Monday, January 17, 2011

NGÔ NHÂN DỤNG * TỰ DO


Tự do nhân tính và tự do thú tính

Ngô Nhân Dụng

Những ngày cuối năm, tôi mới đọc một bài của Tu Wei-ming viết về Yen Yuan (Nhan Nguyên), một triết gia người Trung Hoa đời nhà Thanh. Ông sinh năm 1635, một thế hệ sau những Hoàng Tông Hy, Cố Viêm Vũ, nhưng không được nổi danh như hai vị đại Nho này. Cho tới đầu thế kỷ 20, Lương Khải Siêu “khám phá” ra và tán dương những tư tưởng của ông mà Lương gọi là “Thực tế, thực dụng chủ nghĩa.” Nhan Nguyên là người dám công kích những ý kiến của Trình Dị - Chu Hi đời Tống vì thấy là phù phiếm; trong lúc giới trí thức chung quanh và nhà nước quân chủ vẫn tôn sùng như các lý thuyết đó giáo điều. Ông chủ trương phải chú trọng đến thực hành, phải thực tập các tiêu chuẩn đạo lý. Ông suốt đời không ra làm quan; có lúc làm ruộng để sống, rồi bốc thuốc, dậy học.

Trong bài báo này tôi sẽ không dám làm phiền quý vị độc giả về những trước tác và tư tưởng mới mẻ của Nhan Nguyên, như Giáo Sư Tu Wei-ming (Ðỗ Duy Minh, đọc lối Việt Nam) đã trình bày. Chỉ muốn kể một câu chuyện về ông rất đáng nhớ. Năm Nhan Nguyên 15 tuổi, bố ông đã bị mất tích từ lâu, mẹ đã tái giá, ông nội lo cho tương lai cháu cho nên đút tiền các học quan trong huyện, xin cho cháu được qua kỳ khảo hạch để chuẩn bị đi thi. Khi biết chuyện ông nội đã đi hối lộ cho mình kiếm được một mảnh bằng, cậu bé 15 tuổi đã bật khóc. Cậu nói: Tôi thà làm một anh dốt chữ thật còn hơn làm một anh hay chữ giả!

Sống thật, không sống giả, đó quả là một châm ngôn dễ hiểu nhưng khó thực hành, nhất là ở Việt Nam bây giờ. Nhà giáo Hà Sĩ Phu đang ở Ðà Lạt gần đây đã bàn về thứ “Văn Hòa Mặt Dày,” nhân một bài nhan đề như vậy trên mạng Bô Xít Việt Nam. Ông viết, “Thứ ‘Văn hóa mặt dày’ sở dĩ vênh váo được vì có một hệ thống công khai nuôi dưỡng nó, (lúc chịu đòn cũng chỉ là đòn giơ cao đánh khẽ), trong khi ‘đối thủ’ của nó là một nền văn hóa biết xấu hổ, biết đau khổ (về tình trạng thua kém, về tình trạng lệ thuộc, đáng tủi nhục của nhân dân mình, của đất nước mình) lại đang ở vào thế bị bị lép vế, bị áp chế, càng yêu nước càng bị người đại diện cho nước đánh đòn.”

Hà Sĩ Phu viết bài trên trước khi có tin 16 quan chức tỉnh Hà Giang, trong đó có ông chủ tịch Nguyễn Trường Tô đã được tha, không bị truy tố gì cả trong khi hai nữ sinh trong số các nạn nhân vẫn bị đưa ra tòa về tội môi giới. Nhưng Hà Sĩ Phu đã bàn trước: Phải thương, rất thương các cháu gái nhỏ đang thành những nạn nhân khốn khổ do “lũ” người “lớn” tạo ra, và thả các cháu Hằng cháu Thúy ra ngay mới phải! Nhẹ tay với thủ phạm nhưng nặng tay với nạn nhân là nghĩa làm sao?

Quả thật, hai cô học trò bị tố tội môi giới năm nay mới 18, 19 tuổi. Trong thời gian mà hai cô bị tố đã làm nghề môi giới đưa các bạn gái cùng trường tới hiến cho các quan chức trong tỉnh, các cô bé này chưa đến tuổi thành niên để làm bất cứ nghề môi giới nào, dù môi giới đưa tiền hối lộ, môi giới ở thị trường chứng khoán hay trong mạng lưới nhện của ông Mã Giám Sinh hiệu trưởng Sầm Ðức Xương. Nhưng các quan đầu tỉnh thì được coi như vô tội, còn hai cô học trò con nhà dân dã thì sẽ bị kết tội. Sống thật khổ, sống giả sướng!

Nguyên nhân cảnh suy đồi về đạo lý này, Hà Sĩ Phu nhìn thấy trong hệ thống chính trị. Trong mỗi con người chúng ta, ông thấy có phần người thật và phần thú vật. Một chế độ chính trị bóp nghẹt không cho phần con người được tự do (tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do chọn người cai trị bằng lá phiếu, vân vân) thì phần con thú trong mọi người được tự do nhiều hơn, không còn gì ràng buộc nữa.

Hà Sĩ Phu viết: “Những hiện tượng Nguyễn Trường Tô, Hoàng Thùy Linh, hiện tượng bạo lực học đường, bạo lực xã hội, nữ sinh lõa lồ đánh nhau (mà còn quay phim) đưa clip lên mạng... chỉ là những ví dụ nhỏ trong hệ thống thiếu tự do nhân tinh của một nền dân chủ, dẫn đến phát triển tự do thú tính hoang dã. Một cách tự nhiên, con ‘thú’ lớn vạch đường cho những con ‘thú’ nhỏ, noi gương nhau cả thôi.”

Phát triển Tự Do Thú Tính trong khi đàn áp Tự Do Nhân Tính, tạo nên một nền Văn Hóa Mặt Dày, không những dẫn tới một xã hội vừa vô đạo lý vừa bất công, mà còn đưa đất nước tới chỗ suy yếu, khi tất cả xã hội phải sống hoàn toàn bằng giả trá, mạo hóa, gian manh, lừa dối. Chế độ ở nước ta hiện nay tên là gì? Họ gọi là Xã hội Chủ nghĩa. Ðảng cầm quyền tự gọi là đảng Cộng Sản. Nhưng ngay cả các đảng viên Cộng Sản cũng biết, từ cách suy nghĩ đến các hành động của những người đang nắm quyền trong tay, và đang chuẩn bị nắm quyền thêm 5 năm nữa, họ không có gì liên quan đến chủ nghĩa Cộng Sản của ông Karl Marx cả. Ai cũng thấy, chế độ xã hội và kinh tế thực sự ở nước ta bây giờ là một chế độ tư bản, mà là thứ kinh tế tư bản thời hoang dã, trước đây vài thế kỷ, trước khi ông Karl Marx đề ra những phân tích của ông.

Trong một trăm năm kể từ khi ông Karl Marx viết bản tuyên ngôn Cộng Sản, chính nền kinh tế tư bản mà ông phân tích đã thay đổi. Bản chất của nền kinh tế đó không thay đổi: Kiếm lợi. Tối đa hóa doanh lợi. Nhưng con thú trong mỗi người là lòng tham không còn được tự do như thời hoang dã nữa. Bao nhiêu thứ luật lệ đã được loài người đặt ra để kềm chế lòng tham. Cho nên mới có những luật lệ cấm kết bè đảng để chiếm độc quyền; những luật lệ bảo đảm tự do lập công đoàn, bảo vệ người lao động; những luật lệ kiểm soát thực phẩm, thuốc men, bảo vệ sức khỏe và sự an toàn của người tiêu thụ, vân vân và vân vân. Mối lo của nhân loại là làm sao hạn chế những Tự Do Thú Tính.

Chế độ kinh tế tư bản đã thay đổi không phải vì lòng từ thiện của các nhà tư bản. Sự thay đổi đạt được là do người dân đã tranh đấu để được tự do. Có như vậy thì những quyền Tự Do Nhân Tính mới có cơ hội nảy nở và được tôn trọng. Sức mạnh của kinh tế tư bản là tự do cạnh tranh. Không có tự do ganh đua nhau thì kinh tế không thể tiến. quyền tự do kinh tế lại phải gắn liền với quyền tự do chính trị. Vì nếu anh không được tự do về chính trị thì có cái gì bảo đảm là quyền tự do kinh doanh của anh không bị xâm phạm? Ðến lúc nào thì những kẻ có quyền có thế sẽ không tha mà bắt đầu chiếm đoạt tài sản do anh tạo ra?

Gần đây ông Vũ Cao Ðàm cùng mấy người bạn đã đưa lên mạng lưới Bô Xít một bài về ông Trần Xuân Bách, viết nhân ngày giỗ đầu của ông. Trong các cuộc gặp gỡ, thảo luận với các nhà chuyên môn về kinh tế và chính trị, ông Trần Xuân Bách đã đi tới ý tưởng là phải thay đổi cả về kinh tế lẫn chính trị. Ông tên thật là Vũ Thiện Tuấn quê tại xã Nam Ninh, Nam Ðịnh, đã làm bí thư trung ương đảng và ủy viên Bộ Chính Trị, nhưng sau khi thấy Cộng Sản sụp đổ ở Ðông Âu ông đã tỉnh ngộ.

Theo ông Vũ Cao Ðàm thuật lại thì ông Trần Xuân Bách đã thấy rằng “...đã đa thành phần kinh tế, mà anh gọi là ‘đa nguyên kinh tế,’ thì tất yếu sẽ dẫn đến ‘đa thành phần’ trong xu hướng chính trị, mà anh cũng thẳng thắn gọi là ‘đa nguyên chính trị’”. Ngoài ra, ông Vũ Cao Ðàm kể, “anh (Trần Xuân Bách) đưa ra nhận định khái quát: Thị trường và đa nguyên là những thành tựu nổi bật của nhân loại.”

Chế độ Cộng Sản xóa bỏ thị trường, đàn áp chủ trương đa nguyên, Trần Xuân Bách đã nhìn ngược lại. Ngày mai là ngày giỗ ông, nhắc lại những ý kiến của ông do những người thân cận kể lại, để ghi nhận không phải người Việt Nam nào đã bước vào con đường công danh Cộng Sản cũng tự từ bỏ trí suy nghĩ và lòng khát khao muốn sống lương hảo.

Có thể nói ông Trần Xuân Bách không cần phải nghiên cứu kinh tế học mà chỉ cần dùng lương tri của con người bình thường cũng thấy được là kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển tốt đẹp khi đi cùng chế độ tự do dân chủ. Còn như bây giờ, kinh tế Việt Nam nằm trong tay một nhóm quả đầu, họ thao túng thị trường kinh tế nhờ nắm chặt quyền hành chính trị. Khi nhìn vào chế độ gọi là Cộng Sản ở nước ta bây giờ, thấy trong thực tế họ đang xây dựng một xã hội tư bản giả, thứ tư bản thời hoang dã trước đây 200 năm! Chính trong tình trạng đó mà Tự Do Nhân Tính thì bị đè nén để nhóm quả đầu tiếp tục chiếm độc quyền.

Còn Tự Do Thú Tính được thả lòng cho vẫy vùng vì cả xã hội phải sống giả dối. Trên dối dưới, dưới dối trên, tất cả đồng lõa gọi tên nhau là cộng sản nhưng ăn cắp và hối lộ theo lối tư bản thời hoang dã. Luân lý suy đồi vì một lý do mà Soljenytsin đã từng nêu ra: Một chế độ độc tài với một guồng máy đàn áp bao giờ cũng phải kèm theo một guồng máy nói dối. Guồng máy nói dối đó gọi là Ban Tuyên Huấn, Tuyên Giáo hay là Ban Văn Hóa, Tư Tưởng, những cái tên càng đẹp đẽ thì tính chất gian dối càng lộ liễu, không người dân nào không thấy là dối trá. Nhưng cuối cùng bao nhiêu người vẫn phải ngậm miệng sống hùa theo tự do thú tính, nhắm mắt không thấy nhân tính của mình bị mất tự do. Vì sống thật thì khó, sống giả thì dễ!

Chỉ còn vài tuần lễ nữa, đảng Cộng Sản Việt Nam lại họp đại hội. Chắc không ai trong đại hội đó dám nói như lối cậu bé 15 tuổi Nhan Nguyên hơn ba thế kỷ trước: Thà rằng làm tư bản thật còn hơn làm cộng sản giả!

Chế độ cai trị của nhà Thanh rất khắc nghiệt nhưng họ vẫn phần nào tôn trọng vai trò của các nhà trí thức. Vua Mãn Thanh muốn tập trung sách vở để dễ kiểm soát, nhưng chưa đến nỗi cấm tuyệt các nhà Nho không cho ai được tự do viết nữa. Cho nên mới có những người như Hoàng Tông Hy, đã đề xướng một cách tổ chức xã hội có thể coi là mang tính chất phân quyền, và hiến định, với mục đích giới hạn quyền hành của vua quan. Cho nên, Nhan Nguyên dám chỉ trích cả lý thuyết chính thống Trình Chu mà không bị ngăn cản. Nếu sống vào thế kỷ 21 này họ chắc sẽ trở thành những người làm “blog” như Ðiếu Cày, như Mẹ Nấm!

Nhan Nguyên cả đời không dính tới quan trường mà chỉ ngồi nhà dậy học, viết sách; trước khi mất năm 1704, ông còn dặn bảo các học trò: Hãy cố học, thực tập, và sống sao cho hữu ích. Thanh niên Việt Nam bây giờ có được thầy giáo, cô giáo dậy như thế hay không?

Học được đúng lời khuyên đó, các em sẽ biết hổ thẹn, không còn sống theo Tự do Thú tính nữa. Sẽ có ngày các em học sinh sẽ đứng lên đòi những Tự do Nhân tính. Ðể sống hữu ích.

No comments: