Wednesday, January 27, 2010

QUACH TƯƠNG UY * THUYẾT SỨC MẠNH MỀM CỦA JOSEPH NYE

*

Sức mạnh mềm của Việt Nam?

Viết cho BBCVietnamese.com từ London

Việt Nam là chủ tịch ASEAN trong năm 2010

20 năm trước, lý thuyết Sức mạnh Mềm của Giáo sư Joseph Nye trở nên nổi tiếng thế giới, được xem là sự giải thích hợp lý những đổi thay to lớn ở Đông Âu.

Lý thuyết này nhanh chóng lan sang Á châu và trở thành học thuyết mới diễn giải tính chính danh của các chính quyền Đông phương.

20 năm sau, Giáo sư Joseph Nye lại đến Việt Nam với thuyết Sức mạnh mềm; và lần này, ông đến đúng lúc để giảng về sức mạnh cho một quốc gia cần sức mạnh.

Hồi ức

Tôi còn nhớ lần dự khán buổi giảng của Giáo sư Nye tại Bắc Kinh năm 2007, cũng về chính chủ đề này.

Tôi e rằng Việt Nam có “sức mạnh mềm” đủ để chinh phục thiện cảm từ phương Tây, nhưng không đủ để có đồng minh trong một cuộc chiến tranh.

Đầu tiên, Giáo sư ca ngợi thành tựu của Trung Quốc trong ba thập niên qua; ông tin rằng Trung Quốc đã trở thành một đại cường có ảnh hưởng lớn trong quan hệ quốc tế. Nhưng vấn đề cho Trung Quốc là sự thiếu cân bằng giữa quyền lực cứng và mềm. Quyền lực cứng nói chung ám chỉ sức mạnh kinh tế và quân sự, còn quyền lực mềm lại chỉ ảnh hưởng ý thức hệ, văn hóa và các định chế quốc gia.

Theo ông Nye, sức mạnh mềm cũng quan trọng không kém để duy trì sự chính thống của nhà nước.

Trong buổi giảng bài thân thiện đó, trước những người Trung Quốc hâm mộ, Giáo sư Nye không chỉ thẳng ra rằng Trung Quốc vẫn cần dân chủ và nhân quyền để xây dựng sức mạnh mềm. Khán giả Trung Quốc thỏa mãn với lý thuyết của ông vì nếu nói về ảnh hưởng văn hóa và ý thức hệ, chúng tôi luôn có thể viện đến Khổng Tử.

Nhưng khi ông Nye tới Việt Nam, đó là một quốc gia không có sức mạnh cứng, cũng không có đủ Khổng giáo để làm giả sức mạnh mềm. Thế thì vị giáo sư có thể đề ra gợi ý gì?

Độc lập và ASEAN

Tôi đọc Bấm bài giao lưu trên VietnamNet hôm 12/01, thì thấy Giáo sư Nye đề cập hai điều có thể giúp Việt Nam có sức mạnh mềm.

  1. Độc lập
  2. ASEAN

Về yếu tố đầu, nếu Việt Nam có thể có thêm uy tín bằng việc giữ độc lập, thì thực tình cũng giống như bất kỳ quốc gia độc lập nào. Nhưng ông Nye nhấn mạnh một điều đặc biệt về sự độc lập của Việt Nam, tức là chủ nghĩa dân tộc lành mạnh của một quốc gia. Ông nói Việt Nam là một trong số ít các nước có chủ nghĩa dân tộc lành mạnh, thể hiện qua cuộc đấu tranh chống xâm lược trước các nước lớn như Trung Quốc, Pháp và Mỹ.

Có vẻ ý của giáo sư ám chỉ rằng chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam còn lành mạnh hơn của Trung Quốc, vì Việt Nam ở trong thế tự vệ. Chủ nghĩa dân tộc của Việt Nam thuyết phục hơn vì đất nước này đối chọi với Trung Quốc kiên cường. Là kẻ yếu, Việt Nam có được thiện cảm của cộng đồng quốc tế. Nhưng thiện cảm có đồng nghĩa với Sức mạnh Mềm?

Gợi ý thứ hai liên quan việc Việt Nam dẫn dắt ASEAN năm 2010 trong tư cách chủ tịch. Theo ông Nye, nếu một nước nhỏ không thể tự mình hóa giải uy lực của một nước lớn, thì họ cần có đồng minh.


Việt Nam tự hào có truyền thống chống ngoại xâm

Dĩ nhiên ASEAN sẽ không bao giờ là NATO, nhưng có thể nghĩ rằng các nước trong ASEAN ít nhất có thể đạt đồng thuận về Biển Đông vì quyền lợi chung.

Nhưng vấn đề là ASEAN không bao giờ đoàn kết, vì những khác biệt lịch sử, và vị thế chính trị, kinh tế khác nhau. Quan trọng hơn, thay vì dựa vào nhau, họ thích đi tìm người bảo trợ từ ngoài. Hoa Kỳ muốn đóng vai bảo trợ ở Đông Nam Á. Khi lý tưởng hóa ASEAN như một nguồn cho sức mạnh mềm của Việt Nam, Giáo sư Nye thực ra muốn nói tới sự cân bằng khu vực giữa ASEAN, Mỹ và Trung Quốc.

Nếu ASEAN không có ảnh hưởng có lợi cho Việt Nam, thì điều còn lại cho nước này là chủ nghĩa dân tộc lành mạnh.

Nhưng không có dân chủ, không có nhân quyền, không có gì để có thể thực sự đánh bại Trung Quốc, tôi e rằng Việt Nam có “sức mạnh mềm” đủ để chinh phục thiện cảm từ phương Tây, nhưng không đủ để có đồng minh trong một cuộc chiến tranh.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một người Trung Quốc đang làm việc ở Anh.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100124_viet_softpower_comment.shtml

*

No comments: