Quan hệ Việt-Mỹ và vấn đề trang bị nguyên tử cho Việt Nam
Trần Bình Nam
Chữ “nguyên tử” ở đây có thể hiểu là nguyên tử sản xuất điện lực hay vũ khí nguyên tử. Nói đến sự chế tạo vũ khí nguyên tử là nói đến một cái gì “cấm kỵ” trên thế giới chờ đợi sự phản đối và tố cáo từ mọi phía, nhất là phía của kẻ mạnh được quyền có vũ khí nguyên tử (Hoa Kỳ, Trung quốc, Liên bang Nga, Anh và Pháp).
Sau khi chứng kiến hai quả bom nguyên tủ cỡ nhỏ tàn phá hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật năm 1945, lương tâm thế giới đồng thuận một điểm: “thế giới này tốt đẹp hơn nếu không có vũ khí nguyên tử.” Nhưng quá trễ. Sự mong muốn đơn giản đó không thực hiện được. Con quỷ nguyên tử đã ra khỏi miệng bình không vị thần nào có phép thần thông bắt nhốt nó lại vào bình. Thế giới đành chấp nhận sống chung với quỷ sa tăng. Nhưng trớ trêu là nhờ sự có mặt của quỷ sa tăng mà từ năm 1945 đến nay đã không xẩy ra trận thế giới đại chiến thứ 3. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết hai lần đụng độ nhau. Một lần năm 1948 khi Liên Xô phong tỏa tây Bá Linh và Hoa Kỳ dùng cầu không vận bay qua lãnh thổ Đông Đức tiếp vận cho Bá Linh. Và một lần năm 1962 khi Liên Xô lén đặt hỏa tiễn nguyên tử tại Cuba nhắm vào Hoa Kỳ và Hoa Kỳ cho phong tỏa Cuba.
Cả hai lần Liên Xô xuống thang vì không muốn thấy một trận chiến tranh nguyên tử mà cả hai chắc chắn sẽ bị hủy diệt. Tại Trung Đông. Năm 1973 Ai Cập đánh lén Do Thái và sau đó biết Do Thái đã có một kho bom nguyên tử nhưng không chính thức công bố (1), khối A Rập vĩnh viễn từ bỏ ý đồ tiêu diệt Do Thái. Hai nước Ấn Độ và Pakistan tranh giành vùng Kashmir, một mất một còn cũng không đi đến chiến tranh toàn diện vì cả hai đều có vũ khí nguyên tử. Việt Nam bị Trung quốc đe dọa từ trận đánh biên giới đầu năm 1979. Đến năm 1992 Việt Nam rơi vào thế kẹt sau khi Liên Xô sụp đổ phải làm hòa với Trung quốc và bị Trung quốc uy hiếp đủ điều. Nạn mất nước của Việt Nam trở thành một hiện thực càng ngày càng rõ nét.
Trong chiến lược đối đầu với Hoa Kỳ để vươn lên thành siêu cường, Trung quốc có nhu cầu thôn tính Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam bỗng có một mối lo chung. Việt Nam phải làm gì để sống còn? Hoa Kỳ phải làm gì để trì hoãn cuộc chạm trán với Trung quốc tại Biển Đông? Câu trả lời “unthinkable” chung cho hai câu hỏi trên là: Hoa Kỳ giúp Việt Nam điều kiện trang bị vũ khí nguyên tử để tránh một cuộc tấn công phủ đầu ồ ạt của Trung quốc trên đất liền và ngoài Biển Đông.
Nếu nhìn lại các động thái của Việt Nam và của Hoa Kỳ trong 15 năm qua chúng ta không khỏi thấy rằng Việt Nam và Hoa Kỳ đều nghĩ đến giải pháp này. Đầu năm 1995, Việt Nam quyết định trang bị lò điện nguyên tử ước tính hoạt động vào năm 2012. Tháng 4/1995 ông Đỗ Mười, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam công du Nam Hàn đã ngỏ ý mua lò điện nguyên tử của Nam Hàn (2). Năm 2001 Việt Nam và Hoa Kỳ ký một văn thư ghi nhận cách thức Việt Nam thủ đắc nhiên liệu và phát triển điện lực nguyên tử (3).
Tháng 4/2010 tổng thống Obama mời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự hội nghị thượng đỉnh về an toàn nguyên tử (Nuclear Security Summit) tại Hoa Thịnh Đốn. Và biến chuyển mới nhất, theo bài báo “U.S., Hanoi in Nuclear Talks” do ký giả Jay Solomon viết đăng trên tờ Wall Sreet Journal ngày 3/8/2010 thì bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang cùng với Việt Nam tiến hành các thủ tục cần thiết để Việt Nam có thể tinh chế chất Unranium. Tinh chế Uranium để làm gì? Câu trả lời ai cũng biết dù muốn hay không muốn nói ra. Và cũng không ai ngạc nhiên khi thấy Trung quốc đã lên tiếng cảnh giác.
Về việc này cách đây 15 năm tôi có đặt thành vấn đề trong một bài viết nhan đề: “Việt Nam đang nghĩ đến trang bị vũ khí nguyên tử”. Bài viết đó được trích lại nguyên văn ở đây để dùng làm kết luận bài viết này. Việt Nam đang nghĩ đến trang bị vũ khí nguyên tử Trần Bình Nam (Bài viết tháng 7-1995. Trích từ Tuyển Tập Bình Luận Chính Trị Tập II 1995-1996, trang 93) Khoảng giữa năm 1995 một bài báo đăng trên tờ Vietnam News, một tờ báo Anh Ngữ tại Việt Nam, tiết lộ rằng Bộ Năng Lượng Việt Nam đang có kế hoạch nghiên cứu khả năng trang bị lò điện nguyên tử. Tiền đầu tư cho dự án là 3 tỉ mỹ kim và dự trù hoạt động khoảng 2012 .
Kế hoạch này làm nhiều người ngạc nhiên . Ngạc nhiên vì nhiều lẽ. Đã đành Việt Nam là một nước đang phát triển và cần nhiều năng lượng trong tương lai, nhưng Việt Nam có nhiều dầu hỏa để chạy các nhà máy nhiệt điện . Đó là chưa nói đến khả năng thủy điện của Việt Nam chưa khai thác hết. Ngoài ra theo tài liệu của Cơ Quan Nguyên Tử Năng Quốc Tế tính đến đầu năm 1994, trong số 33 nước trên thế giới có lò điện nguyên tử không có nước nào trong Hiệp hội Asean. Việt Nam sắp trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội này . Tìm cách phát triển năng lượng là phóng nhìn đúng về tương lai, nhưng trong những điều kiện hiện nay của Việt Nam nghĩ đến lò điện nguyên tử phải chăng những người đang lãnh đạo Việt Nam có ẩn ý gì khác hơn là năng lượng? Đầu năm 1995 trong bản báo cáo “Việt Nam – Con đường phát triển tới năm 2020” do viện Nghên Cứu Dự Báo Chiến Lược Khoa Học và Công Nghệ thuộc Bộ Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường phổ biến không thấy đề cập đến năng lượng nguyên tử.
Cho nên quyết định nghiên cứu để trang bị lò điện nguyên tử dù ước tính đến năm 2012 mới sẵn sàng phải chăng là một tính toán đột xuất nảy sinh do kết quả của Thỏa Ước NPT và nhu cầu an ninh. Hội nghị nhằm hạn chế sự phổ biến vũ khí nguyên tử trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua tại New York tuy đồng ý kéo dài Thỏa ước NPT (Non Proliferation Treaty) vô hạn định nhưng ai cũng biết đó chỉ là một đồng thuận tạm bợ trước áp lực của 5 nước đang có vũ khí nguyên tử là Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Anh, Pháp và Trung quốc và cũng vì không ai đưa ra được một sáng kiến nào khác để giữ cho thế giới an toàn hơn trước tình trạng lan tràn của vũ khí nguyên tử.
Người ta không chờ đợi các nước trên thế giới thay đổi chính sách nguyên tử sau hội nghị hạn chế sự phổ biến vũ khí nguyên tử vừa rồi nếu không muốn nói là cảnh giác hơn trước thái độ của Pháp và Trung quốc. Mực của bản văn hội nghị chưa khô Trung quốc và Pháp đã đua nhau thí nghiệm vũ khí nguyên tử . Trên nguyên tắc, càng ít nước có vũ khí nguyên tử càng tốt nhưng chỉ tốt khi nào các nước khác không thể tự trang bị vũ khí nguyên tử, và các nước có vũ khí nguyên tử đồng thành tâm hủy bỏ các kho vũ khí của mình .
Tình trạng thế giới hôm nay không vậy. Nhiều nước, ngoài 5 nước chính thức, đã có vũ khí nguyên tử nhưng chưa công nhận . Nhiều nước khác có kiến thức khoa học và khả năng kỹ thuật để chế tạo vũ khí nguyên tử nhưng chưa chế tạo. Vì vậy sự hạn chế là vô phương và trở nên nguy hiểm. Thế giới hôm nay trở nên đa cực, sự thủ đắc vũ khí nguyên tử cũng cần đa phương. Đồng thuận một công thức đa phương nguyên tử phản ánh thực trạng của thế giới còn ít nguy hiểm hơn duy trì hiện trạng một cách gượng gạo .
Trước bối cảnh đó một sự tính toán cho riêng mình không phải là điều không hữu lý nói về lâu về dài. Việt Nam cũng có lý do để nghĩ đến vũ khí nguyên tử hơn bất cứ một quốc gia nào khác. Bên cạnh anh khổng lồ Trung quốc nhiều tham vọng có vũ khí nguyên tử chỉ chực nuốt lấy tài nguyên của mình bằng sức mạnh Việt Nam phải chuẩn bị cái gì để tự bảo vệ. Và phải chăng đó là tiến trình suy tư của các nhà lãnh đạo Việt Nam hiện nay. Sau khi Vietnam News tiết lộ kế hoạch thiết lập lò điên nguyên tử, ngày 21 tháng 4, 1995 đài BBC phỏng vấn ông Nguyễn Khuyến, chủ biên Vietnam News.
Ông Khuyến hơi lúng túng khi biện minh sự cần thiết của lò điện nguyên tử đối với Việt Nam. Theo ông Khuyến, thủy điện Việt Nam có nhưng không phải vô tận, các cơ sở nhiệt điện thì dầu hỏa không thiếu nhưng không sạch cho môi sinh. Khi được hỏi về kiến thức khoa học cần thiết ông Khuyến nói Việt Nam có nhiều khoa học gia từng theo học nguyên tử lực tại Liên bang Xô viết trước kia. Tuy nhiên có thể ông Khuyến trả lời cho qua chuyện.
Nhớ vụ lò nguyên tử của Liên bang Xô viết tại Chernobyl (gần Kiev, Ukraine) nổ tháng 4 năm 1986 làm hằng trăm người chết và hơn 135.000 người phải di tản mấy năm sau mới trở lại được và bụi phóng xạ rôi xuống nhiều vùng tại Âu châu đã sinh ra ung thư và hư thai và còn tiếp tục gây tác hại trong nhiều chục năm tới người ta không nghĩ Việt Nam sẽ tìm học kỹ thuật nguyên tử nơi Liên bang Nga . Theo tin tức, tháng 4 vừa rồi khi công du Nam Hàn, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã ngỏ ý muốn mua lò điện nguyên tử của Nam Hàn. Có lẽ Việt Nam sẽ tìm học kỹ thuật nguyên tử hiện đại tại các nước Á châu và trong khối dân chủ (dù Việt Nam nay chưa phải là một nước dân chủ ) Lò nguyên tử sản xuất điện lực là cơ sở tốt nhất để nghiên cứu và huấn luyên nhân sự cho ngành sản xuất vũ khí nguyên tử, và cũng là một cách điều chế nhiên liệu cho vũ khí nguyên tử .
Một cơ sở như Trung Tâm Nguyên Tử Lực trước kia ở Đà Lạt cũng là một cơ sở nghiên cứu tốt nhưng hình như sau năm 1975 chính quyền cộng sản không mấy lưu tâm cho nên dụng cụ trang bị và tài liệu nghiên cứu bị thất thoát, chuyên viên ngành nguyên tử lực của Việt Nam Công Hòa còn lại không được tin cậy, nhân viên mới thì không có khả năng và khi có chương trình đi lao động nước ngòai các nhân viên này đều được đi Đông Âu lao động như một đặc ân nên cơ sở này đã không đóng góp được gì trong sự phát huy khả năng hiểu biết về nguyên tử lực. Về phương diện khoa học và kỹ thuật ngành nguyên tử lực không phải là một ngành học khó nhất. \
Nguyên tắc tổng quát của bom nguyên tử thì hầu như ai cũng biết nhưng trở ngại là hiểu biết khoa học và kỹ thuật liên hệ không được phổ biến. Nhân (nucleus) của nguyên tử chất Uranium 238 (U-238) có 238 trung hòa tử (chất Plutonium 239 có 239 trung hòa tử trong nhân) ở một trạng thái ít cân bằng nên nếu được bắn bằng một trung hòa tử có tốc độ thích hợp nguyên tử U-238 có thể bị vỡ đôi làm tung tóe các trung hòa tử khác bay tứ tung như những viên đạn trung hòa tử khác . Khi một nguyên tử U-238 vỡ đôi vật chất bị thất thoát và tỏa ra một năng lượng lớn như công thức liên hệ giữa vật chất và năng lượng (E= mc2) của nhà bác học Einstein.
Mặc khác, các viên đạn trung hòa tử do sự vỡ đôi một nhân U-238 tạo thành, nếu đủ điều kiện sẽ có khả năng bắn vỡ các nguyên tử U-238 khác ở chung quanh và cứ thế tiếp tục thành phản ứng dây chuyền làm tiêu hao thanh Uranium và tỏa ra một khối năng lượng khổng lồ dưới hình thức nhiệt và sức ép, tạo ra hiện tượng nổ nguyên tử hay nôm na là bom nguyên tử. Vấn đề then chốt là làm thế nào để tạo ra phản ứng dây chuyền. Chất Uranium trong thiên nhiên là chất U-235 có nhân rất vững không thể bị bắn vỡ .
Chất U-238 có thể bị bắn vỡ chỉ chiếm 1 phần 140 trong U-235 thiên nhiên . Cho nên việc đầu tiên là lọc chất U-235 để tăng tỉ số chất U-238 lên mới có cơ may phá vỡ. Kỹ thuật lọc này (gọi là tinh chế - enrichment) rất cao và là một bí mật quốc phòng của các quốc gia có vũ khí nguyên tử. Nhưng có U-235 đủ lượng U-238 cũng chưa chắc sẽ có phản ứng dây chuyền nếu khối lượng và hình thù của khối Uranium bị bắn không thích hợp. Trong ngành vũ khí ngưòi ta gọi khối lượng này là “khối tới độ” (Critical mass).
Tính toán “khối tới độ” đòi hỏi những hiểu biết toán học cấp cao phức tạp và các công thức và phương pháp tính toán cũng còn là những bí mật quốc phòng. Một quốc gia muốn trang bị vũ khí nguyên tử phải tự giải quyết hai vấn đề kỹ thuật (tinh chế chất Uranium) và khoa học (tính toán “khối tới độ”) vì không ai chuyển nhượng các hiểu biết này nếu không muốn nói có thể bị thế giới trừng phạt. Với đà phát triển kinh tế hiện nay và óc khoa học thiên phú của người Việt, Việt Nam có thể tự giải quyết các vấn đề trên, nhưng đó không phải là con đường dễ đi.
Con đường qua các lò nguyên tử sản xuất điện lực dễ đi hơn. Các lò nguyên tử này sản xuất ra chất Plutonium 239 (P-239) có nhân không vững như chất U=238 và cũng có thể dùng để chế tạo bom nguyên tử. (Chúng ta không bàn đến bom khinh khí do hiện tượng đúc chảy các nguyên tử khinh khí dưới nhiệt độ cao do mộtquả bom nguyên tử nhỏ cung cấp.) Không biết các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam đang tính toán gì.
Nhưng trong tình hình thực tế hiện nay dù thỏa ước NPT được kéo dài vô hạn định thế giới vẫn “đồng sàng dị mộng”, và việc nhiều nước trên thế giới, ngoài 5 nước chính thức có vũ khí nguyên tử sẽ có vũ khí nguyên tử là điều thế nào cũng xẩy ra trong thập niên tới thì việc chuẩn bị để tự vệ là một việc hợp lý thôi./. (Tháng 7/1995)
**
Trần Bình Nam August 7, 2010 binhnam@sbcglobal.net www.tranbinhnam.com (1) “Do Thái và bom nguyên tử”
Trang nhà www.tranbinhnam.com tài liệu số 357– Bình Luận. Link: http://www.tranbinhnam.com/binhluan/DoThaiVaBomNguyenTu.htm (2)
“Việt Nam đang nghĩ đến trang bị vũ khí nguyên tử” Tuyển Tập Bình Luận Chính Trị - Tập II 1995-1996, Trần Bình Nam, trang 93. (3) “U.S., Hanoi in Nuclear Talks”, by Jay Solomon, Wall Street Journal số ngày 3/8/2010
No comments:
Post a Comment