Ngày xưa, chàng thi sĩ ấy đã yêu say mê và đã đau khổ. Năm Tản Đà mười chín tuổi, là tuổi chín muồi mộng mơ, khao khát, Tản Đà đã say mê một hình bóng giai nhân.
Năm này,năm 1907 là một năm quan trọng, đánh dấu một khúc quanh trong đời chàng thư sinh họ Nguyễn. Thân phụ Tản Đà là án sát Nguyễn Danh Kế mất sớm, mẹ lại bỏ đi theo nghiệp xướng ca, Tản Đà nương náu vào người anh cùng cha khác mẹ là phó bảng Nguyễn Tái Tích. Ông là anh nhưng cũng là thầy, là bậc quyền huynh thế phụ theo truyền thống xưa đã nuôi em ăn học.
Năm này, ông Nguyễn Tái Tích từ Sơn Tây được bổ nhiệm về Hà Nội, làm ở cục Tu Thư. Tản Đà theo anh về Hà Nội. Gia đình trọ ở Hàng Nón . Lúc bấy giờ Pháp đã muốn loại bỏ nho học. Chương trình mới gồm chữ nho, quốc ngữ và Pháp văn và đang bắt đầu thí nghiệm với những trường kiểu mẫu . Hàng ngày Tản Đà theo học trường Quy Thức ( École Modèle), đường Gia Ngư :
" Quảng oai vừa trải bốn xuân dư,
Xuân mỗi ngày cao, học cũng như
Cuối xuân mười chín ra Hà Nội,
Học trường Quy Thức đường Gia Ngư. "(1)
Con đường từ nhà đến trường đã trở thành con đuờng hoa mộng. Hàng ngày đến trường, chàng thư sinh họ Nguyễn phải đi qua phố hàng Bồ. Đấy là lối vào Thiên Thai, là con đường tình sử của một chàng thi sĩ tuổi đương thì ! Tất cả tâm hồn chàng đều để cả vào một gian hàng sách mà lúc bấy giờ người ta cũng gọi là hàng tạp hóa , ở "số nhà hơn hai mươi về giẫy bên lẻ có một người con gái ngồi bán hàng tạp hóa" (2) . Đó là một giai nhân mày ngài mắt phượng, đã làm điên đảo tâm hồn thi nhân. Những ngày đó thật thơ mộng,thật đẹp đẽ! Ngôi nhà của người yêu đã trở thành một thiên đường diễm ảo cho kẻ tình si! Trừ những ngày mưa gió bão bùng, không một ngày nào Tản Đà không đi qua ngõ ngưòi yêu! Tản Đà viết :
" Mỗi buổi chiều tan học, ở Gia Ngư về hàng Nón, trừ phi giời mưa gió,thường tất phải đi quanh hàng Bồ"(3)
Có lẽ Tản Đà cũng như những chàng trai tình si thuở xưa yêu rất say đắm nhưng lại rất rụt rè, thầm kín :
" Ngó em không dám ngó lâu,
Ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi.(Ca dao)
Nhưng môt đôi lần, Nguyễn sinh lấy tất cả nghị lực, bước vào hàng sách, hỏi mua cây bút Tảo Thiên quân, vài thỏi mực Kiêu Kị ,vài thếp giấy hoa tiên để nhìn vào đôi mắt giai nhân, và đón nhận một nụ cười. . . Tâm trạng Tản Đà là tâm trạng của con người cuồng si. Phải chăng Tản Đà là thi nhân cho nên đam mê mạnh mẽ hơn người ? Hay đó là cái bệnh chung của những kẻ yêu mối tình đầu?
" Cái giống yêu hoa lạ lạ đời,
Mắt xanh chưa lọt đã mê tơi!
Chim trời cá nước duyên ai đó
Vía dại hồn khôn chết dễ chơi.”(4)
Thât ra chính trị, tôn giáo, văn hóa và tình yêu đều là chủ quan. Tại sao ta yêu người này mà không yêu người khác ? Đó là chủ quan. Khi yêu thì người ta yêu là đẹp nhất trần gian.
Tản Đà đã nói lên tâm trạng mình trong những ngày dông bão của đam mê :
"Không biết có phải là tuyệt sắc hay không, mà tự con mắt mình khi bấy giờ thời như ngoài người ấy không có ai là con gái. (5)
Có lẽ những khi ngồi bên án sách hay những đêm trường quạnh hiu, thi nhân đã luôn nhớ tưởng hình bóng giai nhân:
" Quái lạ làm sao cứ nhớ nhau,
Nhớ nhau đằng đẵng suốt đêm thâu.
Bốn phương mây nước , tình đôi ngả,
Hai chữ tương tư, một gánh sầu.(6)
Tình yêu của những lớp người xưa khác với tuổi trẻ ngày nay. Ngày nay người ta yêu chỉ để mà yêu. Ái tình và hôn nhân là hai chuyện khác nhau. Ngày xưa, người ta yêu là muốn đi đến hôn nhân. Tản Đà đã mơ ước cùng giai nhân kết tóc xe tơ trăm năm đầu bạc :
" Chắp đôi tay anh vái lạy ông Hoàng thiên,
Sớm sai ông nguyệt lão để xe duyên cho chúng mình.
Dù duyên, dù nợ, dù tình,
Lòng anh đây đã quyết thời cô mình cũng phải nhất tâm.
Ở đời, em ơi, được mấy tri âm !(7)
Và :
" Ai xui anh lấy được mình,
Để anh vun xới ruộng tình cho xanh.
Ai xui mình lấy được anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em !(8)
Quá si mê người thiếu nữ hàng Bồ, Tản Đà quyết định đi đến hôn nhân cho dù lúc đó Tản Đà chỉ là một bạch diện thư sinh. Người con gái đó là ai mà Tản Đà yêu ghê gớm đến thế ? Nàng là ái nữ của Đỗ Thận tiên sinh, một nhân sĩ lừng danh của Hà thành lúc bấy giờ mà báo Phong Hóa của Nhất Linh đã nhiều lần đề cập. Theo ông Nguyễn Mạnh Phưởng ( con trai cụ phó bảng Nguyễn Tái Tích, gọi Tản Đà bằng chú ) , ông Đỗ Thận là một nhà nho khôn ngoan, lại có óc kinh doanh. Ông ra làm ký lục cho Pháp, được Pháp tin cậy. Ông mở hiệu sách Cẩm Vân Đường và giao cho hai cô con gái lớn trông coi.
Theo Hồ Đình Chử, ông Đỗ Thận có bốn gái, hai trai. Cô gái đầu lòng là Đỗ thị Thăng ( đối tượng của Tản Đà ) , cô thứ nhì là Đỗ thị Thi, cô ba là Đỗ thị Phúc, cô tư là Đỗ thị Thảo.Một người con trai mất sớm, một người tên là Đỗ Cầu.(9)
Theo ông Nguyễn Mạnh Bổng, Đỗ thị có "khổ mặt trái soan, da trắng, tóc dài, người nhỏ nhắn xinh tươi, có vẻ yêu kiều ngoan ngoản, ăn nói dịu dàng lễ phép dễ nghe, biết đọc chữ nho, chữ quốc ngữ - ngày xưa người con gái được thế là gia giáo đáng quý lắm, vì nữ học chưa mở mang.(10)
Yêu Đỗ thị, Tản Đà bèn đem tâm sự trình bày với trưởng huynh nhưng không đuợc trưởng huynh chấp thuận. Tản Đà cho ta biết là ông phó bảng bảo rằng
"Nhà ta nghèo như thế, lấy đâu xe song mã mà cưới." (11)
Cụ bà Nễ Xuyên Nguyễn Thiện Kế, nhũ danh Nguyễn Thị Hiền , chị ruột Tản Đà nói với chúng tôi rằng cụ phó bảng bảo :" Quan viên Hà Nội , nhà nghèo dây sao được!"
Theo Hà Xuân Tế, " vì cảnh nhà thanh bạch cho nên ông anh không tính đến sự hôn thú ở nơi thành thị, mà câu chuyện bỏ qua không nói đến." (12)
Theo ông Nguyễn Mạnh Phưởng, ông bảng bảo :
'Tao không làm bạn với ký lục.'
Tại sao ông Nguyễn Tái Tích không tán thành việc hôn nhân của Tản Đà ? Ta có thể chia các ý kiến trên thành hai: Ý kiến thứ nhất là gia đình Tản Đà nghèo. Ngày xưa, người Hà Nội có tục thách cưới cao. Ông bảng là một người thuộc ngành giáo chức, tất nhiên là thanh đạm. Ngày xưa , giữa nho gia và phú thương thường có nhiều xích mích . Cuộc hôn nhân với gia đình Đỗ Thận quả thực gây nhiều điều khó khăn về tài chánh cho gia đình họ Nguyễn, một gia đình đã phá sản vì thời cuộc!
Ý kiến thứ hai do ông Nguyễn Mạnh Phưởng thuật lại ,là do giai cấp và chính kiến bất đồng. Hai ý kiến đó đều đúng cả , nó diễn tả những khía cạnh khác nhau của một vấn đề. Sự thực, ông Nguyễn Tái Tích vừa tự ty lẫn tự tôn. Một mặt, ông tự ty vì nghèo. Một mặt ông tự tôn vì gia đình trâm anh thế phiệt, đời đời khoa bảng.Ông cũng tự tôn vì ông yêu nước, không làm việc cho Pháp. Quá say mê người đẹp, Tản Đà đã làm trái ý trưởng huynh.
Tản Đà đã nhờ một người bạn đồng canh lo việc mối manh. Và nhà gái đã đồng ý.
Việc này cũng có nhiều ý kiến khác nhau.
Tản Đà viết :
'Tấm lòng ao ước, ngỏ cùng một người anh em bạn học đồng canh. Người bạn đi nói giúp việc mối, cứ như bên nhà người con gái, thời việc có nhẽ đã xong” (13)
Theo bà Nễ Xuyên, chính quan huyện Móm, tức phu quân của bà vì thương em vợ mà đứng ra lo việc tiếp xúc với nhà gái. Nguyễn Mạnh Bổng cũng cho biết chính ông Nguyễn Thiện Kế đến nói với quan phán Đỗ. Khi về, ông anh rể thuật lại:
" Ái khanh cùng nghiêm phụ chỉ muốn được chồng, được rể thi đỗ cử nhân, ra tri huyện mà thôi" (14)
Đó là một lời khuyến khích hay một điều kiện ? Nếu đó là một điều kiện thì rất đơn giản nhưng không dễ thực hiện. Nhưng khó là đối với ai kia chứ đối với Tản Đà thì hạnh phúc ở trong tầm tay! Tản Đà là một người văn hay chữ tốt, xuât thân gia đình khoa hoạn, lại được anh là phó bảng Nguyễn Tái Tích đào luyện. Mông khoa danh ắt hẵn thành tựu. Mai đây, chàng sẽ thi đỗ, sẽ cùng người đẹp sánh duyên giai ngẫu.
Đời người con trai ngày xưa là chú trọng khoa cử, trọng sự nghiệp. Tình yêu là phụ.
"Trai thì đọc sánh ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân."(Ca dao)
Nhưng Tản Đà không chú trọng sự nghiệp. Đối với Tản Đà, tình yêu là chính. Sự nghiệp chẳng qua là điều kiện để chinh phục người đẹp. Nói cách khác công danh chỉ là phương tiện để thực hiện cứu cánh tình yêu. Tản Đà cũng như vị tướng quân xông pha trận tiền giết giặc không phải để cứu nước, không phải để lấy ấn phong hầu, mà chỉ vì nụ cười giai nhân. Hàng ngày, Tản Đà ngâm bài cổ thi sau đây, và bài này đã nói lên tâm hồn Tản Đà lúc này :
"An đắc tỳ hưu thập vạn binh,
Hổ lang sào huyệt nhất thời bình.
Quy lai bất sách phong hầu ấn,
Chỉ hướng quân vương mịch ái khanh."
(Sao được anh hùng mươi vạn binh,
Hổ lang hầm tổ dẹp tan tành.
Khi về chẳng lấy phong hầu ấn,
Chỉ đến thềm vua xin ái khanh.)(15)
Chính Tản Đà cũng thú thực rằng việc thi cử chính là do tình yêu : "Mục đích sự học ở khoa cử, tiền đồ khoa cử có quan hệ với tình duyên."(16)
Nhưng rồi trời chẳng chiều người! Con người tài giỏi thơ văn như thế lại thi hỏng khoa thi nhâm tí ( 1912) tại thành Nam . Tản Đà trở về Hà Nội, đi qua phố hàng Bồ mong gặp giai nhân cho đỡ u sầu . Nhưng Tản Đà xiết bao cay đắng khi thấy nhà người yêu pháo nổ rền vang trong ngày vu quy! Hỏi rõ ngọn nguồn, Tản Đà mới biết Đỗ thị" sắp sửa bước lên xe song mã để về làm dâu một nhà quan huyện."(17)
Tản Đà vô cùng đau đớn. Tản Đà bị hai thất bại cùng một lần: Đại đăng khoa hỏng mà tiểu đăng khoa cũng mất luôn. Tản Đà cất lên tiếng than oán não nuột:
" Cử tú không mà rể cũng không,
Còn đeo áo đoạn để ai trông.."(18)
Cụ bà Nễ Xuyên đã đọc cho chúng tôi nghe bài thơ của Tản Đà sáng tác lúc này :
Điều đâu sét đánh vỡ giời vang,
Thằng bé đương mê tỉnh dậy nhoàng.
Hỏi chú thiên lôi đâu chạy lại,
Từ bà huyện Thủy bắn tin sang.
Một dao tầm sét tan hồn phách,
Mãy mối tơ tình đứt dọc ngang.
Ông Nguyệt bỏ nhau tìm nẻo trốn,
Trăm năm mở mắt vẫn mơ màng."
Tản Đà thấy rõ cuộc đời hư ảo, tất cả chỉ là giấc mông kê vàng . Tản Đà đã nuôi bao mộng đẹp nhưng cuối cùng thành hư không:
"Người trong mộng, niềm nguyện mong, giục xui lòng:
rõ ràng đôi lứa, phụng thành song, thành song.
Mừng tạo hóa chắp mối tơ hồng.
Tỉnh giấc cô phòng, dậy thành không, thành không.
Sự sắt cầm chiêm bao thành không." (19)
Trong nỗi đau khổ vì tình, Tản Đà đã hành động một cách liều lĩnh và tuyệt vọng.
Sau khi Đỗ thị lấy chồng, Tản Đà bỏ đi lang thang, rồi bỏ ăn bỏ uống, sống một cách điên cuồng, buông thả và hành hạ mình. Tản Đà bỏ lên Hòa Bình và than vãn :
"Vì ai cho tớ phải lênh đênh,
Nặng lắm ai ơi một gánh tình!"(20)
Sau Tản Đà lên chơi chùa Non Tiên, làm văn tế Chiêu quân. Tế Chiêu Quân là khóc Đỗ thị, là thương tiếc một giai nhân đã bỏ phí đời xuân về nơi mọi rợ :
"Má hồng để tiếc cho ai,
Đời người như thế có hoài mất không?
Khóc ai nước mắt ròng ròng,
Xương không còn vết, hận không có kỳ.(21)
Sau khi từ giã Non Tiên, Tản Đà về ở ấp Cổ Đằng ( quận Tùng Thiện, Sơn Tây ) của cụ Nguyễn Danh Kế.Tại đây Tản Đà càng chán nản cực độ.Tản Đà muốn tịch cốc tu tiên để lánh trần tục mà đi về cõi cực lạc. Tản Đà viết :
" Cái bụng chán đời đến cực điểm, quyết mong tịch cốc để từ trần. Tiếc không nhớ bắt đầu từ ngày nào thôi sự ăn cơm, chỉ khát không chịu được.. . còn phải uống nước. Ba hôm như thế sầu khổ không thể chịu được nữa, thời lại phải uống rượu. Rượu uống cũng uống xuông, mà uống đến thật say. Nguyên đã ba hôm không ăn, trong bụng hư không, lại một phen say rượu mê ly, thành ra tự đãy về sau, khác hẳn tự đãy về trước. Bụng không biết no, biêt đói, người không biết vui biết buồn , cứ chỉ mỗi ngày một bữa rượu, hoặc uống xuông, hoặc ăn một đĩa rau rưa nhỏ con, xong rồi đem chõng ra nằm ở dưới cây ngọc lan, nghe những con chim kêu trên cành cây, hoặc là xem những đám mây đi trên giời, con chim bay trên không, xem kết cục đến đâu là hết.(22)
Chính Tản Đà cũng công nhận rằng lúc bấy giờ mình đã mắc bệnh khủng hoảng tinh thần:
"Trong khi đó tự lấy làm phóng dật thanh cao nhưng thực đã gần ra tâm tật vậy" (23)
Càng tuyệt vọng, càng đau khổ ,Tản Đà sinh ra oán thán mọi người. Việc đầu tiên là trách gia đình không chu toàn hôn sự nên mới có chuyện thất bại ở hàng Bồ như thế.(24)
Điều này kể ra cũng đúng. Nếu ông Nguyễn Tái Tích đến thăm viếng đôi lần có lẽ nhà gái cũng vui vẻ và tin tưởng. Sự vắng bóng , sự lạnh lùng của ông Nguyễn Tái Tích đã làm cho nhà gái bực tức. Nhưng điều này e chỉ đúng một phần. Sự thực là do Tản Đà. Nhà gái đã nói rõ điều kiện của họ là muốn Tản Đà thi đỗ cử nhân, ra tri huyện. Tản Đà không hội đủ điều kiện này, lẽ dĩ nhiên, nhà gái phải nhận lời cầu hôn của một người khá hơn. Người đó là Nguyễn Văn Đồng, con quan huyện Thanh Thủy, sau này làm việc cho Thống sứ Bắc kỳ. Dù ông Nguyễn Tái Tích có lui tới săn đón , chưa chắc họ đã thiết tha con người thất bại Tản Đà. Thứ hai là trách tình nhân phụ bạc, tham danh, tham danh, tham lợi:
-" Trách ai đánh đá nung vôi,
Trách ai ngả gỗ trên đòi đốt than.
Làm cho vôi trắng than đen,
Cho lòng đen bạc thế gian lắm người." (25)
-"Đa tiền mới đa tình,
Ít tiền son phấn khinh" (26)
Ngày nay, người ta có thể nói tình yêu của Tản Đà là tình yêu đơn phương, vì giữa hai ngưòi không hề có việc hẹn ước dưới đêm trăng trong vườn Thúy, hay thư từ trao đổi theo dòng lá thắm , cho nên Tản Đà không thể trách người bội bạc. Người ta phải vâng lời cha mẹ mà thôi! Nhưng ngày xưa, việc hẹn biển thề non là ít, còn phần lớn do cha mẹ quyết định. Ý kiến cha mẹ cũng là ý kiến của người con gái. Khi nhà gái hứa hẹn có nghĩa là bản thân người con gái đã bằng lòng. Và khi bên gái bỏ lời ước hẹn có nghĩa là người con gái phụ tình. Dầu sao thì đây cũng là một sự khước từ vì Tản Đà thiếu điều kiện. Điều này cho phép Tản Đà than van tình đời tham phú phụ bần ! Tản Đà giận Đỗ thị, giận luôn việc thi cử ! Tản Đà mượn lời Ngọc hoàng thượng đế để bênh vực cho nỗi đau khổ của mình:
"Vì chi một sự khoa danh nhỏ mọn đến nỗi con bỏ chồng, thằng rẫy vợ. . . Một sự thi cử ở trần gian sinh ra hại đến luân thường như thế, thời thôi từ nay bỏ hẵn đi."(27)
Và trong đau khổ, Tản Đà nảy sinh tâm lý ghen ghét, đố kị kẻ tình địch. Trong thi ca, Tản Đà châm biếm chồng Đỗ thị theo dạng những câu tục ngữ ,ca dao Việt Nam . Hàng ngày Tản Đà ngâm nga :
"Chị Hằng ơi, chú cuội ,
Con cú nọ cành mai.
Thương ai mà lại tiếc cho ai" (28)
Và Tản Đà đã ám chỉ người chồng của Đỗ thị, ông Nguyễn Văn Đồng, người to béo, da đen, trong bài thơ sau:
Sợi tơ hồng ai khéo xe duyên,
Treo tranh tố nữ đứng bên anh tượng đồng.
Chị em ơi ba bảy đường chồng . ..(29)
Bài văn dưới đây cũng được sáng tác trong mục đích " trả thù tình địch" một cách xa xôi, kín đáo:
" Thằng người ngây với con ngựa hay , chẳng phải duyên cũng không phải nợ. Con ngựa hay để thằng ngây cưỡi, cũng không nên trách thân mà lại giận giời. Ai ơi, nghĩ đi mà xem, nghĩ lại mà xem. Thế gian được vợ hỏng chồng, cũng như thế đó. Cán cân tạo hóa, so đi nhắc lại, có mây khi nhầm !"(30)
Khoảng 1913-1914, Tản Đà đã vẽ một bức tranh đem dự triển lãm tại ngân hàng Trung Hoa tại phố Trường Tiền, Hà Nội. Bức tranh này vẽ con cóc đậu trên một cành lan , bên cạnh đề thơ :
Con cóc mà đậu cành lan,
Cành ngô con phụng, thế gian đã thường.
Có ai thương cóc thì thương!(31)
Và từ đây Tản Đà sinh ra chán đời. Trong thi văn Tản Đà ,sự yếm thế trở thành chủ đề chánh.
" Đời đáng chán hay không đáng chán,
Cất chén quỳnh riêng hỏi bạn tri âm?" (32)
Trước tiên là buồn chán về đời mình thất bại. Cụ huyện cho biết Tản Đà thường ngâm :
" Hai khóa thi bay, mỹ nhân xuât giá
Thì đời đáng chán hay chưa đáng chán?
Sự chán đời nghĩ lại bạn tri âm ".
Sau nữa là sầu nhân thế . Dưới con mắt Tản Đà, đâu đâu cũng xấu xa, đáng chán, đáng buồn.
Gió gió mua mưa đã chán phèo,
Sự đời nghĩ đến lại buồn teo.
Thối om sọt phẩn nhiều cô gánh,
Tanh ngắt hơi đồng lắm cậu yêu.
Quần tía đùi non, anh chiệc vỗ,
Rừng xanh cây quế chú mường leo.
Phố phường nghe có vui chăng tá?
Áo mũ, râu ria mấy đám chèo." (33)
Cái buồn chán của Tản Đà là buồn chán thường xuyên, nó lên cao độ trong thời thất vọng tình yêu.
" Từ độ sầu đến nay, ngày cũng có lúc sầu, đêm cũng có lúc sầu. Mưa dầm là rụng mà sầu, giăng trong gió mát mà càng sầu, một mình tịch mịch mà sầu, đông người cười nói mà càng sầu., vắt tay lên trán mà sầu, đem thơ văn ngâm vịnh mà càng sầu."(34)
Làm sao để thoát khỏi nỗi buồn khổ trong tâm hồn ? Tản Đà đã tìm con đường siêu thoát.
" Gió hỡi gió, phong trần ta đã chán,
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong."(35)
Và :
"Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi,
Trần thế em nay chán nửa rồi.
Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
Có bầu có bạn can chi tủi,
Cùng gió cùng mây thế mới vui."(36)
Đau khổ vì mộng ban đầu , Tản Đà xây dựng những thế giới mộng như Giấc Mộng Con với khuôn mặt người tình lý tưởng Chu Kiều Oanh. Những Vân Anh, Người tình nhân không quen biết. . .đều là phó bản của Đỗ thị ngày xưa.
Mọi sự sẽ thay đổi theo thời gian. Tình yêu cũng vậy. Một số thi nhân sau khi yêu hoặc tình yêu đổ vỡ đã có những cái nhìn khác nhau về quá khứ. Một số dù bao lâu vẫn giữ gìn kỷ niệm cũ và coi đó là một gia bảo của cuộc đời mình. Chính Tản Đà cũng nói rằng mình là một người yêu chung thủy :
" Nghìn dặm dám quên tình lúc ấy,
Trăm năm còn nhớ chuyện ngày xưa"(37)
Nhưng thực tế thì khác hẳn! Thế giới là biến chuyển và tâm lý con người biến động từng sát na ! Con người phút trước và con người phút sau có thể khác nhau xa. Nhìn lại quá khứ bao giờ ta cũng bình tĩnh và khách quan hơn. Ra khỏi cơn đam mê, Tản Đà là con người lý trí. Tản Đà đã thấy mối tình Đỗ thị không còn hương sắc ban đầu mà chỉ còn dư vị đắng cay của những ngày đông giá. Tản Đà nhìn quá khứ bằng con mắt của người tỉnh mộng, cho mình là đã dại khờ trong tuổi thanh xuân yêu mù quáng, yêu sai lầm:
" Cái mê vô ích mà mê dại.!
Mê dại mê mê chẳng mãi thôi"(38)
Cũng như bao thi nhân trăm năm trước và ngàn năm sau, thuở thiếu thời Tản Đà đã yêu say mê, yêu điên cuồng. Tản Đã đã ôm ấp bao mộng đẹp nhưng rồi bao mộng ước đã biến thành ảo mộng thảm thương! Mộng khoa danh tan vỡ kéo theo sự sụp đổ của giấc mộng tình. Tản Đà đau khổ. Tản Đà điên loạn. Sau khi say men tình ,Tản Đà say men rượu để quên đời, quên mộng. Tản Đà là một Trang sinh mê hồ điệp. Và đời chính là một cơn trường mộng, Tản Đà say hết mộng này đến mộng khác. Chu Kiều Oanh, Vân Anh là những phó bản của mối tình lý tưởng . Dù đam mê, sau một thời gian dài, Tản Đà phải tỉnh mộng. Nhìn lại quá khứ, Tản Đà thấy tuổi trẻ đã trôi đi trong đam mê,khờ dại! Nhưng dẫu sao đó là cuộc đời , là đoạn trường ai cũng phải đi qua. Dù dại, dù khờ vẫn là một đoạn đường đời. Nhưng với đoạn đường tình này, với kinh nghiệm cay đắng này và với trái tim đa cảm, và tài hoa này ,thi nhân đã để lại cho chúng ta những khúc tơ lòng réo rắt !
(DÒNG VIỆT, Tập II, số 7, 1999. tr.325- 335, California)
SƠN TRUNG VĂN TẬP * VĂN HỌC
Trích Nguyễn Thiên Thụ "Tản Đà, Thực & Mộng", Lửa Thiêng, Sài gòn 1974.
___
Chú thích
(1). Tản Đà. Ngày xuân nhớ xuân. Tản Đà Vận Văn Toàn Tập I (TDVVTT), Á Châu, Sài gòn, 1958, 29.
(2). Tản Đà. Giấc Mộng Lớn (GML). Hương Sơn, Hà Nội, 1942, 11.
(3). Ibid.
(4). Tản Đà. Cái giống yêu hoa.TDVVTT I, 89.
(5). GML, 11.
(6). Tản Đà. Tương tư. TDVVTT, I, 76.
(7).Tản Đà. Con sáo sậu. Sdd, 141
(8).Tản Đà. Phong dao, sđd, 174
(9). Hồ Đình Chử. Tản Đà với Tình Yêu.. DHVK Saigon, 1968, chú thich 7,tr.56.
(10). Nguyễn Mạnh Bổng. Thân thế và sự nghiệp văn chương của thi sĩ Tản Đà, TDVVTT I, 15-16.
(11). GML, 12.
(12).Hà Xuân Tế. Thi sĩ Tản Đà. TDVVTT, I, Hương Sơn, Hanoi,1942,7.
(13). Tản Đà. Giấc Mộng Con, 1916 (Tiểu thuyết ). Hương Sơn tái bản, Hà nội,, 1941, 12.
(14) Nguyễn Mạnh Bổng, sđd, 17.
(15).Nguyễn Mạnh Bổng, sdd, 16.
(16). GML, 12.
(17).Lê Thanh, Thi Sĩ Tản Đà. Tản Đà thư cục, Hả nội, 1939. 121.
(18). Tản Đà. Dạm bán áo đoạn. TDVVTT, II, 312.
(19). TĐ. Năm canh một mối tình. Sđd, 33,
(20). TD. Chơi Hòa Bình. TDVVTT2,115.
(21). TD. Văn tế Chiêu Quân.TDVVTT1, 161
(22). GML, 21.
(23). Ibid, 14.
(24). Nguyễn Mạnh Bổng.op.cit. 21.
(25). TD. Phong dao, TDVVTT1, 179.
(26). TD. Tình tiền. TDVVTT1, 83.
(27).TĐ. Thổ công phải đòn. TDVVTT1, 277-288.
(28).Nguyễn Mạnh Bổng. Ibid.
(29).TĐ. Con cá vàng. TDVVTT1,
(30).TĐ. Thằng người ngây cưỡi con ngựa hay. Tản Đà Tản Văn. Hương Sơn, Ha Nội, 1942.
(31). Nguyễn Công Hoan. Họa sĩ Tản Đà. Tao Đàn. 9-10, ngày 16-7-1939, 857.
(32). TĐ. Đời đáng chán. TDVVTT!, 57.
(33). TĐ. Sự đời. TDVVTT 1, 94
(34). TĐ, Giải sầu. TDVVTT 1, 41.
(35). TĐ. Hỏi gió.TDVVTT1, 48.
(36). TĐ. Muốn làm thằng cuội. TDVVTT1, 95.
(37). TĐ. Ngày xuân tương tư. TDVVTT1, 89.
(38). TD. Cái giống yêu hoa. TDVVTT1, 89.
No comments:
Post a Comment