Monday, February 27, 2017

DƯƠNG HOÀI NAM * LẦN CUỐI CÙNG VƯỢT BIÊN

Lần Cuối Cùng Vượt Biên Dương Hoài Nam C/N 2010/03

Sau mấy lần vượt biển bất thành và nhất là hai lần vượt biển mà cả tàu đi được nhưng tôi thất bại chỉ muốn tự tử, tôi chẳng hy vọng gì ở cái “số đi nước ngoài” như một ông thầy tình cờ xem chỉ tay có lần tiên đoán trước 1975. Giữa lúc tinh thần tôi trượt xuống đến mức thấp nhất, một người cháu của bạn rất thân với tôi (đã ở nước ngoài) là Hải tới thăm tôi và cho biết vợ con cậu ta đang ở trại tỵ nạn Thái Lan, đã vượt biển mới đây theo đường dây mà chính Hải là người dẫn đường. Nghe Hải thuật lại hành trình mang vợ con đi thành công, tôi cũng mừng cho cậu ta nhưng lại nghĩ chắc gì mình sẽ được may mắn như thế, vậy mà chẳng hiểu sao tôi như cảm thấy mình phải “thử thời vận” một lần cuối cùng, kể như là được ăn cả ngã về không và thề sau đó nếu thất bại sẽ chẳng mơ tưởng gì tới việc đó nữa. Sở dĩ tôi liều đi có lẽ là vì anh bạn tôi, người đã tiếc cho sự thất bại của tôi trong vụ anh tổ chức đi trước đây, nên có nhắn Hải đến kêu tôi đi trong đường dây mới này.
Đến ngày ra đi, một mình tôi lên đường trực chỉ bến xe miền Tây theo đúng lời hẹn sẽ gặp nhóm khác vào giờ G ngày N tại đó. Tất cả gồm 7 người đều có mặt theo sự nhận diện của Hải, chẳng cho ai biết ai, làm như tình cờ đáp chung một chuyến xe đi miền Tây để cuộc ra đi khỏi bị những hành khách khác nghi ngờ mà phát hiện. Ngay cả khi xe di chuyển, chúng tôi cũng phải làm mặt lạ với nhau. Nhất là xuống xe ở Châu Đốc, ai cũng giả vờ như vô tình bất chợt gặp nhau giữa đường cùng đón xe lam về chung trạm chót rồi từ đó đi đến chổ xuất phát mà vượt biên bằng đường sông qua Miên. Tới bến đò, trời sụp tối lúc nào chẳng hay, cả nhóm phải hết sức cẩn thận mò mẩm bước đi từng bước trên bờ sông An Giang (?) để lên một chiếc thuyền đợi sẵn trước đó. Chiếc thuyền chở chúng tôi nhỏ nhưng cũng đủ chổ cho 7 mạng.
Hai bên bờ sông toàn một màu tối mò, đen như mực tàu, thỉnh thoảng có đoạn lấp lánh ánh đèn mờ ảo. Con thuyền lướt nhanh trong đêm, gió thổi mát rượi làm cho tôi dù vừa lo vừa mệt cũng ngủ vùi chẳng biết trời trăng gì nữa. Nhờ thế, khi rạng sáng mở mắt ra đã thấy chung quanh vẫn nước là nước, tôi cảm thấy sảng khoái vô cùng nhưng khúc sông rộng lớn này giống như một cái hồ vĩ đại, chứ không còn là con sông nữa vì chẳng thấy bến bờ đâu cả. Tôi thầm nghĩ có lẽ là biển hồ Tonle Sap của Miên mà tôi đọc được trong sách vở là đây chăng ! Ông lái đò vẫn chèo băng băng trên sông nước. Chèo khá lâu rồi cũng đến một chổ hoang vắng có bụi rậm um tùm, chúng tôi lần lượt nhảy xuống mà đi thì mới biết đây là khu rừng thưa chứ không rậm rạp như tôi tưởng. Cả nhóm lầm lủi vừa đi vừa chạy như thế trong rừng cho đến khi gặp một toán người Miên nai nịt súng ống kêu như quát lên, chúng tôi sợ hãi dừng cả lại. Mặt mũi tên nào tên nấy đen đúa và bậm trợn. Hải nói tiếng Miên không rành lắm làm tôi nghĩ quẩn chắc nguy đến nơi, có lẽ mình tới số rồi thì phải ! Cũng may Hải lanh trí chìa một cọc tiền Miên và cúi đầu xá chúng lia lịa mấy cái rồi nói bằng ... ngôn ngữ ... tay chỉ vào gói thuốc Samit mời từng người một điếu, đoạn vẽ trong không khí một cái vòng tròn to từ gói thuốc làm như dân đi buôn lậu ... cả đống thuốc vậy. Ấy thế mà chúng hiểu cái ngôn ngữ câm không lời này mới lạ chứ !
Thật may, tên cầm đầu khoát tay cho phép cả nhóm tiếp tục đi. Hải nói ra vẻ thông thạo là tụi Miên trông mặt mày ngầu vậy nhưng chúng hiền lành chất phác lắm. Một khi chúng nhận tiền ai là không hề trở mặt, chứ không hề có chuyện lấy tiền xong là ... a lê hấp bắt mình bỏ tù như CSVN đâu mà sợ. Hải nói như đinh đóng cột chỉ nhằm trấn an nhưng tôi cảm thấy như mình mới thoát một tai nạn. Cả nhóm đi mãi cho đến lúc tới được bìa rừng là lập tức đổi đội hình di chuyển. Lẻ tẻ từng người một nhắm hướng Hải dẫn đường đi trước rồi đi theo sau cố ý xa cách nhau từng chặng. Đến bến tàu, mỗi người được Hải đổi cho một ít tiền Riel của Miên và giao vé tàu thuỷ đi Nam Vang mà người trung gian đã mua sẵn từ trước. Trời nóng hừng hực như đổ lửa, dù tàu thuỷ đã ra giữa sông Mekong.
Kể cũng buồn cười, trong nước chúng tôi không dám nói chuyện mà ở xứ người chúng tôi nói chuyện lia chia bằng tiếng Việt đủ thứ, dĩ nhiên trừ chuyện vượt biên. Sở dĩ thế là vì thời đó, bộ đội CSVN đóng quân ở Miên sau khi đánh đuổi Khmer Đỏ nên dân ta cũng theo sang đó làm ăn buôn bán rất nhiều. Cả nhóm về tới Nam Vang, thủ đô nước Kampuchia (Miên) thì được ém vào nhà dân trong đường dây của tổ chức. Để tránh bị dân Miên nghi ngờ, riêng chúng tôi đàn ông được phát mỗi người một bộ đồ bộ đội để mặc đi chợ hay đi dạo phố. Nhờ bộ đồ này, chúng tôi tha hồ đi chơi lang thang suốt tuần lễ ở NV mà không sợ ai bắt nạt cả. Buổi sáng đi ăn điểm tâm, chiều đi uống cà phê mà đa số chủ quán là dân Việt mình. Tuy nhiên, gần đến ngày vượt biển, Hải nhận được lệnh từ người tổ chức đến báo cho biết không nên chường mặt ra đường nhiều quá. Ngày cuối, chúng tôi bắt buộc phải ở trong nhà, không được đi đâu cả.
Ở nhà chẳng biết làm gì cho hết giờ, chúng tôi gồm 3 thằng đàn ông ém chung một nhà xoay qua chọc 2 cô gái Miên của chủ nhà bằng cách học tiếng Miên và dạy cho mấy cô tiếng Việt. Một tên còn độc thân trong nhóm thì xin học ba chữ “anh yêu em” trong Miên ngữ. Sau khi học thuộc, anh ta mỗi lần gặp cô gái là tự động mở miệng “anh yêu em” làm cô gái Miên đỏ mặt vừa thẹn vừa sung sướng. Thật ra, cô gái ấy khá đẹp. Chỉ gái Miên nào lai Việt hay Hoa mới đẹp do có nước da trắng ngần còn người thuần gốc Miên có nước da đen đậm, chẳng khác nào người dân tộc thiểu số ở miền Trung của nước mình. Ở chung với dân Miên, tôi nhận ra một điều là họ ăn ở rất thiếu vệ sinh so với dân ta. Ăn cơm, họ không dùng chén đũa mà mỗi người ăn một tô cơm bằng muỗng. Không có muỗng chung nên họ lấy đồ ăn chung bằng muỗng riêng của mình khiến cho tôi cảm thấy chẳng thoải mái một mảy may nào, nếu không muốn nói là sợ dơ. Do đó, tôi lấy đồ ăn một lần duy nhất lúc bắt đầu ăn rồi cố mà nuốt qua họng. Còn về cái khoản “xả bầu tâm sự” trong tứ khoái của con người thì ôi thôi không có nhà cầu đàng hoàng, dù nơi đây là thành phố lớn và văn minh nhất của Miên. Họ đào sau nhà một cái ao để nuôi cá bằng đồ bài tiết của người, không phải như dân miền Nam nuôi cá trên sông rạch có nước luân lưu thường xuyên nên gọn gàng và sạch sẽ hơn nhiều.
Đêm trước ngày ra đi, chúng tôi phải thay đổi chổ ở và được đưa đến ém tại một ngôi nhà kinh doanh chiếu ... phim tập suốt ngày đêm, qua nhiều cuộn băng Video với đủ loại phim kiếm hiệp, cao bồi lẫn phim sex. Dù cố mở mắt để chiêm ngưỡng những ... toà thiên nhiên trong ngọc trắng ngà của phim tình dục cả chục năm chưa có dịp coi, tôi cũng chẳng tài nào coi nổi vì vừa lo vừa buồn ngủ. Khi đã quá khuya, bọn trẻ con bỏ về, họ mới cho chiếu phim này. Hơn nữa, tôi cũng muốn ngủ cho quên hết những nỗi lo và căng thẳng về chuyến vượt biển sắp tới. Tôi cũng đã ngủ một giấc chặng thuyền từ Châu Đốc qua Miên, thành ra thoát rồi, tôi mới thấy ngủ là thượng sách, chẳng phải lo đến rớt ... tim như mấy bạn đồng hành. Lúc đó qua trạm kiểm soát, Hải kể lại là công an từ trên chòi gác rọi đèn pin xuống thuyền, quét qua quét lại rất kỹ nhưng may nhờ người lái thuyền đã lấy lưới che phủ hết cả nhóm, chèn lên trên là đồ đạc, giây nhợ, dụng cụ đánh cá lỉnh kỉnh ngổn ngang trên thuyền nên công an cho đi. Họ không phát hiện ra cả nhóm bảy người chúng tôi đang cố sức bất động, ngay cả không dám thở nữa !
Cũng nhờ được ém trong nhà chiếu đủ loại phim mà tôi nhận ra một điều là dân Miên sống tương đối tự do, cởi mở hơn dân ta rất nhiều, có thể nói chắc là khác nhau quá xa. Trên đường phố, tôi không thấy bóng công an nhan nhản như ở Sài Gòn. Chỉ thấy dăm ba công an giao thông là cùng. Tạm trú ở ngôi nhà trước, tôi chẳng nghe thấy chủ nhà than phiền hoặc lo sợ gì việc bị công an nhũng nhiễu cả. Hay là công an đã được đấm mõm từ tổ chức vượt biển rồi ? Nếu vậy thì chúng tôi không cần di chuyển tới một địa điểm khác để phải đấm mõm thêm một lần nữa cho công an khu vực ở đây làm gì ? Nghĩ cho cùng, chẳng qua là chế độ CS ở nước ta quen với việc kiểm soát con người từ lâu, còn dân Miên như một đứa trẻ mới chập chững đi vào ma trận độc tài chuyên chính vô sản đã bị bọn Khmer Đỏ quật cho một trận tơi tả nên họ sáng mắt ra chăng ?
Hơn nửa đêm, tôi đang còn ngái ngủ thì Hải đến đánh thức dậy cùng với cả nhóm. Chúng tôi vội vàng rửa mặt qua loa rồi xách chiếc bị cói đựng đồ linh tinh mà nhảy lên xe kiểu Molotova của bộ đội. Đặc biệt là những xe tập trung ở đây đều không có bảng số và được bít bùng 2 bên xe trừ phía sau bỏ trống. Nhiều nhóm cùng về đây để ra đi một lượt. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi trông thấy “người không chân dung” là tay cầm đầu tổ chức. Anh ta tên Đức hãy còn trẻ, tướng tá trông thật khôi ngô tuấn tú, đẹp trai nữa chứ, lại thắt ngang hông một khẩu súng với cái lon trung uý sáng tươi trên cổ áo ! Tôi từng nghe loáng thoáng Hải kể là tay Đức này có ông cậu giữ chức quân trấn trưởng thành phố Nam Vang nhưng nguồn tin sau có lẽ là đáng tin hơn : tay này bị sa thải khỏi bộ đội vì lý do vô kỷ luật. Nghe trực tiếp giọng nói và thấy bằng xương bằng thịt cùng cử chỉ của tay này, chẳng hiểu sao tôi bỗng có cảm tưởng Đức đúng là tay chọc trời khuấy nước, vừa khôn ranh vừa táo bạo của một kẻ có bản lĩnh. Đầu sỏ có khác ! Nếu đánh giá tay ấy qua hình dáng bề ngoài thì cho vàng tôi cũng không dám phiêu lưu như thế này !
Lúc đó, tôi chỉ nghĩ bằng trực giác thế thôi chứ cũng không chắc là mình đúng ! Sở dĩ thế cũng có lý do của nó. Số là tôi đã bị hai lần vượt biên thất bại, oái oăm thay, tôi là người duy nhất đầu tư sự ... thất bại. Chính xác mà nói, lần đầu thất bại có tôi cùng với bà xã. Lần đó cả tàu ra khơi, 2 ngày sau nghe tin BBC nói chiếc tàu xuất phát ở Hải Sơn (Bà Rịa) được vớt nhưng riêng tôi cùng bà xã bị bỏ lại với khoảng 20 người. Tôi là người duy nhất đưa tiền cho chủ thuyền đầu tư, đặt mua thuyền, mua dụng cụ đánh cá để ông ta qua lại cửa biển, đánh cá ròng rã 2 năm trời hầu quen mặt công an nhưng cuối cùng ông ta thoát được còn tôi suýt bị bắt vào tù sau khi ông ta dùng mưu cô lập vợ chồng tôi ngay trên một cù lao nhỏ. Ông ta tham lam cho người khác thế chỗ vợ chồng tôi, là ân nhân của họ, để lấy thêm tiền. Thật là đau tức đến điên người ! Tôi bị xui xẻo như thế thì còn tin tưởng gì cái số sẽ được may mắn đây !
Còn lần thất bại thứ 2 thì lại do tôi mới ... ác chứ ! Thật ra, cũng vì thất bại vô lý một lần rồi, tôi trở chứng hoài nghi ... hữu lý là điều tất nhiên vậy. Sau khi bạn tôi nhắn đến nhà gặp anh bạn gấp, tôi nghe anh bạn nói nhỏ rằng “tao có ông bạn cho tao đi không lấy tiền trước, qua đến nơi mới trả tiền nhưng tao không thể đi lần này được mà nhường cho mày đi trước, mày nghĩ kỹ trong vòng từ trưa nay đến trưa mai rồi cho tao biết”. Có lẽ số tôi chưa vượt biển được nên bất chợt tôi nghĩ nếu chuyến đi chắc ăn thì bạn tôi không có lý do gì lại nhường cho tôi đi trước như thế này, chắc phải có cái gì bất trắc trong đó. Hoá ra tôi ... tính già hoá non. Chỉ vì anh bạn là người tổ chức chính trong việc vượt thoát này nhưng do anh bạn dự kiến trường hợp bị bể thì chẳng ai biết anh là người cầm đầu mà khai với công an, thành ra phải nói tránh như thế. Tôi hiểu sự tính toán khôn ngoan của bạn nên tôi chỉ biết than thân trách phận của mình.
Đoàn xe khởi hành giữa thành phố đèn vàng vẫn còn say giấc ngủ. Trời sáng dần khi ra ngoại ô để tiến về phần đất tỉnh Kampot, nằm ở cực nam của Miên. Đứng dọc đường và trên đồng không mông quạnh là hằng hà sa số những cây thốt nốt, thổ sản của Miên và cũng là một trong những nguồn lợi kinh tế của người dân Khmer. Xe chạy qua các làng mạc xơ xác tiêu điều, những ruộng vườn khô cằn, thỉnh thoảng chạy qua cả những thôn xóm với nhà cửa bị đốt cháy thành than đen xiêu vẹo nghiêng ngả trên nền đất xám xịt. Cảnh tượng này còn nhắc nhở một thời chiến tranh quốc-cộng chẳng khác gì nước ta. Thật ra, cái thời ấy còn rùng rợn thảm khốc hơn rất nhiều, khi cuộc tàn sát diệt chủng của Khmer Đỏ xảy ra với cả 2 triệu đồng bào họ là nạn nhân. Trên đường xa lộ hướng về phía cảng Sihanoukville, đoàn xe gồm ba chiếc di chuyển không gặp phải sự kiểm soát gắt gao nào của bộ đội Miên, chỉ trừ trạm chót. Mấy tên lính Miên mặt mũi đen sì và đằng đằng sát khí bao vây lấy chiếc xe đi đầu trong đó có tôi. Một vài tên hung hãn nhảy phóc lên xe nhìn tận mặt từng người như muốn ăn tươi nuốt sống. Ai cũng ngồi im chiụ trận, như nín thở và nem nép người không dám nhìn lên mà nhìn quanh cố giả vờ tạo vẻ vừa hững hờ, vừa thân thiện. Trong tình thế đó, tay ... trung uý Đức bắt đầu hành động. Anh ta bình tĩnh đến nói chuyện với tên trạm trưởng bằng tiếng Miên, dĩ nhiên, rồi 2 người tới đàng sau xe và tên trưởng trạm ra lệnh cho bọn kia xuống.
 Hai người bắt tay nhau và tiếng cười của họ vang lên cực kỳ thoải mái như 2 người bạn đã biết nhau trước đó vậy. Thế là đoàn xe lại lên đường. Mọi người trong xe mới bắt đầu thở phào nhẹ nhõm. Mấy bà mấy cô cảm ơn Trời Phật độ trì. Có người kể là sợ ... suýt té đái khi tên lính Miên chằm chằm nhìn vào mặt mình ... ra điều muốn ... chữa bệnh bằng thôi miên. Hú vía !
Chạy qua khu rừng tranh vắng vẻ một khoảng khá xa, đoàn xe ngừng lại và đoàn người được lệnh lục tục xuống rồi biến vào rừng tranh ngay sau đó. Chỉ còn chiếc xe tay Đức đi là vẫn đậu lại. Anh ta tụ tập mọi người lại rồi ra lệnh cho mấy tên trưởng toán lo kiểm tra số người và điều động toán của mình chạy xuyên qua rừng tranh theo sau anh ta chạy trước dẫn đường cùng dặn thêm là thanh niên trai tráng giúp mang đồ cho phụ nữ cũng như cõng các em nhỏ chạy cho nhanh trước khi trời tối. Đoàn người bắt đầu vắt giò lên cổ mà chạy băng rừng bán sống bán chết. Đến được bờ biển, tôi mệt đứt hơi nhưng nào đã yên vì còn cố lội ra khỏi bờ mới có ghe nhỏ chở tiếp ra chiếc tàu ... có thật đang đậu chình ình ngoài khơi. Khi đang tìm cách lội ra để lên cho được chiếc ghe nhỏ, tôi mới biết là mình đi qua một vũng bùn giống như bị ai kéo từ từ xuống. Đạp xuống cũng không được vì không có điểm tựa mà ngoi lên thì không có đà nên tôi loay hoay như người bị sụp bẫy. 
Tôi cảm thấy thân thể mình như nặng quá nên chìm dần xuống trong khi chân tay tôi bỗng yếu hẳn đi. Bất giác, tôi nhớ đến câu chuyện viết về một người bị lún vào cát hay bùn gì đó đến chết mà rùng mình. Hình như chuyện của Victor Hugo thì phải ? Thấy nhiều người đã lên được ghe hết rồi, tôi cố hết sức bình sinh hòng cứu vãn tình hình nhưng trời ơi là trời vẫn vô hiệu ! Tôi đành cố hét tướng lên “Bùn lún, bùn lún rồi ... Một cành cây !”. Ngay lập tức, Hải chạy bổ đi tìm và vất ngay xuống một khúc cây gãy đủ cho tôi đạp lên trên mới đi được mà bám vào ghe. 
May quá, tôi được người khác kéo lên ghe và thoát nạn. Tôi cứ tưởng mình đã sụp “lỗ chân trâu” mà tàn đời nơi xó xỉnh này ! Khi chỉ còn vài người cuối cùng trèo lên tàu, trung uý giả Đức đứng trên bờ bỗng rút súng bắn đoành đoành lên trời ! Vài người bàn tán râm ran không hiểu sao anh ta bắn thế nhỉ. Ăn mừng chăng ? Hải đi theo Đức mấy lần nói là anh ta bắn vậy nhằm cho rằng mình đã phát hiện ... quá trễ một vụ vượt biển trái phép ! Tay này đúng là dân liều mạng ! Anh ta đeo lon ... giả mà còn bạo như thế, huống hồ thật. Thực ra, khu rừng tranh ấy rất hoang vắng và cách xa nhà dân cả chục cây số nên Đức bắn súng ... đì đùng vậy cũng đã tính kỹ trước rồi. Anh ta tỏ ra tự tin thấy rõ vì đã thực hiện thành công mấy chuyến nhờ vào đầu óc giảo hoạt biết vạch ra đường đi nước bước cũng như điều nghiên bến bãi kỹ càng. Dù sao, tôi cũng cám ơn tay ... hảo hán Lương Sơn Bạc này đã “tái xuất giang hồ” đúng thời đại ! Chẳng biết tôi có cám ơn sớm sủa quá không ? Nói sớm hay muộn sao đành nhưng có dịp thì mình cứ cám ơn trước đã !
Tàu di chuyển suốt đêm trong Vịnh Thái Lan, bên ngoài trời tối om mà tôi không tài nào ngủ nổi. Thuốc chống say sóng tôi dùng không công hiệu gì cả. Hơn nữa, khi xuống tàu tôi đã không biết tìm vị trí mà ngồi. Ngu nhất là ngồi ở hai bên đầu tàu, người từng trải cho tôi biết như vậy. Họ giải thích là tàu lắc lư nhiều nhất ở 2 vị trí lái và mũi. Do đó, tôi say sóng đến mức mửa ra cả mật xanh mật vàng mà vẫn không yên. Tôi cũng đã từng say sóng một lần khi đi tàu thuỷ từ Huế vào Đà Nẵng để tránh Đèo Hải Vân lúc ấy bị cộng quân khống chế và pháo kích nhưng say cũng không thấm thía gì so với lần này, say đến rệu rã, khờ người ra chẳng khác cái giẻ rách. Ấy thế mà, khi nghe Hải báo tin sắp vào bãi đáp rồi, tôi bỗng như có phép thần thông lấy lại sức một cách nhanh chóng không ngờ. Trời bên ngoài hãy còn tối lờ mờ, tàu khởi sự chạy chậm dần lại để cập bờ. Hải hối thúc mọi người viết mật mã vào tờ giấy dưới ánh đèn tù mù rồi gom lại cẩn thận. Không cẩn thận là mất phần ăn chia. Chưa có mật mã đưa về là chưa có gì chứng minh đã lên tàu, đã ra khơi vượt biển. Hải còn cẩn thận gửi ... vợ con bạn cho tôi dẫn vào bờ vì chổ tàu ngừng nước ngập đến vai trong khi cô ta có con nhỏ.
Khi nhảy xuống khỏi tàu, nước ngập cả cổ, tôi nghĩ thầm không biết sẽ dìu mẹ con cô ta như thế nào đây. Tôi bảo cô cứ ẵm con rồi bám vai tôi thật chặt để tôi bơi vào bờ cho nhanh. Trời sáng dần. Tàu quay ra khỏi bờ ngay khi mọi người lóp ngóp lội vào. Thế là chuyến vượt biển xem như “xuôi chèo mát mái” đối với tất cả mọi người. Mấy bà cô dâng lời cảm tạ Trời Phật đã cho họ đến bến bờ bình an vì Vịnh Thái Lan khét tiếng là nơi hải tặc hoành hành. Phần tôi vẫn còn nghi ngờ như ... Tào Tháo mà tự hỏi chẳng biết giấc mơ của mình đã trở thành hiện thực hay chưa.
Mọi người hăng hái đổ bộ vào nằm xoài lên bãi cát, áo quần đẫm nước nhưng mặt người nào người nấy hân hoan, hí hửng đến mức kích động. Thậm chí có anh nhảy cỡn lên và chạy lăng quăng rồi la hét toáng lên cực kỳ khoan khoái. Tôi quan sát chung quanh thấy dừa là dừa bạt ngàn và đoán mò đây có lẽ là một hòn đảo hiu quạnh của Thái Lan. Bỗng đâu từ phía trong một đoàn người tay mang dao búa, gậy gộc ... miệng hò reo vang trời túa ra làm chúng tôi hết hồn. Để tránh sự hiểu lầm có thể dẫn đến bị hành hung đáng tiếc, tôi buột miệng nói to “chúng tôi là người tỵ nạn VN” và ngay sau đó, vài người nói tiếp “chúng tôi đến đây vì lý do chính trị”. Cũng may trong số họ có một cậu thanh niên biết tiếng Anh. Do đó, cuộc nói chuyện với họ của chúng tôi trở nên cởi mở và thông cảm lẫn nhau, nhờ có cậu này làm thông dịch viên. Họ chạy đi báo cho chính quyền địa phương là người tỵ nạn VN mới đến đảo. Chẳng bao lâu sau đó, họ phân phát cho chúng tôi mỗi người 2 trái trứng gà luộc chín để ăn tạm. Qua trò chuyện với cậu thanh niên, chúng tôi được biết chổ nào đón tiếp người tỵ nạn thì chổ đó sẽ được Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tài trợ một số tiền khá lớn, xem như thưởng công họ đã cung cấp nơi ăn chốn ở tạm thời cho người tỵ nạn.
Theo lời ông trưởng đảo cho biết thì tất cả chúng tôi ngủ lại đảo một đêm rồi sáng ngày mai sẽ có chuyến tàu đưa vào đất liền. Sau đó, chúng tôi được ông dẫn đến một ngôi nhà khá rộng, trông giống như một nhà hội cho chúng tôi ngủ qua đêm. Buổi chiều, một bọn đi xe gắn máy chạy qua chạy lại ầm ầm trước ngôi nhà chúng tôi đang tá túc. Bọn thanh niên này trông mặt rất ngầu, đứa nào cũng cột tóc thỏng xuống phía sau như đuôi ngựa. Đến tối, trong khi nhiều người đã nằm ngáy khò khò, bỗng vài người còn thức như tôi ngồi bật cả dậy khi chừng năm tên đồng loạt chạy xe đến ngừng ngay trước nhà rồi hùng hổ xông vào chổ chúng tôi ngồi. 
Sợ bị cướp, chúng tôi đánh thức cả nhà dậy để lấy khí thế số đông hầu đối phó với năm tên kia. Hoá ra, chúng đến hỏi ai có vàng muốn bán hoặc đô-la muốn đổi tiền Baht của Thái không. Dĩ nhiên, chúng tôi chẳng ai dám khoe ... của trong tình thế bị cô lập giữa đảo như thế này. Thấy chúng tôi ai cũng lắc đầu nói không có, chúng mới bực bội bỏ đi sau khi trừng mắt nhìn bao quát khắp nhà. Sáng hôm sau, ăn cháo điểm tâm xong chúng tôi được lệnh xếp hàng trật tự để lên tàu vào đất liền. Chiếc tàu gọn đẹp nhưng cũng đủ rộng cho gần cả trăm mạng chúng tôi tha hồ nằm ngồi thẳng cẳng trên sàn tàu. Nước biển xanh ngắt thấy rõ cá bơi từng bầy. Ra ngoài khơi xa, trên mặt biển mênh mông, thỉnh thoảng bay lên khỏi mặt nước những con cá chuồn trông rất vui mắt. Giữa cảnh trời nước bao la bát ngát, tôi hít đầy lồng ngực không khí của tự do có mùi biển mặn và cảm thấy mình chưa bao giờ sảng khoái nhẹ nhàng như vậy ! Bất giác, tôi ngậm ngùi trong một tâm cảm phức tạp giữa không thời gian :
Trời bát ngát lòng người sao hung hiểm
Nước mênh mông đâu một chổ yên lành ?
Nghe hoang vu run rẩy tận ngày xanh
Thời êm ấm trôi xa dòng hoài niệm ! 
Chính trên chiếc tàu này, tôi đã sung sướng đến rơi lệ. Một thứ cảm xúc hết sức trái ngược nhưng cũng khá bình thường và tự nhiên. Tôi sung sướng vì giấc mơ của tôi không ngờ đã trở thành hiện thực. Một giấc mơ mà tôi hằng cầu nguyện nay đã có kết qủa cụ thể. Đồng thời, tôi cũng không thể ngăn những giọt nước mắt nhỏ xuống trong lòng bàn tay tôi khi biết rằng tôi và vợ con đều đang chờ mong ngày đoàn tụ trong niềm đau khổ vì phải xa cách nhau chẳng biết bao lâu nữa ?
Ngày mai ngày mai cuộc sống bình yên
Tôi úp mặt hân hoan dòng lệ đổ !
(Vượt)
Buổi chiều tàu cập vào một bến cảng của Thái Lan. Những người tỵ nạn chúng tôi được tạm trú ở trại Lamb Ngob, độ 2 tuần sau tất cả được chuyển lên trại chính Panat Nikhom (tỉnh Chon Bury) để chờ định cư ở nước thứ ba.
Trong suốt dòng sử Việt, chưa hề có cuộc vượt thoát nào mà cả một làn sóng những người dân đủ mọi thành phần, tự nguyện lìa bỏ quê hương của mình trong tức tưởi như thế ! Tự nguyện một cách tức tưởi, đau đớn vô cùng ! Không ai hiểu nổi sự mâu thuẫn này ngoài chính nạn nhân một chế độ “hà chính mãnh ư hổ” ! Quả là hai chữ Tự Do cao quý đến nỗi con người dám đổi cả mạng sống của chính mình ! Hỡi Tự Do, xin cúi chào Người !

Dương Hoài Nam, VănTuyểnCom 2009/01/08

PHƯƠNG DUY * TRUYỆN TÙ CẢI TẠO

 

 

 

Truyện tù cải tạo

Lặn lội đường xa


Vào truyện – Trên khu cải tạo Bù Gia Mập có một con đường đất đỏ dài trên dưới hai mươi cây số, chạy dài từ khu kinh tế mới Minh Hưng, quận Bù Đăng, đi vào sóc Bombo,vòng qua Đức Hạnh, Bù Đốp. Con đường được thiết lập từ thời Đệ Nhất cộng Hoà của Chính Phủ Ngô Đình Diệm với dự tính khẩn hoang lập ấp, thành lập các khu dinh điền, vừa để chế ngự một an toàn khu của phe Cộng Sản VN. Kế hoạch đã bị bỏ dở sau sự sụp đổ nền Đệ nhất Cộng Hoà. Con đường bị bỏ hoang. Nhiều đoạn, cây rừng mọc lan ra che phủ hết,đi dưới đường nhìn lên không thấy bầu trời.. Con đường nắng lên đầy bụi đỏ, mưa xuống lại lầy lội trơn trợt. Đàn bà con gái lặn lội thăm con thăm chồng, tất cả đều phải ba lô trên vai, dép guốc cầm tay mới ráng lết đi được... Trong truyện ngắn này, người viết xin ghi lại một vài hình ảnh nhỏ bé như một lời tri ân của đứa con đến các bà mẹ, lòng biết ơn của người chồng đến các bà vợ Việt Nam tuyệt vời, một đời vất vả hy sinh cho người thân yêu của họ trong khoảng thời gian cùng quẫn khó khăn nhất của xã hội miền Nam.
 
Nhận được thư của Thoại gửi về qua tay chị Trang, chị mới đi thăm chồng về, Giang cảm thấy lo lắng. Nói là lá thư cho có vẻ trang trọng. Thực ra, đó chỉ là một mảnh giấy nhỏ nhàu nát. Trong thư, Thoại thăm hỏi gia đình và mẹ con nàng vài câu, thêm vài câu vắn tắt cho biết anh đang bệnh nhiều, cần thuốc thang chữa trị. Thời buổi khó khăn, tìm kiếm cái ăn cho hai mẹ con đã thật vất vả. Mà cả nước đều thế, chứ đâu riêng gì gia đình nàng. Mấy năm trời đi tù cải tạo, Thoại biết hoàn cảnh gia đình không khá, anh chưa bao giờ đòi hỏi xin xỏ gì. Nay tình hình chắc phải tồi tệ lắm mới có chuyện viết thư nhắn gửi như vầy. Vậy nàng phải thu xếp lên rừng một chuyến. Không đi, lỡ chồng có mệnh hệ gì, có lẽ sẽ ân hận suốt đời. Công việc làm ăn của Giang bây giờ càng lúc càng khó khăn. Ngành may mặc lúc trước gia công cón có đồng ra đồng vào. Kể từ khi bị buộc vào tổ hợp, rồi tiến lên hợp tác xã, chỉ còn đồng lương cố định chết đói hàng tháng cộng với ít tem phiếu mua gạo hẩm, nước mắm thối. Dạo sau này, đến gạo hẩm cũng không còn. Tháng tháng mang tem sổ đến chỉ mua được khi thì ít mì sợi, lúc vài ký bo bo loại thực phẩm cho ngựa ăn. 
 
Nhà nước gọi nó là cao lương, nhưng nuốt vào miệng thế nào thì ỉa ra nguyện hột thế ấy. Vậy mà có khi cũng không có, phải nhận mớ ngô vàng cứng như đá hoặc bao củ lang củ sắn (khoai mì) hư thối hơn nửa. Thời những năm bốn mươi lăm, nghe nói miền Bắc người chết đói hàng loạt, nhưng hồi ấy nàng chưa sinh ra nên chẳng biết. Còn lớn lên ở cái miền Nam nhiều lúa lắm gạo này, nàng chưa thấy có thời kỳ nào thế thảm như vậy. Lại còn cái vụ phải xin phép nghỉ vài ngày để đi thăm chồng. Rắc rối chứ đâu có đơn giản. Có nên về nhờ vả bố mẹ tí chút nào không? Cả hai bên bố mẹ đều đã già, ruộng vườn co cóp mấy chục năm đã bị tịch thu hết ngay từ những ngày đầu xã hội chủ nghĩa. Số còn lại giờ cũng phải vào tập đoàn làm ăn tập thể, chả còn gì mà trông mong. Lấy gì để mua sắm lên thăm Thoại đây? Giang đành ngó quanh quất trong nhà coi có gì còn tí chút giá trị, có thể tải được ra chợ. Của đi thay người, nàng ngẫm nghĩ. Cái khánh vàng với bốn chữ Trăm Năm Hạnh Phúc lớn có con rồng và con phượng bao quanh thật lộng lẫy. Quà cưới của bạn bè tặng Thoại ngày xưa, dễ có được vài chỉ, đem bán đi chắc Thoại buồn, nàng cũng buồn. Nhưng thời buổi, cái khó bó cái khôn. Túng phải tính cứ biết làm sao? Giang ngậm ngùi lôi nó ra khỏi cái khung kiếng.
 
 
 Kể từ ngày “giải phóng”, số phận nó cũng giống như Thoại, phải chui vào nằm trong một xó kín trong nhà, không được ngồi trong tủ chè nữa. Chưng ra cho chúng nó dòm ngó, có mà chết. Hôm nay trong lúc túng cùng, thôi thì vĩnh. biệt. Giang gói nó lại bỏ vào giỏ rồi đem ra chợ. Vấn đề tài chánh coi như giải quyết xong. Không phải cầu cứu tới ai, nhưng cũng nên cho bố mẹ Thoại biết một tiếng. Thoại đang đau ốm cần giúp đỡ. Bố Thoại có nghề y tá dạo, ông biết về thuốc men, thế nào chả có chút đỉnh cho con, còn mẹ ít nhất cũng có ít thức ăn cây nhà lá vườn cho con trai bà sống cầm cự qua ngày. Tiện thể, nàng kéo thằng Quốc, em trai nàng đi theo. Nó còn trẻ, mạnh khoẻ nhanh nhẹn đỡ đần tay chân chút ít bớt vất vả. Kinh nghiệm của kỳ đi thăm nuôi lần trước vẫn còn nguyên trong trí. Dạo ấy Giang đi cùng mẹ chồng, may mắn liên lạc được ít gia đình rủ cùng đi chung, nương tựa, giúp đỡ khuyến khích nhau. Nếu không chắc đã bỏ về nửa đường. Xe đò từ Sài Gòn đi Phước Long, tới ngã tư Minh Hưng là điểm dừng cuối. Từ đây không còn xe chở khách, ngoại trừ xe bộ đội. Nhưng xe của “quân đội nhân dân” thường ít khi cho nhân dân đi quá giang. Có lẽ có muốn cũng không còn chỗ, vì hàng ngày chả có mấy chuyến. Và chuyến nào trên xe cũng thường đầy ắp. Tới Minh Hưng trời đã xế chiếu. Muốn vào tới các trại cải tạo lao động ở trong rừng còn phải cuốc bộ rất xa theo con đường Mười. 
 
 
Trại của Thoại ở gần nhất cũng cách trên mười cây số. Tay xách nách mang, có gia đình còn mang theo con nhỏ không biết làm sao để đi. Cuối cùng phải nhờ vả đến người dân địa phương, những người trong vùng kinh tế mới. Họ rành rẽ đường đi nước bước. Họ, có lẽ, trước đây cũng từ các thành phố đến, nhưng sau một thời gian cực khổ, đã quen lam lũ. Vả lại, đó là cơ hội cho họ kiếm thêm được ít đồng tiền đã trở nên rất hiếm hoi quý giá trên rừng này. Trẻ nhỏ thì dẫn đường. Người lớn thì nhận chuyên chở giùm hành lý. Họ chịu hy sinh nhiều giờ để vừa giúp đỡ vừa có thêm phần phụ giúp gia đình. Giá cả thỏa thuận xong. Có gia đình cả nhà cùng đi làm hướng dẫn viên một loạt. Đoàn người bắt đầu cất bước từ lúc xế chiều, khi nắng còn đổ gay gắt. Thi thoảng, một chiếc molotova chạy ngang làm tung bụi đỏ mịt mù. Cứ cách quãng dăm bảy trăm thước, đoàn người phải dừng lại nghỉ. Đến được láng trại đầu tiên thì trời đã tối mịt. Mọi người mệt mỏi rã rời. Đoạn đường chỉ hơn mười cây số mà đi tới gần năm tiếng. Đã vậy, khi còn choạng vạng trời lại đổ ập cơm mưa. Đường đồi lên xuống đã gập ghềnh, bây giờ thành trơn như bôi mỡ. Người đi thăm nuôi toàn là đàn bà con gái chưa quen với những con đường đất trơn trợt, guốc dép cởi ra cầm trên tay mà vẫn té lên ngã xuống, thật khổ ải.
 
 
  Ba lô trĩu nặng bờ vai nhỏ, Mưa lạnh đường trơn, chân đất vương Lặn lội thân cò pha nắng bụi, Đường xa lặng lẽ đến thăm chồng. Lần này, chuyến đi đột xuất, không có ai cùng đi, Giang nghĩ mình nên chuẩn bị kỹ lưỡng. Nàng về quê mang theo lá thư của Thoại cho bố mẹ đọc, cũng may quê Thoại gần thành phố, chỉ chừng hơn tiếng đồng hồ đi xe đò, có thể đi về trong ngày. Gần như dự đoán của Giang, Bố Thoại biết tình trạng sức khoẻ của con, có dự trữ sẵn mớ thuốc Thoại cần, nàng sẽ mua thêm. Ông gửi kèm theo mấy hộp sữa đặc, một mặt hàng khá hiếm lúc này, cho con trai bổi dưỡng. Bà mẹ thì chuẩn bị một ít ruốc, một hộp mỡ, đậu phộng cây nhà lá vườn. Bà còn bảo mang theo ít cây trái trong vườn. Giang bảo mẹ chồng: - Mẹ đã thấy rồi. Đường xá đi lại rất khó khăn, Con đâu thể mang vác nhiều. - Thì cũng phải có gì cho nó chứ. Chả lẽ lên thăm nuôi chồng tay không. - Bây giờ thế này. Mẹ biết gia đình con, con cái còn nhỏ dại, đời sống cũng khó khăn lắm. Bố mẹ bây giờ già quá rồi. Thời buổi này chẳng làm gì ra tiền. Thằng Thoại cũng cần chút ít phòng thân. Mẹ không có tiền cho, con cố mang ít quà của mẹ. 
 
Phần mày không cần mua sắm nữa, ráng chạy vạy dấm duí cho nó vài đồng. Bà nói mãi. Giang đành chấp nhận mang theo quà của mẹ, ngoại trừ trái cây hoa quả quá nặng nề. Nhưng bà bắt buộc cầm đi mấy cân bột, đậu xanh và ít đường thẻ. Bà bảo trong tù chúng nó thiếu thốn nên thèm ngọt. Nhà có sẵn, ráng mang đi cho bạn bè anh em nó có dịp “liên hoan”. Thằng Quốc đang lúc rảnh rỗi, cũng sẵn sàng lên rừng. Có nó đi theo giúp đỡ, Giang quyết định cho con đi cùng. Thằng Xuân chưa đầy ba tuổi nhưng lanh và ngoan, có thể yê n tâm. Nên cho nó biết mặt bố. Kỳ trước lên rừng, nó chưa được đi vì nàng chưa biết rõ đường đi nước bước. Bây giờ đã có kinh nghiệm, thêm thằng Quốc bên cạnh. thêm tay thêm chân. Thoại chỉ mới gặp con một lần ở Trảng Lớn. Lúc ấy, thằng Xuân mới mấy tháng chưa biết gì. Hai cái ba lô đã chất cứng, đồ đạc bên ngoài vẫn còn nhiều, không biết nhét vào đâu. Thứ nào nàng cũng thấy cần cho chồng. 
 
Quà cáp của bố mẹ và thuốc men tối cần thiết không thể thiếu, dầu ăn, bột ngọt,tôm khô mặt hàng tồn trữ chiến lược không thể bỏ lại. Còn mấy gói thuốc lá và bánh thuốc lào này thì tính sao? Giang thấy dạo sau này Thoại ngày càng ốm yếu, ho hen luôn miệng, muốn khuyên chàng bỏ hút thuốc đi mà biết nói như thế nào? Rừng núi khí hậu thời tiết lạnh lẽo, thân phận người tù, xa vắng gia đình, cha mẹ vợ con đã nhiều năm, rượu chè đã không có, chỉ còn làn khói thuốc cho ấm lòng, vơi đi nỗi nhớ nhung gia đình. Bỏ thì thương, vương thì tội. Vả lại, không có thuốc lào thuốc lá thật thì họ lại đi hút vớ vẩn những lá cây rừng độc hại thì còn nguy hiểm hơn. Thoại đã chẳng từng kể anh và các bạn tù đã dùng xác bã trà làm thuốc hút đó ư? Trà khô được pha uống đến khi nước pha trắng gần như nước lã mới đem phơi khô, tẩm vào nước điếu đen thui để thành thuốc hút, chẳng ngon thì, “không mỡ xài đỡ đèn cầy”, cũng tạm ấm lòng “ngục sĩ trong khi vắng nhà”. Xong được mấy món đồ lại lo chuyện giấy tờ.
 
 Việc làm trong tổ hợp và đơn nghỉ phép đã có Thu lo giùm. Con nhỏ bạn gái chưa chồng, còn thong thả nên giúp bạn nhiệt tâm. Còn lại cái giấy phép đi đường từ mấy ông ‘kẹ’ ngoài phường là khá rắc rối. Ai đời cả năm mới xin phép đi thăm nuôi chồng một, hai lần mà y như rằng, cứ thấy nàng ló mặt ra tới là chúng hạnh hoẹ đủ thứ. Nào là mọi việc đã có nhà nước lo, cô không phải lo, phải để cho chồng yên tâm học tập mới có kết quả, cứ thậm thụt lên xuống thăm nuôi thế thì làm sao tiến bộ? Nào là đi hoài như thế mất bao nhiêu công lao động. Ai cũng như cô thì còn ai xây dựng đất nước? 
 
Lần nào cũng phải đấm mõm cho bọn chúng, khi thì vài gói Samít, lúc dăm bao trà Thái Đức chúng mới chịu cấp giấy cho, còn ra giọng nhân nghĩa: - Nể lắm mới ký cho đó. Mấy phường khác thì còn lâu nghe chửa… Ra khỏi cánh cổng ủy ban, nàng còn nghe tiếng cười đểu của bọn chúng: - ĐM lũ nguỵ quân Sài Gòn Chúng nó ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc quá nhiều. Hèn chi vợ con chúng đứa nào cũng trắng da dài tóc. Từ nay cho chúng bay chết cả nút… Xong xuôi giấy tờ, Giang chuẩn bị đi ngay. Nàng cùng em và con ra bến xe thật sớm. Thời buổi này, cái gì cũng của dân, do dân làm chủ, nhưng chủ chỉ đuợc phép ngó, không được phép rờ. Phải ưu tiên cho đầy tớ của dân là cán bộ, bộ đội. 
 
Bỏ tiền ra mua vé xe cũng ưu tiên cho cán bộ, thừa ra mới tới dân. Không sao, Giang biết cách xoay xở. Chỉ cần bỏ ra ít tiền lẻ cho người bán dạo hàng quanh bến xe là có vé chợ đen. Bọn cửa hàng thông đồng với đám viên chức cán bộ lợi dụng sự ưu tiên để mua giành hết vé, đem tuồn ra ngoài kiếm lời chia nhau, thành ra dân có chầu chực ba bốn ngày liền cũng chưa chắc có vé. Chuyện đểu cáng thế nhưng lúc nào bọn chúng cũng giả bộ liêm chính, miệng lưỡi toàn là đạo đức cách mạng. Rặt một bọn vô liêm sỉ. Chiếc xe khách dồn người nêm như cối, không còn chỗ cựa. Hành khách leo lên ngồi cả trên mui, mừng vì may mắn có được một chỗ. Chị em Giang và con bị nhét vào giữa lòng xe nên không nhìn thấy quang cảnh bên đường. Của đáng tội, sau vài năm “giải phóng”, đất nước rặt một màu xám tro. Có còn gì khác để mà nhìn ngắm. Đâu đâu cũng một cảnh nhà cửa điêu tàn, cây cối xác xơ.

Càng đi xa Sài Gòn càng thấy sự hoang sơ tiêu điều của những vùng được mệnh danh là vùng kinh tế mới. Thật là thành quả. Giang nghĩ: hoa hôi kết thành quả đắng. Chiếc xe cũ kỹ già nua, bò ì ạch, thở hổn hển. Mãi rồi cũng lết được tới khu kinh tế mới Minh Hưng, điểm đến cuối cùng khi mặt trời đã bắt đầu ngả về Tây. Xuống xe, Giang cùng em và con bước vào một quán nước bên đường. Nỗi lo lắng bắt đầu dâng lên. Khi còn ở nhà, vì hăm hở muốn gặp chồng để biết đau ốm ra sao, phần vì những lo âu khác, nàng quên đi cái khó khăn này: đường còn xa, phương tiện chuyên chở không có, phải xoay xở ra sao? Phải ngủ trọ lại một đêm rồi sáng mai lên đường? Vùng này kiếm ra một chỗ trọ cho ba người không dễ. Thằng Quốc liều mạng bàn là cứ đi, mười giờ đêm đến là cùng chứ gì?
Thấy được nỗi khó khăn của người đàn bà trẻ, người chủ quán thương hại: - Để tôi hỏi thằng con trai tôi coi nó chịu dẫn đường giúp không? Nó vẫn hay giúp đỡ bà con mình ở thành phố lên. 
 
Có nó quen đường quen xá ở xó rừng này mới đi được. Tội nghiệp thằng nhỏ. Lâu nay chịu cực chịu khổ đã quen. Có hôm nó phải đi suốt đêm, gần sáng mới về tới nhà. Giang mừng rỡ theo chủ nhà đi điều đình với người con. Giá cả thoả thuận xong xuôi, họ ăn uống qua loa rồi chuẩn bị lên đường ngay. Cậu con trai dẫn đường cùng Quốc mỗi người một ba lô, còn Giang bế con. Thỉnh thoảng mỏi tay lại cho thằng Xuân xuống đi bộ. Chỉ mới hơn năm giờ chiều mà trời đã choạng vạng. Ở rừng trời mau tối, người ta bảo vậy. Nàng rất mệt mà vẫn không dám nghỉ nhiều, con đường như dài vô tận. Hai chị em lúc này luân phiên thay đổi, khi thì đeo ba lô, khi bồng thằng Xuân. Nàng hơi hối hận đã mang con theo. Hai tay mỏi rã rời, hai chân như buộc chì không cất lên nổi. Đoạn đường, theo cậu dẫn đường chưa được phần ba. Trời đã thẫm màu. Cậu dẫn đường đi chặt nứa làm đuốc. Kinh nghiệm đi rừng, lúc nào cũng phải có dao trên tay, cậu bảo thế. Đêm đã về,thằng Xuân sợ hãi không rời mẹ ra nữa. May mắn có một chiếc xe chạy ngang. Chiếc xe quân đội trên sư (đoàn) đi công tác bị hư dọc đường, khách đã chuyển qua xe khác về trước. Bây giờ xe mới sửa chữa xong quay về. Chiếc xe trống rổng dừng lại cho quá giang. Người bộ đội lái xe còn đủ tình người để thông cảm cho đám người bơ vơ giữa rừng đêm. 
 
 
Giang cám ơn và trả tiền cho cậu bé dẫn đường để cậu quay về nhà, còn ba người leo lên xe. Đến trại cải tạo Thoại đang ở, trời đã hoàn toàn tối mịt, sương đêm rơi xuống ướt lạnh bờ vai, người lái xe dừng lại cho ba người xuống. Giang không quên lục tìm gói thuốc thơm biếu, cám ơn anh đã giúp đỡ. Người bộ đội cười nói không có chi, chúc gặp người thân vui vẻ rồi từ giã phóng xe đi. Anh về sư, còn phải đi thêm một quãng nữa. Giang nhìn quanh. Bên tay phải ngay chỗ xuống xe, mấy dãy nhà lợp tôn. Là bộ phận khung (khung=ban chỉ huy một trại cải tạo thường cấp tiểu đoàn). Những tấm tôn mà kỳ thăm nuôi trước, Thoại đã kể cho nàng nghe: đó là những tấm tôn vấy máu anh em cải tạo. Số là khi còn ở tại trại tập trung cải tạo Trảng Lớn, trại tù này trước đây do sư đoàn 25 bộ binh Mỹ thiết lập, sau năm 1972, họ rút về nước đã trao lại cho sư đoàn 25 bộ binh quân lực VNCH sử dụng làm căn cứ. Sau tháng Tư 1975, quân chính quy Bắc Việt tiếp thu đã sử dụng làm một trong những trại tập trung cải tạo Sĩ Quan Miền Nam VN trình diện tại Sài Gòn và vùng phụ cận. 
 
 
Gần hai năm trời tại trại với rất nhiều biến chuyển, những ông cai tù, người từ phía bên kia nhìn thấy cảnh ‘phồn vinh giả tạo’ của miền Nam đã có rất nhiều sáng tạo. Khởi đầu là phong trào “tam đê” gồm có đài, đồng, đạp. Mỗi người phấn đấu để có một xe đạp làm chân, một đồng hồ trên tay và cái đài trên vai. Đó là thế hệ xã hội chủ nghĩa nhuốm màu tư bản sơ khởi. Khi phong trào đã lắng dịu thì đến chiến dịch “bốn vê”: vào, vơ,vét, về. Sau một thời gian vơ vét hết mọi thứ, kể cả những mảnh vụn kim khí từ những chiếc trực thăng, mang về cho một lực lượng lao động”chùa” khổng lồ, đám sĩ quan tù cải tạo giũa gọt, vẽ khắc, đánh bóng, làm thành những món quà quý giá như gương lược, kẹp trâm, những bộ điếu cày chạm trổ tinh vi. Đến cả những tấm ghi sắt lót làm sân bay cũng được gỡ sạch để phục vụ cho các “anh hùng cách mạng.” Khi không còn gì để vơ vét, đêm nằm vắt trán suy nghĩ, nhìn lên nóc nhà họ thấy toàn là tôn. Hướng mắt về phía cửa sổ, bên ngoài là những bãi mìn phòng thủ nằm giữa những lớp kẽm gai, cỏ tranh mọc tốt cao quá đầu người. Lại suy nghĩ. 
 
Cỏ tranh này miền Bắc có lợp nhà thật tốt. Ở đây bọn Mỹ Nguỵ toàn lợp mái bằng tôn. Giời ơi! Nghĩ ra rồi, của ở trên đầu này chứ còn ở đâu nữa. Trong đầu của người cán bộ, những tấm tôn đã biến thành những hòm lớn hòm nhỏ, mai này đi phép mang về nhà thì quý vô cùng, tiện lợi lại bền hơn gỗ. Miền Bắc hiếm tôn thì chắc chắn có giá. Đúng là sáng tạo. Cụ Mác cụ Lê nói thì chẳng sai. Cám ơn các cụ. Nhờ tư tưởng của các cụ đã soi sáng cho đàn cháu biết tư duy. Bộ phận khung nhất trí soạn thảo kế hoạch. Chỉ tiêu được đề ra: thi đua lao động lập thành tích mừng sinh nhật ‘Bác’. Quyết tâm đạt được mười ngàn bó tranh. Sau khi đã cắt hết tranh phía trong trại, kể cả quanh sân bay cũng chỉ được một phần ba, bộ phận cho lệnh tiến công ra ngoài rào, tức đi vào khu vực có gài mìn bẫy. Tranh tai đây cao và rất dầy. Cắt được hết thì không phải tới mười nghìn, mà có thể năm bẩy chục nghìn cũng có dư. Còn mìn bẫy thì sao? Có người hỏi. Dễ lắm, thủ trưởng nói: bảo đám tù cẩn thận, vừa cắt tranh vừa để mắt cảnh giác một tí có sao. Chính trị viên tiểu đoàn còn mạnh miệng hơn: Bọn nguỵ quân nguỵ quyền tội ác ngập đầu, được tha chết đã may mắn nhiều. Chúng mình ngày trước còn gian lao nguy hiểm gấp vạn lần ấy. 
 
Rồi có sao đâu. Thôi. cứ thế mà làm. Lên giao ban nhận lệnh từ khung, anh em tù giật nẩy mình. Vài người đi vào bãi có sơ đồ, có dụng cụ dò mìn còn lo lắng, huống chi hàng mấy trăm con người hỗn độn đi vào lao động trong một vùng cỏ dầy chi chit che kín hết các dấu hiệu mìn bẫy, lẫn vào cỏ không nhìn thấy nhau, chết là chắc. Lệnh trên đưa ra không thể không thi hành, bị ghép vào tội nổi loạn, chống lại cách mạng tập thể cũng chết. Thi hành thì. Mọi người vô cùng lo lắng, cầu trời khấn phật sao cho tai hoạ không xảy đến cho mình. Thật ích kỷ nhưng trước một cái chết vô lý chắc chắn biết nói gì? Hậu quả của buổi sáng lao động hôm ấy thật kinh hồn: chỉ sau hai giờ làm việc, một tiếng nổ long trời lở đất, tám mạng người ra đi, không ai trong số còn nguyện vẹn thi thể. Sự sợ hãi lên đến cao độ khi nhận lệnh đi thu nhặt xác bạn bè tử nạn. Cũng may tiếng nổ làm quang đi vùng cỏ chung quanh. Buổi lao động được hủy bỏ. Sau ít ngày nghỉ ngơi cho công tác chôn cất những người xấu số, người sống sót lấy lại tinh thần, cán bộ khung vẫn tiến hành kế hoạch với một phương thức khác an toàn và nhân đạo hơn. Họ dùng xe chở đán người tù cải tạo đi về phía Cà Tum,Núi Bà. Ở vùng này có rất nhiều đồi tranh, xa xôi, tốn kém xăng dầu nhưng đỡ tốn máu.


Dù mở miệng ra là nêu cao chuyên chính vô sản, ca tụng sự tốt đẹp cũa con người xã hội chủ nghĩa, bản năng tham tư của cán bộ bộ đội ngày càng phát triển mạnh hơn. Càng ở lâu thì càng tham. Khi có lệnh chuyển trại lên rừng, các doanh trại được giao lại cho đơn vị khác, số tranh chưa cắt đủ thay thế tôn, nhưng tôn vẫn được tháo gỡ xuống hết để mang theo. Số tranh có sẵn được giàn trải ra thật mỏng cho đủ che kín mái. Vì vậy, khi hoàn thành, ở trong nhà không khác chi ở ngoài trời.
Khi đơn vị mới tới, làm sao họ ở? Có anh ngứa miệng hỏi. Đó là việc của họ, cán bộ trả lời, dĩ nhiên, họ lại sáng tạo, lao động vinh quang là ở chỗ này. Tôn mang lên rừng để lợp mái cho bộ phận khung, để gò thành hòm lớn hòm nhỏ cho cán bộ. Làm nhà cho khung xong mới tranh thủ dựng trại cho anh em. Lại sáng tạo. Không có cỏ tranh, nhưng rừng có đầy tre nứa, lồ ô. Đốn tre đốn gỗ về dựng nhà, mái và vách lợp bằng nứa đập dập đan vào nhau thành những tấm phên. Đó là cảnh những ngày đầu mới lên rừng lao động. Thoại đã kể cho nàng nghe như thế. Nàng đã ngậm ngùi thương cảm những người bất hạnh và gia đình của họ.
 
 Những người thân mãi mãi không bao giờ trở về chỉ vì những tấm tôn chẳng đáng giá là bao. Giờ sau vài mùa mưa nắng, những tấm tôn lợp trên khung đã bắt đầu han rỉ, trông như một chứng tích đẫm máu của tám người bạn tù nằm xuống trên đất Trảng năm nào. Giang bước vào dãy nhà lợp tôn được gọi là bộ phận khung, hay ban chỉ huy trại để trình giấy tờ xin thăm nuôi đột xuất. Được biết thật bất ngờ là hầu hết anh em tù cải tạo đã có nhiệm vụ mới, được chuyển đến một vị trí sâu hơn phía trong cho công tác chuẩn bị xây dựng một nhà máy làm bột củ sắn (khoai mì) lớn nhất Động Nam Á Châu. Họ đã di chuyển cách đây hai ngày, chỉ còn một số ít anh em ở lại phụ giúp tháo gỡ (lại tháo gỡ) bộ phận khung mang đến vị trí mới. Hoàn tất xong sẽ đi sau. Họ cho phép gia đình nàng tạm trú ngụ trong khu nhà thăm nuôi gọi là nhà khách, đồng thời khuyến cáo hôm sau nên quay trờ về vì đợt thăm nuôi chính thức chưa đến. Thật đau lòng biết bao. Chịu đựng đũ mọi gian khổ cốt để gặp chồng lại không toại nguyện. Giang ôm con vào lòng mà khóc. Có lẽ trời còn thương. Một số anh em cải tạo còn ở lại thấy khu nhà khách có ánh lửa thì họ mò đến. May mắn hơn nữa, trong đó có Quang, người bạn lính cùng đơn vị với Thoại ngày xưa.
 
 
 Chính hai người đã cùng nhau đi trình diện cải tạo, do đó đang ở tù chung một trại. Quang sắp xếp chỗ ăn ở cho gia đình nàng. Cơm nước của tù chẳng có gì, ít bo bo và củ mì ăn với nước muối và lá tàu bay. Giang đem con xuống dòng suối rửa ráy qua loa. Nước suối lạnh như nước đá, dù bụi bám đầy người cũng chẳng tắm rửa nổi. Thấy bọn Quang loay hoay với nồi sắn luộc, nàng bảo Quốc lấy trong ba lô ra con gà rán sẵn thơm phức, gói xôi đậu xanh cùng ít bánh nếp mẹ chồng làm, bà biết Thoại thích bánh này của mẹ. - Mời anh Quang, các anh đến dùng cơm với chúng em. - Thôi chị ạ! Gia đình chị cứ tự nhiên đi, Quang nói. Tụi tui kham khổ quen rồi. Với lại, để phần cho thằng Thoại nữa chứ. Vợ con lên thăm mà không có gì nó buồn chết. - Đừng ngại các anh ạ! Các thứ này Giang mang theo để dùng trong ngày thôi. Đến mai sẽ thiu thối hết. Các anh ăn thì cũng như anh Thoại thôi. Ảnh không được ăn là tại số ảnh xui không có mặt hôm nay. Vả lại, em có ít thuốc men và đồ khô, không gặp được chồng thì có lẽ phải nhờ mấy anh chuyển đến giùm. Quốc ơi! chị có mang cà phê trong túi, em mang ra pha mời các anh uống đi em. Quang và các bạn không khách sáo nữa. Tất cả cùng ngồi xuống vừa hỏi thăm chuyện thành phố, tin tức bên ngoài, vừa thưởng thức cái bùi của nắm xôi, miếng thịt gà vừa béo vừa thơm
 
 
. Thích nhất vẫn là hương vị của ly cà phê đen thật đậm kèm theo điếu thuốc thơm ấm cúng. Nước sôi nấu trong hộp qui gô có quai xách, vợt lọc cà phê làm bằng bao cát, vẫn không kém phần thú vị giữa cái lạnh núi rừng. Tin tức vẫn chẳng có gì lạ. “Vũ như Cẫn” Thời gian như ngưng lại. Đời sống khó khăn hơn. Mọi việc ngày càng xấu đi. Quang thấy mẹ con nàng lặn lội thật vất vả mới lên được tới đây mà không gặp đuợc chồng thì quá tội nghiệp. Anh nhất định cùng các bạn bàn cách để hai người gặp gỡ nhau. Họ bàn thảo một hồi. Cuối cùng đi dến quyết định. Ngày mai Quang thức dậy thật sớm, khoảng bốn giờ sáng đi lên trại mới. Đường đất khá xa, đi và về cũng mất hơn ba giờ. Quang sẽ báo cho Thoại biết có gia đình lên thăm. Trại mới chưa có nhà cửa rào dậu gì, chắc chắn mọi người đang trong công tác chặt cây, lấy gỗ về làm nhà. Quang bảo: - Tao sẽ ráng đi nhanh chân để về sớm trước giờ lao động. Tuy nhiên, lỡ có về muộn chút đỉnh thì tụi bay tìm cách bao che. Được rồi, chị Giang chuẩn bị ngay một mớ đồ dùng vào ba lô tôi mang đi trước cho Thoại. Riêng chi sau tám giờ lên khung xin lấy lại giấy tờ, cho họ biết không gặp được chồng, chị quay trở về nghe không? Nhớ làm sao đừng để họ nghi ngờ và đoán biết kế hoạch của chúng ta, lôi thôi lắm.
 
 
 Sau đó chị giả vờ đi ngược trở về phía Minh Hưng. Khi đã đi xa thoát khỏi tầm mắt của họ, tôi sẽ đón chị đi vào rừng, chúng ta dùng lối mòn mà chúng tôi thường đi lao động ở phía sau trại, khoảng chừng hai cây số lại trổ ra con lộ lớn. Tới đây đã khá an toàn.Tôi đưa chị đi thêm một quãng đường nữa rồi quay trở lại. Chị cứ tiếp tục đi tiếp. Trong khi Thoại ở đầu bên kia đi ngược trở lại. Trên đường đi, chị sẽ gặp một trại cũ, anh em cải tạo đã dơì đi, bây giở trở thành một đơn vị sửa chữa công xa. Bộ đội đóng ở đây ít khi hỏi han tới tù cải tạo, dường như họ không có nhiệm vụ với tù. Sát lề đường gần cổng trại này có một quán nước gọi là căng tin. Chủ quán là người dân thường được phép đến làm ăn liên hệ với bộ đội, thỉnh thoảng tiếp cả khách cải tạo nếu ai có dịp đi qua., bộ đội cũng không ngăn cấm. Chị vào quán ngồi uống nước quay mặt ra đường. Ai hỏi chuyện cứ bịa đại là thăm chồng đi nghĩa vụ. Khi nào Thoại đi qua, nó liếc vào quán sẽ thấy chị ngay. Tôi sẽ dặn nó khi đi qua quán, nhìn thấy chị rồi cứ tiếp tục đi thẳng. Chờ cho Thoại đi xa khoảng hơn trăm mét, chị hãy trả tiền rồi ra khỏi quán đi theo. Làm sao để nếu có người ngồi trong quán lúc đó không nghi ngờ.
 
 Ở một vườn sắn thật rậm rạp um tùm cách đó khoảng nửa cây số có một cái chòi nhỏ nằm rất sâu bên trong. Cái chòi do bọn tù cải tạo chúng tôi dựng lên tránh mưa nắng khi đi lao động, bây giờ bỏ hoang, có sửa sang lại để làm điểm hẹn bí mật cho những chuyện thăm nuôi đột xuất như vầy. Chòi nằm giữa rẫy nên rất kín đáo. Thoại sẽ đón chị vào đó. Nhớ đừng để ai nhìn thấy chị gặp Thoại. Cũng nhớ nhìn trước nhìn sau truớc khi bước vào bìa rừng. Bây giờ bọn mình về trại cho chị và cháu nghỉ ngơi. Cố làm theo đúng kế hoạch. Bây giờ chị đưa ba lô hành lý đây tôi mang đi truớc. Quang và các bạn chào tạm biệt ra về. Kế hoạch được tiến hành như dự định. Quang báo cho Thoại biết trước và trở lại kịp giờ lao động, rồi đưa gia đình Giang đi vào lối mòn tắt trong rừng. Sau đó ra lộ đi kèm thêm một đoạn nữa rồi phải từ giã. Hai chị em tiếp tục con đường. 
 
 
Thằng Quốc dường như qua một ngày vất vả hôm trước, không còn bao nhiêu sức, Giang phải chia bớt túi đồ cho nó, trong khi vẫn phải trông chừng con. Đường đồi lên đèo xuống dốc thật khổ. Đi vài chục bước lại phải dừng lại thở. Mãi rồi cái quán bên đường cũng hiện ra. Mừng vui hiện lên khoé mắt, Giang dẫn em và con vào giải khát, nghỉ ngơi, chờ chồng. Bên trong có mấy người bộ đội ngồi uống nước trà hút thuốc đưa đẩy cười nói với cô gái bán quán trông còn rất trẻ. Thấy bọn Giang bước vào, họ ngưng nói, mắt hướng về nàng có ý nghi ngờ. Nhưng họ không nói gì. Giang ngồi vào cái bàn ngay cạnh cửa, giả bộ chăm sóc con ăn uống. Kỳ thực, đôi mắt cứ liếc nhìn ra đường trông ngóng. Thỉnh thoảng, một hai người tù cải tạo ăn mặc rách rưới, trông thật tang thương, trên tay ai cũng có một dao rựa lớn đi lướt qua nhưng không phải Thoại. Ngồi đã khá lâu, nàng cảm thấy bồn chồn. Đám bộ đội cũng đã bỏ đi. Đến lúc ấy, Thoại mới chợt hiện ra, cũng áo quần rách bươm, cũng con dao rựa trên tay. Anh liếc nhẹ vào quán rồi tỉnh bơ đi thẳng. Quốc thì thầm: “Ảnh tới rồi đó, chị thấy chưa?”  
 
- Thấy rồi! Đừng nói gì hết. Để anh đi một quãng xa đã, kẻo tụi nó nghi. Nhìn thân hình tiều tuỵ trong bộ đồ ăn xin của chồng, Giang thật mủi lòng. Những kỳ thăm nuôi chính thức trước dù sao cũng còn khá tươm tất. Lúc này đang giờ lao động, phải ăn mặc như người đi lao động không thì lộ chuyện. Thật là buồn. Vợ lên thăm chồng mà gặp nhau không dám gọi. Nàng muốn bật khóc mà không dám, chỉ đưa nhẹ khăn tay lên lau mắt như có hạt bụi vướng vào. Ôi! Có thời đại nào người hãi sợ người như cái thời đại này. Vợ chồng thân yêu đầu ấp tay gối, gặp nhau phải làm ngơ như người xa lạ. Chờ cho Thoại đi khuất, nàng mới trả tiền bước ra khỏi quán. Tính đi ngược lại với hướng của Thoại một đoạn rồi mới băng rừng trở ra như dự tính, nhưng sao chân lại cứ theo bước chân chàng. Thì, một liều ba bảy cũng liều, đến đâu hay đến đó. Thoại dường như cũng không kiềm chế nổi tình cảm, anh đã quay lại, đến gần vợ con, nắm lấy cái túi xách trên vai nàng kêu khẽ: - Em! Con! Giang thổn thức: “ Anh ơi!” rồi nước mắt tuôn rơi. 
 
Thoại vội lên tiếng an ủi: - Đừng khóc, tụi nó nghi ngờ là khổ cả lũ. Để anh xách túi đồ đi trước vào vườn sắn. Em cứ thế mà đi theo nhé! Rồi anh bỏ đi trước. Vườn sắn bỏ hoang, cỏ dại cao hơn đầu người mọc chằng chịt xen lẫn với cây sắn. Đang cố vạch đường tìm vào cái chòi giữa vườn, anh bỗng giật nẩy mình dừng lại. Loáng thoáng có tiếng người ở phía chòi. Hoá ra là mấy tay bộ đội đi săn. Bọn họ lần theo dõi dấu heo rừng về đào phá củ mì và tìm ra cái chòi. 
 
Thật là tiện cho họ, có chỗ để ẩn nấp rình mồi. Thật may, Thoại nghĩ, gia đình mình chưa vào tới, không thì đã lộ tẩy. Không thể dùng chòi được nữa. Anh quay lui lại bảo Giang đừng tiến vào sâu nữa. Đáng buồn, vợ con lên thăm mà không có một nơi chỗ yên ổn để mừng rỡ, thăm hỏi, nói gì đến san sẻ tình nghĩa yêu thương. Đưa nhau đi đâu bây giờ? Trở lại căng tin, mỗi cách ấy. Vừa đi vừa nói chuyện. Anh dặn nàng nếu bị tra hỏi cứ trả lời túi xách nặng quá nhờ anh mang hộ nên đãi anh ly nước, hai người không có quan hệ, Một tên bộ đội chạy đến trước mặt anh lên tiếng hạch sách rất hách dịch như muốn ra uy: - Anh kia là cải tạo phải không? Đang giờ lao động sao lang thang ở đây? Có phải móc nối với gia đình thăm nuôi lén lút chứ gì?  
 
Thoại tránh tiếng. Anh đưa con dao rựa ra trước mặt: - Tôi đang đi lao động trong rừng kiếm cây về làm cột. Gặp chị ấy con nhỏ lãi mang xách nặng nề nên giúp một tay, chứ không có liên hệ. Giang cũng đỡ lời: - Em lên sư đây cán bộ ơi! Sắp tới sư chưa? Cán bộ chỉ giùm. Đang mang xách nặng quá chưa biết làm sao thì có anh này giúp mang hộ. Tính lại quán mời ảnh cốc nước trả công ý mà! Anh chàng bộ đội được người đàn bà gọi là cán bộ, ra vẻ mát lòng đổi thái độ: - À cũng sắp tới rồi, đi vài quãng nữa thôi. Chị có cần tôi giúp một tay? - Thôi, gần tới rồi thì không dám làm phiền cán bộ. Hắn bỏ đi miệng lầm bầm: “cha nào trên sư tốt số thế! Cứ như múi mít ấy”. Thoại không nói gì, nhìn chăm chú vào ly nước trên tay. Chờ hắn đi xa, anh nói nhỏ: - Đi đâu cũng gặp kỳ đà cản mũi, chán thật. Trong quán này tai vách mạch rừng, nói chuyện nguy lắm. Thôi mình đi ra, vừa đi vừa nói chuyện được đâu hay đó. Thuốc men đồ dùng Quang đã đưa cho anh rồi. Gặp nhau lén lút thật bất tiện. Bố mẹ ra sao? Cả bố mẹ em nữa? Quốc lớn bộn ha?Làm ăn thế nào? Cho anh gửi lời thăm hỏi sức khoẻ mọi người. 
 
Nói ông bà cứ yên tâm, anh sẽ ráng giữ gìn sức khoẻ, ráng sống để về với em và con, với gia đình. Thôi, đưa em và con về. Có ở thêm cũng không gặp gỡ nói chuyện được. Theo anh biết, hàng ngày quán này có chuyến xe ra vào thị xã, không biết phía Minh Hưng hay Đức Hạnh. Em thử lại điều đình với chủ quán xem sao? - Đã lâu không gặp anh. Chưa nói với nhau gì hết đã bảo đi về? Anh đau ốm ra sao?Nói thật cho em biết để em liệu. Giang khóc, “Chả lẽ vừa gặp nhau đã từ biệt ngay?” - Đành chịu vậy! Hoàn cảnh này em biết. Anh thèm muốn được ôm em và con vào lòng một chút mà đâu dám. Tụi nó bắt gặp là cùm chân biệt giam, khổ vô cùng. Em hãy về. 
 
Chủ yếu mang thuốc men đến được tay anh để có hy vọng chống chỏi bệnh tật, mới có ngày về với em. Thôi chịu thua số phận đi, đợi dịp thăm nuôi chính thức mình gặp nhau lâu hơn. Nói bố mẹ đừng lo lắng thái quá. Anh nhất định sẽ trở về. Thoại đã nói thế, Giang còn biết nói sao. Nàng đứng dậy trả tiền, tiện thể hỏi thăm về chuyến xe hàng sắp tới để xin đi theo. Sáng mai mới có. Vậy lại phải cuốc bộ ra thị xã chiều nay. Giữa rừng, chỗ đâu mà trú.Mọi người kéo nhau ra khỏi quán. Đi bộ một quãng,nhìn chung quanh vắng lặng không có ai, Thoại choàng tay qua vai vợ hôn nhẹ lên mái tóc đượm mùi cháy nắng của nàng, ghì vội con vào lòng thì thầm với nó: Xuân con ơi! Ba nhớ thương mẹ và con thật nhiều. 
 
Con lên thăm mà ba không thể nói chuyện với con ba thật đau lòng. Thôi con về nhớ ngoan ngoãn cho mẹ vui nghe không? Nói với ông bà nội ngoại là ba nhớ ông bà lắm. Mi tạm biệt ba cái coi nào! Thằng bé còn đang ngẩn ngơ dãy dụa trên tay anh, người đàn ông đối với nó vẫn còn xa lạ, gầy gò, rách rưới, lôi thôi như người ăn xin nó thường thấy ngoài chợ. Ông lại còn ôm mẹ con nó vào lòng. Chưa kịp cất tiếng khóc, bỗng dưng xuất hiện lù lù hai người bộ đội, một người hai mẹ con mới gặp lúc sáng. Anh này quắc mắt lên: - A ha! Láo lếu thật. Lũ nguỵ dám qua mặt cách mạng. Vậy mà chúng nó bảo là không có quan hệ. Tội lừa dối nhân dân, lừa gạt nhà nước nặng lắm có biết không? Đúng là bản chất Mỹ Nguỵ khó mà gột rửa. Cần phải cho đi cải tạo mút chỉ mới sáng mắt. 
 
Cách mạng đã cách ly gia đình để tạo cơ hội yên tâm học tập, mà còn lén lút móc ngoặc với nhau. Này anh kia! Vi phạm nội qui của trại là mang tội có âm mưu chống đối cách mạng, không thành tâm hối cải… Hắn còn đang thuyết giảng, Thoại vội buông thằng bé xuống đất, quay qua nói nhanh với vợ, “Kiếm đường về đi”, rồi chụp vội con dao dưới chân nhãy phắt vào buị rậm trước mặt. Giang ôm lấy con, cùng đứa em trai đứng ngơ ngác, bơ vơ giữa con đường đất đỏ bụi mờ. Thoại có lủi kịp không? Về trại có sao không? Còn nàng, con nhỏ trên tay, về đâu đêm nay giữa núi rừng bao la với sương đêm lạnh buốt?
Phương DuyCuối năm 2002( sửa chữa 05/2008)

NGUYỄN VĂN SÂM * CON ĐỈA HAI VÒI


 CON ĐỈA HAI VÒI
NGUYỄN VĂN SÂM 

Chú Tám cầm tấm giấy đi lãnh đồ mà nước mắt rưng rưng. Vợ chồng Chú từ ngày đổi đời tới giờ cứ trông đứng trông ngồi tin tức của đứa con gái độc nhứt của mình. Mình già rồi, biết sống nay chết mai gì, mà sao sống cơ cực quá. Mình như mặt trời xế bóng mà con cái thì biền biệt tăm hơi. Cầu mong cho nó còn sống nó gởi thơ dìa để mình mừng, để coi bầy cháu ngoại bây giờ ra sao. Nếu nó có dư giả gửi dìa chút đỉnh thì cũng tốt, bằng nó chưa khá, mà có lòng tưởng tới mình thì gởi thơ cho biết tin tức không cũng được. Chú luôn luôn nói với Thiếm như vậy, rồi ngày lại ngày hai vợ chồng ngóng thơ con. Mà ác ôn, Cô Hai, con chú gần hai năm sau mới có điện tín về, gồm vỏn vẹn chỉ có hai câu: “Cháu gởi lời thăm chú thiếm được bình yên. Tụi cháu luôn luôn nhớ chú thiếm.” Dưới có ký tên thời con gái của cô Hai: Lê. Gặp Ông Bảy Năm Trên, chưa kịp chào hỏi, chú Tám đã khoe mặc dầu trong cách nói chú làm ra vẻ trách móc thở than: “Anh Bảy coi con Lê tui nó ác hông? Ai đời ra đi bỏ cha mẹ không tin tức gì hết mấy năm trời, bây giờ gởi thơ dìa cũng hà tiện chữ. Viết có hai câu mà lại kêu bằng chú nữa.” Rồi chú chép miệng: Nó sợ cái gì kỳ cục vậy hỗng biết! Con cái người ta thơ từ tin tức rần rần, nó thì không ơ. Mình muốn biết tin tức của nó mà nó làm cái mửng nầy thì cũng như không.

Ông Bảy hỏi lại, coi bộ ông cũng mừng lây:
-Bộ con Lê nó gởi thơ về thiệt hả? Vậy tốt quá trời rồi.
Rồi ông nói luôn không để chú Tám kịp trả lời:
-Mà nó bây giờ ở đâu vậy. Bên Mỹ hả? Anh phục tài tui chưa? Hồi đó tui quả quyết nó đi Mỹ mà hổng tin tui, anh cứ bán tín bán nghi. Hồi đó tui nói như vậy cũng có lý do, hổng lẽ tụi nó chết mất xác cả hai vợ chồng với mấy đứa con?

Chú Tám phân trần:
- Thì ai biết đâu nè! Sau vụ ngàn cân treo sợi tóc đó mà mình hổng thấy tăm hơi gì tụi nó hết, thì nghĩ một là tụi nó chết hai là nó di tản rồi mà không kịp báo cho mình. Anh nhớ không, hồi đó cách mạng pháo kích căn cứ nó nát nhừ mà. Tui nghi tụi nó bị chết mất xác, anh nghi tụi nó đi Mỹ cũng hợp lý thôi. Hổng lẽ anh trù ẻo con tui. Còn tui ngày nào cũng van vái cho anh nói đúng. Bây giờ nó ở Mỹ, điện tín gởi từ bên đó dìa nè.

Chú Tám đưa cái điện tín ra để làm chứng. Tấm điện tín đã nhàu nát vì chú móc ra móc vô nhiều lần. Ông Bảy liếc sơ qua rồi gật gù:
-Nó viết như vậy là nó khôn dàn trời rồi, nó sợ liên lụy cho anh đó. Đời bây giờ cẩn thận là phải. Lỡ một cái là chết. Con nhỏ tính kỹ thiệt.
Ông Bảy khen không tiếc lời. Chú Tám nghe con được khen khoái trong bụng, vỗ vai ông Bảy:

-Thôi dầu hèn gì cũng thể. Chiều nay anh qua nhà tui. Mình lai rai ba sợi với đế quốc doanh chơi. Chút nữa tui về bẻ sẵn một mớ me dốt để đưa cay. Cha, cây me sau nhà năm nay đậu quá, hổm rày tui nói dèm với bả hoài mà bả làm thinh, bây giờ mình có cớ rồi: nhậu để mừng đoàn tụ.
Ông Bảy Năm Trên chặt ngang không vị nể:
-Đoàn tụ khỉ gì, mới có thơ chớ bộ nó dìa đây sao mà nói đoàn tụ.
Chú Bảy không giận trái lại còn vui vẻ:
-Thì mình nói bậy vậy mà, thấy thơ cũng như thấy người.

Rồi chú triết lý:
-Chết mới hết chứ còn sống là còn gặp. Trái đất tròn mà!
Chiều hôm đó ông Bảy Năm Trên được dịp khề khà ly rượu đế quốc doanh đưa cay với me dốt để kể chuyện năm trên về thời con gái của cô Lê với chú Bảy, làm như chú Bảy không phải là cha của cô Lê. Kể chuyện đã đời, ông Bảy ngâm thơ ngang xương:
Chồng gần không lấy, lại lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm ai đỡ, chén trà ai bưng?

Rồi ông chép miệng:
-Hồi đó tới giờ tui ít thấy ông bà mình nói trật, mà từ hồi kẻ khôn đi học, thằng ngu dạy đời tới giờ sao tui thấy nhiều chuyện ngược đời quá. Lấy chồng xa vậy mà cha mẹ được nhờ. Nay gởi thơ mai gởi đồ. Cơm nước chè cháo gì cũng có. Còn lấy chồng gần thì hi hi…

Một lúc sau ông nói thêm:
-Thằng cha Mỹ Phước chủ nhà thuốc Tây đằng chợ gả con cho khỉ rừng xanh. Con lấy chồng gần mà có giúp đỡ gì được nó đâu. Vẫn bị đánh tư sản như thường, nhà bị đuổi lên đuổi xuống nên nhờ thằng con rể. Nó lên mặt dàn trời. Ai đời nó nói với ông già vợ mà nó nói trổng không. Con mình thì nó ngủ, mình thì nó khi dể. Thằng chả tức cành hông. Lâu lâu nó còn nẹo tiền sau khi bòn rút đã đời tiền của con gái thằng chả. Đúng như ông bà mình nói vừa bị cướp ngày, vừa bị cướp đêm.

Chú Tám vừa nhăm nhi vừa gật gù đồng ý. Chú thỏa mãn quá trời. Con mình thì biệt tăm biệt tích vậy mà có thớ quá, mình được nhờ, mà không bị mang tiếng gì hết. Như vậy là có phước dàn trời rồi còn gì. Hổng hơn mấy thằng cha tính non tính già, đem con dâng cho tụi nó còn bị dằn vặt, bòn rút? Rồi chú tự thưởng mình thêm một ly nữa. Rượu đế quốc doanh bậy bạ vậy mà khi vui uống cũng bắt đáo để! Cắn vô nửa trái me dốt thì còn sướng hơn làm vương làm tướng. Chú còn đang miên mang tận hưởng khoái lạc thì ông Bảy đập mạnh vô vai:

-Như vậy anh là người có hạng trong xóm mình đó nhé. Năm ngoái thằng trưởng phòng công an phường với thằng tổ trưởng an ninh còn hăm he mấy người có con di tản ra nước ngoài chớ năm nay thì hết rồi. Bây giờ nhà nước cần những người như anh đó anh Tám. Tui nói rồi để anh coi. Hổng chừng rồi đây anh được giấy ban khen cho mà coi.
Chú Tám thiệt thà không hiểu kịp lời ông Bảy Năm Trên nên hỏi lại:

-Bộ anh nói giả ngộ sao chớ, tui có biết cách mạng cách miết gì đâu mà anh nói vậy! Đánh Tây thì tui mới hụ hợ có vài ba năm gì đó rồi thấy mấy chả chèn ép quá trời tui bỏ dìa đây tới giờ. Đánh Mỹ thì tui còn bù trất hơn nữa, có theo mấy chả hồi nào đâu, đã vậy mà con Lê….
Nói tới đây chú Tám nín ngang, ý chừng chú muốn nói con Lê với chồng con đang ở Mỹ nhưng chú sợ vạ miệng nên thôi.
-Ấy, tui nói rồi anh coi hổng trúng phóc anh lấy cây anh đập lên trên đầu tôi.

Ông Bảy Năm Trên xác nhận:
-Nhà nước bây giờ sau chiến tranh nên nghèo, lại bị tụi phản động quấy phá trong nước không còn cho tiến lên xã hội chủ nghĩa. Phía Bắc thì bị bọn bá truyền Trung Quốc hăm he, phía Nam thì bọn tay sai bạo quyền phát động chiến tranh tiêu hao nên cần tiền ngoại tệ. Đâu có ngoại tệ để canh tân. Những người như con Lê gởi tiền bạc, hàng hóa về không phải giúp nước thì là gì. Mà không có anh thì sao nó gởi? Hỏi hổng phải anh có công sao? Không cấp bằng khen anh thì cấp cho ai?

Chú Tám nghe có lý nên gật gù:
-Anh nói tui mới thấy. Vậy mà thằng tổ trưởng an ninh cứ nói mấy thằng già tụi mình không còn lao động sản xuất được chỉ là tụi ăn bám. Tụi nó ăn bám thì có. Lớ quớ tui thà chịu nghèo biểu con đừng gởi đồ dìa thì Nhà Nước trơ mỏ. Tui nói dậy anh thấy phải không?
Tuy nói vậy, cái nghèo vẫn khiến chú Tám chờ đợi hằng ngày quà của con gái gởi về. Từ đó một vài tháng chú nhận được một lá thơ của con. Mỗi lần như vậy chú thiếm vui mừng hết cỡ, hết khoe người này lại khoe người kia. Và hôm nay chú nhận được giấy báo nhận quà. Trong giấy ghi rõ chú lên Tân Sơn Nhứt đúng tám giờ sáng để lãnh, và phải cầm theo sổ hộ khẩu.

Thiếm Tám phân vân hơi trỏng:
-Hổng biết con Lê gởi gì dìa đây? Vái trời nó khôn vong gởi mình mấy thứ bán được kha khá tiền để mình xoay sở, chớ đừng gởi bánh trái, mắc công đi lãnh hổng lợi ích gì.
Chú Tám rầy vợ:
-Bà sao nói năng hổng nghe lọt lỗ tai chút nào hết. Chuyện này mà cũng vái cái gì. Đồ tới đây rồi đang nằm chình ình ở Tân Sơn Nhứt mà bà mới vái thì bộ ông Trời ổng đổi được sao. Mà tui biết con Lê nó hổng đến nổi ngốc để gởi dìa mấy thứ đồ mắc dịch mắc ôn đâu. Tui nói rồi bà coi có trúng phóc không cho biết! Nó ở xứ văn minh chứ đâu phải xứ mạt rệp như mình vậy!

Thiếm Tám mỉm cười chịu đựng. Thiếm quá quen thuộc với cái tính làm ông hoàng ông trắm với vợ của chồng từ ngày mới cưới tới giờ.

* * *

Chú Tám xuống xe lam lúc trời mới còn tưng bửng sáng. Cảnh vật chung quanh vẫn còn ngái ngủ sau một đêm dài. Mấy năm trước chú có đi qua đây; chợ trời Lăng Cha Cả nhộn nhịp người mua kẻ bán, xập hàng tùm lum tà la mà bây giờ coi trống trơn, lạnh lẽo làm chú khớp ngang, phân vân không hiểu mình tới trúng chỗ không. Chú hỏi người tài xế xe lam cổng vô chỗ lãnh đồ từ ngoại quốc gởi về.
-Bây giờ còn sớm, bác lại đằng đầu hẻm kia.
Anh vừa chỉ vừa cười:

-Chỗ đó trước đây là đường vào động của mấy chú GI ngơ ngác, chỗ có mấy đứa nhỏ đi ra, đi vô đó đứng đợi, tới giờ sẽ có xe vô trỏng lãnh.
Chú Tám lững thững đi về phía có ánh đèn nơi anh tài xế xe lam chỉ. Mấy đứa nhỏ chạy ra mời níu một cách thân thiện:
-Ông Hai ngồi đây đi ông Hai. Ăn miếng mì thịt nghe?
-Bác ngồi nghỉ đây, uống cà phê đi bác. Chưa tới giờ đâu!
Vài người đã tới trước giờ tò mò nhìn chú. Chú hỏi bâng quơ không để ý tới lời mời mọc:
-Hổng biết chừng nào mới được vô hé?
Một bà nhanh nhẩu:
-Độ tám giờ thì có xe nhà nước cho vô, mỗi người góp ngàn rưởi tiền tổn phí xăng nhớt.

Chú Tám nghĩ thầm:

-Bộ đây vô trỏng xa lắm sao cà? Từ Gò Đen lên đây mấy trận xe lam mới hết năm ngàn. Ở đây vô trỏng nhà nước ăn ngàn rưởi thì chắc Tân Sơn Nhứt này rộng lắm. Ừ mà phải rộng như vậy mới đủ chỗ chứa đồ gởi về. Biết bao nhiêu người đi. Họ gởi đồ dìa, nếu chỗ nhỏ lấy đâu mà chứa?

Nhưng tánh tiếc tiền làm chú đặt câu hỏi:

-Mà bận ra có tốn tiền hông?

Chú chỉ thắc mắc về tiền phải trả chớ không thắc mắc về tiền có thể trả. Tiền ăn uống là tiền có thể không cần xài. Chú nghĩ thầm: Mình ráng nhịn lát nữa dìa ăn cho ngon.

Có tiếng một đứa nhỏ nào đó chẩu mỏ vô giọng đểu cáng.

-Hổng tốn cũng được nếu ông già chịu khó đi bộ, cha hà tiện hoài. Mỗi lần lãnh được cả chục ngàn đồng, có vài đồng mà cũng tiếc!

Chú Tám giận cành hông nhưng chú làm thinh. Mình có nói gì đâu mà nó dằn vặt mình vậy cà? Lại còn kêu bằng ông già này ông già nọ. Bộ mình không đáng tuổi cha nó sao? Rồi chú lảng ra chỗ khác để lại sau lưng những tiếng léo nhéo của mấy đứa nhỏ mất dạy:

-Hừ! Hà tiện gắt máu. Bữa nào cũng gặp mấy ông già nầy mở hàng thì mắc phong lông hết trọi. Xui hôm qua tới giờ còn xui. Chắc phải đốt phong lông mới được!

Chầu chực tới bốn giờ chiều Chú Tám mới được kêu tới nhận hàng. Chú đang đói bụng dữ tợn. Từ sáng tới giờ có gì dằn bụng đâu. Chờ hoài chờ hủy. Củ khoai mì ăn trước khi lên đường đã tiêu đâu mất rồi, làm cho chú thấy sự chờ đợi là cả một cực hình. Chú nhớ tới lời ông Bảy Năm Trên: Ở nước xã hội chủ nghĩa mình phải xếp hàng cả ngày. Đừng mất bình tĩnh, phải kiên nhẫn. Khi nghe đến tên mình chú đâm lo. Hộp quà bự xộn được đẩy ra trước mặt chú, nó đẹp đẽ, sạch sẽ nhưng có dấu mở ra và dán lại ở bên hông. Chú phân vân. Ai mở ra trước vậy cà? Mình tính đem dìa vợ chồng cùng mở ra để cùng đoán coi con Lê nó gởi gì dìa. Cho bả mừng vậy mà. Vợ chồng già lâu lâu chỉ nhờ có chuyện này để hủ hỉ với nhau.

Tiếng người cán bộ, giọng Bắc, lạnh lùng trống không:

-Ký tên vào đây xác nhận đã nhận đủ và không có gì thắc mắc khiếu nại!

Chú Tám cầm cây viết lên tính ký bỗng chú hỏi.

-Gói này của tui hả? Mà ai mở ra trước vậy?

Tên cán bộ trả lời quẹo đeo:

-Nhà nước! Bộ không muốn cho nhà nước xét hả? Biết đâu tụi nó nhân mình cho gởi quà về cho vào đấy những món hàng phản động, chống phá cách mạng, tuyên truyền sách động hay văn hoá đồi trụy.

Rồi hắn đánh đòn thực tế hơn:

- Thắc mắc hử? Ký vào chỗ này. Đi về chờ giải quyết sau. Chừng nào ở đây giải quyết xong sẽ có giấy báo trở lại nhận hàng.

Chú Tám không dè câu hỏi của mình coi chơi chơi vậy mà đưa đến cái khó khăn chú không lường trước được, có thể không nhận được quà hay có thể mang tội tày trời nào chắc, chú bèn thả bàn toán Tàu trong đầu. Chú giả lả:

-Đâu có! Tui hỏi cho biết dậy mà! Đâu.. ký ở đâu?

Tên cán bộ vẫn không đổi thái độ:

-Chỗ này. Nhưng phải đóng thuế đã. Thuế bảy trăm tám mươi nhăm đồng. Tiền thuế chín mét hàng hai trăm bảy mươi đồng, mười hộp kem Hoa Lan hai trăm, hai gói bột ngọt bốn chục, ba hộp sâm cao ly trăm rưỡi. Cộng với tiền thuế thuốc linh tinh và tiền tồn kho sáu mươi nhăm, vị chi là sáu trăm sáu mươi nhăm đồng. Có đem theo tiền không­?

Chú Tám như rớt từ cung trăng xuống, chú chặc lưỡi:

-Chết hôn. Lúc đi mình cẩn thận đưa tiền bả giữ, mình chỉ cầm có mười ngàn đủ tiền xe cộ bây giờ tiền đâu mà đóng thuế. Chú nặn trán suy nghĩ và thất vọng. Giấy bảo lãnh chỉ biểu đem theo sổ hộ khẩu, đâu có nói đến tiền bạc thuế má gì đâu. Chú đứng tần ngần mặt thộn ra.

Tên cán Bộ hỏi, giọng bực bội:

-Không có tiền hả. Khi nào có tiền trở lại. Phải đóng thuế mới lãnh hàng ra được.

Rồi hắn đẩy gối hàng ra một bên, sửa soạn kêu tên người khác.

Chú Tám nhìn gói quà mà lòng đau như xé. Nó đó mà mình không nhận được. Đúng như ông bà mình nói: Cơm đưa tới miệng còn chưa chắc được ăn. Nghe kêu tên mình mừng thấy ông bà ông vải mà bây giờ phải xách đít về không hổng biết chừng nào mới lãnh được. Chú đứng như trời trồng, nhìn chầm bẩm cái tên và địa chỉ của mình trên gói hàng. Đúng là chữ của con Lê rồi. Bỗng nhiên Chú muốn ứa nước mắt sống.

Tiếng tên cán Bộ kêu tên người khác rồi người khác làm Chú đau lòng hơn. Họ kế tiếp nhau lấn Chú xa dần. Chú không còn biết đói bụng là gì. Mắt Chú như bị gói quà thôi miên. Giờ đây nó đang từ từ cách rời xa Chú như lúc nhỏ Chú chơi thả tàu ở ao, tàu bị nước đánh ra xa Chú chỉ biết nhìn mà không biết làm gì khác hơn. Lúc đó Chú ước ao phải chi có ông tiên nào đi qua hóa phép cho tàu Chú trở vô bờ lại. Bây giờ Chú lớn rồi, Chú không còn ước ao có ông tiên nữa, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn thôi. Chú chớp chớp nước mắt để nước mắt khỏi trào ra. Lê ơi, con có biết cảnh nầy?

Có ai vỗ nhẹ vào lưng Chú:
-Chào Bác, Bác đi nhận hàng từ ngoại quốc gởi về hả?
Chú Tám không trả lời, Chú khinh khỉnh quay đi. Thằng hỏi dị hợm! Ai vô đây chơi được? Ai ở không mà vô đây chơi?
Người thanh niên không giận vì thái độ giận cá chém thớt của Chú, tiếp tục thân thiện:
-Cháu cũng đi lãnh quà mà chưa tới tên. Chú bị chuyện gì trục trặc vậy?
-Họ biểu đóng thuế, mà tui không có đem theo tiền.
-Vậy hả? Mắc công quá há. Cháu cũng bị cảnh đó 6 tháng trước. Họ biểu về đợi giấy báo lại lần nữa. Chờ 6 tháng nay mới nhận được giấy báo lãnh hai ngày hôm qua. Họ bỏ hồ sơ mình xuống cuối.

Chú Tám làm mặt lanh:
-Bộ giống như đi mua hàng hợp tác xã vậy hả? Họ kêu tên mình không có ở đó, họ để hộ khẩu xuống dưới chót. Bộ ở đây cũng làm như vậy hả?
Người thanh niên cười vui vẻ:
-Dạ Bác nói đúng? Ở đâu cũng làm vậy mà thôi. Nhiều quá họ đâu có thì giờ làm giấy đi làm giấy lại hoài.
Rồi anh ta hỏi nhỏ:
-Mà Bác bị đóng thuế bao nhiêu?
-Tui nhớ không rõ, đâu hơn bảy trăm đồng mới, hổng biết bao nhiêu đồng tiền mình. Tiền mới cũ tui lộn xộn lắm, tính không ra.

-Mà Bác có nghe Bác được gởi gì về?
Chú Tám buồn buồn:
-Nghe đâu như có 9 thước hàng và 10 hộp kem Hoa-Lan. Tui hổng biết kem Hoa-Lan là kem gì. Hổng biết phải cà lem hông. Mà chắc hông phải đâu. Chảy hết còn gì?
Người thanh niên bật cười:
-Đó là kem thoa mặt cho đàn bà. Nó là đồ mỹ phẩm. Thứ nầy đóng thuế nặng nhưng bán ra chỉ có 2, 3 đồng thôi. Ai gởi cho Bác mà kỳ vậy? Sao Bác không biểu họ gửi thứ gì về ít bị đóng thuế mà bán ra được khá khá tiền phải có lợi hơn không?

-Vậy hả? Tui đâu có biết. Mà tui với bả đâu có cần thứ kem đó làm gì? Bả già rồi. Hồi nào giờ Bả đâu có xức kem xức kiết gì đâu.
Rồi Chú từ giã:
-Thôi Cậu ở lại, tui dìa. Chờ sớm mơi tới giờ đói bụng muốn rã ruột mà phải dìa tay không.
Người thanh niên chận Chú lại nói nhỏ:
-Cháu thấy Bác tội nghiệp cũng muốn giúp, nhưng mà số tiền nhiều quá, gần bốn trăm ngàn lận. Mà Bác ở đâu?

-Tui ở Gò Đen. Xin giấy phép đi đường cũng hết một buổi. Chỉ đi được có một ngày.
-Cháu ở Nhà Bè lận. Phải chi ở gần cháu đưa Bác mượn đỡ rồi một hai hôm xuống thăm Bác nhận lại sau. Mình phải giúp đỡ nhau khi khó khăn túng ngặt. Nhưng mà…
Anh ta chắc lưỡi, làm bộ suy nghĩ rồi ấp úng:
-Cháu đề nghị như vầy Bác nghe có phải không rồi quyết định sau. Cháu đưa tiền Bác đóng thuế. Bác trả cháu bằng 5 thước hàng và mười hộp kem Hoa Lan. Bác cho cháu một vài món thuốc tây. Cũng như cháu bán đồ dùm Bác vậy mà. Bác hổng biết chứ đem ra chợ trời tụi nó mua rẻ mạt mà nhiều khi con bị gạt lấy mất đồ nữa. Tụi làm ăn ở chợ trời hổng tin nổi đâu.

Chú Bảy suy nghĩ thật nhanh: Mình còn lại 4 thước vải, kem thì mình hổng cần rồi, thuốc tây thì mình đâu biết thuốc gì trị bịnh gì. Thôi chịu đại cho rồi. Nói qua nói lại hết thì giờ. Hổng biết chừng nào mới được kêu trở lại lần nữa. Mỗi lần đi là mỗi lần khó.

* * *

Thiếm Tám mặt mày tươi rói ra mừng chồng!
-Dữ thần hông, đi lâu quá trời. Chờ muốn rục xương sống từ lúc 5 giờ sáng tới giờ.
Rồi Thiếm ước thầm trong bụng:
-Ưng ai nó gởi đồ dìa nhiều nhiều để vợ chồng già qua khỏi cơn túng ngặt này.
Thiếm vừa đỡ gói đồ trên tay người chồng vừa nhìn Chú Tám áy náy:

-Ông đi sao lâu dậy? Có mệt lắm hông? Cơm nước gì chưa?
Chú Tám không thèm trả lời, Chú quạu quọ bước vô nhà nhìn xéo về cái lồng bàn đậy mâm cơm. Đói muốn rã ruột mà còn gặp chuyện buồn. Đồ con gái gởi về bị chúng lấy hết phân nữa vì tiền thuế. Không biết thuế gì mà mắc dàn trời, gần bốn trăm ngàn đồng bạc. Thiếm Tám lẽo đẽo đi theo chồng. Chú Tám nói mà không quay lại:

-Đó Bà mở ra coi. Tui mệt quá rồi.
Thiếm Tám vừa cười mỉm mỉm vừa lắc gói hàng. Bỗng Thiếm kêu giựt ngược:
-Ông ơi, sao lỏng lẻo vậy nè?
Thiếm Tám trả lời luôn:
-Bộ họ ăn bớt hả?
Chú Tám biết chuyện này rồi, Chú bực mình quay lại chưa kịp trả lời thì có tiếng khàn khàn của tên trưởng phòng công an xã trước cửa:

-Có Chú Tám Thiếm Tám ở nhà không?
Chú Tám nói thầm thì với vợ:
-Không biết có chuyện gì mà thằng này nó kiếm mình giờ nầy?
Mấy thằng công an mà kiếm thì chắc là không có chuyện tốt lành gì.
Chú nói lớn:
-Dạ có!
Hắn đon đả:
-À Chú Tám về tới rồi à!

Rồi hắn bước vào nhà không cần đợi mời. Mang tiếng trưởng phòng công an như hắn mà phải lên tiếng trước khi vào nhà là nhẹ thể quá rồi. Hắn liếc mắt lên gói quà nói giọng tấn ơn:

-Hôm qua Chú xin phép xin đi thành phố Hồ Chí Minh, thông cảm lắm mới cấp giấy phép sớm. Bà con mình mà. Chớ người khác thì phải đợi cả tuần. Lúc nầy công việc nhiều quá mà nhân viên thì bận công tác đột xuất hoài.

Chú Tám và Thiếm Tám trao đổi cái nhìn với nhau. Chú chỉ biết vuốt đuôi trong khi chờ đợi nó muốn gì.
-Dạ tui xin cám ơn ông trưởng phòng.
Tên công an ngồi xuống cạnh đó, không kịp mời. Tự nhiên như thanh niên Hà Nội. Hắn nói giọng chậm rãi vừa cố làm thân, vừa nói giọng của kẻ cầm quyền ra lệnh.
-Lát nữa 7 giờ rưỡi, mời Chú đi họp tổ. Bữa nay có một đồng chí trên quận xuống thuyết trình đề tài rất hấp dẫn: Đế Quốc Mỹ là con đỉa hai vòi. Xin Chú đến đúng giờ. Tôi cũng có ở đó nữa.
Chú Tám cố nén cái thở dài, nói nhỏ xụi lơ:

-Dạ, ăn cơm xong tui sẽ đến.
Hắn làm bộ đứng dậy.
-Thôi tui về để Bác xơi cơm. Mà gói hàng đây à? Bác có thể mở ra xem tí được không? Hàng bên Mỹ không tốt và bền bằng hàng của Liên Xô ta, tuy vậy nó có cái mã bề ngoài đẹp đẽ. Tui muốn xem để chúng ta cùng chia vui vậy mà. Mình ở trong một xã như ở trong một gia đình lớn.

Chú Tám ngần ngừ, đưa mắt hỏi ý kiến vợ. Thiếm Tám làm bộ không thấy cứ tiếp tục đủng đỉnh sửa soạn lại hai đôi đũa trong mâm cơm. Hắn nói tiếp:
-Tụi Mỹ nó đểu lắm. Mình đánh với nó hơn hai chục năm nó mới chịu cút đi mà vẫn chưa chịu bỏ cuộc, vẫn tìm cách phá hoại cách mạng. Tụi nó gởi tài liệu chống phá cách mạng về mãi à! Tụi tui ở đằng cơ quan nhờ quần chúng giác ngộ chỉ điểm đã phát hiện nhiều lần rồi.

Vợ chồng Chú Tám xanh mặt, thằng nầy muốn gì ở đây mà giở giọng doạ nạt nói xa nói gần. Nếu người khác thì dễ đối phó. Chú tuy thiệt thà, nhưng cũng đủ miệng lưỡi để đối phó, đằng nầy nó là xếp công an chỗ mình, đời thiệt éo le. Lúc mình làm cách mạng thì nó chắc còn mũi dãi lùm tùm, ở truồng dòng dõng tắm nước mưa. Mình đã thấm thía cái cách mạng đó nên rã hùn không chơi nữa. Bây giờ nó nhơn danh bảo vệ cái cách mạng mình chối bỏ để dòm hành, bắt chẹt mình… Chú không thèm dấu diếm tiếng thở dài, quay lại nói với vợ:

-Đâu Bà nó mở ra coi con nó gởi gì dìa, sẵn có ông trưởng phòng đây đến chia vui với mình. Tui ăn qua loa ba hột cơm tối rồi còn đi họp.
Thiếm Tám trả lời hập hực, một thái độ ít thấy từ ngày cưới nhau đến giờ.
-Thì ông mở hổng được sao, phải tui mới được?
Hắn ngó Thiếm rồi quay lại ngó Chú, chắc hắn giận lắm nhưng cố nén. Hắn châm điếu thuốc Phù Đổng, hút một hơn dài để dằn cơn giận và lấy lại vẻ tự nhiên.
Để không khí khỏi ngột ngạt, Chú Tám giả lả phân bua:

-Ông trưởng phòng thấy đó, nhiều khi bả chướng vô lý hết sức, tui chịu đựng mấy chục năm nay rồi lận.
Hắn đỡ lời:
-Có lẽ Thiếm muốn dành cho Chú danh dự mở quà vì Chú có công lao đi nhận lãnh về. Vậy cũng tốt thôi. Ta tranh thủ thời gian để còn đi họp. Buổi họp tối nay quan trọng lắm ta không thể trễ được.

Gói hàng được mở ra, ba cái đầu chụm lại. Nhìn xuống đáy hộp khi tất cả mọi thứ đều được lấy ra đặt lên bàn: xấp vải mỏng dánh, mấy gói thuốc thông thường, 2 gói bột ngọt, 2 gói thuốc dán, mấy chai dầu xanh, một bao rau câu, 2 gói sâm Cao Ly, một lá thư, 2 hộp kem Hoa Lan.
Hắn cầm hộp đựng quà lên xăm xoi:

-Cái hộp này chẳng có gì đặc biệt, chắc chẳng có gì dấu trong đó. Hai hộp kem này tui đem về cơ quan nghiên cứu. Đời bây giờ gián điệp tinh vi lắm. Gì cũng có thể ngụy trang được hết. Nhiều khi họ dấu dưới đáy hộp đồ quốc cấm hay chuyển về đây hóa chất bí mật ngụy trang dưới hình thức mỹ phẫm. Khi nào nghiên cứu xong, cơ quan sẽ gởi giấy mời Chú đến lãnh về.
Thiếm Tám bực mình nói cho hả tức:

-Tôi chắc chắn không có gì bất hợp pháp. Sau khi nghiên cứu xong, ông trưởng phòng cứ liệng vô thùng rác, đừng tính chuyện gởi lại làm gì cho mất công mất linh. Lần sau tui biểu nó gởi món gì có thể nhìn thấu qua được để khỏi nhọc lòng ông trưởng phòng.
Hắn cố tình không hiểu:
-Vứt chi cho phí của giời, ta có thể cho vào hộp trở lại nếu khi lấy ra ta chứa trong cái gì sạch sạch. Thứ nầy để đàn bà thoa mặt rất tốt. Hắn vừa nói vừa cho hai hộp kem vào túi quần xùng xình của hắn. Ta phải tận dụng phế thải và phát huy sáng kiến, đó là lời chỉ dẫn sáng suốt của Đảng và nhà nước.

Chú Tám nói điều ơn nghĩa:
-Thôi coi như vợ chồng tôi biếu bà nhà. Bà nhà tui cũng không cần thứ quỷ quái đó làm gì. Chú nhìn về phía vợ thật mau vừa kịp bắt gặp tia sáng bất mãn trong ánh mắt bà vợ. Chú làm bộ ngầy ngà Thiếm:
-Thôi Bà đem cất mấy thứ lỉnh kỉnh này đi, lấy chỗ rót nước mời ông trưởng phòng. Rồi dọn cơm tui ăn để còn đi họp.

* * *

Tên cán bộ trên bàn thuyết trình viên nói thật hăng say. Hắn vung tay bên nầy, quơ tay bên kia bọt mồm vung vãi tùm lum tà la hai bên mép:
-Bác Hồ thật sáng suốt khi ví đế Quốc Mỹ với con đỉa hai vòi. Thật không còn hình ảnh ví von nào đúng hơn. Đỉa hai vòi hút máu người bằng cả hai đầu. Đế Quốc Mỹ hút máu nhân dân thế giới cũng bằng hai vòi. Một vòi nó bóc lột nhân dân trong nước. Nó làm cho nhân dân Mỹ ngày càng nghèo đói. Một vòi nó hút máu các dân tộc nhược tiểu khiến cho các dân tộc nầy ngày càng đói khổ, cơ cực, tài nguyên ngày càng khô kiệt. Bác Hồ vô vàn kính yêu của nhân dân ta đã nhận định rất cao siêu và chí lý rằng…

Mặc cho tên thuyết trình viên nói nhăng nói cuội, trên trời dưới đất. Dưới nầy Chú Tám tâm sự với ông Bảy Năm Trên:
-Từ cha sanh mẹ đẻ tới giờ tui mới nghe con đỉa hai vòi. Hồi trước tới giờ tui chỉ nghe đỉa con, đỉa mẹ, đỉa mén, đỉa trâu chớ có nghe chuyện con đỉa hai vòi đâu. Bây giờ tui mới hiểu nghĩa con đỉa hai vòi là tụi cầm quyền. Tụi ở Mỹ bị đỉa hai vòi hút máu quá nên nghèo không thể gởi đồ dìa cho mình nhiều hơn. Ở xứ mình trước khi nhận quà từ ngoại quốc gởi về mình bị vòi đỉa thuế hút máu. Sau khi đi tới nhà còn bị vòi công an hút thêm lần nữa.

Rồi Chú cười:
-Sau khi bị con đỉa hai vòi hút máu, gói đồ của con Lê, ốm nhom, ốm nhách, nhẹ hều nhẹ hểnh.
Ông Bảy Năm Trên thêm:
-Chưa hết đâu, thằng mà anh nói giúp đỡ anh ở Tân Sơn Nhứt cũng là một vòi đỉa thôi. Vòi mới mọc ra sau nầy. Vòi ăn theo. Nó chịu ăn với tụi trong đó để bắt chẹt anh đó chớ. Lúc nầy ai mà ở không vô đó làm chuyện bao đồng. Chúng ta, nhân dân Việt Nam mình bây giờ không bị nạn con đỉa hai vòi mà con đỉa cả chục vòi, cả trăm vòi lận. Bác Hồ của tụi nó là thánh cũng không thể nào tưởng tượng được con đỉa cộng sản một trăm vòi đang hút máu nhân dân Việt Nam.

Rồi ông hỏi nhỏ:
-Anh nói thằng đó lấy hết mười hộp kem Hoa Lan sao lại còn hai hộp cho thằng công an bợ hay vậy?
Chú Tám cười gượng ngạo, rồi nói bằng một giọng thật cảm động:
-Tui năn nỉ nó lấy một hộp sâm cao Ly chừa hai hộp kem lại để bả thử bôi coi sao. Mấy tháng sau này bả lao động xã hội chủ nghĩa nhiều quá nên da mặt xần xùi đen đúa quá.
Ngưng một lúc lâu Chú nói như tâm sự:
-Mà hồi đó tới giờ tui có mua được cho bả một thứ mỹ phẩm nào đâu. Mỹ phẩm sang nhứt của bả là xà bông Cô-Ba, bồ kết với dầu dừa thôi.

Ông Bảy Năm Trên vỗ đùi cái chách vừa ngó chừng lên bàn thuyết trình vừa kề tai Chú Tám nói nhỏ:
-Tôi hiểu rồi, ông bạn già muốn cho chỉ ở nhà, trắng da dài tóc chứ gì?
Rồi Ông nói một câu khó hiểu:
-Nhưng trước khi muốn cho bả trắng da dài tóc thì anh phải chặt đầu mấy con đỉa đi.
Ông nói phần cuối câu thật lớn.
Mấy người lối xóm ngồi gần nhìn hai ông bạn già, ngơ ngác.

(Trích Câu Hò Vân Tiên)
Nguyễn Văn Sâm
Page 5 of 5

No comments: