Tuesday, August 10, 2010

NGUYỄN THIÊN THỤ * GIÒNG HỌ TẢN ĐÀ

I. TỔ TIÊN HỌ NGUYỄN

Tổ sáu đời của Tản Đà là Nguyễn Công Thái (1674 - 1748 ), người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội). Ngài đỗ giải nguyên, và năm ất mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ mười ( 1715 ), đời Lê Dụ Tông, Nguyễn Công Thái 32 tuổi, đỗ hội nguyên, và khi thi đình, đỗ đồng tiến sĩ . Năm đinh vị , niên hiệu Bảo Thái thứ 8 (1727), triều đình mở khoa Đông Các, lấy ba người đỗ, Nguyễn Công Thái trúng hạng ba. Năm mậu thân, niên hiệu Bảo Thái thứ 9, (1728 ), Nguyễn Công Thái giữ chức Quốc tử giám Tế Tửu, coi Binh phiên, kiêm Hiệu thư Đông Các. Năm quý sửu (1733), Nguyễn Công Thái thăng Tả thị lang bộ Công, Hửu thị lang bộ Hình , sau qua Tả thị lang bộ Lại, được phong tước Ưng quận công và giữ chức Bồi Tụng. Lúc bầy giờ giặc giã như Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ, Hoàng Công Chất nổi khắp nơi. Vua Lê ngồi vì, quyèn bính nằm trong tay chúa Trịnh. Trịnh Giang tham dâm, tàn ác, giết Lê đế Duy Phương vác công thần như Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn. Trịnh Giang chơi bời sinh bệnh tật, phải đào hầm ở dưới đất tránh tiếng sấm.

Trước tình hình đó, Nguyễn Công Thái đã cùng các quan trong phủ như Nguyễn Quý Cảnh , Vũ Công Tể đã đem binh truất phế Trịnh Giang, lập em của Trịnh Giang là Âân Quốc công Trinh Doanh lên ngôi chúa, tức Minh Đô vương. Chính biến đó xảy ra vào tháng giêng niên hiệu Vĩnh Hựu thứ sáu (1740). Nguyễn Công Thái được chúa Trịnh ban thưởng, phong làm Suy Dực vận công thần cùng Nguyễn Quý Cảnh vào phủ làm tham tụng. Bấy giờ ông đã 57 tuổi, mấy lần giữ thượng thư bộ Lễ. Sau vì Đỗ Thế Giai dèm pha, ông phải ra trấn Thanh Hóa, sau lại về Tham tụng. Rồi Đỗ Thế Giai dèm pha, ông phải đi trấn Sơn Nam, sau được gia hàm thái bảo, xin về hưu. Oâng lại được vời ra làm bậc ngũ lão hầu chúa.Lại làm tham tụng. Vì bất đồng ý kiến với Đỗ Thế Giai, ông về hưu luôn. Ông mất năm 75 tuổi, chúa Trịnh thương tiếc, truy tặng thái phó, đặt thụy Trung Mẫn .

Họ Nguyễn là họ lớn nhất ở Kim Lũ, đời đời khoa bảng xuất thân. Trước Nguyễn Công Thái đã có vài đời cử nhân, làm tri huyện. Nguyễn Công Thái có bảy người con trai. Người con thứ hai đỗ cử nhân làm tri huyện đời Cảnh Hưng, là ông tổ bốn đời của Quan Văn Minh điện Đại học sĩ Ngưyễn Trọng Hợp. Người con thứ sáu của Nguyễn Công Thái là Nguyễn Huy Túc, đỗ hương cống triều Lê, làm Đốc trấn Cao bằng năm Chiêu Thống nguyên niên (1787). Nguyễn Huy Túc đã hết lòng phò tá Chiêu Thống. Khi Vũ Văn Nhậm đem binh ra diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê Chiêu Thống thưa với Hoàng Thái hậu:
Con đã nghĩ di, nghĩ lại chỉ có Đốc đồng Cao Bằng Nguyễn Huy Túc là người trung hậu có thể nương cậy được. Vậy xin thánh mẫu tạm lên Cao Bằng

Trong cơn binh lửa, Nguyễn Huy Túc đã phò thái hậu sang Trung Quốc cầu viện. Khi vua Lê Chiêu Thống về, Nguyễn Huy Túc được phong Binh bộ thị lang Đồng Bình chương sự. Khi vua Quang Trung đánh bại quân Thanh, Thái hậu , vua Chiêu Thống và các quan chạy sang Trung Quốc. Ông cả cõng Thái hậu qua cầu biên giới, cầu gãy mà chết trong đám loạn quân. Nguyễn Huy Túc không theo kịp vua, lui về ẩn ở Khê Thượng, không ra cộng tác với tân triều Tây Sơn. Nguyễn Huy Túc là đệ nhất tổ của họ Nguyễn Khê Thượng, Bất Bạt, Son Tây. Con cháu Nguyễn Huy Túc mấy đời an bần lạc đạo, mãi đến đời Thiệu Trị, Tự Đức mới xuất hiện trên khoa hoạn.

Tản Đà vốn thuộc dòng trâm anh, thế phiệt là hậu duệ của Nguyễn Công Thái. Người con thứ sáu của tổ Công Thái là Nguyễn Huy Túc thiên về Sơn Tây là tổ dòng Tản Đà nhưng dòng họ Nguyễn ở Kim Lũ vẫn phát triển. Thuộc dòng thứ hai của tổ Công Thái, đời Nguyễn có Nguyễn Trọng Hợp là một đại thần. Danh thần Nguyễn Trọng Hợp (阮仲合) đời Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, tên thật là Nguyễn Văn Tuyên, hiệu Kim Giang (金江), tên chữ Quế Bình Tử (桂坪子), tự Trọng Hợp, về sau dùng tên tự làm tên chính. Sinh năm Giáp Ngọ (1834), thân phụ của ông là cử nhân Nguyễn Cư quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Ông sống từ nhỏ ở quê hương, lớn lên đi học tại Hà Nội, là học trò của tiến sĩ Vũ Tông Phan (1804 - 1862) và tiến sĩ Nguyễn Văn Lý (1795-1868) - nhà giáo nổi tiếng ở Hà Nội lúc bấy giờ.

Năm Mậu Ngọ (1858), đỗ cử nhân, năm Ất Sửu (1865) đỗ tiến sĩ. Làm quan trải qua các chức: Tổng đốc Định An và Sơn Hưng Tuyên, Bắc Kỳ Khâm sai quyền Kinh lược sứ, Thượng thư bộ Lại và bộ Hình, hàm Hiệp biện Đại học sĩ, rồi làm Phụ chính đại thần đời vua Đồng Khánh, sung Cơ mật viện đại thần. Ông cũng từng làm Tổng tài Quốc sử quán, kiêm quản các việc ở Khâm thiên giám, được phong tước Vịnh Trung Tử. Lúc Pháp chiếm Nam Kỳ, ông được cử đi thương thuyết với Pháp năm 1873.

Nguyễn Trọng Hợp là nhà tư tưởng đổi mới. Về kinh tế, ông đề nghị nên mở rộng thông thương trong nước, nhất là ở mạn ngược (trong mật tấu ngày 10-7, năm Tự Đức 32). Học hỏi kỹ thuật phương Tây (Mật sớ, Tự Đức thứ 27), đắp đê, đóng thuyền, mua thóc tích trữ lúc được mùa giá rẻ.... Về ngoại giao, ông đề nghị mở rộng quan hệ với nước ngoài, gửi sứ bộ đi các nước (Sớ, Tự Đức thứ 34). Về văn hoá, ông rất quan tâm đến việc giáo dục đạo đức, chấn chỉnh nho phong, biên chép sử sách, gia phả. Khi làm quan Kinh lược sứ Bắc kỳ, ông đã có công xin Triều đình cho được khắc in bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ là bộ sách có quy mô thuộc loại đồ sộ nhất và cũng là bộ hội điển lớn nhất trong kho tàng thư tịch cổ viết bằng chữ Hán của nước ta, gồm 262 quyển, khổ 323x20, khoảng 8000 tờ, đóng thành 97 cuốn.

Năm 1898 ông xin nghỉ dài hạn, năm 1902 ông mất, thọ 68 tuổi. Hiện nay tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội có nhà thờ và khu lăng mộ của ông. Nhà thờ và lăng mộ ông được bộ Văn hoá - Thông tin (nay là bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử vào ngày 5-9-1994. Đương thời, Nguyễn Trọng Hợp nổi tiếng là quan thanh liêm, cương trực, nhiều lần tố cáo và phê phán tệ nạn quan lại tham ô, nhũng nhiễu nhân dân. Vua Tự Đức cũng phải thừa nhận ông là viên quan có học thức, văn hay, có tiết tháo, có quyết đoán.

Ngoài ra, Nguyễn Trọng Hợp còn là một tác giả có tài năng nhiều mặt với nhiều tác phẩm sáng tác và trước tác về thi ca, văn xuôi và sử học. Các tác phẩm của ông hiện được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.

Tác phẩm
Sử học
Minh Mạng chính yếu
Đại Nam chính biên liệt truyện
Thanh trì Nguyễn Thị thế phả
Bài tựa sách Đại Việt địa dư toàn biên

Văn học
Kim Giang thi tập
Kim Giang văn tập
Tây Tra thi thảo (Nguyễn Thuật đề tựa)
Bài tấu về tình hình khai hoang ở xã Bình Hải
Lý Bài ký bia thần đạo
Phương Đình công Nguyễn Văn Siêu (Phương Đình chí đạo tiên sinh thần đạo bi kí)
Giá viên thi văn toàn tập của Phạm Phú Thứ
Kim Giang Nguyễn tướng công nhật lịch
Kim Giang tướng quốc đại nhân nhật lịch tùy ký
Kim Giang Nguyễn tướng công thi tập
Kim Giang di thảo Dịch chi vi quý tập.

Con trai của Nguyễn Trọng Hợp là Nguyễn Duy Nhiếp đời Thành Thái, tự Thạch Hữu, hiệu Lan Bính, sinh năm Quý Hợi (1863), quê làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông nay thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Năm Tân Mão (1891) niên hiệu Thành Thái thứ 3, ông đậu cử nhân tại trường Hà Nam; năm này Hà Nội và Hà Nam thi chung. Ông làm quan tại các tỉnh ở Bắc Kỳ, sau chuyển về kinh làm việc ở Quốc sử quán.Khi Nguyễn Trọng Hợp về hưu năm 1897, Nguyễn Duy Nhiếp làm Án Sát Sơn Tây.Nguyễn Duy Nhiếp là con rể Tổng tài Quốc sử quán Cao Xuân Dục, vợ ông là nữ sĩ Cao Ngọc Anh (1878-1970) tác giả thi tập Khuê sầu thi thảo. Nguyễn Duy Nhiếp mất năm Giáp Thìn (1904), hưởng dương 41 tuổi.

Người con thứ nhì của Nguyễn Duy Nhiếp là Nguyễn Sĩ Giác ( 1888- 197? ) , đỗ tiến sĩ năm 1910, nhưng không ra làm quan, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, và Đông Du sau thất bại mà phải trở về Việt Nam, sau 1954 là giáo sư Hán văn tại Đại học Văn Khoa và Đại Học Sư Phạm Sài gòn..



II. GIA ĐÌNH TẢN ĐÀ (1837-1891)


1.PHỤ MẪU TẢN ĐÀ

Thân phụ Tản Đà là Nguyễn Danh Kế, sinh năm đinh dậu (1837 ),đậu cử nhân đời Tự Đức, đã từng làm tri huyện Nam Sang ( Hà Nam), tri phủ Xuân Trường, Lý Nhân ( Nam Định). Cuối cùng, giữ án sát Ninh Bình trong hai năm. Gần ba mươi năm trên hoạn lộ, Nguyễn Danh Kế tiên sinh luôn sống thanh bạch. Năm tân mão (1891 ), tiên sinh mất, hưởng dương 54 tuổi.

Cụ Danh Kế đã làm ngự sử triều Tự Đức, tính cương trực. Trương Tửu trong quyển Uống rượu với Tản Đà viết rằng Tản Đà đã kể chuyện về Nguyễn Danh Kế tiên sinh. Vua Tự Đức có một con hạc nhỏ, được phong tước vương, bị con chó một ông chủ hàng cơm cắn chết. Vua Tự Đức tức giận, muốn làm tội chủ quán. Nguyễn Danh Kế tiên sinh làm một bài thơ để can gián:
Hạc hữu kim bài,
Khuyển bất thức tự.
Súc vật tương thân,
Hà phương nhân sự?
( Hạc đeo kim bài,
Chó không biết chữ.
Súc vật hại nhau
Việc chi đến người?)
Vua nghe hữu lý, tha tội chủ quán.

Tuy nhiên trong Văn Đàn Bảo Giám II, Trần Trung Viên soạn, Nguyễn Khắc Hiếu đề tựa là truyện án Cao. Xưa tại Hà Đông có vị quốc cữu hống hách, nuôi một con hạc, đeo bài đề chữ: “Ai đánh chết phải thường mạng.” Một hôm bị chó săn cắn chết. Chủ trại xin thường song quốc cữu nhất định lấy mạng. Việc đến quan án. Quan án thấy việc bất bình, cho vợ con về kinh. Sau khi tra xét, quan án phê như bài thơ ở trên, rồi thả tất cả. Quốc cựu đem binh vây bắt, nhưng trong dinh trống vắng. Quan án về kinh tâu vua. Quốc cữu bị hạ ngục, quan án trở về nhiệm sở (271 ). Đâu là sự thực? Phải chăng quan án Cao là Nguyễn Danh Kế?

Cụ Danh Kế có nhiều vợ. Cũng như một số thi nhân và quan lại đời Nguyễn, cụ Danh Kế thích hát ả đào nên sau lấy một đào nương tên là Lưu Thị Hiền , cũng có tên là đào Nghiêm, làm vợ thứ. Bà này sinh một trai là Tản Đà và một con gái tên là Trang. Sau khi cụ Danh Kế mất, bà vợ chính và thân mẫu Tản Đà có nhiều mâu thuẫn nên bà phải giao Nguyễn Khắc Hiếu cho bà cả, mà ôm con gái ra đi, trở lại nghề cầm ca.


2.ANH CHỊ EM TẢN ĐÀ

Cụ Danh Kế có tất cả 14 người con, Tản Đà là con trai út . Riêng thân mẫu Tản Đà có hai trai, hai gái.Bà huyện cho biết khi ở Ninh Bình, Tản Đà khi sinh ra giống ông lãnh Hiếu ở cạnh nhà nên đặt tên là Hiếu
Người con trai thứ hai của cụ Danh Kế là Nguyễn Tái Tích, sinh năm giáp tý (1864 ), đậu phó bảng khoa ất mùi niên hiệu Thành Thái thứ bảy ( 1895) , trước làm tri huyện, rồi giáo thụ, sau thăng đốc học Vĩnh Yên, mất ngày 17 tháng giêng năm bính thìn, niên hiệu Duy Tân thứ mười (20-3-1916 ), hưởng dương 52 tuổi . Sau khi cụ Danh Kế mất, mẹ ruột Tản Đà bỏ đi, cụ Nguyễn Tái Tích đóng vai "quyền huynh thế phụ" nuôi dạy Tản Đà.
Người con trai của cụ Nguyễn Tái Tích (1) là Nguyễn Mạnh Phưởng sống ở Sài gòn. Khoảng 1964, tôi đã đến thăm tại Cư xá Hàng Không đường Công Lý. Lúc bấy giờ ông khoảng 50 tuổi. Nay không rõ gia đình ông ở đâu.

Tản Đà có một bà chị nữa, tên là Nguyễn Thị Hiền, kết hôn với cử nhân Nguyễn Thiện Kế, nên người ta thường gọi cụ là bà huyện. Sau 1954, cả nhà di cư vào Sàigon. Năm 1964, tôi đã vài lần thăm cụ. Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế tiên sinh, đỗ cử nhân năm 1888, làm tri huyện, em Nguyễn Thiện Thuật, có tài thơ trào phúng. Pháp chỉ làm khó dễ cụ cho nên cụ về hưu sớm chứ Pháp không giết cụ và giam hãm hại cả gia đình như kiểu cộng sản. Chúng tôi đã thăm bà vào chủ nhật 7-11-1965 tại số 13 Thiệu Trị, Saigon, lúc bấy giờ cụ tuổi ngoại 80. Sau mậu thân, bà về vùng Tân Định.
Ngoài ra Tản Đà có hai ông anh là Nguyễn Mạn, Nguyễn Cổn cũng là thi sĩ đồng thời với Tản Đà nhưng it ai viết về hai ông này. Nguyễn Cổn là anh em cùng cha khác mẹ.
Ông Nguyễn Mạn là anh em cùng cha mẹ với Tản Đà, do chân ấm sinh ra làm lục sự thời Pháp thuộc, có lúc làm việc tại Thái Nguyên. Ông là thân phụ hai nhà thơ Nguyễn Tố và Nguyễn Tuất.
Tản Đà có một người chị cùng cha mẹ, tên là Nguyễn Thị Chính kết hôn cùng con ông thượng ở Trung Hà, chồng mất sớm lúc bà 25 tuổi.
Cô Trang sau làm lẽ ông phán Hoè người Thiên chúa giáo ở Phát Diệm, không con, mất ngoài 30 tuổi.

3.CÁC CON CỦA TẢN ĐÀ

1. Bà Nguyễn Triệu Quất.
Trước 1975, bà ở bên kia cầu chữ Y, Sai gòn, gia cảnh bình thường.
2.Bà Nguyễn Thúy Ngọc.Không rõ.
3. Nguyễn Khắc Xương.
Ông theo Cộng sản từ đầu, làm công an, tính nghệ sĩ cho nên khi tra hỏi một phụ nữ bị nghi là gián điệp, ông tha cho cô ta. Vì vậy, ông bị kỷ luật và chuyển ngành. Nếu ông có máu giết người và tâng công, có lẽ bây giờ ông đã là thiếu tướng, trung tướng công an, chễm chệ ở ghế bộ chính trị, mặc sức cướp đất, bán nước, buôn dân. Nhưng giòng máu Tản Đà cương trực và chính nghĩa, không cho ông làm như vậy. Ông đi vào văn nghệ, biên khảo về Tản Đà và ông thành công trong việc sưu tầm về Hát xoan, tức là một lối hát, đối đáp giữa nam và nữ như hát ví, hát trống quân, hát ghẹo, hát ví và hò huê tình.

4. Nguyễn Khắc Phục.
Ông là người tài hoa, đã đi bộ đội. Trong thập niên 1960, ông cùng một số văn nghệ sĩ biên khảo về Tản Đà, nhưng không may cho ông và các bạn lúc ấy miền Nam cũng tổ chức kỷ niệm Tản Đà, và trong học đường và văn nghệ, người ta đề cao Tản Đà. Các ông văn nô và công an văn nghệ miền Bắc nhân dịp tâng công. Những gì trong Nam cho là hay thì ngoài Bắc phải làm ngược lại mới đúng lập trường vô sản chuyên chính, và hợp tính đảng. Vì vậy mà ông và các bạn ông bị đày ải. Ông tức giận và buồn bực mà từ bỏ văn nghệ, lui về làm một nông phu.

5. Nguyễn Khắc Đại.
Ông đi bộ đội. Sau 1975, ông có đến thăm tôi tại Sài gòn. Ông lúc đó còn trẻ, khoảng 45.-50 .Ông cho biết đơn vị ông được giao việc tiếp thu kho thuốc tây. Ông bị bọn tham nhũng bắt ông theo chúng. Ông không theo nên chúng vu ông tội ăn cắp kho hàng. Lúc bấy giờ tôi đau đớn, chán nản và lo lắng trăm điều nên giữ thái độ im lặng, lắng nghe, không dám nói năng gì cả, tôi như là một tượng gỗ. Lúc ông về, tôi không dám đưa tặng bộ Tản Đà của tôi vì sợ trong chế độ cộng sản, mọi sách vở không do Cộng sản ấn hành đều bị ghép là văn hóa đồi trụy. Chủ nhân quyển sách và người mang đều có thể gặp tai họa bất kỳ. Mong ông thông cảm tâm trạng của tôi lúc đó là tâm trạng của một tù nhân đang sống trong một nhà tù cho nên đã có nhiều thiếu sót trước sự thắm viếng quý báu của ông, một sứ giả của Tản Đà thi sĩ.

Nói chung, dòng dõi, con cháu Tản Đà luôn mang hai tính chất là nghệ sĩ và trung trực. Nếu Tản Đà còn sống, ông cũng khó an toàn vì tính bất khuất của ông.
(xin xem bài Những người con của Tản Đà trong số này)
Nguyễn Thiên Thụ
Ottawa ngày 8-8-2010

____

(1) Một số tài liệu Hà Nội ghi là Nguyễn Tài Tích. Sách Quốc Triều Đăng Khoa Lục (bản dịch) ghi là Tái. Ông Nguyễn Mạnh Phưởng cũng nói là Tái. Các tài liệu trước 1945 cũng ghi là Tái ( dấu sắc).

No comments: