Tuesday, August 10, 2010

TRẦN QUỐC BẢO * TÌNH NON NƯỚC CỦA TẢN ĐÀ




TÌNH NON NƯỚC CỦA TẢN ĐÀ


Trần Quốc Bảo

(Bài nói chuyện của nhà văn Trần Quốc Bảo, Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, tại Hội Cao Niên Vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, ngày 4 tháng 10 năm 2003).

Người cùng thời với Tản Đà, cũng như lớp hậu sinh, đã đề cập đến ông khá nhiều, qua những: Thi Văn Tuyển Tập, Phê Bình Văn Học, bình giảng, luận văn, cũng như trong các buổi văn đàm v.v..., những phẩm bình gạn lọc của một một nền văn học suốt chiều dài thế kỷ đã xác định giá trị tuyệt vời của thi ca Tản Đà, đứng hàng đầu, lớp các nhà thơ tiền bán thế kỷ 20 và luôn cả nhiều thập niên sau nữa.

Sách báo viết về Tản Đà, bàn đến những áng thơ xuất thần của tiên sinh, những nét đặc thù như: cái say, cái sầu, cái mộng và đặc biệt là cái ngông của tiên sinh; có học giả phân tích cặn kẻ về bút pháp trong thơ văn Tản Đà, về nghệ thuật ca trù và sự tài tình dịch thuật thơ từ Hán tự qua tiếng Việt. Lại có vị đề cập tới cái lý tưởng cao vời, suốt đời tiên sinh đeo đuổi mà cho đến ngày lìa đời vẫn chưa thực hiện được như lòng mong ước, đó là tiên sinh muốn đề xuất, quảng bá và phổ động triết thuyết Thiên Lương cho bàn dân thiên hạ, tựa như việc truyền bá tư tưởng hiền nhân quân tử và thuyết Trung Dung của đức Khổng Tử vậy.

- Vâng, đã có nhiều nhận xét đa dạng sâu sắc về Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, nhưng dường như ít ai để ý tới một điểm đặc biệt là lòng yêu quê hương, Tổ quốc của Tản Đà, đã được dàn trải thật nhiều, thật rõ ràng, nếu không nói là tràn ngập đến lộ liễu trong thơ của tiên sinh.

Bài viết này không đi vào lãnh vực luận văn hay bình thơ, mà chỉ hạn chế, trong khuôn khổ đề tài: "Minh chứng về Tình Non Nước rất sâu đậm trong thơ Tản Đà".

Tại sao không nói thẳng, nói trắng ra là lòng ái quốc, hay tình yêu Tổ quốc, Quê hương, mà lại rằng "Tình Non Nước của Tản Đà", có gì phải che dấu tránh né chăng? - Vâng, có như vậy! Xem lại tiểu sử Tản Đà, chúng ta thấy niên biểu thời ấy ở vào giai đoạn đầu lúc nước ta bị Pháp cai trị, thời điểm bây giờ mà in lên báo trương, hoặc nhỏ to xì xầm đến lòng ái quốc, đảng cách mệnh, hay phong trào khởi nghĩa v.v... là điều cấm kỵ, gông cùm tù ngục, tai họa lù lù ngay sau gáy.

Xin mở lại đôi dòng sử u buồn trăm năm trước. Nước Pháp khởi sự cuộc viễn chinh xâm lăng Việt Nam kể từ năm 1858 (Mậu Ngọ, năm Tự Đức thứ 11). Chín năm sau (1867) toàn bộ đất Nam kỳ trở thành thuộc địa của Pháp và 17 năm kế tiếp, ngày mồng 6 tháng 6 năm 1884, triều đình Huế ký Hòa Ước Giáp Thân (quen gọi là Hòa Ước Patenôtre) công nhận quyền Pháp bảo hộ trên toàn cõi Việt Nam.

Nước ta rơi vào vòng nô lệ bốn năm thì Nguyễn Khắc Hiếu ra đời, ông sinh năm Mậu Tý (1888) tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cách Hà Nội 44 cây số về hướng Tây Bắc. Quê hương ông, phong cảnh đẹp hùng vĩ, phía đông nam huyện Bất Bạt có núi Ba Vi, tức là Tản Viên cao 1280 thước, ta có câu ca dao: "Nhất cao là núi Tản Viên, thanh nhàn vô sự là tiên trên trần." (Tản Viên trông xa như hình cánh phụng, nên còn gọi là Phương Hoàng Sơn), sông Đà (còn gọi là Hắc Giang) bao bọc suốt dãy bình nguyên phía tây Bất Bạt từ bắc xuống nam làm ranh giới thiên nhiên ngăn cách với tỉnh Phú Thọ. Lòng yêu quê hương nảy sinh trong lòng Nguyễn Khắc Hiếu ngay từ khởi sự cầm bút. Ông lấy bút hiệu là Tản Đà hẳn là ý muốn gắn liền thân thế sự nghiệp vào lòng quê hương vậy.

... Văn chương thời nôm na,
Thú chơi có sơn hà.
Ba Vì ở trước mặt,
Hắc Giang bên cạnh nhà: Tản Đà.
(Tự Thuật)

... Mạch nước sông Đà tim róc rách,
Ngàn năm non Tản mắt lơ mơ.
(Ngày Xuân Rượu Với Thơ).

... Sông Đà núi Tản đúc nên ai,
Trần thế xưa nay được mấy người,
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc,
Thanh cao phô trắng một cành mai.
(Thơ Tự Vịnh).

... Vùng đất Sơn Tây nẩy một ông,
Tuổi chửa bao nhiêu văn rất hùng.
Sông Đà núi Tản ai hun đúc,
Bút Thánh câu Thần sớm vãi vung.
(Tự Trào).

Một tâm hồn nặng lòng với quê cha đất tổ, một bút thơ tài hoa như Tản Đà, mà thoạt sinh ra đã là dân mất nước, ông chào đời với tiếng khóc quê hương, nỗi niềm sầu muộn ấy đeo đẳng suốt cả cuộc đời thì việc đem tâm sự gởi vào thơ, ắt là chuyện đương nhiên. Lại nữa chúng ta biết, Tản Đà sinh nhằm buổi giao thời, cuối thế kỷ 19, qua thế kỷ 20, lúc mà ách nô lệ ngoại bang vừa chụp xuống đầu dân tộc ta, lại cũng là lúc nền phong hóa cũ của dân ta tiếp cận với nền văn minh Tây phương, chữ Quốc ngữ được dùng cấp kỳ thay thế chữ Nôm và chữ Nho:

Mười mấy năm trời ngọn bút lông,
Thảnh thơi chẳng bợn chút hơi đồng.
Bây giờ anh đổi lông ra sắt,
Cách kiếm ăn đời có nhọn không?

Sự kiện tống cự nghinh tân, thay cũ đổi mới, thuở ấy cũng tác động không ít vào nỗi sầu vọng cổ hoài hương của Tản Đà. Hơn nữa cùng trong thế hệ Tản Đà, sinh trước hoặc sau một vài thập niên, có những trang anh hùng kiệt sĩ, như Phan Bội Châu (1867), Nguyễn Thượng Hiền (1868), Phan Chu Trinh (1872), Huỳnh Thúc Kháng (1875), Nguyễn Đình Chiểu (1898), Nguyễn Thái Học, Trương Vĩnh Ký, Ngô Đình Diệm (1901), Nhất Linh Nguyễn Tường Tam (1907)... Tấm lòng yêu nước thương dân của các nhà chí sĩ đó như một chất xúc tác ngấm ngầm nhưng cực kỳ mạnh mẽ lan tràn trong tâm hồn người dân Việt vong quốc thời bấy giờ. Cao điểm của sự kiện này là vụ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị Pháp chém tại Yên Báí ngày 17 tháng 7 năm 1930 (chín năm sau, Tản Đà qua đời ngày 17 tháng 6 năm 1939 tại Hà Nội).

Thi sĩ Quách Tấn, sanh năm 1910, trẻ tuổi hơn Tản Đà một giáp, khi in tập thơ: "Một Tấm Lòng" (1939) đã được Tản Đà đề tựa, có viết một đoản văn hồi ký nói về Tản Đà, đăng trong tạp chí Tân Văn xuất bản tại Saigon năm 1971. Ông kể rằng:

"Năm 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập, lấy Dân tộc, Dân quyền, Dân sinh làm chủ nghĩa; lấy Độc lập, Dân chủ, Phú cường làm phương châm. Tuy còn đương trong vòng bí mật, nhưng uy danh của vị lãnh tụ, hùng tâm, hùng khí của các cấp chỉ huy, lòng nhiệt thành và đức hy sinh cao cả của đa số đồng chí, đã làm cho bọn cường quyền vừa sợ vừa kính, hàng sĩ phu yêu nước quy tâm.

Để gây ảnh hưởng sâu rộng, Đảng quyết định dùng báo chí làm cơ quan tranh đấu và tuyên truyền. Quyết định ra nhằm lúc An Nam Tạp Chí tạm đình bản vì thiếu hụt tài chánh. Ban Chấp Hành Trung Ương bèn ủy quyền cho lãnh tụ Nguyễn Thái Học đến thương lượng cùng Tản Đà tiên sinh.

Tản Đà tiên sinh là một nhà thơ yêu Tổ quốc như yêu văn chương và lập chí đem văn chương đền ơn Tổ quốc từ lúc còn trẻ:

Này vẫn bác Tản Đà ngày trước,
Thuở xuân xanh thề ước non sông.
Trải bao xuân, hạ, thu, đông,
Càng phơ tóc bạc cho lòng càng son.
(Xuân Cảm năm Ất Hợi)

Lòng tiên sinh luôn ấp ủ giấc mộng "Bồi lại bức dư đồ Việt Nam" mà "buổi trước ông cha mua để lại, ngày nay con cháu lấy làm chơi". (Vịnh Bức Dư Đồ Rách).

Cho nên khi gặp lãnh tụ Nguyễn Thái Học, tiên sinh mừng khôn xiết nỗi mừng:

Rồng Tiên cùng họ từ xưa,
Ba mươi năm mới bây giờ gặp nhau.
(Chơi Huế)

Trong các tài liệu về Tản Đà, chỉ duy có bài của Quách Tấn nhắc đến sự kiện đó, chúng ta không đánh giá sự khả tính của chuyện ấy, nhưng từ đó chúng ta mở rộng thêm nhận xét về những ẩn ý chất chứa trong thơ ái quốc của Tản Đà. Xin hãy đọc bài thơ bất hủ "Vịnh Bức Dư Đồ Rách":

Nọ bức dư đồ thử đứng coi,
Sông sông, núi núi khéo bia cười,
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thong thả rồi ta sẽ liệu bồi.

Ở vào khởi điểm của cuộc mất nước, toàn dân cúi đầu nhận chịu ách nô lệ, bài thơ trên đây của Tản Đà, nghĩa đen mộc mạc chỉ là nỗi lòng cảm động khi đứng nhìn tấm bản đồ bị rách nát, nhưng ý tại ngôn ngoại, cái tâm sự ẩn dụ trong thơ lồ lộ quá rõ rệt, từng câu, từng chữ, là tiếng thở than vong quốc thật não nùng ai oán, là lời thống thiết nhắn gọi lớp sĩ phư hãy đứng lên cứu nguy Tổ qúôc, hãy ra tay tài bồi mảnh giang sơn gấm vóc của Tổ tiên đang bị nạn ngoại xâm.

Lời kêu gọi thúc bách "Hãy mau tô bồi hàn gắn lại bức dư đồ Việt Nam rách nát tả tơi", chẳng phải chỉ gióng lên một lần rồi thôi, mà cứ mỗi khi thuận câu, hợp vần, Tản Đà lại nhắc tới, nhắc lui:

... Tri âm ai đó mau hồ giấy,
Kẻo đến dư đồ lại tả tơi!
(Lo Thời Khí).

... Biết bao ra Bắc vào Nam,
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng!
(Xuân Tứ).

... Dư đồ còn đó chưa phai,
Còn non, còn nước, còn người nước non.
(Qua Cầu Hàm Rồng Cảm Tác).

... Đừng quên Đông Pháp người tri kỷ,
Riêng nhớ An Nam bức địa đồ.
(Gởi Tòa Soạn Đông Pháp Thời Báo).

... Bức dư đồ rách không bồi,
Báo "An Nam" nghỉ biết đời nào ra.
(Cười Bác Mai Lâm).

Có bài thơ nhắc đi nhắc lại "Bức Dư Đồ" đến hai lần:

... Khóc ai riêng cũng mừng cho,
An Nam Tạp Chí dư đồ còn đây.
... Hơn nhau một bức dư dồ,
Khí thiêng sông núi hộ phù nước non.
(An Nam Tạp Chí Ra Lần Thứ Năm).

Còn nhiều nữa, nhưng nội những câu thơ lược trích trên đây cũng đủ giải tỏ tấm lòng ái quốc nhiệt tình của nhà thơ núi Tản sông Đà, và qua đó tiên sinh đã gửi đến quốc dân một thông điệp khá rõ ràng.

Dùng biểu tượng "Bức Dư Đồ Rách" để nói về Tổ quốc suy vong, sông núi bị kẻ xâm lăng cai trị; đó là "viết" phải "lách", phải tránh né để thoát khỏi lưỡi kéo kiểm duyệt của nhà cầm quyền, nhất là để che mắt bọn mật thám Pháp và bè lũ tay sai. Cũng vậy, thay vì khơi động "Lòng Ái Quốc", Tản Đà đã viết bài thơ "Thề Non Nước":

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi, đi mãi không về cùng non.
Nhớ lời nguyện nước thề non,
Nước đi chưa lại, non còn đứng trông.
Non cao những ngóng cùng trông,
Suối khô dòng lệ, chờ mong tháng ngày.
Xương mai một nắm hao gầy,
Tóc mây một mái đã dầy tuyết sương.
Trời tây ngã bóng tà dương,
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha.
Non cao tuổi vẫn chưa già,
Non thời nhớ nước, nước mà quên non.
Dù cho sông cạn đá mòn,
Còn non, còn nước hãy còn thề xưa.
Non cao đã biết hay chưa,
Nước đi ra biển, lại mưa về nguồn.
Nước non hội ngộ còn luôn,
Bảo cho non chớ có buồn làm chi.
Nước kia dù hãy còn đi,
Ngàn dâu xanh tốt, non thì cứ vui.
Nghìn năm giao ước kết đôi,
Non non, nước nước chưa nguôi lời thề.

Lời thề non nước là lời thề trước bàn thờ Tổ quốc, mà trong tình huống Tổ quốc lâm nguy thì thế hứa điều gì? Tiên sinh không nói ra, nhưng không nói mà ai cũng đều biết cả. Bút thơ Tản Đà tuyệt diệu là ở chỗ đó. Trong bài "Xuân Cảm", tiên sinh hạ bút:

Non sông thề với hai vai,
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son.

Bút sắt mài lòng son mà viết câu thề, thì đó là "huyết thệ", thề bằng máu và tất nhiên là lời thề sắt son, trung thành nguyện đem cả hai vai gánh vác sơn hà. Nhưng tiếc rằng khi đất nước ở vào thế cùng vận bí nên cái chí cả, mộng lớn của Tản Đà đã chẳng thành tựu được. Tiên sinh xót xa thố lộ can tràng:

- Năm nay tuổi đã bốn mươi hai,
Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai.
Khắp bốn phương trời không thước đất,
Địa cầu những muốn ghé hai vai.
- Năm nay tuổi đã bốn mươi ba,
Ta nghĩ mà ta chẳng giống ta.
Lo nước, lo nhà, lo thế giới,
Còn lo thêm nợ, nghĩ chưa ra.
(Tân Xuân - Khai bút)

Đọc những câu tâm sự trên ta thấy khác nào nỗi lòng của Đặng Dung qua bài "Thuật Hoài":

Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.

Đào Hữu Dương dịch:

Tuổi già lận đận nối tình đời,
Vô tận vần xoay khoảnh đất trời.
Ti tiện gặp thời nên chẳng khá,
Anh hùng lỡ bước hận nhiều thôi.
Vác non phò chúa trên vai nặng,
Gột giáp qua mây mặt nước trôi.
Thù nước chưa xong đầu sớm bạc,
Dưới trăng mài kiếm mấy thu rồi.

Sầu vong quốc phải chăng là mối sầu vạn cổ? Tản Đà cho rằng mình sinh bất phùng thời, nỗi buồn vì thân thế quẫn bách, cô đơn cộng với niềm đau nhục của quê hương đất nước, ông bi phẩn thốt lên:

Biết bao ra Bắc vào Nam,
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng.
Văn chương chút nghĩa đèo bòng,
Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao!!!
(Xuân Tứ).

Cuối cùng tiên sinh cam nhận số phận hẩm hiu, đành thúc thủ trong thất bại cay đắng:

... Quản chi sông rộng doành khơi,
Buồm không thuận gió ai ơi cũng đành!
(Thư của người nhà quê).

Cả cuộc đời của Tản Đà, dù mê đắm trong văn thơ chữ nghĩa, dù say sưa túy lý càn khôn, dù ngông nghênh xem mục hạ vô nhân, coi trời bằng vung, nhưng trên hết cả, chói lọi hơn hết cả vẫn là Tình Non Nước, là tấm lòng ái quốc chân thành, trung kiên, thẳng băng mực tầu, của một sĩ phu.

Lời tâm huyết sau đây là những giọt nước mắt nhỏ xuống trang thơ, được coi như câu trối trăn tuyệt mệnh của tiên sinh:

Tấm riêng, riêng những thẹn thùng,
Giữa đường buông dứt gánh tình như không.
Gập tờ giấy niêm phong hạt lệ,
Nhờ cánh tem bay đệ cung mây.
Ái ân thôi có ngần này,
Thề nguyền non nước đợi ngày tái sinh.

oo00oo

Kính thưa quý vị, Vũ Ngọc Phan trong Nhà Văn Hiện Đại đã kết luận phê bình về Tản Đà như sau: "Thơ của ông giản dị, trong sáng, lại diễn tả tâm hồn Việt Nam đủ mọi vẻ, mọi mầu; nên thơ ông quyết nhiên sẽ là thơ bất hủ, và có lẽ trên thi đàn gần đây, ông đứng vào bậc nhất". Vũ Ngọc Phan nhận xét rất đúng nhưng dường như vẫn thiếu sót khi không đề cập đến tấm lòng yêu nước thiết tha của Tản Đà chất chứa đầy ấp trong khối thi ca đồ sộ ông để lại cho hậu thế.

Về phần chúng ta, hôm nay ngồi nơi đây, dành chút thời gian trong cuộc sống đầy bận bịu, mở lại trang thơ Tản Đà "Vịnh Bức Dư Đồ Rách", và ngâm nga đôi câu "Thề Non Nước", bỗng thấy sao mà hợp tình hợp cảnh quá! Dường như chúng ta đang sống cùng trong niên biểu với Tản Đà, hoặc giả tiên sinh đang còn cầm bút làm thơ ở đâu đó quanh ta. Xin thành kính dâng lời tri ân Thi hào Tiến bối, khoảng một thế kỷ trước đây đã viết lên những lời thơ tâm sự xót xa cho chính chúng tôi ngày hôm nay.

Xin cám ơn toàn thể quý vị đã tham dự buổi mạn đàm của chúng tôi.

Trần Quốc Bảo

Tài liệu tham khảo:

- Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim.
- Nhà Văn Hiện Đại, Vũ Ngọc Phan.
- Nước Tôi, Dân Tôi, Đông Tiến.
- Thơ Tuyển Dịch, Đào Hữu Dương.
- Văn Xả 2 (3&4-1990).
- Việt Thi, Trần Trọng Kim.
- Các sách của Tản Đà (Tản Đà Vận Văn, Tản Đà Tùng Văn, Tản Đà Văn Tập I&II)

No comments: