Sunday, January 31, 2010

SƠN TRUNG * ƯNG BÌNH THÚC GIẠ THỊ & ĐÔNG HỒ

*



ƯNG BÌNH THÚC GIẠ THỊ (1877- 1961),
VÀ ĐÔNG HỒ ( 1906 - 1969),


Năm 1956, sau cuộc thi tuyển, tôi vào học lớp đệ tam trường Quốc Học Huế. Trong cuộc đời học sinh trung học, chúng tôi có hai năm ăn chơi nhàn hạ là năm đệ ngũ và năm đệ tam. Thực sự năm đệ ngũ chúng tôi phải luyện thi để năm sau thi Trung học đệ nhất cấp. Sau một thời gian luyện thi cực khổ để lấy bằng Trung học đệ nhất cấp, năm đệ tam mới thât sự là nghỉ xả hơi để sang năm lại thi Tú tài bán phần, rồi Tú tài toàn phần.

Năm đệ tam, chúng tôi rủ nhau đi du sơn du thủy. Gần thì đi thăm các cung điện, lăng tẩm ở Huế, xa thì ra Quảng Trị xem cầu Hiền Lương hay vào Đà Nẵng thăm Ngũ Hành Sơn. Có vài bạn đi Sài gòn hay Nha Trang, Đà Lạt. Cuộc đời học sinh của chúng tôi lúc đó thật là vui vẻ, sung sướng.


Tôi ở Huế nghe danh cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Mặc dầu tôi có anh bạn là cháu cụ Ưng Bình, nhưng tôi quyết định đi một mình đến thăm cụ. Tôi ở đường Gia Hội, qua cầu Tràng Tiền, rẽ phải là qua Morin, rẽ trái là qua Đập Đá về Vỹ Dạ. Nhà cụ là một biệt thự ở thôn Vỹ Dã. Thôn này đã trở thành một ấn tượng sâu sắc trong lòng người Việt khắp nơi vì bài thơ "Đây thôn Vỹ Dạ " của Hàn Mặc Tử.

Khi tôi bước vào phòng khách, tôi chờ đợi độ năm phút thì cụ bước ra. Cụ mặc áo dài đen, dáng người nho nhã, mặt thanh tao. Lúc bấy giờ Ưng Bình lão nhân đã 80 tuổi, nhưng bước đi vững vàng, thân hình dẻo dai, giọng nói ấm áp, rõ ràng, cử chỉ khoan thai. Cụ là một bậc đại thi nhân ở Huế, dòng dõi lá ngọc cành vàng. Còn tôi chỉ là một cậu học sinh vô danh tiểu tốt, mới 18 tuổi tuổi đầu. Ấy thế mà cụ lại tiếp tôi! Tôi thấy thái độ cởi mở và khoan dung độ lượng của cụ làm tôi kính nể và cảm động!




Cụ nhẹ nhàng hỏi tên tuổi của tôi. Tôi thưa mọi điều với cụ, và nói rõ mục đích là tới thăm một thi hào của xứ Huế. Cụ chỉ cho tôi một quyển sổ lớn, rất dày đặt bàn bên cạnh, yêu cầu tôi ghi vài dòng lưu niệm. Quyển sổ rất nặng và đã cũ, xem ra đã có hàng trăm, hàng ngàn người đến thăm cụ và đã viết . Quyển sổ chỉ còn lại một số it trang.


Tôi ghi ngày tháng, tên họ , ký tên. và để lại chỗ cũ. Trong khi tôi hý hoáy ghi tên họ, cụ thong thả bỏ trầm vào lò hương ở trên bàn. Hương trầm thơm ngát, căn phòng rộng rãi mà yên tĩnh, không người qua lại. Tôi hỏi cụ một vài điều về thi ca, về những nhân vật trong lịch sử, và cụ trả lời rất đầy đủ.

Cụ cho tôi uống nước trà, và cười nói vui vẻ. Ngồi với cụ khoảng nửa giờ, tôi không dám làm phiền cụ nữa mà đành bái biệt ra về. Lúc bấy giờ tôi là một học sinh trung học, kiến thức không có là bao cho nên không có gì để hỏi han cụ, ngoài cái tò mò của tuổi trẻ và lòng kính trọng một danh nhân.


Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng trong suốt cuộc đời tôi, hình ảnh thanh nhã của cụ in sâu vào lòng tôi. Tôi không thích thơ chữ Hán và thơ nôm của cụ nhưng tôi kính trọng cái đức độ của cụ, có thể nói là cái cốt cách đạo hạnh Nho gia và tính cách quý phái vương giả đã hòa hợp trong con người của lão thi nhân một cách tuyệt diệu.



Sau đó vài năm, tôi vào Sài gòn học Đại học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm. Năm 1964, tôi hoàn tất cử nhân Văn Khoa và tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm. Tôi yêu thích văn chương nên xin làm luận án Cao Học Văn chương Việt Nam với giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch.


Luận án của tôi là nghiên cứu Tản Đà. Công việc đấu tiên của tôi là đọc các tác phẩm của Tản Đà và các tài liệu về Tản Đà. Ngoài ra, tôi phải đi gặp các thân nhân và những người quen biết Tản Đà. Tôi đọc An Nam tạp chí thấy Đông Hồ có gửi thư cho Tản Đà, và trong thời gian Tản Đà vào Nam có lẽ hai thi sĩ đã gặp nhau. Vì vậy, tôi đã đến thăm Đông Hồ để hỏi đôi điều về Tản Đà.

Lúc bấy giờ thi sĩ Đông Hồ ở gần khu hồ tắm Chi Lăng Gia Định. Tôi xin gặp tiên sinh thì được tiên sinh cho gặp mặt. . Đông Hồ tiên sinh mặc áo dài đen, khăn đóng ra tiếp tôi. Cũng như Ưng Bình lão nhân, tiên sinh đưa cho tôi một quyển sổ lưu niệm để sẵn trong phòng cho tôi ghi vào tên họ, ngày tháng và chữ ký.

Cũng như Ưng Bình lão nhân, khuôn mặt và dáng vẻ của tiên sinh rất từ ái và bình dị, nói năng ôn hòa và không tỏ vẻ khó chịu khi phải gặp một chàng trai trẻ lạ đến quấy nhiễu cái tĩnh mịch của thi nhân.


Cũng như Ưng Bình Thúc Giạ Thị, thi sĩ Đông Hồ cũng đặt một đỉnh trầm hương ở trên bàn và đốt lên khiến mùi trầm tỏa khắp căn phòng tạo cho tôi cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái. Tiên sinh cũng pha trà đãi tôi. Cách pha trà của tiên sinh rất cầu kỳ giống như Ưng Bình. . Trước hết, tiên sinh bỏ trà vào ấm trà, sau chuyển nước trà sang chén tống cho trà lắng xuống, rồi rót ra hai chén con, một cho tiên sinh và một cho tôi!

Khi tôi hỏi vài chi tiết về Tản Đà, thi sĩ đã vui vẻ trả lời . Thăm tiên sinh một giờ, tôi xin phép ra về. Trước khi tôi ra về, tiên sinh đem tặng cho tôi mấy cuốn thơ của tiên sinh. Tiên sinh có mấy cái triện. Cái vuông, cái tròn, cái hình bán nguyệt, cái to, cái nhỏ., Tiên sinh đóng triện son và ký tên vào tác phẩm của tiên sinh trước khi trao tặng tôi. Tiên sinh giải thích cho tôi cách dùng son đóng triện. Son của Trung Quốc và Việt Nam thì chế tạo đặc biệt, rất đỏ và bền lâu, không nhoè và phai như mực đỏ Âu Mỹ.


(Đông Hồ và Thất Tiểu Muội)

Đông Hồ tiên sinh là một nhà thơ mới. Sống trong vòng nôi của thơ Đường, tiên sinh đã hấp thụ được tinh hoa của tân học cho nên tiên sinh cũng đã bắt kịp xu hướng của thời đại, mạnh dạn gia nhập vào thơ mới và đã thành công.

Sau 1945, thơ ông đã già nhưng cốt cách của ông cũng như Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cốt cách của tao nhân Lý Trần mang tính cách của thi nhân, của nho sĩ quý phái và thanh lịch trong thế giới của văn chương, của tao nhân mặc khách.

Một vài người ưa giản dị, không thích cung cách của người xưa, riêng tôi, tôi tôn kính phong cách của Ưng Bình và Đông Hồ mà nay những người đó đã đi xa và không còn để lại dấu vết.





Ưng Bình và Đông Hồ là hai con người cuối cùng của thế hệ cũ. Ngày nay dù chúng ta muốn sống như thời xưa cũng không được nữa. Có nhiều điều ngăn chận chúng ta đi ngược chiều lịch sử:

+Những phong cách cũ, trong vùng cộng sản sẽ bị phê bình là phong kiến, tư sản, tiểu tư sản, xa cách quần chúng.
+Chúng ta không còn mang y phục cổ truyền. Trong chiến tranh Việt Pháp (1945-1954), ngoại trừ vùng Pháp chiếm đóng là mang Âu phục và y phục cổ truyền, còn các nơi đều mang bà ba, Bộ đội, cán bộ thì mang đủ thứ y phục. Trong giỗ tết, hôn nhân và tang ma, người ta không còn mang áo dài đen, đầu đội khăn đóng. Ở hậu phương, phụ nữ cắt bỏ áo dài sửa thành áo ngắn và nhuộm nâu để thành vô sản .
+Trong vùng cộng sản, cha con, anh em đều gọi nhau bằng đồng chí, không còn ông bà, tiên sinh, ngài. ..
+Sau 1945, nhất là sau 1954, tại vùng cộng sản, những con người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Trác, cụ nghè Nguyễn Mại, Ngô Tất Tố, Ưng Bình, Phan Văn Dật, Đông Hồ, Võ Phiến, Quách Tấn đã bị tù, hoặc bị giết. . .nhưng lại nẩy sinh ra một lớp vô sản mang danh cán bộ, bộ đội, công an, đảng viên. . .
+ Ngày nay, trầm rất đắt. Hơn nữa ta không dùng than củi nện không thể đốt trầm, Lại nữa, dùng đỉnh trầm có thể gây ra hỏa hoạn. Ở ngoại quốc người ta đề phòng hỏa hoạn rất ráo riết cho nên việc đốt giấy, đốt vàng mã, đốt hương đều phải bỏ hoặc hạn chế. Muốn cho thơm, nay chúng ta có thể sống giản dị bằng cách dùng nhiều loại nước hoa chứ không xông trầm đeo hương như xưa.
+ Sau 1945, ở các vùng cộng sản kiểm soát, người ta không dám viết nhật ký và giữ sổ lưu niệm Viết lưu bút sẽ bị phanh phui tình cảm của mình, dễ bị kết tội là lãng mạn, đồi trụy. Còn giữ sổ lưu niệm vì sẽ bị tra hỏi, tù tội nếu chẳng may ta quen với một người bị kết tội phản động. Chúng ta có thể bị bạn bè hay người thân mang nhật ký, sổ lưu niệm của ta đi trình công an hoặc cơ quan của ta. Thật là bất tiện và nguy hiểm!

*

No comments: