Monday, January 18, 2010

ĐÀI RFI * TIN BIỂN ĐÔNG

*

Hoàng Sa nổi lên trở lại thành điểm nóng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Bài đăng ngày 18/01/2010 Cập nhật lần cuối ngày 18/01/2010 18:12 TU

Trước một loạt hành động mới đây của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền của họ tại Biển Đông, đặc biệt là tại vùng quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam cần công khai hoá vấn đề này hơn nữa trước công luận trong và ngoài nước để gây áp lực với Bắc Kinh. Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, thái độ kín đáo cố hữu có nguy cơ làm chính quyền Việt Nam suy yếu, chỉ có lợi cho Trung Quốc.


Phi đạo dài 2.600 mét mà Trung Quốc đã xây dựng trên đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa(Ảnh : DR)

Trong thời gian gần đây, vấn đề Hoàng Sa nổi lên thành điểm nóng trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, với việc Bắc Kinh có hàng loạt hành động nhằm áp đặt chủ quyền trên quần đảo vốn đã bị Trung Quốc dùng võ lực chiếm đóng từ tháng giêng năm 1974 đến nay. Hà Nội đã liên tiếp phản đối về mặt ngoại giao, đồng thời xác định trở lại chủ quyền của mình.

Theo một số nhà phân tích, để đối phó với chiến lược của Trung Quốc trong hồ sơ Hoàng Sa, Việt Nam cần tranh thủ thế mạnh của mình : đó là đòi hỏi chủ quyền có cơ sở pháp lý vững chắc hơn Trung Quốc rất nhiều. và nhất là quảng bá rộng rãi vấn đề này trong công luận trong nước và ngoài nước để gây sức ép trên Trung Quốc.

Một loạt động tác khiêu khích mới của Bắc Kinh tại Hoàng Sa

Hành động gần đây nhất của Trung Quốc là việc chính quyền Bắc Kinh công bố chủ trương đẩy mạnh phát triển du lịch ở đảo Hải Nam của Trung Quốc, nhưng cũng mở rộng du lịch tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo tiết lộ của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 6/1/2010, Bắc Kinh quyết tâm xúc tiến việc phát triển du lịch tại Hoàng Sa, bất kể tranh chấp với Việt Nam về chủ quyền trên quần đảo này.

Tờ báo tự hỏi là chính quyền Trung Quốc sẽ làm cách nào để biến các hòn đảo này thành một địa điểm du lịch "thượng thặng" như mong muốn, khi mà nơi này hiện chỉ có cơ sở quân đội hay nhà trọ dành cho những người đến đấy làm việc tạm thời mà thôi. Cho dù vậy chính quyền cũng đã tổ chức những tour du lịch Hoàng Sa cho du khách Trung Quốc, và sẽ mở rộng cho khách du lịch nước ngoài.

Việt Nam đã lên tiếng phản đối Trung Quốc vi pham chủ quyền Việt Nam, trong lúc Bắc Kinh, như thông lệ, khẳng định trở lại quyền hành động của họ trên vùng biển mà họ tự nhận chủ quyền.

Quyết định trong lãnh vực du lịch kể trên đã tiếp nối theo một loạt những hành động lấn lướt khác của Trung Quốc đối với Việt Nam liên quan đến khu vực Hoàng Sa. Vào hạ tuần tháng 12, một mặt Quốc hội Trung Quốc thông qua Luật bảo vệ hải đảo, có giá trị pháp lý đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông, một mặt khác họ phái hai tầu tuần tra cỡ lớn xuống đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo lớn nhất ở Hoàng Sa để ''bảo vệ quyền lợi'' của ngư dân Trung Quốc.



Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ(Ảnh : DR)

Ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ
(Ảnh : DR)

Vào năm ngoái, dân chài Việt Nam đánh bắt cá tại vùng ngư trường truyền thống của mình gần Hoàng Sa đã bao lần bị khốn đốn vì bị lực lượng Hải quân Trung Quốc bắt bớ, tàu bè bị tịch thu, đòi nộp tiền chuộc cực cao. Các sự cố này nhiều và nghiêm trọng đến mức chính quyền Việt Nam phải nhiều lần lên tiếng phản đối.

Bên cạnh đó, theo báo chí chuyên môn về dầu khí, mới đây Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc CNOOC vừa ký kết một hợp đồng phân chia sản phẩm với một tập đoàn dầu khí Anh Quốc để đồng khai thác tại một lô thuộc khu vực bồn địa Quỳnh Đông Nam gần Hoàng Sa. Mọi người chờ đợi Việt Nam lên tiếng.

Tóm lại, bất chấp những lời phản đối của Việt Nam, bất chấp Bản Tuyên bố về các Quy tắc Ứng xử tại vùng Biển Đông mà họ đã ký kết với Asean, Trung Quốc càng lúc càng có thêm những quyết định đơn phương áp đặt các đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông nói chung và đặc biệt ở vùng Hoàng Sa.

Trả lời phỏng vấn của Ban Việt ngữ RFI, giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc tại trường Đại Học Maine (Hoa Kỳ) thẩm định rằng các hành động của Trung Quốc tại vùng Hoàng Sa mang tính chất khiêu khích để thăm dò phản ứng của chính quyền Việt Nam, với dụng ý là củng cố một tình trạng đã rồi mà họ tạo dựng được bằng võ lực, để khoả lấp những yếu kém về mặt cơ sở lịch sử và pháp lý biện minh cho chủ quyền họ đòi hỏi.

Đằng sau chiêu bài tổ chức du lịch đến vùng Hoàng Sa, giáo sư Long còn ghi nhận thâm ý chiến lược của Trung Quốc, mượn cớ du lịch để thu thập cách dữ liệu cho hải quân và không quân Trung Quốc trong trường hợp phải tung quân xuống các vùng hải đảo phiá Nam.

Thanh niên Việt Nam đã từng xuống đường khắp nơi phản đối Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước trên Hoàng Sa và Trường Sa như ở Pháp (T), Việt Nam (G) và Đức (P).(Ảnh ghép : DR)

Thanh niên Việt Nam đã từng xuống đường khắp nơi phản đối Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền đất nước trên Hoàng Sa và Trường Sa như ở Pháp (T), Việt Nam (G) và Đức (P).
(Ảnh ghép : DR)

Theo giáo sư Ngô Vĩnh Long, nếu Việt Nam phản ứng một cách yếu ớt, Trung Quốc tất nhiên sẽ tìm cách lấn lướt thêm. Ngoài ra, nếu chính quyền Việt Nam không khéo thì sẽ bị mất uy tín trước dân chúng Việt Nam, bị suy yếu đi, và như thế chỉ có lợi cho Trung Quốc mà thôi. Đối sách tốt nhất trước thái độ chèn ép của Trung Quốc là chính quyền Việt Nam phải công khai hơn nữa vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Trung Quốc, để cho công luận trong nước và ngoài nước cùng hiểu rõ, qua đó gây sức ép trên Trung Quốc.

Sau đây mời quý vị nghe bài phỏng vấn giáo sư Ngô Vĩnh Long.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại học Maine (Hoa Kỳ)

18/01/2010 Trọng Nghĩa

RFI : Kính chào giáo sư Ngô Vĩnh Long, thưa giáo sư, trong thời gian gần đây, người ta thấy trong tranh chấp Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, trọng tâm tranh chấp có vẻ như chuyển qua khu vực quần đảo Hoàng Sa. Giáo sư giải thích hiện tượng đó như thế nào ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trước hết, tôi xin nói, đây không phải chỉ là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đây là vấn đề bành trướng của Trung Quốc đối với khu vực Biển Đông, kể cả khu vực Thái Bình Dương nữa. Ví dụ, ngày 18/12/2008, tại Washington, Đô đốc Mỹ Timothy Keating nói rằng một số đề đốc của Trung Quốc đề nghị với ông rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc chia Thái Bình Duong làm đôi [lấy mốc là đảo Hawaii]. Ông Keating nói rằng ông để ý đến đề nghị đó, nhưng ông không đồng ý.


Tàu đánh cá Trung Quốc dừng trước quân hạm của Mỹ (AFP)

Tàu đánh cá Trung Quốc dừng trước quân hạm của Mỹ (AFP)

Sau đó, vào tháng 3 năm 2009, khi tàu của Mỹ đi vào khu vực gần đảo Hải Nam, cách đảo này 75 dặm, thì Trung Quốc cho một số tàu của Trung Quốc ra bao vây. Rồi sau đó, khi tàu trinh sát của Hoa Kỳ đi trong khu vực gần Philippines thì Trung Quốc cho tàu của mình ra đụng và cắt đứt dây cáp kéo linh kiện do thám của tàu Mỹ.

Bắt đầu từ cuối 2008 trở đi, Trung Quốc muốn nắn gân Mỹ và muốn dọa các nước khác ở trong khu vực, cũng nhu muốn làm cho dân Trung Quốc tự hào về sự lớn mạnh của quân đội của họ. Đó là lý do.

Bắc Kinh tìm cách khoả lấp thế yếu về pháp lý

Còn đối với Việt Nam, vấn đề Hoàng Sa, nếu nói tranh chấp thì chỉ có Việt Nam và Trung Quốc tranh chấp thôi. Hoàng Sa gần đảo Hải Nam. Đảo Hải Nam là nơi mà Trung Quốc sẽ trở thành đầu não của Nam Hải Hạm Đội của Trung Quốc. Trung Quốc muốn từ đó bành trướng đi và muốn dùng Hoàng Sa như một nơi để điều phóng hải quân Trung Quốc càng ngày càng về phía nam.

Cho nên, nếu đe dọa Việt Nam và Việt Nam chịu nhượng bộ trong khi các nước khác không có tranh chấp ở vùng đó, thì tất nhiên Trung Quốc được lợi. Đó là lý do vì sao Trung Quốc càng ngày càng tỏ thái độ rất căng ở vùng Hoàng Sa. Thực ra, tình hình ở vùng phía dưới cũng căng, nhưng như anh nói, đối với Hoàng Sa, Trung Quốc tỏ ra rất căng đối với Việt Nam.

Tàu đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc chặn lại

Tàu đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc chặn lại

Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 bằng quân sự. Về lý do lịch sử, luật pháp, trong vấn đề Hoàng Sa, Trung Quốc ở thế yếu chứ không phải là mạnh. Nếu Việt Nam im lặng, không tiếp tục đấu tranh, không tiếp tục nói cho thế giới biết là Trung Quốc đã làm những việc bất hợp pháp, thì theo luật pháp quốc tế, nếu anh im lặng thì có nghĩa là anh bằng lòng, anh chịu. Do vậy, nếu Trung Quốc làm như vậy mà Việt Nam im, không làm gì thì Trung Quốc có thể nói, là thấy không, Việt Nam chịu rồi, có chuyện gì đâu. Đây chỉ là chuyện giữa Việt Nam với Trung Quốc.

Lẽ dĩ nhiên là có cả Đài Loan trong đó, nhưng Đài Loan và Trung Quốc cũng có những yêu sách giống nhau. Nếu vậy, các nước khác sẽ nói, đối với Hoàng Sa, Việt Nam chịu lép với Trung Quốc, không chịu đấu tranh thì chúng tôi dại gì mà đưa đầu ra. Chúng tôi đưa đầu ra có lợi gì ? Chúng tôi thương lượng với Trung Quốc về các vấn đề khác. Như vậy, Trung Quốc dùng vấn đề Hoàng Sa để khiêu khích Việt Nam, để xem Việt Nam sợ Trung Quốc như thế nào hay là nhũn như thế nào ?

Ý đồ quân sự đằng sau hoạt động du lịch

RFI : Thưa giáo sư, mới đây, liên quan đến hành động của Trung Quốc, họ cho tổ chức du lịch tới khu vực Hoàng Sa. Vậy, ẩn ý đằng sau quyết định mang tính chất kinh tế du lịch là gì ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trước hết, về kinh tế du lịch, sẽ không có nhiều người đi du lịch Hoàng Sa. Thực chất vấn đề là như sau. Muốn phát triển du lịch thì phải có sân bay. Bây giờ, Trung Quốc bành trướng, làm sân bay rộng hơn. Sau đó, trên danh nghĩa là để cho du lịch nhưng để xem thử máy bay từ Hải Nam hay một số vùng khác của Trung Quốc đến Hoàng Sa sẽ mau như thế nào, đáp xuống như thế nào. Trong khi đó, thuyền từ Hải Nam xuống sẽ đi nhanh như thế nào, để Trung Quốc có thể kết hợp thuyền đổ bộ và máy bay với mục đích chuẩn bị về quân sự, xem khả năng đáp ứng của họ về mặt quân sự như thế nào.

Vấn đề lớn ở đây không phải là tổ chức du lịch, mà là phô trương và khiêu khích Việt Nam.

RFI : Thưa giáo sư, trong phản ứng của phía Việt Nam, như giáo sư vừa nói, thì Việt Nam phải lên tiếng, khẳng định trở lại chủ quyền của mình trong khu vực. Nhưng đó là những phản ứng về mặt ngoại giao « suông », có thể nói như vậy. Ngoài việc này, thì Việt Nam có thể làm được gì khác ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Tôi đồng ý là ngoại giao « suông » không được. Nếu chỉ ngoại giao « suông » giữa hai nước với nhau thì thua Trung Quốc. Trong vấn đề này, Trung Quốc đã dùng vũ lực để lấy Hoàng Sa mà Trung Quốc lại dùng vũ lực một cách sai trái.

Vấn đề bây giờ như sau. Việt Nam là nước yếu, không có quân sự mạnh, thì không có thể tái chiếm Hoàng Sa, mà tái chiếm thì sẽ có chiến tranh ngay. Khi đánh nhau với Trung Quốc thì không nước nào bênh vực Việt Nam đâu. Bởi vì như tôi đã nói, các nước khác không có quyền lợi ở đó. Trừ phi có đe dọa đối với thông thương hàng hải, nhưng đó là vấn đề khác.

Do vậy, ở đây, chính phủ Việt Nam phải để cho người dân Việt Nam, phải để cho trí thức và dân chúng trên thế giới bàn về chuyện này. Nếu Trung Quốc dọa Việt Nam mà Việt Nam lại bắt bớ những người chống chính sách về Hoàng Sa hay là nói rằng chính phủ quá nhượng bộ với Trung Quốc về Hoàng Sa, thì Trung Quốc sẽ làm tới. Đây là vấn đề rất nguy hiểm cho chính phủ Việt Nam.

"Cố ý dùng Hoàng Sa để hạ uy tín chính quyền Việt Nam"

Bởi vì, vấn đề ở đây là như thế này. Trung Quốc cố ý dùng vấn đề Hoàng Sa để làm mất chính danh của chính phủ Việt Nam, làm mất uy tín của chính phủ Việt Nam đối với nhân dân Việt Nam và đối với nhân dân thế giới. Nếu chính phủ Việt Nam im lặng hoặc bắt bớ những người chống chính sách của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, thì hóa ra, người ta sẽ nghĩ rằng chính phủ Việt Nam và những lãnh tụ Việt Nam là những con chốt, những con cờ của Trung Quốc.

Khi người ta nghĩ như vậy, thì chính phủ Việt Nam mất chính danh. Làm suy yếu chính phủ Việt Nam, Trung Quốc sẽ có cơ hội để bắt bí chính phủ Việt Nam, bắt bí những lãnh đạo Việt Nam về những vấn đề khác. Nguy hiểm là ở chỗ đó. Chính phủ Việt Nam, nếu không nói được thì phải để cho nhân dân Việt Nam nói và dân chúng các nước khác nói. Có thể không bao giờ lấy lại được Hoàng Sa, nhưng phải làm cho Trung Quốc bị động.

RFI : Thưa giáo sư, cho tới nay, nhiều người nói rằng đứng về mặt kinh tế, Việt Nam và một số nước Đông Nam Á cần đến Trung Quốc. Vì lý do đó mà chính quyền Việt Nam có một thái độ có thể nói là nhũn nhặn đối với Trung Quốc, ngay cả trong vấn đề Hoàng Sa. Theo giáo sư, suy nghĩ này đúng sai ở chỗ nào ?

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Trước hết, tôi nghĩ rằng Việt Nam quá gần với Trung Quốc, do vậy, Việt Nam nhiều khi thán phục Trung Quốc quá lố. Một vấn đề khác là do quá gần, nên hàng hóa qua lại rất dễ, không phải đi xa, không cần luật lệ gì hết, miễn là hai bên đồng ý, gật đầu thì bên này kéo hàng sang bên kia. Trong khi đó, mậu dịch với châu Âu, với Mỹ thì khó khăn hơn, có nhiều luật lệ chặt chẽ hơn, hàng hóa phải sạch sẽ hơn v.v.

Không nên quá sợ Trung Quốc

Có nghĩa là muốn nhanh, muốn ẩu, thì cứ buôn bán với Trung Quốc. Một số người sẽ có lợi hơn. Nhưng, lợi cho một số người thì lại hại cho cả quốc gia. Hiện nay, nhập siêu của Việt Nam đối với Trung Quốc là lớn nhất so với các nước khác trên thế giới. Hàng Trung Quốc không bán được chỗ khác thì tống vào Việt Nam. Hàng Việt Nam cạnh tranh không được, bao nhiêu nhà sản xuất Việt Nam sạt nghiệp. Như vậy là phải làm công cho Trung Quốc.

Trong khi đó, Trung Quốc sẽ đầu tư ở huyện này, tỉnh kia, các nhà cầm quyền ở những địa phương này phải quỵ lụy Trung Quốc. Đó là chuyện đã xẩy ra. Tôi đã về Việt Nam nhiều lần. Theo tôi biết, Trung Quốc đã có ảnh hưởng đến tận quận, huyện ở Việt Nam rồi. Ngay ở Mỹ chẳng hạn, tôi có biết một số người Việt gốc Hoa buôn bán cho Trung Quốc, đầu tư cho Trung Quốc, Công ty của ở Mỹ nhưng mà tiền là của Trung Quốc. Họ nói với tôi rằng nếu họ muốn thay đổi một ông bí thư huyện, một ông bí thư tỉnh, họ thay đổi dễ như chơi. Cái khó khăn là như vậy.

Thành ra, khi Trung Quốc dọa thì một số người Việt Nam sợ. Tôi nói thẳng là từ 2006, tôi về Việt Nam rất nhiều lần. Ngay năm 2006, trước khi Việt Nam ký dự án bauxite, một số quan chức Việt Nam đã hỏi tôi : "Anh Long, anh chuyên về Trung Quốc, vậy anh nghĩ bây giờ, mình phải nhượng bộ Trung Quốc cái gì để họ khỏi làm phiền mình ?" Tôi nói : "Không nhượng bộ được bởi vì càng nhượng bộ, nó càng lấn tới". Thế mà trong suốt hơn một năm, họ vẫn hỏi tôi câu đó. Rõ ràng là trong nước, có nhiều người có tư tưởng là nếu mình im, mình chịu nhượng cho Trung Quốc thì nó tha mình. Tôi nghĩ không phải như vậy.

RFI : Thì điều này cũng liên quan đến một vấn đề rất là mới. Vừa qua, ông đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam đã có một số tuyên bố mà có nhiều người cho rằng hàm ý đe dọa Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long : Tôi đồng ý với điều phê phán đó. Ông Tôn Quốc Tường nói rằng hợp tác với Trung Quốc thì sẽ phát triển, còn đấu tranh thì sẽ thất bại. Ông ấy nói trước công chúng. Ông ấy nói cho toàn thể dân tộc Việt Nam, chứ không phải nói riêng với các lãnh tụ. Tôi nghĩ là họ đã đe dọa các lãnh đạo Việt Nam nhiều lần rồi.

Nhưng tại sao, ông ấy lại nói cho tất cả dân tộc Việt Nam như vậy, một cách rất trịch thượng. Tôi nghĩ, ông ấy nói như vậy, trước hết là để đe dọa dân chúng Việt Nam, nhưng vấn đề khác là để xem thử phản ứng của chính phủ Việt Nam như thế nào. Nếu chính phủ không phản ứng, thì chính phủ Việt Nam mất uy tín.

Ảnh chụp trang blog Mẹ Nấm với biểu tượng chống Trung Quốc, bị chính quyền Việt Nam làm khó dễRFI

Ảnh chụp trang blog Mẹ Nấm với biểu tượng chống Trung Quốc, bị chính quyền Việt Nam làm khó dễ
RFI

Nếu những người phản ứng lại bị chính phủ Việt Nam hay là các cơ quan gọi vào điều tra, hỏi tại sao anh nói thế này, tại sao anh nói thế kia, làm như vậy thì khó khăn cho vấn đề bang giao giữa Việt Nam và Trung Quốc v.v. thì điều này lại càng làm cho chính phủ Việt Nam mất chính danh. Nếu mất chính danh, chính phủ Việt Nam suy yếu, Trung Quốc sẽ thừa thế chia rẽ Việt Nam và họ sẽ càng mạnh hơn lên.

Phát biểu của đại sứ Trung Quốc không chỉ là trịch thượng mà là có suy tính và cố ý để chia rẽ hay làm suy yếu chính quyền Việt Nam, làm cho chính quyền Việt Nam mất chính danh. Theo tôi, đó là một đòn tâm lý, loại chiến tranh tâm lý.

Phải để cho dân chúng và thế giới hiểu rõ vấn đề Hoàng Sa

Tôi nghĩ là nhiều chuyện, chính phủ Việt Nam không làm được. Trong ngoại giao giữa hai nước, thì nước lớn bao giờ cũng mạnh. Chúng ta học được nhiều bài học về vấn đề đó rồi. Chúng ta học được bài học về Pol Pot. Nhiều chuyện về Pol Pot mà Việt Nam giấu đi mặc dù là quan hệ rất là xấu với Trung Quốc. Cho đến khi chuyện xẩy ra rồi, Việt Nam không thể nào giải thích được với thế giới là chuyện gì đã xẩy ra.

Lúc đó, để bảo vệ đất nước, Việt Nam mới bắt buộc đánh đuổi Polpot. Trung Quốc dùng vấn đề này để vận động Mỹ và bao nhiêu nước khác bao vây Việt Nam hơn 10 năm, gây rất nhiều khó khăn cho Việt Nam.

Rồi trong vấn đề Hoàng Sa, trong bao nhiều năm trời, Việt Nam cũng im lặng, lâu lâu mới lên tiếng rằng Việt Nam có nhiều cái này cái kia chứng minh chủ quyền, nhưng không làm gì khác, không để cho nhân dân Việt Nam bàn luận về vấn đề này. Không nói cho nhân dân thế giới biết là trong vấn đề này, Việt Nam mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào, có lý chỗ nào v.v.

Đến khi Trung Quốc làm quá, bắt thuyền của Việt Nam thì phản ứng của Việt Nam lúc đầu là dẹp hết các blog chỉ trích chính phủ, đuổi một số ký giả ở trong một số báo. Mạng bauxite Việt Nam bắt đầu nói về vấn đề bauxite và quyền lợi Việt Nam như thế nào, Biển Đông như thế nào, tôi không biết ai đánh sập cái mạng này, nhưng tôi biết rõ ràng là ông Nguyễn Huệ Chi và bao nhiêu người khác bị an ninh Việt Nam gọi vào hỏi, lấy ổ đĩa cứng máy tính v.v. Làm như vậy thì sẽ mất chính danh của chính phủ. Mọi người thấy là chính phủ đàn áp hay là có cảm tưởng là chính phủ đàn áp vì Trung Quốc.

Để lấy lại chính danh, hay là để chứng minh cho dân chúng biết rằng Việt Nam cũng bảo vệ tổ quốc thì mình lại bỏ ra bao nhiêu tiền để mua vũ khí, mua tàu ngầm. Tôi đồng ý là phải tự vệ, nhưng mặt khác, nếu chúng ta có đường lối ngoại giao tốt, ngoại giao nhân dân, biết suy nghĩ trước, chuẩn bị đàng hoàng, thì không cần phải làm những vấn đề gấp như thế. Mua tàu bay, tàu ngầm trong khi kinh tế vẫn khó khăn. Hay là làm gấp như hồi đánh Polpot trong khi nếu chuẩn bị tốt thì không cần phải làm như vậy.

http://www.rfi.fr/actuvi/articles/121/article_6524.asp

*

No comments: