Tuesday, July 19, 2011

NHÂN DÂN VIỆT NAM CHỐNG TRUNG CỘNG XÂM LƯỢC




Sẽ có một ngày như thế

Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2011-07-06

Sau khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Mình lần 1 vào tháng 5, từ đầu tháng 6 đã xảy ra biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc tại khắp nơi trên thế giới.

AFP photo

Người Việt tại Tokyo tập trung biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 25/6/2011

Việc nước là việc chung

Bất kể cuộc biểu tình xảy ra trong nước hay hải ngoại, số lượng thanh niên – sinh viên chiếm đa số. Và đối với họ, tham gia biểu tình là không phân biệt nơi chốn, thành phần và quan điểm chính trị.

Sáng sớm ngày 26 tháng 5, tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang thăm dò dầu khí tại lô thứ 148, cách bờ biển Phú Yên khoảng 120 hải lý. Sự việc đã gây phẫn nộ trong đông đảo người dân Việt Nam nên đã tạo nên làn sóng đấu tranh ôn hòa phản đối Trung Quốc. Theo những người tham gia biểu tình, mặc dù biết Nhà nước có thể có những chính sách riêng để giải quyết sự việc, nhưng tham gia nói lên ý kiến của mình là cần thiết. Hoa, một sinh viên du học tại Hà Lan vừa tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc tại đây hôm 2 tháng 7 vừa qua, cho biết:

“Mình nghĩ khi nó là vấn đề của đất nước thì trách nhiệm và quyền hạn hay không chỉ thuộc về chính quyền. Tất cả công dân Việt Nam đều có quyền tham gia vào những sự kiện của đất nước. Mình cho rằng bổn phận của một công dân thì phải tham gia vào tất cả mọi sự kiện của đất nước, bao gồm cả chính trị.”

Cùng ý kiến với Hoa, nhà thơ trẻ Trịnh Sơn, người khởi xướng cuộc biển tình ôn hòa phản đối Trung Quốc tại Vũng Tàu hôm 25 tháng 6 nói thêm:

“Nếu có ai đó cho rằng vấn đề đất nước đã có Đảng và Nhà nước lo thì tôi muốn nói rằng đất nước này là của gần 90 triệu dân đang sống và còn của nhiều thế hệ cha ông khác nữa chứ không phải của riêng ai. Do đó lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước có thể được thể hiện theo nhiều ý chí và cách thức khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa đáng trân trọng”.

Tính cho đến thời điểm này, tại Hà Nội đã xảy ra 5 cuộc biểu tình liên tiếp mỗi sáng Chủ nhật gần Đại sứ quán Trung Quốc. Các cuộc biểu tình như thế cũng xảy ra ở Sài Gòn và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại hải ngoại, các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra với hàng trăm người tham dự. Điển hình là cuộc biểu tình của sinh viên du học cùng thanh niên, công đồng hải ngoại bên ngoài tòa nhà Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Melbourne, Úc ngày 4 tháng 6; tại Tokyo, Paris, và các thành phố lớn ở Canada ngày 25 tháng 6.

Gần đây nhất, vào ngày 2 tháng 7, cũng xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của cộng đồng người Việt ở Washington, ở Den Haag (Hà Lan) và ở Brussels.
Hầu hết các cuộc biểu tình trên xảy ra gần Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng biểu tình không nhất thiết phải diễn ra tại các các cơ quan ấy. Anh Trịnh Sơn cho biết:

Mình cho rằng bổn phận của một công dân thì phải tham gia vào tất cả mọi sự kiện của đất nước, bao gồm cả chính trị.

Hoa, SV du học Hà Lan

“Qua các sự kiện vừa rồi thì tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng không nhất thiết chúng ta phải biểu dương lòng yêu nước trước Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Trung Quốc. Ngược lại, chúng ta có thể làm ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm thì tác dụng của nó rất nhiều bởi vì nó sẽ giúp đông đảo dân chúng nhận biết được bản chất sự việc”.

Nhà thơ Trịnh Sơn còn cho biết, cái mà người ta gọi là “cuộc biểu tình tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 25 tháng 6”, thực chất chỉ bắt đầu từ việc bản thân anh một mình đứng trước Trung tâm Thương mại thị xã Bà Rịa giơ cao biểu ngữ yêu nước. Sau đó, sự việc này đã được đông đảo các tầng lớp từ trí thức đến các anh đạp xích lô, em bé bán vé số hưởng ứng. Anh nói:

“Khi thấy tôi đứng giương biểu ngữ chống Trung Quốc, biểu ngữ “Tuổi trẻ Bà Rịa quyết tâm giữ nước” ban đầu chỉ có một mình tôi thôi, nhưng có lẽ là nhiều người thấy sự việc này là nên làm nên cũng tham gia. Đặc biệt là các em bán vé số, bán báo, các chị bán hàng rong, các anh xe ôm tập trung lại rất đông đều đứng lại rất lâu. Thời điểm cao nhất có thể lên đến hơn 100 người”.

Yêu nước là tiếng nói chung

000_Hkg5073133-250.jpg
Một phụ nữ trong đoàn biểu tình với khẩu hiệu "Chống Trung Quốc" tại Hà Nội hôm 03/07/2011. AFP photo
Theo bạn Lâm, một sinh viên du học tại Pháp tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Paris hôm 25 tháng 6 vừa qua, thì mặc dù các bạn không được biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, nhưng khí thế cuộc biểu tình không vì thế mà chùng xuống. Lâm cho biết:

“Khí thế cuộc biểu tình rất cao bởi vì nơi biểu tình đối diện tháp Eiffel, đông người qua lại. Còn nếu biểu tình ở trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc thì có thể sẽ không có đông người hưởng ứng như thế”.

Còn nhớ khi vừa xảy ra tin tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, dư luận trong nước đã tỏ ra bức xúc. Nhiều tour du lịch đi Trung Quốc đã bị bãi bỏ. Thậm chí một số website của Trung Quốc bị đánh sập mà có nguồn tin cho rằng tác giả chính là những hacker Việt Nam. Chưa nói đến vấn đề đúng – sai trong các hành động này, nhưng rõ ràng người Việt Nam phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc bằng nhiều cách.

Có thể thấy, giữa lúc người ta chưa tìm thấy một phương pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề biển Đông nói riêng và vấn đề quan hệ Việt – Trung nói chung, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình tuần hành ôn hòa như thế sẽ dừng lại. Điều đặc biệt, nhiều thanh niên Việt Nam lại cho rằng “hoạn nạn mới thấy chân tình”; họ sẵn sàng và mong muốn được nắm tay giải quyết vấn đề đất nước. Hoa cho biết:

“Dù là cuộc biểu tình có mang “cờ vàng” hay “cờ đỏ” thì mình cũng tham gia và không phân biệt. Bởi vì mình ý thức được rằng đây là vấn đề chung của đất nước. Hôm rồi các bạn sinh viên Việt Nam tại đây biểu tình phản đối Trung Quốc thì họ sử dụng cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng cho nước Việt Nam. Và mình đã tham gia. Thế nhưng nếu các cô chú người Việt tại đây có dùng cờ vàng ba sọc đỏ để biểu tình phản đối Trung Quốc thì mình cũng sẽ tham gia. Quan trọng là cái tâm huyết của mình đối với đất nước”.

Đây không phải là ý kiến riêng của Hoa mà còn của rất nhiều bạn thanh niên. Chính vì thế mà bài hát “Nối vòng tay lớn” đã được hát lên trong hầu như tất cả các cuộc tuần hành vừa qua. Anh Trịnh Sơn nói:

Khi mọi người thể hiện lòng yêu nước là điều đáng quý. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới nắm tay để giữ nước thì không chỉ riêng tôi, mà tất cả thanh niên Việt Nam đều nghĩ như thế.

Anh Trịnh Sơn

“Người Việt Nam dù đi đến đâu thì cũng có thể nhận ra nhau bằng tiếng nói. Khi mọi người thể hiện lòng yêu nước chân thành và trong sáng là điều đáng quý. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới nắm tay để giữ nước thì không chỉ riêng tôi, mà tất cả thanh niên Việt Nam đều nghĩ như thế”.

Nắm tay nhau bảo vệ tổ quốc, không phân biệt quan điểm chính trị là mong ước của rất nhiều thanh niên Việt Nam; bởi họ ý thức được rằng trong lúc độc lập, chủ quyền dân tộc bị ngoại bang đe dọa thì hai từ mà tất cả mỗi dân tộc đều cần là “đoàn kết”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/viet-over-world-hold-hands-qc-07062011140900.html


Chính phủ VN vẫn trân trọng 16 chữ vàng
Thanh Quang, phóng viên RFA
2011-07-07

Giữa lúc Trung Quốc ngày càng chứng tỏ quyết tâm xâm lấn Việt Nam bằng mọi cách thì giới cầm quyền Việt Nam thể hiện thái độ - và cả bằng hành động - trân quý “16 chữ vàng” và ‘4 tốt".

AFP photo

Công an tiến sát đến một người đang hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong cuộc biểu tình ở HN hôm 26/7/2011

"Láng giềng tốt"

Hồi tháng 2 năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết phương châm “16 chữ vàng” gồm “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định lâu dài, Hướng tới tương lai” và tinh thần “4 tốt” là “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”.

Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, vào ngày 25 tháng 6 năm 2011, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn thay mặt giới lãnh đạo Việt Nam đã thể hiện đúng theo phương châm và tinh thần đó với Bắc Kinh khi hai nước “núi liền núi, sông liền sông” khẳng định kiên trì đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Trung theo “16 chữ vàng” và “4 tốt”; phát triển lành mạnh nhằm đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân 2 nước; Việt Nam và Trung Quốc tích cực giải quyết bất đồng trên biển; tránh để cho lời nói và hành động gây phương hại tình hữu nghị song phương; và xúc tiến Quy tắc Hành xử biển Đông DOC.

Và, một lần nữa, “16 chữ vàng” ấy cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh khẳng định khi tiếp Đại sứ Trung Quốc Tôn Quốc Tường tại Trụ sở Bộ Quốc Phòng Việt Nam hôm mùng 6 tháng này sau khi tướng Thanh không quên nhắc lại rằng “Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua”.

Nhận xét về tình nghĩa “16 chữ vàng” và “4 tốt” ấy, Đức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Uỷ ban Công lý và Hoà bình lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do như sau:

“Người Việt Nam ngày nay không thể chấp nhận chuyện chỉ đối thoại song phương với Trung Quốc và cũng không bao giờ có thể tin được 16 chữ vàng về hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam. Qua những biến cố, qua lịch sử ngàn năm, chúng ta đã thấy rõ hơn cái âm mưu thâm độc của Trung Quốc. Chính vì vậy chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy nhà nước có lẽ chưa nhất quán trong vấn đề bảo vệ độc lập và chủ quyền của Việt Nam, nhất là trong giai đoạn hiện tại.”

Song phương?

Qua bài tựa đề “Khấu đầu và bịt miệng dân” được nhiều trang mạng nhật ký phổ biến, tác giả Hoà Vân nêu lên câu hỏi rằng trong khi Trung Quốc mới chính là kẻ làm cho tình hình nóng lên với những vụ gây hấn trên Biển Đông, trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam – và cả ở cạnh bờ biển Philippinnes – thì tại sao Việt Nam phải cử “đặc phái viên” tới Bắc Kinh mà không là ngược lại ?

024_044431-250.jpg
Đoàn tàu đánh cá của ngư dân Phan Thiết, Bình Thuận. AFP photo

Tác giả lưu ý ngay câu đầu của “Thông tin báo chí chung Việt Nam-Trung Quốc” về cuộc gặp gỡ này là “làm như không có chuyện gì xảy ra” khi hai bên cho rằng “quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.

Theo tác giả Hòa Vân, nếu vậy thì cử “đặc phái viên” Hồ Xuân Sơn đi xứ sang Tàu để làm gì ? Tác giả đặt câu hỏi tiếp rằng nhiều ngư dân Việt Nam bị đánh đập, sát hại trong khi đánh cá tại ngư trường truyền thống thuộc lãnh hải Việt Nam, những tàu thăm dò địa chất của Việt Nam bị tấn công ngay trong vùng độc quyền kinh tế Việt Nam là những “phát triển lành mạnh” hay sao?

Tác giả phân tích thêm rằng cam kết của 2 bên “đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết ‘Thoả thuận về các Nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc’ ” chẳng khác nào khẳng định một giải pháp song phương trong khi vấn đề biển Đông, cụ thể là Trường Sa, liên quan đến nhiều nước mà thế giới muốn có một giải pháp đa phương.

“Thông tin báo chí chung Việt Nam và Trung Quốc” vừa nói cũng không thấy đề cập tới Bộ Quy Tắc Hành Xử Biển Đông COC có tính cách ràng buộc, như ASEAN mong muốn, mà chỉ nhắc tới Bản Tuyên bố về cách hành xử của các bên ở biển Đông, gọi tắt là DOC, không có tính cách ràng buộc pháp lý và từng bị Bắc Kinh vi phạm dù họ đã ký kết với ASEAN hồi năm 2002.

Theo tác giả Hoà Vân thì phía Việt Nam vừa đạt một “cam kết lạ lùng mà một chính phủ tự trọng không bao giờ có thể” làm thế, khiến cho “Bó đũa ASEAN vừa mới chớm hợp lại trước những hành động gây hấn của Trung Quốc thì chính thành viên cần thiết nhất sự hợp tác của những chiếc đũa bạn lại rút ra, giúp đối phương bẻ gãy từng chiếc”.

Người Việt Nam ngày nay không thể chấp nhận chuyện chỉ đối thoại song phương với Trung Quốc và cũng không bao giờ có thể tin được 16 chữ vàng về hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam.

GM Nguyễn Thái Hợp

Có lẽ diễn biến đáng ngại như vậy là một trong những lý do khiến những trí thức luôn ưu tư cho vận nước, như cựu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các vị GS Hoàng Tuỵ, Nguyễn Huệ Chi, Chu Hảo, Phạm Duy Hiển, những TS Nguyễn Quang A, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyên Ngọc, LS Trần Vũ Hải cùng nhiều nhà tâm huyết khác đã gởi Kiến Nghị yêu cầu Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp thông tin liên quan thực chất của mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, nhất là cuộc gặp gỡ mới đây giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và các quan chức tương nhiệm Bắc Kinh.

Ngoài mối quan ngại về nguy cơ Việt Nam nhượng bộ khiến phương hại nỗ lực tìm một giải pháp đa phương qua sự trợ giúp của Hoa Kỳ, ASEAN cùng cộng đồng thế giới, người ta cũng lo ngại cam kết của phía Việt Nam “tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước” sẽ mở đường cho nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục đàn áp người dân biểu tình chống hành động xâm lược từ Phương Bắc.

Trăn trở vận nước

Sự hiện diện của đặc sứ Hồ Xuân Sơn tại Trung Nam Hải diễn ra ngay sau khi Bắc Kinh vừa thực hiện thêm nữa hành động xâm lấn trắng trợn sâu trong vùng biển của Việt Nam khi trong vòng 1 tháng qua, 3 tàu hải giám của Trung Quốc vào tận bên trong hải phận Việt Nam cắt cáp tàu thăm dò địa chất Bình Minh 02; rồi 3 tàu hải giám khác bắn đuổi 3 tàu đánh cá cửa ngư dân Việt Nam ở Phú Yên; và 2 tàu ngư chính của Trung Quốc cùng nhiều tàu cá khác tấn công tàu Viking II trong thềm lục địa Việt Nam.

000_Hkg4992973-250.jpg
Hình ảnh chống TQ xuất hiện trên trang facebook của một bạn trẻ Hà Nội hôm 10/6/2011. AFP photo

Thoả thuận “16 chữ vàng”, “4 tốt” mới nhất Việt-Trung như vừa nói diễn ra cùng thời điểm mà Thiếu tướng Bành Quang Khiêm, Phó Tổng Thư ký Uỷ ban Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc cao ngạo rằng “Hoa Lục từng dạy cho Việt Nam 1 bài học và có thể cho Việt Nam bài học lớn hơn,… và nếu tiếp tục diễu võ dương oai, múa trên lưỡi dao, sớm muộn gì Việt Nam sẽ có ngày ngã trên lưỡi dao ấy…”.

Tướng Bành Quang Khiêm cũng không quên gán cho rằng “…tình hình biển Đông đột nhiên căng thẳng là do Việt Nam và Philippines ‘liên tục khiêu khích’ trong thời gian gần đây”, mặc dù từ 4 năm nay, Trung Quốc ngày càng bất chấp Quy Tắc Hành Xử Biển Đông mà chính họ đã ký kết để thực hiện những hành động tùy tiện, cứng rắn, quyết liệt hơn, đơn phương ra lệnh cấm đánh cá ở khu vực gọi là “đường lưỡi bò”, từng nã súng vào tàu đánh cá Việt Nam gây thương vong, từng dùng “tàu lạ” đâm chìm, bắt giữ tàu cá Việt Nam trong ngư trường lâu nay của Việt Nam và đánh đập ngư dânViệt Nam, đòi tiền chuộc.

Đó là chưa kể sau khi chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa hồi năm 1974 từ Việt Nam CH, Hoa Lục đã tiến hành xây căn cứ quân sự, sân bay, cơ sở hạ tầng, khai thác du lịch ở đó; thực hiện những cơ sở tương tự ở 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa mà họ chiếm từ tay quân đội CSVN hồi năm 1988, đơn phương thăm dò khai thác tài nguyên ở vùng biển tranh chấp, ráo riết tuyên truyền với thế giới về chủ quyền của họ trên Biển Đông, cho thấy chiến lược “Nam tiến” Biển Đông của họ qua ý đồ và nỗ lực tăng cường Hạm đội Nam Hải.

Hành động đó của Phương Bắc khiến nhà nghiên cứu Trung Quốc, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, ông Dương Danh Dy, khẳng định:

“Đối với Trung Quốc thì tôi nói thật như thế này: Chúng tôi không bao giờ chống nhân dân Trung Quốc mà chúng tôi chống hành động bành trướng bá quyền, chống cái đại ác của Trung Quốc thôi. Điều đó là phải khẳng định.”

Chúng tôi không bao giờ chống nhân dân Trung Quốc mà chúng tôi chống hành động bành trướng bá quyền, chống cái đại ác của Trung Quốc thôi.

Ông Dương Danh Dy

Theo GS Nguyễn Hưng Quốc bên Úc, thì trước sự đe dọa trắng trợn của Trung Quốc, Việt Nam lại chọn thái độ nhịn nhục gần như bất động, ra sức lừa dối dư luận trong nước là Hà Nội đang âm thầm giải quyết tranh chấp qua con đường đàm phán trực tiếp với Bắc Kinh. Nhưng, GS Nguyễn Hưng Quốc lưu ý rằng luận điệu ấy không thể dối gạt được ai cả.

Và, luôn trăn trở trước vận nước xem chừng như ngày càng nguy biến, Thầy Nguyễn Thượng Long từ Hà Đông không khỏi không thắc mắc rằng “việc tự mình xé rào “Đa Phương” để một mình một ngựa đến cuộc yết kiến song phương với Đới Bỉnh Quốc ngày 25 tháng 6 năm 2011 vừa rồi, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn đã đưa ra những tung hô quá nhiều về ‘16 chữ vàng’ và ‘4 tốt’ cùng với lời khẩn cầu để có được hòa bình và an ninh cho Biển Đông.

Ông Sơn đâu có đếm xỉa gì đến những tiếng hô của các đòan tuần hành trước Đại Sứ Quán và Lãnh Sự Quán Trung Quốc ở Hà Nội và Saigòn, những tiếng hô ‘Hòang Sa-Việt Nam!’ và ‘Trường Sa-Việt Nam!’. Những tiếng hô, những biểu ngữ này mới là điều người Việt Nam cần nói với người Trung Quốc, mới là quyết tâm đòi và gìn giữ bằng được chủ quyền biển đảo mà Tổ Tiên để lại, chứ đâu gặp gỡ Trung Quốc chỉ để xin xỏ được hòa bình!”.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-16-golden-w-against-vn-tq-07072011174251.html

Trung Quốc Giương cờ và Hạ cánh
2011-07-06

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản Trung Quốc hôm mùng một vừa qua, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào phát biểu rằng đảng phải đảm bảo ổn định xã hội nếu không thì mọi thành quả đạt được đều tiêu vong.

AFP

Những sự kiện quan trọng trong lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1921. Trung Quốc kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng sản hôm 01/7/2011.

Ông nói thêm rằng trong tiến trình phát triển hiện nay, thể nào cũng có vấn đề và xung đột. Trong khi ấy, người ta chú ý đến sự kiện là tư tưởng cực tả thời Mao Trạch Đông đã tái xuất hiện và đang trở thành một chủ nghĩa dân tộc không chỉ nhắm vào Tây phương mà còn có chiều hướng chỉ đạo phương thức sinh hoạt và suy tư của người dân.

Lãnh đạo Trung Quốc đang thấy những gì ở bên trong, 90 năm sau khi đảng Cộng sản ra đời, 60 năm sau khi thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc và 30 năm sau khi tiến hành cải cách kinh tế? Diễn đàn Kinh tế nêu câu hỏi cho nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa qua cuộc trao đổi do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Lãnh đạo TQ âu lo?

Vũ Hoàng: Đài Á Châu Tự Do xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, mùng một Tháng Bảy vừa rồi, Trung Quốc long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Trung Hoa. Trong dịp này người ta lại chú ý đến lời phát biểu đầy ưu lo của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người lãnh đạo cả đảng, nhà nước và quân đội Trung Quốc.

Trong khi ấy, thế giới cũng nói đến sự tái xuất hiện của phong trào "Văn hóa đỏ" - nhất là ở thành phố Trùng Khánh - khiến người ta nhớ đến cuộc "Cách mạng Văn hóa" xảy ra đúng 45 năm trước. Thưa ông, câu hỏi mà nhiều người nêu lên là "chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc"?

Lãnh đạo đảng Cộng sản xứ này thấy những gì mà có vẻ e ngại và dường như còn đang huy động quần chúng vào những chiến dịch tuyên truyền đã từng thấy ngày xưa?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi thiển nghĩ rằng xứ này đang ở vào một khúc quanh khá ngặt nghèo về kinh tế xã hội, lại đang ở giữa giai đoạn chuyển giao quyền lực qua một đại hội đảng, và đảng Cộng sản Trung Quốc thấy ra những bất ổn về chính trị nên mới tìm về phản ứng cách mạng năm xưa. Đây là điều rất đáng lo ngại cho người dân ở bên trong và cho các lân bang bên ngoài.

Vũ Hoàng: Chúng ta không quên rằng 30 năm sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, Trung Quốc đã vọt lên thành một cường quốc kinh tế và năm nay vừa qua mặt Nhật Bản. Thế thì vì sao lãnh đạo của họ lại có vẻ ưu lo như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết, có lẽ ta nên nhìn vào bối cảnh chung của các quốc gia khi khởi sự công nghiệp hóa, với quy luật phổ biến là "đà gia tốc của khoa học kỹ thuật" khiến các nước đi sau tiến nhanh hơn vì tiếp nhận kinh nghiệm và kiến thức của các nước đi trước.

Tây phương mất chừng 200 năm để công nghiệp hóa; sau đó, Nhật Bản mất 125 năm; đến các nước tân hưng Đông Á thì chỉ mất có 50 năm. Cũng trong giai đoạn khởi phát đó, nước Anh mất gần 60 năm để nhân đôi lợi tức bình quân một đầu người, sau đó Hoa Kỳ mất chừng 47 năm, Nhật Bản mất có 34 năm và Nam Hàn mất 11 năm. Trung Quốc cũng thế, từ khi chuyển hướng kinh tế vào năm 1979, xứ này đã thấy lợi tức nhân đôi trong vòng chưa đầy 10 năm đầu tiên.

Với một dân số cực lớn là hơn một tỷ 300 triệu người, tổng sản lượng tăng vọt sau 150 năm lụn bại của xứ này mới gây ấn tượng về một "sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc", hoặc về thành tích của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đó là nói về số lượng và thời khoảng trong giai đoạn "cất cánh" hay khởi phát của một quốc gia.

Nhưng 30 năm sau Đặng Tiểu Bình, chiến lược kinh tế đã đi hết sự vận hành dễ dàng ban đầu và đảng cần có những chọn lựa khác trong khi lại gặp nhiều mâu thuẫn bên trong do chính hệ thống kinh tế chính trị gây ra. Cho nên, kinh tế có thể hạ cánh thiếu an toàn và có khi chính trị sẽ lâm khủng hoảng. Nỗi bất an đó mới khiến một số xu hướng trong đảng phát huy lại tinh thần cách mạng thời Mao Trạch Đông để bảo vệ quyền lực đảng. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có nói đến yêu cầu chiến lược là ổn định thì cũng vì sự ưu lo ấy.

Mâu thuẫn chính trị-kinh tế

Vũ Hoàng: Ông vừa nói rằng chiến lược kinh tế của Đặng Tiểu Bình đã đi hết sự vận hành dễ dãi ban đầu và xứ này gặp nhiều mâu thuẫn do hệ thống kinh tế chính trị gây ra. Xin ông giải thích cho thính giả hiểu rõ hơn sự thể ấy vì dường như Việt Nam cũng áp dụng mô thức cải cách kinh tế của Trung Quốc và đang gặp một số vấn đề tương tự.

017_181612-250.jpg
Cuộc triển lãm lịch sử ĐCS TQ ở tỉnh Chiết Giang hôm 01 tháng 7, 2011 tại Thượng Hải, Trung Quốc, nhân dịp ĐCS TQ kỷ niệm 90 năm thành lập. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau giai đoạn cách mạng hoang tưởng và duy ý chí của Mao khiến xứ này còn lụn bại hơn trước, Đặng Tiểu Bình đã tiến hành cải cách qua việc giải phóng khả năng sản xuất của khu vực tư nhân và áp dụng quy luật tự do của thị trường một cách có chọn lọc. Nhờ vậy mà sản lượng kinh tế tăng vọt nếu ta so sánh với sự suy sụp thảm khốc của "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" thời Mao. Nhưng chỉ 10 năm sau thôi, quy luật thị trường cũng gây ra vấn đề về kinh tế, trước tiên là lạm phát. Và hệ thống kiểm soát chính trị trong nền kinh tế tự do hơn lại sản sinh ra thuộc tính của mọi chế độ độc tài, là nạn tham nhũng, Do đó, năm 1989, xứ này mới bị khủng hoảng, kết thúc bằng vụ thảm sát Thiên an môn vào tháng Sáu năm đó.

Năm 1992, sau khi tuần thú các tỉnh miền Nam, Đặng Tiểu Bình tiếp tục cho phát triển khu vực kinh tế tư doanh vì đấy là động lực cần thiết cho phát triển, nhưng lại củng cố quyền lực đảng cho chặt chẽ hơn. Khi ấy, thiên hạ mới nói đến phép lạ kinh tế Trung Quốc mà ít chú ý đến phí tổn xã hội của cái phép lạ này. Sau khi họ Đặng tạ thế năm 1997, thế hệ thứ ba lên lãnh đạo là Giang Trạch Dân, Lý Bằng và Chu Dung Cơ tiếp tục chiến lược đó và lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng nên mới có tốc độ tăng trưởng gọi là rồng cọp, nhất là từ khi xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001.

Điều sáng tạo của Giang Trạch Dân mà Việt Nam cũng đang kín đáo và dè dặt áp dụng là kết nạp tư doanh vào hệ thống chính trị, cụ thể là cho doanh gia được gia nhập đảng để đảng có thể kiểm soát được doanh trường. Nhưng kết quả lại là sự cấu kết giữa các đảng viên và đại gia kinh doanh để chia chác đặc quyền và đặc lợi. Chính là sự cấu kết này mới cản trở nhiều nỗ lực cải cách của thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ngày nay.

Nhưng kết quả lại là sự cấu kết giữa các đảng viên và đại gia kinh doanh để chia chác đặc quyền và đặc lợi. Chính là sự cấu kết này mới cản trở nhiều nỗ lực cải cách của thế hệ lãnh đạo thứ tư là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ngày nay.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Vũ Hoàng: Nhưng thưa ông vì sao thế hệ thứ tư lại phải tiến hành cải cách và họ bị cản trở như thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Nhìn từ cơ cấu địa dư hình thể Trung Quốc, ta thấy xứ này có ba khu vực khác biệt theo lối gọi là "nhất quốc tam kinh", một quốc gia có ba nền kinh tế mà diễn đàn của chúng ta nhiều lần đề cập tới từ mấy năm qua. Thế hệ Giang Trạch Dân có thấy ra vấn đề là tốc độ tăng trưởng không đều giữa các khu vực nhưng vẫn ưu tiên phát triển khu vực trù phú nhất ờ vùng duyên hải, qua chiến lược xuất khẩu.

Thế hệ Hồ Cẩm Đào càng thấy ra vấn đề chính trị của lối phát triển đầy bất công xã hội nên muốn tập trung quyền lực để trung ương tái phân phối lợi tức cho các tỉnh nghèo và cho các thành phần cùng khốn ở thôn quê hầu tránh nguy cơ động loạn xã hội. Nhưng họ bị chính hệ thống cấu kết giữa các thế lực kinh tế và đảng bộ địa phương cản trở.

Tình trạng cấu kết ấy thực tế khai thác đặc lợi cho một thiểu số chừng 70 triệu đảng viên và hai ba chục triệu đại gia kinh tế, tổng cộng là trăm triệu người so với dân số một tỷ ba, và họ cưỡng chống những chủ trương cải cách bất lợi cho họ. Hệ thống kinh tế chính trị này thực tế là một thế lực phản tiến hóa rất mạnh.

Vũ Hoàng: Một trọng điểm của chiến lược Đặng Tiểu Bình được Giang Trạch dân tiếp tục chính là lấy xuất khẩu làm đầu máy. Thưa ông, tình hình bây giờ có khác hay không và thế hệ Hồ Cẩm Đào hay thế hệ nối tiếp sau Đại hội 18 vào năm tới có chọn lựa nào khác chăng?

Nguyễn Xuân Nghĩa: Sau khi lên lãnh đạo từ năm 2003, thế hệ Hồ Cẩm Đào đã muốn thay đổi và tìm một lực đẩy khác hơn là xuất khẩu hầu tránh được sự khác biệt lợi tức quá lớn giữa các khu vực và thành phần kinh tế. Nhưng họ làm không nổi vì sức kéo hay sự cưỡng chống của các đảng bộ kiếm lời nhờ chiến lược này. Thực tế thì ngày nay, họ vẫn đang phải áp dụng chiến lược xuất khẩu trong khi thế giới đã đổi khác.

Đổi khác vì thế giới ngày nay hết còn các đầu máy nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc như xưa. Cụ thể là ba khối kinh tế giàu mạnh nhất là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đang phải giảm chi và tiêu thụ ít hơn nên xuất khẩu không còn tạo ra tác dụng đòn bẩy cho kinh tế Trung Quốc, cho nên thị trường tiêu thụ nội địa của xứ này phải giữ vai trò thay thế, mà thật ra vẫn chưa đủ lực.

Người ta cứ nói đến sức mạnh rồng cọp của kinh tế Trung Quốc chứ lợi tức một người dân xứ này chỉ bằng 8% lợi tức bình quân của dân Mỹ thôi. Vì vậy, trong những năm tới, với sức mua nội địa chưa đủ mạnh để bù đắp thiếu hụt về xuất cảng, kinh tế Trung Quốc sẽ có đà tăng trưởng chậm hơn trung bình mấy chục năm qua.

Nếu tăng trưởng dưới 8% một năm là bộ máy sản xuất không hấp thụ nổi 14 triệu thanh niên đến tuổi gia nhập thị trường lao động và thất nghiệp trong giới trẻ sẽ là yếu tố khủng hoảng khác, ngoài sự bất mãn phổ biến của dân nghèo về đời sống của họ và về sự lạm dụng của hệ thống kinh tế chính trị, của các tay tư bản đỏ được nhiều đảng viên bảo trợ phía sau. Chính là sự bất mãn phổ biến này mới khiến đảng nói đến việc chuyển hướng từ lượng sang phẩm trong Kế hoạch Năm năm thứ 12, từ 2011 đến 2016. Nếu không thì xứ này có thể bị loạn và càng dễ bị loạn nếu kinh tế hạ cánh không an toàn trong thời gian tới đây.

Củng cố quyền lực

Vũ Hoàng: Phải chăng vì vậy mà đảng Cộng sản Trung Quốc mới đang củng cố quyền lực và lại tung ra khẩu hiệu cách mạng đỏ như dưới thời Mao Trạch Đông?

000_Del484026-250.jpg
Cảnh sát tuần tra đường phố đã yên ắng hôm 15/6/2011, sau nhiều ngày bạo loạn ở Zengcheng- TQ. AFP photo
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi có cảm tưởng là lãnh đạo Trung Quốc đang thiếu thống nhất về các ưu tiên và sau Đại hội năm tới thì Thường vụ Bộ Chính trị có thay đổi lớn với bảy ủy viên mới bên cạnh hai nhân vật có thể lãnh đạo là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Trong hoàn cảnh bất nhất của lãnh đạo trước các mục tiêu mâu thuẫn, lại gặp bất ổn về kinh tế và tranh giành quyền lực trên thượng tầng, Trung Quốc có thể gặp rủi ro lớn.

Chính là trong không khí ấy ta mới thấy xuất hiện xu hướng mị dân lối cực tả là phát huy sức mạnh của quần chúng bằng khẩu hiệu cách mạng như Mao Trạch Đông. Hiện tượng Trùng Khánh giương cờ đỏ là một biểu hiện rõ rệt nhất. Lồng trong đó là tư tưởng ái quốc theo kiểu chủ nghĩa Đại Hán chống mối nguy lũng đoạn của Tây phương hay sự cấu kết của các đảng viên tham ô biến chất với doanh nghiệp nước ngoài. Rồi còn phản ứng bành trướng của nhiều tướng lãnh, vốn cũng có tiếng nói trong hai cơ chế lãnh đạo quân đội là Quân ủy Trung ương của đảng và của nhà nước. Họ đang đẩy những kẻ có tham vọng lên lãnh đạo vào chủ trương bá quyền của nước lớn để tìm thêm phương tiện cho quân đội.

Nếu nhìn về dài thì khi Đặng Tiểu Bình chuẩn bị rút lui vì đã cao tuổi sau năm 1992, ông ta vẫn duy trì chiến lược mở cửa về kinh tế nhưng tuyệt đối kiểm soát chính trị và dựa vào quân đội để chuẩn bị việc chuyển quyền êm thấm cho thế hệ Giang Trạch Dân mà còn chọn người sẽ kế nhiệm Giang Trạch Dân là Hồ Cẩm Đào.

Trong hoàn cảnh bất nhất của lãnh đạo trước các mục tiêu mâu thuẫn, lại gặp bất ổn về kinh tế và tranh giành quyền lực trên thượng tầng, Trung Quốc có thể gặp rủi ro lớn.

Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa

Hơn hai chục năm sau, khi Hồ Cẩm Đào chuẩn bị rút lui, kinh tế bắt đầu có triệu chứng suy trầm với lạm phát và rủi ro bể bóng đầu tư, mà ông ta lại không có uy tín hay ảnh hưởng lớn mạnh như Đặng Tiểu Bình và thực tế thì vẫn phải nương vào các tướng lãnh mà không chọn được người sẽ kế vị sau này.

Kết cuộc thì nếu không thay đổi, đảng sẽ bị khủng hoảng, mà thay đổi không khéo thì càng dễ bị khủng hoảng! Chính là sự phân vân ấy mới là cơ hội tái xuất hiện của các phản ứng cực đoan nhất, khiến nhà nước sẽ kiểm soát kinh tế chặt chẽ hơn và đảng sẽ lấy ý thức hệ cách mạng làm kim chỉ nam, một kịch bản có rất nhiều rủi ro cho các lân bang yếu kém như Việt Nam.

Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã giành cho cuộc phỏng vấn này.

http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/china-un-peaceful-rise-vh-07062011155534.html

No comments: