Monday, January 17, 2011

CUỘC CÁCH MẠNG TẠI TUNISIE





TT Tunisia bỏ chạy trước phản đối dâng cao

Tổng thống Tunisia lui chức trong cảnh rối loạn trên đường phố

Tổng thống Tunisia lui chức trong cảnh rối loạn trên đường phố.


Tổng thống Zine al-Abidine Ben Ali của Tunisia lui chức sau 23 năm cầm quyền khi các cuộc phản đối về điều kiện sống khắc khổ biến thành làn sóng lớn chống lại ông.

Thủ tướng Mohammed Ghannouchi được chỉ định là tổng thống tạm quyền. Giới chức Tunisia vừa tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Người ta tin rằng ông Ben Ali và gia đình đã rời Tunisia, hiện đang tìm nơi cư ngụ ở nước ngoài.

Các tin chưa được kiểm chứng nói máy bay chở ông hạ cánh xuống Jeddah, thành phố thuộc Ả Rập Saudi.

Trước đó truyền thông Pháp nói rằng tổng thống Nicolas Sarkozy bác thỉnh cầu cho máy bay chở ông Ben Ali hạ cánh xuống lãnh thổ Pháp.

Trong các tuần gần đây nhiều chục người thiệt mạng trong các vụ phản đối về vật giá tăng cao, đời sống khắc khổ trên toàn quốc. Lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình liên quan đến yêu sách của họ về nạn thất nghiệp, giá cả gia tăng và tham nhũng.

Phản đối bùng phát sau khi một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học tự thiêu khi cảnh sát cấm người này không được bán rau củ không giấy phép. Sinh viên này chết một vài tuần sau đó.

Phản đối lên cao trào vào thứ Sáu 14/1 khi hàng ngàn người tụ hợp xung quanh tòa nhà của Bộ Nội vụ, nơi đại diện cho quyền lực tại Tunisia, với nhiều người leo lên mái nhà. Cảnh sát bắn đạn hơi cay nhằm giải tán đám đông.


Quân lính gỡ bỏ bích chương có hình của ông Ben Ali tại các điểm trên toàn quốc

Quân lính gỡ bỏ bích chương có hình của ông Ben Ali tại các điểm trên toàn quốc.

Trước đó một ngày, tổng thống Ben Ali, người hứa sẽ lui chức vào năm 2014, giải tán quốc hội, tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Thiết quân luật

Sau đó trong bài phát biểu đọc trên truyền hình chiều thứ Sáu, thủ tướng Tunisia loan báo ông sẽ nắm quyền thay tổng thống Ben Ali.

Ông Ghannouchi, 69 tuổi, vốn là cựu bộ trưởng tài chính, giữ ghế thủ tướng từ năm 1999.

Ông hứa sẽ "tôn trọng luật pháp và thực hiện cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội từng được loan báo trước đó".

Nhân chứng cho hay quân lính đang gỡ bỏ bích chương, quảng cáo có hình của ông Ben Ali – chỉ dấu nói đến lối cai trị độc đoán – tại các điểm trên toàn quốc.

Phân tích gia về tình hình khối Ả Rập của đài BBC, Magdi Abdelhadi nói việc ông Ben Ali buộc phải từ chức và rời Tunisia rất có thể làm rung chuyển trật tự lập ra thời hậu thực dân tại Bắc Phi. Và ảnh hưởng có thể lan rộng ra đến thế giới Ả Rập.

Đạo luật khẩn cấp ban hành thiết quân luật luật lúc nửa đêm và cấm dân chúng tụ tập đông hơn ba người. Lực lượng an ninh được phép nổ súng nhắm bắn những người không tôn trọng luật pháp.

Tổng thống Sarkozy nói ông đứng bên cạnh người dân Tunisia, quốc gia thuộc địa trước đây của Pháp.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2011/01/110115_tunisia_presi_escaped.shtml


Tổng thống Ben Ali trốn sang Ảrập Xêút dưới áp lực của đường phố
Thứ bảy 15 Tháng Giêng 2011


Biểu tình tại Tunis ngày 14/1/11 đòi tổng thống Ben Ali từ chức
Biểu tình tại Tunis ngày14/1/11 đòi tổng thống Ben Ali từ chức
Reuters
Thanh Phương / Trọng Thành / Tú Anh
Sau 23 năm cầm quyền liên tục, chiều hôm qua tổng thống Tunisia, ông Ben Ali và gia đình đã lên máy bay trốn ra nước ngoài. Nhà độc tài Tunisia như vậy là lãnh đạo đầu tiên của một nước Ảrập bị sức ép của đường phố lật đổ. Cuối cùng, chỉ có Ảrập Xêút chấp nhận đón tiếp sau khi Pháp, Ý và Qatar từ chối.

Quân đội lái xe bọc thép tuần hành qua Ettadhamoun, phía tây Tunisia, nơi xảy ra các cuộc bạo động, 12/1/2011
Hình: AP

Quân đội lái xe bọc thép tuần hành qua Ettadhamoun, phía tây Tunisia, nơi xảy ra các cuộc bạo động, 12/1/2011

Từ Ryad, thông tín viên Clarence Rodriguez cho biêt thêm chi tiết :

« Sau nhiều thông tin trái ngược nhau về quốc gia mà ông sẽ sống lưu vong, tổng thống Ben Ali đêm qua cuối cùng đã đáp xuống Djeddah, Ảrập Xêút và sẽ ở đây không biết đến bao giờ. Ông đã được chính quyền Ảrập Xêút tiếp đón tại phòng danh dự của sân bay. Qua cử chỉ này, chính quyền Ryad muốn giúp đở tổng thống một nước Ảrập, lãnh đạo đầu tiên của khối Ảrập buộc phải từ bỏ quyền hành dưới áp lực của đường phố. Ảrập Xêút cũng đón tiếp phu nhân tổng thống bị lật đổ Leila Ben Ali, mà lúc đầu người ta nghĩ là chạy trốn sang Dubai.

Chính quyền Ảrập Xêút cũng xác nhận sự ủng hộ nhân dân Tunisia và hy vọng là người dân nước này sẽ « đoàn kết để vượt qua giai đoạn khó khăn này của lịch sử ». Họ nói thêm rằng « quyết định đón tiếp Ben Ali là do những hoàn cảnh đặc biệt hiện nay ở Tunisia ».

Đây không phải là lần đầu tiên vương quốc vùng Vịnh này đón tiếp một nguyên thủ quốc gia chạy trốn. Tổng thống Uganda Idi Amin Dada đã từng tỵ nạn ở Ảrập Xêút, sau khi bị lật đổ và ông đã qua đời tại đây năm 2003.

Từ khi vội vã rời khỏi Tunisia đêm thứ sáu, Ben Ali rõ ràng là đã cố tìm một quốc gia đón tiếp. Trên một chiếc máy bay của hãng hàng không Tunisia Cartago Airlines, dường như ban đầu ông ta định tỵ nạn ở Sardaigna, Ý. Phi công lấy cớ là cần tiếp thêm nhiên liệu để đáp xuống đây. Nhưng chính phủ Ý đã cho tổng thống Tunisia hiểu là ông ta không được hoan nghênh ở đây.

Đáng ngạc nhiên hơn cả là nước Pháp cũng không muốn đón tiếp người bạn thân 23 năm, vì sợ gây bất bình cộng đồng người Tunisia ở Pháp, theo một nguồn tin thân cận chính phủ. Bộ Ngoại giao Pháp cho biết không hề nhận được yêu cầu đón tiếp nào từ ông Ben Ali."

Về tình hình tại chổ, sáng hôm nay, theo nguyên tắc ghi trong Hiến pháp, chủ tịch Quốc hội Tunisia Foued Mebazaa giữ chức quyền tổng thống trong giai đoạn chuyển tiếp, sau khi chức vụ này được thủ tướng Tunisa, một người thân cận với cựu tổng thống Ben Ali, tạm thời nắm giữ, ngay sau khi ông chạy trốn sang Ả Rập Xê Út. Việc chủ tịch Quốc hội nắm quyền tổng thống, như vậy, đã loại trừ khả năng ông Ben Ali quay trở lại chính trường Tunisia.

Báo chí Tunisia hôm nay nhiệt liệt đón chào sự sụp đổ của tổng thống Ben Ali dưới sức ép đường phố và hy vọng rằng cuộc nổi dậy thành công của người Tunisia sẽ là một tấm gương cho nhiều nước Ảrập khác.

Tuy vậy, nhiều khu phố tại vùng ngoại ô thủ đô Tunis đã trải qua một đêm hoảng sợ ngày hôm qua, vì nạn phá phách, cướp bóc, do các băng đảng bịt mặt gây ra. Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, những người ủng hộ tổng thống thất sủng Ben Ali là các cảnh sát có trang bị vũ khí thô sơ, mặc thường phục hoặc sắc phục, có thể đã tham gia vào các cuộc tấn công chống lại thường dân tại thủ đô Tunis. Quân đội đã phải dùng trực thăng tuần tiễu để bảo vệ dân cư trong thành phố.

Mặc dù lệnh thiết quân luật được bãi bỏ vào lúc 7h giờ địa phương, gần đến 8h vẫn ít người dám đi ra đường. Sáng hôm nay, cảnh sát đã ngăn đường vào trung tâm thành phố để ngăn chận các cuộc tập trung đông người.

http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110115-tong-thong-ben-ali-tron-sang-arap-xeut-duoi-ap-luc-cua-duong-pho


Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ



Cuộc Cách Mạng Hoa Lài Tunisie làm nhớ đến Việt Nam

Trong mấy tuần qua, tình hình chánh trị và xã hội ở hai nước vùng Bắc Phi, Algérie và nhứt là Tunisie - trở thành đầu đề thời sự nóng bỏng. Ngày 17 tháng 12 năm 2010, Mohamed Bouazizi, một thanh niên 26 tuổi, có học bị thất nghiệp, làm nghề bán dạo, đã tự thiêu tại tỉnh Sidi Bouzi, cách thủ đô Tunis 260 cây số về phía Tây. Được biết Mohamed Bouazizi không đủ tiền hối lộ, bán không giấy phép nên hàng rau cải trái cây của anh bị tịch thu.

Cái chết bi thảm của Mohamed Bouazizi đã làm bùng nổ lòng phẫn nộ của đại đa số dân chúng bị áp bức, khốn cùng ở nước này. Khắp nơi, hàng trăm ngàn người, đủ các giai từng xã hội, phần đông trẻ tuổi, đã liên tục xuống đường phản kháng và lên án guồng máy thống trị bằng công an mật vụ Zine El Abidine Ben Ali. Một chế độ bất công, tham nhũng, khinh miệt, bốc lột và đàn áp dân từ 23 năm qua (thời gian ngắn hơn chế độ độc tài cộng sản Việt Nam nhiều).

Người dân tay không, ngực trần, chẳng còn biết sợ nữa hoặc chẳng còn có thể nín câm được nữa trước bạo lực phi nhân phi nghĩa. Giống như dân tộc Ba Lan dưới chế độ Cộng sản Ba Lan 30 năm trước đã từng cất cao tiếng nói bất khuất : Đi với chúng ta còn có ức triệu vì sao

Những ngọn nến tuy mong manh sẽ cháy sáng rất lâu Những ánh mắt đang tìm gặp nhau để nối tiếp Giặc có thể tra tấn lưu đày thủ tiêu bắn giết Đêm vẫn là đêm thù nghịch dối trá bất công Nhưng tâm hồn dân tộc Ba Lan đã được nhân lên Với kích thước vũ trụ không gian hùng vĩ Gom lá chết đau thương đốt ngọn đuốc soi đường Sau mỗi lần vấp ngã bằng hữu dìu nhau đứng dậy Đêm đông nào ngăn được cành khô nẫy lộc đâm chồi Xuân Nhân loại mỉm cười, gót sen thanh thoát...

Cho chúng tôi được góp vào bản hợp ca Hành khúc Thêm một tiếng Hy Vọng nữa, Polska ơi! bất khuất! Hát với Solidarność, chúng tôi không hát một mình Đêm dã man này sẽ lùi bước trước bình minh (NHBV). Trên toàn lãnh thổ Tunisie có ít nhứt hơn 60 người dân biểu tình đã bị bắn chết, hàng trăm người bị bắt, tra tấn, biệt giam, gồm có nhiều nhà văn, nhà báo, luật sư, theo tin tổng hợp của Văn Bút Quốc Tế, Phóng Viên Không Biên Giới, Ân Xá Quốc Tế và Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền.

Trong ngày 13 tháng giêng 2011, linh cảm chế độ công an và mật vụ trị của mình sắp bị làn sóng cách mạng tự phát của nhân dân cuốn trôi ra biển Địa Trung Hải, nhà độc tài Zine El Abidine Ben Ali đã đích thân thông báo một vài sự nhượng bộ quan trọng như sẽ không ra tái ứng cử năm 2014, bãi bỏ kiểm duyệt truyền thông báo chí và Internet (kiểu đang được áp đặt nghiệt ngã tại Việt Nam), v.v. Qua ngày thứ sáu 14 tháng giêng, Zine El Abidine Ben Ali còn tuyên bố giải tán chánh phủ và sẽ tổ chức bầu cử quốc hội trong vòng 6 tháng.

Nhưng sự nhân nhượng đến quá muộn sau 23 năm ngự trị bằng bạo lực và dối trá, chuyên chính nhũng lạm với những bàn tay sắt đẩm máu. Nhân dân không còn chút tin tưởng hoặc tin cậy gì nữa nơi Zine El Abidine Ben Ali. Cho nên các cuộc biểu tình đòi nhà độc tài phải từ chức và trả lại dân quyền chọn lựa một chính thể dân chủ đích thực biết tôn trọng các quyền Tự do căn bản, phục hồi Nhân phẩm và xây dựng công bằng xã hội. Tin giờ chót, chiều hôm nay, kẻ đứng đầu băng đảng mafia tàn bạo và tham ô ở Tunisie từ 23 năm qua đã cùng vợ con bỏ trốn ra khỏi nước bằng máy bay, hiện chưa ai biết ở đâu.

Sở dĩ chế độ độc tài Tunis còn đứng vững cho đến biến cố lịch sử hôm nay chính vì có sự đồng lõa, dung túng để hưởng lợi của một số nước ngoại quốc, nhứt là Pháp. Nhân dịp này, chúng tôi muốn được nhận xét rằng băng đảng mafia tàn bạo và tham ô ở Tunisie và đảng Cộng sản độc tài nhũng lạm ở Việt Nam rất gần nhau. Chỉ một thí dụ thôi : Trong số 178 nước được Phóng Viên Không Biên Giới xếp hạng năm 2010 trên phương diện tôn trọng quyền tự do ngôn luận và báo chí, Tunisie mang con số 164 còn Việt Cộng con số 165.


Kế đó là Cuba 166, Guinée équatoriale 167, Lào Cộng 168, Rwanda 169, Yémen 170, Trung Cộng 171, Soudan 172, Syrie 173, Miến Điện 174, Ba Tư 175, Turkmédistan 176, Bắc Hàn 177 và Erythrée 178. Zine El Abidine Ben Ali và Nông Đức Mạnh cũng đứng gần nhau trong danh sách những kẻ thù của quyền tự do ngôn luận và báo chí, kể cả quyền tiếp cận và sử dụng Internet, theo Phóng Viên Không Biên Giới. Cũng trong ý hướng đó, chúng tôi muốn gởi lại quý bạn đọc Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam có tựa đề ‘’Những Bẫy sập trong Guồng máy Độc tài Thống trị của hai chế độ Hà Nội và Tunis từ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đến nhà báo Taoufik Ben Brik’’ phổ biến ngày 12 tháng 12 năm 2009.

Như là một thí dụ nữa về sự gần gũi, giống nhau giữa hai chế độ Tunis và Hà Nội. Trong trại tù Hỏa Lò Mới gần Hà Nội, nhà thơ và nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã viết bài thơ ‘’ Bao Giờ ? ‘’. Có phải tác giả muốn viết cho mình và viết cho hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn bạn tù chính trị, ngôn luận và lương tâm, viết cho dân tộc Việt Nam ?. Như một nhà thơ nào đó cũng đã viết cho tác giả dù không gởi được vào trại tù Thanh Hóa : Nuôi hy vọng bạn tù tôi. Trong lao hầm nhớ bầu trời thiên thanh Quê hương mình sẽ phục sinh. Chúm môi thân ái đơm cành đau thương. Và Bao giờ ? bất ngờ Hoa Sen biết nói, Hồn đau chợt mĩm cười...

Genève ngày 14 tháng 1 năm 2011
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue vietnamienne des droits de l’homme en Suisse Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
--------------------------------------------------------------

Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Những Bẫy sập trong Guồng máy Độc tài Thống trị của hai chế độ Hà Nội và Tunis từ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đến nhà báo Taoufik Ben Brik Bản Tin ngày 10.12.2009 có đăng bài viết của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt dưới tựa đề : Ngày Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà văn bị đàn áp và cầm tù’’ (15.11.2009). Trong đoạn cuối của bài này, tác giả có viết như sau : ‘’Cũng giống như trường hợp nhà báo Taoufik Ben Brik* bị bắt giữ mới đây ở nước Tunisie, nhà văn dân chủ đối kháng Trần Khải Thanh Thủy là nạn nhân của một vụ khiêu khích hoàn toàn được tổ chức (và điều khiển trong bóng tối nhằm gây sự để đánh đập bà rồi vu oan để bắt giữ bà).

Công an CS đã công bố một tấm hình cho thấy một người đàn ông bị thương. Thật ra, các nhà viết nhựt ký điện tử Việt Nam đã mau lẹ phát hiện sự ngụy tạo của công an CS. Bức ảnh đó đã được chụp ngày 28 tháng 2 năm 2005 chớ không phải ngày 9 tháng 10 năm 2009, như công an CS đã phao tin sau khi giam nhốt bà Trần Khải Thanh Thủy.’’ (Trích bản dịch Việt ngữ của Nguyễn Ngọc). Vì khuôn khổ hạn hẹp của Bản Tin, không thể phổ biến Phần chú thích* có liên quan đến vụ nhà cầm quyền Tunisie bắt giam và phạt tù nhà báo Taoufik Ben Brik.

Cho nên phải chờ đến Bản Tin hôm nay để bổ túc Bản Tin kỳ trước như được trình bày dưới đây. * Từ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đến nhà báo Taoufik Ben Brik Ngày 29 tháng 10 năm 2009, nhà báo Tunisie Taoufik Ben Brik bị đòi trình diện công an và bị bắt giữ ngay tiếp theo đơn kiện của một người đàn bà (chưa ai biết mặt), tên Rym Nasraoui, 28 tuổi, do luật sư đại diện nộp cho nhà cầm quyền. Bà này khai rằng ông Taoufik Ben Brik đã cố ý lái xe tông vào xe bà, chữi mắng bà rồi đánh đập bà giữa đường phố Tunis. Ngày 26 tháng 11 năm 2009, ông Taoufik Ben Brik bị phạt 6 tháng tù về các tội ‘’hành hung’’, ‘’gây hư hại cho tài sản người khác’’ và ‘’xâm phạm thuần phong mỹ tục’’.

Ông Taoufik Ben Brik phủ nhận mọi sự cáo buộc và tuyên bố rằng tôi là nạn nhân của một bẩy sập do công an dàn dựng ra để trừng phạt tôi. Tái đắc cử lần thứ 5 với gần 90% số phiếu bầu (còn kém nhiều so với các lãnh tụ CSVN) sau 20 năm ngự trị, tổng thống Zine El Abidine Ben Ali không bao giờ dung thứ ông Taoufik Ben Brik vì những bài ông viết chỉ trích chế độ độc tài Tunis thường đăng trên các báo ở ngoại quốc, nhứt là Pháp. Trước khi nhận được lệnh trình diện công an, ông Taoufik Ben Brik đã kể cho các đồng nghiệp Pháp rõ diễn tiến biến cố như sau : Hôm ấy, khoảng 16 giờ 45, tôi lên xe để đi đến trường đón con gái tôi, Khadija, 10 tuổi.

Trước khi tôi mở máy cho xe chạy thì một chiếc xe R19 màu xanh lá cây đậu ngay sau tôi tông thẳng vào xe tôi. Xuống xe, tôi nhìn thấy không có hư hại gì cho xe tôi lẫn xe đã húc vào xe tôi. Nhưng một người đàn bà ngồi cầm tay lái của chiếc xe R19 hỏi vặn tôi : ‘’Sao anh không có thể chú ý vậy !’’. Tôi trả lời: ‘’Nhưng chính bà mới là người làm lỗi. Tôi chưa có đặt chìa khóa mở máy xe tôi nữa mà !’’. Chẳng nói chẳng rằng, bà ta la lên ầm ĩ : ‘’ Anh nhục mạ tôi... anh cắn tôi...’’. Rồi bà ta nhào tới quào cấu tôi. Bà xé rách áo choàng, áo len và áo gilet của tôi. Tôi chợt hiểu, vội kêu cứu bằng cách hô to rằng : ‘’Bà này là người của công an’’...Nhiều người đi qua đường chạy tới can ngăn, tôi mới thoát được và lên xe, khóa tất cả các cửa xe. Nhưng bà ta lao tới trước đầu xe tôi và nói: ‘’

Anh không được rời khỏi chỗ này trước khi công an tới đây!’’ Và từ đâu chẳng ai biết, một công an mặc thường phục đột nhiên xuất hiện. Anh ta đập thật mạnh nhiều lần tấm nắp đậy xe tôi và ra lệnh buộc tôi xuống xe. Tôi liền mở máy xe và chạy trốn. Tôi chạy trốn vào lúc đó vì nếu tôi tuân lệnh đi theo họ thì chắc tôi sẽ không bao giờ ra khỏi nhà tù. Nhìn khối lượng những bài tôi viết về các cuộc ‘’bầu cử’’ năm 2009, phải là thánh thần mới tin rằng Ben Ali (tổng thống) sẽ ‘’tha thứ’’ cho tôi. Cho nên tôi luôn luôn chờ đợi hành vi phản ứng của họ, nhưng tôi không muốn bị giam nhốt bằng cách thức họ gài bẫy để vu oan như thế đó.

Đây không phải là lần đầu mà chế độ Zine El Abidine Ben Ali đã dùng tới hình thức gài bẫy tồi tệ và lộ liễu như thế đó để bịt miệng Quyền Tự do Phát biểu Quan điểm và Quyền Tự do Báo chí. Trước khi ông Taoufik Ben Brik lâm nạn, ông Hamma Hammami, một nhân vật chính trị đối lập thiên tả, bị công an đi lùng bắt về tội đánh đập một người vô danh trên đường phố. Chưa hết, nhà văn Moncef Marzouki, giáo sư, chủ tịch danh dự Liên Hội Nhân Quyền Tunisie (bị buộc lưu vong tại Pháp), trả lời cuộc phỏng vấn của nhà báo Taoufik Ben Brik: ‘’chế độ độc tài không bỏ tù những người như tôi để không biến tôi thành kẻ tử đạo hoặc người anh hùng.

Thượng sách đối với bọn độc tài là làm ung thối cuộc sống của tôi và những người như tôi: bao vây, canh chừng tư gia, cắt điện thoại, thanh lọc, kiểm tra những khách đến thăm... Bọn độc tài chỉnh trang để biến nhà bạn thành nhà ngục. Rồi bạn phải trả mọi chi phí về sự ‘’chỉnh trang’’ đó và cả sự bảo trì nhà ngục lẫn việc nuôi tù nhân là chính bạn. Hơn thế nữa, họ buông thả đám côn đồ du đảng xông về phía tôi. Tôi không còn có thể đi trên đường phố mà không bị chúng chận lại để sỉ nhục. Có một lần, một người đàn bà (tôi chẳng biết là ai) bổng dưng vừa nhảy xổ vào tôi vừa kêu la rằng tôi là kẻ hiếp dâm’’. Và còn nữa, để tống xuất ông Nabil Jumbert, giám đốc Pháp Tấn Xã ở Tunis, nhà cầm quyền Tunisie không ngần ngại dàn dựng một cái ‘’bẫy sập’’.

Tại một bãi đậu xe, giữa ban ngày, một em bé gái ngã xuống trước mặt ông và hét to lên như đau đớn lắm. Ông Nabil Jumbert vội chạy tới xem có thể giúp gì không thì cô bé mới kêu khóc bị hãm hiếp. Một đơn kiện ông được nộp tại đồn cảnh sát. Phải cần tới sự can thiệp mạnh mẽ của tòa đại sứ Pháp mới cứu được nhà báo bất hạnh khỏi bị ra tòa án của chế độ Ben Ali. Sau khi được tin nhà báo Taoufik Ben Brik bị phạt 6 tháng tù về các tội ‘’hành hung’’, ‘’gây hư hại cho tài sản người khác’’ và ‘’xâm phạm thuần phong mỹ tục’’, một người Pháp kể cho ký giả báo Nouvel Observateur nghe một chuyện của riêng ông như sau : ‘’Lúc tôi đặt chân lên cảng La Goulette - Tunis, một viên chức quan thuế Tunisie bắt tôi đứng ra riêng một chỗ không ai thấy, để tống tiền tôi.

Nghĩ rằng tôi hoàn toàn không có làm điều gì trái phép để bị phạt vạ, tôi từ chối nộp tiền. Tức thì ông ta vừa đập mạnh bàn tay vào mắt ông ta vừa bắt đầu la hét làm như ông ta là nạn nhân của một vụ hành hung. Tôi đành phải bảo ông ta bình tĩnh lại và dúi tiền cho ông - người đại diện của một chế độ độc tài, tham nhũng và tàn bạo - vì tôi không muốn bị ném vào nhà giam một cách vô lý và phi pháp như thế. Tôi tin rằng ông Ben Brik cũng đã rơi vào một tình thế khốn nạn như tôi nhưng tôi đã may mắn thoát ra được mà chỉ mất một ít tiền’’. Trông cảnh đồng nghiệp, văn hữu bị đàn áp bất công ở Tunisie rồi nhớ đến bạn ta, anh chị em tranh đấu cho Tự do Dân chủ, Nhân quyền và Nhân phẩm bị hành hạ, giam nhốt, lưu đày ngay trên quê hương yêu dấu của mình.


Nếu bạn chưa đọc, xin hãy tìm đọc Bản Tường trình của ông Đỗ Bá Tân, chồng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, về sự việc hai vợ chồng ông bị nhiều kẻ lạ mặt gây chuyện, lấy cớ để hành hung tối ngày 8 tháng 10 năm 2009, rồi công an cộng sản đến bắt giam bà Trần Khải Thanh Thủy vì đã ‘’cố ý gây thương tích’’ cho một người nào khác (Bản Tin LHNQVN-TS ngày 26 tháng 11 năm 2009). Theo tin của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt, Trung tâm Văn Bút Tunisie đã được Đại hội Thế giới Văn Bút Quốc Tế họp ở thành phố Linz nước Áo cuối tháng 10 công nhận là Trung tâm hội viên Văn Bút Quốc Tế. Hội đồng Đại biểu Văn Bút Quốc Tế đã nồng nhiệt mở vòng tay đón Trung tâm tân lập của các văn thi hữu Tunisie vào đại gia đình Hiệp Hội các Nhà Văn Thế Giới.


Chỉ tiếc vào phút lịch sử đó, có vài phiếu trắng lẻ loi của mấy đại biểu có thể vì ở xa không được thông tin về tình trạng Quyền Tự do Phát biểu Quan điểm bị vi phạm trầm trọng ở Tunisie và các nhà cầm bút Tunisie, nhà văn lẫn nhà báo, đã và đang bị trấn áp nghiệt ngã một cách hạ cấp và gian hiểm. Mặc dù tương đối còn đỡ hơn CHXHCNVN ! Ghi chú : nguồn tin về Tunisie của Phóng Viên Không Biên Giới, Văn Bút Quốc Tế, IFEX, báo Nouvel Observateur, le Monde, đài RFI và các báo điện tử Pháp thoại. Genève ngày 12 tháng 12 năm 2009 Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ Ligue vietnamienne des droits de l’homme en Suisse Vietnamese League for Human Rights in Switzerland

No comments: