Kiêu Kỵ còn là quê hương của lưỡng quốc tướng quân Nguyên Sơn (tên thật là Vũ Nguyên Bác). Ông tham gia cuộc Vạn lý trường chinh của Bát lộ quân Trung Quốc, từng là thành viên của Chính phủ Lâm thời nước CHNDTH. Đầu thế kỷ 18, dòng họ Vũ Nguyên của ông đã dựng một "xưởng" làm vàng quỳ lớn, được ghi chép trên văn bia hiện còn lưu giữ ở làng.
Trước Cách mạng tháng 8, nghề làm vàng quý khá phát đạt, cung cấp vàng quỳ cho hầu hết các công trình tín ngưỡng cung đình để giát lên các tượng phật, ngai vàng, hoành phi, câu đối, kiệu rước, cả tranh sơn mài nữa… Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nghề làm vàng quỳ gần như bị mai một. dân làng chuyển sang làm nghề sản xuất đồ dùng bằng da và giả da. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là thời kỳ kinh tế mở cửa, các công trình văn hoá, các di tích lịch sử được khôi phục hoặc xây dựng mới rất cần đến vàng quỳ, do đó nghề truyền thống ở Kiêu Kỵ được khôi phục và phát triển. Hiện có gần 50 gia đình chuyên kinh doanh vàng quỳ, nhiều hộ sản xuất với quy mô lớn, có tới 20 thợ làm việc. Nhờ vậy, hàng trăm thanh niên sau khi rời khỏi trường phổ thông và vài trăm lao động nữ có công việc làm và thu nhập ổn định.
Từ những thỏi vàng, bạc thật được đập cho dài và mỏng (gọi là đập diệp) có bề ngang 1cm, được cắt thành những hình vuông nhỏ 1cm2 rồi đặt vào lá quỳ. Lá quỳ có cạnh dài 4cm được kén từ loại giấy dó (giấy làm tranh Đông Hồ) mỏng và dai, được "lướt" nhiều lần bằng mực tự chế làm bằng loại bồ hóng đặc biệt, trộn với keo da trâu, tạo cho giấy quỳ bền chắc. Mỗi quỳ 500 lá, trên mỗi lá đặt một mảnh vàng nhỏ 1cm2, dùng vải dường bâu Nam Định gói lại, đặt lên đe bằng đá, dùng loại búa chuyên dụng đập lên tập lá quỳ, sao cho mảnh vàng mỏng và tràn bằng lá quỳ.
Cắt nhỏ lá vàng đã đập mỏng thành mười hai mảnh, lấy một mảnh đặt tiếp lên lá quỳ và tiếp tục đập mỏng. Người thợ giỏi có thể đập một chỉ vàng dàn mỏng thành tấm lá vàng có diện tích hơn 1m2. Muốn có một quỳ vàng, người thợ phải đập khoảng một giờ liên tục. Tính ra phải đập trên 400 nhát búa cho một quỳ vàng. Còn ở giai đoạn cuối, khi gỡ vàng trả khách, người thợ phải làm việc trong phòng kín, đeo khẩu trang và ngồi trong màn vì chỉ cần vô ý thở mạnh, vàng cũng đã bay tung. Khi sử dụng, người thợ dùng chiếc bay rất mỏng bằng xương hoặc mảng tre vát mỏng để giát vàng lên các sản phẩm; hoạ sĩ dùng bút vẽ với dầu sơn chấm vào vàng quỳ để vẽ lên tranh sơn mài.
Nghề làm vàng quỳ rất tinh xảo, tỉ mỉ, đòi hỏi nhiều thợ, kiên trì cần mẫn lao động với những thao tác và kỹ thuật. Từ việc xây lò kín và thấp, dùng mùn cưa trộn với keo da trâu, viên nhỏ đốt dưới chiếc nồi ang để tạo bồ hóng, làm mực "lướt" quỳ, vàng phải đập mỏng đều, không rách và chỉ cần lơ đãng một chút là búa quỳ sẽ đập vào ngón tay… 1 chỉ vàng đập mỏng thành 980 lá có diện tích lớn hơn 1m2 thì chưa có ngành công nghiệp nào làm được, kể cả công nghiệp giát vàng của Nhật.
Lượng vàng bạc dùng làm quỳ lệ thuộc vào mùa và thời tiết trong năm, khi các công trình tín ngưỡng và nghệ thuật vào mùa trùng tu, khôi phục và cũng lệ thuộc vào sự phát triển các sản phẩm sơn mài xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ. Số lượng vàng thường ít hơn bạc vài phần, nhưng cũng đến vài kilôgam nguyên liệu mỗi ngày.
Kiêu Kỵ hiện có 3 công trình tín ngưỡng là đình, đền và chùa đều được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc. Hiện Kiêu Kỵ còn giữ được 29 trong số 80 đạo sắc của các triều vua Trần, Lê và Nguyễn phong Khổng bắc tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa làm Thành hoàng làng Kiêu Kỵ. Ông là vị tướng giỏi của Trần Hưng Đạo, hai lần tham gia chống Nguyên Mông và 3 lần đi sứ Trung Quốc giao hoà với các quốc gia phương Bắc. Đền thờ ông được dựng theo kiểu chồng diêm nổi tiếng. Trong chùa làng hiện còn lưu giữ 43 pho tượng làm từ các thế kỷ trước, được sửa lại từ năm 1941 đến nay vẫn giữ nguyên màu vàng son lộng lẫy, có giá trị nghệ thuật điêu khắc cao.
Trong kháng chiến chống Pháp, Kiêu Kỵ nhập với nhiều làng xã bên cạnh thành một xã lớn mang tên Tân Hưng, thuộc tỉnh Hưng Yên (năm 1949 lại chuyển về tỉnh Bắc Ninh). Sau Cải cách ruộng đất (năm 1957), tách các làng: Kiêu Kỵ, Hạ Tốn, Gia Cốc và Xuân Thụy thành một xã mang tên Kiêu Kỵ. Năm 1961, xã được chuyển về TP Hà Nội, cùng với các xã khác trong huyện Gia Lâm.
Kiêu Kỵ có nhiều dòng họ, trong đó có các họ lớn và là họ gốc như Nguyễn, Lê, Phạm Đình, Nguyễn Danh và Đinh. Năm 1928, theo thống kê của Ngô Vi Liễn, làng có đến 7205 nhân khẩu.
Kiêu Kỵ có nền kinh tế khá phát triển, ngoài trồng lúa, còn có hai nghề thủ công có tiếng trong vùng là dát vàng quỳ và làm mực nho. Để làm được mực, phải có chất keo nấu bằng da trâu. Mỗi ngày thường có một con trâu bị giết để phục vụ việc này. Thủ trâu được đưa lên làm lễ thành hoàng, nên có câu:
"Sống ước làm trai Bát Tràng,
Chết ước làm thành hoàng Kiêu Kỵ"
Làng Kiêu Kỵ có đủ cả 3 nơi sinh hoạt văn hóa là đình, đền và chùa (Sùng Phúc tự). Đình và đền thờ hai vị thành hoàng sau đây:
Nguyễn Chế Nghĩa quê ở Hội Xuyên (huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) - một danh tướng thời Trần, lập được nhiều chiến công trong lần chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ ba (năm Mậu Tý - 1288). Tên của ông nay được đặt cho một đường phố nối phố Trần Hưng Đạo với phố Hàm Long.
Nghệ nhân đầu tiên và duy nhất làm tranh đồng thúc nổi Lê Văn Phú giới thiệu với du khách về quy trình làm dòng tranh đòi hỏi tính mỹ nghệ và tính mỹ thuật
Bàn tay tài hoa của người thợ trẻ làng nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội
Nguyễn Quý Trị - người làng, đỗ Hương cống, làm quan Tả Thị lang bộ Binh thời Lê Hiển Tông (1740 - 1786), từng đi sứ sang Trung Quốc và học được nghề giát vàng quỳ rồi truyền nghề cho dân làng, được tôn làm tổ nghề, hàng năm giỗ vào ngày 17 tháng Tám âm lịch.
Hiện trong đền còn lưu 32 đạo sắc của các triều vua phong cho các vị thành hoàng. Đạo sớm nhất ban hành vào năm đầu niên hiệu Đức Long (1629).
Hội làng diễn ra từ ngày 17 đến 20 tháng Tám (là ngày mất của Tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa). Mở đầu hội là lễ rước nước, sau đó là các chầu tế và các trò chơi dân gian.
Làng Kiêu Kỵ cũng là quê hương của tướng Nguyễn Sơn (1908 - 1956). Ông tên thật là Vũ Nguyên Bác, tham gia cách mạng từ năm 1926, vào học trường Quân sự Hoàng Phố và hoạt động trong phong trào Cộng sản ở Trung Quốc, từng tham gia cuộc Vạn lý trường chinh ròng rã suốt năm 1935. Năm 1945, ông về nước, giữ các chức vụ chỉ huy quân sự ở Liên khu 5 rồi Liên khu 4. Năm 1949, được phong quân hàm thiếu tướng, năm 1951, trở lại Trung Quốc, công tác tại Bộ Tổng Tham mưu Quân giải phóng Trung Quốc, được phong quân hàm thiếu tướng, nên gọi là “Lưỡng quốc Thiếu tướng”. Năm 1999, tên của ông được đặt cho một con đường từ phố Ngọc Lâm (nơi có Công viên phường Ngọc Lâm, tức thị trấn Gia Lâm cũ) đến sân bay Gia Lâm, dài 1,5km.
Làng Kiêu Kỵ còn là quê hương của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Đinh Đăng Định
Làng nghề Kiêu Kị chào đón đại lễ nghìn năm Thăng Long. Bức ảnh cho thấy sự đặc biệt của một lễ hội làng thường niên nhưng lại trùng đúng dịp đại lễ với tấm băng rôn Chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội. |
Làng Kiêu Kỵ nằm ở phía bờ bắc sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km. Phía đông giáp làng Trí Trung, phía tây giáp làng Ngọc Động (xã Đa Tốn), phía nam giáp làng Gia Cốc, phía bắc giáp đường 5, gần làng Dương Xá.
Xưa kia dân làng Kiêu Kỵ cũng là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước ở vùng châu thổ sông Hồng nên cuộc sống của họ còn gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai địch hoạ luôn đe doạ. Nhờ có truyền thống cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất và dũng cảm mưu trí trong sự nghiệp dựng làng giữ nước mà người dân nơi đây đã tồn tại, phát triển qua hàng nghìn năm đến tận ngày nay. Trong tiến trình lịch sử đó, dân làng Kiêu Kị đã xây dựng cho mình một cuộc sống ấm no và thịnh vượng nhờ các nghề thủ công truyền thống và đồng thời tạo dựng được một nền văn hoá truyền thống phong phú đa dạng, mang đậm đà bản sắc của quê hương đất Việt.
Hai tám tháng Tám thì về hội Cha
Mùng tám tháng Giêng thì về hội Mẹ
Theo dân làng giải thích rằng: Ngày giỗ Cha (tức ông Nguyễn Chế Nghĩa) vào ngày 28/8 âm lịch hàng năm thì dân làng tổ chức lễ hội rất trọng thể để tưởng niệm công đức của Ngài. Còn vào ngày mùng 8 tháng Giêng là ngày giỗ Mẹ (tức Công chúa Nguyệt Hoa là Phu nhân của ông Nguyễn Chế Nghĩa), dân làng cũng tiến hành tế lễ cúng giỗ linh đình để tưởng niệm.
Theo tiến trình lịch sử dân tộc, nghề quỳ vàng bạc ở quê hương Kiêu Kị cũng trải qua những bước thăng trầm. Đặc biệt trong thời gian chiến tranh chống Pháp và chiến tranh chống Mĩ, nghề quỳ vàng bạc không những kém phát triển mà còn có nguy cơ bị mai một đi nhiều. Phải đến sau chiến tranh, đất nước được hoà bình thống nhất thì dân làng Kiêu Kị đã tiếp tục phục hồi lại nghề quỳ vàng bạc cổ chuyền. Từ chỗ chỉ có chưa đầy một chục hộ làm quỳ nhỏ lẻ, đến những năm gần đây đã lên tới trên 60 hộ làm quỳ vàng bạc. Trong đó có một số hộ đã trở lên khá giả nhờ biết phát huy nghề thủ công truyền thống của ông cha để lại trong cơ chế thị trường hiện nay.
1. Vài nét về lịch sử nghề quỳ vàng bạc
Khi về nước ông chuyền lại nghề này cho dân làng Kiêu Kị. Nhờ biết làm thêm nghề phụ mà dân làng mới có một cuộc sống ngày càng phồn thịnh. Sau khi ông Nguyễn Quý Trị đã chuyền nghề quỳ vàng bạc cho dân làng, thì vào ngày 17/8 âm lịch, ông bỏ đi đâu không ai rõ tung tích. Để tưởng nhớ tới công ơn của ông, dân làng Kiêu Kị đã suy tôn Nguyễn Quý Trị là Tổ sư nghề quỳ vàng bạc, và lấy ngày ông ra đi làm ngày cúng giỗ Tổ sư hàng năm. Xưa kia, việc lo cúng lễ vào dịp giỗ Tổ nghề do dân của 4 chạ: Chạ Đông, chạ Nam, chạ Đoài và chạ Bắc của làng cùng thay nhau gánh vác.
Ngoài ngày giỗ Tổ nghề vào ngày 17/8 ra, dân làng Kiêu Kỵ còn có tục lệ cúng lễ Tổ nghề vào ngày 12 tháng Giêng, các gia đình theo nghề quỳ vàng bạc làm lễ xôi gà đem đến cúng Tổ nghề tại điện thờ trong nhà Tràng. Sau đó về nhà làm nghi thức “khai tràng” (tức là lễ khai búa đập quỳ). Do đó ngày 12 tháng Giêng trở thành ngày khai tràng đập quỳ của dân làng. Kể từ đây tiếng đập quỳ lại vang lên đều đặn trong các gia đình như mọi khi.
Còn cách đây khoảng 100 năm dân làng phát triển thêm một nghề phụ nữa là nghề may da. Khi đó da trâu bò lại trở thành nguyên liệu chính để cung cấp cho nghề may da phát triển. Có lẽ người thợ thủ công khéo tay đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong làng để phát triển nghề may da cũng nên (!?). Đó cũng chỉ là sự suy đoán của chúng tôi, khi tìm hiểu cội nguồn gốc rễ của các nghề truyền thống ở làng Kiêu Kị mà thôi.
Mặt khác làng Kiêu Kị có vị trí khá thuận tiện về giao thông thuỷ bộ lại cách kinh thành Thăng Long không xa, nên ông Nguyễn Quý Trị đã chọn nơi đây để chuyền dạy nghề quỳ vàng bạc, phục vụ cho việc xây dựng và trùng tu bảo dưỡng sơn son thiếp vàng các công trình kiến trúc của vua chúa, như cung điện, lầu son, gác tía... và những nơi thờ cúng như đền chùa, miếu điện ở kinh đô. Nhờ có nghề phụ tương đối phát triển mà đời sống của người dân Kiêu Kị xưa kia dưới thời phong kiến cũng khấm khá hơn các làng xã khác trong vùng.
Sau năm 1945, trong chiến tranh chống Pháp nghề quỳ vàng bạc của dân làng Kiêu Kị không mấy phát triển do nhu cầu tôn tạo sửa chữa các đình đền, chùa miếu trong giai đoạn chiến tranh không nhiều như trước nữa, người ta chỉ làm ruộng là chủ yếu. Đến khi miền Bắc được giải phóng, sau cải cách ruộng đất một số gia đình trong làng Kiêu Kị lại tiếp tục khôi phục và phát triển nghề quỳ vàng bạc truyền thống của quê hương. Khi ấy ở Hà Nội mới có điều kiện tiến hành sửa chữa trùng tu, tôn tạo đình chùa, miếu mạo nên rất cần có quỳ vàng bạc để chỉnh trang, sơn son thiếp vàng các di tích kiến trúc cổ này của thủ đô. Vì vậy nghề quỳ vàng bạc ở Kiêu Kị đã có cơ hội thuận lợi để phục hồi và phát triển.
Trong thời kì xây dựng Hợp tác hoá nông nghiệp thì những hộ làm quỳ vàng bạc cũng tập hợp lại thành một tổ sản xuất nghề phụ, chịu sự quản lí của Ban chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp làng Kiêu Kị. Khi ấy mọi xã viên làm quỳ vàng bạc đều phải đem đồ nghề đến làm tập trung tại nhà Tràng. Hợp tác xã cắt cử người chuyên lo chạy nguyên vật liệu và lo mua sắm, sửa chữa dụng cụ nghề. Người phụ trách tổ làm quỳ vàng bạc khi đó là ông Lê Văn Thân, người có tay nghề cao nhất làng làm tổ trưởng.
Đồng thời ông Thân còn làm thầy chuyền dạy nghề quỳ vàng bạc cho con em xã viên trong tổ hợp tác này khi họ có nhu cầu. Do tính đặc thù của nghề này nên Hợp tác xã áp dụng theo cách khoán gọn, hoặc khoán từng khâu và quy thành công điểm để chia thóc. Còn sản phẩm quỳ làm ra thì Hợp tác xã phải lo tiêu thụ. Thường thì theo đơn đặt hàng của công ti Mĩ nghệ, vàng bạc đá quý Hà Nội, rồi công ti lại đem quỳ vàng bạc cung cấp cho các nơi có nhu cầu tôn tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc cổ kính của thủ đô, như chùa Một Cột, chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc, đền Ngọc Sơn .v.v... Nhìn chung đời sống của bà con làm nghề quỳ vàng bạc khi đó cũng tạm ổn.
Vào cuối những năm 80 của thế kỉ XX, bắt đầu thời kì Đổi mới, khi Nhà nước thực hiện cơ chế “khoán 10” trong sản xuất nông nghiệp thì các nghề thủ công ở làng Kiêu Kị được tách dần ra khỏi Hợp tác xã và sản xuất với quy mô nhỏ theo các hộ gia đình. Lúc đầu nhiều hộ làm quỳ vàng bạc cũng gặp không ít khó khăn về vốn, về nguyên vật liệu và tiêu thụ sản phẩm. Sau một thời gian nhờ chuyển đổi cơ chế đã làm cho sản xuất và kinh tế phát triển mạnh, đời sống của nhân dân ta ngày càng được cải thiện. Trong bối cảnh đó bà con nông dân ở nhiều địa phương đã dấy lên phong trào trùng tu, sửa chữa những công trình kiến trúc cổ như: đình chùa, đền miếu, mà lâu nay để hoang phế rêu phong.
Đồng thời việc phục hồi lễ tết và hội hè truyền thống ở nhiều nơi cũng bùng lên một cách tự phát. Do đó nhu cầu về tín ngưỡng tâm linh của dân chúng cũng trở nên sôi động và phức tạp hơn. Việc chỉnh trang và sơn son thiếp vàng những nơi thờ cúng trong các đền chùa, đình miếu được nhiều nơi làm. Tất cả những điều vừa nêu đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho nghề quỳ vàng bạc của dân làng Kiêu Kị phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Nhiều hộ gia đình đã bỏ vốn lớn ra để làm quỳ theo quy trình khép kín và tận dụng tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng tham gia vào các khâu sản xuất phù hợp với tuổi tác và sức khoẻ của từng người.
Chẳng hạn, thanh niên trai tráng thì đập quỳ, còn phụ nữ và trẻ em thì làm những việc nhẹ nhàng hơn như: lướt mực vào lá quỳ vỡ và lướt mực vào lá quỳ giống (bôi mực lên những miếng giấy bản vuông 5x5cm, để làm lá giống đánh quỳ), hay nong quỳ và dỡ quỳ ra khỏi lá giống khi đã đánh xong v.v... Còn chế mực và một số khâu khó thì dành cho những người thợ có nhiều kinh nghiệm trong nghề làm.
Trong những năm gần đây nghề làm quỳ vàng bạc của làng Kiêu Kị đã phát triển thành hai loại: làm quỳ vàng, quỳ bạc cựu và làm quỳ bạc tân. Trong đó quỳ vàng và quỳ bạc cựu được làm từ vàng hay bạc thật, còn quỳ bạc tân được làm từ thiếc.
Tất nhiên giá của một quỳ làm bằng vàng bạc thật đắt hơn hàng chục lần so với giá của một quỳ bạc tân. Điều đó chứng tỏ nghề quỳ vàng bạc của làng Kiêu Kị cũng phải phát triển theo nhu cầu của thị trường. Do quỳ bạc tân rẻ hơn nhiều so với quỳ bạc cựu nên nhu cầu tiêu thụ rất lớn. Có lẽ vì thế mà số hộ làm quỳ tân ở đây chiếm ưu thế trên 70%, phần lớn là các hộ gia đình trẻ mới kế thừa và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại khoảng mươi năm trở lại đây. Nhờ biết làm ăn tính toán mà nhiều hộ gia đình sống khá giả bằng nghề quỳ vàng truyền thống và làm giầu đẹp cho quê hương đất nước.
Hiện nay ở làng Kiêu Kị còn một số cụ làm nghề quỳ vàng bạc từ nhỏ và có tuổi nghề trên 60 năm, như cụ Lê Văn Thân sinh năm 1918, hành nghề từ lúc 16 tuổi, năm nay cụ Thân đã 85 tuổi và có tuổi nghề là 69 năm. Năm nay cụ còn khoẻ mạnh và vẫn tham gia làm cùng con cháu; đặc biệt giờ đây việc làm cán búa để đánh quỳ bằng gỗ cây xưa, cả làng chỉ còn duy nhất có cụ làm được mà thôi. Cụ Thân đã chuyền dạy nghề quỳ vàng bạc cho con cháu và bà con dân làng từ nhiều năm nay. Hiện nay con cháu của cụ đang nối nghiệp và làm chủ được nghề truyền thống của quê hương Kiêu Kị, và đang trở nên khá giả hơn trước nhiều. Cụ Thân thật xứng đáng được tôn vinh là nghệ nhân nghề quỳ vàng bạc truyền thống của làng Kiêu Kị.
2. Những nguyên vật liệu chủ yếu để làm quỳ
a. Nhóm nguyên liệu cơ bản dùng để làm quỳ cũng có hai loại: Nguyên liệu làm quỳ cựu và nguyên vật liệu làm quỳ tân
Làm quỳ cựu phải dùng vàng thật và bạc thật, còn nguyên liệu làm quỳ tân thì dùng thiếc ( hay còn gọi là vàng bạc giả), như các loại giấy tráng kim dùng để bao gói các loại hàng hoá; hoặc tráng kim hay mạ các loại đồ trang sức và đồ mĩ nghệ không đắt tiền.
b. Nhóm nguyên vật liệu phụ trợ gồm có nhiều loại:
Giấy bản (hay còn gọi là giấy dó) và những nguyên liệu để làm mực quỳ gồm nhựa thông, mùn cưa để đốt lấy bồ hóng, da trâu nấu thành keo để nhào với bồ hóng làm mực.
3. Những dụng cụ để hành nghề quỳ
- Búa cán vàng bạc nặng 1,8kg.
- Búa đánh quỳ nặng 1,5kg, mặt búa có độ vát 15 độ, cán làm bằng gỗ cây xưa (trông giống gỗ xoan rừng).
- Bàn ép giấy khô được làm bằng hai miếng ván gỗ (trên một và dưới một ván), hai đầu có bu lông để vít ốc khi ép gấy cho khô kiệt nước.
- Cối đá và chày tay để giã mực.
- Bàn đá hình vuông rộng 0,5 - 0,6 mét vuông, dày 35cm - 40cm, nặng hơn 1 tạ, dùng để kê đập quỳ cho 2 người đánh quỳ một lúc.
- Miếng đá nhỏ hình thang nghiêng 35 độ, nặng 1,5kg dùng để lướt (hay bôi) mực vào lá giống hay lá vỡ.
- Đai buộc quỳ bằng loại vải dày như vải ka ki.
- Kéo nhỏ sắc dùng để cắt dòng.
- Cái bay mỏng dùng để chạy bạc hay chạy vỡ hoặc bay để lấy quỳ ra xếp thành xấp quỳ.
- Lá vả dùng để phơi khô các lá giống khi lướt mực xong.
- Mâm gỗ hình chữ nhật dùng để chạy vàng hay chạy bạc.
- Một cái niêu đất chịu nhiệt nhỏ bằng quả chanh hay bằng cái chén uống nước nhỏ, dùng để nấu chảy vàng hay bạc.
- Bếp lò và bễ kéo tay.
Bếp lò dùng để sấy nóng quỳ trước khi đập dát mỏng.
- Một bộ đe búa dùng để cán mỏng vàng hay bạc thành dây dài.
4. Quy trình gia công làm quỳ vàng bạc
Phải qua 8 khâu chính và hàng chục khâu phụ dưới đây:
a. Chế biến mực
Người ta đem nhựa thông nhào với mùn cưa, rồi viên to bằng ngón chân cái. Sau đó lấy cái chảo gang treo lên cao khoảng 15 - 20 cm trong bếp lò để hứng bồ hóng, rồi lần lượt đốt các viên nhựa thông trộn mùn cưa cho khói đen bốc lên tập trung bám vào đáy chảo. Bếp lò dùng để đốt nhựa thông được xây bằng gạch cao 1,2 - 1,4 m, rộng 1,5 - 2m2, để có thể treo được 4-5 cái chảo loại nhỏ có đuờng kính là 30cm.
Và cửa lò rộng chạy dọc theo thân lò, có tấm tôn che cho kín gió khi đun, phía trên có mái che kín và xây một ống thông khói. Đốt hết 10 kg nhựa thông mới được 1 lạng bồ hóng loại một hay còn gọi là mực cái (đọng ở vùng giữa đáy chảo) và một ít bồ hóng loại hai hay còn gọi là mực con (đọng ở xung quanh đáy chảo). Bồ hóng loại một dùng làm mực lướt lá quỳ giống mới tốt, còn bồ hóng loại hai dùng để chế thành mực viết các văn bản chữ Nho và chữ Nôm cũng tốt không thua kém gì mực Tàu chính hiệu. Chính vì vậy mà có người đã lầm tưởng rằng ở làng Kiêu Kị xưa kia có cả nghề làm mực Tàu.
Sau đó lấy một bộ da trâu cho vào nồi to, đổ nước ngập da, rồi chất củi vào bếp nấu kĩ thành keo đặc quánh. Việc nấu da trâu cho đến khi thành keo phải kéo dài cả ngày đến hàng chục giờ đồng hồ mới được. (Gần đây keo da trâu cô đặc sấy khô mua ở phố Thuỵ Khuê rất tiện không phải nấu lại như trước nữa).
Bước tiếp theo người ta đem bồ hóng nhào với keo da trâu cho thật nhuyễn theo một tỉ lệ nhất định, rồi đem lọc kĩ loại bỏ cặn hay những cục vón đi. Rồi đem hỗn hợp này cho vào nồi đun sôi lăn tăn, cô đặc. Sau đó lại lấy keo mực ra cho vào cối giã thật kĩ như giã giò thành keo đen đặc quánh, thời gian giã mực kéo dài khoảng 6-7 giờ đồng hồ mới xong một cối. Sau đó đem thứ bột đen mịn này nhào với keo da trâu theo tỉ lệ nhất định thành loại chất lỏng màu đen sẫm đặc sánh; rồi lại lấy xô màn lọc kĩ một lần nữa. Đó chính là quy trình làm mực; mực này trông giống như mực Tàu dùng để lướt ( bôi hay phết ) vào giấy dó ( là giấy bản làm bằng cây dó) làm lá giống để đánh quỳ; hoặc lướt vào lá quỳ vỡ để đánh vỡ làm quỳ ở cung đoạn sau.
b. Pha giấy dó:
Giấy bản mua về rồi đem pha thành miếng nhỏ có quy vuông là 5cm2 (xưa kia người ta pha giấy ra hình chữ nhật). Sau đó xếp thành từng xấp dày có 500 lá quỳ; mỗi xấp giấy như vậy sẽ làm thành một quỳ vàng, hay một quỳ bạc về sau. Rồi tiến hành đưa các buộc giấy đó đi ngâm nước và ép khô.
c. Đập và bóc giấy quỳ:
Người ta đem các xấp giấy quỳ dấm nước, ép khô, rồi đem đi đập tất cả 5 lần và bóc 5 lần liền như sau: bóc ướt, nấm giai, thâm tím, bong chập, bóc cải và cải giấy
d. Lướt mực và đập giấy quỳ giống:
Sau khi đập và lướt giấy bản xong thì người ta tiến hành ngay việc lướt mực vào làm giấy giống để đập quỳ. Lướt mực được làm như sau: Người thợ đem các xấp giấy đã qua 5 lần lướt nước và đập khô, rồi dùng chổi nhỏ lướt mực tàu lên hai mặt của từng tờ giấy bản đặt trên bề mặt của hòn đá hình thang nghiêng 35 độ, sau đó phơi lên lá vả để nơi thoáng cho khô. Khi giấy đã khô thì chỉ việc cầm cả chồng lá vả rũ mạnh là các tờ giấy bong ra hết.
Những tờ giấy này lại được xếp vào thành từng quỳ 500 tờ, rồi lấy đai buộc chặt lại và tiến hành đập một hồi lâu. Sau đó lại dỡ ra từng lá và lại lướt mực lên, rồi phơi lên lá vả cho khô. Tiếp theo đó xếp lại thành quỳ và lấy đai cột chặt lại và đem đập một hồi lâu. Rồi lại dỡ ra đem lướt mực xong lại phơi trên lá vả cho khô như lần trước, và lại xếp vào quỳ và đập tiếp.
Như vậy phải làm tất cả là 3 lần mới được giấy quỳ giống để cho miếng dòng vàng hay bạc vào đánh thành qùi ở cung đoạn sau. Đây là phần việc quan trọng nhất mang tính quyết định đến chất lượng của việc dát mỏng vàng bạc sau này. Công việc vừa nêu người trong nghề gọi là làm quỳ cũ.
Một điều cần lưu ý khi lướt và đập giấy quỳ thì phải loại bỏ những tờ giấy bị rách nát ra, nếu sơ ý quên thì lúc cho vàng bạc vào đánh quỳ sẽ bị vỡ vụn, hoặc dàn mỏng không đều làm ảnh hưởng đến chất lượng của quỳ.
đ. Pha giấy khấu làm lá qùi vỡ:
Giấy khấu cũng làm bằng vỏ cây dó nhưng dầy hơn giấy bản, giống như giấy xi măng. Người ta mua giấy khấu về rồi pha ra thành miếng có quy vuông là 7cm2. Đó chính là miếng giấy dùng để cho các miếng diệp vàng hay bạc vào đánh vỡ. Pha giấy xong xếp lại thành từng xấp dày từ 200 đến 300 lá vỡ, và mỗi xấp giấy này được gọi là một vỡ.(Số lượng lá vỡ trong một vỡ tuỳ thuộc vào việc làm quỳ vàng, quỳ bạc cựu hay quỳ bạc tân).
e. Lướt mực và đập giấy quỳ vỡ:
Sau khi pha giấy vỡ xong thì đem các lá quỳ vỡ này cho vào nồi luộc kĩ, và vớt ra cho vào bàn ép khô, rồi đập cải. Tiếp đến phải gỡ bong ra từng lá, rồi lướt mực lên các lá vỡ tương tự như lướt lá quỳ và phơi khô trên lá vả, tạo cho các lá vỡ có độ đen nhẵn bóng là được. Cung đoạn này người trong nghề gọi là làm quỳ mới hay quỳ dòng.
g. Cán vàng, bạc cũng phải qua các cung đoạn sau:
- Trước hết là pha chế vàng bạc rồi cho vào nồi (làm bằng đất sét to hơn ngón chân cái) nấu trên bếp lò có bễ kéo bằng tay cho chảy ra; rồi đổ ra rãnh nhỏ bằng nửa chiếc đũa, thành thỏi dài 10cm. Xưa kia người ta thường làm quỳ vàng bằng vàng nguyên chất nên phải có công thức pha chế là 1 chỉ vàng + 1/10 chỉ bạc thành vàng trên 85% để đánh quỳ mới dẻo không bị vỡ vụn. Còn bạc nguyên chất thì không cần pha chế. Tiếp theo người ta đem thỏi vàng hay bạc để lên đe, rồi lấy búa đập cán dài ra, càng dài càng tốt. Theo kinh nghiệm của các cụ cao niên trong nghề quỳ vàng bạc thì 1 chỉ vàng (hay 1 chỉ bạc) cán dài được 2 mét là vừa đẹp. Sau đó đem cắt sợi vàng (bạc) này ra thành từng đoạn nhỏ bằng chiếc móng tay (khoảng 1cm2) và gọi đó là những miếng diệp.
h. Đánh vỡ:
Người ta đem nong những miếng diệp đó vào giữa các lá vỡ, rồi buộc thành từng vỡ và xếp hết lượt vào lồng cho lên bếp lò sấy một đêm. Sau đó bít đai chặt lại, và tiến hành đập đều tay bằng búa kê lên phiến đá cho đến khi miếng diệp vàng nhỏ 1cm2 mỏng dàn kín 4 chiều cái vỡ là được. (Tức là theo quy vuông 7x7cm).
i. Cắt dòng :
Sau khi đánh vỡ xong thì đem gỡ miếng diệp vàng ra và dùng kéo cắt nhỏ thành 9, hay 12 miếng đều nhau để nong vào giấy quỳ giống đã được chuẩn bị sẵn.
k. Đánh quỳ:
Sau khi nong các miếng dòng cắt ra từ quỳ vỡ vào giữa các giấy quỳ giống thành từng quỳ xong thì cũng phải xếp vào lồng và đặt lên bếp lò sấy nóng trong một đêm. Sau đó lấy từng quỳ ra buộc đai vào cho chặt, rồi bắt đầu đập bằng búa tay, kê quỳ lên bàn đá, và đập đều tay cho đến khi miếng quỳ mỏng dính dàn đều ra 4 cạnh lá quỳ (5x5cm) là được. Trung bình mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc cựu phải đánh liên tục trong khoảng 1 tiếng đồng hồ mới xong. (Theo cách gọi của người trong nghề là quỳ dừ – tức là lá quỳ mỏng dính dàn đều ra bốn phía không bị rách nát).
Như vậy theo ước tính 1 chỉ vàng hay 1 chỉ bạc cựu có thể dát mỏng ra được rộng gần 1 mét vuông.
l. Trại quỳ thu thành phẩm:
Trước tiên người ta phải tiến hành pha cắt giấy để trại quỳ bằng loại giấy bản mỏng và nhẵn cả hai mặt, theo kích thước tương ứng với giấy quỳ có quy vuông là 5x5cm. Sau đó xếp giấy và buộc thành từng bó 50 tờ một. Tiếp theo là cung đoạn cuối cùng được tiến hành sau khi đánh quỳ xong thì những người thợ tinh mắt khéo tay dùng chiếc bay nhỏ nhẹ nhàng gỡ các lá quỳ ra, rồi lần lượt nong vào giữa các miếng giấy bản nhỏ có quy vuông là 5cm2, cho đến khi nào hết một quỳ thì niêm phong thành từng gói.Theo nghề quy định mỗi quỳ vàng hay quỳ bạc có 500 lá quỳ và được bó lại thành 10 buộc. Như vậy mỗi buộc có 50 lá quỳ. Và cứ một chỉ vàng hay bạc đánh được 22 buộc = 2,2 quỳ. Theo giá cả hiện nay trên thị trường thì 1 quỳ vàng là 330.000đ – 350.000đ., còn 1 quỳ bạc cựu là 26.000đ – 30.000đ; và 1 quỳ bạc tân giá chỉ có 9.000đ - 10.000đ mà thôi.
5. Đời sống hiện nay của người thợ làm quỳ vàng bạc
Thu nhập của người thợ làm quỳ vàng bạc ở Kiêu Kị tương đối cao và hơn hẳn so với làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Tiền công của thợ làm quỳ vàng và quỳ bạc cựu có 2 mức: Thợ nong quỳ và lướt giấy quỳ trung bình một ngày công được 7000-8000đ. Còn thợ đập quỳ có thu nhập cao hơn gấp 4-5 lần, một ngày công được 30.000 - 40.000đ.
Trong vài thập niên trở lại đây thì một số gia đình làm quỳ có uy tín lâu năm đã tổ chức thành quy trình sản xuất khép kín tất cả các khâu: từ khâu nấu mực, làm giấy quỳ giống và giấy quỳ vỡ đến khâu đánh quỳ và trại quỳ thu sản phẩm. Do vậy một số gia đình khác không có khả năng, thì nhận làm một số khâu ở các chủ nhỏ như khâu lướt giấy quỳ và giấy giống; Hoặc một số thanh niên còn đang đi học, hay chưa có việc làm thì nhận đập quỳ thuê cho các chủ có nhu cầu cần người làm giúp khi con cháu trong nhà không làm xuể.
Và trong từng hộ gia đình làm quỳ vàng bạc như thế cũng phải có sự phân công lao động một cách hợp lí như: người chủ nhà điều hành công việc chung, và chuyên lo chạy nguyên vật liệu và tìm mối tiêu thụ sản phẩm. Còn các thành viên khác trong gia đình phải làm tất cả các khâu trong dây chuyền sản xuất quỳ. Nếu người nhà làm không hết việc thì chủ nhà phải thuê người làm giúp. Chính vì lẽ đó mà nghề quỳ vàng bạc ở làng Kiêu Kị lúc đầu có xu hướng cạnh tranh nhau, nhưng chỉ ở mức độ cạnh tranh lành mạnh. Và các chủ hộ làm quỳ vẫn sẵn sàng giúp nhau không chỉ trong các khâu sản xuất, mà cả khâu tiêu thụ sản phẩm; Hoặc thỉnh thoảng trao đổi với nhau các cung cách làm ăn, để cùng nhau làm giàu cho gia đình và cho quê hương. Có lẽ vì đây là một nghề truyền thống của chung cộng đồng làng xã, nên vẫn nặng tình làng, nghĩa xóm của những người cùng quê hương bản quán.
Tuy nhiên trong những năm gần đây do nhu cầu ở trong nước tăng nhanh đã có tác động tích cực để cho nghề quỳ vàng bạc của dân làng Kiêu Kị phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn mang tính tự phát. Hàng loạt các hộ chuyển sang làm quỳ bạc tân đã sản xuất ồ ạt tung ra thị trường, dẫn đến cung lớn hơn cầu, và bắt đầu xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hộ chuyên làm nghề quỳ bạc tân ở làng Kiêu Kị, họ đã tự ý hạ giá thành sản phẩm để dễ tiêu thụ. Dẫn đến bị tư thương lợi dụng ép giá các hộ khác, không mua sản phẩm của họ nữa theo giá cũ, làm cho một số gia đình vốn ít bị lao đao hoặc đình đốn trong sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời gía trị ngày công lao động cũng giảm xuống theo rất thấp, gây khó khăn cho những thợ chuyên đi làm thuê.
Chẳng hạn công thợ làm quỳ bạc tân hiện nay chỉ là 6.000đ/1 ngày; công của thợ đánh quỳ tân chỉ còn 10.000đ đến 12.000đ/1 ngày, (giảm từ 20% tới 30% so với trước). Trong khi đó giá nguyên vật liệu lại mỗi ngày một tăng cao. Đó chính là mặt trái của cơ chế thị trường mà người thợ thủ công khó bề kiểm soát hết được.
Nên chăng việc bao tiêu sản phẩm phải có một số người nhiều vốn, lại thông thạo trong việc mua bán trên thị trường đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm quỳ các loại cho cả làng theo giá cả ổn định chung, để tránh việc mua bán tuỳ tiện phá giá của nhau và không cho tư thương ép giá người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Các hộ gia đình làm nghề quỳ vàng, quỳ bạc ở trong làng nên họp bàn với nhau để đề ra phương án sản xuất sao cho phù hợp và cân đối giữa cung và cầu thì mới ổn định được sản xuất về lâu dài.
Để làm ra một sản phẩm quỳ vàng hay quỳ bạc với chất lượng cao thì phải có sự kết hợp nhịp nhàng của nhiều người thợ trong một dây chuyền sản xuất đồng bộ và khép kín. Thực tế đã cho thấy, sản phẩm quỳ vàng và quỳ bạc do dân làng Kiêu kị làm ra đã đáp ứng được yêu cầu của các nghệ nhân sơn thiếp vàng bạc và các nhà hoạ sĩ vẽ tranh sơn mài từ nhiều năm nay, và không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn ở cả nước ngoài. Có thể nói sản phẩm quỳ vàng, quỳ bạc của làng Kiêu Kị đã góp phần làm đẹp cho đời. Đó chính là cái đẹp tiềm ẩn hay cái thần hồn trong mỗi pho tượng hay trong mỗi bức tranh do người thợ quỳ vàng bạc tài khéo của làng nghề Kiêu Kị góp phần làm ra đã từng nổi tiếng hàng trăm năm nay.
Điều đó tương đối phù hợp với một làng nghề như Kiêu Kị vốn chỉ có ít ruộng, mà đất chật người đông. Mặt khác nhiều người dân trong làng do biết quý trọng nghề quỳ vàng bạc của cha ông để lại nên đã cố gắng động viên con cháu học lấy nghề và kế tục lâu dài nghề quỳ vàng bạc cho muôn đời về sau. Phải chăng đó là những tiền đề thuận lợi để nghề quỳ vàng bạc phát triển lâu dài. Tuy nhiên, nghề này cũng gặp không ít khó khăn trong cơ chế thị trường.
Trong lúc còn đang lúng túng chưa tìm được giải pháp hữu hiệu, thì những người thợ thủ công sống chủ yếu bằng nghề quỳ vàng bạc ở làng Kiêu Kị có chung ước vọng - Đó là nhờ Nhà nước có biện pháp hữu hiệu can thiệp với ngành thủ công mĩ nghệ nên xây dựng kế hoạch phát triển ổn định trước mắt và lâu daì cho các làng nghề thủ công truyền thống ở ven đô trong đó có làng nghề quỳ vàng bạc Kiêu Kị. Đồng thời chú trọng đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng thủ công mĩ nghệ có liên quan và sử dụng đến các sản phẩm quỳ vàng cũng như quỳ bạc của làng nghề Kiêu Kị, nhằm mục đích đảm bảo cho các gia đình sản xuất quỳ phát triển đúng hướng phục vụ theo nhu cầu thị trường ở trong nước và cả ở nước ngoài. Nếu có điều kiện thì Nhà nước nên đứng ra tổ chức lại sản xuất và bao tiêu sản phẩm nhằm giữ giá cả ổn định để người sản xuất quỳ đỡ bị thiệt thòi; Và làm họ yên tâm sống với nghề của ông cha để lại, góp phần làm đẹp cho đời và cho quê hương đất nước.
(kieuky.com)
Ở Việt Nam, Kiêu Kỵ là làng nghề duy nhất làm quỳ bằng “vàng ròng bạc thật” (còn gọi là quỳ cựu). Ngày nay, khi quan niệm dùng đồ sơn son thiếp vàng là “phong kiến” không còn nữa thì nghề dát vàng quỳ được phục sinh và phát triển mạnh. Dân Kiêu Kỵ đi khắp mọi miền để hành nghề, nhưng chỉ làm quỳ tân, là loại quỳ dát bằng thiếc, mặc dù sản phẩm của họ vẫn mang bóng dáng của quê nhà. Quỳ cựu chỉ dành riêng để làm sản phẩm ở đất tổ nghề. Mỗi hộ gia đình làm quỳ có một nét đặc trưng riêng nên sản phẩm dù ở phương trời, góc bể nào thì người Kiêu Kỵ vẫn biết được ai là người đã tạo nên nó.
HNM
No comments:
Post a Comment