Monday, January 10, 2011

NGUYỄN SĨ GIÁC * TÁC PHẨM





NGUYỄN SĨ GIÁC TÁC PHẨM





Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác ( 1888- 197? ) là giáo sư Hán Văn tại trường đại học Văn Khoa và Sư Phạm Sài gòn trong thập niên 60.Tiên sinh cũng như giáo sư Nguyễn Huy Nhu ,Viện Đại Học Huế là những vị tiến sĩ cuối cùng của nhà Nguyễn.

Nguyễn Sĩ Giác tiên sinh sinh năm mậu tí (1888) quán xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông , là con trai của cử nhân Nguyễn Duy Nhiếp, cháu nội của tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp, đỗ tiến sĩ khoa canh tuất ,niên hiệu Duy Tân thứ tư (1910) vào lúc 23 tuổi, đồng khoa với các phó bảng Hoàng Tăng Bí, Bùi Kỷ , trước Đinh Văn Chấp một khoa (1913), trước Nguyễn Huy Nhu, Nguyễn Can Mộng hai khoa (1916).

Nguyễn Trọng Hợp là cháu bốn đời của Nguyễn Công Thái (1684-1758), đỗ tiến sĩ khoa Ất Vị (1715), làm quan đến chức Tể tướng. Như vậy, tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác cùng thi sĩ Tản Đà chung một tổ tiên.

Lãng Nhân Phùng Tất Đắc khi viết về Nguyễn Quyền và phong trào Đông Kinh nghĩa thục có đoạn viết về cụ Nghè Giác:

Năm 1908 xảy ra việc Hà thành đầu độc, nhà cầm quyền đóng cửa nghĩa thục, ông bị bắt đày ra Côn đảo, cùng đồng chí Lê Đại án chung thân. Còn hai đồng chí nữa là Nguyễn sĩ Sác và Hoàng tăng Bí chỉ bị giam giữ ít lâu ở Hà Nội. Rồi Hoàng tăng Bí được nhạc gia Cao xuân Dục nhận lãnh, đưa về theo học tại Huế, thi đỗ phó bảng. Nguyễn sĩ Sác đỗ tiến sĩ.(Giai Thoại Làng Nho, chương 11).

Sau 1954, cụ Nghè khá thân với Lãng Nhân Phùng Tất Đắc.Vĩnh Phúc viết một đoạn về Phùng Tất Đắc và cụ Nghè:

Lãng Nhân tự học chữ Hán bằng cách dùng sách Pháp để tra cứu. Bởi vậy kết quả không ngờ là cụ giỏi cả hai thứ chữ Hán và Pháp. Ngoài ra, Lãng Nhân may mắn đã được sự chỉ giáo của hai nhà Hán học uyên thâm là các cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim. Cụ Bùi Kỷ sau khi di dạy học về, thường hay ghé chơi tòa soạn báo Đông Tây mà Lãng Nhân làm chủ bút. Do đó Lãng Nhân có dịp học hỏi. Nếu cần thì Lãng Nhân lại đạp xe đến tận nhà các cụ Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim để nhờ giảng cho một chữ hay một điển tích nào khó hiểu. Sau này khi vào Sài Gòn, chỉ còn lại cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác, thì Lãng Nhân nhờ con trai thứ 3 là Phùng Khắc Điền (hiện đang sống ở Montreal, Canada) chở xe đến nhà cụ Nghè Giác để hỏi, mỗi khi bị bí vì một điển tích nào hắc búa. http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=print&sid=4823


Chưa có tài liệu nào viết về tiểu sử của cụ Nghè Giác. Năm 1954, cụ Nghè di cư vào Nam và dạy học tại Đại học Văn Khoa và Sư Phạm Saigon.Tôi đã thụ giáo lão sư trong thời gian tôi học tại đại học Văn Khoa và đại học Sư Phạm Sài Gòn.Tôi đã đến thăm thầy hai lần. Một lần vào khoảng 1965 để tìm hiểu về Tản Đà và dòng Nguyễn Công Thái. Và một lần nữa vào năm 1973 để viết về Khoa cử thời Nho Học.

Trước 1975, thầy thôi dạy học, lui về ở tại Khánh Hội, lúc đó thầy đã gần 90 tuổi, ở tại nhà người bà con, còn con trai của thầy làm việc ở tòa đại sứ VNCH tại Mỹ. Năm 1973, tôi đã đến thăm thầy và hỏi thầy về thi hương, thi hội. Thầy trao cho tôi bản thảo về Khoa cử đời Nguyễn, tiện tay, thầy cũng giao cho tôi một tập thơ và một tấm ảnh của thầy. ( Vô tình hay cố ý? Tại sao Thầy lại trao cho tôi?Vì Thầy trao cho tôi nên tôi nghĩ tôi có nhiệm vụ bảo quản và giới thiệu với độc giả các tác phẩm của Thầy).

Bài biên khảo và các bài thơ của thầy đã đăng ở các báo chí hay chưa đăng? Sau khi nhận xấp tài liệu này tôi không còn cơ hội gặp lại thầy nữa vì chiến tranh và vì công việc nghiên cứu của tôi! It lâu sau, sau 1975, tôi đi trong Mạc Đỉnh Chi thấy thấp thoáng trong đám cỏ úa mộ bia của thầy.Rồi tôi sang Canada mang theo tập di cảo của thầy.



Tác phẩm của thầy nay còn lại một tập bản thảo trong đó có biên khảo về khoa cử, một số bài thơ và các tác phẩm dịch Hán văn khi thầy cộng tác với trường Đại Học Luật khoa Sai Gòn . Những tác phẩm này rất đồ sộ, giúp sinh viên Luật và luật gia nước ta nghiên cứu về pháp luật Việt Nam ngày xưa. Đó là những quyển:

+Quốc Triều Hình Luật. Cao Nãi Quang dịch, Nguyễn Sĩ Giác nhuận sắc. Saigon: Đại học Luật Khoa, 1956.
+Phan Huy Chú. Quan Chức Chí (Lich Triều Hiến Chương Loại Chí.). Cao Nãi Quang, dịch, Nguyễn Sĩ Giác nhuận sắc, VĐH Saìgòn, 1957, 563 tr.
+Hồng Đức Thiện Chính Thư, Nguyễn Sĩ Giác dịch. Sài Gòn: Trường Đại Học Luật Khoa, 1959. 159 tr.
+Lê Triều Chiếu Lệnh Thiện Chính. Nguyễn Sĩ Giác dịch. Viện ĐH Sai Gòn 1961, 505 tr.
+Đại Nam Điển Lệ. Nguyễn Sĩ Giác dịch, Viện ĐH Sai Gòn, 1962, 571 tr.



Quốc triều hình luật, Cao Nãi Quang dịch,Nguyễn Sĩ Giác nhuận sắc, xuất bản năm 1956:
Phóng to



Quan Chức Chí. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí. Cao Nãi Quang dịch, Nguyễn Sĩ Giác nhuận sắc.




Lê triều chiếu lịch thiện chính-Nguyễn Sĩ Giác dịch, Vũ Văn Mẫu đề tựa, xuất bản năm 1962:
Phóng to


Đại Nam điển lệ, Nguyễn Sỹ Giác phiên âm, dịch nghĩa, xuất bản năm 1962:
Phóng to


Hồng Đức thiện chính thư ,Nguyễn Sỹ Giác dịch , Giáo sư Vũ Văn Mẫu đề tựa, xuất bản năm 1959:
Phóng to




Nhìn lại, công trình dịch thuật của Thầy thật là đồ sộ, đã đóng góp rất nhiều cho Đại Học Luật Khoa và văn hóa nước nhà.
Vài hàng trân trọng, giới thiệu cùng các độc giả những tác phẩm quý trước 1975.

NGUYỄN THIÊN THỤ

Xin đọc

NGUYỄN SĨ GIÁC THI VĂN TẬP

No comments: