Monday, July 18, 2011

KÝ NGUYÊN TRÂN

Nhớ về những giờ phút cuối cùng của Sài Gòn
Ngày 30 tháng Tư năm 1975
Nỗi xúc cảm ngàn đời của Nguyên Trần



Đêm 29 rạng 30 tháng 4 năm 1975, thủ đô Sài Gòn gần như bỏ ngõ. Cơn mưa trái mùa khiến cho bầu trời thêm thê lương ảm đạm, mưa rơi nhè nhẹ như dòng lệ khóc thương cho một đất nước tội nghiệp sắp sửa bị xóa tên trên bản đồ của thế giới tự do nhân bản vì sự phản bội cay đắng của một đồng minh oan nghiệt. Những giọt mưa lất phất buồn ray rức cũng đủ làm cho những con người sắp mất nước tan nát cõi lòng trong nỗi tuyệt vọng khốn cùng.

Giờ giới nghiêm hầu như không còn hiệu lực, thế nên cho dù đã khuya rồi nhưng người ta vẫn nhốn nháo đổ xô xuống bến Bạch Đằng với hy vọng tìm con đường vượt thoát.
Mặc dù sinh trưởng ở miền Nam nhưng qua kiến thức thu thập từ bạn bè miền Bắc, từ sách vở và các phương tiện truyền thông trong ngoài nước, tôi đã biết được cái hiểm họa Cộng Sản nó tàn khốc dã man là dường nào nên cũng muốn ra đi lắm nhưng khổ một nổi là trong cơn hỗn loạn tan tác kinh hoàng mà người dân Sài Gòn chen lấn xô đẩy để tìm con đường sống, tôi hoàn toàn không thể mang cả vợ con đi theo mà chỉ có thể xuống tàu một mình mà thôi. Và vì cái tình cảm gia đình theo kiểu tiểu tư sản trong con người tôi nó còn nặng nề bảo thủ lắm thì làm sao mà tôi có thể rứt áo ra đi như những người khác cho được. Thà chết thì chết hết chứ ai mà tìm đường sống cho riêng mình.

Ngoài trời lúc bấy giờ vẫn còn mưa rơi lác đác, đầu óc tôi nóng bừng với ý nghĩ đau đớn là một kiếp sống nhục nhằn đày đọa đang chờ đón gia đình tôi và cả dân tôc tôi trong nay mai. Để cho tâm hồn có chút thanh thản, tôi lấy xe Honda chạy một vòng thành phố và để nhìn thấy Sài Gòn lần cuối cùng còn thoi thóp ít màu sắc dân chủ một thời và cũng để hít thở chút không khí tự do còn sót lại trong những giây phút phù du của cả một chế độ Cộng Hòa. Sài Gòn trong cơn hấp hối sao mà buồn rầu thảm thương như cô gái điếm về chiều đang đứng bẽ bàng đón khách trong não nề tuyệt vọng trên một góc phố tiêu điều hoang vắng.

Như một người đắm chìm trong cơn mộng du hãi hùng, tôi cứ chạy lang thang vô định trên những đường phố hắt hiu ngậm ngùi trước giờ đổi chủ. Tới đường Lý Thái Tổ gần khu Ngã Bảy, tôi thấy xác chiếc trực thăng UH 34 nằm bẹp ngay trên đường mà sau này mới biết là trong ngày hôm đó trực thăng theo kế hoạch White Christmas đến điểm hẹn để bốc một số viên chức Mỹ ra hạm đội thì bị dân chúng Sài Gòn đeo nhau lên đến over load làm phi công phải hủy bỏ chiếc trực thăng luôn.

Sau một hồi “lang thang dưới mưa hoàng hôn”, tôi chạy Honda về nhà với một cõi lòng trống vắng và nặng trĩu u hoài. Đêm đó, tôi nằm trùm chăn kín mít như trốn chạy một sự thực đau thương đổ nát sắp phủ chụp lên toàn thể đồng bào miền Nam . Ngay cả trong lúc mệt mỏi, tôi cũng đã thiếp đi trong cơn ác mộng kinh hoàng của cơn đại hồng thủy sắp nhận chìm cả đất nước thân yêu của tôi.

11 GIỜ SÁNG NGÀY 30 THÁNG 4 NĂM 1975, tổng thống Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, khai tử nước Việt Nam Cộng Hòa mà bao Quân Công Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa đã hi sinh cả tính mạng, đổ bao xương máu để gìn giữ. Sài Gòn thực sự đã trút hơi thở cuối cùng. Tôi thẫn thờ lê gót ra đầu đường Trương minh Giảng để thấy một số đồng bào hiếu kỳ tụ tập ven đường xem “bộ đội đến”.


Phần đông người dân miền Nam đều hụt hẫng ngỡ ngàng cũng như lặng người kinh hãi nhìn đoàn quân chiến thắng chân mang dép râu hay dép Bình Trị Thiên, đầu đội nón cối hay chiếc mũ tai bèo hống hách xô bồ nghênh ngang tiến vào thủ đô thân yêu giữa nỗi tuyệt vọng đớn đau của chúng tôi. Mọi người buồn bã nhìn nhau như thầm nói là lũ cướp rùng rú này sẽ mang đến cho miền Nam những bất hạnh oan khiên tang tóc nữa đây. Sài Gòn yêu dấu của tôi đã thực sự đắm mình trong cơn hoãng loạn.

Ngay từ giây phút đầu tiên ấy, đã có một hố ngăn cách sâu xa vô hình giữa đám con cháu Hồ tặc xâm lăng và những người bị mất nước. Chỉ có bầy thú vật trở cờ theo đóm ăn tàn mà dân ta gọi là tụi cách mạng 30 là hớn hở reo mừng. Tay đeo foula xanh đỏ (tượng trưng cho 2 lá cờ sắt máu sát nhân của bọn MTGPMN và Cộng Sản Bắc Việt), chúng chạy lăn xăn la lối nạt nộ dân Sài Gòn, lùa mọi người ra đứng hai bên đường để chào đón quân "cắt mạng" vào ăn cướp Sài Gòn.


Thực ra, bọn chúng nào có xa lạ gì đâu, trước đây chúng là lũ đầu trộm đuôi cướp, băng đảng lưu manh, tội phạm hình sự mà cả xóm đều chán ghét khinh bỉ, nay tâng bốc cách mạng để hi vọng kiếm tí ân huệ. Chính bọn này sau đó làm trò chỉ điểm, xúi giục rỉ tai làm nhiều người dân Sài Gòn lâm cảnh tù đày chết chóc, tán gia bại sản và làm tan nát biết bao gia đình thường dân vô tội. Chúng bắt mỗi gia đình phải mua lá cờ MTGPMN để treo trước nhà và chúng tôi phải tuân hành trong đau đớn căm hờn.

Làm thân phận người dân thua trận phải chào đón lũ cướp nước, lòng chúng tôi tràn ngập nỗi phẫn hận bi thương. Ngoài ra cứ thỉnh thoảng lại có tin nát lòng: Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn văn Long anh dũng tuẩn tiết ngay dưới chân tượng Thủy Quân Lục Chiến trước trụ sở Quốc Hội, các chiến sĩ Nhảy Dù trại Hoàng Hoa Thám ở Ngã Tư Bảy Hiền rồi Người Nhái ở Cát Lái tiếp đến anh em Cảnh Sát Dã Chiến Quận 6 tử thủ đến giây phút cuối cùng rồi tự sát tập thể.


Rồi đến sự hy sinh cao cả của một số chiến sĩ không quân oai dũng như Thiếu tá Phụng, Trung úy Sơn, Trung úy Thành, Trung úy Hiền trong khi tự ý bay những chiếc A119, Skyraiders để bảo vệ vùng trời Sài Gòn dưới làn súng phòng không dày đặc của kẻ thù với hy vọng mong manh là làm chậm bư1ơc tiến quân của kẻ thù. Chúng tôi đau đớn xót xa đến không cầm được nước mắt trước những vị thánh tử vì đất nước như thế. Ôi! đất nước ta có lắm anh hùng khí tiết đến vậy ư! Trời ơi! Vận nước cùng tận đến thế này ư !

Và kể từ ngày 30 oan nghiệt đó, một lịch sử đen tối bắt đầu phủ chụp lấy cả dân tộc miền Nam. Thôi đành gia đình tan nát, người dân xa lìa, nhân tân ly tán. Hung tin cứ tàn nhẫn lần lượt tiếp đến, các vị thần tướng Nguyễn Khoa Nam, Phạm văn Phú, Lê văn Hưng, Trần văn Hai, Lê Nguyên Vĩ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, Đại Tá Đặng Sĩ Vinh cùng nguyên gia đình, hải quân thiếu tá Lê Nguyên Tuấn… và nhiều anh hùng chiến sĩ vô danh khác đã oanh liệt tuẫn tiết theo mệnh nước làm cho người dân miền Nam vô cùng đau xót tiếc thương. Giờ đây, ai đem thành bại để luận anh hùng.


Thế rồi những thương phế binh của chế độ Cộng Hòa bị đuổi ra khỏi Quân Y Viện một cách vô lương dã man. Trên thế giới loài người nhân bản, thử có cảnh nào tàn nhẫn thương tâm cho bằng hình ảnh người thương binh kiệt lực đau yếu, mình còn đầy vết thương tích lê lếch trên đường “xuất viện” với giọt nước mắt căm thù còn đọng trên đôi mắt đau thương tủi hờn, hình ảnh người lính mù cõng người lính què trên vai run rẩy rồi cả hai cùng té ngã thảm thương, hình ảnh người lính cụt tay mỏi mệt đi về một phương trời vô định vì Cách Mạng đã cắt hết con đường sống của họ.

Rồi thì nghĩa trang Quân Đội bị san bằng, pho tượng “Tiếc Thương” ghi lại hình ảnh người lính Cộng Hòa thương tiếc đồng đội bị giật sập bởi những kẻ chiến thắng tiểu nhân hèn hạ.

Rồi toàn thể Quân Công Cán Chính bị tập trung vào các nhà tù còn tàn ác dã man hơn cả Gulag (Siberia) được che đậy dưới mỹ từ "cải tạo". Họ bị giam cầm ở những nơi đèo heo hút gió, lam sơn chướng khí để lao động khổ sai trong đói rách đọa đày mà ... không bao giờ biết được ngày về và hàng chục ngàn người đã vùi thân xác nơi trại cải tạo mà không thấy mặt vợ con và những người thân yêu trước giờ phút lâm chung.

Rồi thì hàng triệu người bỏ nước ra đi tìm tự do, đem sinh mạng ra đánh canh bạc xả láng với rừng thiêng nước độc, với biển cả hãi hùng. Mặc dù tất cả đều biết rằng những chông gai nguy hiểm chết người đang chờ đón ngay trước mắt với tương lai đen tối mịt mùng nhưng đối với họ thì thà chết trên biển Đông hay rừng thẳm còn hơn là sống dưới chế độ phi nhân sắt máu của bọn Cộng Sản. Theo phỏng tính thì có đến cả nửa triệu người vượt biên đã chết thảm trước khi đến bến bờ tự do. Hình ảnh đau thương tan tác của những người liều chết ra đi gợi tôi nhớ lại câu ca dao ru em man mác buồn mà ai cũng từng nghe từ tấm bé:

Ra đi là sự đánh liều
Nắng mai nào biết mưa chiều nào hay
Rồi thì lùa dân đi kinh tế mới, đánh tư sản mại bản để ăn cướp tài sản của cải mà người dân chắt chiu gầy dựng bằng mồ hôi nước mắt.


Rồi thì áp đặt chính sách hành hạ thân xác, khủng bố tinh thần người dân kiểm soát kìm kẹp qua phương thức hộ khẩu, đoàn ngũ hóa lão ông, lão bà, phụ nữ, thanh thiếu niên, thiếu nhi... Liên tiếp đổi tiền để bần cùng hóa người dân cho tới khi mọi người chỉ còn mỗi cái khố che thân.
Rồi thì bắt dân đi làm lao nô xứ người để ăn xén ngoại tệ và để trừ nợ tư các quốc gia này.


Rồi thì xã hội băng hoại, đạo đức suy đồi, cộng thêm sự quản trị tồi tệ, tham nhũng ngập tràn đã khiến đất nước mặc dù không có chiến tranh cũng vẫn không phát triển được và là một trong những quốc gia nghèo đói nhất trên thế giới. Hậu quả là có rất nhiều phụ nữ Việt Nam phải lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn, Mã Lai, Singapore ... sống cuộc đời cơ cực tủi nhục nô lệ và còn bị đánh đập tàn nhẫn. Tất cả chỉ vì để cứu sống gia đình và bản thân khỏi cảnh túng cùng. Trẻ em mới 12 tuổi đã phải đi bán dâm, gia đình cha mẹ anh chị em ruột thịt vẫn phải lừa dối lường gạt nhau để kiếm sống. Ngoài ra, bao cô gái Việt Nam tội nghiệp đã phải hy sinh sắp hàng kiếm chồng Đại Hàn, Đài Loan…để nuôi sống gia đình

Rồi thì tham nhũng móc ngoặc phá nát cơ đồ giang sơn gấm vóc, khánh tận tài nguyên quốc gia.
Rồi thì dâng đất dâng biển cho quan thầy Trung Cộng một cách lén lút báo hại 9 ngư phủ vì cứ tưởng là mình đánh cá trên hải phận của mình nên phải chết một cách oan uổng trước súng đạn của hải quân Trung Cộng.
Ôi! Còn có biết bao nhiêu cái rồi thì nữa mà bút mực nào kể ra cho xiết. Đất nước và dân tộc Việt Nam chúng ta thật vô cùng oan khiên bất hạnh.
Tội ác dã man tày trời của bè lũ Việt Cộng, nước biển Đông không rửa sạch, rừng thiêng chẳng phủ lấp, trời nào dung và đất nào tha.

Rồi 30 năm sau
Ngày 30 tháng Tư năm 2005 tại Toronto

No comments: