Wednesday, January 13, 2010

ĐÀI BBC * TRUNG QUỐC & THẾ GIỚI

*

Trung Quốc Thách đố

Trung Quốc muốn chứng tỏ với thế giới nước này ngày càng lớn mạnh

Có thể nói, với các nước phương Tây việc Trung Quốc càng ngày càng lớn mạnh và đang từng bước củng cố vị thế của mình là một trong những thách đố trong thập kỷ này.

Các thống kê mới đây cho thấy Trung Quốc không chỉ vượt qua Đức để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất mà còn đang qua mặt Nhật để trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai, sau Mỹ.

Không chỉ thế, Trung Quốc cũng đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Trong năm nay, Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc triển lãm quy mô tại Thượng Hải – Shanghai World Expo, kéo dài trong sáu tháng.

Một bài viết trên The Times, một trong những nhật báo quan trọng tại Anh, số ra ngày 01/01/10, cho rằng sau Thế vận hội, Trung Quốc coi cuộc triển lãm đó như là một cơ hội nữa để cho thế giới thấy được những thành tựu của mình và chứng tỏ họ đang từng bước trở thành cường quốc.

‘Phớt lờ dư luận’

Điều làm cho các nước phương Tây quan ngại không đơn thuần chỉ là sự lớn mạnh về kinh tế của Trung Quốc mà là cách Bắc Kinh dùng sức mạnh kinh tế đó để tiếp cận các vấn đề quốc tế khác.

Akmal Shaikh bị tử hình cho dù chính phủ Anh xin Bắc Kinh tha

Một sự kiện được dư luận trên thế giới và đặc biệt ở Anh quan tâm nhiều trong những ngày cuối năm vừa qua là việc Trung Quốc tử hình một công dân Anh buôn bán ma túy hôm 30/12 mặc dù chính phủ Anh và một số nước khác phản đối.

Bài viết của Clifford Coonan được đăng trên The Independent, một tờ nhật báo uy tín khác ở Anh, trong số ra ngày 01/01/10 nhận định rằng việc Trung Quốc phất lờ lời kêu gọi của chính phủ Anh ngừng thi hành án tử hình Akmal Shaikh được cho là mắc bệnh tâm thần là ví dụ mới nhất cho thấy Bắc Kinh đang muốn chứng tỏ sức mạnh ngoại giao và kinh tế của mình.

Bài xã luận trên The Daily Telegraph, một tờ nhật báo lớn khác tại Anh, trong số ra đầu năm, cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng sự dửng dưng của Bắc Kinh với dư luận phương Tây liên quan đến việc tử hình này cho thấy sự tăng trưởng kinh tế đã làm cho Trung Quốc thêm quyết đoán trên diễn đàn quốc tế.

Một yếu tố khác làm các nước phương Tây quan ngại là chủ nghĩa dân tộc càng ngày càng lớn mạnh tại Trung Quốc.

Theo Clifford Coonan người Trung Quốc rất tự hào về việc đất nước họ trở thành một quốc gia hùng mạnh, có tầm ảnh hưởng kinh tế lớn và không ai có thể ra lệnh, chi phối, hay điều khiển được.

Đó cũng là lý do giải thích tại sao nhiều người Trung Quốc coi việc Anh và dư luận phương Tây lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là một sự can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

Điều này được thể hiện qua phản ứng gay gắt của Trung Quốc về việc thủ tướng Anh lên án vụ tử hình ông Akmal Shaikh và việc người dân Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ vụ tử hình.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao của Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng không có thế lực nào được quyền nói xấu hay can thiệp vào Tòa án của Trung Quốc và cho rằng những chỉ trích của chính phủ Anh là vô căn cứ.

‘Thái độ dửng dưng’

Không chỉ thế, dư luận tại các nước phương Tây cũng đặt vấn đề về thái độ được coi là dửng dưng hay thiếu trách nhiệm của Trung Quốc trước các vấn đề quốc tế lớn.

Bài viết của Daniel Korski, được đăng trên trang mạng của Spectator, một tờ tuần báo tại Anh, hôm 01/01, cho rằng Trung Quốc chỉ tìm cách bảo về quyền lợi riêng của mình mà chẳng quan tâm đến trách nhiệm, nghĩa vụ của họ đối với thế giới.

Theo bài xã luận trên The Daily Telegraph, dù được báo động về nguy cơ khủng bố của những người Hồi giáo tại các tỉnh phía Tây của mình, Bắc Kinh lại cảm thấy vui khi để Mỹ và các nước đồng minh gánh chịu gánh nặng trong việc đấu tranh chống khủng bố tại Afghanistan và Pakistan.

Trong khi đó Trung Quốc lại tìm cách củng cố quan hệ với hai nước này để khai thác tài nguyên (đồng tại Afghanistan và dầu ở Iraq).

Thái độ khăng khăng giữ giá đồng nhân dân tệ và tiếp tục chính sách phát triển tăng trưởng kinh tế dựa trên xuất khẩu của Trung Quốc cũng làm Mỹ và các nước phương Tây quan ngại.

Một số người cáo buộc Trung Quốc làm ngơ vấn đề nguyên tử của Iran

Một bài viết của Joe Klein được đăng trên trang mạng của tờ tuần báo Time của Mỹ hôm 24/12 vừa qua cũng cho rằng Trung Quốc cũng không mặn mà trong việc giải quyết hai vấn đề có tác động rất lớn đến tương lai của thế giới là chương trình vũ khí hạt nhân của Iran và biến đổi khí hậu.

Joe Klein cho rằng điều đó chứng tỏ Bắc Kinh chưa làm được điều mà thế giới chờ đợi nơi một cường quốc đang nổi.

Cũng theo tác giả này, 2010 là năm mà Trung Quốc thất bại trong việc cư xử một cách có trách nhiệm trên diễn đàn quốc tế và cũng là năm mà Mỹ sẽ thay đổi chính sách của họ với Trung Quốc.

‘Lập trường cứng rắn’?

Theo Joe Klein có hai lý do quan trọng giải thích tại sao Mỹ sẽ thay đổi lập trường của mình trong quan hệ với Trung Quốc.

Thứ nhất, trong năm 2009 vừa qua, tổng thống Barack Obama đã có những cố gắng lớn trong việc tạo dựng lại được hình ảnh, uy tín của nước Mỹ bằng cách theo đuổi các chính sách đa phương để giải quyết các vấn đề quốc tế lớn như chương trình hạt nhân của Iran hay biến đổi khí hậu.

Và trong năm 2010, ông sẽ dùng uy tín đó để công khai yêu cầu Trung Quốc thực hiện những trách nhiệm quốc tế của mình như ông đã từng làm tại Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen.

Thứ hai, có người nghĩ rằng Trung Quốc có nhiều lợi thế kinh tế hơn Mỹ. Nhưng theo Joe Klein suy nghĩ đó là sai lầm vì cả Mỹ và Trung Quốc đều cần nhau để phát triển. Do đó Mỹ không có lý do gì để luôn phải nhún nhường trước Trung Quốc.

Một bài viết mới đây của Frank Ching, được đăng trên trang mạng của The Malaysian Insider, nhận xét rằng kể từ khi trở thành tổng thống, ông Obama đã chấp nhận chịu nhường bước trước Trung Quốc trong một số vấn đề như không đặt nặng những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, hay từ chối gặp Đức Dalai Lama để nhằm thuyết phục Trung Quốc có trách nhiệm hơn trước các vấn đề quốc tế.

Nhưng chính sách đó đã không mang lại kết quả.

Đó cũng là một lý do khác nữa khiến tổng thống Obama có thể có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong thời gian tới.

Cũng theo Frank Ching, trong khi Mỹ và các nước châu Âu cần tôn trọng Trung Quốc, nhưng họ không nên tạo ra cảm giác rằng họ cần sự ủng hộ của Trung Quốc. Vì mặc dù là một nước quan trọng, Trung Quốc cũng cần đến Mỹ và châu Âu như Mỹ và châu Âu cần đến Trung Quốc.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100111_thachdo_trungquoc.shtml

**

No comments: