Thursday, January 20, 2011

KÝ TRẦN TIẾN DŨNG




Sài Gòn, một cái quán khổng lồ

Jan 13, '11 2:17 AM



Lửa nhậu nhẹt cháy sáng ngày đêm

Khu Bình Phú nằm bên trái trục đường Hậu Giang, quận 6, một khu dân cư mới phát triển sau thập niên 1980, cứ đi khoảng trăm mét là gặp một quán cà phê. Ðường Lữ Gia thuộc quận 11, nối từ đường Lý Thường Kiệt đến Nguyễn Thị Nhỏ, chỉ dài chưa đến nửa cây số, trừ một bên đường là nhà thi đấu thể thao Phú Thọ, trạm biến điện... phần bên đường còn lại dầy đặc các quán nhậu.



Những khu phố trên chỉ là đơn cử hiện tượng mở quán, ngồi quán ở Sài Gòn.

Người Sài Gòn trước năm 1975 vẫn có thói quen “người sang ngồi quán sang, bình dân ngồi quán cóc,” nhưng thường thì người có công việc ổn định ít ngồi quán. Thời nay, quán cà phê, quán ăn đủ mọi hạng trở thành công sở, văn phòng, điểm giao dịch... của đủ mọi tầng lớp. Hình ảnh dễ gây khinh ngạc nhất của Sài Gòn là chuyện trong hẻm, ngoài đường xe chạy như thác lũ, và trong quán thì đông đặc người bất kể ngày đêm, bất kể trong giờ làm việc hay ngoài giờ.




Chúng tôi hỏi chuyện một cô nhân viên của một chi nhánh ngân hàng, cô nói: “Ít ra tụi này cũng ngồi quán một ngày ba bốn lần. Hạn chế lắm rồi đấy, mà cũng không rõ vì sao lại cứ phải đưa nhau ra quán, dù là có việc cần hay chẳng có việc, sếp không cho thì hẹn, cứ a lô nhau một tiếng là nhào vào quán.”




Sự bùng nổ mở quán của Sài Gòn không chỉ diễn ra ở các mặt tiền đường mà đã lấn sâu vào mọi ngõ hẻm. Những quán được ưa chuộng nhất của Sài Gòn là những quán có bàn để thực khách có thể ngồi ngó ra đường, ra hẻm. Trong lòng một đô thị người, xe chật chội, khói bụi kinh khủng thì lợi ích gì mà cứ thích ngồi hàng hàng lớp lớp ngó ra đường. Nhiều người không ngần ngại trả lời là: Ngó ra đường để có chút khoảng trống bớt ngộp thớ.




Với những người có công việc ổn định, một khi rời nhà vào buổi sáng thì họ chỉ trở về nhà vào lúc khuya để ngủ. Nếu ai có khoảng giờ trống trong ngày, họ thường không về nhà vì sợ phải di chuyển trong sự rối loạn về giao thông và môi trường, thế là kéo nhau vào quán.



Ða số dân nhập cư, trừ lúc ngủ, họ lại càng không muốn về nhà trọ chật hẹp. Cả với những người có nhà riêng, họ cũng chọn tiếp khách ở quán để dễ thở hơn là phải chạy về nhà. Một người đàn ông trung niên nói: “Trừ buổi tối, ban ngày mà muốn gặp mặt vợ vì việc cần cũng hẹn ra quán cho xong.”

Ở nhiều khu sang trọng, Sài Gòn không thiếu những quán có kiểu như một văn phòng lớn với nhiều phòng làm việc riêng, có những quán có ghế sofa, có nệm ngồi nệm lót lưng để khách ngã ngửa hàng giờ đồng hồ...



Tuy nhiên cũng có giới ngồi quán vì một lý do là dư dả tiền và dư thời gian. Ph. một người đàn ông trung niên, có con đi du học tự túc ở Úc, có 5 căn nhà nhỏ cho thuê nguyên căn, thu nhập hàng tháng trên năm mươi triệu. Có thể xếp địa vị của người đàn ông này là tiểu chủ, cũng có thể gọi đó là kẻ vô công rỗi nghề cũng không sai. Một người thường ngồi quán với ông kể: “Hôm qua, nó mới đòi hùn với tụi tôi một triệu để nhậu, tụi tôi không cho vì không họp rơ, nó giận, nói ‘nhậu coi bóng đá, hát với nhau, coi vú coi giò gái tiếp viên hoài cũng chán, xin được theo chúng mày nhậu đờn hát một chút chúng mầy không cho. Chúng mày chảnh quá, đéo cần!’ Những người rỗi việc, thu nhập cao như ông Ph. việc ngồi quán sẽ giúp giải quyết “nỗi khổ tâm,” san lấp được thời gian, vừa “được tốn tiền” với giá phải chăng vừa được hưởng thụ các món ăn chơi không quá sa đọa.





Muốn hút khách, các quán nhậu ở Sài Gòn ngày nay phải đua nhau tiến lên “hiện đại hóa” mở rộng từ diện tích quán đến việc xét tuyển các em tiếp viên chân dài - mát mẻ. Nếu Sài Gòn xưa chỉ có các sân khấu đại nhạc hội, bến xe, sân vận động mới ồn ào thì ngày nay các quán nhậu hoành tráng là nơi ồn ào tới đỉnh. Cứ vô quán nhậu là cứ hả họng hò hét, hả họng nốc bia là cách tốt nhất để quên thực tại, mỗi người đang là con cá bị ngộp thoi thóp trong vùng nước ô nhiễm từ chính trị đến văn hóa...

Một đặc điểm là quán nhậu không còn là chốn đặc quyền của giới đàn ông. Nữ giới đến quán nhậu đủ mọi thành phần, không phân biệt trí thức hay dân lao động. Chị em ta, có khi lập hội xị, kéo nhau hết quán này tới quán khác để chứng minh chuyện ăn nhậu nam nữ bình quyền. Người lạ vô quán nhậu Sài Gòn cẩn thận lời lẽ kẻo bị sỉ vả, vì lớ ngớ tưởng chị em đang ngồi nốc bia cùng bàn với đàn ông là dân không đàng hoàng.

Các bà chủ, các vị phu nhân cũng ra sức cạnh tranh ngồi quán với cánh đàn ông. Không khó tìm những quán cà phê, quán nhậu có đông quí bà đủ các hạng tuổi nhưng đa phần là tuổi từ U 40 trở lên. Có dạng kinh doanh câu lạc bộ nhảy đầm, gọi đơn giản hơn là quán nhảy, quán nhảy mở cửa từ 9 giờ sáng. Một người đàn ông là khách thường xuyên của “câu lạc bộ quí bà” kể: “Quí bà đến điểm nhảy, thay quần áo, trang điểm lại, rồi xì tiền cho người ta đi chợ thế. Nhảy nhót với kép trẻ đến gần giờ nấu cơm trưa lại tất bật xách giỏ thức ăn về nấu cho chồng con. Ðâu ra đó cả, chẳng thiếu sót gì.”



Ðối điện với hiện tượng ngồi quán miên man của dân Sài Gòn riết thành quen. Và ngày nay từ du khách ngoại quốc đến Việt kiều, nhiều người đã hiểu thực trạng chất lượng sống của đô thị này cũng hồn nhiên thông cảm và rồi cũng kéo nhau ra quán để hú hí. Và chắc ai cũng cho rằng Sài Gòn ngày nay không chỉ là một đô thị lớn mà còn là một cái quán khổng lồ.

Trần Tiến Dũng

No comments: