiếng búa, tiếng nói chuyện cười giỡn vang dội cả khu rừng vắng. Có ai mà ngờ được, nơi đỉnh núi hoang, giữa biển vắng nầy lại có lúc ồn ào náo nhiệt như ở giữa chợ, thiên nhiên đắm mình trong giấc ngủ triền miên ngàn năm, cũng phải giựt mình thảng thốt với sự tấn công xâm lấn của con người. Mới có một thời gian ngắn chừng bảy tám tháng, kể từ ngày trại tỵ nạn Bidong được thành lập, đỉnh núi đất đầy cây rậm rạp lần lần bị cưa, bị đốn, một ngày một nhiều… như một cái đầu bị rụng tóc, sói sọi. Hiện tại thì bị một lõm to ở giữa và một đường cong queo dài ngoằn từ dưới chân lên tới đỉnh với những vết loang rộng… nếu mà tình trạng nầy kéo dài thì rừng núi Bidong, sẽ không còn là chỗ trú ngụ của chim chóc, của thú rừng, cây cối sẽ bị đốn mất hết, chỉ còn những tảng đá trơ lỳ với tháng năm…
Anh Hiền đứng ngắm nghía chọn lựa rồi chỉ một cây, Sơn và thằng Tí bắt đầu cưa. Thịt cây còn tươi rói nên lưỡi cưa ăn vô ngọt xớt, mạt cưa văng ra trắng gốc. Hiền nói:
– Phải cưa mở miệng nghiêng xéo một bên, để khi cây ngã theo ý mình muốn. Nếu không để ý thì nguy hiểm lắm, nó đè chạy không kịp…
Rồi Hiền giải thích thêm cho tôi nghe:
– Điều đáng sợ nhứt là đa số không phải là thợ rừng nên không biết cách cưa cây cho ngã theo ý muốn. Có nhiều trường hợp cưa xong, bị cây ngã đè bị thương hay là chết. Cũng có khi cây mọc dầy đặc, cưa xong một cây, xô hoài nó không ngã vì ở trên ngọn, cành lá chằng chịt vướng víu nhau. Không biết làm sao được, người ta đành bỏ đi cưa cây khác. Vài ngày sau cây khô trơ cành ra, gió thổi lắc lư. Vô phước cho anh nào đi lớ ngớ tới, cây ngã đè thì khó tránh khỏi nguy hiểm… Muốn biết cây nào đã bị cưa thì cứ ngó lên đọt, thấy lá héo vàng thì phải liệu mà tránh cho xa…
Tôi ngó một vòng, quên mất mình đang kiếm củi, nhìn xuống thung lũng tươi xanh rậm rì, cây đá chen nhau, máu sắc hình khối lẫn lộn như một bức tranh thiên nhiên kỳ thú. Nhìn quay ra biển, thấy biển ở tuốt dưới xa, phong cảnh mờ ảo. Cây cối ở phía dưới chưn núi như nhỏ quắt lại, sóng biển lăn tăn nhỏ xíu, vài chiếc thuyền con lênh đênh như trong mặt hồ, cảnh vật một màu xanh mướt. Mây từng dải mờ nhạt như khói, như sương bay lững lờ dưới chưn núi như tấm lụa mỏng nõn nà… cảnh giống y như những bức tranh phong thủy của Tàu, đẹp tuyệt vời. Không khí trên cao im mát… Tôi rán tìm mặt trời để định hướng. Bây giờ nó đã lên cao ở gần đỉnh núi, chói lòa. Anh Hiền thấy tôi quay qua quay lại hỏi:
– Anh muốn kiếm cái gì vậy?
– Tôi muốn coi Việt Nam mình ở về hướng nào?
Anh Hiền chỉ ngược về hướng rừng sâu. Có thấy gì đâu, ở đó có chỉ có cây cối chằng chịt. Tôi ngước mắt nhìn lên phía trên xa thấy vài đám mây bay lãng đãng… Cả bầu trời xanh trong, rải rác từng cụm mây di chuyển chầm chậm. Hướng nào cũng đầy bóng mây… Bốn phương mây trắng một màu, trong vời cố quận biết đâu là nhà…
Ngó tới ngó lui, tôi trực thấy một thân cây dài ai đã cưa sẵn sát gốc, bỏ nằm cạnh một bụi rậm. Cây bị cháy xám đen ngoài vỏ nhưng bên trong ruột cây còn nguyên, sớ thẳng và trắng. Đúng là một khúc cây lý tưởng. Tôi lấy cưa, cưa một đọan dài cở chừng ba thước, không nặng quá để còn đủ sức mà vác trên đoạn đường xa. Cái cây tốt như vậy mà bị bỏ lại đây có lẽ vì nguời ta sợ bị dính than đen lem luốc, khi vác về ngang chợ. Khúc cây được cắt xong, tôi lấy tay khiêng lên coi thử nặng nhẹ. Thiệt là vừa hết sức, định vác luôn. Anh Hiền cản:
– Khoan đã, cả tuần mới đi núi một lần, ở chơi lâu lâu rồi hảy về!
Sơn đề nghị:
– Có ai muốn đi… vô bụi với tôi không?
Thấy mọi người còn đứng yên, Sơn nói tiếp:
– Đi đốn củi trên đỉnh núi, khoái nhứt là cái vụ nầy! Thứ nhứt quận công, thứ nhì… đồng!
Chưa kịp rủ đến lần thứ hai, ai nấy nghe bùi tai đều lần lượt kiếm chỗ tốt. Trời đất mênh mông, tha hồ mà thơ thẩn!
Cả bọn sắp xếp đi xuống núi. Cũng anh Hiền đi trước dẫn đường. Trên vai mỗi người bây giờ là khúc một cây dài đong đưa. Tí nhỏ nhứt trong đám mà lại vác một khúc cây lớn khá nặng, cái lưng nó oằn xuống. Trên đầu cây của Hiền và Sơn còn có treo lủng lẳng cây cưa. Tôi đi sau chót. Vừa ra khỏi một khúc quanh tôi nhìn thấy một dốc lài thoai thoải, phía dưới là bãi cát trắng phau. Nhìn về phía trước, đoạn đường quá dài, lại loanh quanh trắc trở, phải vượt qua những bực đá cheo leo, khúc cây đang vác mỗi lúc càng trở nên nặng hơn… Tôi bèn quyết định đổi hướng, quyết vạch một con đường mới đi thẳng xuống bãi, rồi sau đó, tìm cách trở về. đảo Bidong nhỏ xíu, làm sao mà lạc được…
Các bạn đi trước lo vác cây lầm lũi đi, có biết đâu tôi tự ý sửa đổi lộ trình. Tôi ngắm hướng một hồi rồi đứng trên cao dùng hết sức quăng khúc gỗ xuống dưới thấp. Khúc cây theo đà quăng, tung ra xa rớt xuống phía dưới cỏ, rồi trớn lăn còn mạnh nó tiếp tục rơi xuống, đập vào gốc cây nầy, bá vào bụi cây kia, vài ba bận rồi mới chịu nằm yên. Tôi khoái chí lò dò leo xuống theo. Hướng nầy ít cây mọc, cỏ dầy ngang ống chưn nên xuống khá dễ dàng. Tôi lại tiếp tục quăng cây xuống thấp. Có nhiều bận nó vướng vào bụi rậm, phải len lỏi vào, vác ra nơi quang đãng rồi quăng xuống tiếp. Trên đường dốc tôi gặp hai con suối cạn, dòng nước nhỏ xíu chảy lờ đờ lẫn trong đám cỏ xanh um tùm, có dấu vết người ta đến tắm rửa, giặt giũ, bọt xà bông trắng đầy, vương vải hai bên bờ. Nhờ có con suối, cây cối chỗ nầy mọc chằng chịt. Cuối cùng rổi thì tôi cũng xuống tới chưn núi. Khỏe quá, đoạn đường được rút ngắn mà lại khỏi phải khiêng vác lôi thôi. Tôi đứng vịn khúc cây cháy đen, nhớ tới anh Hiền mà thấy cười. Tại sao lại phải về theo lối cũ, tại sao cứ phải theo lối cũ, chi cho cực khổ vậy!
Bãi cát chỗ nầy trắng xóa, không một dấu chưn người. Vạn vật còn y nguyên đấu vết hoang sơ. Năm ba thân cây mục rữa nằm trơ vơ giữa trời đất vô tình. Kế đó là những bụi dứa dại xen lẫn với những gốc dừa… Toàn cảnh hoang vắng đến ghê rợn, không một cánh bườm, không một bóng chim, không một dáng người, không còn tiếng loa phóng thanh, không một túp lều nhỏ. Chỉ có cây đá, mây nuớc… và tôi… với khúc cây cháy đen!
Tôi bèn ngắm hướng một hồi rồi vác khúc cây lên vai, đi dọc theo bãi cát. Như vầy thì thế nào cũng về tới trại. Cứ vòng theo bãi cát. Đi một đọan ngắn, lối đi bị vách đá chớn chở chắn ngang, nhìn về hướng cũ, phía bên kia cũng vậy. Bãi cát chỉ có một lõm ở giữa mà thôi! Chết rồi, làm sao mà về, tôi đi lạc quá xa. Không ngờ Bidong cũng lớn quá. Vậy mà lúc đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, nó có chút xíu!

Tôi vừa đứng, vừa thở vừa lo. Nắng cháy trên đầu, nắng nóng dưới chưn. Tay chưn trầy trụa xơ xác vì khúc cây nặng. Hướng nào để trở về? Bây giờ thì tôi không còn định hướng được nữa. Rõ ràng hồi sáng đi lên, đốn củi xong thì đi xuống, tại sao lại lạc kỳ cục vầy nè? Phải làm sao bây giờ, chỉ có cách là leo trở lên đỉnh núi, trở về chỗ cũ, rồi tìm đường về trại. Nhưng đâu phải là chuyện dễ. Leo dốc núi một mình giữa trưa đứng bóng là một chuyện rất vất vả, khó khăn. Bụng đói cồn cào, cổ lại khát khô. Vả lại còn có khúc cây dài tới ba thước, nặng chình chịch, vác nó mà leo trở lại chỗ cũ thí chắc có nước chết. Hay là bỏ quách nó lại ở đây, ra về tay không? Tôi suy đi tính lại, nếu ra về tay không thì mấy đứa em ở nhà cười cho thúi đầu. Mang tiếng là đi kiếm củi mà không có một cây, thì coi sao được. Hơn nữa trước khi đi đã dặn Tiến ở nhà lo mượn búa để có sẵn mà bửa củi ngay chiều nay. 
Tôi tưởng tuợng ra cảnh trở về tay không, mặt mày bơ ngơ báo ngáo, mấy đứa em xúm lại mà chọc, đâm phát rầu! Không được, không cách gì mà về tay không, thôi phải rán vác vậy. Tôi đau khổ mà vác khúc củi cháy trở lại lên vai, lần mò leo trở lại chỗ cũ. Khúc cây giờ nầy nặng hơn đá, vướng víu bực mình. Mỗi bước đi mồ hôi tuôn ra như tắm, tóc tai ướt mem… Đã thấy lại con suối cạn.. rồi tới con suối thứ hai. Không biết tôi phải ngừng lại để thở bao nhiêu lần, cuối cùng rồi cũng trở về được chỗ cũ. Mừng quá, đã về đúng được chỗ cũ. Tôi bỏ khúc cây nằm lăn bên đường mòn, ngồi bệt xuống đất mà thở. Chờ cho hết mệt, tôi vác khúc cây đến một ngã ba. Có lẽ phải quẹo trái? Nhưng muốn cho chắc khỏi bị lạc nữa, tôi hỏi thăm một người đang cưa cây. Anh ta chỉ đường xong rồi hỏi:
– Anh ở đây lâu mà sao còn bị lạc?
Tôi ngạc nhiên:
– Tôi mới đến Bidong chưa đầy một tuần, tại sao anh lại nói tôi ở lâu?
Anh bạn đó cười ha hả trả lời liền:
– Tại anh đen thui giống Mã Lai!
Tôi cũng bật cười, cám ơn rồi vác khúc củi đi. Nhớ lại là cả tháng trời ở đảo Pulau Kapas, tắm biển phơi nắng suốt ngày, qua Bidong râu tóc lại không cạo gọt, một phần nửa khúc cây quỷ dịch nầy cháy đen hòa với mồ hôi bết đầy người lem luốc, vậy mà phải ôm vác từ sớm mơi tới giờ. Thây kệ nó ở nơi khỉ ho cò gáy nầy, xấu đẹp cũng đâu có ai để ý tới. Mới có một tháng trời mà thay đổi quá nhanh…
Tôi trở về đúng con đường cũ, đường xuống dốc dễ đi hơn. Khúc cây đè nặng theo nhịp đi, lâu lâu tôi phải ngừng lại để đổi vai. Cũng may khúc cây dài chỉ có ba thước, phải nó to hay lớn hơn chút nữa thì không biết phải làm sao. Dần dần trên con đường mòn tôi gặp lũ lượt từng toán năm ba người cũng vác cây trở về. Có người lực lưỡng vác cây lớn thân cỡ bằng cây chuối đi coi nhẹ nhàng như không. Có những thiếu nữ không đủ sức để khiêng vác nặng, họ lượm những cành khô nhỏ, bó gọn lại rồi ôm về… Thấp thoáng qua những cành lá, những nóc lều xanh xanh chợt ẩn chợt hiện ở phía dưới triền đồi. Tôi lắng nghe thấy tiếng loa phóng thanh văng vẳng từ xa. Rồi toàn khu chợ trời hiện ra dưới thấp. Xa hơn một chút, ở ngoài bãi cầu tàu supply nhỏ xíu với các ghe tàu đậu xung quanh. Tôi đi loanh quanh trong các ngõ hẻm, về tới lều gần hai giờ trưa. Tôi vội quăng khúc củi nợ đen thui đằng trước ngõ, đứng thở một hồi lâu mới lại sức. Mình mẫy lấm lem, phải dội hết mấy thùng nước mới sạch. Buổi trưa đó mặc kệ trời nóng như thiêu như đốt, tôi ngủ một giấc mê man không còn biết trời trăng mây nước…
Các lần sau đi lấy củi đã quen nên tôi không còn lạc đường nữa, củi lấy được cũng nhiều hơn. Có lần lên núi với Tiến và Chiêu, trở về lối cũ, chưa ra tay cưa cắt gì, chợt thấy một đống cây đã vạt từng lát mỏng cỡ chừng ba bốn phân tây, bỏ đầy trắng cả đất. Thì ra đó là cây của dân buôn lậu. Họ chọn những cây to lớn, đốn ngã xong rồi dùng búa vạt thân cẩy ra thành từng tấm ván nhỏ dài cỡ hai ba thước để đóng ghe. Những chiếc ghe thật mỏng manh. Họ lấy dầu chai trét ghe bằng cách khoét bọng cây rồi đốt lấy dầu. Nhiều khi lửa cháy lan, gây thành đám cháy rừng, ban đêm đỉnh núi đỏ rực, dòng lửa ngoằn ngoèo như rắn bò. Mỗi lần rừng cháy, cả đảo kinh hoàng, nếu ngọn lửa cháy lan xuống trại thì cả ngàn người bị thiêu sống. Vật liệu xây cất ở trại toàn bằng chất dẫn lửa, cây ván, bao ny lông, dầu lửa đốt đèn, bếp núc nấu nướng sát vách… vậy mà trời thương, Bidong chưa bị cháy lần nào.
Tôi tìm thấy được đống ván vụn nầy trong một góc rừng. Loại cây có được sớ to, thân thẳng băng, thịt trắng rất dễ bửa nhỏ ra để làm củi chụm. Mà cần gì phải lo, người ta đã bửa vụn ra gần hết rồi, quăng vụt một đống ngổn ngang, bừa bãi! Chiêu và Tiến chạy đi bứt dây rừng, bó làm ba bó. Mỗi bó lớn cỡ vòng ôm. Tôi thấy ham quá, cứ nhét vô thêm cho tới đầy cứng, đến lúc khiêng về, nặng muốn gảy xương sống luôn! Hơn nữa khiêng một thân cây còn nguyên dễ hơn là vác một bó củi lớn. Khúc cây tuy nặng nhưng gọn gàng, còn củi vụn cũng nặng nhưng bề bộn, cứ mỗi bước đi có một hai thanh tuột ra, chỉ chực rớt xuống, lâu lâu phải ngừng để cột lại cho chắc. Kỳ gỗ đó dùng được thật lâu, mãi cho đến khi tôi rời đảo, cũng còn lại một mớ…
Có đi lấy củi mới biết cảm thông thân phận người tỵ nạn Bidong không một đồng xu dính túi. Ở đảo, người gan dạ có máu phiêu lưu mạo hiểm thì đóng ghe chèo ra biển buôn lậu, còn như chậm lụt hơn thì chỉ có nước lên núi đốn củi để bán. Ngoài việc bán củi để chụm, người ta còn bán cây lớn cỡ cườm tay để làm cột lều, bán cây nhỏ cỡ ngón tay để làm vạt giuờng… Muốn có một thước củi để bán, đâu phải dễ dàng gì, phải đốn cây từ núi cao, vác về cưa cắt rồi bửa nhỏ ra, một ngày lao động cật lực, chưa chắc kiếm được bảy đồng Mã Lai! Thiệt là gian nan và nguy hiểm vô cùng.
Rắn cắn cũng chết, cây ngã đè cũng chết, đường núi trơn trợt, té va đầu vào đá.. cũng chết! Cái gì cũng có thể làm cho người ta chết được hết, chỉ vì một ước muốn duy nhứt, họ muốn có tiền để… sống còn!
Võ Kỳ Điền
Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ – Chương 21
Nguồn: Tác giả gửi

NGUYỄN VĂN SÂM * NGƯỜI HUYỄN TƯỞNG

NGƯỜI HUYỄN TƯỞNG

NGUYỄN VĂN SÂM
Chú Ba Chịu cầm cây gậy tre người cháu rể mới chuốt cho mấy ngày nay gõ nhè nhẹ lên cánh cửa cổng sắt rồi cẩn thận bước ra ngoài. Gió sớm mai lành lạnh khiến chú lưỡng lự một lúc rồi đứng lại sau khi bước được vài ba bước quen thuộc. Chú cẩn thận kẹp cây gậy vô giữa hai đầu gối. Chú giơ hai tay lên trời, đưa lên đưa xuống, hít thở chút không khí trong lành buổi sáng rồi cầm gậy quơ quơ trước mặt như người mới chập chững tập múa côn quyền. Chú đứng im lại, quay về phía Xóm Tronkhi nghe tiếng rao mời mua giấy số mỗi lúc đến gần chú hơn.

Giọng người bán giấy số nhừa nhựa, có hơi quen quen mà chú không biết sao lại hơi quen quen. Có thể là mấy bữa nay ngày nào cũng nghe ông ta rao hai lần: buổi sáng vừa bảnh mắt ra và buổi chiều lúc nắng vừa hơi dịu dịu gần giờ cái loa ở đầu kia oang oang bắt đầu phát thanh buổi chiều. Nghe rao mời riết rồi có cảm giác quen quen chăng?
Chú về ở căn nhà nầy cả tháng nay rồi. Việt kiều già đặc biệt như chú làng xóm chẳng ai thèm chú ý chi cho mệt. Chú sống thanh đạm với cặp vợ chồng đứa cháu, để được tụi nó lo cơm nước chợ búa hằng ngày. Ngoài chuyện đó, mọi thứ khác chú tự lo liệu được. Đơn giản thôi mà, tất cả mọi chuyện lần lần rồi sẽ quen đi. Phải tự lo liệu chứ không thể quá dựa vô người khác được, cái gì cũng kêu réo, chuyện gì cũng nhờ vả thét nó mụ người đi. Còn chưn tay lành lặn, còn trí óc minh mẫn là còn tất cả, chú tự nói với mình như vậy, và chú cũng nói câu đó với người nào khen mình khi thấy chú lui cui tự làm lấy công việc hằng ngày, đáng ra phải có người khác lo giùm giúp.

Người bán vé số ngừng lại trước mặt chú:
“Mời ông mua giùm vài tấm giấy số. Số 43, 77 kỳ nầy là hên lắm đó. Còn có mấy tấm nầy thôi.”
“Cám ơn, tôi không mua giấy số, chơi cái nầy kể như liệng tiền vô thùng rác. Sớm mơi mua, chiều dụt”. Chú làm ra vẻ thân mật nói trong khi cười cười.
“Ông mua thử coi, chiều nay biết đâu ông trúng lớn. Mặt ông coi rạng rỡ hết biết, chắc là Thần Tài tới viếng chiều nay. Cái hên coi bộ vô tay ông chiều nay đó”, anh ta nhấn mạnh thêm. “Chuyện đời mà, ông có thời, cầm tấm đó thì trúng lớn, người khác không có thời, thất đức, cầm nó thì lại không trúng cắc nào.”

Anh chàng nầy lẽo lự dữ bây! Miệng lưỡi nầy thường là không thiệt tình!
“Trước đây tôi mua nhóc, tuần nào cũng mua cả xấp, giờ thì thấy không cần thiết nữa. Bỏ chơi rồi. Trúng trật không làm mình quan tâm nên không mua làm gì.”
“Buôn bán bây giờ khó khăn quá. Ông biết không, mình là lính thất trận lại bị xui xẻo nên mới khổ như thế nầy, nếu hên như người ta thì bây giờ cũng Việt kiều Việt kiết, đâu phải lội rã giò mỗi ngày, mời thiên hạ từng tấm giấy số để kiếm kiếp sống thừa.”
Chú Tư Chơi thấy hứng thú để nói chuyện với anh chàng bán vé số. Chú nói trong khi đưa cây gậy kẹp giữa hai chưn như truớc:
“Đâu anh lựa cho tui hai tấm với mấy con số anh vừa nói coi. Chiều nay trúng tôi chia anh phân nửa. Trúng số mà giữ xài mình ên thì mất phước đi.”
Người bán vé số đưa lên miệng sảng khoái hít một hơi thuốc thiệt dài rồi liệng tàn ra xa, thở một hơi dài thích thú tuyệt đỉnh, coi câu nói hứa

“Anh hút thuốc ngon lắm sao, tôi ngửi mùi không thôi cũng thấy khó chịu.”
Người bán vé số không trả lời câu khích bác của khách, ông ta có sự tính toán riêng.
“Còn năm tấm nầy nữa ông mua luôn đi cho chẵn khỏi thối. Năm chục ngàn. Bữa hôm nọ còn ba tấm chót tôi mời ông kia vậy mà là ba tấm độc đắc. Hên ghê!”
Chú Tư Chịu lắc đầu, đưa tay vô túi móc ra hai tấm giấy mười ngàn.
“Mua một hai tấm, trúng thì cũng trúng, mua ê hề cả đống tới chừng trật cũng trật tuốt.”
“Ông nói đúng. Như tôi hồi đó lên được tàu nhỏ rồi, cầm cái sam sông nai đầy tiền đô rồi mà bây giờ cũng ở xứ nầy, nghèo vẫn hoàn nghèo. Không có số hưởng thì chịu ông ơi. của vô tới miệng cũng trớt mỏ như thường.”

Chú Tư nhớ tới chuyện của mình. Chú thở dài. Qua tới Mỹ chắc đâu đã sướng. Tùy người thôi. Hai mươi năm bương chải nhà cửa, con cái đề huề, bỗng bị tai nạn, giờ cốt khỉ hoàn cốt khỉ. May mà còn được cái trợ cấp bịnh tật, không thôi thì trớt đít, trơ mỏ, có môn cạp đất mà ăn.
“Đâu anh nói rõ ràng coi, tôi không hiểu, lên được tàu nhỏ thì chạy chừng nửa giờ là lên tàu lớn. Trở thành Việt kiều dễ như cơm, sao lại không được?”
Người bán giấy số không trả lời, anh cầm hai tay mấy tấm giấy số, đưa ra, lắc lắc:
“Ông mua giùm thêm mấy tấm nữa nhe! Bữa nay nói chuyện được với ông chắc là tôi hên, bán hết sớm. Lớn tuổi rồi, nói thiệt với ông, đi rã giò, chán đời lắm.”

Anh ta chìa chìa một cách kiên nhẫn mấy tấm giấy số trước mặt chú, mà coi bộ chú Tư Chịu lơ đãng sao đó như là không thấy, anh ta phải ấn ấn vô bàn tay chú.
“Ông biết không, tôi nhảy được lên tàu nhỏ với thằng bạn thân, nhưng mà người ta nhảy lên nhiều qua nên tàu không chạy được, cuối cùng thì chìm lỉm. Tôi vừa cố gắng giữ cái cặp tiền, vừa phải lo nâng thằng bạn, sợ nó chết chìm nên mình bị mệt đuối, cuối cùng thì…” Người bán giấy số ngừng lại không kể nữa, anh ta rút thuốc ra châm lửa hít một hơi dài, chàng ràng, xoa xoe tập giấy số, mắt láo liên nhìn chung quanh coi có ai đi ngang qua để mời mua. Cặp mắt anh ta và cử chỉ phối hợp rất nghề nghiệp.

Chú Tư kiên nhẫn đợi, nhưng không nói gì. Chú đưa tay ra quơ đụng xấp giấy số và nhón lấy thêm hai tấm nữa.
“Cuối cùng thì lội được trở vô bờ. Ở lại tới bây giờ đây, chán thấy mẹ nội luôn. Lúc đó cũng có đi lanh quanh trên bờ tìm tàu khác, nhưng trễ rồi, hỗn quan hỗn quân, lính thua trận đen nghẹt, mình đâu đủ sức nào xuống ghe tàu nữa. Thôi về!”
“Có cứu được người bạn của anh không?”
“Có mà nói ra thêm buồn.”
“Sao?”
“Anh ta giựt cái cặp tiền của tôi, lẩn trong đám đông đi mất. Mình thất tha thất thiểu buồn chết mẹ, có lúc muốn bắn vô đầu một phát chết mẹ nó cho rồi. Thua trận mà giờ chót còn bị bạn lừa gạt. Phải chi người lạ cũng cam lòng.”

Chú Tư rùng mình thiệt mạnh, như cơn gió lạnh nào thổi qua người chú mà chú mặc áo không đủ ấm. Chú gợi thêm cho người đối thoại có chuyện tuôn ra:
“Chắc là anh bạn của anh bị người ta chen lấn nên hai bên mất dấu nhau chứ gì. Lúc đó thiệt là dễ lạc nhau, vợ lạc chồng, cha mẹ lạc con thiếu gì. Bạn bè càng dễ lạc, đâu ai nắm tay bạn chầm chập bao giờ.”
“Tôi biết! Nhưng không phải vậy đâu. Thằng đó tánh nào tật nấy thôi. Ăn cướp cạn! Giựt dọc!” Người bán giấy số nói lớn tiếng hơn, giọng bực bội.

Chiều 28 tháng Tư, Trung úy Bảng Chi Khu Phó cho tập hợp các ban ngành còn lại để ra lịnh đối phó với tình hình quá nặng nề trước áp lực của địch quân. Trung sĩ Chịu đi qua lại trước phòng họp để coi an ninh như hồi đó tới giờ. Phòng họp vắng tanh, chỉ còn vài mống, không ồn ào như trước. Nghe được tiếng còn tiếng mất từ giọng Trung úy Bảng. Tình hình thiệt là nghiêm trọng. Mình có bổn phận phải giữ vị trí tới giờ phút cuối cùng. Nhưng làm được tới đâu hay tới đó. Ai cũng có gia đình, vợ con, ai cũng phải lo mạng sống của mình… Có chuyện gì thì anh em cứ lo thân nhưng nhớ đừng thả tù ra nhe mấy cha, tụi nó có thể quay lại thịt mình vì căm thù, vì cần cướp giựt gì đó. Nguy hiểm lắm…

Trung Sĩ Chịu nhớ tới thằng Chơi, bạn thời Tiểu học với mình. Nó nằm trong đó chờ gởi về tỉnh để gỡ lịch. Ở xã gởi lên lâu rồi, bị bắt trong một cuộc hành quân trong vùng họ kiểm soát lâu nay. Không biết tính sao với nó giờ đây. Còn nhớ cặp mắt dửng dưng của nó khi nhìn thấy mình nhưng sao vẫn thấy ngùi ngùi vì nó là thằng bạn cũ duy nhất thời Tiểu học mới được gặp lại. Còn nhớ bàn tay mặt bốn ngón của nó, tai nạn do hồi năm đó hai đứa thi nhau cắt cỏ bò bằng tay trái cầm liềm. Tội nghiệp hồi nhỏ hai đứa là cặp bài trùng: thằng Chịu, thằng Chơi. Làm gì, đi đâu cũng có nhau, hễ gặp một thằng thì thế nào cũng bị người lớn hỏi còn thằng Chịu (hay thằng Chơi) đâu?

“Tôi còn nhớ là nó kêu tôi đưa nó cầm giùm cái cặp, tôi không chịu, rồi sau đó trong khi chen lấn nó giằng thiệt mạnh, quyết liệt, nói là tôi giữ thì bị mất, nó lanh hơn, giữ mới yên. Được cặp rồi thì nó lẻn đi mất khi hai đứa bị kẹt trong đám đông. Ông nghĩ coi, cứu mạng nó khỏi chết chìm, nó nỡ lòng nào làm vậy?”
Chú Tư Chịu bỗng nhiên giơ cây gậy ra giá giá trước mặt người bán giấy số, rồi chú thở dài để tay xuống. Chú nói:
“Chuyện buồn quá, anh cho tôi bắt tay một cái để chia buồn chuyện cũ ngày xưa và mừng anh qua bao khó khăn vẫn sống được đến ngày nay.”
Bàn tay người bán giấy số đưa ra, mất một ngón út, khi bắt tay chú Tư cảm thấy điều đó. Chú hơi khựng lại. Bao nhiêu năm nay lặn lội ở quê người, trải bao thăng trầm cuộc đời nhưng chưa bao giờ chú có cảm giác nầy, cái cảm giác lạ lùng: vừa ghét vừa thương, vừa tội nghiệp vừa giận tức. Chú nuốt nước miếng cái ực ngon lành, người trước mặt nghe mà ngạc nhiên tròn mắt ngó.
Người bán giấy số nói thêm, giọng triết lý:

“Đời chó má lắm ông ơi. Tôi cứu nó ra khỏi tù đó, ngày 30 tháng Tư , tôi mở cửa tù để cho nó ra, trong khi lửa cháy rần trời, đề lao đang sắp bị Bà Hỏa kêu, đạn bắn tứ tung ngũ hoành .. Đã thua trận, đã bị mất nước còn bị gạt bị giựt, buồn không chịu được.” Anh ta thở dài rồi bước đi, dáng đi thất thểu…
“Giấy số đây giấy số đây…” Giọng rao nhừa nhựa quen quen.
Chú Tư Chịu nói nho nhỏ:
“Thằng Chơi! Trời phạt nó. Nó láo khoét với mọi người thì cũng được đi, nhưng nó láo khoét với chính nó thì khổ biết bao nhiêu mà lường. Nó sống trong huyễn tưởng. Nó ghét cái hành động phản bội lừa gạt trong khi chính nó đã lừa gạt người ta. Nó chính là đối tượng để nó thù ghét. Huyễn tưởng rằng mình bị phản bội không làm cho nó sung sướng hơn, không cho nó cảm thấy vô tội, trắng án, trái lại làm cho nó mang thêm lòng hận thù mình, kết tội hành động ngày xưa của mình. Nó tự khinh mình thường xuyên mà không hay biết. Chú Tư giơ cây gậy lên quơ quơ về phía người bán giấy số, kêu lớn:

“Bán cho tôi mấy tấm giấy số chơi.” Chú nhấn mạnh tiếng chơi.
Người bán giấy số đứng lại, ngạc nhiên:
“Sao ông biết tên tôi?”
“Tôi đâu biết tên anh là gì, chỉ muốn mua thêm một tờ giấy số nữa để hỏi coi anh có biết cái cặp tiền đó về sau ra sao không? Hỏi chơi mà, chuyện của anh hấp dẫn quá chừng, nghe nửa khúc làm sao chịu được!” Chú lại nhấn mạnh tiếng chơi lần nữa.
“... Thì chắc là nó bị người khác giựt lại hay là tiêu tan vô cờ bạc hết thôi. Thứ đồ giựt dọc thì sao mà làm giàu được, làm sao sung sướng suốt đời được.”
“Nếu bây giờ anh gặp lại người bạn ngày xưa đó thì anh tính như thế nào?”

Người bán giấy số trả lời ngập ngừng:
“Chắc là cũng nhìn nó một cách khinh bỉ rồi thôi, ai đi đường nấy. Oán thù không nên kết làm gì, để lương tâm nó xử tội nó. Để Trời Đất đày đọa nó.”
Chú Tư đưa tay vô túi quần sau rút nhẹ một tờ giấy năm trăm ngàn, trả tiền tấm giấy số, rồi cố tình như không biết chuyện đó, dợm dợm quay bước đi. Người bán giấy số mắt sáng rực lên, đo lường coi người mua có biết mình đưa lộn tiền hay không. Khi biết chắc rằng qua mặt được, anh ta vội vã bước đi.

Chú Tư bước chầm chậm vô cửa cổng, cây gậy tre lại gõ gõ lên thành cánh cửa như một đứa con nít nghịch ngợm chơi trò đánh gươm với cánh cửa. Chú nói với chính mình:
“Thằng Chơi! Nó vẫn như ngày trước, chứng nào tật nấy! Tham lam! Không cần cho nó biết mình là ai. Để làm gì chớ? Chỉ tiếc là mình không còn thấy được nữa để coi lúc nầy nó tàn tạ bao nhiêu. Tự khinh thì thả lỏng đời, đó là cái chắc.”
Đứa cháu gái trong nhà bước ra, ái ngại nhìn chú, nói nhỏ:
“Mới sáng sớm chú đi ra ngoài làm gì, không thấy đường thấy xá lỡ té, vấp thì khổ lắm.”
Chú Tư thầm thì với chính mình: “Người huyễn tưởng, người huyễn tưởng.”
Cái loa phát thanh đầu xóm như mệt mỏi, tắt giọng, tiếng rè rè kéo dài một lúc rồi tan biến dần....

Quebec, Canada Nov. 25, 2009
(Viết tại nhà người bạn học họ Lâm)
 NGUYỄN VĂN SÂM

Wednesday, February 1, 2017


BÙI BẢO TRÚC * BIẾT TÔI LÀ AI KHÔNG?

Biết tôi là ai không???
Tác giả: Bùi Bảo Trúc (Thư gửi Bạn ta)
Cho mãi đến mấy hôm trước, tôi mới tìm ra được câu trả lời cho một câu hỏi tôi bị hỏi từ hơn ba mươi lăm năm trước.

Một bữa đang ngồi trong quán cà phê ở Sàigon, thì tôi bị một người đàn ông gây sự và cuối cùng ông ta quăng ra cho tôi câu hỏi : “Ông biết tôi là ai không?”
Quả thật lúc ấy, tôi không biết ông ta là ai thật. Ông không phải là một tài tử, một nhà văn, hay một chính trị gia nổi tiếng để tôi phải biết. Tôi đành ngồi đó, chịu thua ông, không có câu trả lời.
Ít lâu sau, tôi được cho biết ông là đàn em của một quan chức lớn, và nhờ đó, ông thỉnh thoảng đem chút “hào quang” vay mượn được để hù dọa những người yếu bóng vía như tôi.

Sang đến Mỹ, thỉnh thoảng tôi cũng bị hỏi câu hỏi đó, mà đau cho những người đó, cả Mỹ lẫn Việt, tôi không bao giờ có câu trả lời cho câu hỏi đó của họ cả. Họ thì nghĩ tôi phải biết họ, mà thật tình, tôi thì không hề biết họ bao giờ. Và cứ mỗi lần bị những nhân vật như thế cật vấn, thì tôi chỉ biết ngẩn mặt ra, giả bộ lục lọi cái trí nhớ thảm hại của tôi để tìm câu trả lời cho người nổi tiếng nhưng vô danh và không ai thèm biết đó.

Mấy tháng trước, trong chuyến về lại Los Angeles, California , tôi phải ghé lại Newark, New Jersey để đổi máy bay. Phi cơ của tôi bị trễ hơn một tiếng. Hành khách có một số rất bực bội vì công việc bị xáo trộn do sự chậm trễ của máy bay gây ra.
Tại quầy bên cạnh cổng 112, một tiếp viên dưới đất của công ty đang cố giải quyết những yêu cầu, khiếu nại của khách hàng thì bỗng nhiên một hành khách có vẻ tức tối lắm, lấn lên phía trên, len qua mặt mấy người khác và ném tấm vé lên quầy.

Ông ta nói lớn rằng ông ta muốn được cho bay chuyến sớm nhất và phải xếp cho ông ta ngồi hạng nhất. Người tiếp viên trả lời rằng cô xin lỗi về những phiền nhiễu mà chuyến bay gây ra cho ông, nhưng cô cũng phải giải quyết những hành khách tới trước và hứa là sẽ giúp ông khi đến lượt ông.
Nhưng ông khách không bằng lòng, ông hỏi như hét vào mặt cô, rõ ràng là để cho các hành khách khác cũng nghe được. Ông hỏi đúng câu mà tôi cũng bị hỏi mấy lần : “Cô biết tôi là ai không ?” (Do you know who I am ?). Thì ra người Mỹ, trẻ và xinh như cô tiếp viên cũng bị hạch hỏi bằng câu đó chứ chẳng riêng gì tôi. Tôi liền cố lắng tai nghe xem cô tiếp viên ở quầy trả lời như thế nào để biết mà ứng phó sau này. Người phụ nữ này, vẫn tươi cười, cầm chiếc micro của hệ thống khuếch âm lên và nói lớn bằng giọng rành rẽ rằng: “Ở quầy 112, có một vị hành khách không biết mình là ai, quí hành khách ai có thể giúp ông ta biết được căn cước hay thân thế của ông, xin tới quầy 112.”
Ông khách tự nhiên, vì chính câu hỏi của ông, biến thành một bệnh nhân tâm thần, một người mắc Alzheimer, một người lãng trí, tâm lý, thần kinh thác loạn, lẫn lộn bản thể, không còn nhớ mình là ai, tên gì, ở đâu nữa. Và lúc ấy thì đám hành khách đang sốt ruột đứng trước quầy đều phá ra cười.
Ông khách điên tiết, chỉ mặt người tiếp viên ở quầy và bật ra một câu chửi thề tục tĩu : “Đ.M. mày” (F..k you) .

Người phụ nữ ở quầy, không một chút giận dữ, bằng giọng bình thản, trả lời ông nguyên văn như thế này : “I’m sorry, sir, but you’ll have to stand in line for that, too”. (Thưa ông, chuyện đó - chuyện ông đòi giao hợp với tôi - ông cũng phải xếp hàng chờ đến lượt mới được.)
Chao ôi, hay biết là chừng nào! Thế mà tôi không nghĩ ra từ bao nhiêu năm nay để mà ấm ức không nguôi. Bây giờ, nếu người đàn ông ngày xưa ở Saigon hay dăm ba người khác đặt lại câu hỏi đó với tôi, thì tôi đã có ngay được câu trả lời học được của người tiếp viên phi hành ở phi trường Newark, New Jersey hai hôm trước.
Tác giả: Bùi Bảo Trúc
(Thư gửi Bạn ta)

THU HẰNG * CHỢ NỔI CỬU LONG

Chợ nổi, đặc trưng của đồng bằng Cửu Long đang dần mai một ?

Chợ nổi, đặc trưng của đồng bằng Cửu Long đang dần mai một ?
 
Một góc chợ nổi Cái Răng, thành phố Cần Thơ, 12/2016.RFI / Tiếng Việt

Rời bến Ninh Kiều (thành phố Cần Thơ), mất khoảng 20 phút chạy ghe gắn máy và băng qua ba cây cầu (Quang Trung, Hưng Lợi và Cái Răng) bắc qua sông Cần Thơ (một nhánh của sông Hậu), chợ nổi Cái Răng dần xuất hiện trong ánh đèn le lói cùng tiếng gà gáy sớm.

Chợ nổi Cái Răng là chợ bán sỉ, có nghĩa là chỉ bán buôn với số lượng lớn, nhưng ngày càng nổi tiếng là một địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Cần Thơ. Chợ họp từ sáng sớm và bán lai rai cả ngày, nhưng phiên chợ sầm uất nhất là từ khoảng 5 giờ đến 8 giờ sáng.
Nguyễn Minh Thư, sinh viên tiếng Pháp tại đại học Cần Thơ, tham gia làm hướng dẫn viên tình nguyện, giải thích lái thương sống trên tầu được gọi là “thương hồ” và gần như gắn cả đời với con thuyền và cuộc sống lênh đênh sông nước. Các thương hồ có những đầu mối ở nông thôn và khi đến vụ mùa thu hoạch, người chủ nông dân sẽ liên lạc với người thương hồ để đến thu mua nông sản và đổ buôn ở chợ Cái Răng. Thường mỗi tầu chỉ chuyên về một chủng loại nông sản, hoặc rau củ, hoặc trái cây, ít khi họ trộn lẫn giữa cả hai loại mặt hàng. Minh Thư giải thích thêm :
“Thường người thương hồ sẽ ở lại trên chợ nổi Cái Răng đến khi bán hết nông sản, sau đó họ mới quay lại vùng nông thôn để tiếp tục thu mua lượng nông sản mới. Cho nên, nếu để ý, chúng ta thấy cấu trúc của một con tầu, ở sau mỗi một con tầu có một buồng nhỏ, nơi họ nấu nướng, nghỉ ngơi và thực hiện mọi sinh hoạt hàng ngày. Và ở phía trước, họ dành khu vực rộng rãi đó để chứa nông sản.
Và điểm đặc biệt nhất có thể nhận thấy ở chợ nổi Cái Răng là tầu bán cùng một loại nông sản, cùng một loại trái cây thường tập trung thành các nhóm. Đầu tiên, ở chợ nổi Cái Răng là những ghe khóm (trái thơm/dứa), sau đó là trái cây và cuối cùng có thể là các ghe rau củ quả. Thường các ghe dưa hấu chiếm một lượng lớn nên họ dành một khu vực riêng để tập trung các ghe dưa hấu. 
Một điểm đặc sắc khác của chợ nổi Cái Răng, đó là trước khi vào chợ nổi Cái Răng là từ xa có thể nhìn thấy những “cây bẹo”, cao khoảng từ 3-5 mét. Họ cắm cây bẹo trước mũi tầu. Hầu hết các nông sản được bán trên tầu đó, họ sẽ treo ở trên cây bẹo để từ xa có thể biết họ bán nông sản gì. Và điều thứ hai là trên một khu vực tập trung và huyên náo như vậy thì không thể nào mà rao được. Cho nên, thay vì rao như vậy, họ đã phát minh ra một cách marketing rất đặc sắc và chỉ tồn tại duy nhất ở chợ nổi Cái Răng, đó là cây bẹo.
Còn tại sao gọi là cây bẹo? “Bẹo” là một phương ngữ và để chỉ các động tác như “bẹo má” đưa ra cho người ta xem, thì “bẹo” ở đây cũng là “trưng ra cho người ta xem là mình bán cái gì” nên họ gọi là “cây bẹo”. Thường cây bẹo là những cây chèo, cây chống chiếc tầu và họ tận dụng nó để cắm trước mũi tầu để giới thiệu nông sản của mình đến những lái buôn khác và đến những người có nhu cầu mua”.
Các tầu con đến đây mua nông phẩm sau đó bán lại cho các chợ truyền thống ở thành phố, khu vực ven đô hay đem bán lại cho người dân ở khu vực nông thôn sống xa chợ hoặc ở các làng nổi trên sông và kênh rạch, nơi chỉ có thuyền bè qua lại được.

 
Mắt tầu, chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ.RFI / Tiếng Việt

Sự tích tên gọi “Cái Răng”
Một đặc trưng của những con tầu vùng sông nước Cửu Long là có đôi mắt rất sắc được vẽ trên mũi tầu. Theo giải thích của Minh Thư, truyền thuyết kể rằng trong cuộc Nam Tiến của vua Nguyễn Ánh, người dân không có phương tiện nào khác ngoài tầu đề đi từ bắc xuống nam. Giống như đôi mắt của con người, con tầu cũng cần có đôi mắt để có thể tìm được đúng hướng đi và mỏ neo là đặc trưng cho sự cập bến bình an.

Ngoài ra, đôi mắt còn có ý nghĩa sâu xa hơn, miền tây Nam Bộ là một vùng đất hoang vu, dưới nước là cá sấu thuồng luồng, trên bờ là cọp, rắn rết, rất nguy hiểm. Cho nên người dân, chủ yếu là dân chài, rất dễ bị cá sấu thuồng luồng tấn công. Họ bèn hóa trang những chiếc tầu của mình thành những con quái vật với đôi mắt hung dữ để dọa những loài động vật khác.
“Thường những chỗ làm tầu, họ chỉ vẽ đôi mắt. Chính người chủ tầu, khi mua tầu, họ sẽ điểm nhãn cho đôi mắt của chiếc tầu, có người nói là điểm nhãn bằng máu gà, có người nói là điểm nhãn bằng mực thường thôi, tùy nơi, tùy quan niệm của người tin. Trước khi hạ thủy một con tầu, họ sẽ làm lễ động thủy, họ sẽ cúng chiếc tầu đó, cầu xin các thần cùng chư vị chứng giám, bảo vệ an toàn cho chiếc tầu được bình yên xuôi sóng. Đó là một trong những nghi thức cơ bản, những tập tục cơ bản của người dân tây Nam Bộ”.
 
 
Một ghe bán lẻ trái cây ở chợ nổi Cái Răng.RFI / Tiếng Việt
 
Chợ nổi Cái Răng không phải là chợ lớn nhất hay sung túc nhất, nhưng là chợ nổi nổi tiếng nhất của đồng bằng sông Cửu Long, do Cần Thơ là trung tâm tài chính, văn hóa và giáo dục của khu vực nên giao thông khá thuận lợi cho du khách từ thành phố Hồ Chí Minh hay các vùng lân cận khác. Về nguồn gốc tên gọi “Cái Răng”, Minh Thư giải thích :

“Chợ nổi Cái Răng có rất nhiều câu chuyện giải thích, nhưng có một câu chuyện dân gian nổi tiếng nhất, đó là ngày xưa, vùng tây Nam Bộ là một vùng đất vô cùng nhiều thuồng luồng, cá sấu, cá dữ rất nguy hiểm. Ngày nọ, có một anh chàng khỏe mạnh cưới một cô gái. Họ rước nhau bằng thuyển, nhưng khi đến một khúc sông nọ, chẳng may họ bị một con cá sấu hung dữ tấn công và ăn mất cô gái nên anh rất tức giận và anh tìm cách giết con cá sấu. Khi giết được con cá sấu, anh chặt thành từng khúc nhỏ. Răng con cá sấu rơi ra, trôi theo dòng nước và khi đến nơi đây, người dân thấy cái răng cá sấu nên đặt tên là “Cái Răng”. Và có những vùng khác đặt tên theo từng bộ phận bị cắt ra và trôi dạt của con cá sấu, ví dụ như có nơi được gọi là “Cầu Đầu Sấu”, có nơi gọi là “Đuôi Sấu”. Đó là tích dân gian truyền miệng và thu hút khách du lịch.
Nhưng cái tên được gọi là khoa học nhất và được nghiên cứu là xuất phát từ tên “Cà ràng”. “Cà ràng” là tiếng của người Khmer để chỉ một cái bếp để ngày xưa nấu trên tầu thuyền và có ba chân. Và với tính chất đong đưa nước như này, khi nấu nướng trên tầu, thì chỉ có cái cà ràng là vật chắn gió và chắc chắn nhất để họ nấu nướng trên tầu. Ngày xưa, đây là nơi trao đổi rất nhiều cà ràng. Và cà ràng đọc chại là “Cái Răng” ngày nay”.
Nét đặc trưng đang dần mai một ?
Theo Nguyễn Minh Thư, ngược lại với việc phát triển hoạt động du lịch, thì việc trao đổi hàng hoá truyền thống ở chợ nổi Cái Răng ngày càng bị thu hẹp lại.
“Một điều hơi đáng buồn là ngày nay, hoạt động buôn bán của chợ nổi Cái Răng không còn được tấp nập như ngày xưa. Số lượng người dân còn bám trụ với chợ nổi Cái Răng cũng bị mai một đi, bị giảm đi rất nhiều”.
Liệu chợ Cái Răng có chung số phận với chợ Cái Bè, hiện không còn là một chợ nổi theo đúng nghĩa nữa ? Theo Minh Thư, chợ Cái Bè chỉ được dàn dựng khi có du khách. Đa số các công ty lữ hành phải nhờ những chiếc tầu của ngư dân hoặc tầu của công ty để giúp khách du lịch hình dung ra cuộc sống của một khu chợ nổi. Còn thực tế, ngày nay, chợ nổi Cái Bè hoàn toàn biến mất, không còn hoạt động mua bán tấp nập như thường được thấy trong phim ảnh.


TÚ ANH * LÂN VÀ TẾT

Lân và ngày Tết tại Việt Nam

Lân và ngày Tết tại Việt Nam
 
Múa lân tại Việt Nam (ảnh chụp từ internet)

Không biết từ bao giờ múa lân đã trở thành một truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán niềm vui không riêng cho trẻ em mà còn cho tất cả mọi nhà. Tại Việt Nam, khi khí trời bắt đầu mát mẻ, nghe xa xa nhịp trống tập dợt múa lân là trẻ con bảo nhau Tết đã đến gần. Múa lân đòi hỏi công phu tập luyện phối hợp võ thuật, nghệ thuật diễn xuất vừa ngoạn mục mà cũng vừa hài hước với « ông địa ».

Để tìm hiểu thêm về phong trào múa lân tại Việt Nam ngày nay ,RFI đặt câu hỏi với võ sư Lương Ấn Đường, đứng đầu đoàn lân sư rồng « Tú Anh Đường » tại Cần Thơ, gồm các võ sinh Thái Cực đạo, nhất là phái nữ, từng chiếm nhiều kỷ lục ở Việt Nam.
Nếu ở nước ngoài, truyền thống múa lân tiếp tục được duy trì tại những nơi có cộng đồng Việt Nam và Trung Hoa định cư và ít nhiều gắn liền với một trường võ hay một võ sư, thì tại Việt Nam, múa lân đã trở thành một phong trào « dịch vụ » với quy mô lớn như Đoàn Võ thuật múa lân Hà Nội, Đoàn Võ thuật lân sư rồng Hùng Anh Đường ở Sài Gòn…. Trong số 3000 đoàn lân lớn nhỏ, có Tú Anh Đường ở Cần Thơ, cố gắng phát huy nghệ thuật lân sư rồng tại địa bàn sông Cửu Long với nhiều nét đặc sắc trong đó có đoàn lân nữ biểu diễn trên mai hoa thung (cột cao).
Con vật trong tứ linh « long lân qui phụng » với tiếng trống dập dồn đã làm mê hoặc hàng thế hệ trẻ con qua các vũ đạo hùng dũng tả xung hữu đột như « Độc chiến ngao đầu », âm dương liên hợp của « Song hỉ » hoặc thâm tình bằng hữu « Tam anh » Lưu Bị - Quan Vân Trường -Trương Phi cắt máu ăn thề của thời Tam quốc của Trung hoa.
Nhân ngày đầu năm Đinh Dậu, tạp chí thể thao chủ nhật của RFI tìm hiểu thêm về ý nghĩa truyền thống văn hóa này với võ sư Lương Ấn Đường, 7 đẳng Tae Kwondo, đứng đầu đoàn lân sư rồng Tú Anh Đường và cũng là chủ tịch Liên đoàn lân sư rồng thành phố tại Cần Thơ.
Võ sư Lương Ấn Đường : « … vì là một đoàn lân chuyên nghiệp thì các đoàn viên phải xuất xứ từ võ thuật. Hầu hết, 90% vận động viên Tae Kwondo tiêu biểu xuất sắc của thành phố Cần Thơ đều đứng trong hàng ngũ Tú Anh Đường. Sở dĩ có mối liên kết cộng hoà hỗ trợ với nhau trong quá trình phát triển kỹ năng nghệ thuật lân sư rồng, bởi vì tất cả các thế tấn, bộ pháp di chuyển của lân hầu hết xuất phát từ các thế tấn thế võ của Tae Kwondo và một số môn phái khác… »

LỆNH TÁI THIẾT QUÂN ĐỘI MỸ

Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh tái thiết toàn diện quân đội Hoa Kỳ

CTV Danlambao - Sau khi Bộ trưởng bổ nhiệm Bộ Ngoại giao Rex Tillerson và Thư ký Báo Chí của Tòa Bạch Ốc Sean Spicer có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh tái xây dựng quân đội Hoa Kỳ.
"Trước hết, tôi ký sắc luật này để bắt đầu một cuộc xây dựng lớn các lực lượng vũ trang của Hoa Kỳ, phát triển một kế hoạch cho các chiến đấu cơ mới, tàu chiến mới, các nguồn lực mới, và những công cụ mới dành cho các chiến binh Hoa Kỳ và tôi rất tự hào khi được làm điều đó". Ông Donald Trump đã phát biểu như trên tại Ngũ Giác Đài.

Vị tổng thống mới của Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng: "Khi chúng tôi chuẩn bị yêu cầu ngân sách gửi đến Quốc hội để phê chuẩn... sức mạnh quân sự của chúng ta sẽ không còn bị bất kỳ ai đặt câu hỏi, không ai có thể chất vấn cống hiến của chúng ta đối với hòa bình, chúng ta thật sự muốn hòa bình."
Sắc lệnh ký ngày 27.01.2017 bao gồm gia tăng tàu ​​chiến mới, phản lực cơ, vũ khí, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ với 2 chỉ thị chính:
- Tìm kiếm hòa bình qua sức mạnh, chính sách của Hoa Kỳ là tái xây dựng quân đội.
- Trong vòng 60 ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jim Mattis sẽ trình lại phương án "sẵn sàng trong 30 ngày" cho nhu cầu chiến tranh chống lại các quốc gia Hồi giáo, cho các chiến lược quân sự chống lại những "đối tượng cạnh tranh được xem là gần như bạn" - đây là thuật ngữ nhắm đến Trung Quốc và Nga.
Ông Jim Mattis cũng sẽ xem xét lại hệ thống tên lửa xuyên lục địa và vũ khí hạt nhân bảo đảm khả năng nguyên tử của Hoa Kỳ là hiện đại, công phá, linh hoạt, sẵn sàng và phù hợp trong mọi hoàn cảnh để ngăn chận mọi đe dọa xảy ra trong thế kỷ 21.
Đại úy Hải quân Jeff Davis, phát ngôn viên của Ngũ Giác Đài cho biết Bộ trưởng Quốc phòng đã lấy làm cảm kích với nỗ lực của Tổng thống trong việc bảo đảm các lãnh đạo quân đội luôn luôn có những hỗ trợ cần thiết để tăng tốc những chiến dịch chống lại các quốc gia Hồi Giáo và xây dựng tính sẵn sàng chiến đấu của quân đội ngay bây giờ và trong tương lai."
Sắc lệnh tái thiết sức mạnh quân đội là lời hứa hẹn tranh cử và đã biến thành hiện thực của tân tổng thống Donald Trump.
28.01.2017


SỔ TAY TƯỞNG NĂNG TIẾN

Ngày Xuân đất lạ

Nhật mộ hương quan xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlanbao) - Từ làng nổi Koh K’ek tôi đi ghe ra Pursat, rồi bắt xe đò trở lại Phnom Penh. Dọc theo quốc lộ 5, thỉnh thoảng, có nơi bầy bán mai vàng. Nhìn những cành hoa vừa nhu nhú nụ, sao hơi thấy nôn nao. Tết đến rồi đa!
Vào đến thủ đô Nam Vang lúc chiều vừa tắt nắng. Ngang công viên Tượng Đài Độc Lập, đôi chỗ, thấy bán bóng bay. Những chùm bóng đủ mầu rực rỡ, to hơn kích cỡ bình thường, với hàng chữ Việt (Cung Chúc Tân Xuân - Chúc Mừng Năm Mới) khiến tôi không khỏi ngẩn ngơ:

Không dưng thấy mắt hơi cay. Tôi đổ thừa tại khói xe nhưng lại nhớ đến lời kêu gọi thiết tha của ông Nguyễn Thiện Nhân hồi cuối năm trước: “Tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về... chắc chắn sẽ thấy nó phát triển.”
Năm nay, Ban Tuyên Giáo còn “tiếp sức” với ông Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc bằng nguyệt san Di Sản Việt Nam (Vietnam Heritage - December 2016-January 2017 ) với nội dung vô cùng phong phú. Tất cả những bài viết đều bằng Anh Ngữ, kèm nhiều hình ảnh sống động: đua thuyền, thổi cơm thi, đá gà, dựng nêu, múa lân, đốt pháo... 
Xem mà nhớ quê hương muốn ứa nước mắt luôn, và chỉ ước ao sao mình có thêm đôi cánh (hay được cấp cái visa) để bay về quê tức khắc. Nước Việt thiệt là nền nã, an bình, và phú túc. 
Ảnh: Cao Phong 
Đọc đến trang cuối mới thấy một mẩu tin (“Vietnam to slap higher fines on public urination”) ngăn ngắn, khiến độc giả – dù là người Việt – cũng phải bàng hoàng:
"People who urinate in public will be fined VND1-3 million ($44-133) from February 1, 2017, according to a new government decree.

The fines have been raised significantly from the current $9-13.

Public urination is nothing strange in Vietnam, where there is an acute shortage of public toilets...

Data from Hanoi’s Department of Construction shows that the capital has 340 public toilets, but two thirds are located in residential areas and only 100 are situated along streets or at entertainment facilities.

Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year."

Úy, trời, đất, qủi, thần, ơi? Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại và Thành Phố Hồ Chí Minh (Quang Vinh) mà mười lăm triệu người phải dùng chung chỉ có hai trăm cái nhà vệ sinh công cộng thôi sao? 
Nếu thế, nếu có bệnh tiểu đường thì sống làm sao ở một đất nước mà khắp nơi đều có bảng ghi “cấm đái.” Đã thế, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2017 – theo luật lệ mới – mỗi lần tè bậy là có thể bị phạt đến 144 Mỹ Kim thì chịu đời sao thấu. Đ...mẹ, tiền (dollar) chớ bộ giấy lộn hay sao - mấy cha? Thảo nào mà nhà báo Lê Phú Khải đã phải nặng lời: “Có lẽ không có ở đâu trên trái đất này có một chính quyền cư xử với dân ti tiện như vậy.”
Thế là “giấc mơ hồi hương” tan vỡ. Lại phải tiếp tục đi thôi, dù chưa biết sẽ đi đâu? Thôi, cứ ghé đại chỗ nào làm vài ly cái đã:

Dừng chân nơi quán lạ
Thèm com chiều hương quê
Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em chưa về (tnt)
Chả quen biết ai ở Nam Vang, và cũng đã trải qua hai cái Tết chán ngắt ở Xứ Chùa Tháp rồi nên tôi nghe lời rủ rê của một người bạn đồng nghiệp (đang làm thông tín viên thường trực cho RFA, ở Thái Lan) bay sang Bangkok, rồi đi xe về vùng quê nghỉ chơi vài bữa.
Anh kết hôn với một cô giáo Thái, người vùng Chai Nat. Họ sống cách thủ đô chỉ chừng hai trăm cây số mà cảnh khung cảnh nơi đây an bình và trầm lặng khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Nhà hai người nằm cạnh bờ sông. Dòng sông (Chao Phraya) mà chỉ mới chỉ thoạt trông thôi tôi cũng đã “phải lòng” rồi: tĩnh lặng, hiền hoà và yêu kiều quá!
Ảnh chụp tháng Giêng 2017
Tôi sinh trưởng ở cao nguyên, nơi chả có biển rộng hay sông dài gì ráo trọi. Suốt thời thơ ấu, tôi chỉ quen với những buổi sáng rừng tưng bừng (tiếng con vuợn hú) và những đêm trăng tà ngây ngất, hoang vu. 
Mãi đến năm mười sáu – trong một chuyến giang hồ (vặt) đầu đời – khi đặt chân đến Tân Châu, tôi mới được nhìn thấy một nhánh sông Tiền đang cuồn cuộn cuốn mau dưới ánh nắng chiều lấp lánh. Tôi đoán đó là “Giòng An Giang” của Anh Việt Thu mà ca sĩ Ánh Tuyết đã khiến cho nhiều người thương mến:
Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất Sơn
Châu Đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long... 

Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông
Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi 
Trâu lang thang, đôi cò trắng tung bay dập dìu. 
Tôi không thấy cô gái Thái nào giặt yếm, hay phơi khăn, trên sông Chao Phraya cả. Cũng không nghe “tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi” nhưng cò trắng và cò quăm thì (ôi thôi) không phải từng đôi mà dễ đến hàng ngàn, bay rợp cả bầu trời. 
Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt gặp vài cánh cò lạc lõng ở California nhưng đến Chai Nat thì mới nhìn thấy tận mắt – lần đầu – cảnh vật an bình mà mình chỉ được nghe qua tiếng đàn giọng hát (trầm ấm) của Phạm Ngọc Lân:

Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh
Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm
Cùng mùi khói rơm quen thuộc...
Đồng xanh, cánh cò, khói rơm, và trâu bò dục mõ... tuy cũng quyến rũ nhưng chính nét diễm kiều và hiền dịu của dòng sông Chao Phraya mới khiến cho tôi say đắm. Chợ họp không đông, ngay tại bến đò. Những con đò thưa khách, từ từ cặp bến rồi chầm chậm rời bờ. Dù không đón, cũng chả đưa ai, mà lòng cũng thoáng bâng khuâng.
Người dân Chai Nat đều có dáng vẻ chậm rãi và khoan thai y như con sông và bến đò của họ. Ở đây, rõ ràng, chả ai có việc gì phải vội. Tôi cũng thế, tôi cũng “chậm” lại (luôn) mà chả hiểu tại sao và tự lúc nào? 
Sáng, chiều thơ thẩn đi dọc bờ sông. Nhìn nắng, nhìn nước, nhìn trời, nhìn mây, ngó lá, ngó hoa, ngó cây, ngó quả. Chao ơi, xứ sở gì mà thơ mộng và trù phú dữ vậy nè? Đu đủ, mía, xoài, vú sữa, chuối, dừa... mọc tá lả khắp nơi - kể cả ở những khúc sông hoang dã. Thiệt là quá đã!
Đã nhứt là đứng sau bất cứ búi tre, bụi chuối nào cũng có thể vạch quần tè mà không sợ làm bận mắt tha nhân. Tuy thế, đái bậy dường như chỉ là thói quen của người dân Việt (và người dân Miên nữa) chớ người Thái thì không.
Dọc theo bờ sông Chao Phraya, tại những khoảng cách nhất định, đều có những nhà vệ sinh chung. Tuy chỉ nhỏ nhắn thôi nhưng xinh sắn và sạch sẽ nên dân chúng không ai bị bệnh... đái đường!
Ảnh chụp tháng Giêng 2017
Vợ chồng anh bạn còn cho tôi biết thêm rằng phong trào xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Thái Lan đã phát khởi từ hai mươi năm trước. Bởi thế, những chiếc ghế đá đặt phía trước cho khách nghỉ chân đều đã nhuốm rêu phong nhưng bồn tiểu và bồn cầu thì vẫn trắng tinh vì được thay thế định kỳ và cọ rửa thường xuyên.
Nghe mà lại nhớ đến lời khẳng định về sự “phát triển đất nước” của ông Nguyễn Thiện Nhân, và những với bài viết (dùng toàn những lời có cánh) trên Vietnam Heritage mà không khỏi thở dài! 
Loài vật có thể tiểu tiện hay đại tiện bất cứ nơi đâu vì chúng không có ý thức gì về ngoại cảnh. Ép buộc con người phải sinh hoạt gần như cầm thú – trong những đô thị với hàng trăm ngàn người mới có một nhà vệ sinh chung – là điều chỉ có thể xẩy ra trong một chế độ bất nhân, nơi mà những kẻ nắm quyền “ăn không từ một thứ gì” – kể cả những cái cầu tiêu hay buồng tiểu.

VIỆT NAM NGHĨ VỀ TỔNG THỐNG TRUMP

Các ý kiến ở VN về Tổng thống Donald Trump

  • 31 tháng 1 2017
Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ 
Bản quyền hình ảnh AFP
Image caption Sắc lệnh cấm nhập cư vào Hoa Kỳ đối với các công dân từ bảy nước có đông dân Hồi giáo do ông Trump ký đã gây nhiều tranh cãi

Sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump ký hôm 27/1/2017 đã bị lên án rộng rãi trên thế giới, khiến diễn ra các cuộc biểu tình tại cả Hoa Kỳ và một số nước khác, trong đó có Anh Quốc.
Thể theo sắc lệnh này ngoài việc cấm mọi người xin tị nạn, những ai là công dân hoặc có song tịch liên quan Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen sẽ không được vào Mỹ trong vòng 90 ngày, hoặc không được cấp visa,
Thông cáo của Tổng thống Trump nói visa sẽ được cấp lại sau khi có các "chính sách an toàn nhất", và ông bác bỏ đây là lệnh cấm người Hồi giáo.
Một số học giả, phân tích gia, luật sư và nhà báo người Việt trong và ngoài nước đã bày tỏ quan điểm phản đối quyết định này của ông Trump.
Tuy nhiên cũng có những người ủng hộ các chính sách chống nhập cư bất hợp pháp và sắc lệnh này của ông.
Một độc giả của BBC Tiếng Việt, ông Cao Xuân Quyền, nhà thiết kế đồ họa tự do từ thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trước đây từng không thích ông Donald Trump vì cho rằng "ông quá cá tính" nên sợ ông sẽ đưa nước Mỹ trở thành một nước độc tài, nhưng qua tìm hiểu thì đã thay đổi quan điểm.
"Ông Trump là một người cần thiết cho thế giới bây giờ và nó thể hiện qua mấy chính sách rất kiên quyết và mạnh mẽ mới đây của ông về vấn đề người Hồi giáo và người nhập cư lậu.
"Việc ông cấm nhập cảnh cư dân từ bảy nước Hồi giáo là rất phù hợp. Ông Trump mới lên thì phải giải quyết lỗ hổng an ninh trước việc không kiểm soát được tình hình khủng bố trà trộn vô từ trước tới nay," ông Quyền nói.
Nhiều nơi đã có biểu tình phản đối chính sách của ông Trump 

Bản quyền hình ảnh Xinhua
Image caption Nhiều nơi đã có biểu tình phản đối chính sách của ông Trump
Theo ông Quyền thì đây là cách làm cụ thể, tạm thời đóng cửa để tìm ra giải pháp an ninh để có thể kiểm soát người nhập cư.
Trước lập luận của những người phản đối ông Trump nói rằng không phải mọi người Hồi giáo đều là những người cực đoan, ông Quyền nói:
"Đây không phải là chính sách vơ đũa cả nắm vì biện pháp kiểm soát an ninh hiện tại bất lực trong việc phân biệt thành phần người Hồi giáo cực đoan và thành người Hồi giáo bình thường. Muốn phân biệt được thì phải tăng cường kiểm soát, điều tra nhưng hiện chưa làm được và những thành phần cực đoan trà trộn vào sẽ gây nguy hại.
"Nên riêng tôi cho rằng chính sách của ông Trump là phù hợp, không phải là vơ đũa cả nắm mà có nhắm đối tượng rõ ràng là bảy nước mà ông cho là có chi nhánh Hồi giáo của khủng bố, chứ không phải tất cả các quốc gia Hồi giáo. Và đây cũng chỉ là lệnh cấm tạm thời để tìm ra các giải pháp an ninh."
Ông Quyền nói thêm: "Khi người công dân đã nhập cư vào nước Mỹ thì phải được đối xử bình đẳng và không thể vi phạm các nhân quyền của họ vì thế ông Trump và các cố vấn an ninh của ông phải tìm kiếm các giải pháp an ninh mới, và có thể đó sẽ là kiểm soát người nhập cư từ bảy nước này. Và vì thế tôi cho chính sách này là hợp lý."
So sánh chính sách đó cũng giống như việc tạm thời đóng cửa nhà mình khi không kiểm soát được, ông Quyền nói chỉ nên mở cửa chừng nào có biện pháp an ninh khả thi.
Khi được hỏi có quan điểm cho rằng chính việc đóng cửa chặn người Hồi giáo ở ngoài vào nước Mỹ như thế này lại có thể đẩy những người Hồi giáo trung dung, ôn hòa ngay chính trong nước Mỹ trở thành cực đoan, ông Quyền cho biết ông tin rằng nếu đã là những người có lối sống ôn hòa thì sẽ không có lý gì họ lại trở thành người Hồi giáo cực đoan.
"Nước Mỹ là một đất nước pháp trị và khi đã trở thành công dân Mỹ thì phải có ý thức tuân thủ pháp luật," ông Quyền nói.

Theo ông Quyền họ có thể biểu tình, đấu tranh, dùng các biện pháp dân chủ ôn hòa, nhưng nếu họ trở thành cực đoan và dùng cách đó dường như để đe dọa nước Mỹ thì như vậy là thiếu ý thức công dân và như vậy lại càng chứng minh là cộng đồng Hồi giáo sẵn sàng dùng bạo lực và chính sách ngăn chặn người Hồi giáo của ông Trump là đúng,
"Nếu vào một đất nước pháp trị, thượng tôn pháp luật mà lại không có ý thức thượng tôn pháp luật và cộng đồng đó trở thành đa số thì việc cấm và loại cộng đồng đó ra là đúng. Không thể hễ có bất cứ điều gì bất mãn là sẵn sàng trở thành bất tuân pháp luật một cách vô lý như vậy, trong khi chính sách chỉ là ngăn chặn để bảo vệ công dân nước Mỹ."

Không hoàn toàn đồng tình

Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ 

Bản quyền hình ảnh Getty Images
Image caption Tổng thống Donald Trump đã ký nhiều chính sách mới kể từ khi tuyên thệ nhậm chức hôm 20/1/2017

Ông Lê Phú Truyền, Giám đốc kinh doanh công ty ISET tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng điều đầu tiên các nguyên thủ quốc gia làm là bảo vệ quyền lợi của người trong nước cho nên việc ông Donald Trump không thích người nhập cư bất hợp pháp là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên ông cho rằng việc cấm người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ thì như vậy là không đúng.
Ông Truyền nói:
"Ở đâu cũng vậy, cũng có người tốt người xấu. Nếu cấm đại trà hết chung chung như vậy thì tôi nghĩ là cũng không đúng lắm."
Ông Truyền cho biết ông ủng hộ việc ông Trump sẽ cho xây bức tường ngăn giữa biên giới Hoa Kỳ và Mehico "vì nó giúp ngăn chặn được một số người nhập cư bất hợp pháp khiến mang lại những khó khăn cho chính quyền nước sở tại" và ông nói thêm để giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp là một việc rất khó.
Nhưng ông cũng nhấn mạnh, theo ông thì "người Hồi giáo cực đoan chỉ có một số nhóm thôi chứ không phải tất cả đều là người Hồi giáo cực đoan cho nên việc cấm nhập cư tất cả những người từ bảy nước Hồi giáo như vậy thì tôi hoàn toàn không đồng ý"


THÔNG TIN & BÌNH LUẬN QUỐC TẾ



 

 Chuyên gia Mỹ: Washington cần tiếp tục răn đe Bắc Kinh về Biển Đông


media 
Ảnh minh họa : Máy bay thuộc hai phi đoàn Carrier Air Wing 5 và Carrier Air Wing 9 cùng tàu sân bay USS John C. Stennis tập trận trong vùng biển Philippines, ngày 18/06/2016.REUTERS/Courtesy Steve Smith/U.S. Navy
Trong một bài viết ngày 27/01/2017 mang tựa đề rất khô khan: Các nguyên tắc chỉ đạo về Biển Đông cho tân chính quyền (Mỹ) - South China Sea Guidelines for the New Administration – trung tâm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á AMTI thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS tại Washington đã nêu bật 5 khuyến cáo mà các chuyên gia Mỹ về Biển Đông vừa nhất trí chuyển đến chính quyền Donald Trump để đề nghị thực hiện.
 Đối với hai chuyên gia Geoffrey Hartman và Amy Searight, tác giả bài viết, có rất nhiều khả năng là Bắc Kinh sẽ sớm thách thức nghiêm trọng quyết tâm của Washington tại Biển Đông, nơi mà Mỹ đã cố đáp trả một cách có hiệu quả trước các hành vi quyết đoán của Trung Quốc. Các lợi ích lâu dài của Mỹ - từ quyền tự do hàng không và hàng hải, tôn trọng một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cho đến giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình – tất cả đều bị đe dọa.
Các mục tiêu của Mỹ như duy trì các quan hệ liên minh và đối tác trong vùng, bảo vệ chuẩn mực và quy tắc quốc tế, và duy trì một quan hệ có hiệu quả với Trung Quốc là điều vẫn có giá trị. Thế nhưng Trung Quốc đã ra tay trước ở Biển Đông và Hoa Kỳ cần phải thay đổi chiến lược để xoay chuyển chiều hướng và tránh được cái bẫy của một đối sách bị động và vô hiệu quả.
Cho đến nay, phản ứng của Mỹ trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông chưa đủ để làm cho Bắc Kinh thay đổi cách xử sự, thậm chí nuôi dưỡng lập luận theo đó Trung Quốc đang đẩy được Mỹ ra khỏi khu vực.
Đối với nhiều nước trong khu vực, việc chống lại các nỗ lực của Trung Quốc đã trở thành thước đo quan trọng về sự dấn thân của Mỹ vào khu vực. Nếu các hành vi bức hiếp của Trung Quốc vẫn không bị Mỹ đáp trả, điều đó sẽ gởi một tín hiệu nguy hiểm về sức mạnh của hệ thống liên minh của Mỹ trong vùng, và giảm thiểu vai trò đối tác an ninh của Washington.
Để ngăn chận các cố gắng của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, Hoa Kỳ cần có một chiến lược lâu bền để tăng cường năng lực của mình, làm việc hữu hiệu hơn với các đồng minh và đối tác, và củng cố trật tự khu vực. Để làm được điều này, chính quyền mới ở Mỹ nên nhanh chóng duyệt xét lại chiến lược Biển Đông từ trên xuống dưới và một cách cặn kẽ, sao cho có thực chất hơn và hữu hiệu hơn.
Trong khi chuẩn bị rà soát và củng cố chiến lược của mình ở Biển Đông, chính quyền mới nên giữ trong đầu những lời khuyến cáo ghi trong báo cáo của Trung Tâm CSIS, đưa ra ngày 25/01, mang tựa đề : « Biển Đông – Một vài nguyên tắc chiến lược cơ bản », với sự đóng góp của các chuyên gia về Châu Á tại CSIS— Tiến sĩ Michael Green, tiến sĩ Zack Cooper, Bonnie Glaser, Andrew Shearer, và Greg Poling.
Khuyến cáo 1: Phải tiếp tục răn đe và đồng thời hợp tác
Cho dù hợp tác của Trung Quốc cần thiết để giải quyết một số vấn đề khu vực và toàn cầu – như hành vi hiếu chiến của Bắc Triều Tiên hay vấn đề biến đổi khí hậu – Hoa Kỳ không nên để bị Trung Quốc bắt bí vì sợ rằng chiến lược răn đe mạnh hơn sẽ cản trở công cuộc hợp tác song phương.
Mọi cố gắng giảm nhẹ chính sách của Mỹ ở Biển Đông để bảo vệ công cuộc hợp tác với Trung Quốc trong các lãnh vực khác đều không cần thiết, thậm chí còn không hiệu quả nữa là khác. Hợp tác trong những lãnh vực hai bên cùng chia sẻ quyền lợi không chỉ quan trọng đối với Mỹ mà cũng quan trọng đối với Trung Quốc.
Lãnh đạo Mỹ không nên lo ngại về tình hình căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Mỹ có thể vừa kiên quyết trên các nguyên tắc của mình và răn đe để không cho Trung Quốc làm hỏng trật tự khu vực, vừa duy trì quan hệ hiệu quả với Bắc Kinh. Nhượng bộ trên quyền lợi thiết yếu của mình ở Châu Á, sẽ không khuyến khích hợp tác rộng hơn trên những vấn đề toàn cầu. Thậm chí việc nhận thấy một sự yếu đuối nơi Mỹ có thể khuyến khích giới lãnh đạo ở Bắc Kinh có thái độ quyết đoán hơn.
Tóm lại, một cách tiếp cận mang tính răn đe mạnh mẽ hơn không nhất thiết cản trở công cuộc hợp tác có lợi cho cả hai nước.
Khuyến cáo 2: Có chính sách và thông điệp nhất quán và bền vững
Chính quyền mới cần đưa ra những thông điệp chiến lược rõ ràng và nhất quán, bởi vì sự thiếu mạch lạc trong việc gắn kết các mục tiêu của chiến lược tái cân bằng lực lượng vừa qua đã gây ra sự ngộ nhận nơi Trung Quốc cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ.
Cụ thể là những lời giải thích không nhất quán về cách Hoa Kỳ xử lý đà tăng cường quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc – song song với việc thực thi vế quân sự rất rầm rộ của chiến lược tái cân bằng - đã làm gia tăng thái độ nghi kỵ của Bắc Kinh về việc Washington tìm cách ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Thông điệp và chính sách thiếu nhất quán – trong đó có các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải và duy trì sự hiện diện thường xuyên - cũng đã gây nên hiểu lầm trong khu vực. Chính quyền mới nên cung cấp lời giải thích có thẩm quyền về các hoạt động này và không nên thay đổi lịch trình để chiều theo áp lực của Trung Quốc.
Hoa Kỳ nên tiến tới, các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và khẳng định sự hiện diện thường xuyên phải được thực hiện một cách đều đặn để chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ sẵn sàng cho không quân và hải quân hoạt động bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Đây là điều quan trọng, nhưng cũng phải cẩn thận tính đến những yếu tố không lường trước được khi vạch ra chiến thuật và thực hiện các chiến dịch để ngăn không cho Bắc Kinh trở nên quá tự tin vào khả năng dự đoán phản ứng của Hoa Kỳ.
Khuyến cáo 3: Đa dạng hóa các biện pháp chống Trung Quốc
Đối với các chuyên gia Trung Tâm Chiến Lược, chính sách của Mỹ ở Biển Đông cho đến nay đã dựa quá nhiều vào các giải pháp quân sự, vốn không phải lúc nào cũng hiệu quả nhất. Cách đáp trả về mặt ngoại giao, thông tin, luật pháp, kinh tế hiện không được chú ý nhiều trong chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ. Việc đưa các giải pháp này vào trong chính sách sẽ rất quan trọng cho thành công trong việc làm cho Trung Quốc lùi bước trong dài hạn.
Một ví dụ là có thể tính đến việc trừng phạt có chọn lọc nhắm vào các công ty Trung Quốc tham gia vào các hoạt động gây mất ổn định. Hoa Kỳ có khả năng gây sức ép trên Trung Quốc trong những lãnh vực không liên quan trực tiếp đến vùng Biển Đông và nên xem xét khả năng sử dụng hoặc đe dọa sử dụng những công cụ này để ổn định trật tự khu vực.
Khuyến cáo 4: Tăng cường giúp đỡ đồng minh và đối tác
Hoa Kỳ cần tăng cường các nỗ lực giúp các đồng minh và đối tác xây dựng năng lực để cải thiện khả năng của các nước này chống lại sự thúc ép của Trung Quốc. Nỗ lực xây dựng năng lực thành công sẽ cho phép các quốc gia Đông Nam Á tự bảo vệ tốt hơn, tạo nên sự răn đe chống lại các hành vi bức hiếp ở của Trung Quốc ở cấp độ thấp, cho phép quân đội Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc răn đe ở cấp cao.
Để tạo điều kiện cho việc nâng cao năng lực các đối tác, Washington cần phải giữ gìn các mối quan hệ quốc phòng trong khu vực. Khả năng của Hoa Kỳ hợp tác với các quốc gia ở tuyến đầu phụ thuộc vào thái độ hợp tác và tuân thủ của các nước này trong lãnh vực nhân quyền và quản trị tốt nhà nước.
Khuyến cáo 5: Duy trì lập trường trung lập về tranh chấp chủ quyền
Các chuyên gia đã đi đến kết luận : Hoa Kỳ có một số lợi thế lâu dài khiến cho các nước trong khu vực tiếp tục chọn Mỹ làm đối tác an ninh hàng đầu, trong đó việc Mỹ có lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, lại được thiện cảm của các cư dân địa phương, và một chính sách ngoại giao ít hung hăng hơn Trung Quốc. Với những lợi thế đó, Washington có đủ sức tập trung vào việc duy trì vai trò của mình ở châu Á, và có thể tin rằng chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhiều quốc gia quay sang Hoa Kỳ để nhờ hỗ trợ.
Lập trường xưa nay của Hoa Kỳ là trung lập đối với các tranh chấp chủ quyền trên các vùng đất ở Biển Đông, trong khi vẫn khẳng định rằng những tranh chấp phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là một lập trường đúng đắn và cần được duy trì.
Lập trường đó cho phép Mỹ bảo vệ lợi ích của mình mà không vướng vào các tranh chấp chủ quyền chằng chịt ở Biển Đông. Vị trí trung lập trước các tranh chấp chủ quyền cho phép Hoa Kỳ can thiệp một cách linh hoạt vào Biển Đông để bảo vệ lợi ích của mình cũng như chuẩn mực và luật lệ quốc tế, đồng thời phản bác các cố gắng của Trung Quốc cho rằng các hành động của Hoa Kỳ là một mối đe dọa đến chủ quyền của Bắc Kinh.
Các nước tranh chấp khác chào đón sự can thiệp của Hoa Kỳ chính là vì Washington không thiên vị bên này chống bên kia.


Philippines : Ân Xá Quốc Tế lên án những vụ giết người tùy tiện


media 
Chiến dịch chống ma túy của tổng thống Philippine Rodrigo Duterte bị giới bảo vệ nhân quyền lên án, Manila, 29/01/2017.REUTERS/Ezra Acayan
Trước con số hơn 7.000 nghi phạm bị hạ sát tại Philippines, từ tháng Sáu 2016 đến nay, trong chiến dịch bài trừ ma túy của tổng thống Rodrigo Duterte, tổ chức bảo vệ nhân quyền Ân Xá Quốc Tế/Amnesty International ngày hôm nay 01/02/2017 đã lên tiếng tố cáo những hành vi giết người hoàn toàn có thể bị quy thành « tội ác chống nhân loại ».
Trong một bản báo cáo điều tra về cuộc chiến chống ma túy do tổng thống Philippines khởi xướng, Ân Xá Quốc Tế cho rằng phần lớn các vụ giết người đều mang dấu hiệu của những hành vi được tiến hành « ngoài khuôn khổ của luật pháp…, một cách có hệ thống, có kế hoạch và do chính quyền tổ chức ». Đối với Amnesty International, tất cả những hành vi này đều có thể được coi là tội ác chống nhân loại.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền trụ sở tại Luân Đôn (Anh Quốc) đã kêu gọi chính phủ Duterte tôn trọng quyền con người trong cuộc chiến chống ma túy, đồng thời kêu gọi cảnh sát và tư pháp Philippines hành xử có trách nhiệm và truy tố những kẻ can dự vào những vụ giết người tùy tiện.
Để đi đến kết luận kể trên, Ân Xá Quốc Tế đã tìm hiểu cụ thể về trường hợp của 59 người bị giết tại 20 thành phố và thị xã Philippines, và phỏng vấn 110 nhân chứng, từ thân nhân của các nạn nhân, người sử dụng ma túy, cho đến cảnh sát và cả những kẻ giết thuê.

Chính quyền Duterte chưa phản ứng về báo cáo của Ân Xá Quốc Tế, nhưng chính tổng thống Philippines cho đến gần đây đã biện minh cho chiến dịch bài trừ ma túy và khẳng định rằng cảnh sát đã được lệnh là chỉ nổ súng khi bị đe dọa.
Tuy nhiên sau nhiều vụ lực lượng cảnh sát chống ma túy bị tố cáo lạm quyền quá mức, tổng thống Duterte hôm 30/01 vừa qua đã kêu gọi quân đội Philippines góp phần vào cuộc chiến chống ma túy, thậm chí bắt giữ các cảnh sát bất hảo. Bộ Quốc Phòng Philippines hôm nay xác định sẵn sàng làm công việc này, nhưng yêu cầu tổng thống Duterte phải ký lệnh bằng văn bản chính thức.
 http://vi.rfi.fr/chau-a/20170201-philippines-an-xa-quoc-te-len-an-nhung-vu-giet-nguoi-tuy-tien

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đi châu Á, trấn an Việt Nam?




Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tại Lầu Năm Góc ở Thủ đô Washington, 21/1/2017.
Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, tại Lầu Năm Góc ở Thủ đô Washington, 21/1/2017.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis lên đường công du châu Á hôm nay, 1/2, để trấn an các quốc gia ở châu lục này, sau khi có nhiều quan ngại rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tập trung “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, như khẩu hiệu tranh cử của ông, mà bỏ rơi châu Á.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Mattis trên cương vị người đứng đầu Lầu Năm Góc, và ông cũng là thành viên nội các đầu tiên của ông Trump đi công du ngoài Hoa Kỳ.

Một quan chức trong chính quyền của ông Trump được Reuters dẫn lời nói rằng chuyến thăm Hàn Quốc và Nhật Bản lần này nhằm mục đích trấn an những ai “quan ngại về chuyện ông Trump sẽ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo mang tính truyền thống ở khu vực”.
Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế ở Hà Nội, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chuyến đi cho thấy Mỹ “vẫn xem trọng”, “không bỏ rơi các đồng minh ở châu Á”, trong khi châu lục này đối mặt với “các thách thức”.
Theo ông Trường, chuyến công du của ông Mattis cũng “làm cho người ta yên tâm” rằng “ở vùng này không phải ai cũng có thể ‘múa gậy vườn hoang’ được”.

Dù Việt Nam không có trong lịch trình của ông Mattis, theo các nhà quan sát, chuyến đi này cũng sẽ khiến Hà Nội an tâm hơn về vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á.
Tiến sĩ Trường nhận định:
“Việt Nam mong muốn các nước lớn có sự hiện diện cân bằng, ổn định, đối trọng lẫn nhau thì mới đảm bảo được hòa bình và ổn định ở khu vực. Việt Nam phải sử dụng các đòn bẩy chiến lược. Việc Mỹ, Nhật Bản có sự hiện diện mạnh ở khu vực này là giúp cho Việt Nam có được một vị thế ổn định và cân bằng để giữ được độc lập, tự chủ, hòa bình và ổn định cho chiến lược phát triển của Việt Nam. Việt Nam không đi với nước này chống nước kia, nhưng Việt Nam mong muốn các nước lớn giữ được sự hiện diện và cân bằng chiến lược giữa họ với nhau và với các nước trong khu vực”.
0:00:00 /0:00:45



Chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về các động thái quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Căng thẳng dâng lên tuần trước sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở vùng biển tranh chấp này, khiến Trung Quốc đáp trả với tuyên bố có chủ quyền “không thể tranh cãi”.
Đích thân Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông, và ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson từng tuyên bố phải chặn Trung Quốc “tiếp cận các đảo nhân tạo” ở đó.
Theo cựu quan chức ngoại giao Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường, những động thái của chính quyền của Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc “rất thận trọng”, nhưng cũng “rất kiên quyết”.
Ông nói tiếp:

“Biển Đông là một bộ phận không tách rời của chính sách châu Á của Mỹ được. Biển Đông chưa thể trở thành vấn đề nóng ngay. Biển Đông nóng hay lạnh, sự phát triển của nó như thế nào thì phải xem chính sách của Mỹ đối với biển Đông như thế nào. Chúng ta mới nghe nói những tuyên bố, chứ còn chúng ta chưa thấy hành động của Mỹ. Các nước có liên quan tới biển Đông đang chờ đợi xem bước đi tiếp theo của ông Trump sẽ là như thế nào, và cuộc cọ xát chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại biển Đông sẽ diễn ra như thế nào”.

Dẫn chuyện Trung Quốc triển khai tên lửa đạn đạo ở tỉnh Hắc Long Giang, sát biên giới với Nga, được cho là nhắm vào Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu này cho rằng “bố cục chiến lược của hai bên đã hình thành để đối phó với nhau”.
Sau khi ông Trump đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái, giới quan sát cho rằng Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi các động thái của Hoa Kỳ nhằm tìm hiểu chính sách sắp tới của chính quyền Trump đối với Hà Nội.
 http://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-quoc-phong-my-di-chau-a-tran-an-viet-nam/3701521.html
pull-left bottom-offset content-offset">
Cả chính quyền lẫn truyền thông Trung Quốc đồng loạt công kích Hoa Kỳ sau khi Nhà Trắng tuyên bố sẽ bảo vệ “lãnh thổ quốc tế” ở biển Đông.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong buổi họp báo ở Bắc Kinh rằng “Mỹ nên tôn trọng thực tế, phát biểu và hành động một cách cẩn trọng nhằm tránh làm tổn hại tới hòa bình và ổn định ở biển Đông.”
Bà Hoa một lần nữa nhấn mạnh tới chủ quyền “không thể tranh cãi” đối với quần đảo Trường Sa, đồng thời cho rằng Mỹ “không phải là quốc gia tranh chấp ở biển Đông”, và rằng Bắc Kinh “chỉ đàm phán với các quốc gia liên quan trực tiếp”.
Trong buổi họp báo một ngày trước đó, khi được hỏi rằng liệu tân Tổng thống Trump có đồng ý với ý kiến của ứng viên ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về việc “chặn Trung Quốc tiếp cận các đảo nhân tạo nước này xây ở biển Đông”, phát ngôn viên Sean Spicer nói rằng “Hoa Kỳ sẽ chắc chắn bảo vệ quyền lợi của chúng tôi ở đó”.
“Vấn đề đặt ra là, nếu trên thực tế, các đảo đó nhằm trong hải phận quốc tế và không phải là lãnh thổ của Trung Quốc thì vâng, chúng tôi phải đoan chắc rằng chúng tôi sẽ bảo vệ các vùng lãnh thổ quốc tế khỏi bị một nước chiếm đóng”, ông Spicer lên tiếng ít ngày sau khi ông Trump nhậm chức.

No comments: