Monday, August 23, 2010

ĐẶNG PHÙNG QUÂN * TRIẾT HỌC





BƯỚC NGOẶT


Trong những bước ngoặt vào nửa sau thế kỷ 20, như đã nói đến bước ngoặt ngữ học, bước ngoặt thực dụng, bước ngoặt hủy tạo - song một bước ngoặt quan trọng khác, đó là bước ngoặt triết học. Điều này muốn nói đến một biến chuyển về sự phát triển triết học tỷ giảo, vấn đề đã xét trong chương 3 Triết học Đông/Tây, chương 4 Triết học/Phân tích ở sách Cơ sở tư tưởng thời quá độ, 2007 (ĐPQ). Như tôi đã đề cập mối quan hệ giữa hai nền triết học phương Đông và phương Tây trong thế kỷ hai mươi không còn xa lạ với nhiều triết gia, không phải tình cờ diễn ra vào lúc chủ nghĩa thực dân cáo chung, hay có thể nói bước ngoặt triết học là sự biến của thời hậu/thực dân/post-colonial.

Triết học vào giai đoạn hậu thực dân đã phát triển mạnh ở nhiều nơi trên thế giới, thành quả ghi nhận trong những hội nghị quốc tế về cả hai mặt lượng và phẩm, thông giao và đối thoại đã mang lại những cái nhìn mới, những trao đổi tri thức, xây dựng những cơ sở phổ biến. Lấy một vài điển hình: tạp chí Revue Internationale de Philosophie trụ sở tại Bỉ đã dành những số viết về triết học Ấn, phương pháp luận khoa học ở Liên xô, tư tưởng triết học Mỹ, triết học Nhật hiện đại v.v.., tạp chí Philosophy East & West, A Quarterly of Asian and Comparative Thought trụ sở tại Hawaii, những báo cáo tổng quan về triết học hiện đại/Philosophie contemporaine của Unesco và Viện triết học quốc tế, bộ đầu 4 tập xuất bản vào 1968-1971, dưới sự điều hành của R. Klibansky (tập IV có phần về triết học Đông Âu, Á châu và châu Mỹ La tinh, 1971);

bộ mới 8 tập dưới sự điều hành của G. Fløistad xuất bản vào 1981-2003 (tập V về triết học Phi châu, tập 7 về triết học Á châu, tập 8 về triết học châu Mỹ La tinh); những công trình tập thể theo hướng tỷ giảo như Culture and Modernity, East-West Philosophic Perspective/ Văn hóa và Hiện đại dưới những viễn quan triết học Đông-Tây, 1991 do Eliot Deutsch biên tập (với những tham luận của Rorty, Outlaw, Hall, Stojanovic, Bernstein, Macintyre, Potter, Matilal, Tianji, Feher, Graham, Kasulis, Ames, Li Zhilin, Apel, Cua, Putnam, Danto, Sakabe, Wollheim, Chatterjee, Parkes, Al-Azmeh, Gyekye, Heller, Daya Krishna v.v..)

chứng tỏ có sự cộng tác của những nhà triết học tên tuổi hiện đại, những chuyên gia về Aán, Nhật, Trung, Phi châu, Islam, Handbook of World Philosophy/Thủ sách Triết học thế giới, 1980 do John Burr biên tập, về những phát triển triết học từ 1945 về sau (gồm sáu phần từ Tây Âu, Úc, Do thái, Đông Âu, Mỹ châu, Phi châu, các nước Hồi giáo, và Á châu); bộ A Companion to World Philosophies/Kiến giả triết học thế giới, 1997 do E. Deutsch và Ron Bontekoe biên tập ( bên cạnh những sách dẫn vào triết học đại lục, phụ nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, quyển sách này chủ yếu về triết học Hoa, Ấn, Polynesia, Phi, Phật giáo, Hồi giáo).


Trong Thủ sách triết học thế giới chẳng hạn, Tomio Ichiyanagi tường trình về tình hình sinh hoạt triết học tại Nhật bản phát triển trong vòng một trăm năm trở lại đây với ý nghĩa đích thực của tetsugaku đã đạt tới tầm vóc quốc tế (không kể đến sắc thái tôn giáo, như Phật giáo, Thần giáo, Cơ đốc giáo), nói đến chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng trong thần trí Nhật/wakon (có nghĩa là phát triển mà không đánh mất bản sắc): lấy một ví dụ, như công trình nghiên cứu của Ichikawa Hiroshi (sinh năm 1931) với những tác phẩm như Seishin toshite no shintai/thân như tâm,1975, Mi no kozò/cấu trúc thân thể,1975, Gendai geijutsu no Chihei/tiền đồ nghệ thuật hiện đại,1985, Bergson,1991 khi viết về thân thể sử dụng những tư liệu sinh học và phong tục học và tham chiếu những thành tựu công trình hiện tượng luận của Merleau-Ponty và Trần Đức Thảo.

Những công trình tỷ giảo triết học nhằm hoá giải những tư kiến về hội tụ Đông/Tây (đến nay vẫn còn tồn tại dưới nhiều góc cạnh khác nhau, như ý đồ bá quyền chính trị, phân hóa chủng tộc, tín ngưỡng, nô dịch v.v..).

Chỉ xét về mặt tư tưởng, nghĩa là trong lý luận của những học giả không bị chi phối bởi những yếu tố vừa kể, những tranh biện giữa một bên như F.S.C. Northrop trong Meeting of East and West/gặp gỡ Đông Tây ngay từ 1947 chủ trương tổng hợp hai nền văn hóa Đông Tây trên bình diện tri thức luận qua tổng hợp trí thực và trực quan vì con người ở đâu cũng giống nhau, với một bên William S. Hass trong The Destiny of Mind: East and West/Sinh mệnh tinh thần: Đông và Tây xuất bản năm 1956 tỏ vẻ hoài nghi vì cho rằng những hình thái ý thức đông tây không bao giờ thống nhất khi đặt câu hỏi: làm thế nào hai hình thái ý thức thức đối nghịch có thể cùng hiện hữu trong một tinh thần duy nhất?


Vả lại theo ông, hoà giải đối nghịch này chỉ có thể tìm ở hình thái ý thức thứ ba và cao cấp hơn, mà không thấy ở đâu cũng như khó có thể tưởng được về mặt lý luận. Tác phẩm tập thể The Concept of Man/Khái niệm con Người do S. Radhakrishnan và P.T. Raju chủ biên xuất bản năm 1960 với John Wild về Hy lạp, A.J. Heschel về Do thái, W.T. Chan về Trung hoa, Raju về Ấn độ, Ernst Benz về Cơ đốc, Ibrahim Madkour về Islam, Mitin về Mác-xít nhằm chỉ ra hướng đi tìm ý thức khó tưởng ấy nơi con người, như Radhakrishnan hoài vọng: Người trở thành khán quan của người. Một chủ nghĩa nhân bản mới ở phía chân trời, song vào thời điểm này nó bao dung toàn thể nhân loại.

Raju viện dẫn Hegel quan niệm ngay chính ý thức về đối nghịch giữa hai hình thái ý thức nói trên đã là tổng hợp của chúng. Người là mẫu số chung của triết học tỷ giảo. David A. Dilworth trong Philosophy in World Perspective 1989 (như tôi đã đề cập trong chương 3 Cơ sở tư tưởng thời quá độ) đã dùng thông diễn học tỷ giảo các học thuyết lớn với phép cấu tạo những lý luận, từ những bài học rút ra ở Aristote, Kant, Hegel, Peirce, Walter Watson như ông nhận xét: Thông diễn học tỷ giảo nhấn mạnh rõ ràng đến ý nghĩa thực hiện chủ yếu, hay hoàn tất ở đó một công trình của triết học có thể coi như đạt tới hình thái cao nhất và vẫn tiếp tục tạo ra những ý nghĩa mới cho những thế hệ kế tục.


Dilt worth đưa ra bốn phương thức thuần túy là viễn tượng, thực tại, phương pháp và nguyên tắc (gồm những biến số cấu tạo và những giá trị cấu tạo đặc sắc trong một sơ đồ ông mệnh danh là 'ma trận cấu tạo/archic matrix'), ở đó rọi chiếu những đặc sắc hội tụ của những học thuyết từ những trường phái cổ đại Trung, Ấn, Hy lạp đến hiện đại như Nishida, Bradley, Bergson, Whitehead, Scheler, Wittgenstein, Jaspers, Heidegger, Deleuze, Derrida v.v…

Từ nửa sau thế kỷ 20, nhiều nhà nghiên cứu phương Tây chuyên sâu về triết học Nhật bản, trái với nhận xét của một người Nhật Hasegawa Nyozekan cho rằng “Nhật bản có một nền văn hóa không có triết học”. Theo Gino Piovesana, quan điểm thông tục này mâu thuẫn với sự kiện nhiều nhà trí thức quan tâm đến triết học và khoa triết đã thiết lập ở Đại học Tokyo (1877) ngay sau thời Phục hưng Minh trị. Sự phân hóa triết học Đông Tây (tại châu Á nói chung) dường như do việc tư tưởng phương Đông như Khổng, Phật thường được dạy ở các khoa khác.

Mặt khác, nhiều học giả khi tiếp thu tư tưởng phương Tây lại chỉ chuyên khảo triết học phương Tây - như Piovesana đan cử trường hợp Nishi Amane (1829-1897), 'tổ phụ' của triết học Nhật hiện đại, người đã đề xuất từ tetsugaku để dịch chữ 'triết học' coi như khoa học nghiên cứu minh trí, khi ông soạn thảo chương trình khoa học này cho bộ Giáo dục vào năm 1877. Những tác phẩm của Nishi/Tây Châu như Hyakuichi shinron/Bách nhất Tân luận 1874; Hyakugaku renkan/Bách học liên hoàn 1877, Chichi kimò/Luận lý khai sáng, 1874 đề ra những từ ngữ để dịch triết học tây phương, du nhập luận lý học, những khoa học liên ngành, những tư trào thực chứng và thực lợi, và ông xem triết học như một khoa học thống nhất những liên ngành khoa học.

David Dilworth làm luận án năm 1970 về Nishida Kitarō, the Development of His Thought, Robert J.J. Wargo làm luận án năm 1972 the Logic of Basho and the Concept of Nothingness in the Philosophy of Nishida Kitarō, Robert E. Carter xuất bản năm 1989 The Nothingness beyond God, Jacynthe Tremblay xuất bản Nishida Kitarô, Le jeu de l'individuel et de l'universel 2000, L'être-soi et l'être-ensemble: L'auto-éveil comme méthode philosophique de Nishida, và Auto-éveil et temporalité: Les défis posés par la philosophie de Nishida 2007, Michel Dalissier viết Anfractuosité et unification: la philosophie de Nishida Kitarô 2009 là những công trình chuyên khảo triết học Nishida (không kể nhiều tiểu luận của nhiều tác giả trên những chuyên san, tạp chí xuất bản ở phương Tây) bên cạnh những học giả Nhật, Triều tiên v.v…

Dilworth còn dịch nhiều tác phẩm chính của Nishida sang Anh ngữ như Art and Morality 1973 (chung với V.H. Viglielmo), Fundamental Problems of Philosophy 1970, Last Writing: Nothingness and the Religious Worldview 1987 (bản dịch sang Pháp ngữ của Sugimura và Cardonnel: Logique du lieu et vision religieuse du monde 2000). Jacynthe Tremblay đồng ý với Nishitani Keiji về quan niệm “chỉ có hai triết gia đứng hàng đầu trong nhiệm vụ lịch sử đề ra ở thời đại của họ là Bergson và Nishida, khởi sự với kinh nghiệm thuần túy, nỗ lực xây dựng lên một loại hình triết học mới đại diện cho nửa đầu thế kỷ XX.”


Theo Tremblay, kinh nghiệm thuần túy như vậy là hình thái tiên khởi cho trực quan cơ bản của Nishida, để thiết lập một triết học như thể tri thức khái niệm chính xác, cho đến ngày nay, ông vẫn được xem như là triết học lớn nhất của Nhật bản. Trường phái Kyōtō đã được giới thiệu trên diễn đản triết học phương Tây qua hợp tuyển The Buddha Eye, An Anthology of the Kyoto School 1982 do Frederick Franck biên tập, với những bài viết của Suzuki, Nishitani, Abe, Ueda, Takeuchi v.v.., L'Ecole de Kyôto với những bài viết của Bernard Stevens, Shizuteru Ueda, Kiyoshi Himi trong Etudes phénoménologiques 1993, hay như tác phẩm của James W. Heisig Filósofos de la nada: Un ensayo sobre la escuela de Kioto 2001 viết về ba khuôn mặt lớn, ba thế hệ trong trường phái Kyoto là Nishida Kitaro, Tanabe Hajime và Nishitani Keiji. Tác phẩm của những triết gia này được dịch sang nhiều thứ tiếng, như tác phẩm của những tên tuổi khác như Kuki Shūzō, Watsuji Tetsurō, Abe Masao, Yuasa Yasuo, Takeuchi Yoshinori, Hiroshi Kojima v.v...


Những từ ngữ đặc thù trong triết học Nhật như Zen, Sùnyatà, Iki v.v…đã phổ cập trong thuật ngữ triết học thế giới do ảnh hưởng của các triết gia nói trên, trong hoài bão như Nishitani đã khẳng định: 'thiết lập những cơ sở mới cho một thế giới đang sinh thành, một thế giới thống nhất vượt lên trên những khu biệt giữa Đông và Tây'. Tư tưởng cổ đại Ấn độ đã du nhập vào giới học thuật phương Tây từ sớm, liên quan đến vấn đề ngôn ngữ, văn hóa, văn minh, tín ngưỡng song đối với nhiều nhà triết học Ấn, cái bóng lớn tinh thần ấy đã khiến phương Tây quên sự hiện diện của triết học Ấn hiện đại. Đó là quan điểm của chính những triết gia bản địa, tuy nhiên với một nhà triết học phương Tây như Roger-Pol Droit lại có có cách nhìn khác, trong tác phẩm L'Oubli de l'Inde 1989 mà ông mệnh danh là một chứng kiện vong triết lý/une amnésie philosophique.


Ông đặt vấn đề: điều gì xẩy ra, để những triết gia quên Ấn độ? Lãng quên gấp đôi. Trước hết liên quan đến vô số tài liệu do những nghiên cứu chuyên biệt về Ấn ngày nay để mọi người tuỳ nghi sử dụng. Không thể tin đượclà chỉ riêng những nghiên cứu ấy, khối lượng phi thường hay kỹ thuật đủ để giải thích trong cái khinh thị nào, nói chung người ta xử lý chúng.

Vì lượng thông tin phong phú, chuyên biệt hóa, bước thí nghiệm sơ khởi do yêu cầu vận dụng cũng bị đè nén, nếu không muốn nói là hơn thế nữa trong những phạm vi tri thức khác. Mặt khác, quên lãng này lạ hơn nữa là liên quan đến quan hệ của triết học với chính nó, với quá khứ gần , với diễn từ của một số trong những bậc thày, không phải là kém cỏi. Điều gì đã xẩy ra khiến cho triết học dường như hoàn toàn đánh mất ký ức vậy?


Để trả lời những vấn nạn ấy, Roger-Pol Droit lấy chứng nghiệm ngay ở xứ ông, nước Pháp, đã có truyền thống lâu đời nghiên cứu về Ấn, ngay từ thế kỷ 19, những nhà nghiên cứu, chuyền về Phạn ngữ, song vẫn là triết gia. Song những ngăn cách vẫn tồn tại, giữa những nhà bác ngữ với triết gia, giữa những nhà triết học hiện đại, chuyên về Ấn hay tây phương, giữa những nhà triết học chuyên Ấn và những triết gia chỉ chú trọng đến Tây phương của họ.


Trong tác phẩm kế tiếp của Roger-Pol Droit Le Culte du Néant, Les philosophes et le Bouddha 1997 ông chỉ ra lý giải lầm lẫn của các nhà triết học phương Tây về tư tưởng Phật giáo, từ Hegel đến Nietzsche, qua Schopenhauer, “do luôn luôn tham chiếu đến một Phật giáo tưởng tượng được nói đến qua những tầng khác nhau của chủ nghĩa hư vô: đồng nhất Hữu thuần túy với hư vô, phủ định ý chí sống, hiện hữu của một thế giới những giá trị. Trong ý nghĩa này, sùng bái hư vô lập thành một phòng thí nghiệm ẩn dấu nhằm moơ rộng lý luận chủ nghĩa hư vô châu Âu.” Do đó, theo Droit lịch sử “sùng bái hư vô” hỗn đồng với lịch sử của một thế kỷ dẫn đến thời điểm của những cuộc thế chiến và man rợ độc tài.


Mối hoài nghi của Droit dường như để phê phán những tư trào đương hoạt ở địa lục châu Âu, như Husserl, Heidegger không biết gì đến triết học Ấn, khiến ông tự hỏi “tại sao trong những năm 1935-1936 (thời điểm xuất hiện Khủng hoảng của những khoa học Âu châu và hiện tượng luận siêu nghiệm của Husserl), khả hữu của một lãnh hội triết lý Ấn lại có thể biến mất hoàn toàn như vậy, kể cả khi Heidegger “nghĩ đến nhũng quan hệ huyền diêu với phương Đông” mà ông viết trong Thư về Nhân bản luận cũng chỉ để nói về Trung hoa và Nhật, hoàn toàn im lặng về Ấn độ, mặc dầu Heidegger có mối quan hệ tư tưởng với Dilthey (người rõ về Ấn) và người học trò của Dilthey là G. Misch (tác giả Der Weg in der Philosophie 1926 kết tập những bản văn hy lạp tiền Socrate, những bản văn Phạn ngữ và Hoa ngữ). Dale Riepe trong Indian Philosophy since Independence 1979 đã đưa ra những lý giải tại sao ngày nay phải nghiên cứu triết học Ấn? Một, vì sự phát triển của triết học Ấn ngoài vòng chủ nghĩa thực dân, thực dân mới và phong kiến, là quốc gia lãnh đạo triết học của Thế giới thứ Ba; hai, triết học Ấn là mối quan tâm toàn cầu; ba, Ấn là điển hình kiểu mẫu của tư tưởng phóng nhiệm/laissez faire trong Chiến tranh Lạnh; bốn, ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản và độc lập lên truyền thống cổ điển và phong kiến Ấn trong triết học rất đáng quan tâm.


Sự đối nghịch giữa phát triển triết học ở Ấn từ lúc Độc lập vào 1947 với ở Trung hoa theo chủ nghĩa xã hội từ 1949 chỉ ra những khác biệt về chủ nghĩa nhất nguyên và đa nguyên, về đường lối dân chủ đại nghị, tự do và chyên chính toàn trị. Sự phát triển triết học Ấn ở nửa sau thế kỷ 20 từ Độc lập có thuận lợi ở chỗ phổ cập bằng Anh ngữ như Mohanty nhận xét: dòng chính những công trình triết học hầu như suốt thế kỷ viết bằng Anh ngữ, song đa số các nhà triết học này thủ đắc khả năng trong nhiều trường phái triết học khác nhau bằng Phạn ngữ. Phần lớn công trình chú trọng đến triết học tỷ giảo, như đối chiếu Samkara với Kant và Hegel, Ramanuja với Hegel và những triết gia duy tâm Anh, Phật giáo với Hume hay Whitehead, Dignaga với những nhà thực chứng luận lý luận lý tân-Ny?ya với tân luận lý. Nhiều học giả sử dụng lối tư duy phương Tây lý giải những bản văn triết học Aán, qua hai phương pháp chính là luận lý-phân tích và thông diễn-hiện tượng luận. Những nhà triết học như K.C. Bhattacharya, S. Radhakrishnan, Kalidas Bhattacharya, N.V. Banerjee, Rash Vihari Das, T.R.V. Murti, Jitendra N. Mohanty, Jaswant L. Mehta cónhững công trình độc đáo sáng tạo, kế tục truyền thống song không bị trói buộc bởi truyền thống.


Nói chung những triết gia Ấn hiện đại, theo Mohanty tham dự vào hai cuộc đối thoại: đối thoại với chính truyền thống của họ và đối thoại với phương Tây, hợp thành cuộc đối thoại lớn, có nghĩa là những khả năng lý giải quá khứ không bao giời kiệt cạn. Kalidas Bhattacharyya trong tham luận An Idea of comparative Indian philosophy (in trong Jadavpur Studies in Philosophy 3, 1982) nói đến loại hình nghiên cứu tỷ giảo liên quan đến những khái niệm cơ bản của những hệ thống triết Ấn khác nhau (hai nhóm lớn là tự nhiên luận như Lokāyatas, Nyāya-Vaisesika, Kỳ na, Mimāmsakas và siêu nghiệm luận như những nhà triết học Sāmkhya-Yoga, Vedānta bao gồm Saivas và Sakta chính thống và dị phái, Phật giáo).


Những nhà triết học như Jitendra Nath Mohanty (sinh năm 1928) chuyên cứu hiện tượng luận (với những tác phẩm như Phenomenology and Ontology 1970, Hussel and Frege 1982, The Possibility of Transcendental Philosophy 1985, Transcendental Phenomenology: An Analytical Account 1989, Phenomenology, Between Essentialism and Trancendental Philosophy 1997 ) song tinh thần triết học truyền thống Ấn như một sinh hoạt tâm linh tự trị thể hiện trong The Self and Its Other , Philosophical Essays 2000 vào lúc tuổi già, Jaswant Lal Mehta (1931-2009) trong India and the West, The Problem of Understanding 1985 xác định cần phải hiểu/lãnh hội cả đôi bên Đông/Tây trong tha tính hỗ tương, học ngôn ngữ của mỗi bên và nhập cuộc vào những đường lối tư tưởng và nói trong tinh thần đối tác của cả haiu thế giới, ngõ hầu chuyển biến thành một.


Ông nghiên cứu Heidegger, Bhattacharyya, viết công trình tỷ giảo triết học Heidegger với Vedanta. Mohanty đề ra bốn tín điều cần khắc phục: tín điều về đối lập tuyệt đối, tín điều về riêng tư của tâm linh, tín điều về hiệu lực công cộng của ngôn ngữ không thể giản lược và tín điều về chân lý triết học một tầng. Ông tâm đắc với nguyên lý bổ xung của Werner Heisenberg trong khoa học tự nhiên với lý thuyết lượng tử và ba động đem lại những mô tả bổ xung cho những cấu thành vi mô của vật chất, và đề nghị một lý luận duy thực, tri giác những đối tượng vật chất, xác định bản chất và lĩnh hội những thực thể lý tưởng như những số với một lý luận cấu thành, tất cả những đối tượng như vậy được cấu thành trong những tác động có ý , là những mô tả bổ xung, không phải là những lý luận đối lập mà nhà triết học bắt buộc phải chọn lựa giữa chúng.


Những công trình, như Nâgârjuna et la doctrine de la vacuité/Long Thọ và học thuyết về tính Không 2001 của Jean-Marc Vivenza, Vacuité (Sūnyatā) et Compassion (Karunā) dans le Bouddhisme Madhyamaka/Tính không và Bi trong Trung quán luận Phật giáo 2002 của Ludovic Viévard, On Being and What There is, Classical Vaisesika and the History of Indian Ontology 1992 của Wilhelm Halbíass, Authentic Human Destiny, the Paths of Shankara and Heidegger 1998 của Vensus A. George, Derrida and Indian Philosophy 1990 của Harold Coward chẳng hạn là những tiêu biểu tỷ giảo trên c0n đường nghiên cứu triết học Ấn đánh dấu bước ngoặt triết học. Roland Barthes trong những giảng khóa 27 tháng Năm 1978 và 3 tháng Sáu 1978 tại Collège de France đối chiếu khái niệm Kairos Hy lạp và Vô vi trong Đạo đức kinh.

Ông dẫn Lão tử và Trang tử tham chiếu từ L'Esprit du Tao 1973 của Jean Grenier. Trong hai hợp tuyển Heidegger and Asian Thought 1987 và Nietzsche and Asian Thought 1991 do Graham Parkes chủ yếu đối chiếu Heidegger với Lão-Trang qua những tiểu luận của Otto Pöggeler, Joan Stambaugh, G. Parkes, Hwa Yol Jung hay đối chiếu Nietzsche với Trang tử của Chen Guying, nghiên cứu tỷ giảo giữa Ý chí tới quyền năng của Nietzsche và khái niệm Đức của triết học Trung hoa của Roger T. Ames là những bước đầu làm sinh động tư tưởng Đạo giáo và Khổng giáo. Những công trình của Angus C. Graham (1919-1991 với Disputers of the Tao 1989), David S. Nivison (The Life and Thought of Zhang Xuecheng 1966, The Ways of Confucianism 1996), Roger T. Ames (Thinking through Confucius 1987 chung với David L. Hall), Heiner Roetz (Confucian Ethics of the Axial Age1993), Philip J. Ivanhoe (Ethics in the Confucian Tradition 1990), không kể đến những tác giả Trung quốc là những nghiên cứu kinh viện. Tuy nhiên cuộc tranh luận sôi nổi giữa hai nhà nghiên cứu phương Tây Jean François Billeter và François Jullien đề xuất ra một vấn đề mới trong góc nhìn triết học Trung hoa về mặt chính trị.


Billeter (sinh năm 1939) học giả Thụy sĩ cũng như Jullien (sinh năm 1951) học giả Pháp là những nhà chuyên cứu Hán học, có nghĩa là khởi sự phải chuyên cứu về ngôn ngữ văn tự Hán. Billeter chuyên khảo về Trang tử, với những tác phẩm như Etudes sur Tchouang-tseu 2004 và Leçons sur Tchouang-tseu 2002 cho xuất bản Contre François Jullien vào năm 2006 và Jullien phản bác trong Chemin faisant, connaître la Chine, relancer la philosophie đầu năm 2007 và Henry Zhao trong điểm sách dưới nhan đề Contesting Confucius là tiếng nói thứ ba trong cuộc tranh biện này. [Xem: Tranh Biện Tư Tưởng Trung Quốc]

No comments: