Thursday, August 12, 2010

RFI * PHỎNG VẤN DƯƠNG DANH DY




Thứ năm 29 Tháng Bẩy 2010
Không nên coi nhẹ phái diều hâu tại Trung Quốc - Dương Danh Dy

Hàng không mẫu hạm Trung Quốc (DR)
Hàng không mẫu hạm Trung Quốc (DR) Đức Tâm


Trong những ngày vừa qua, Trung Quốc đã có phản ứng gay gắt trước lời kêu gọi của Hiệp hội Đông Nam Á – ASEAN - và Hoa Kỳ cần phải tôn trọng quyền tự do thông thương đường biển và trên không tại vùng Biển Đông. Bắc Kinh phản đối quốc tế hóa và chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ song phương. Giới phân tích cho rằng chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông đã thúc đẩy ASEAN phải có lập truờng chung và hợp tác với Mỹ để đối phó. Cũng chính những ý đồ của Trung Quốc muốn kiểm soát, khống chế Biển Đông, hạn chế các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển quốc tế đã buộc Hoa Kỳ phải quan tâm trở lại khu vực này.

Đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ như vậy, Bắc Kinh có thể phản ứng tới mức độ nào ? Theo ông Dương Danh Dy, chuyên gia về Trung Quốc, thì không nên coi nhẹ phái hiếu chiến tại Trung Quốc. Khi nói đến vai trò quan trọng của Hoa Kỳ trong hồ sơ Biển Đông, ông nêu ra hai suy nghĩ : thứ nhất là một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, tỏ ra thận trọng về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc. Vấn đề thứ hai là dường như người Mỹ chưa thực sự hiểu được giới lãnh đạo Trung Quốc. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn chuyên gia Dương Danh Dy.
RFI : Xin chào chuyên gia Dương Danh Dy, tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN lần thứ 43 cũng như trên Diễn đàn an ninh khu vực ARF vừa được tổ chức trong tuần trước tại Hà Nội, các nước Đông Nam Á và Hoa Kỳ đều khẳng định quyền tự do thông thương trên biển và trên không tại vùng Biển Đông. Thậm chí, ngoại trưởng Mỹ, bà Hillary Clinton còn nhấn mạnh là việc giải quyết các tranh chấp về chủ quyền tại Biển Đông có vai trò then chốt trong việc bảo đảm ổn định trong khu vực. Phải chăng lần này, do thái độ hung hăng của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông đã buộc cả ASEAN và Mỹ phải lên tiếng và bày tỏ thái độ ?

Chuyên gia Dương Danh Dy : Tôi nghĩ, câu hỏi đã nói rõ phần nào rồi. Nhưng tôi xin nói thêm. Thái độ của Trung Quốc đối với Biển Đông bắt đầu chuyển biến từ tháng hai, tháng ba năm 2009 đã có những biến chuyển xấu, như chuyện họ thành lập đoàn tàu ngư chính đi tuần tra hải đảo, xua đuổi ngư dân các nước, đâm vỡ tàu các nước.
Nhưng bắt đầu từ tháng ba năm 2010, có một số sự kiện mà tôi nhắc lại đây để các độc giả, thính giả của RFI và các bạn khác ở trên thế giới biết rằng ngày mồng một tháng ba năm 2010, luật bảo vệ hải đảo nước CHND Trung Hoa chính thức được thực thi. Phân cục Biển Đông cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc, cục Hải dương và nghề cá tỉnh Quảng Đông đã quy hoạch bảo vệ tỉnh Quảng Đông đã hoàn thành bản thảo đầu tiên và báo cáo lên trên, trong đó có việc công khai đấu thầu quyền sử dụng một hai hòn đảo không có người ở thuộc tỉnh này.

Tôi đã cảnh báo tin này. Nhưng hình như dư luận thế giới không chú ý tin này lắm. Và gần đây tỉnh Hải Nam cũng đề xuất vấn đề trên, Quảng Đông không liên quan đến Biển Đông nhưng Hải Nam thì động chạm trực tiếp tới các nước có liên quan rồi.
Cũng trong tháng ba, Trung Quốc đã ngầm nói với James Steinberg (thứ trưởng Ngọai giao Mỹ) rằng Trung Quốc đặt Biển Đông là khu vực lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Lúc đó, họ chỉ nói ngầm thôi. Nhưng đến ngày 13/07/2010, Tần Cương, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đưa ra định nghĩa rõ ràng : Chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển quốc gia đều thuộc lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.


Trước đây, Trung Quốc chỉ quy định Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương là lợi ích cốt lõi của họ. Và bây giờ Biển Đông đã được nhà cầm quyền Trung Quốc tuyên bố cũng thuộc phạm vi trên.
Đây là lần đầu tiên, Biển Đông được Bắc Kinh chính thức coi là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Cần phải thấy, từ ngữ « cốt lõi » ẩn chứa hàm nghĩa khi lợi ích này bị xâm phạm thì Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để bảo vệ. Rõ ràng là Trung Quốc đã và đang có sự chuẩn bị ráo riết về các mặt cho công việc này.


Cho nên trước thái độ hung hăng, ngang ngược, bá quyền của Trung Quốc như vậy ở Biển Đông, tất nhiên, các nước ASEAN và cả người Mỹ nữa phải có một sự nhìn nhận lại và thấy rằng không thể không tìm cách, không có biện pháp để đối phó với ý đồ bành trướng, bá quyền đó.


RFI : Cách nay vài ngày, Trung Quốc đã có phản ứng về những đề nghị của ASEAN và của Mỹ cần phải tiến hành đàm phán và giải quyết hòa bình và cần phải tôn trọng quyền tự do thông thương đường biển, trên không ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc phản đối việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Anh nhận định thế nào về phản ứng của Trung Quốc, liệu Trung Quốc dám dùng vũ lực để bảo vệ quyền lợi của mình hay không ?


Chuyên gia Dương Danh Dy : Tôi xin nói thẳng rằng người Trung Quốc đã sẵn sàng. Trong một bài viết cách đây cũng khá lâu, tôi đã cung cấp thông tin là 92% dân mạng Trung Quốc đồng ý dùng vũ lực để giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Lúc đó, dân mạng có khoảng 380 triệu. Hiện nay là 420 triệu. 90% của 400 triệu tức là có khoảng 360 triệu dân mạng Trung Quốc sẵn sàng. Dân mạng Trung Quốc, theo tôi, phần đông là những người trẻ, có tri thức, có hiểu biết mà họ còn quan niệm như vậy.

Gần đây, ông Lương Quang Liệt, bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, trong một buổi phát biểu nội bộ, đã nói rằng chúng ta phải sẵn sàng cả hai tay. Cả hòa bình, cả chiến tranh và tay nào cũng phải cứng. Cho nên, chuyện Trung Quốc dùng vũ lực ở Biển Đông không phải là chuyện có thể mà khả năng chắc chắn có thể xẩy ra nếu như tham vọng bành trướng và bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông không bị ngăn chặn.


Quay lại Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông mà ASEAN ký với CHND Trung Hoa năm 2002, tôi phải nói thẳng là những người lãnh đạo ASEAN lúc đó đã có cái nhìn khá xa về âm mưu của Trung Quốc ở Biển Đông. Cho nên, trong điều 5 có viết là các bên cam kết tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp và gia tăng tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định, v.v. kể cả không tiến hành các hoạt động đưa người đến sinh sống trên các đảo, bãi đá ngầm, bãi cát ngầm, dải đá ngầm và những cấu trúc khác hiện chưa có người sinh sống.


Như vậy, ngay từ năm 2002, người ta đã dự tính đến chuyện này và đến năm 2010, cái điều mà Tuyên bố ứng xử đã đề phòng, e ngại, thì bây giờ xẩy ra. Trung Quốc công khai tuyên bố là họ sẽ bán đấu thầu quyền sử dụng những đảo không có người ở tại Biển Đông.


RFI : Đứng trước phản ứng dữ dội và quyết liệt của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, theo anh nhận định thì Mỹ sẽ có thái độ ra sao ?


Chuyên gia Dương Danh Dy : Vừa rồi, người ta cứ nói là ASEAN đoàn kết, rồi Mỹ trở lại. Nói rất nhiều về chuyện này. Theo tôi, đúng là nội bộ ASEAN là một khối đoàn kết thống nhất và càng ngày càng đoàn kết thống nhất hơn. Nhưng một trong những nguyên nhân đẩy mạnh sự đoàn kết và thông cảm trong nội bộ khối ASEAN chính là do tác nhân Trung Quốc. Việc Mỹ quay trở lại Biển Đông, tuyên bố mạnh mẽ hơn về Biển Đông là chính do người Trung Quốc gây ra, chứ không phải do ai cả.


Ngày 07/07 vừa rồi, tôi dự hội thảo Việt-Mỹ nhân dịp 15 năm hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Đại sứ của Mỹ tại Việt Nam tuyên bố thái độ rất là mập mờ, nước đôi về Biển Đông. So với những tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ bà Hillary Clinton trong cuộc họp với các ngoại trưởng ASEAN thì khác hẳn. Rõ ràng là Mỹ đã tiến một bước rất dài trong vấn đề này.


Theo tôi, ngoài những nguyên nhân lợi ích của Mỹ sẽ bị động chạm nếu Trung Quốc tiến hành những việc mà họ đã tuyên bố ở Biển Đông, thì mọi việc do chính Trung Quốc gây ra. Nếu Trung Quốc không có tuyên bố, không có hành động như vậy, tôi nói thẳng, chưa chắc là Mỹ có sự quay trở lại và đã có những tuyên bố mạnh mẽ như vậy.


RFI : Xem xét sự ràng buộc về quyền lợi giữa Mỹ và Trung Quốc, nhìn về quá khứ, anh có nghĩ rằng một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, vẫn có thể có hoài nghi về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc ?


Chuyên gia Dương Danh Dy : Là người có quá trình theo dõi quan hệ Trung-Mỹ từ những năm 50 và đặc biệt là từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ đến nay, tôi thấy quan hệ Trung-Mỹ có nhiều vấn đề phải nghiên cứu. Nhìn vào quan hệ Trung-Mỹ, đối với người Việt Nam cũng như với một số nước khác trong ASEAN, như Philippines chẳng hạn, thì đúng là còn những nghi hoặc, còn chưa tin người Mỹ.
Tôi xin nói thật, người Mỹ tính toán rất sòng phẳng, rất tàn nhẫn. Khi thấy không có lợi là lập tức họ cắt cầu, không còn tình, còn nghĩa gì cả.


Mặc dù không muốn khơi lại chuyện cũ, tôi vẫn xin đưa ra thí dụ. Khi thấy tình hình Nam Việt Nam không xong, sẽ thất bại, thì người Mỹ sẵn sàng từ bỏ mọi cam kết.
Tháng giêng năm 1974, họ bật đèn xanh cho người Trung Quốc xâm chiếm, lấy nốt nửa Hoàng Sa của Việt Nam, từ tay chính quyền Sài Gòn, cũng là do Mỹ bực tức, hậm hực trước thất bại ở Việt Nam.

Tháng giêng năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình sang thăm Mỹ, gặp tổng thống Carter đã nói rõ là sẽ đánh Việt Nam. Tổng thống Mỹ lúc đó không dám phản đối, không dám can thiệp, thậm chí còn giữ im ý đồ đó, không cho thế giới biết. Những việc này làm cho người Việt Nam không tin.

Đối với Philippines, hiện nay, Mỹ vẫn coi là đồng minh. Mọi người đều biết trước đây, căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại Philippines, v.v.
Cho nên, tôi cho rằng nếu Trung Quốc cho Mỹ một lợi ích gì đó, lớn hơn Biển Đông thì chắc chắn là người Mỹ không từ chối và lúc đó, người ta cũng sẽ bỏ Biển Đông. Chỉ có điều là hiện nay, Biển Đông có lợi ích quá lớn mà Trung Quốc, theo tôi tính, thì không thể có gì tương xứng để cho Mỹ cả.
Mặt khác, nói cho công bằng, khi người Mỹ đã thấy ra vấn đề thì họ làm, họ sửa.


RFI : Đặt giả thuyết Mỹ có thái độ kiên quyết trong việc bảo vệ quyền tự do thông thương ở vùng Biển Đông và Mỹ muốn đối phó với Trung Quốc. Vậy theo anh, Mỹ có thể làm được hay không. Sở dĩ tôi nêu vấn đề này, bởi vì trong một bài phân tích gần đây, anh có nhấn mạnh đến một việc : Mỹ không hiểu Trung Quốc. Là một chuyên gia nghiên cứu từ nhiều năm nay về Trung Quốc, xin anh giải thích rõ hơn điểm này ?



Chuyên gia Dương Danh Dy : Tôi phải nói thêm một điều trước khi trả lời câu hỏi này. Tại Hội nghị ở Hà Nội, ngoại trưởng Dương Khiết Trì không trả lời gay gắt lắm đâu. Báo chí chính thức, mạng chính thức của Trung Quốc cũng không phản đối gay gắt lắm đâu. Nhưng mấy hôm gần đây, tôi vào mạng và thấy, từ ông Dương Khiết Trì cho đến tất cả các báo chính thức, Hoàn Cầu thời báo, báo Nhân Dân, các báo mạng quân sự của Trung Quốc, đều phê phán Mỹ trở lại Biển Đông, phê phán Việt Nam lợi dụng danh nghĩa chủ tịch ASEAN để lôi kéo Mỹ trở lại Đông Nam Á v.v.

Biển Đông là lợi ích sống còn của Mỹ, rất thiết thân cho Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Biển Đông mà phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc hay Biển Đông có chiến tranh, có nổi sóng, thì Mỹ không yên. Cho nên, chúng tôi tin vào sự trở lại của nước Mỹ. Nhưng, ngoài lợi ích mà Trung Quốc có thể cho Mỹ, lớn hơn cả Biển Đông, thì tôi còn ngại một điểm nữa. Tức là người Mỹ, các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách của Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc chưa sâu và chưa thấy hết, xin lỗi là tôi phải dùng cái chữ âm mưu, thủ đoạn, những sách lược trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc.

Tôi muốn đưa một ví dụ về kinh tế. Khi người Mỹ thấy rằng giá của đồng nhân dân tệ không đúng với thực tế, cho nên Trung Quốc rất có lợi, thì mỗi lần bị ép, Trung Quốc chỉ nhích lên, tăng lên một tí. Thế là làm cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ hả hê : À hóa ra Trung Quốc cũng nhượng bộ mình đây. Nhưng thực ra, giá trị vừa rồi họ nâng giá là 0,43%, trong khi đó, ông Obama nói là đồng Nhân dân tệ phải nâng lên 20% thì mới đúng giá trị thực của nó. Hay là khi thặng dư mậu dịch của Trung Quốc đối với Mỹ quá cao. Mỹ phàn nàn, thì lập tức họ đặt một đơn hàng một vài tỷ đô la về máy bay Boeing thế là Mỹ hài lòng, cho rằng Trung Quốc nhượng bộ. Nhưng thực ra, Trung Quốc vẫn giữ phần lợi về họ.


Còn trong việc đánh giá Trung Quốc, trong bài góp ý với ông (Joseph) Nye, tôi xin mạn phép nói lại. Ông Nye có nói rằng muốn hạn chế Trung Quốc thì phải làm cho Trung Quốc thấy cái giá mà họ phải trả là đắt. Nhưng tôi đã nói lại rằng với người Mỹ, với chúng ta, ai cũng nghĩ sinh mạng là cái giá đắt nhất. Người Mỹ khi hy sinh đến 50 000 ở Việt Nam là thấy ớn rồi. Hơn 10 000 ở Afghanistan là thấy ớn rồi. Nhưng người Trung Quốc thì từ ông Mao Trạch Đông, cho đến ông Đặng Tiểu Bình và cho đến ông Trì Hạo Điền bây giờ, người ta sẵn sàng hy sinh một nửa dân Trung Quốc. Người ta không sợ. Một nửa dân Trung Quốc thời Mao Trạch Đông là 300 triệu người. Thời ông Đặng Tiểu Bình là 500 triệu người. Thời ông Trì Hạo Điền hiện nay là 700 triệu người. Cho nên người Mỹ đánh giá Trung Quốc không đúng.


Có mấy vị giáo sư rất nổi tiếng mà tôi không tiện nêu tên, hy vọng rằng với những số sinh viên đi học ở Mỹ, ở Tây Âu về thì sẽ cải thiện được tình hình dân chủ ở Trung Quốc. Tôi đã chỉ ra rằng, 30 năm mở cửa của Trung Quốc, thì những người tốt nghiệp đầu tiên đã có 25 năm, tức là một phần tư thế kỷ công tác ở Trung Quốc. Liệu đã có ai vào được Bộ Chính trị (Đảng cộng sản Trung Quốc) trong số những người này chưa ? Liệu có ai vào Trung ương chưa ? Liệu có ai làm được bộ trưởng chưa ? Có thay đổi được không khí dân chủ ở Trung Quốc hay không ?

Tôi xin nói thật. Dân Trung Quốc rất tốt, rất anh hùng, rất vĩ đại. Nhiều người đối xử rất khảng khái, vô tư, anh hùng, trượng nghĩa. Tôi ở Trung Quốc nhiều năm, tôi biết. Nhưng tôi có cảm giác, đã là người lãnh đạo của Trung Quốc thì có thể nói là 99,9% trong số họ luôn luôn đại diện cho lợi ích nước lớn. Bây giờ đương là lúc Trung Quốc dấu mình chờ thời. Họ rút kinh nghiệm cái thời Mỹ và Liên Xô đấu tranh với nhau về hệ tư tưởng, chính trị thì thành phe thành khối, quân sự thì thành Vacxava, thành NATO, v.v. Cứ đối nhau chan chát. Cuối cùng, Liên Xô thua Mỹ. Cho nên bây giờ, họ không dại gì đối đầu trực diện với Mỹ. Những cái nào họ thấy chưa đủ lực, chưa đủ sức, chưa hợp thời cơ để đấu Mỹ thì họ vui lòng khuất phục, họ cam chịu.

Nhưng tôi tin rằng cái thời kỳ đó không còn dài nữa. Bởi vì ngay trong nội bộ người Trung Quốc, chúng ta đã thấy những khuynh hướng hiếu chiến rất rõ. Cuốn « Người Trung Quốc có thể nói không », xuất bản cuối thế kỷ trước, và gần đây nhất là cuốn « Người Trung Quốc không vui » cũng đều cho thấy tư tưởng bá quyền.



Tôi xin nói thêm, bài của thượng tướng Trì Hạo Điền, nguyên bộ trưởng bộ Quốc phòng Trung Quốc viết gần đây mà tôi đã giới thiệu, tôi đã dịch ra tiếng Việt, để cho thấy rằng phái diều hâu, phái chủ chiến ở Trung Quốc rất mạnh. Cho nên tôi thực lòng mà nói với các bạn Mỹ là đừng ảo tưởng đối với một số người lãnh đạo Trung Quốc.
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100729-khong-nen-coi-nhe-phai-dieu-hau-tai-trung-quoc

No comments: