Monday, January 31, 2011

BBC * TRUNG QUỐC & VIỆT NAM





VN phản đối bản đồ trực tuyến của TQ


Đường đỏ đánh dấu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc


Việt Nam lại lên tiếng phản đối Trung Quốc chính thức công bố bản đồ trực tuyến với đường yêu sách chín đoạn, gọi đây là việc làm 'vi phạm chủ quyền'.

Đây là lần thứ hai Việt Nam phản đối bản đồ gây tranh cãi này.

Hôm 18/01, Cục Đo đạc Bản đồ Quốc gia Trung Quốc đã đã chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến Map World, trong đó thể hiện đường yêu sách chín đoạn, bao trùm lên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Tháng 11 năm ngoái, bản đồ trực tuyến này ra mắt người sử dụng và lúc đó người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã lập tức lên tiếng.

Tuy nhiên lần này, phản đối của phía Việt Nam được đưa ra hơi chậm trễ.

Người phát ngôn Nguyễn Phương Nga tuyên bố hôm 26/01 với nội dung đã nói từ lần trước: "Việc Cục Đo đạc Bản đồ quốc gia Trung Quốc chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến ... là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và của các nước ven biển Đông, hoàn toàn trái với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

"Việt Nam phản đối việc làm này của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc gỡ bỏ ngay những nội dung sai trái trong các bản đồ nói trên."

Phía Trung Quốc trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam cuối năm ngoái đã không phản ứng gì, nhưng cũng không sửa đổi chi tiết.

Xuất bản sách về đường biên giới Việt-Trung

Trong khi đó, cuốn sách đầu tiên về đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc vừa ra mắt tại Hà Nội.

Sách 'Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc' có năm chương nói về quá trình đàm phán dẫn đến việc ký kết Hiệp ước Biên giới đất liền năm 1999, rồi công việc phân giới cắm mốc trên thực địa, kết thúc cuối năm 2009...

Sách cũng kèm theo 100 trang phụ lục bao gồm các sơ đồ, hình ảnh và văn bản liên quan tới đường biên giới đất liền Việt-Trung.

Giáo sư Vũ Dương Ninh từ Đại học Quốc gia Hà Nội, chủ biên cuốn sách, nói với BBC đây là "công trình tập thể" giữa các nhà sử học, luật học và ngoại giao, những người từng "theo dõi và tham gia vào quá trình đàm phán" biên giới đất liền Việt-Trung.

Theo Giáo sư Ninh, cuốn sách sẽ giúp giải tỏa các thắc mắc của người quan tâm tới chủ đề đường biên giữa hai quốc gia Việt Nam-Trung Quốc, và cho thấy chi tiết quá trình đàm phán mà ông đánh giá là "rất kiên trì" và "đặt quyền lợi quốc gia lên trên hết".

Theo kế hoạch, sách 'Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc' sẽ được dịch sang tiếng Anh và đưa lên mạng internet để phổ biến rộng rãi.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/01/110127_viet_china_map.shtml




Trung Quốc và cuộc chiến Việt Nam
Bìa sách của GS Địch Cường



Quan hệ Việt-Trung trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau

Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục là đề tài được quan tâm nhiều trong năm 2011, và nhìn vào quá khứ là một trong số các câu chuyện thường gặp.

Mặc dù quyển sách tiếng Anh của GS Địch Cường (翟强, Qiang Zhai) đã xuất bản từ năm 2000, nhưng khá nhiều chi tiết mà ông kiểm chứng và giới thiệu từ nguồn tài liệu giải mật của Trung Quốc nay vẫn chưa thấy phổ biến trên báo chí hay diễn đàn tiếng Việt.

Ví dụ như chuyện trong giai đoạn 1965-1968 Trung Quốc đã gửi 320.000 lượt quân hậu cần sang Bắc Việt, mà có trên 1.000 người chết.

Nghiên cứu của GS Địch Cường cho rằng lúc đó Mao sẵn sàng đụng trận với Hoa Kỳ nếu lính Mỹ vượt qua biên giới đường bộ vào miền Bắc cộng sản của Việt Nam.

Nghiên cứu này còn xác định "rằng Bắc Việt thiếu vấn ý Trung Quốc khi bắt đầu đàm phán với Hoa Kỳ vào năm 1968, rằng ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bắc Việt tan biến từ thời điểm này và của Liên Xô thì tăng," như lời GS John Lewis Gaddis từ đại học Yale.

Chuyên gia này đánh giá cao một kết luận "rằng gốc rễ của cuộc chiến giữa Trung Quốc và Việt Nam vào năm 1979 nằm ở chỗ mà chúng ta bây giờ có thể nhìn thấy là sự tan rã liên minh Trung-Việt vào cuối thập niên 1960 và 1970," như đoạn giới thiệu được in trong phần đầu sách.

Cách nhìn đó giúp lý giải tại sao Bắc Kinh tăng viện trợ quân sự cho Hà Nội trong giai đoạn cuối của quá trình đàm phán bốn bên, vì khó giải thích chuyện đón Nixon sang thăm vào năm 1972.

Vốn là chuyên gia về lịch sử quan hệ ngoại giao của Trung Quốc, góc nhìn của GS Địch Cường còn quán xuyến cả thái độ của Mao Trạch Đông với chủ trương chống "diễn biến hòa bình" (和平演变 heping yanbian) vào năm 1959, như trong một phân tích khác của ông từ hồi ký của Bạc Nhất Ba (薄一波 Bo Yibo).

Theo đó, Mao không chỉ đối phó với ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles và còn cả lãnh đạo Liên Xô Khrushchev, khiến từ sau 1960 quan hệ giữa hai cường quốc cộng sản chia rẽ, ảnh hưởng vào cuộc chiến Việt Nam, vốn là một trong các tâm điểm của Chiến tranh lạnh.

Phần mở rộng nội dung một chương sách được trung tâm Wilson giới thiệu toàn bộ trên mạng, thể hiện rõ nét quan điểm các bên trong quá trình đàm phán hòa bình của Việt Nam trong giai đoạn 1965-1968.

Chính phủ Johnson leo thang chiến tranh nhưng buộc phải có đối thoại vì bị dư luận chỉ trích, thủ tướng Nga sang thăm Hà Nội với lời hứa viện trợ vật chất, còn Trung Quốc ở vào thế muốn phản đối Việt Nam đàm phán hòa bình vì các tính toán phức tạp của Mao Trạch Đông muốn giữ vai trò lãnh đạo Thế giới thứ ba.

Thế đối đầu giữa Liên Xô và Trung Quốc hiện rõ nhất vào năm 1966 khi hai bên dàn quân dọc biên giới, mà xung đột quân sự có thể nổ ra vào 1969, GS Địch Cường diễn giải từ nguồn tư liệu.

"Khi Mao gặp nguy cơ lớn từ Liên Xô, ông bắt đầu thay đổi chính sách và khuyến khích Bắc Việt chấp nhận hiệp ước hòa bình với Hoa Kỳ," bìa cuối quyển sách tóm tắt giai đoạn 1970s.

"Giới sử gia từ lâu vẫn ước đoán về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam trong một phần tư thế kỷ cuộc chiến Đông Dương 1950-1975. Chỉ đến khi có quyển sách này chúng ta mới ở vào vị trí là biết." - GS Gaddis viết trong lời giới thiệu.

GS Địch Cường dạy lịch sử tại Đại học Auburn Montgomery ở Alabama, trước tốt nghiệp đại học ở Nam Kinh, rồi sang Mỹ làm tiến sĩ. Ngoài quyển sách China and the Vietnam Wars, 1950-1975 ông còn có nhiều bài viết liên quan đến lịch sử khu vực trong mối quan hệ quốc tế trong giai đoạn này.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/01/110106_qiangzhai.shtml

No comments: