Sunday, January 3, 2010

HOÀNG LONG HẢI * PHIẾM LUẬN

*



CON ONG CÁI KIẾN

“Ở đây tai vách mạch rừng,
“Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
“Kẻo khi sấm sét bất kỳ,
“Con ong cái kiến kêu gì được oan?”


Năm 1972, tôi đi Dương Đông, quận Phú Quốc. Tới nơi, tôi ghé một quán cà phê, gọi một ly càphê sữa. Một chốc sau, một anh trung sĩ vào quán. Anh ta cũng gọi một ly “càphê sữa”.

Tôi hơi lạ! Ở miền Tây Nam Bộ, người ta ít khi gọi “càphê sữa” mà gọi là “xí nại” - Tiếng Tầu đã Việt hóa -. Anh trung sĩ nói trên, theo tôi nghĩ, - vì chưa nghe anh nói gì thêm -, là một người Huế. Tôi bèn làm quen:

- “Xin lỗi, anh người miền Trung?”

- “Tôi người Huế chính cống!” Anh trung sĩ trả lời.

- “Ra trường, anh chọn đơn vị ở đây?”

- “Không! Sau vụ tranh đấu năm 1966, ở tù một thời gian ngắn, tôi bị đổi về đây. Sự vụ lệnh của Cục An Ninh Quân Đội ghi rõ là “Chi khu Phú Quốc.”

- “Sao lại xác định rõ đơn vị như vậy? Sao lại từ Cục An Ninh Quân Đội. Anh thuộc nha?” Tôi hỏi.

- “Có gì lạ đâu anh! Tôi tham gia “Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức”, trực tiếp chống quân Thiệu Kỳ, bị bắt về Saigon, giam ở Nha An Ninh Quân Đội. Thay vì ra tòa, được khoan hồng, nhưng đày về đây!”

Tôi “À” lên một tiếng, chợt hiểu.

Sau khi “quân Thiệu Kỳ” chiếm lại thành phố Huế, sau vụ đấu tranh “bàn thờ ra đường” năm 1966, một số quân nhân, công chức Đà Nẵng, Hội An và Huế, Quảng Trị tham gia tranh đấu bị bắt đem vào Saigon. Có mấy người bị đưa ra tòa, cho giải ngũ, một số bị đày vào Nam, không ít người về Kiên Giang. Ai bị đày ra Phú Quốc là xa nhất. Lần hồi, họ được xét cho về nguyên quán hay đơn vị cũ.

Tôi nói với anh trung sĩ:

- “Hôm ông thiếu úy Nguyễn Đại Thức bị bắn chết, tôi đứng gần bên.”

- “Anh cũng tham gia tranh đấu?” Anh trung sĩ hỏi.

Tôi cười:

- “Đâu có! Tôi đi coi.”

Một lúc, tôi kể tiếp:

- “Hôm đó tôi đi coi biểu tình ở Thương Bạc. Đang đứng bên gốc cây trong vườn hoa, bỗng nghe trên loa, tiếng ông Ngô Văn B., lãnh tụ tranh đấu la to: “Cảnh sát ở trước rạp Hưng Đạo, ngăn không cho đồng bào đi ngang con đường nầy.” Đứa cháu trai mẹ tôi, đứng bên cạnh, hỏi: “Ông nầy làm chi to mà ra lệnh vậy, cậu?” Ông ta làm gì đâu! Ông là lãnh tụ tranh đấu nên ông nghĩ ông ta có quyền. Buồn cười thật. Dù là lãnh tụ tranh đấu, ông ta cũng là người dân, ông ta đâu có quyền ra lệnh cho chính quyền. Chán mấy ông tranh đấu nầy thật! Họ thấy họ to lắm chớ không biết mình là ai, quyền hạn gì!

Bỗng có người nói to: “Trong Mang Cá có biểu tình!” Mang Cá là bản doanh bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 1. Người ta đồn ông chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, đang làm tư lệnh, ngã theo phe tranh đấu. Nghe vậy, mấy người lên xe gắn máy chạy vào Mang Cá. Tôi cũng chở đứa cháu chạy theo.

“Cửa Sư Đoàn có lính gác, nhưng ra vào tự do. Tôi vào sân, dựng xe bên góc sân xong thì thấy có chiếc trực thăng đang đáp xuống, ngay giữa sân. Trên máy bay bước xuống có ông trung tướng Huỳnh Văn Cao, béo tốt, trắng trẻo. Đi bên cạnh ông là một thiếu tướng Mỹ, có lẽ là cố vấn. Hai người đi vào gian nhà lầu cạnh sân, nơi văn phòng làm việc của sư đoàn. Một chốc, cả hai lại đi ra. Sau nầy mới biết là chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận tránh mặt, không tiếp. Hai ông nầy lên máy bay. Tôi thấy máy bay vừa cất lên, xoay mình thì một quân nhân đứng bên cạnh cây ngô đồng, rút súng nhỏ bắn vào máy bay. Đại liên trên máy bay phản ứng, nổ một loại về phía cây ngô đồng đó. Thấy súng nổ, tôi chạy vào núp sau những bao cát chất dọc hành lang văn phòng. Máy bay bay mất, ra hướng đông. Mọi người chạy lại chỗ gốc cây ngô đồng, chỗ người bắn súng Colt lúc nãy. Ông nầy nằm trên mặt đất, máu me khắp người. Người ta lấy “băng ca” khiêng người lính ấy đặt lên xe để đưa qua bệnh viện Nguyễn Tri Phương gần đó, nhưng không kịp nữa. Khi ông Nguyễn Đại Thức - sau nầy tôi mới biết tên - bắn vào máy bay, xạ thủ là lính Mỹ trên máy bay phản công, ria một băng đạn M-60. Một băng đạn ria vào người ông ta, trong khoảng cách chưa tới 10 mét, làm sao ông ta sống nỗi!



Khi máy bay đi khuất, tôi lại ra sân, rồi dắt xe ra về. Ra khỏi cổng, tôi thấy một người lính mang súng M-79 đứng gác ở đó. Tôi hỏi:

- “Súng nầy bắn trực thăng được không?”

- “Cho một phát là cháy ngay.” Người lính trả lời.

- “Sao hồi nãy anh không cho nó một phát?” Tôi hỏi.

- “Tôi chưa được lệnh.” Anh ta đáp, nhẹ nhàng.

Tôi chưng hững về việc đó. Té ra mình chẳng hiểu gì cả. Người lính phải có lệnh. Nhưng tôi lại thắc mắc: Vậy khi ông thiếu úy Nguyễn Đại Thức rút súng Colt bắn vào trực thăng là ông ta có nhận được lệnh của ai không hay nóng máu, bắn ẩu, manh động.



Mấy ngày sau, trong khi tình hình tranh đấu đang sôi sục thì “Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức” được thành lập. Chiến đoàn nầy gom một số quân nhân, cảnh sát… có nhiệt tình tranh đấu chống “quân Thiệu Kỳ” (Tiếng gọi chính quyền Saigon hồi đó). Vậy nhưng, đến khi “quân Thiệu Kỳ” ra Huế dẹp bàn thờ thì “chiến đoàn Nguyễn Đại Thức” cũng như “Lực lượng Sinh viên Học sinh Quyết tử” đều im re, tự động giải tán, mạnh ai nấy chạy. Ai không chạy kịp thì bị bắt, đưa vô Saigon xử tội.



Tôi thấy việc đặt tên “Chiến Đoàn Nguyễn Đại Thức” cũng hơi kỳ. Nếu ông ta được lệnh cấp chỉ huy để bắn vào trực thăng, rồi vì nhiệm vụ mà hy sinh thì lấy tên ông đặt cho chiến đoàn là hợp lý. Còn nếu ông ta làm việc ấy vì manh động thì việc đặt tên như thế là không ổn vì chưa có lệnh mà ông ta đã nổ súng, là vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh nghiêm chỉnh như người lính cầm súng M-79 mà tôi đã nói chuyện khi gặp anh ta ở cửa Bộ Tư lệnh Sư Đoàn.

Ông trung sĩ uống càphê sữa nói chuyện cùng tôi là người bị đày đi Phú Quốc.

Một lúc, tôi hỏi anh ấy:

- “Tuy hồi đó tranh đấu thất bại, các thầy lãnh đạo có ai hề hấn gì đâu. Những người bị đổi vào Nam, lần hồi được cứu xét, cho về miền Trung hết thảy. Sao anh không về. Bộ ở đây anh không rõ tin tức gì cả sao?”

- “Đâu có!” Anh trung sĩ trả lời. “Mình là “con ve cái kiến”, quan trọng gì đâu! Tôi tự nghĩ “đã làm thì rán chịu”, đi thì đi luôn. Về làm gì nên không xin về.”

Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây.

Năm sau, tôi về Rạch Giá, lại gặp một người Huế khác. Anh ấy học ngành y tế, ra trường năm 1963, đúng hôm “Diệm Nhu tấn công chùa chiền 20 tháng 8 năm 1963” nên toàn bộ khóa sinh đều nhận sự lệnh phục vụ ở cao nguyên và miền Nam. Anh ấy về tận Ty Y Tế Kiên Giang.

Nói rõ hơn, tình hình như sau: Trong cuộc tranh đấu chống nhà Ngô năm 1963 ở Huế, sinh viên Đại học Y khoa Huế và sinh viên trường Cán Sự Y tế tham gia đấu tranh rất kịch liệt. Vì vậy, thay vì như các ngành khác, khóa 4 Cán sự Y tế ra trường đúng thời kỳ đấu tranh nói trên, chẳng “mống” nào được ở lại Huế hoặc miền Trung mà toàn bộ đều bị đưa đi tận cuối miền Nam xa xôi hoặc lên cao nguyên đèo heo hút gió cả. Người quen tôi gặp và nói chuyện ở trên, thuộc trường hợp nầy. Tôi hỏi anh ấy:

- “Sau tranh đấu, nhiều người đời được lên hương. Anh lại đi luôn, không về!”

Anh ta không trả lời tôi, chỉ thở dài!



Theo cách nhìn của tôi, cả hai cuộc tranh đấu của Phật giáo hồi ấy đều do hoàn cảnh bắt buộc cả. Sau vụ “đài phát thanh đêm 8 tháng 5 năm 1963”, - tôi là nhân chứng và có thuật lại trong cuốn Viết Về Huế 1 - Phật giáo rơi vào hoàn cảnh không tranh đấu không được. Sau đó, vụ tranh đấu năm 1966, Phật giáo cũng chỉ muốn nắm lấy cái vai trò đa số của mình. Bấy giờ người Mỹ đã đổ quân vào Việt Nam, họ cần phải nắm chắc chính phủ miền Nam Việt Nam trong tay họ. Tiền bạc thì họ giữ qua cái gọi là “Viện trợ Mỹ”, không có viện trợ Mỹ, chính quyền miền Nam không thể đứng vững. Quân đội cũng trong tay họ vì các tướng, ai không nghe Mỹ thì đã bị loại ra khỏi chính quyền và quân đội. Chỉ còn cái thế mạnh thứ ba là số đông dân chúng. Phật giáo đông nhất, mạnh nhất. Không phân hóa Phật giáo làm sao người Mỹ có thể an tâm ở miền Nam Việt Nam.



Vì thế, không có cách gì hay hơn là chia rẽ Phật giáo. “Chia để trị” là một chính sách cai trị cũ rích nhưng muôn năm vẫn cần nó. Muốn phân hóa Phật giáo, cứ lấy cái bóng ma Cộng Sản mà dọa. Người Bắc theo đạo Phật di cư chắc chắn đã không ưa, lại còn sợ Cộng Sản, họ sẽ tách rời khỏi cánh Phật giáo người miền Nam vĩ tuyến chưa có kinh nghiệm gì nhiều với đám “răng hô mã tấu”. Ý nghĩa sâu xa nhất của cuộc đấu tranh Phật giáo năm 1966, căn bản chỉ vì không muốn đạo Phật bị chia rẽ. Đạo Phật bị chia rẽ sẽ yếu đi. Cái thế đa số sẽ không còn.

Gọi là Cao Kỳ nhưng ông ta chỉ là con người của thời cuộc, sốc nổi, dễ bị giật giây nên được giao cho nhiệm vụ đánh dẹp vụ Phật giáo miền Trung.

Thật ra, đạo Phật đã bị đàn áp kể từ khi Pháp xâm lăng nước ta. Biết bao nhiêu chùa chiền đã bị phá hủy. Bao nhiêu thầy chùa chống Pháp bị bắt, bị tù, bị đày Côn Đảo, bị giết. Chưa có sách sử nào nói lại, ghi lại cho hết, đầy đủ những trường hợp nầy, những con người bị đàn áp nầy.

Số phận của họ còn thê thảm hơn hai người Huế tôi nói ở trên. Họ mới đúng là “con ve cái kiến”, ai bắt chẳng được, ai giết chẳng được. Trong vòng nô lệ của thực dân Pháp, ai tranh đấu cho họ, ai bênh vực cho họ? Mọi việc qua lâu rồi và hình như dân tộc đã … lãng quên họ.

Nói cho đúng, nhìn lại ba thời kỳ Phật giáo bị đàn áp: thời Pháp thuộc bị đàn áp thẳng tay, thời kỳ đấu tranh chống nhà Ngô và thắng lợi, và thời kỳ thua khi chống “quân Thiệu Kỳ”, thì số phận đạo Phật cay đắng lắm.

Bây giờ, sau 1975 là thời kỳ bị đàn áp lần thứ tư trong lịch sử Việt Nam. Nói cho đúng với thực tế lịch sử, bắt đầu từ năm 1954, sau khi Cộng Sản cầm quyền ở phía bắc vĩ tuyến 17, Phật giáo phía ngoài vĩ tuyến đã bị đàn áp rồi. Tình hình ở miền Nam có khác đi. Mãi sau 1975, Phật giáo hai miền gộp làm một và bị Cộng Sản đàn áp một cách tàn tệ hơn nhưng Việt Cộng giữ rất kín đáo, tránh né rất khéo léo.

Nhìn chung, số phận những người bị đàn áp bao giờ cũng là con ong cái kiến cả. Nhưng tham gia tranh đấu như hai người tôi gặp ở Phú Quốc và Rạch Giá thì họ được cái gì? Được thì người khác được. Chuyện cười “nghe qua không bỏ” được là chuyện “Nàng Kiều lá đổ” đắc cử dân biểu ở Huế hồi đệ Nhị Cộng Hòa là do đâu? Đó là chuyện tiếu lâm của Huế đấy quí độc giả ạ!!! Còn như một ông trung tướng cầm lá thư giới thiệu của một ông thượng tọa ra ứng cử ở Quảng Ngãi thì có hay ho gì đâu!

Thành công rồi, ai “lớn tiếng” thì được hưởng ơn mưa móc, còn như ai chịu phận mình là con ong cái kiến thì cứ mãi lưu lạc nơi xứ người, có ai ngó ngàng tới đâu! Đó cũng là điều bất công vậy.

Có điều cần nói rõ hơn, dù là thực dân Pháp hay Ngô triều hay “quân Thiệu Kỳ” thì nói chung, họ còn nhân đạo hơn Việt Cộng nhiều lắm. Thời Cộng Hòa, hơn thua gì thì các vị lãnh đạo hay Phật giáo đồ không đến nỗi bị đàn áp như dưới chế độ ngày nay. Những ai muốn tín đồ của mình tranh đấu chống Cộng Sản phải nhớ rõ điều nầy: Cộng Sản không dừng tay, không gớm tay khi đày đọa hay giết chết bất cứ một người nào mà họ cho là “phản động”!!!



Ông Thiện Minh, một nhân vật lãnh đạo Phật giáo, cả hai nền đệ nhứt cũng như đệ nhị Cộng Hòa đều “gờm” nhưng hồi đó có ai làm gì ông ta đâu! Ngay sau 1975, Việt Cộng thủ tiêu ngay, chết không cho nhận xác về chôn. Ông Trí Thủ, một người từng nuôi dưỡng Đỗ Trung Hiếu bao nhiêu năm trong Phật Học Viện Nha Trang, Việt Cộng tính lợi dụng ông, nhưng nhắm không xong thì chúng vội đưa hòa thượng vô bệnh viện để hòa thượng ra nghĩa địa cho mau. Ông Trí Quang, chui sâu vào chùa Ấn Quang ẩn núp, giả tưới nước sôi vào tay để có cớ không ra khỏi cái hang… Ấn Quang.

Những điều đó, không thể là kinh nghiệm cho ông Nhất Hạnh hay sao, hay vì ông “tự biên tự diễn” vụ lính Mỹ bỏ bom tàn sát hàng ngàn người ở Bến Tre nên ông không còn nghe, còn thấy gì hết?? Ông Nhất Hạnh tưởng mình “ngon” hơn mấy ông kia. Ông Nhất Hạnh nói chuyện với Triết, Triết cười gật đầu. Phật giáo đồ cờ quạt, võng lọng đón rước ông trọng vọng, Cộng Sản cấm cản gì đâu?! Những cái ấy làm cho một người “hiểu biết sâu xa đạo pháp” tưởng mình là cái gì nên mới cho thành lập Tăng Đoàn Bát Nhã.

Thử hỏi trong chế độ Cộng Sản:

- Có tôn giáo nào muốn hoạt động ngoài phạm vi kiểm soát của chế độ nào mà được yên?

- Có đoàn thể nào ngoài tổ chức của đảng được phép hoạt động, ngay cả Hướng Đạo hay Gia đình Phật tử?

- Có cá nhân nào, dù là văn nghệ sĩ sinh hoạt ngoài chính sách đảng mà được yên. Vụ Nhân Văn Giai Phẩm không phải là một kinh nghiệm xương máu hay sao? Vụ Solzenicyn, Boris Pasternak không là tấm gương hay sao?

- Có nhà khoa học nào, hoạt động ngoài đường lối chính sách của đảng Cộng Sản mà được yên thân. Không lấy trường hợp Sakharov làm ví dụ hay sao?

- Có cá nhân nào làm việc từ thiện, xã hội mà yên được với chính quyền Cộng Sản hay sao?

Xin nhớ rằng Cách mạng Cộng Sản là “Cách mạng triệt để”. Triệt để là cái gì?

Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh:

Triệt để là “Thấu tận đáy - Làm đến tột mực - Như chữ “Cực Đoan”.

Như vậy, những công việc Cộng Sản làm ở trên là “Cách Mạng Triệt để”, là làm cho tới đáy, không chừa lại một chút nào, không còn mầm mống nào, không ai là không Cộng Sản mà tồn tại được. Người nào, tổ chức nào, tập thể nào, không phải là Cộng Sản, không do Cộng Sản đẻ ra, dựng nên thì phải triệt tiêu.

Cái gọi là “Mt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam,” cái gọi là “Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam”, do Cộng Sản Bắc Việt đẻ ra, dựng nên để che đậy dã tâm xâm lăng miền Nam của Cộng Sản Bắc Việt, sau khi chiếm miền Nam xong rồi thì hai tổ chức nầy bị giải tán ngay, giải tán để giữ tính chất Cách mạng Triệt để của Cộng Sản Bắc Việt.

Vậy thì cái gọi là “Tăng đoàn Bát Nhã” có phải do Việt Cộng đẻ nó ra không? Nó có là bình phong che đậy dã tâm nào đó của Việt Cộng không?

Nếu không! “Tăng đoàn Bát nhã” làm sao có thể tồn tại?

Dưới chính sách của Việt Cộng, trong ý nghĩa Cách mạng Triệt để, không thể có sự tồn tại của Tăng Đoàn Bát Nhã hoặc bất cứ một tổ chức nào, cái gì, ngoài cái Cộng Sản đẻ ra.

Không những tăng đoàn nầy phải giải tán, không được tụ họp nhóm năm, nhóm ba ở bất cứ một nơi nào khác, chùa nào khác trong lãnh thổ Việt Nam. Tăng Đoàn nầy muốn hoạt động được, hãy vượt biên qua Pháp - nơi có Làng Mai của ông Nhất Hạnh, hay qua Mỹ, đất nước tự do.

Xin đừng nghĩ rằng Tăng Đoàn Bát Nhã giải tán “ai về nhà nấy” là xong.

Khi một người trong Tăng Đoàn Bát Nhã về tới quê nhà, ở nhà mình rồi, thì Công An có nhiệm vụ theo dõi, rình rập, ngăn chận, không cho đi lại tự do, không cho tiếp xúc tự do với người nào khác. Họ bị Việt Cộng đánh giá là phần tử tôn giáo phản động, có tên trong “Sổ Đen” của Công An xã, phường. Công An địa phương sẽ “nhẹ nhàng” cho những người tham gia Tăng Đoàn Bát Nhã cũ vào “trại cải tạo”, để cải tạo “tư tưởng tôn giáo phản động” dù cái tôn giáo đó có thờ ông Hồ Chí Minh làm Phật chăng nữa.

Chuyện Tăng Đoàn Bát Nhã còn dài dài. Năm mười năm nữa, vẫn còn có người “được đưa đi cải tạo tư tưởng” vì có thời từng tham gia Tăng Đoàn Bát Nhã của ông Nhất Hạnh.

Ngay bây giờ, ông Nhất Hạnh (Không phải ông Nguyễn Lang) chẳng có lời kêu gọi nào, im hơi lặng tiếng, thông tục gọi là “Ngậm miệng ăn tiền”, hoặc “Im lặng là vàng”, huống chi dài lâu về sau, ông Nhất Hạnh đâu còn biết “con ong cái kiến” đó là ai để giúp họ ???!!! Còn gì nữa mà trông mong cho uổng công!!!

hoànglonghải

*

No comments: