Nhật báo chính bằng tiếng Anh của Trung Quốc, China Daily, Bấm xem sự kiện tàu Mỹ USS George Washington thăm Việt Nam là thêm bằng chứng "Hà Nội một lần nữa thách thức chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa [Hoàng Sa]".
Tàu sân bay thuộc biên chế Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ có căn cứ tại Nhật Bản đang ở ngoài khơi Việt Nam, trong một phần hoạt động kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.
Truyền thông nhà nước Việt Nam xác nhận một "đoàn cán bộ liên ngành" đã lên thăm con tàu vào hôm 08/08.
Bài báo đăng trên trang nhà của China Daily ghi nhận sự có mặt của tàu sân bay và nhắc lại chỉ mới tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc tiến hành khảo sát địa chấn, san lấp và mở rộng đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói nước này phản đối mọi bình luận và hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Hoàng Sa và vùng biển kế cận ở Biển Đông.
China Daily dẫn lời ông Su Hao, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản lý Xung đột và Chiến lược thuộc Học viện Ngoại giao của Trung Quốc, khẳng định Trung Quốc "là nước đầu tiên phát hiện và đặt tên cho Tây Sa ở Nam Hải và cũng là nước đầu tiên chính thức đặt Nam Hải dưới quyền quản lý của chính phủ."
Tiếp lời, ông Xu Liping của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhắc lại rằng khi Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao, thì không thấy nhắc chủ quyền Trung Quốc ở Tây Sa và vùng biển lân cận.
Ông này cáo buộc Việt Nam "nay đang thách thức nguyên trạng lâu nay mà chẳng có bằng chứng lịch sử và pháp lý, và bình luận của nước này trùng khớp với quan điểm của Mỹ".
Ông Su Hao cho rằng Việt Nam đã "cố tình" đưa ra vấn đề Biển Đông ở Diễn đàn Khu vực Asean tại Hà Nội, nơi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Mỹ quan tâm giải quyết tranh chấp biển đảo.
Ông Su Hao nói Việt Nam "định quốc tế hóa vấn đề, để họ có thể là đối trọng mạnh hơn trước Trung Quốc, nhờ sự yểm trợ của Mỹ".
Nhưng ông này cho rằng hai nước Mỹ - Việt "sẽ chẳng quá thân thiết, hiện tại họ chỉ lấy của nhau những gì họ đang cần mà thôi".
'Cân bằng'
Các chiến lược gia Trung Quốc không phải là người duy nhất đặt chuyến thăm của tàu USS George Washington nằm trong một phần chiến lược lớn hơn của Mỹ tại Đông Nam Á.
Cây bút Margie Mason của hãng tin AP, khi thăm con tàu ở Đà Nẵng hôm 08/08, đã viết rằng siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ đến đây để gửi đi thông điệp rằng "Trung Quốc không phải là tay chơi lớn duy nhất trong vùng".
Bài của AP dẫn lời đại úy Ross Myers, tư lệnh phi đội chiến đấu trên tàu sân bay, nói: "Ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của Biển Đông, và quyền tự do hàng hải là điều quan trọng đối với cả Việt Nam và Mỹ."
Các viên chức hải quân Mỹ, theo AP, nói khi con tàu USS George Washington đi vào Biển Đông trong mấy ngày qua, họ đã thấy tàu hải quân Trung Quốc đi theo và giữ khoảng cách với tàu của Mỹ.
Ký giả Margie Mason dẫn lời giáo sư lâu năm về Việt Nam, Carlyle Thayer, nói: "Việt Nam không ủng hộ kiềm chế Trung Quốc, nhưng giống như phần lớn các nước ASEAN khác, họ muốn thấy có các siêu cường khác hiện diện cân bằng lẫn nhau.”
Ông nói thêm: “Không phải tinh tế lắm cũng nhìn thấy Việt Nam muốn Hoa Kỳ hiện diện trong khu vực để cân bằng lực lượng với Trung Quốc.”
Tin cho hay tàu khu trục USS John McCain cũng sẽ cập cảng Việt Nam trong tuần này, và có các hoạt động luyện tập và trao đổi văn hóa.
Tập trận
Con tàu USS George Washington mới đây cũng là một phần trong sự chỉ trích của Trung Quốc, khi diễn ra cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nam Hàn.
Hồi tháng Bảy, ban đầu Mỹ định gửi con tàu này ra Hoàng Hải - biển nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên - tham dự cuộc tập trận nhằm cảnh cáo Bắc Hàn.
Nhưng Trung Quốc phản đối. Bấm Tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc, nói Trung Quốc phản đối cuộc tập trận gần lãnh hải nước này.
Điều này khiến Lầu Năm Góc phải đồng ý tiến hành cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản, ở phía đông bán đảo Triều Tiên.
Nhưng tuần rồi, trong một diễn biến khiến Trung Quốc bất mãn, Lầu Năm Góc tuyên bố phần hai của cuộc tập trận sẽ lại được chuyển về Hoàng Hải.
Người ta dự đoán cuộc diễn tập mới sẽ diễn ra từ 16 tới 26 tháng Tám.
Các bài bình luận trên báo chí Mỹ những ngày vừa qua nghiêng về quan điểm rằng chính phủ Barack Obama, sau thời gian đầu lấy lòng Trung Quốc, thì nay cảm thấy chiến lược đó không hiệu quả.
Viết trên tạp chí Forbes, nhà nghiên cứu Bấm Gordon Chang nói lãnh đạo Trung Quốc dạo gần đây "đòi hỏi thêm bằng chứng vâng lời từ Washington".
Ông này nói việc chuyển cuộc tập trận ra Hoàng Hải là cách người Mỹ nói rằng: "Chúng tôi hy vọng quý ngài hiểu là chúng tôi đã chán ngấy đòi hỏi không ngừng nghỉ của quý ngài."
Trong khi đó, một bài ra hôm nay của Bấm Nhân dân Nhật báo tiếp tục phản đối việc Mỹ dự định tập trận ở Hoàng Hải.
Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ vừa loan báo các hoạt động hợp tác với hải quân Việt Nam, kéo dài trong một tuần bắt đầu từ 08/08.
Các hoạt động dồn dập giữa Việt Nam và Mỹ trong vùng Biển Đông, theo giới phân tích, chắc chắc sẽ gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy từ Hà Nội bình luận với BBC về thái độ của Trung Quốc trước các hoạt động gần đây tại Biển Đông.
Ông Dương Danh Dy: Theo tôi được biết, bắt đầu từ tháng 3/2010, Trung Quốc đã thông báo cho Mỹ biết rằng Biển Đông là "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc.
Tuy nhiên tới tháng Bảy, người phát ngôn Tần Cương của Trung Quốc mới giải thích rõ ràng rằng "lợi ích cốt lõi là chủ quyền, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích phát triển quốc gia của Trung Quốc".
Trước kia chỉ có Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, nay thì lần đầu tiên Biển Đông được liệt vào dạng này.
Nói "lợi ích cốt lõi" có nghĩa là khi lợi ích này bị xâm phạm thì Trung Quốc sẽ dùng vũ lực để bảo vệ. Chúng ta có thể thấy gần đây Trung Quốc đã và đang có sự chuẩn bị dư luận ráo riết ở trong và ngoài nước cho công việc này.
BBC: Thưa ông, trước các hoạt động hiện đang diễn ra giữa hải quân Việt Nam và Mỹ, ông nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng theo hướng nào ạ?
Ông Dương Danh Dy: Một điều có người không để ý, là Việt Nam và Hoa Kỳ đang kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Vì thế, các hoạt động trao đổi dồn dập không có gì là bất thường.
Phía Trung Quốc thì tôi nghĩ cái làm họ tức giận nhất là tuyên bố của bà Hillary Clinton mới đây tại hội nghị ARF, rằng Biển Đông liên quan lợi ích quốc gia của Mỹ.
Trung Quốc đã phản ứng, phê phán tuyên bố đó rất mạnh.
Chúng ta không nên xem thường thái độ của phái diều hâu ở Trung Quốc. Chỉ trong mấy ngày đầu tháng Tám này, các mạng chính thức của Trung Quốc như mạng Hoàn Cầu, hay Phượng Hoàng, tức trang mạng đặt ở Hong Kong nhưng cũng chịu sự quản lý của chính quyền Trung Quốc, đều có rất nhiều bài nội dung hiếu chiến.
Chẳng hạn như 'Giải quyết vấn đề Biển Đông, hạt nhân là ở Việt Nam', rồi 'Biển Đông: tài nguyên phong phú, vị trí trọng yếu, Việt Nam đang điên cuồng tranh cướp với Trung Quốc', 'Việt Nam tăng cường cướp đoạt các đảo ở Trường Sa'...
Mạng Hoàn Cầu hôm 06/08 còn có bài viết 'Cuộc đại chiến ở Biển Đông sẽ là cuộc chiến tranh đầu tiên của Trung Quốc ở thế kỷ 21'. Có thể nói các mạng Trung Quốc hầu như ngày nào cũng có các bài về chủ đề này.
BBC: Vậy thưa ông, Việt Nam cần phải làm gì lúc này?
Ông Dương Danh Dy: Tôi nghĩ việc Hoa Kỳ có quan điểm rõ ràng về cam kết ở Biển Đông là điều rất đáng hoan nghênh.
Còn về phía Trung Quốc, tôi nghĩ họ cũng đang gặp nhiều vấn đề nội bộ, thiên tai nhân họa... mà theo quan sát của tôi thì cứ khi nào trong nội bộ đất nước họ có vấn đề thì thường họ hướng vấn đề ra bên ngoài để làm dịu bớt nhiệt ở bên trong.
Tất nhiên trong tình hình này thì Việt Nam phải có sách lược và tôi tin là những người lãnh đạo của Việt Nam có đủ bình tĩnh sáng suốt, tỉnh táo để đối phó.
Trước hết phải có sự chuẩn bị tư tưởng cho người dân trong nước. Việt Nam muốn chung sống hòa bình, làm láng giềng tốt của Trung Quốc, nhưng vẫn phải luôn luôn cảnh giác trước chính sách bành trướng - bá quyền của Bắc Kinh.
Việt Nam cần tăng cường quan hệ với các nước Asean, các cường quốc như Mỹ, Nga, Ấn Độ, các nước cùng cảnh ngộ như Nam Hàn...
Chiến tranh ở Biển Đông sẽ chẳng có lợi cho ai cả, nên tốt nhất là kiềm chế, giữ hòa bình.
Nếu như Trung Quốc buộc Việt Nam thì đành phải chấp nhận, nhưng nếu có thì cuộc chiến tranh lần này sẽ không giống cuộc chiến biên giới năm 1979 vì nhân dân Việt Nam sẽ không cam chịu như cuộc chiến 1979 nữa.
Một nhóm quan chức quốc phòng Việt Nam hôm 08/08 đã thăm hàng không mẫu hạm USS George Washington của Hoa Kỳ, đậu ở ngoài khơi Đà Nẵng.
Cử chỉ này được cho là thể hiện quan hệ ấm lên giữa Việt Nam và Mỹ.
Đồng thời, một số nhà bình luận coi chuyến thăm của chiến hạm George Washington là dấu hiệu của Mỹ gửi ra rằng Trung Quốc không phải là cường quốc duy nhất tại khu vực, sau những căng thẳng gần đây ở biển Đông.
Nhận định về sự kiện này, giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc cho biết:
GS Carl Thayer: Trung Quốc chắc chắn sẽ bày tỏ quan ngại, nhưng đây thực ra là màn thứ ba của một hồi kịch dài.
Năm ngoái, các quan chức quân sự Việt Nam đã tham quan tàu sân bay John Stennis ở Biển Đông. Tại Mỹ, phó đại sứ Việt Nam đã thăm hàng không mẫu hạm mới nhất của Mỹ là George H.W. Bush.
Và giờ đây, chúng ta chứng kiến chuyến thăm của tàu George Washington, vốn là chiến hạm đóng thường trực tại Thái Bình Dương, và tôi cho rằng kết nối các sự kiện này với nhau thì chắc là Trung Quốc sẽ tức giận.
BBC: Liệu chuyến thăm này có phải là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ sẽ theo đuổi cam kết mà bà Clinton tuyên bố ở Hà Nội vào tháng Bảy, là sẽ ưu tiên giải quyết tranh chấp biển Đông?
GS Carl Thayer: Chuyện này còn đi xa hơn thế.
Chính quyền của Tổng thống Obama muốn phản ứng trước quan điểm trong khu vực là Trung Quốc đi lên có nghĩa là sự lãnh đạo của Hoa Kỳ đã chấm dứt hoặc đang đi xuống.
Thế nên những hành động này - hay sự xuất hiện của ba tàu ngầm hạt nhân loại Ohio ở Busan, Hàn Quốc, vịnh Subic ở Philippines và Diego Garcia ở Ấn Độ Dương - là những biện pháp, trong đó có hải quân, mà Hoa Kỳ muốn chứng tỏ rằng đó là một kết luận hấp tấp khi cho rằng vai trò lãnh đạo của họ đang đi xuống.
BBC: Vậy theo ông chiến lược của Việt Nam muốn Hoa Kỳ tham gia vào giải quyết xung đột ở biển Đông có tác dụng đến đâu?
GS Carl Thayer: Tôi thấy là tại diễn đàn an ninh khu vực Asean vừa qua, Việt Nam - vốn trước đây thấy khó tìm kiếm đồng thuận trong Asean - chứng kiến 10 quốc gia đã bày tỏ quan ngại, cùng với Mỹ và VN.
Theo tôi, việc Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố thẳng thừng rằng họ không chấp nhận cơ sở mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại biển Đông, rằng chuyện này phải dựa trên luật pháp quốc tế, chắc là được các nước liên quan hoan nghênh, trong đó có Philippines, Malaysia và Việt Nam, vốn cũng nhận chủ quyền.
Đó là vì Trung Quốc chỉ nói họ có chủ quyền không thể chối cãi dựa trên lịch sử, mà không dựa vào công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc.
BBC: Việt Nam có nên lo lắng rằng chuyến thăm có thể khiến Trung Quốc có những động thái hung hăng hơn ở biển Đông?
GS Carl Thayer: Tôi nghĩ toàn khu vực phải bày tỏ quan ngại về mô hình các hoạt động hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc, mà chúng ta đã chứng kiến một số hoạt động mạnh tại biển Đông trong thời gian qua.
Các nước trong khu vực không muốn thấy họ bị kéo quá xa trong việc tận dụng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ không có khả năng có đụng độ quân sự ở mức nghiêm trọng giữa hai siêu cường này.
BBC: Theo ông, VN nên chuẩn bị những gì, nếu tính đến tiềm lực không mạnh và không đủ khả năng để mua các loại vũ khí, công nghệ hiện đại?
GS Carl Thayer: Việt Nam có thể không có khả năng mua được những loại vũ khí tối tân, nhưng việc họ có các động thái mua sáu tàu ngầm hạng kilo, rồi đặt mua thêm chiến đấu cơ Sukhoi Su-30MK2 của Nga…vv.. cho thấy Việt Nam đang có các biện pháp tự cứu mình. Họ đang mua các thiết bị để bảo vệ tài sản của mình, và đây là điều quan trọng.
Một điều nữa là VN vẫn còn sáu tháng nữa để nắm chức chủ tịch Asean, và sẽ chủ trì các phiên họp quan trọng, đặc biệt vào tháng Mười năm nay có hội nghị đầu tiên của các bộ trưởng Quốc phòng Asean với các đối tác và thượng đỉnh Asean với các đối tác lớn.
Thế nên thay vì biến chuyện này thành chuyện giữa Trung Quốc - Việt Nam, hay chuyện giữa Hoa Kỳ - Việt Nam - Trung Quốc, người ta nên biến chuyện này thành đa phương, với nhiều bên tham gia trong khu vực.
Vì thế, dạng tranh chấp Biển Đông, nói ví von, là đang được đưa ra tòa cấp cao hơn, lên cấp lãnh đạo, để giải quyết. Do vậy, Việt Nam có thể tìm cách tránh khó khăn này bằng cách đưa vấn đề chỉ từ cấp song phương như hiện nay lên cấp đa phương là tốt nhất.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/08/100809_carlthayer_ussgeorgewashington.shtml
No comments:
Post a Comment