(Bích họa ở chùa hang Ajanta /Ấn Độ)
Tổ hợp chùa Hang Ajanta nằm trên lưng chừng dãy núi đá hình móng ngựa nhìn xuống một cái vực sâu. Hôm chúng tôi đến nơi đây, cao nguyên Deccan vào mùa khô. Sông Waghora nằm dưới đáy cái vực sâu trước chùa, cạn khô trơ đá sỏi. . . Cây cối rụng lá tiêu điều và ánh nắng chói chang như thiêu như đốt. Nhen sóc, khỉ, quạ, chim chóc, gà rừng lang thang trong khu rừng thưa đầy cọ và cây chà là để kiếm ăn.
Trong tiếng gió thổi ào ào qua núi đá và tiếng quạ kêu buồn bả trên non, có tiếng cười, tiếng nói, tiếng trầm trồ thán phục của khách nhàn du. . . . Du khách rất đông, người nước ngoài và người bản xứ, toàn những người đến đây để xem cái hoành tráng của dãy núi đá khổng lồ đã được sức người đục rỗng ruột thành hang, thành chùa, với vô số cột, vô số tượng, vô số tranh tường, vô số phù điêu tinh xảo diễm lệ.
Từ một dãy núi đá khổng lồ, người ta đã đục đẽo, chạm khắc tạo nên những công trình kiến trúc với tầm vóc kỳ vĩ cùng sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng chi tiết. Tất cả có 30 ngôi chùa, ngày nay người ta gọi tên theo số. Từ ngôi chùa I cho đến ngôi chùa XXX. Trong đó ngôi chùa IX và ngôi chùa X là hai công trình được tạo tác sớm nhất, từ thời Vương triều Andra. Hầu hết các ngôi chùa hang khác được xây dựng, tạo tác trong vương triều Phật giáo Gupta, từ thế kỷ IV đến thế kỷ VIII.
Vương triều Andra bắt đầu từ năm 28 trước công nguyên, kéo dài 460 năm, là một thời kỳ bình yên với sự phát triển khá mạnh về kỹ nghệ và thương mại, có nhiều thành phố mới được xây dựng, rất hưng thịnh. Những công trình kiến trúc thời kỳ này đã đạt đến đỉnh cao của kỹ nghệ, trong đó tiêu biểu là chùa hang số IX và chùa hang số X. Tất cả các ngôi chùa hang Ajanta đều được tạo tác bằng cách đục khoét sâu vào lòng đá.
Mặt ngoài, mỗi ngôi chùa thường có khoảng 20 cột đá đục đẽo liền từ núi đá nguyên thủy, rồi chạm khắc, trang trí công phu. Bước qua hàng hiên là tới đại sảnh, hai bên có hai dãy trai phòng, nơi cư ngụ của các nhà sư. Người ta đục đá tạo tác bàn thờ lớn từ giữa hang đến đáy hang chùa.
Do phải cắt đục lòng núi để tạo thành chùa nên người đời mới gọi là chùa hang. Có những ngôi chùa rất lớn như chùa hang XVI, gian hành lễ rộng đến 400m2. Chùa hang I, chùa hang II cũng có những phòng lễ hội rộng mênh mông với những cột lớn được chạm khắc tỉ mỉ và các đường xoi tế nhị. Chân cột vuông, đỉnh cột có vầng tròn áp trần trang trí những tràng hoa lớn công phu. Chùa hang XXVI có các hàng cột vĩ đại đỡ ngạch cửa khổng lồ với những hình chạm trổ tuyệt đẹp.
(Hang số 10 /Chùa Hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010)
Điêu khắc đá ở chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010Các chùa hang ở Ajanta chứa những bức họa đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo. Dày đặc trên các mái vòm ở các vách chùa hang là những bức tranh màu đặc sắc. Trong 16 ngôi chùa hang có nhiều tranh vẽ bằng màu đỏ, xanh lá cây, xanh lam trên nền đá cẩm thạch, mô tả sinh động những điển tích Phật giáo. Đó là những tác phẩm mỹ thuật vừa lộng lẫy vừa thiêng liêng. Ở 14 chùa hang khác có nhiều bức tranh vẽ các tích Phật cùng nhiều bức tranh mô tả cuộc sống nhiều mặt của người dân Ấn đương thời.
Chùa hang XVIII nổi tiếng với bức bích họa lớn vẽ một phụ nữ và một đứa trẻ, gương mặt họ bừng lên khao khát hướng tới sự giải thoát. Đó là vợ và con của Đức Phật. Trong chùa hang XIX, một điêu khắc đá tuyệt diệu, tạc hình Phật đứng, áo cà sa bó thân, gương mặt Đức Phật đẹp một vẻ đẹp lý tưởng, miệng hơi mỉm cười, đôi mắt nhìn xuống.
Tóc quăn, tai chảy dài, những biểu hiện quý tướng của Phật giới; Nhưng tất cả trông thân thiện và ấm áp lạ lùng. Bức phù điêu đá này được coi là mẫu mực cổ xưa nhất của dáng tượng Phật đứng. Không chỉ là những tác phẩm điêu khắc đá và bích họa mô tả những điển tích Phật giáo một cách toàn vẹn, to lớn và sâu sắc, mà nó bao gồm cả những bích họa và điêu khắc đá mô tả đời sống xã hội Ấn Độ đương thời. Tư tưởng Phật Giáo hòa quyện một cách tự nhiên giữa thế giới thánh thần và đời sống con người.
(Thác trên núi đá chảy xuống sông Waghora trước mặt chùa hang Ajanta/Ấn Độ/3/2010/)Có tất cả 30 hang, bao gồm Thánh đường Phật giáo và các khu phụ cận. Các nhà khảo cổ đã đánh dấu các hang theo số thứ tự. Họ phân chia các hang động theo từng thời kỳ xây dựng, gồm hai phần: cụm hang được tạo dựng vào giai đoạn đầu và cụm hang được xây sau này. Hang số 12 được đẽo trong thời kỳ đầu và được gọi là Tăng viện; đây là nơi sinh sống của những thầy tu ngày xưa. Họ sinh hoạt và tu hành trong không gian chật hẹp.
Các thầy tu dùng bệ đá làm giường ngủ, họ luôn tuân thủ trong quá trình tu hành khổ hạnh theo cách như thế. Hang số 9 cũng được tạo dựng trong thời kỳ đầu. Khác với hang động dành cho các nhà tu hành, hang số 9 có tên gọi là Tháp viện, là một căn phòng dùng làm nơi cầu nguyện. Tháp viện mang ý nghĩa rất linh thiêng, là nơi tôn thờ thánh tích của Đức Phật. Thời kỳ này hoàn toàn không có sự hiện diện của các tượng Phật. Vì vậy Tháp Phật được xem là một biểu tượng linh thiêng để tôn thờ và phụng sự.
(Tháp Phật ở chùa Hang Ajanta. Đây là thời kỳ chưa có tượng Phật /Ấn Độ /3/2010)
Thời kỳ đầu kéo dài đến khoảng 300 năm. Nhóm hang động thứ hai được tạo dựng vào thế kỷ thứ V, được gọi là thời kỳ sau. Hang số 26 là một điện Phật được xây dựng vào thời kỳ sau với trình độ kỹ thuật cao, các bức tượng chạm khắc đều rất lớn và hầu như tất cả đều còn nguyên vẹn. Trong hang số 26, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp những hình ảnh của Phật giáo thuộc phái Mật tông. Khác với các tượng Phật ở Nhật Bản, hình dáng của tượng Phật trong hang là mô hình tượng Phật phổ biến tại rất nhiều nước ở châu Á.
Khác với thời kỳ đầu, trong nhóm hang động thứ 2, tượng Phật hiện diện khắp nơi. Có tượng phật ngồi thể hiện rằng đã đạt được sự giác ngộ dưới cội bồ đề, xung quanh là sự cám dỗ của quỷ ma. Trước khi giác ngộ, Đức Phật đã trải qua nhiều giai đoạn tu luyện, tất cả đều được thể hiện qua hàng loạt tác phẩm điêu khắc trong hang. Những hình ảnh Phật giáo sống động trong nhóm hang thứ 2 đã phản ảnh sự hưng thịnh của đạo Phật lúc bấy giờ. Trong các hang động này, hình ảnh của phật Như Lai luôn là tâm điểm chi phối mọi vật xung quanh. Nhờ sự hậu thuẫn của triều đình cùng giới quý tộc và thương nhân lúc bấy giờ nên nghệ thuật Phật giáo Ấn Độ đạt tới trình độ phát triển rực rỡ nhất.
(Chánh điện của một chùa Hang Ajanta, do đục núi đá rồi điêu khắc mà thành /Ấn Độ/3/2010)
Khi mặt trời bắt đầu lặn, tiếng còi vang lên khắp khu chùa hang Ajanta để mời du khách xuống núi. Chúng tôi là những người đi sau cùng. Gió thổi ào ào, nắng chiều nhảy múa trên con đường đá men bờ vực thẳm.
Từ khối đá nguyên người ta đục thành chùa với hoa văn họa tiết và điêu khắcChánh điện một chùa Hang Ajanta với Tháp Phật ở cuối hang và 2 hàng cột hai bên
Tượng Phật thuyết pháp tạc theo phong cách Mật Tông ở chùa hang Ajanta
Ở chùa hang Ajanta rất nhiều phiến đá có khắc chữ bùa theo phong cách Mật Tông
Rất nhiều bức bích họa ở chùa hang Ajanta có tính phồn thực theo phong cách Mật Tông
Bức bích họa vợ và con của Phật ở chùa hang Ajanta
Rất nhiều hang, hang nào cũng đẹp, đi cả ngày cũng không hết
Đục đá làm chùa
Cây cầu bắc ngang qua sông Waghora trước tổ hợp chùa hang Ajanta
CÁC BÀI LIÊN HỆ
No comments:
Post a Comment