Friday, January 8, 2010

VỀ NƯỚC PHÁP & CỘNG SẢN

**
Câu chuyện đau lòng tại ĐSQ Pháp ở Phnôm Pênh năm 1975

Đó là câu chuyện đau lòng từng được đạo diễn người Anh Roland Joffé dựng thành một phần của bộ phim “Cánh đồng chết” (đoạt 3 giải Oscar vào năm 1984), từng được nhà nhân chủng học người Pháp Francois Bizot viết thành sách có tựa đề “Cánh cổng lớn” (phát hành vào năm 2000 bởi nhà xuất bản Table Ronde).

Và đến năm 2009 đã khiến luật pháp nước Pháp phải thụ lý và điều tra để có thể đưa ra phán quyết cuối cùng rằng: Trong những điều kiện và hoàn cảnh nào mà Sứ quán Pháp tại thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia đã giải giao 100 quan chức cao cấp của hoàng gia và của Chính phủ Lon Nol đang lánh nạn tại đây cho KHmer Đỏ vào ngày 23/4/1975, để sau đó tất cả những người này đều bị giết hại.

Đầu tháng 4/2008, một tòa án ở thủ đô Paris nhận được hồ sơ khiếu kiện ngành ngoại giao và Chính phủ Pháp của một phụ nữ lớn tuổi người Pháp gốc Campuchia tên Billon Ung Boun Hor về việc Sứ quán Pháp tại thủ đô Phnôm Pênh đã giải giao chồng bà là Hoàng thân Ung Boun Hor, Chủ tịch Quốc hội Campuchia dưới chế độ Lon Nol, cho Khmer Đỏ vào ngày 23/4/1975.

Cùng bị giải giao còn có nhiều quan chức hoàng gia, quan chức và viên chức chính phủ cùng người thân của họ, đông đến cả trăm người đang lánh nạn bên trong Sứ quán Pháp. Vụ kiện đặc biệt này thu hút sự quan tâm của dư luận nhất là khi tại Campuchia đang diễn ra phiên tòa quốc tế xét xử tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ.

Tạp chí L'Express của Pháp sau hơn một năm điều tra đã cho công bố toàn bộ hồ sơ liên quan đến việc Sứ quán Pháp tại thủ đô Phnôm Pênh đã giải giao cả trăm quan chức hoàng gia, quan chức chính phủ của chế độ Lon Nol cho Khmer Đỏ vào ngày 23/4/1975, và những người phải chịu trách nhiệm chính về thảm kịch này là ai?

Hoàng thân Ung Boun Hor (giữa) đang bị các nhân viên Sứ quán Pháp đẩy ra cửa vào trưa ngày 23/4/1975 để giao nộp cho quân Khmer Đỏ.

Phải chăng Sứ quán Pháp đã "bán" 100 người Campuchia lánh nạn tại đây cho Khmer Đỏ để đổi lại một sự bảo đảm an toàn tuyệt đối hay những người này tự nộp mình cho Khmer Đỏ? Câu hỏi này luôn thôi thúc bà Billon Ung Boun Hor suốt thời gian dài định cư tại Pháp và chỉ trở thành đề tài của vụ kiện cáo diễn ra vào tháng 4/2008.

Theo điều tra của Tòa án quận Créteil, nơi thụ lý vụ khiếu kiện, sau khi đã thẩm vấn 6 cựu quan chức Khmer Đỏ hiện đang sinh sống tại Pháp cùng 14 nhân chứng khác bao gồm cựu Phó lãnh sự Dyrac, các trợ lý, hiến binh bảo vệ sứ quán... thì thảm kịch bắt nguồn từ thủ đô Phnôm Pênh cách đây 34 năm nhưng lại do Bộ Ngoại giao, Phủ Thủ tướng và Phủ Tổng thống ở thủ đô Paris chỉ đạo.

Theo khai báo của Dyrac, trước áp lực của Khmer Đỏ đòi phải giao nộp tất cả những người Campuchia đang lánh nạn bên trong Sứ quán Pháp, ông đã liên tục đánh điện xin ý kiến của Bộ Ngoại giao Pháp lúc đó do Jean Sauvagnargues làm Bộ trưởng.

Những quan chức của Bộ Ngoại giao Pháp có liên quan đến vụ việc gồm có Francois de Laboulaye, Giám đốc chính trị; Henri Bolle, Vụ phó Vụ châu Á. Những quan chức này sau khi nhận được điện xin ý kiến đã đùn đẩy vụ việc cho Văn phòng Chính phủ bằng việc trao đổi với Claude Martin, người được Thủ tướng Pháp lúc đó là Jacques Chirac giao phụ trách các vấn đề về Campuchia.

Trong khi Paris còn đang do dự thì theo khai báo của Dyrac, quân Khmer Đỏ đã gửi tối hậu thư cho Sứ quán yêu cầu chậm nhất là vào cuối ngày 23/4/1975 phải giao nộp tất cả những người Campuchia lánh nạn trong Sứ quán, nếu không sẽ tấn công vào sứ quán đồng thời không chịu trách nhiệm về bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra.

Ngay sau đó, Phó lãnh sự Dyrac đã gửi liên tiếp 5 điện văn cho Paris để xin ý kiến giải quyết dứt khoát. Cuối cùng, đến ngày 21/4/1975, đích thân Claude Martin đã gửi một bức điện yêu cầu Sứ quán phải giải giao 100 người Campuchia đang lánh nạn trong Sứ quán Pháp cho Khmer Đỏ. Bức điện này được Bộ trưởng Ngoại giao Sauvagnargues, Thủ tướng Chirac và Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing ký tắt.

Trẻ em người Campuchia là con cái các quan chức hoàng gia và chính phủ đang lánh nạn tại Sứ quán Pháp cũng bị giao nộp cho Khmer Đỏ vào trưa ngày 23/4/1975.

Theo một báo cáo của Sứ quán Pháp gửi cho Paris sau khi việc giải giao hoàn tất ngay trưa ngày 23/4/1975 thì những người Campuchia lánh nạn đã được quân Khmer Đỏ đối xử tử tế, được đưa đến nơi quản thúc trên những chiếc xe tải và xe jeep.

Nhưng theo khai báo của nhà nhân chủng học Francois Bizot, có mặt tại Sứ quán Pháp vào thời điểm đó, thì những người Campuchia lập tức bị đối xử như tội phạm khi vừa bước ra khỏi Sứ quán. Họ bị bịt mắt, tống lên nhiều chiếc xe tồi tàn, trong đó có cả xe vận chuyển rác rồi khởi hành vào cõi chết.

Biện minh cho thảm kịch này, nhiều quan chức của Bộ Ngoại giao, Phủ Thủ tướng, Phủ Tổng thống Pháp đã đổ lỗi cho hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh. Nhưng theo bà Patrick Baudoin, luật sư bảo vệ quyền lợi của bà Billon, vợ góa của Hoàng thân Ung Boun Hor, thì: "Không thể nào đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử mà thảm kịch xảy ra là từ sự thiếu trách nhiệm của một số nhân vật tại Paris, kể cả những nhà lãnh đạo nước Pháp vào thời điểm đó".

Bà Baudoin còn viện dẫn việc Phó lãnh sự Dyrac đã quay về lại Pháp sau đó với 300 giấy thông hành trắng mà nếu cần thiết ông có thể cứu được sinh mạng của nhiều người Campuchia đang lánh nạn trong Sứ quán Pháp bằng việc cấp ngay hộ chiếu Pháp cho những người này.

Việc làm mà vào năm 1940, một nhà ngoại giao người Nhật tên Chiune Sughihara đã cứu được sinh mạng cho hơn 6.000 người Ba Lan gốc Do Thái khỏi thảm họa diệt chủng của phát xít Đức khi cấp hộ chiếu cho những người này được tự do đến Nhật rồi sau đó đến một quốc gia thứ ba, khi ông đang làm người đứng đầu Lãnh sự quán Nhật tại quốc gia vùng Baltic Lithuanie.

Hiện Tòa án quận Créteil đang hoàn tất những công đoạn điều tra, thẩm vấn cuối cùng để chậm nhất đưa vụ việc ra xét xử trước tháng 11/2009



Văn Hòa (theo L'Express)

*

No comments: