Friday, August 13, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * RẰM THÁNG BẢY




Ngày rằm tháng bảy âm lịch còn đuợc gọi là ngày lễ Trung nguyên. Tại đây, hai tôn giáo cổ truyền là đạo ông bà và đạo Phật đã hòa hợp cùng nhau.
Những người thờ ông bà tin rằng ngày rằm tháng bảy là ngày " xá tội vong nhân" ,( người chết ở địa ngục được phóng thích )

Nho giáo và Phật giáo đều tin có ma quỷ, cõi tiên,cõi Phật, cõi địa ngục...Những người lương thiện, khi chết đi được lên cõi tiên hay đầu thai làm người. Còn những kẻ gian ác, bị bắt xuống địa ngục. Họ bị giam giữ tại đây và bị tra tấn, đánh đập tản nhẫn với những cách trừng phạt như lóc thịt, bỏ vào vạc dầu sôi...


Địa ngục

Nhưng đến tháng bảy âm lịch, những kẻ này được thả ra khỏi địa ngục. Cho nên tháng bảy là tháng có nhiều ma quỷ nhất. Những vong hồn có con cháu cúng quải thì được no đủ. Những ma quỷ không bà con,thân thích được gọi là những cô hồn thì đói khát, không nơi nưong tựa. Vua Lê Thánh tông và Nguyễn Du đã làm văn tế những vong hồn này.
Trong bài " Văn tế Thập Loại Chúng Sinh", Nguyễn Du viết:

Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt,
Toát hơi may, lạnh buốt xương khô.
Não người thay, buổi chiều thu,
Hoa lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng.
Đường bạch dương, bóng chiều man mác,
Dặm đường lê, lác đác sương sa.
Lòng nào, lòng chẳng thiết tha,

Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm !
Trong trường dạ ,tối tăm trời dất,
Cô hồn thường phảng phất u minh.
Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn, phách chiếc linh đinh quê người !
Hương lửa đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lửa bấy niên!

Còn chi ai khá ,ai hèn,
Còn chi mà nói kẻ hiền, người ngu !...



Vì quan niệm như vậy, cho nên ngày rằm tháng bảy, việc cúng tế được chia thành hai cấp, hay hai loại. Trong nhà thì cúng tổ tiên, ông bà...

Ngoài sân, trước cửa, người ta còn đặt lễ vật đơn bạc như bắp rang , cháo , bánh đa ,trái cây, hoặc gà vịt ... để cúng cô hồn. Cháo trắng được nấu chín, đổ ra trên những cái bồ đài làm bằng lá đa khoanh tròn, cuộn lại, hai đầu có cài que tre cho chặt. Sau khi gia chủ khấn vái xong, thì đồ cúng cô hồn được phát cho trẻ con, hoặc cho ăn mày.


Cúng cho ông bà là vì lòng thành kính, còn cúng cho cô hồn là vì tình thương, vì tâm từ bi thương khắp mọi chúng sinh. Cũng có lý do khác là mong các vong hồn phù hộ cho gia chủ.
Tại miền Bắc và miền Trung, người ta thường cúng vào ngày rằm. Còn trong Nam thì cúng ngày nào cũng được, miễn là trong tháng bảy. Những xe đò chạy đường trường phải cúng xe hàng năm . Cho nên chủ xe cúng cô hồn rất trọng thể, thường là cúng một con heo quay để cầu cho an toàn trên xa lộ. Các công ty, các cửa hàng cũng thường cúng nguyên cả con heo quay để sau đó chủ nhân và nhân viên đều ăn uống vui vẻ.

Trong ngày rằm, trẻ con tụ họp thành đàn đi cướp đồ cúng cô hồn.Cho nên tục ngữ có câu:
"Cướp cháo thí lá đa" . Khi chủ nhân cúng xong, thì lũ trẻ ào vào giành giật bánh trái, gà vịt..Ở điểm này, lễ trung nguyên có phần giống lễ Halloween ở Bắc Mỹ, nghĩa là trẻ con có dịp hoạt động. Ngày xưa, trẻ con có phép tắc, chúng chỉ cướp khi chủ nhân cúng xong và ra lệnh cho cướp. Bây giờ trẻ con, nhất là bọn du đảng quá lộng hành. Chủ nhà mới dọn ra thì đã bị cướp ngay trên tay. Bởi vậy, sau 1975 ,chủ nhà muốn cúng cô hồn thì phải canh giữ, hoặc đóng cửa lại mà cúng trong nhà hay sau vườn, hoặc sân trước.



Phật giáo khi truyền đến Á châu thì đã chú trọng đến chữ hiếu của dân chúng tại đây.Phật giáo đã kết hợp việc cúng Phật và cúng vong, lấy sự tích Mục Kiền Liên xuống địa ngục cứu mẹ làm ý nghĩa căn bản, đồng thời khuyếch trương việc bố thí các vong .( Việc bố thí các vong, hay các chiến sĩ tử trận thì chùa nào cũng đã làm thường ngày.) Việc báo hiếu và bố thí đi song hành với nhau.
Vu-lan (chữ Hán: 盂蘭; sa. ullambana) là từ viết tắt của Vu-lan-bồn (盂蘭盆), cũng được gọi là Ô-lam-bà-noa (烏藍婆拏), là cách phiên âm Phạn-Hán từ danh từ ullambana. Ullambana có gốc từ động từ ud-√lamb, nghĩa là "treo (ngược) lên". Thế nên các dịch giả Trung Quốc cũng dùng từ Đảo huyền (倒懸), "treo ngược lên" cho từ Vu-lan, chỉ sự khổ đau kinh khủng khi sa đoạ địa ngục.

Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước. Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ.

Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi tranh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ. Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời. Trong một số nước Á Đông, ngày lễ này thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 7 âm lịch, để tỏ hiếu với cha mẹ, ông bà và cũng để giúp đỡ những linh hồn đói khát[cần dẫn nguồn]. Ở Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 7 tháng 7 để tỏ những ước nguyện của mình, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
Mục Kiền Liên cứu mẹ

Tại chùa, các sư cũng tổ chức cúng cô hồn vào rằm tháng bảy. Tại miền bắc trước 1945, tư gia cũng như làng xã và chùa chiền thường lập đàn tràng. Làng xã hoặc tư gia thường mời pháp sư lập đàn tràng phá ngục, giải oan. Chùa chiền thi có tục chạy đàn, nghĩa là các sư sãi vừa chạy quanh đàn vừa đọc kinh, niệm chú. Sự cúng quải ở đây mang ý nghĩa bố thí và giải thoát.



Dân Việt Nam ta nghèo lại chịu chiến tranh liên miên. Sau khi vua Tự Đức mất đi, chính quyền Việt Nam rơi vào tay thực dân Pháp. Dân ta bị thực dân Pháp rồi lại bị cộng sản bách hại. Dân Việt Nam , Cao Miên, Liên Xô, Trung quốc là chết oan ức nhiều nhất trên thế giới kể từ đệ nhị thế chiến đến nay. Tại Việt Nam, có hàng triệu vong hồn oan khuất vì thực dân Pháp và cộng sản. Việc Pháp tấn công Gia Định, Huế, Hà Nội, việc cộng sản giết đồng bào trong tháng 8-1945, việc giêt hại các đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt Đảng, việc sát hại mậu thân (1968), và cái chết của hàng vạn đồng bào từ Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Ban Mê Thuột ,Nha Trang ,và bao cái chết âm thầm trong trại giam, trong rừng sâu, trên biển cả...



Sau vụ Pháp giết hại nhân dân kinh thành Huế ,ngày 23 tháng tư năm ất dậu đã trở thành ngày tang tóc cho toàn thể dân chúng Việt Nam. Trong đêm 23 tháng tư, đêm rằm tháng bảy, đêm mồng hai tháng giêng, dân Huế đốt đèn trên sông Hương để tưởng niệm các oan hồn nạn nhân thực dân và cộng sản.Nhìn những ngọn đèn leo lét, trôi dạt trên sông khuya dêm tối khiến lòng người dân đau xót, khôn cầm nước mắt! Nhưng nay cộng sản cấm tục lệ này. Họ nói là bảo vệ môi trường nhưng sự thực họ cấm người ta khóc, cấm lòng dân tuởng nhớ đến những người đã chết...




Thả đèn trên sông Hương để tưởng niệm nạn nhân của thực dân và cộng sản

Tuy nhiên, sau này, khoảng 2000 vì nhu cầu kinh doanh, người ta thường mở Festival Huế, họ treo đèn điện trên cầu Tràng Tiền, các phố Morin, Trần Hưng Đạo.. . và thả đèn trên sông Hương với mục đích mua vui, để làm sáng phần nào cảnh tối tăm của Huế ban ngày và ban đêm của thời cộng sản.




Một điểm nổi bật trong ngày rằm tháng bảy là tục đốt hàng mã, tức là đốt những vật dụng cho thân nhân vừa chết hay đã chết vài năm. Việc này có nhiều nguyên nhân và ý nghĩa.


Tượng binh lính tại mộ Tần Thủy hoàng

Việc đốt đồ mã đồng nghĩa với sự thờ cúng:" sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn".Người ta tin rằng linh hồn người chết vẫn tồn tại và cũng có nhu cầu như người sống.



Tượng quan lại triều bái tại lăng vua Khải Định

Người Trung Quốc thường đem hình nhân nam nữ theo đám ma người chết để vong xuống dưới có bạn và có người hầu. Tục lệ này cũng phát xuất từ việc vua chúa bắt chôn cung phi mỹ nữ theo mình, hoặc chôn tượng quân sĩ trong mộ hay đặt tượng hình quan quân trong lăng. Thuở xa xưa, người Á Đông ta có lẽ thương người chết nên đã chia tài sản cho người chết.


Lễ bỏ mả

Tục này còn lưu lại ở một số dân tộc thiểu số. Họ lập nhà mồ trong núi cho người chết. Xưa làm bằng gỗ nhưng gỗ càng ngày mất ích vì nạn phá rừng xuất khẩu nên nhà mồ đôi nơi đã xây xi măng. Trong nhà mồ có vật dụng cho người chết. Trong thời gian đầu, thân nhân phải đến thăm nom, cúng kiếng. Sau một thời gian có đủ tiền bạc, họ làm nhà mồ đẹp đẽ và làm lễ bỏ mả, nghĩa là không lui tới thăm viếng nữa, và từ đây thân nhân an tâm vì đã lo đầy dủ cho ngươời chết, và cũng không sợ người chết oán trách, quấy nhiễu nữa.


nhà mồ


Sau thấy phiền phức cho nên người ta chỉ chôn theo người chết một it vàng bạc, nữ trang hay bỏ vào miệng người chết it hạt gạo tượng trưng. Và người ta không làm nhà thật, bàn ghế thật mà làm bằng giấy cho đỡ tốn kém. Từ đó hàng mã ra đời. Thủ đô của hàng mã là khu phố Hàng Mã Hà Nội. Nhưng hàng mã tốn kém không ít.




Hàng mã bán rong

Tuy nhiên ngày xưa người ta đốt hàng mã vừa phải, thường là vài bộ áo quần, vài tấm vải vóc, nhà cửa, nay thì trong xã hội cộng sản, người ta đốt cả hàng ngàn ngựa giấy, và người bình thường cũng đốt nhà lầu, xe hơi, xe gắn máy, TV, tủ lạnh, đô la. . . cho thân nhân ở cõi âm và cho thần thánh.


Hàng mã (nhà lầu, tủ lạnh, máy giặt)

Ta hãy nghe nhà văn Phan Lạc Tiếp đã trở lại Hà Nội và đã ghi lại một mẩu đối thoại giữa kẻ bán người mua đồ mã trong Quê Nhà 40 Năm Trở Lại:
-Thưa cụ, cụ cho con ba bộ quần áo.
-Mà có cấp bậc gì không?
-Cháu nó là trung sĩ khi nhà nước báo tin trên bằng liệt sĩ.
-Ừ để tôi tính.
-Mà cho cháu cái đồng hồ có hai bơi chèo.
-Được.
-Cho cháu cái đài. . .
-Gì nữa không ?
-Dạ, đa tạ cụ. Nhà cháu nghèo, nghĩ đến cháu nó hy sinh tại B mà thương quá. Suốt đời nó ao ước có được cái đồng hồ và cái đài, và cái xe đạp. .
-Thế có muốn đặt cái xe đạp nữa không?
-Muốn mà sức nhà cháu không chịu nổi. ..
Khi khách hàng đã không thêm bớt gì nữa, cụ chủ nhà mới gọi vào phía trong:
-Này anh cả nó ơi, đem ra cho Bầm hai bộ quần áo bộ đội, cấp bậc trung sĩ, với lại. . . Bà đi đâu, độ một giờ quay lại lấy tất cả nha. . .(tr.93).

Phan Lạc Tiếp đã giới thiệu nhân vật 'anh cả' con bà cụ hàng mã như sau:
Trong nhà, anh cả, con cụ, tuổi đã ngoài 60, tráng kiện. Suốt đời anh cả, con lớn cụ, đi theo kháng chiến. . .Rồi sau chiến thắng Điện Biên, người thanh niên thủ đô trở lại thủ đô. ''Năm cửa ô đón mừng đoàn quân đã về'' . Đến cuối đời, khi đất nước thống nhất, 'anh cả' được cho về phục viên ( giải ngũ), với cấp bậc đại tá, và chức vụ cuối cùng là Sư trưởng. .. Bây giờ, người đàn bà thủ đô, yêu anh bộ đội áo trấn thủ đã bỏ đi, để lại cho anh một chuỗi ngày vắng lặng. 'Anh cả' về với mẹ già, và ngày ngày dán hồ trên các hình nhân mang sắc phục Quân Đội Nhân Dân. . . kèm theo cái đài, cái đồng hồ, là một mơ ước suốt đời của các chiến sĩ ngoan cường, không thực hiện được, đành phải nhờ người sống gửi theo (tr.94).


Tại sao những phong tục và truyền thống đã trở lại mạnh mẽ? Việc này cũng dễ hiểu vì cộng sản tàn ác, đàn áp nhân dân nhưng không tiêu hủy được tinh thần nhân dân và cuộc sống. Cộng sản càng cấm mê tín thì cộng sản lại mê tín hơn; cộng sản càng đánh tư sản thì tư sản đỏ mạnh thêm; cộng sản càng bắt dân sống khốn khổ thì cộng sản lại tiêu hoang phí vô độ. Và đó cũng là cái mà người ta gọi là "phú quý sinh lễ nghĩa" của con người cộng sản lộ nguyên hình gian tham. Có điều đáng nói là dân Hà Nội nói riêng và dân Bắc nói chung sản xuất và tiêu thụ hàng mã hơn là dân trong Nam.


No comments: