Khóc Tản Đà của Trần Huyền Trân
Gìn Vàng Giữ Ngọc
Cũng vào tháng sáu cách đây 67 năm , 07-06-1939 . Tản Đà , một nhà thơ lớn trong Văn Học Việt Nam tiền bán thế kỷ 20 qua đời tại nhà riêng ở Ngã Tư Sở , Hà Nội , hưởng thọ 51 tuổi . Tản Đà , trong cuộc đời thất bại về mặt tình cảm , vắng bóng trần ai tri kỷ , không thỏa Giấc mộng lớn , Giấc mộng con nhưng thành công rực rỡ về mặt thi ca . Cả hai phái mới cũ đều xưng tụng tài hoa của thi nhân và đều nhận ông là người của phe mình . Hoài Thanh mở đầu tuyển tập Thơ Mới Thi Nhân Việt Nam , đã " Cung chiêu anh hồn Tản Đà " coi ông là gạch nối giữa thơ mới và thơ cũ .
Đặc biệt , Tàn Đà trong cuộc đời ngắn ngủi , đã dùng thơ họp bạn , dùng rượu tiếp bạn và từ Bắc vào Nam , nơi nào ông cũng có kẻ quý mến . Ông đã tự hào :
Nửa đời nam , bắc , tây , đông
Bạn bè xum họp vợ chồng biệt ly
Nhờ quảng giao , có phong cách trượng phu và rất phóng khoáng , cũng nhờ yêu người nên được người yêu . Khi nhà thơ qua đời , phái trẻ khóc ông , người đồng tuổi cũng khóc ông và ngoài văn giới nhiều người nhỏ lệ vì ông , đúng như ông dự đoán khi viết bài " Còn chơi " :
Trăm năm : Tớ độ thế mà thôi ,
Ức triệu nghìn năm chửa hết đời
Chắc có một phen đời khóc tớ
Đời chưa khóc tớ , tớ còn chơi .
Những bài thơ tiêu biểu khóc Tản Đà ngay sau khi ông qua đời gồm một bài của Nguyễn Trọng Thuật , một nhà văn lớp cũ và bài khóc Tản Đà của Trần Huyền Trân , một cây bút trẻ của thế hệ 32-45 . Bài của Trần Huyền Trân dưới đây vượt được cái khuôn sáo của loại thơ " thù tạc " nhờ tình thực và ý thực :
KHÓC TẢN ĐÀ
Đêm kia sao rụng trên trời
Cõi trần lạnh lẽo mất người bạn thơ
Nước non này mấy dư đồ
Mà hồn non nước bây giờ tìm đâu?
Lấy gì , trời đổi cho nhau ,
Người sương gió nhuộm mái đầu bấy nay ?
Bao lâu tỉnh tỉnh say say
Say say tỉnh tỉnh lần này mà thôi !
Chiều nay tám chín phương trời ,
Muôn ngàn người có một người đi qua .
Dở dang này những ngày xưa :
" Người non nước hẹn thế cờ nước non
Khối tình lớn , khối tình con,
Khối tình bóp bẹp vo tròn lại nguyên . "
Lòng thơ lấy rượu làm duyên
Hồn thơ xuôi ngược con thuyền " An Nam "
Não nùng chớp bể mưa ngàn
Thuyền nan hờn sóng thuyền nan trở về .
Mai kia , mốt mốt , kia kia,
Cảnh rầu rĩ cảnh lòng tê tái lòng !
Hôm nao vút cánh chim hồng
Mình khôngh thẹn bóng , bóng không thẹn mình .
Giờ sao lủi thủi gia đình,
Rượu cay càng gửi bất bình càng cay .
Mịt mù Nam , Bắc , Đông , Tây
Đã đầy mộng lớn , đã đầy mộng con !
Còn gì là tấm lòng son !
Thân tàn một kiếp , chí tàn bốn phương .
Rồi ... gió sương trả gió sương
Nét thơ xóa sổ " đoạn trường " ra đi !
Giờ đây ,kẻ ở người về ,
Thương nhau tôi biết lấy gì khóc nhau .
Lệ lòng tôi hết từ lâu ,
Gạn lòng gọi có mươi câu chân tình
Trần Huyền Trân
(9-6-1939)
TRần Huyền Trân tuy là nhà thơ trẻ ( sinh năm 1913 ) thuộc thế hệ đàn em của Tản Đà ( sinh năm 1889 ) nhưng có nhiều cơ hội tiếp xúc với Tản Đà nhà thơ và rượu và được Tản Đà coi như là bạn vong niên từng có phen cùng nhau đối ẩm :
Cụ hâm rượu nữa đi thôi
Be này chừng sắp cạn rồi còn đâu
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy , vào đau lòng này !
Trong làng thơ mới , họ Trần không có cơ hội nổi bật như Thế Lữ , Xuân Diệu và Huy Cận , vốn được các tờ Phong Hóa , Ngày Nay hổ trợ . Ông cũng không được nhiều người biết đến như Lưu Trọng Lư của Hà Nội Báo hay Hàn Mặc Tử của văn đàn Bình Định hoặc như các nhà thơ độc lập Vũ Hoàng Chương và Nguyễn Bính . Ông cũng là kẻ bất đắc chí , ra đời trong một nhà thương làm phúc , mồ côi cha từ nhỏ , làm thơ từ tuổi 20 nhưng lận đận trên đường văn bút và cơ hàn trong tuổi xuân xanh . Sợi dây cảm thông đã hình thành giữa nhà thơ trẻ " sinh bất phùng thời " và một nhà thơ " hữu tài , hữu chí " nhưng " vô mệnh " . Tản Đà trong cuối thập niên 30 , tóc đã bạc , sức khỏe mỏi mòn sau bao năm ra Bắc vào Nam muốn mang tài , mang chí của mình vì nhân loại tài bồi " thiên lương " nhưng thất bại , đành phải lui về một xóm quạnh hiu ở ngoại ô Hà thành hoa lệ và chìm đắm trong gánh nặng thê nhi . Cảnh nghèo , sự bất đắc chí , nỗi sầu đời , tính nghệ sĩ và rượu đã nối kết một già một trẻ . Khi Tản Đà qua đời , trong đám người trẻ ngoài Nguyễn Tuân ra , có lẽ chỉ có Trần Huyền Trân gần gũi và cảm thông với ông sâu sắc nhất .
Họ Trần cảm thông được tâm trạng của Tản Đà nhà yêu thơ và được nhiều phen tâm sự cùng với ông .
Tản Đà trong vai trò một nhà Nho chính thống , ý thức được trách nhiệm trước cuộc hưng vong của quốc gia , nhưng trong hoàn cảnh lịch sử , trong điều kiện cá nhân không thành công về mặt khoa cử , ông chỉ còn biết dùng văn chương để tài bối " Bức dư đồ rách " mang thuyết " thiên lương " ra dạy đời và dùng vần điệu bóng gió gợi hồn non nước . Trần Huyền Trân đã hiểu tấc lòng của nhà thơ núi Tản - sông Đà :
Nước non này mấy dư đồ
Mà hồn non nước bây giờ tìm đâu ?
Nói đến Tản Đà , cũng như nói đến Lý Bạch của Trung Hoa , là nhắc tới thơ và rượu , chính nhà thơ đã tự hào :
Trăm năm thơ túi , rượu vò ,
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai ?
Trần Huyền Trân nhớ Tản Đà không quên những lúc có cơ hội cùng nhà thơ cạn chén hay trong cơn mộng cùng nhà thơ uống rượu :
Bao lâu tỉnh tỉnh say say
Say say tỉnh tỉnh lần này mà thôi !
Chẳng phải chỉ là một nhà Nho mạt vận , mà Tản Đà có bản chất là một nghệ sĩ đa tình , một nhà thơ giàu cảm xúc . Ông từng khiêm tốn lấy tên tác phẩm của mình là Khối tình con nhưng trong đó tình cảm lại dàn trải mênh mông và thắm đượm . Nghệ sĩ thương đời , muốn vì đời nên mới Thề Non Nước và có hoài bão vì nhân sinh mới tìm Trần ai tri kỷ cùng chung sức vì đời , nhưng kết cuộc chỉ xây được Giấc mộng lớn , Giấc mộng con . Trái tim cô đơn và bất bình đã lên tiếng và tạo thành muôn vần châu ngọc .
Trong đời thực Tản Đà đã dốc hết tâm huyết và tài chính , để ra tờ An Nam chí và thất bại nhiều lần , hết đóng cửa lại tục bản cho tới khi không còn khả năng về cả hai mặt tiền bạc và sức lực nữa mới tạm thôi .
Vì thế , khóc Tản Đà , Trần Huyền Trân không quên nhắc tới " con thuyền An Nam " mà Tản Đà đã ra công chèo chống suốt đời những chẳng tới bến bờ này :
Hồn thơ xuôi ngược con thuyền " An Nam "
Não nùng chớp bể mưa ngàn
Thuyền nan hờn sóng thuyền nan trở về .
Sau khi trắng tay vì vỡ nợ và ra báo . Tản Đà trong những năm cuối của cuộc đời sống rất cơ hàn , phải dọn về Ngã Tư Sở , ngoại ô Hà Nội . Trong chén rượu vĩnh biệt viết ngay sau khi thi sĩ tạ thế , Nguyễn Tuân đã kể lại mối ưu tư của Tản Đà vì sinh kế . Trong bữa rượu cuối cùng với Tản Đà tại căn nhà số 71, Cầu Mới , Ngã Tư Sở . Nguyễn Tuân nhớ lại , Tản Đà cho biết có nhận dịch Thơ Đường cho báo Ngày Nay trong các năm 1937 và 1938 nhưng sau đó tình hình chính trị quốc nội và quốc ngoại sôi động , độc giả giảm , tờ Ngày nay gặp khó khăn vì tài chính nên việc dịch thơ Đường gặp trở ngại . Hết việc kiếm ra tiền nhờ văn chương , Tản Đà càng lúng túng vì tài chính như Nguyễn Tuân thuật lại :
" Những bạn năng lui tới thường đã rõ , ông Tản Đà vì sao rời xóm Bạch Mai chạy về vùng Ngã Tư Sở . Mở ngôi hàng xem số tử vi Hà Lạc , không có khách . Mở lớp quốc văn hàm thụ và lớp Hán văn diễn giảng , cũng lại không có học trò nốt . Rốt cuộc đến thiếu tiền nhà , chủ nhà đuổi và lấy hết đồ đạc ."
Mấy tháng sau , Tản Đà nhắm mắt từ giã cõi đời và mang theo khối bất bình xuống tuyền đài như Nguyễn Tuân chứng kiến :
" Lúc tôi vào nhà 71 Cầu Mới , lòng tôi thắt lại . Ông Tản Đà còn hấp hối và đang thở hắt ra . Cứ đều đều , cứ nhẹ như thế cho đến hơi thở cuối cùng . Hai môi mím khít lại, ông Tản Đà có nét mặt dăn dúm của một người chết khó khăn , phải chung thân là một người bất đắc chí , sống đã chẳng được toại lòng ."
Trần Huyền Trân cũng như Nguyễn Tuân đã thấm thía cảnh ngộ Tản Đà buổi cuối đời :
Còn gì là tấm lòng son !
Thân tàn một kiếp , chí tàn bốn phương .
KHóc Tản Đà , Trần Huyền Trân đã viết những lời chí tình từ những cảm xúc thật . Nghệ thuật trữ tình rất cao , luôn luôn đối nghịch những hình ảnh , giữa chí cao và vận bĩ , giữa mộng giang hồ và gánh thê nhi , giữa tài tử và nợ đa cùng , để làm nổi bật bi kịch của một thiên tài . Đây không phải là một bài thơ thương vay khóc mướn mà là nỗi lòng của kẻ tri âm đồng bệnh tương liên .
http://www.luongsonbac.com/forum/showthread.php?t=134265910
No comments:
Post a Comment