Nhân ngày sinh của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ( 20-4-1889 )
Thi sĩ Tản Đà với bài thơ Tống biệt
Nghe những bài CA TRÙ của Tản Đà
Khu lưu niệm Tản Đà được xếp hạng di tích lịch sử
Chuyện vui bên lề cuộc bút chiến thơ mới và thơ cũ
Người tình không quen biết củaTản Đà
Tản Đà
Tản Đà tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 25-5-1889, tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, cạnh sông Đà và cách núi Tản Viên 10 km chim bay. Ông đã mượn tên núi tên sông làm bút danh.
Tản Đà tạ thế tại Hà Nội ngày 7-6-1939. Tản Đà bước vào văn chương ở buổi cũ mới giao thời. Thơ lối cũ không còn đủ chứa tình ý của thời đại. Còn lối mới thì ông phải tự tìm lấy. Bỗng nhiên Tản Đà thành người tự do không bị khuôn khổ nào câu thúc, cả về hình thức lẫn nội dung. Thơ ông lắm lối lắm loại. Khi thì ông phân biệt chúng bằng hình thức: hát nói, hát sẩm, tứ tuyệt, bát cú, yết hậu, lục bát, trường đoản, từ khúc, trường thiên... Khi thì bằng nội dung: tập Kiều, thù tiếp, thơ họa... Phân biệt lắm thứ như thế vì thật sự Tản Đà không quan tâm đến sự phân biệt. Ông làm thơ như chỉ vì mình. Thơ như nói, nói như chơi mà thấm thía nhân tình. Biên độ thơ Tản Đà rất rộng. Dân ca liền với triết học, cổ điển xen cùng lãng mạn, trào phúng trộn với trữ tình.
Cái mới rõ nhất ở Tản Đà là sự hồn nhiên, tự nhiên. Ông làm thơ như hít thở, thấy thế, cảm nghĩ thế thì viết thế. Tản Đà phẫn chí về danh phận nhưng lại đắc ý về tài năng; tài cao phận thấp, chí khí uất. Thơ ông nói chuyện đời ông, nói việc hàng ngày của ông. Ông không mỹ lệ hóa đời cũng không thần bí hóa thơ mà cũng chẳng màu mè vờ vĩnh. Đắc ý thì nói đắc ý, buồn thì nói buồn. Dám bộc lộ thật mình trong văn chương ở thời Tản Đà là bạo lắm. Phạm Quỳnh công kích Tản Đà: Người ta, phi người cuồng, không ai dám trần truồng mà đi ngoài phố. Nhà làm sách cũng vậy, không ai đem thân thế mình mà làm truyện cho người đời xem. Nhưng chính chỗ ấy là chỗ Tản Đà đã khai sinh ra chủ nghĩa lãng mạn cho thơ Việt Nam, trước cả phong trào Thơ Mới. Bối cảnh xã hội, trình độ dân trí hồi ấy đã cho phép Tản Đà bộc lộ chính mình, đã chấp nhận cho "cái không giống ai" trong phạm trù cá nhân, cá thể tồn tại, điều mà Nguyễn Trãi, Nguyễn Du chưa có. Các cụ xưa mới chỉ bộc lộ được từng nét cá thể khi tỉnh rượu, lúc tàn canh.
Các cụ mới có từng yếu tố lãng mạn chứ chưa có chủ nghĩa lãng mạn. Chủ nghĩa lãng mạn lấy cái tôi làm nền tảng, quan tâm, chăm chút cái tôi. Tản Đà lãng mạn trên cái tôi ngông. Ngông là một cách đòi quyền tồn tại cá thể chống mọi khuôn mẫu áp đặt. Ngông là lãng mạn trong cõi thực. Tản Đà còn lãng mạn ra ngoài cõi thực. Và đấy lại là chỗ bộc lộ nhất tinh hoa thơ Tản Đà: Nhớ mộng, Tống biệt, Nói với bóng, Nói với ảnh... Đọc văn xuôi Tản Đà càng thấy rõ phẩm chất lãng mạn của tâm hồn ông.
Hồn mơ mộng, thơ hiu hắt, tình điệu âm u. Cõi u ẩn của lòng người, cao thấp sang hèn gì, đều dám phơi lên mặt giấy, gợi thương, gợi buồn, gợi cảm thông. Bài Tống biệt từ âm điệu đến hình ảnh đều nói được cái dúng dắng của khách trần lưu luyến động tiên, khát thèm mộng ảo: Cửa động/Đầu non/ Đường lối cũ/ Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi. Bài Nhớ mộng mở đầu như một sự giác ngộ Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi. Nhưng tỉnh lại thấy không bằng mộng: Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng! Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời. Hai câu này còn là cái lãng mạn mực thước của chủ nghĩa cổ điển. Nó là tổng kết chung của cõi đời dâu bể. Cái chỗ hé ra nỗi niềm Tản Đà là ở câu Những lúc canh gà ba cốc rượu và Mộng cũ, mê đường biết hỏi ai. Tản Đà có những câu thơ chán đời nhưng trong cốt lõi, ông là người ham chơi, ham sống: Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có cửa nhà thời không/ Nửa đời Nam Bắc Tây Đông/ Bạn bè xum họp vợ chồng biệt ly. Tản Đà chỉ hiện thực khi nào cái thực đánh rất đau vào cái mộng, đánh vào tâm trí nhân ái: Năm hào một đứa trẻ lên sáu. Tiền có năm mà trẻ lên sáu, ấn tượng con số diễn tả sự rẻ rúng của phận người năm lụt lội đói kém.
Về hình thức câu thơ, Tản Đà cũng có nhiều cách tân lắm. Bên cạnh thơ lối cũ, ông viết nhiều thơ lối mới. Ông dùng song song cả mới lẫn cũ, không bài xích hay bênh vực thứ nào nên người ta cứ nghĩ phải đến thời Thơ Mới câu thơ Việt Nam mới có cách tân. Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam coi Tản Đà như người bắc cầu cho hai thời đại thi ca Việt Nam là có lý. Nhưng không phải chỉ ở nộûi dung đâu mà còn ở cả hình thức nghệ thuật. VŨ QUẦN PHƯƠNG
.
Thiên cổ đoạn trường kim nhất tục.
Phiếm Đàm tòng thử kế Thừa sai.http://www.phiem-dam.com/1ATANDA.htm
No comments:
Post a Comment